Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn chương Quảng Trị, từ vùng trời vẫy gọi

Hội viên Phân hội Văn học

 

 

Những năm đầu thế kỳ XXI nói chung, từ sau Đại hội nhiệm kỳ 2014 - 2019 nói riêng, văn chương Quảng Trị đã có cuộc hành trình mang dấu ấn riêng trong xu thế chung của văn học nước nhà. Đó có thể là những cuộc vượt dốc để bước ra khỏi khúc quanh trên đường bằng, có thể là những lối mòn tình tự.

1. Sáng tác văn học là hành trình mở rộng tâm hồn, tầm nhìn của tài năng mà tài năng thật sự thì bao giờ cũng hiếm. Bàn về tài năng thật khó, bởi ở đó có những bí ẩn mà con người không phải đã nhận biết hết, không phải cứ muốn mà có, đào tạo mà được. Tài năng văn chương nói riêng như lửa nằm trong đá lửa, phải tác động, phải cọ xát, đánh thức nó bằng lao động nỗ lực, miệt mài. Điều đó, rất gần với chân lý nghệ thuật.

Các nhà văn Quảng Trị chúng ta phần lớn không phải là những người sáng tác chuyên nghiệp mà là những cán bộ, công chức… sáng tác chỉ là công việc tay trái. Trong khi đó, việc sáng tác luôn đòi hỏi người viết phải “sống toàn thân, sống toàn trí, sống toàn hồn” (Xuân Diệu). Do vậy, người chuyên tâm với trang viết của mình không nhiều, dẫn đến việc làm mòn đi khả năng của người nghệ sĩ. Đây là một thực tế cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Chúng ta sống và sáng tác trong xu thế đổi mới, hội nhập trên đất lửa Quảng Trị. Những đổi thay của quê hương là tiền đề, là yêu cầu thúc bách, là mảnh đất màu mỡ để chúng ta ươm mầm cho những tư tưởng nghệ thuật mới, vượt qua được những quán tính địa phương. Hiện thực luôn rộng mở, chất liệu cuộc sống ngày càng nhiều trên mảnh đất đã bước qua hồi sinh, đòi hỏi ngày càng có nhiều khám phá, chắt lọc để nâng tầm sáng tạo. Đây cũng là một nhu cầu, một đòi hỏi thiết thân.

Trên bình diện văn xuôi, khách quan để nhận xét, ngoài những cây bút đã khẳng định tên tuổi có nhiều sự dấn thân và nhiều cây bút mang dấu ấn riêng như Xuân Đức, Trần Biên, Tống Phước Trị, Minh Tứ, Nguyễn Hoàn, Lâm Chí Công, Lê Đức Dục, Đào Tâm Thanh, Nguyễn Ngọc Chiến, Lê Văn Thê, Hoàng Công Danh, Văn Bốn, Phạm Minh Quốc, Thùy Liên… hiện tại vẫn còn nhiều tác giả chưa có sự bứt phá, sáng tạo thực sự. Đổi mới sáng tác văn chương trước hết là đổi mới cách nhìn, sự phản ánh, biểu hiện hiện thực, khám phá những nội dung mỹ cảm mới, sau đó là những tìm tòi mới về thi pháp nghệ thuật. Đây cũng là một yêu cầu thiết thực trong việc đổi mới sáng tác. Người viết không những phải biết trần thuật sự kiện, khắc họa chân dung những con người có thực trong đời sống, mà còn có cả những thủ pháp huyền thoại hóa, để người đọc cùng suy luận, noi theo, người viết phải thực sự là người sáng tạo, trình bày, thể hiện một thế giới mà chính nó sẽ phải diễn ra như thế, những nỗi ám ảnh con người trước thực tại với nhiều đổ vỡ, đứt gãy, gian truân. Như thế mới tạo nên được những trang viết mới mẻ.

Trên bình diện thơ, thơ của các tác giả thơ Quảng Trị đã có sự đổi mới, mở rộng diện phản ánh, biểu hiện về cuộc sống và con người ở phía đa chiều, nhiều tầng, nhiều lớp: quá khứ và hiện tại, dân tộc và cá nhân, niềm vui và nỗi buồn, cái chung và niềm riêng… trên cái nhìn cởi mở, nhân văn và có ngọn nguồn từ chiều sâu triết lý, thể hiện bình diện thẩm mỹ của tư tưởng rộng thênh thang của thời kỳ hội nhập. Có thể ghi nhận sự đóng góp của các tác giả: Nguyễn Văn Chức, Trần Đình Thành, Nguyễn Văn Dùng, Võ Văn Hoa, Hoàng Tấn Linh, Nguyễn Hữu Thắng, Trương Lan Anh, Trần Bình, Võ Văn Luyến…

Nhưng sự đổi mới đó diễn ra còn chậm, manh mún, rời rạc. Trải nghiệm qua các trại sáng tác, các số của tạp chí Cửa Việt, có thể thấy, thơ Quảng Trị chúng ta chưa có sự đột phá, chuyên nghiệp thật sự, nhất là ở các nhà thơ trẻ. Người làm thơ bao giờ cũng cần nhạy cảm hơn trước những cảm quan về hiện thực, luôn so đo, ướm thử những cảm xúc của mình trước sự vận động không ngừng của đời sống. Trong hiện tại, các nhà thơ chúng ta đã bắt đầu chuyển sang mạch trữ tình đời tư - thế sự và đã có nhiều thành công đáng ghi nhận.

Phê bình văn học là điểm yếu và thiếu đối với văn học Quảng Trị, về mặt này, những nhà phê bình văn học của chúng ta còn mang tính nghiệp dư, nặng về sự bay bổng hơn là đi sâu khai thác các khía cạnh nghệ thuật, tính thẩm mỹ. Khoảng trống ấy nếu chúng ta không quan tâm và tích cực tìm biện pháp lấp đầy thì chắc chắn sẽ tạo nên một sự đứt gãy, sự hụt hẫng trong đội ngũ lý luận, phê bình trong hiện tại và thời gian tới. Và như thế, diện mạo văn chương Quảng Trị cũng không thể hoàn thiện, dù ở góc nhìn nào!? Đây cũng là một thách thức đang đặt ra nếu không muốn nói đó là một thách thức lớn của đời sống thơ văn nói riêng Quảng Trị trong 5 năm qua cũng như trong thời gian sắp tới. Bởi sáng tác và lý luận phê bình bao giờ cũng là đôi bạn song hành của một nền văn học, của một tiến trình văn học xét từ nhiều phương diện.

*

Để diện mạo văn chương Quảng Trị được hoàn thiện, tương xứng với tiềm năng năng động và sáng tạo, cũng như lòng mong mỏi của người đọc, chúng tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:

Phải tập trung đầu tư vào nhân tố con người ở cả hai phía: những người sáng tạo (đội ngũ nhà văn) và những người tiếp nhận sự sáng tạo đó (công chúng văn học). Bởi, con người không những là đối tượng để văn học khám phá và sáng tạo mà còn là chủ thể sáng tạo và tiếp nhận văn học. Quan tâm đến con người tức là chúng ta quan tâm đến vấn đề trung tâm của đời sống văn học. Làm được như thế nghĩa là nhà văn đã thực thi được thiên chức của mình, văn chương Quảng Trị nói riêng sẽ có được những mùa quả ngọt, nhiều hương sắc.

Phải tạo được một đời sống văn học sinh động, cởi mở. Một nền văn học không chỉ lấy nhà văn làm trung tâm mà còn lấy người đọc làm trung tâm; phải sáng tạo trên tinh thần tôn trọng người đọc, xem người đọc là những người đồng sáng tạo, là những người tri âm với nhà văn để mỗi nhà văn chúng ta luôn thật sự cảm thấy hạnh phúc khi tác phẩm mình được người đọc tiếp nhận.

Mỗi nhà văn phải luôn trăn trở về chất lượng sáng tạo, phải biết tự vượt lên mình để nâng cao tầm tư tưởng tác phẩm, nâng cao sự sáng tạo cách thể hiện để có được những tác phẩm mới thật sự.

*

Năm năm qua, số lượng tác phẩm thơ văn Quảng Trị chúng ta in ra khá nhiều nhưng các tác phẩm đạt tới chất lượng thơ đỉnh cao, đáp ứng được yêu cầu trong hành trình hội nhập ngày một ít. Đây thực sự là một thách thức lớn. Những nhà văn ngày càng được chuẩn bị khá đầy đủ, thuận lợi cả về học vấn và môi trường sáng tác, nhưng vẫn chưa khẳng định một phong cách mới mang dấu ấn tài năng thực sự của mình. Tác giả Hồ Thế Hà trong bài Sức vẫy gọi của một vùng văn học (đăng trên Cửa Việt số 28) đã từng nhận định: “… Quảng Trị là một vùng đất giàu tiềm lực và bản sắc đã được đánh thức và còn tiếp tục đánh thức. Chúng ta đều biết: một nguyên tắc có tính sống còn của văn học nghệ thuật là mối quan hệ của nó, tức mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và hiện thực đời sống. Một vùng đất đầy âm vang, chứng tích và giàu khát vọng từng chịu nhiều đau thương mất mát như Quảng Trị giờ đây đã thực sự thừa đất, thừa trời để văn học bay cao, bay xa. Tác phẩm của các tác giả Quảng Trị đã mở rộng diện phản ánh theo nhiều hướng, nhiều chiều với một hiện thực bốn bề trên quê hương mình trước đây cũng như ngày nay…” Nhận định trên là sự ghi nhận cũng là thách thức lớn đối với mỗi nhà văn Quảng Trị chúng ta trên hành trình đi tới.

H.T.L

 

 

 

 




 

 

HOÀNG TẤN LINH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground