Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thái Văn Tuyên - "Ký ức tháng năm"

Cuộc đời mỗi người có một lối rẽ riêng, một công việc có thể không phải theo ý muốn của bản thân. Trong nghiệp viết cũng vậy, mỗi người xuất phát điểm từ một chỗ đứng khác nhau, tác phẩm của họ gắn với thực tế vui buồn đã trải qua suốt cuộc hành trình. Trường hợp Thái Văn Tuyên là như thế, nếu ở vào hoàn cảnh suôn sẻ từ buổi đầu vào đời thì đã chắc gì hôm nay anh có những trang viết được ghi dấu trong lòng nhiều người? Năm 1963, anh tốt nghiệp cấp 3, có ý định thi vào đại học, nhưng khao khát buổi đầu ấy không thực hiện được. Cuộc sống đã tạo cho anh sự từng trải và dạy cho anh biết lặng lẽ chịu đựng. Có lẽ vì thế, ở anh có những nỗi niềm trắc ẩn, thông cảm với hoàn cảnh xung quanh.

Từ một chiến sĩ dân quân gan dạ, dũng cảm, một mình lao xuống dốc sâu đồi 24, bắt sống phi công Mỹ trong trận xã Vĩnh Thủy bắn rơi 6 máy bay Mỹ vào ngày 11 tháng 11 năm 1966, được kết nạp Đoàn tại trận địa. Anh còn được xã Vĩnh Thủy giao nhiệm vụ làm phó ban Văn hóa, trực tiếp phụ trách đội văn nghệ của xã. Năm 1969, thấy được khả năng của anh, Đặc khu Vĩnh Linh rút lên, tuyển vào biên chế thuộc ngành văn hóa thông tin. Từ đó, cuộc đời anh chuyển sang bước ngoặt mới, buổi đầu gắn với phong trào văn hóa quần chúng khu vực Vĩnh Linh. Từ đây, anh tiếp tục được đơn vị cử đi học nghiệp vụ tuyên truyền ở Hà Nội để về làm trưởng Ban biên tập Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Năm 1976 hợp nhất ba tỉnh Bình - Trị - Thiên, anh tiếp tục được huyện cử đi học lớp Trung cấp Chính trị - nghiệp vụ thông tin báo chí 2 năm tại Hà Nội, về làm trưởng Ban biên tập Đài Truyền thanh Bến Hải. Được một thời gian, anh lại trở về Phòng Văn hóa thông tin để tiếp tục làm nhiệm vụ văn hóa quần chúng. Năm 1979, Văn Tuyên được huyện cử đi học lớp nghiệp vụ lịch sử Đảng do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức. Đó là vốn liếng giúp anh tham gia biên soạn nhiều cuốn lịch sử Đảng cơ quan, ban ngành từ Vĩnh Linh đến các địa phương trong tỉnh. Sau đó, có một giai đoạn anh được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động qua Huyện ủy biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, đồng thời làm Thường trực Chi hội Văn nghệ Bến Hải. Một thời gian sau, anh trở lại làm cán bộ ngành Văn hóa thông tin cho đến ngày nghỉ chế độ. Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình - Trị - Thiên, thuộc tốp những văn nghệ sĩ lứa đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh đứng vào hàng ngũ văn học nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 1989, ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế tách ra, Văn Tuyên trở về sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Khi còn tại vị cho đến khi nghỉ hưu, Thái Văn Tuyên đã có rất nhiều tác phẩm văn nghệ: thơ, ký, tiểu phẩm, kịch ngắn, câu chuyện truyền thanh được đăng tải trên các báo, tạp chí, đài phát thanh từ cấp tỉnh đến trung ương. Mọi người nhắc đến tác giả Văn Tuyên với sự đồng cảm, quý mến một người đã đưa hiện thực cuộc sống vào từng tác phẩm, có những hiện thực “gai góc” mà nhiều người biết và thấy diễn ra hàng ngày nhưng chưa nói ra.

Tập sách “Ký ức tháng năm” (Nxb Thuận Hóa, tháng 12/2019) của Thái Văn Tuyên là những tiểu phẩm và kịch ngắn có ý nghĩa với hiện thực đương đại. Cuốn sách là kết quả được chắt lọc từ thực tế suốt quá trình lăn lộn với cuộc sống. Qua tập sách, khẳng định được năng lực tư duy về cuộc đời với những nảy sinh hàng ngày trong cuộc sống muôn màu. Tập sách mang đậm phong cách riêng của một người dày dặn trong nghề viết cũng như trong cách nhìn nhận, thể hiện độc đáo. Có thể nói tiểu phẩm và kịch ngắn là sở trường của Văn Tuyên.

Mỗi tiểu phẩm của Văn Tuyên là một câu chuyện làm cho người đọc sảng khoái. Tệ nạn vòi vĩnh tinh vi để nhận quà cáp, biếu xén mà nhiều quan chức vẫn hong hóng chờ vào các dịp tết, mừng thọ, mừng tuổi người nhà, hoặc lợi dụng chức quyền để làm giàu, để thu vén cho gia đình, được tác giả chỉ ra. Nhưng cái hay của tiểu phẩm là có cái kết bất ngờ, mang tính cảnh báo “nguy hiểm” đối với tệ nạn này, mà cái kết đắng lại rơi đúng vào người nhận hối lộ, tham nhũng, dùng mưu mô để bòn rút của công, làm nghèo cơ quan, làm lợi cho cá nhân mình. Có vị quan chức nhờ may mắn hoặc nhờ len lỏi luồn lách mà phất lên, giữ cương vị lãnh đạo một ngành quan trọng nhưng đầu óc trống rỗng, chỉ chăm lo đi hội nghị, ăn nhậu, nhận quà cáp như nhân vật trong tiểu phẩm “Lo”. Người đọc bật ra tràng cười sảng khoải khi đọc các tiểu phẩm “Lộc đầu năm”, “Hội chứng tham nhũng”, “Trăn trối”, “Trường và đoản”, “Nghề trộm xưa và nay”... Mỗi tiểu phẩm phản ánh một nội dung rất rõ ràng, có người bảo là “phịa”, có người cho rằng có thật ở đâu đó. Hoặc như tiểu phẩm “Sám hối” nói về một khía cạnh khác của đề tài chống tham nhũng. Tác giả lấy câu chuyện từ giấc mơ của một vị quan từng tham nhũng, đã mất chức, phải nghỉ hưu bất đắc dĩ. Qua giấc mơ, vị quan hưu này gặp một người kiếp trước làm nhiệm vụ giữ kho của triều đình mà trót lấy trộm một ít nhựa thơm, tuy giá trị không lớn nhưng bị nhà vua cho chặt một cánh tay và ghi vào sử sách để các quan đời sau lấy đó làm gương, biết mà chừa. Tiểu phẩm là lời răn đe, lấy chuyện xưa để ngầm nói rằng: Xử kẻ tham nhũng nghiêm khắc bằng hình phạt cụ thể thì quan xấu sẽ khiếp mà không dám tham nhũng, vấn nạn quan tham sẽ được đẩy lùi. Có tiểu phẩm nói về chuyện mặt trái xã hội như: “Chống AIDS âm phủ” Hoặc chuyện vợ chồng trục trặc bởi chán nhau, muốn tìm “của lạ”, dẫn đến vợ chồng lục đục. Khi đọc tiểu phẩm “Tìm cảm giác lạ”, hẳn không ít người đã từng ở vào hoàn cảnh này? Té ra, khi đi tìm cảm giác lạ, người vợ hay người chồng mới nhận ra một điều thực tế mà người đời cảnh báo: “Cỏ bên kia đồi bao giờ cũng xanh hơn, nhưng đó là chỉ nhìn từ xa mà thôi”. Nói không chừng, khi đọc tiểu phẩm này, có người giật thột, tự soi mình?

Có hai tiểu phẩm viết theo lối chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, tạo cho người đọc có trận cười hả hê, đó là “Cọp sợ nông hội” và “Trạng Bồng xử kiện”. Tiểu phẩm “Cọp sợ nông hội”, chủ yếu gây cười, nhưng cũng thể hiện người Vĩnh Hoàng gan dạ, thượng võ. Vĩnh Hoàng là vùng quê có 4 xã: Trung - Nam - Tú - Thái ngày nay, nơi sinh ra những câu chuyện Trạng được nhân cách hóa, mang tính ly kỳ, hấp dẫn, người nghe kể cứ ngớ ra, rồi cười ngặt nghẽo. Còn “Trạng Bồng xử kiện”, ngoài sự gây cười về một vụ xử án lạ, biến cái vô lý thành có lý, cái vô hình thành hữu hình, chỉ có Trạng Bồng mới nghĩ ra. Nhưng qua tiểu phẩm này, Trạng Bồng là người thông minh, đã giúp cho dân vùng Vĩnh Hoàng ba năm không phải nộp thuế cho quan Phủ như lời quan hứa, đồng thời gián tiếp chỉ mặt bọn quan tham, lính tráng nhũng nhiễu dân lành: “Từ nay, các người cứ tự do vào ra buôn bán như mọi khi. Có hàng hóa gì mới lạ cứ trao đổi vùng này với vùng khác, nhớ nghe. Nếu có tên lính nào đòi lót tay, hoặc có tên quan nào trong hay ngoài Phủ hoạnh họe đòi ăn hối lộ thì cứ trỏ… c. ra cho chúng nghe chưa? Có quan Phủ đây, đếch sợ thằng nào nhé”. Quan phủ “thật” ngồi ở chiếc ghế bên góc phòng nghe quan phủ “giả” ngồi trên công đường phán mà tức anh ách như bị bò đá, nhưng đành lặng im ngậm bồ hòn làm ngọt. Văn Tuyên đã tìm được những lời đắt giá phát ra từ miệng Trạng Bồng chửi sát mặt quan tham, thật là thâm thúy.

Vốn có năng khiếu về lĩnh vực dân ca Bình - Trị - Thiên, kết hợp với khả năng sáng tác nên kịch ngắn của Văn Tuyên viết và dàn dựng cho cơ sở đều đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn lĩnh vực thông tin quần chúng từ cơ sở đến tỉnh. Có hai kịch ngắn tố cáo tội ác chiến tranh, nói về nỗi đau chất độc da cam là “Cam Lộ tình đất tình người” và “Đứa con ngoài giá thú”. Hai vở kịch viết về hai chuyện khác nhau, nhưng đều gây xúc động mạnh trong lòng người xem. Đặc biệt vở kịch ngắn “Đứa con ngoài giá thú” đã lấy đi không ít nước mắt khán giả khi ngành y tế công diễn tại huyện. Đó là câu chuyện về một bác sĩ trưởng khoa nội của huyện nhận đứa con ngoài giá thú của một chị người Ninh Bình, từng làm nhiệm vụ thanh niên xung phong trên cung đường miền tây Quảng Trị trong chống Mỹ cứu nước. Vì luống tuổi, chị chấp nhận có một đứa con với một đồng đội quê ở Quảng Trị, mặc cho sự dè bĩu của mọi người về đứa con không có cha. Khi đứa con tốt nghiệp đại học, nó muốn tìm cha đẻ. Chị cùng con vào Quảng Trị, tìm địa chỉ người đó ở một xã ở bên bờ nam sông Bến Hải như chị đã biết. Nhưng không ngờ khi đến Quảng Trị, căn bệnh máu trắng của đứa con tái diễn, chị phải để con ở lại nhà nghỉ, còn mình tìm về địa chỉ người ấy. Khi tìm được thì người ấy đã mất 20 năm vì căn bệnh máu trắng do nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin hồi làm nhiệm vụ ở Trường Sơn. Nuốt nước mắt, chị tất tả quay lại nhà nghỉ, đưa con đến bệnh viện huyện điều trị, đau xót kể lại sự việc với lãnh đạo bệnh viện. Sợ con buồn nên chị giấu biệt, không cho con biết là cha nó đã mất, gia đình bên đó đã chuyển vào sống tại một tỉnh ở phía Nam. Biết đứa con của chị không thể qua khỏi, bác sĩ Trọng trưởng khoa nội xin phép nhận làm cha đứa con đó để trước khi căn bệnh quái ác cướp đi sinh mệnh, nó được gọi một tiếng cha. Và chuyện diễn ra đúng như thế. Nụ cười mãn nguyện của đứa con và hai tay yếu ớt của nó bíu lấy cha lúc lâm chung, khiến ai cũng rơi nước mắt. Cũng vì chuyện đó mà gia đình Trọng suýt tan vỡ vì vợ của Trọng cũng là bác sĩ khoa nội, cương quyết đòi li hôn vì chồng giấu chuyện có con riêng ngày trước, khăng khăng đòi về nhà mẹ đẻ. Câu chuyện xúc động, ăm ắp tính nhân văn của những người thầy thuốc.

Mỗi vở diễn gắn với một chủ đề tuyên truyền như: Ca ngợi hình ảnh công an giám thị trại giam giúp đỡ phạm nhân hoàn lương (Như bồ tát tái thế), chống kỳ thị với người có HIV (Nỗi đau được sẻ chia), nói về công tác dân vận khéo rất quan trọng đối với quy chế dân chủ cơ sở (Kết quả bất ngờ), thực hiện an toàn giao thông chính là tự bảo vệ cuộc sống của mỗi người (Bài học nhớ đời), bảo vệ môi trường không phải của riêng ai (Lòng mẹ), ghi nhận những chiến sĩ công an điều tra tận tụy, truy tìm đúng thủ phạm trộm cắp, đem lại lòng tin cho nhân dân (Phá án)… “Lời ru của mẹ” là kịch ngắn nói về gia đình trong thời hiện đại. Khi mà đồng tiền làm lu mờ tình cảm anh em, cha mẹ, xóm làng, rất khó thể hiện bằng sân khấu kịch ngắn về đề tài Luật thừa kế, nhưng Văn Tuyên chọn lấy lời ru làm “nút mở” cho đoạn kết căng thẳng của vở diễn. Nghe thì khó tin nhưng kết quả lại rất có lý. Kịch ngắn “Lời ru của mẹ” thành công nhờ tác giả biết khai thác sức mạnh của lời ru, gợi cho người con trở về đời thực, không mơ mộng hảo huyền giữa dòng đời đầy rẫy chuyện nhiễu nhương, khi lạc lối biết tìm về nẻo xưa, sà vào trong vòng tay che chở đầy bao dung của mẹ. Vở kịch ngắn “Suốt đời khắc ghi” gây ấn tượng đẹp về tình quân dân trong thiên tai hoạn nạn…

Năm 2002, Thái Văn Tuyên nghỉ hưu theo chế độ tại thị trấn Hồ Xá và vẫn sáng tác kịch cho cơ sở theo yêu cầu của ngành văn hóa thông tin. Các nơi biết tiếng, tìm đến anh nhờ giúp sáng tác kịch. Đó là niềm vui từ sự đam mê khiến anh rất trân trọng. Hiện nay, anh đã bước vào tuổi 77, nhưng cái nghiệp cầm bút vẫn cứ thôi thúc như duyên nợ chưa nguôi. Còn nhiều ký, kịch, thơ…đang chờ anh tiếp tục xuất bản.

Tập sách “Ký ức tháng năm” của tác giả Thái Văn Tuyên neo lại nỗi niềm của người cầm bút lặng lẽ một đời làm công tác văn hóa, văn nghệ.

L.N.H

 

 

 

 

LÊ NGUYÊN HỒNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 305

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground