Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hình ảnh người lính tình nguyện trong văn xuôi Việt Nam

Dường như cho đến nay, chưa có một hội thảo, hay một cuộc tổng kết nào về thành tựu Văn học chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam Tổ quốc và Người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K (Campuchia) giúp dân tộc Khmer thoát khỏi thảm họa diệt chủng của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary?

Điểm danh lực lượng tác giả viết về mặt trận biên giới Tây Nam và chiến trường K mới thấy đông đảo, vững tin: Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Hữu Thỉnh, Bùi Cát Vũ, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Đỗ Văn Nhâm, Anh Ngọc, Văn Lê, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Lê Huy Khanh, Nguyễn Đông Thức,... và lớp tác giả trẻ vừa là người lính cầm súng chiến đấu trực tiếp, vừa làm thơ viết văn ở mặt trận như: Phạm Sỹ Sáu, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Quốc Trung, Lê Minh Quốc, Đoàn Minh Tuấn (Đoàn Tuấn), Sương Nguyệt Minh, Lương Hữu Quang, Nguyễn Thành Nhân...vv.

Trong lĩnh vực văn xuôi, có thể nói Dòng sông của Xô Nét của Nguyễn Trí Huân xuất bản năm 1980 là tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài Chiến tranh biên giới Tây Nam và Chiến trường K. Sau đó là các tiểu thuyết: Chiến tranh không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy; bộ bốn tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người khóc mướn, Đất không đổi màu của Nguyễn Quốc Trung; Bên dòng sông Mê của Bùi Thanh Minh, Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, và cuối năm 2014 là tiểu thuyết Miền Hoang của Sương Nguyệt Minh...vv.

Truyện và truyện ngắn là thể loại xung kích, kịp thời ra mắt trên các trang sách còn nóng hổi mực in cùng súng đạn ra chiến hào đến với người lính, có những tác phẩm hay, ám ảnh đến tận bây giờ: Mùa khô ngày (Nguyễn Chí Trung), Sự sống còn lại (Trung Trung Đỉnh), Những người đi trước con đường (Đỗ Văn Nhâm), Truyện rất khó viết (Nguyễn Đông Thức), Chăn tha (Trần Thùy Mai), Em bé câm trước đền Angko (Lê Lựu), Biển Hồ yên tĩnh (Mai Ngữ), Anh ấy không đơn độc (Văn Lê), Chuyện ở Pai Lin (Dạ Ngân), Khô Chănđara (Đỗ Viết Nghiệm), Câu chuyện bên cây cầu Pia Rết (Ngô Quốc Dân)...vv. Đặc biệt ký sự Đường vào Phnom Penh của tướng Bùi Cát Vũ nóng hổi mùi thuốc đạn, viết trong mùa xuân 1979 khi vừa mới giải phóng đất nước Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.

Không thể kể hết các tác giả, tác phẩm làm nên dòng Văn học Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và ở Chiến trường K. Ở đó, hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam hiện lên đẹp đẽ, cao thượng làm nên những nét mới cho hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ”.

 1.

Tác phẩm văn chương ở một góc nhìn nào đó, có thể coi như một bảo tàng lưu giữ những cái xưa cũ cả nhân ái, văn minh lẫn bạo tàn, phản động. Bạn đọc không cần đến đất nước Campuchia thăm Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng, hay ra ngoại ô thăm Cánh đồng chết, mà vẫn có thể biết được tội ác man rợ của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary qua những trang văn xót xa, phẫn uất của các nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Bùi Thanh Minh đã dựng lại hình ảnh tàn bạo, mông muội, dã man ở tiểu thuyết “Bên dòng sông Mê”: lính Pol Pot đập đầu đồng loại mà chúng cho là “có tội” bằng cuốc, xẻng; rồi gạt xuống hố chôn tập thể; đứa trẻ hai tuổi bị tung lên trời và chọc mũi lê lên đón; những xác chết bị băm vằm, bắn đến nát bét; 12 cô giáo ở Tây Ninh bị lột trần truồng, hãm hiếp tập thể, rồi bị cắt xẻo vú...

Tàn bạo đến mức vô cảm, tận dụng xác đồng loại làm thức ăn cho cá sấu, đọc rợn cả gáy: “Suốt ba năm thời Pol Pot, chúng cho cá sấu ăn toàn thịt người. Cá lớn thì bảy ngày ăn một bữa, mỗi bữa hai con ăn một người. Một người chặt ra làm ba bốn... Còn cá sấu con, ba ngày ăn một bữa, thức ăn là thịt người róc xương và băm nhỏ.” (Em bé câm trước đền Angko của Lê Lựu)

Hình ảnh bọn lính Pol Pot được miêu tả như những tên lính du kích, nông dân, ít học có phần mông muội, nhưng rất lì lợm: “Lính Pônpốt là những thằng lính mình trần trùng trục, miệng ngậm ngãi, vai vác súng, quấn quanh mình toàn là đạn, lựu đạn và một giỏ lá thốt nốt đựng cơm với một con mắm bò hóc nhỏ hơn ngón tay út. Nó chui nó rúc như dòi, nằm nước phơi nắng như trâu”. (Đường vào Phnom Penh - Bùi Cát Vũ).

Hình ảnh tên chỉ huy Tà Khốc xảo quyệt, tàn độc, sa đọa và vô ơn: đổ thuốc độc xuống sông; nhử cho Quân tình nguyện Việt Nam đánh sang Thái Lan để tố cáo với thế giới; hắn bắt hàng chục người đàn bà ở bên để phục vụ nhục dục thấp hèn... (Bên dòng sông Mê – Bùi Thanh Minh)

Những kiểu giết người không dùng súng đạn, mà thay bằng các dụng thô sơ: Lấy cuống lá thốt nốt cưa họng người, đâm cọc nhọn vào cửa mình, chém dao quắm vào gáy... dã man tàn bạo còn hơn thời trung cổ có thể bắt gặp đó đây ở các trang truyện ngắn, tiểu thuyết Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và Chiến trường K.

2.

Có lẽ cho đến bây giờ, vẫn còn nhiều người mơ hồ, hoài nghi về sự có mặt của Quân đội Việt Nam ở đất nước chùa Tháp suốt 10 năm (1979 – 1989). Nhà văn Nguyễn Trí Huân đã viết hẳn chương -  Chứng tích - chương đầu tiên của tiểu thuyết “Dòng sông của Xô Nét” kể về tội ác tàn bạo của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary để lý giải câu hỏi này. Những đầu lâu xương chéo rập rạ vùi trong đất, lấy tay cào đất cũng lộ ra. Những kiểu giết người rùng rợn như thời trung cổ... Văn chương “Dòng sông của Xô Nét” nói thay các nhà chính trị rằng: Dân tộc Khmer đang chịu thảm họa diệt chủng do tập đoàn Pol Pot gây ra; người lính quân tình nguyện Việt Nam bất đắc dĩ mới phải vượt biên giới sang Campuchia, nếu chậm ngày nào thì ngày ấy người dân lành còn đầu rơi máu chảy.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung viết tiểu thuyết Biên giới, ông muốn truyền thông điệp: Cứu giúp người khác (ở đây là một dân tộc, một quốc gia), người ta phải vượt qua biên giới lãnh thổ của chính mình, cũng như cháy nhà hàng xóm thì phải sang hẳn nhà hàng xóm mới chữa được, dù phải chịu sự mất mát, hy sinh và cả những oan khiên, ngờ vực; nhưng sự thật vẫn là chân lý “giúp bạn là giúp mình”.

Tiểu thuyết Chiến tranh không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy viết về tình thế hiểm nghèo và sự có mặt kịp thời của Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Đông bắc Campuchia. Các tổ trinh sát theo lệnh của trên vượt qua sông suối, rừng rậm, vượt vòng vây kẻ thù, để móc nối, liên lạc với lực lượng nổi dậy. Họ đang phát đi các lời kêu cứu khẩn cấp trong rừng rậm. Họ và nhân dân đang bị bao vây, thanh trừng, tàn sát... Quân tình nguyện Việt Nam và súng đạn, xe tăng, đại bác có mặt ở đất nước Căm Pu Chia và ở đó mười năm cứu giúp người dân lành... chẳng có gì lạ.

3.

Người lính quân tình nguyện Việt Nam là nhân vật văn học được các nhà văn khai thác, phản ánh, xây dựng công phu, tâm huyết nhất. Họ vượt qua khó khăn, chiến đấu, hi sinh thầm lặng ở tiểu thuyết Bên rừng thốt nốt (1984). Còn Người đàn bà khóc mướn (1990) mối tình huyền thoại, mang tính biểu tượng cá nhân hòa quyện và nâng lên tầm vóc hữu nghị của hai dân tộc Việt và Khmer, mà người lính tình nguyện ra đi từ một làng có tục khóc mướn chiến đấu ở chiến trường K với một đào hát từng là vũ nữ hoàng gia. Sự gặp gỡ nhau của hai dân tộc trong văn hóa dân gian, làm người ta nghĩ đến đức tin và tôn trọng nhau sẽ tránh được xung đột tương tàn. Tiểu thuyết Đất không đổi màu, là biểu tượng máu của người lính tình nguyện Việt Nam đổ xuống đất nước Campuchia không thay đổi màu đất, nhưng sự hi sinh đó không vô ích, mà là mạch ngầm của lòng tin, của tình nghĩa hữu nghị... sẽ âm thầm chảy trong lịch sử hai quốc gia.

Hình ảnh Người lính Quân tình nguyện đẹp đến mức được dân Khmer gọi là Bộ đội nhà Phật. Họ thương yêu người Khmer như người thân của mình: “Cõng người già, nhịn đói nhường cơm cho dân, đỡ đẻ cho phụ nữ, săn sóc trị bệnh cho trẻ em. Thà bị chết ngất vì khát chớ không lấy một quả dừa ở cả những nơi không có dân. Thà ăn muối chớ không bắt một con cá dưới ruộng. Đã bị thương, một mình ngồi giữ 5 - 6 tù binh mới vừa bắn mình đó mà vẫn giữ được bình tĩnh...” (Đường vào Phnom Penh – Bùi Cát Vũ). Ở chiến trường K, thiếu tá Trần Bá Luân chỉ huy những trận đánh bất ngờ khiến bọn Pol Pot không kịp trở tay, tính sáng tạo và vai trò cá nhân nổi bật, chứ không có cái gọi là chiến công của tập thể. (Bên dòng sông Mê – Bùi Thanh Minh).

Người lính trong tiểu thuyết Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân chịu vô vàn khó khăn gian khổ ở chiến trường K. Một trong những nỗi khổ là thiếu nước vào mùa khô, mỗi người chỉ một bi đông nước để tắm: “họ đặt sát cái bi đông lên đầu, dốc ngược, để cho nước chảy rỉ rả vừa đủ ướt toàn thân. Rồi kỳ cọ. Rồi lấy khăn lau”. Sau nhiều cái chết của đồng đội, họ cũng u uẩn, nghĩ ngợi: “Cái chết đến dễ dàng như vậy hay sao?” Câu hỏi như một mũi khoan cứ xoáy mãi, xoáy mãi trong tâm trí của Trung”. Nhưng, vượt qua những u uất đó là tâm trạng của người lính lạc quan, hi vọng: “Cánh rừng lại xôn xao không khí của những ngày vào chiến dịch... Từng đoàn quân, quần áo bạc màu nắng gió, ba lô, súng ống, gạo nước trĩu nặng trên thân bước những bước dài mạnh mẽ.”

Xin trích một đoạn trong bài viết “Ám ảnh Miền hoang” của tác giả Mai Hoàng trên báo Đà Nẵng:

“Bốn con người ở hai chiến tuyến bị lạc trong rừng hoang dã: Một cô y tá câm, một lính áo đen, một Ông Lớn - Trung đoàn trưởng bị thương dập nát một ống chân trong nhóm tàn quân Pol Pot, một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh; và thêm một gã người rừng - dã nhân mắt một mí bị mất nửa bàn chân, lạc rừng lang thang, lòng vòng, quẩn quanh..., đói khát, bất lực, tuyệt vọng trong cái nắng nóng mùa khô khắc nghiệt, thú dữ rình rập, bom mìn ẩn khuất dưới đất... luôn luôn đe dọa tính mạng. Họ đói khát tơi tả, vết thương còn hơi sực mùi thuốc súng, lê lết trong rừng... luôn là món mồi béo bở của lũ kên kên, chó sói. Miền hoang còn là số phận cô y tá câm người Khmer xinh đẹp trước 3 gã đàn ông nơi hoang dã trần trụi - nơi mà khái niệm đạo đức và pháp luật là thứ xa xỉ, chỉ còn sức mạnh cá thể hoang dã làm bá chủ. Tiểu thuyết Miền hoang cũng là câu chuyện sinh tồn khi bị đẩy vào nơi hoang dã... Con người trong chiến tranh đi qua miền hoang dã, lại đối mặt với một miền hoang mới.”

Có thể nói Văn xuôi chiến tranh ở ngoài biên giới Việt Nam đã gặt hái không ít thành công. Trên từng trang sách, người đọc không chỉ xúc động, phẫn nộ, căm thù tội ác dã man phi nhân nhân tính của bọn phản động Pol Pot, mà còn rung động, ám ảnh bởi một chiến trường K khốc liệt, quá nhiều mất mát hy sinh và hình ảnh đẹp của Người lính Quân tình nguyện Việt Nam - Bộ đội nhà Phật cứu dân tộc Khmer thoát khỏi họa diệt chủng.

S.N.M

 

SƯƠNG NGUYỆT MINH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 247

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

2 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground