Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

55 năm

LTS: Cách đây 55 năm (25/8/1954 - 25/8/2009), dòng sông Bến Hải - cầu Hiền Lương - vĩ tuyến 17 đã được Hiệp định Giơnevơ lấy làm ranh giới phân định tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc. Đó là một vết cắt của lịch sử vào nỗi đau của những người con đất Việt. Với vết cắt ấy, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Hơn 5 thập kỷ qua, mảnh đất hiền hoà bên dòng sông Bến Hải này đã đi qua bao đau thương, mất mát viết nên những trang sử vàng chói lọi và vươn lên với một sức sống kỳ diệu để xứng đáng với tên gọi: Vĩnh Linh “Luỹ thép - luỹ hoa”! Nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của vùng quê này. CV. Xin giới thiệu bạn đọc bài viết của đồng chí Hoàng Đức Thắng -TUV - Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Linh.

Trên dặm dài thiên lý Bắc - Nam, qua trăm sông ngàn phố của dãi đất thân thương hình chữ S này, hãy một lần dừng chân ở mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Trị, nơi được ví là “chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu đất nước”, chúng ta sẽ gặp dòng Bến Hải xanh trong với cây cầu Hiền Lương lịch sử, dưới chân phủ bóng kỳ đài lồng lộng trãi dài giữa mênh mông đồng lúa, rừng cây xanh ngút tầm mắt của mảnh đất Vĩnh Linh một thời hoa lửa được mệnh danh là “Luỹ thép”, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đến Cửa Tùng, Cồn Cỏ dào dạt sóng biển Đông; bao tên đất, tên làng, tên núi, tên sông của mảnh đất này đã đi vào tâm thức, tình cảm, dấu ấn, kỷ niệm trong lòng những thế hệ người Việt. Để hôm nay, khi bước vào CNH-HĐH, với hành trang, ý chí và khát vọng, với sức vươn mạnh mẽ và những thành tựu KT-XH to lớn đạt được, miền quê bên bờ bắc dòng sông giới tuyến Bến Hải ngày nào còn được gọi với cái tên trìu mến - “Luỹ hoa” của thời kỳ đổi mới.

            Ngược dòng lịch sử 55 năm về trước, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 với sông Bến Hải, cầu Hiền Lương thuộc huyện Vĩnh Linh làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam- Bắc. Ngày 25/8/1954, khi tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương vào Nam, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Bước vào một giai đoạn mới, cái tên Vĩnh Linh cũng bắt đầu được biết đến và nổi tiếng từ đây, dù rằng đất này đã có một bề dày truyền thống lịch sử và những giá trị văn hoá rất đặc sắc, đã được hun đúc từ hàng chục thế kỷ trước. Từ thời nhà Lý thịnh trị, tiến hành mở mang bờ cỏi về phương Nam, đến cuộc hôn nhân lịch sử của công chúa Ngọc Hân mang về hai châu Ô, Lý cho nước Việt. Từ những “vườn đào tụ nghĩa” bên bờ biển Cửa Tùng của vua Duy Tân và các sĩ phu, sôi sục lòng căm, khắc khoải nỗi niềm mất nước, đã tụ hội bàn cách đánh đuổi giặc Pháp, mà mộng lớn vẫn phải dở dang; đến dấu chân của các nghĩa sỹ Cần Vương trên đường thượng đạo, phò tá vua Hàm Nghi lánh nạn. Vĩnh Linh chính là một phần trong những câu chuyện lịch sử ấy.

Để có danh xưng, hình tượng “Luỹ thép” phải bắt đầu từ thời khắc 20/7/1954, giữa trời Âu xa tít, khi hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, mà tâm điểm là Vĩ tuyến 17 với dòng sông Bến Hải như một sợi chỉ nhỏ nhoi vắt qua miền đất Vĩnh Linh đầy nắng gió. Từ cái mốc lịch sử ấy, mảnh đất bờ bắc dòng Bến Hải - Vĩnh Linh - trở thành đặc khu trực thuộc Trung ương, mảnh đất tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của miền Bắc XHCN. Ngô Đình Diệm với bức bình phong quan thầy Mỹ che chở, đã ngang nhiên xé bỏ hiệp định, xoá bỏ “tổng tuyển cử ”, âm mưu chia cắt lâu dài hai miền Nam-Bắc đất nước. Hai năm hẹn ngày đất nước đoàn tụ đã biến thành 20 năm mịt mù khói lửa chiến tranh. Chỉ cách một dòng sông, một bên nung nấu khát vọng thống nhất, bên kia là dã tâm chia cắt của lũ bán nước và cướp nước. Vĩnh Linh là nơi chứng kiến và trực tiếp đối mặt với cuộc đấu tranh khốc liệt ấy. Quả bom phá hoại đầu tiên mà giặc Mỹ ném xuống miền Bắc chính là rơi trên đất Vĩnh Linh; trước đó là gần 10 năm Vĩnh Linh vừa lao động sản xuất xây dựng XHCN, vừa ra sức bảo vệ giới tuyến, giữ vững từng tấc đất, bờ cây, ngọn cỏ, giữ cho ngọn cờ giới tuyến mãi tung bay nơi đầu cầu Hiền Lương. Đó cũng là một cuộc đấu tranh đầy cam go, mưu trí và bản lĩnh của những người lính cách mạng, của quân và dân giới tuyến Vĩnh Linh; để luyện nên một Vĩnh Linh can trường, bản lĩnh, anh dũng, kiên cường và vững bền hơn mọi thứ sắt thép đạn bom mà kẻ thù đã dội xuống mảnh đất này.

Dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Mỹ nguỵ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc hòng cắt đứt sự chi viện cho chiến trường miền Nam. B52 rải thảm, pháo hạm từ biển, từ các cứ điểm bờ Nam đêm ngày dội xuống Vĩnh Linh và mở rộng khắp miền Bắc.

Ngực ôm lấy miền Nam tiền tuyến lớn anh hùng, lưng tựa vào sức mạnh hậu phương, trực tiếp làm lá chắn bảo vệ miền bắc XHCN, Vĩnh Linh phải gánh chịu sự tập trung đánh phá ác liệt của kẻ thù bằng tất cả những phương tịên chiến tranh hiện đại nhất. Song, “cả Vĩnh Linh súng lắp sẵn sàng - Hạt gạo chia ba, đứng canh đầu tuyến lửa”. Từ Cồn Cỏ bé nhỏ giữa biển Đông đến Cù Bai xa tít của đại ngàn Trường Sơn, đã một lòng quyết tâm chiến đấu. Hồ Xá, Vĩnh Thành, Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang dẫu “ba phần sắt thép, một phần đất” vẫn vững vàng, kiên gan bám trụ. Hướng Lập, Vĩnh Trường, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê trở thành những cửa ngõ dẫn những đoàn quân vào mặt trận, những làng hậu phương hết lòng vì tiền tuyến. Đảo Cồn Cỏ trở thành “chiến hạm không thể nhấn chìm” giữa biển khơi, với con đường tiếp viện được gọi là “tiếp máu”để giữ đảo của nhân dân Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái. Từ sự khốc liệt vượt ngoài sức chịu đựng của đạn bom quân thù dội xuống, Vĩnh Linh đã làm nên những huyền thoại, kỳ tích mãi đi vào lịch sử bằng chính sự can trường, bàn tay, khối óc và ý chí sắt đá của mình. Đó là những cuộc “vạn lý trường chinh” K8, K10 sơ tán hạng chục vạn người già, em nhỏ ra miền Bắc; là hệ thống hầm hào, địa đạo như thiên la địa võng trong lòng đất, tiêu biểu là địa đạo Vịnh Mốc-công trình kỳ vĩ biểu tượng ý chí bất diệt “tồn tại hay không tồn tại” của quân và dân giới tuyến; là những đội quân “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, ngày bám trụ chiến đấu, chi viện chiến đấu và lao động sản xuất, đêm vượt sông tuyến diệt giặc, phá đồn như xuất quỷ nhập thần… Kiên cường chịu đựng và anh dũng đối mặt chiến đấu với kẻ thù, quân và dân giới tuyến Vĩnh Linh đã lập nên những chiến công hiển hách. Bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 7 pháo đài bay B52, nhấn chìm 69 tàu chiến, trong đó có tuần dương hạm Niudơri 10.000 tấn. Chia lửa cùng miền Nam, cùng Trị Thiên ruột thịt, bộ đội, dân quân du kích Vĩnh Linh đã vượt sông Bến Hải, đánh hàng trăm trận vào các căn cứ của địch ở Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cửa Việt, Bến Ngự, Khe Sanh. Pháo binh Bến Hải trút bão lửa xuống đầu Mỹ nguỵ diệt 27.700 tên, phá huỷ hàng trăm máy bay, tàu thuyền, phương tiện chiến tranh của địch. Đảo Cồn Cỏ vững vàng giữa sóng gió biển khơi, 2 lần được tuyên dương anh hùng, thật xứng với lời thơ khen của Bác Hồ “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận - Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. Giữa đại ngàn hùng vĩ, Đồn biên phòng Cù Bai thắp sáng đỉnh Trường Sơn bằng ý chí chiến đấu ngoan cường khiến kẻ thù khiếp sợ. 300 trận đánh lớn nhỏ của các chiến sỹ đồn công an Hiền Lương để giữ cho lá cờ đỏ sao vàng vẹn nguyên kiêu hãnh tung bay nơi đầu cầu giới tuyến và hình ảnh mẹ Diệm “vá lá cờ như vá cả buồng tim” sẽ mãi là câu chuyện như huyền thoại nơi tuyến lửa Vĩnh Linh… Rất nhiều, rất nhiều những chiến công gắn với những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông trên mảnh đất này. Bác Hồ luôn dõi theo cuộc chiến đấu ác liệt ở Vĩnh Linh, nơi mà bình quân mỗi người dân phải gánh chịu đến 7 tấn bom đạn của quân thù. Người vui mừng với những chiến công rạng ngời của quân và dân giới tuyến và cũng ngậm ngùi trước những hi sinh, mất mát lớn lao của Vĩnh Linh. Người đã 8 lần viết thư khen, động viên và tặng 2 câu thơ bất hủ “Đánh cho giặc Mỹ tan tành – Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”. Vĩ tuyến 17 - Sông Bến Hải, đi qua cuộc chiến đấu khốc liệt và chứng kiến những mất mát thương đau, đã trở thành biểu  tượng của khát vọng thống nhất. Con sông không chỉ chảy giữa lòng đất nước mà còn chảy giữa trái tim nhân loại yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Để làm nên những chiến công oanh liệt như bản hùng ca về cuộc chiến đấu thần thánh; để hai bờ dòng sông giới tuyến không còn ngăn trở, để Bắc - Nam đất nước về chung một nhà, bao thế hệ người dân Vĩnh Linh đã ngã xuống, cùng với đó là máu xương của bộ đội, nhân dân cả nước nằm lại nơi này không hề nhỏ. Mọi công trình, nhà cửa trên mảnh đất này sau gần 10 năm gây dựng (1955-1964) đều bị bom đạn san phẳng; chằng chịt hố bom pháo và hàng vạn tấn vật liệu nổ vẫn còn vương vãi khắp trên các cánh đồng, rừng cây, thửa đất, để hàng thập kỷ sau, máu của người dân Vĩnh Linh vẫn còn đổ xuống.

Khổ tận - cam lai”, dẫu bước ra từ hoang tàn đổ nát, mất mát, hi sinh lớn lao, nhưng niềm tin vẫn cứ dâng trào. Với hành trang là chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được phát huy cao độ, là đức tính cần mẫn, chăm chỉ và ý chí tự lực tự cường, Vĩnh Linh bắt tay gây dựng lại từ đầu để từng bước hồi sinh. 13 năm cùng Gio Linh, Cam Lộ trong ngôi nhà chung Bến Hải cho đến ngày được lập lại (5/1990), Vĩnh Linh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt, khi bước vào công cuộc đổi mới, với đất ấy-người này, đã viết tiếp bài ca anh hùng của giai đoạn cách mạng mới. Hành trình gây dựng nên “Luỹ hoa” thời kỳ CNH-HĐH được bắt đầu, dẫu tưng bừng khí thế, niềm tin song cũng có lúc thăng trầm, thật gian lao vất vã. Theo từng giai đoạn lịch sử gắn liền với các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, nền KT-XH phát triển đúng hướng, cơ cấu chuyển dịch phù hợp, bộ mặt đời sống từ nông thôn đến thành thị đã có sự khởi sắc rõ rệt. Sức sống mới của một miền quê như mạch ngầm ngày càng tuôn chảy mạnh. Bóng dáng trì trệ của nền kinh tế tập trung bao cấp bị đẩy lùi, nhường chỗ cho một nền kinh tế thị trường sôi động với hàng hoá phong phú, đa dạng, lưu thông buôn bán thuận lợi. Đặc biệt, sau 20 năm thực hiện đổi mới, kinh tế Vĩnh Linh đạt được sự phát triển nhanh, ổn định và vững chắc; vươn lên trở thành một trong những địa phương năng động của tỉnh Quảng Trị. Định hướng CNH-HĐH được thể hiện rõ. Nhiều mô hình, cách thức làm ăn mới xuất hiện, được nhân rộng thành phong trào thi đua sôi nổi, gương làm giàu xuất hiện khắp mọi nơi mọi chốn. Đến năm 2008, Vĩnh Linh đã đạt tổng sản lượng lương thực 32.000 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 110 tỷ đồng, xây dựng cơ bản 176 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,2%. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng cây - con chuyên canh, các cụm, điểm CN-TTCN tập trung. Điển hình như vùng trọng điểm lúa Lâm-Sơn-Thuỷ, vùng cây công nghiệp, cây rau màu thuộc các xã đất đỏ miền Đông, vùng tôm công nghiệp bắc sông Bến Hải, trang trại hỗn hợp ở miền Tây, cụm công nghiệp làng nghề Bắc Hồ Xá, Cửa Tùng… Đặc biệt là chủ trương phát triển “cao su tiểu điền” đã giành được kết quả hết sức khả quan, với diện tích hơn 6.000 ha, trong đó 4.200 ha đã đưa vào khai thác, sản lượng mủ 4.100 tấn/năm, đạt giá trị hàng hóa hàng trăm tỷ đồng/năm. Cao su, hồ tiêu, lạc, nuôi tôm xuất khẩu, kinh tế trang trại đã và đang trở thành những thế mạnh hàng đầu trong phát triển kinh tế của huyện. Toàn huyện đã có gần 200 trang trại với những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thực hiện đề án nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, hiện đã có 3.080 ha/7.600 ha đất canh tác cho thu nhập 50 triệu/ha/năm trở lên. CN-TTCN tăng trưởng với tốc độ 15-18%/năm liên tục trong hơn 1 thập kỷ qua, đóng góp 22% giá trị trong cán cân kinh tế. Một số sản phẩm hàng hoá của Vĩnh Linh như cao su, hồ tiêu, lạc, thuỷ hải sản, titan…đã được xuất khẩu, có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế. Gần một trăm doanh nghiệp trên địa bàn huyện hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đã và đang làm ăn có hiệu quả, giải quyết nhiều lao động và đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách của địa phương. Hiền Lương-Cửa Tùng-Vịnh Mốc-Rú Lịnh-những địa danh lịch sử oai hùng, ngày nay đang được gắn kết thành tour du lịch hoàn chỉnh, thu hút đông đảo khách tham quan. Điện đường trường trạm, các thiết chế văn hoá được xây dựng hoàn chỉnh ở hầu hết các địa phương. Công trình thuỷ lợi Bảo Đài, Sa Lung, La Ngà, cầu Cửa Tùng và khu dịch vụ nghề cá, hệ thống các chợ được đầu tư xây dựng khang trang; hệ thống giao thông nông thôn, thị trấn với hàng trăm km đã được bê tông hoá, nhựa hoá, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hoá, tô thêm vẻ đẹp của bộ mặt nông thôn mới. Huyện đã tiến hành phát động xây dựng huyện điểm về văn hóa từ năm 2004. Hoàn thành phổ cập tiểu học- xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, đang triển khai phổ cập giáo dục bậc Trung học. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng, làng dân ca Tùng Luật, làng Thuỷ Ba bắt cọp và những giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc khác được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được cải thiện và nâng lên đáng kể. Trên những trận địa đạn bom ác liệt ngày nào, giờ đây đang là địa chỉ làm giàu cho hàng ngàn hộ nông dân. Quốc phòng an ninh luôn được coi trọng và thường xuyên tăng cường, bảo đảm ổn định. Hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh từ huyện đến cơ sở. Mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, nhà nước và nhân dân thường xuyên được vun đắp. Toàn Đảng bộ hiện có hơn 7.000 đảng viên, sinh hoạt trong 67 tổ chức cơ sở Đảng. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lan toả sâu rộng và được mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương. Đây là những thành tựu nổi bật, những chiến công xuất sắc nhất của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh trong công cuộc CNH-HĐH quê hương, đất nước.

Kế thừa và phát huy truyền thống vinh quang, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước, bảo vệ quê hương cũng như giai đoạn đổi mới, phát triển. Bước vào thời kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng Vĩnh Linh giàu đẹp, trở thành trung tâm KT-XH phía Bắc tỉnh Quảng Trị.

Để hiện thực hoá mục tiêu ấy, Vĩnh Linh đặt ra những định hướng phát triển chiến lược trong giai đoạn tới, đó là:

Thứ nhất: Tập trung mọi nguồn lực nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh trên cả 3 vùng kinh tế trọng điểm đã được xác định: vùng chuyên canh lúa kết hợp các mô hình tổng hợp gắn với nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản; vùng chuyên canh rau màu thực phẩm và cây công nghiệp (chủ lực là cao su, hồ tiêu), làm tăng giá trị sản xuất hàng hoá của sản phẩm nông nghiệp và giá trị trên đơn vị sản xuất; vùng kinh tế trang trại tổng hợp miền trung du phía tây huyện (trồng rừng, chăn nuôi gia súc và cây ăn quả đặc trưng). Đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ KH-KT và công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá có giá trị “đặc sản” của quê hương. Triển khai đồng bộ và toàn diện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 NQ/TU về “nông nghiệp-nông dân và nông thôn” để xây dựng kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, vững mạnh; xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại.

Thứ hai: Khuyến khích và có chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội, tạo điều kiện và hành lang thông thoáng để tăng nhanh việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn. Chú trọng lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, VLXD, chế biến nông - lâm - thuỷ sản, gia công kim-cơ khí, điện tử, điện lạnh và các ngành hàng có lợi thế ở địa phương. Tập trung đầu tư để phát triển khu công nghiệp làng nghề Bắc Hồ Xá, Cửa Tùng, tạo ra sự đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển CN-TTCN địa phương.

Thứ ba: Chú trọng phát triển mạnh mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Khai thác và phát huy các lợi thế giá trị về di tích lịch sử cách mạng và danh thắng để tổ chức tốt các hoạt động du lịch “về nguồn”, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng trong tuyến du lịch Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ. Khuyến khích mở rộng mạng lưới dịch vụ thương mại, hệ thống chợ nông thôn và các dịch vụ thu mua chế biến sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, sôi động, đáp ứng phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống nhân dân.

Thứ tư: Nâng cao chất lượng các chương trình phát triển lĩnh vực VH-XH, tạo sự chuyển biến căn bản về văn hóa-giáo dục-y tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Làm tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và chương trình xây dựng huyện điển hình về văn hoá. Quan tâm đầy đủ đến đời sống đồng bào vùng khó, vùng dân tộc ít người và gia đình có công với cách mạng cùng các đối tượng chính sách khác.

Thứ năm: Chăm lo xây dựng Đảng bộ, Chính quyền các cấp thực sự vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân. Tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả cuộc vận đồng “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH; giải quyết kịp thời các vụ việc nảy sinh ngay từ cơ sở. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, huy động sức mạnh nội lực trong nhân dân kết hợp với các quyết sách đúng đắn để xây dựng và phát triển quê hương Vĩnh Linh anh hùng trong chiến đấu, sớm trở thành đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới.

Những giá trị đã đạt được trong suốt chặng đường 55 năm qua, là tinh anh phát tiết từ truyền thống anh hùng của miền quê giàu bản sắc văn hoá, cách mạng; từ cội rễ với biết bao trí tuệ, công sức, máu xương mà các thế hệ cha anh đã đổ xuống; cùng sự ủng hộ, động viên, giúp đỡ to lớn của TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bác Hồ, của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, đoàn thể, các đơn vị LLVT; từ tình cảm sâu nặng, chí tình chí nghĩa của anh em đồng chí, bạn bè, gần xa đã một lòng hướng về Vĩnh Linh, vì Vĩnh Linh, cùng Vĩnh Linh đi qua những tháng ngày khói lửa chiến tranh cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển hôm nay. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh mãi trân trọng biết ơn và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những tình cảm cao quý ấy.

Từ quá khứ vinh quang rất đáng tự hào, cùng những thành tựu bước đầu trong giai đoạn đổi mới, đã đặt nền móng vững chắc và củng cố niềm tin về một thời kỳ phát triển, đưa quê hương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường CNH-HĐH. Tiếp tục hát vang bài ca Vĩnh Linh anh hùng để viết tiếp những chương mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương - đặc biệt là thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 55 năm truyền thống Vĩnh Linh, 55 năm “luỹ thép luỹ hoa” - đó sẽ là nguồn động lực tinh thần, niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của các thế hệ người Vĩnh Linh hôm nay. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách, vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển, quyết tâm xây dựng Vĩnh Linh giàu đẹp, trở thành trọng điểm KT-XH phía bắc tỉnh Quảng Trị; thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh; xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh.

Hơn 5 thập kỷ từ ngày lịch sử đặt Vĩnh Linh vào tâm của cơn bão chiến tranh giữ nước oai hùng và oanh liệt, mảnh đất hiền hoà bên dòng Bến Hải đã đi qua bao thương đau, đã viết nên những trang sử chói lọi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và vươn lên bằng một sức sống thật diệu kỳ.

            55 năm ấy, vẫn một dòng sông êm đềm, lặng lẽ đêm ngày hoà mình vào biển Đông; nhưng dòng sông ấy cũng đã chảy vào những tháng ngày lịch sử của miền quê anh hùng, đã chứng kiến và dệt nên một Vĩnh Linh “luỹ thép” can trường cùng một Vĩnh Linh đang nở hoa trong thời kỳ đổi mới.

N.Đ.T

Hoàng Đức Thắng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 179 tháng 08/2009

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

5 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

5 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground