Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôn trọng nhân dân - từ truyền thống lịch sử dân tộc đến tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 

T

ôn trọng nhân dân là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Kế thừa những bài học sâu sắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, được soi sáng bởi Chủ nghĩa Marx - Lenin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã để lại những di sản quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tư tưởng của Người đã, đang và sẽ là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta, nhất là trong thời kì phát triển và hội nhập quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tôn trọng nhân dân - truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam

Trong lịch sử nhân loại, hiếm có một dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền như Việt Nam. Trong suốt tiến trình lịch sử ấy, tư tưởng và bài học tôn trọng nhân dân vừa là nền tảng cốt lõi, vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt dẫn đường giúp dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác.

Sử sách còn ghi lại, không phải ngẫu nhiên, vua chúa và quan lại thời Lý - Trần - Hậu Lê phần lớn được xem là những minh quân, lương tướng. Họ đã để lại dấu ấn đẹp đẽ về hình ảnh những người lãnh đạo đất nước biết chăm lo cho đời sống của muôn dân, biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, biết phấn đấu cho một cuộc sống thái bình. Bởi họ biết lắng nghe ý kiến đúng đắn của quần thần, biết áp dụng một chính sách “vô vi trên điện các”, khiến cho “chốn chốn tắt đao binh” để xây dựng một “nền thái bình nơi trời Nam” (Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn - Đỗ Pháp Thuận). Họ hiểu được lẽ hưng vong, trị loạn của triều đại mình để thực hiện những chính sách hợp mệnh trời vừa lòng người (Thiên hạ hưng vong loạn tri nguyên luận - Nguyễn Nguyên Ức). Phẩm chất của nhà vua không chỉ thể hiện ra ở những lời tán dương, ngợi ca của quần thần mà quan trọng qua đời sống thanh bình, no ấm của nhân dân thời đó. Có được điều đó bởi nhà Lý về cơ bản đã biết thống nhất quyền lợi của vương triều với quyền lợi của nhân dân, biết yêu thương và chăm lo cho nhân dân như cho chính người thân của mình. Nhiều vị vua xuất phát từ “lòng dân”, “ý dân” để định ra chủ trương chính trị cho mình. Nhân dân được đặt vào vị trí trung tâm trong việc chính sự của đất nước. Lý Công Uẩn trong Thiên đô chiếu khẳng định việc dời đô đến Thăng Long để mưu toan nghiệp lớn, là do “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”, đồng thời khẳng định nghiệp làm vương của mình là “làm cho dân được giàu của, nhiều người”. Sử sách còn ghi nhận những hành động rất đáng trân trọng của các vị vua triều Lý như xá thuế cho dân (Xá thuế chiếu - Lý Thái Tông); biết chia sẻ, thương cảm với cả kẻ tội đồ trong ngục tối (Ngộ đại hàn, vị tả hữu bách quan, Cố động Thiên công chúa, vị ngục lai - Lý Thánh Tông); biết chăm lo cho người sống, cho dân chúng ngay cả khi sắp lâm chung (Lâm chung di chiếu - Lý Nhân Tông).

Mạch nguồn tư tưởng này tiếp tục được phát huy trong kế sách dựng nước, giữ nước, chăm dân, yên dân của nhiều triều đại sau. Nhà Trần tổ chức Hội nghị Diên Hồng để lấy ý kiến của người dân về kế sách chống quân Nguyên Mông xâm lược. Trần Quốc Tuấn sau khi góp công lớn trong chiến thắng này đã căn dặn “chúng chí thành thành”, “khoan thư sức dân” là “thượng sách” để giữ nước. Trần Nhân Tông yêu dân như con, luôn căn dặn bề tôi không được thét đuổi, ức hiếp nô tì, dân thường.

Bên cạnh lịch sử vẻ vang của dân tộc, vẫn còn đó những bài học đắt giá từ sự thất bại do không được lòng dân, tiêu biểu là nhà Hồ. Do không dựa vào dân, không tập hợp và phát huy được sức mạnh toàn dân, các chính sách cải cách và cuộc kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo đã nhanh chóng rơi vào thất bại thảm hại. Lời nói của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” phần nào đã nói lên nguyên nhân của sự thất bại đó. Sau này, Nguyễn Trãi trong bài thơ Quan hải (Đóng cửa biển) khẳng định lại sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp dân tộc: “Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển / Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi / Lật thuyền mới rõ dân như nước / Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời” (Đào Duy Anh dịch).

Có thể nói tư tưởng tôn trọng nhân dân, “lấy dân làm gốc” đã có từ lâu trong truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là nền tảng và nguồn sức mạnh vô tận để đất nước ta vượt qua nhiều thời điểm cam go đe dọa đến sự tồn vong của dân tộc. Tư tưởng này được tiếp nối qua nhiều thế hệ, đến nay một lần nữa lại được kết tinh trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành di sản quý báu trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng tôn trọng nhân dân của Hồ Chí Minh

Tư tưởng tôn trọng Nhân dân của Hồ Chí Minh không chỉ được khởi sinh từ truyền thống dân tộc, mà còn được soi sáng bởi Chủ nghĩa Marx - Lenin. Với quan điểm, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng Cộng sản muốn lãnh đạo cách mạng phải tập hợp sức mạnh của nhân dân; cách mạng muốn đi đến thắng lợi cần được đông đảo các tầng lớp nhân dân hết lòng ủng hộ; Chủ nghĩa Marx - Lenin đã trở thành kim chỉ nam trong tư tưởng và hoạt động của Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí, sức mạnh của nhân dân. Người đã khẳng định: “có dân là có tất cả, được lòng dân thì không sợ gì cả, đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Theo Người, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải gần dân, gặp dân, nghe dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Không chỉ đánh giá cao vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú ý đến việc Đảng lãnh đạo không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân, không xúc phạm, coi thường nhân dân.

Từ tư tưởng tôn trọng nhân dân, Người yêu cầu phát huy dân chủ, nghĩa là dân là chủ, dân làm chủ. Trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, theo Người là làm sao giúp nhân dân nhận thức, phát huy năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân, do dân: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cách mạng tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Sau đó không lâu, Người nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn đau đáu: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Không chỉ ở tư tưởng chính trị, trong tư tưởng đạo đức, ý thức tôn trọng nhân dân của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét trong quan niệm: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng nhân dân là đề cao ý dân, sức dân, bởi “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người khẳng định đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhândân”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng nhân dân, coi đó là trách nhiệm, vinh dự và niềm hạnh phúc của mình.

Từ tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức đến phong cách, Hồ Chí Minh luôn thể hiện tính nhất quán. Phong cách tôn trọng nhân dân của Người thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Người chú ý lắng nghe, giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Về với dân, đến với quần chúng, để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, làm cùng dân, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, dân nguyện là nhu cầu thường trực của Người.

Cuộc đời của Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực cho tư tưởng trọng dân, suốt đời tận tụy vì dân vì nước. Nhiều mẩu chuyện đời thường, nhiều việc làm tưởng chừng như nhỏ bé của Người trở thành những bài học sâu sắc về tư tưởng “lấy dân làm gốc” như câu chuyện “Còn dân thì còn nước”, “Quay máy ra mà chụp nhân dân”, “Cây gậy chữ Nhân”. Hay khi 11 người con của các liệt sĩ tham gia cách mạng ở Thượng Hải bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt, Người đã viết thư cho bà Tống Khánh Linh đề nghị trợ giúp, giải thoát các em; sau đó, vượt qua nỗi lo sợ hiểm nguy đến tính mạng, Người đã đích thân đến thăm nom, hỏi han các em. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại liên quan đến vận mệnh dân tộc, Người vẫn tiếp đón ân cần các cụ già tỉnh Thái Bình lên thăm; trò chuyện tự nhiên, hài hước với họa sĩ Hân, hỏi han chuyện vợ con của luật sư Lâm; gửi thư thăm hỏi đến những gia đình bị nạn, đồng ý để đứa con của người phục vụ cùng được lên Việt Bắc… tất cả đã làm nên hình ảnh Hồ Chí Minh cao cả, vĩ đại bởi lòng yêu nước, thương dân, và trên tất cả là tư tưởng tôn trọng, yêu quý nhân dân.

Tư tưởng tôn trọng nhân dân với thực tiễn đổi mới, phát triển đất nước hôm nay

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng chiến thắng sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa đất nước vào con đường đổi mới, phát triển, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân.

Tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Đảng nhấn mạnh bài học “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân” là một trong những phương hướng, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tình hình thế giới và trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với tính chất, phương thức lãnh đạo mới, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân cũng có những đòi hỏi mới cao hơn. Trong Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận (2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta”. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư đã mạnh dạn chỉ ra một số sai lầm, khuyết điểm như tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân; nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Theo người đứng đầu Đảng, những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng.

Thực tiễn cách mạng nước ta cũng đã chứng minh, tin vào dân, dựa vào dân, phát huy mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân là cội nguồn cho thành công. Trong giai đoạn cách mạng mới, bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị. Song, vấn đề không phải chỉ nêu lên khẩu hiệu “lấy dân làm gốc”, hay thực hiện nó một cách hời hợt, hình thức, lấy lệ, thiếu triệt để. Điều quan trọng nhất là phải biến tư tưởng thành hành động thực tiễn hàng ngày, hàng giờ của mỗi cán bộ, đảng viên. Tùy vào từng vị trí, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” phải làm tròn bổn phận, trách nhiệm trước dân, trước Đảng; phải hết mực tôn trọng, không ngừng học hỏi nhân dân, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa nâng cao trình độ, nhận thức của nhân dân; phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ từ chính sách, chủ trương, đường lối lớn đến những công việc, lời nói nhỏ nhất; phải sống chan hoà, gần gũi với nhân dân, quan tâm đến mọi mặt đời sống của nhân dân, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng nhân dân; phải xây dựng cho mình tác phong, thái độ, lời nói và hành động đúng với vị trí, vai trò của mình, xứng đáng là người mà nhân dân đặt trọn niềm tin cũng như giao phó trách nhiệm.

Có thể nói, tôn trọng nhân dân là tư tưởng lớn mà Hồ Chí Minh đã tâm niệm và thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Chính tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, những di sản mà Người để lại càng có giá trị và ý nghĩa quan trọng, nhất là trong thời kì mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo. Có như vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh mới thật sự còn mãi trong sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

N.V.H

 

NGUYỄN VĂN HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground