Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nguyễn Minh Khiêm gặt hái trên cánh đồng nhiều hướng gió

Nguyễn Minh Khiêm thể nghiệm nhiều thể loại, nhưng thành công nhất và tạo được nhiều dấu ấn đối với bạn đọc vẫn là lĩnh vực thơ ca. Hơn 10 tập thơ xuất bản, trong đó, Cánh đồng nhiều hướng gió thể hiện phong cách, tài năng, cá tính sáng tạo và thế giới nghệ thuật độc đáo hơn cả. Nhờ tính co duỗi linh hoạt của thơ văn xuôi cùng với sự phong phú về các thi ảnh, sự kiện, giúp Nguyễn Minh Khiêm giãi bày trăn trở, ray rứt, suy tư trước vấn đề xâm lăng của đời sống đô thị, mai một của các giá trị truyền thống, tự do của con người, nỗi đau thân phận,...

1. Sự xâm nhập và tái sinh truyện kể dân gian không còn lạ gì trong thơ ca Việt Nam từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay. Không ít tác giả sử dụng chất liệu dân gian làm tư liệu sáng tác. Từ Vương Trọng, Hà Nhật, Đoàn Thị Lam Luyến, Trần Đăng Khoa, Lãng Thanh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Văn Công Hùng, Võ Quảng,... cho đến những tác giả trẻ hơn như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Thị Mai,... Ở đó, với cảm quan, tư duy và tâm thế hiện đại, các nhà thơ thẳng thắn bày tỏ đồng thuận hoặc đôi khi trái chiều trước những nhân vật, sự kiện, chi tiết của truyện kể dân gian để bàn luận về tình yêu, thân phận, bi kịch... của con người. Ở tập thơ Cánh đồng nhiều hướng gió, Nguyễn Minh Khiêm sử dụng nhiều chất liệu dân gian, mượn chất liệu dân gian gia tăng thi ảnh. Khá nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ được sử dụng, tuy nhiên, hầu hết mới dừng lại ở sự vay mượn, sáng tạo chưa cao. Ấn tượng nhất vẫn là chất liệu từ truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết. Những chất liệu ấy đều được ông soi chiếu trên cái nền của hiện thực. Với cảm quan mới, ông vừa nhận thức lại huyền thoại, vừa mượn huyền thoại, so sánh, đối chiếu với thực tại, nhờ đó, ông đã lạ hóa thực tại, tạo ra một thế giới khác, thực tại khác, neo vào người đọc ý thức phản tỉnh. Do đó, Cánh đồng nhiều hướng gió có sự đan chéo, phối hợp giữa nguồn mạch dân gian và âm hưởng đương đại. Tính hợp lưu này tạo nên cái riêng khác cho Cánh đồng nhiều hướng gió.

Nhiều chi tiết, nhiều nhân vật trong truyện dân gian được tác giả vay mượn: quả dưa Mai An Tiêm, bọc trứng Âu Cơ, niêu cơm, tiếng đàn, cây cung, gốc đa Thạch Sanh, trái tim Đan Kô, nỗi đau Prô-mê-tê, chàng Đăm San và nữ thần Mặt Trời, tiếng sáo Trương Chi, Thánh Gióng,... Trong đó, nhiều chất liệu dân gian được lặp đi lặp lại. Nhân vật Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) lặp 5 lần; Sơn Tinh lặp 5 lần, Thủy Tinh lặp 6 lần; chi tiết bọc trứng Âu Cơ lặp 5 lần; chi tiết về Thạch Sanh lặp 5 lần,... Mỗi lần lặp đều đưa đến những cảm xúc riêng. Một số chi tiết trong truyện Thạch Sanh, Sơn Tinh Thủy Tinh, Mỵ Châu – Trọng Thủy, Tấm Cám,... được nhà thơ cắt nghĩa lại. Những hành động như “Lý Thông lấp đá giết Thạch Sanh”, “Sơn Tinh ném đá xuống đầu Thủy Tinh”, “Tấm xui Cám vào chum tắm để đẹp xinh hơn”,... đều để lại những ám ảnh khó phai về sự trả thù trong cách ứng xử nhân sinh. Theo Nguyễn Minh Khiêm, hành động của Lý Thông đã “hình thành vực thẳm trong nhiều ánh mắt”. Hành động của Sơn Tinh “để lại vết sẹo dài trong ký ức hết thế hệ này qua thế hệ khác”. Hành động của Tấm khiến “trang sách nào mở ra cũng kinh hoàng vại mắm”... Ông không chỉ tái sử dụng một số chi tiết từ chất liệu dân gian mà ông còn phát hiện, bổ sung thêm một số nét mới, hay nói cách khác, ông viết tiếp, theo cách nhìn nhận, đánh giá của mình. Ông đánh giá Sơn Tinh, Thủy Tinh trên tinh thần công bằng, lòng nhân ái:

Sơn Tinh và Thủy Tinh nhận ra mình cùng sinh từ bọc trứng Âu Cơ

Sau mấy nghìn năm xung khắc bất đồng vì một người con gái, nay tìm cách chung sống một mái nhà

Sơn Tinh nhận lại Hoàng Sa, Trường Sa, nhận lại những đảo chìm đảo nổi

 

Thủy Tinh lên đầu suối, đầu sông mở Hồ Núi Cốc, mở Hồ Hòa Bình. Mở Hồ Sơn La, nhận lại Hồ Ba Bể

Đem dấu chân cha dắt năm mươi người con xuống bể về thờ; đem dấu chân mẹ dắt năm mươi người con lên núi về thờ
                                      
(Sau một đêm thức dậy)

Hoặc vừa đối thoại với cổ tích vừa đối thoại với thực tại, tạo đất để người đọc tự suy nghiệm:

Ta trở về cánh đồng nơi có bước chân lạ mẹ ta ướm vào sinh ra Thánh Gióng

Văng vẳng câu nuôi khát vọng thì nuôi đồng xa, chớ nuôi đồng nhà làng bắt

Chiếc giỏ hạnh phúc nhiều lần bị lừa đổ trộm

Nhưng mỗi lần nhận con bống bụt cho ta vẫn sợ  mang theo bao nhiêu tai họa

Ta không muốn về làm hoàng hậu bằng cách dụ dỗ Cám trèo cau

Giọt máu của cha ta liệm mấy trăm năm rồi mắt vẫn chừng chừng mở.
                                      
(Cánh đồng nhiều hướng gió)

Việc cắt nghĩa các chi tiết, hình ảnh dân gian, đưa đến diện mạo mới cho Cánh đồng nhiều hướng gió, vừa đậm chất dân gian vừa mang hơi thở mới, cảm quan mới, tư duy mới. Đây là hướng đi đáng quý khi thơ ca đang tràn lan, gây nhiễu loạn trong quá trình tiếp nhận.

2. Nhiều hình ảnh trong Cánh đồng nhiều hướng gió tạo được độc đáo, bất ngờ. Thiết kế khoảng trống giữa các từ ngữ chưa phải là điểm mạnh của Nguyễn Minh Khiêm nhưng việc kết hợp lệch chuẩn đã cấp nghĩa mới cho hình tượng thơ, đưa đến sắc thái lạ. Câu thơ “Những đôi vai gánh nếp nhăn vượt khỏi đời mình mỏi mệt dựng câu hát cũ làm lều tránh nắng” là một ví dụ. Ở đây, kết hợp lệch chuẩn cùng với tương hỗ của thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, hình ảnh “những đôi vai” dội vào lòng người âm hưởng buồn, ray rứt trước nỗi đau thân phận. Hoặc hình ảnh ngọn gió trong tập thơ. Đây là một hình tượng sinh động, vừa thực vừa hư. Ngọn gió được nhìn ở chiều kích mới, mang tính đa nghĩa, nước đôi. Gió xuất hiện ở nhiều góc độ. Nguyễn Minh Khiêm không dùng chày để giã gạo mà dùng để giã gió: Những chiếc gùi mang lam lũ nhọc nhằn xệ xuống bởi tiếng chày giã gió. Gió gợi nỗi đau: Gió đắng đót khúc đồng dao lệch nắng. Gió – khởi đầu của sự rạn nứt: Bóc mỗi sợi gió thấy bao nhiêu đứt gãy. Gió của cường quyền: Cánh buồm không căng lên được bởi những cơn gió bại liệt. Gió của tình yêu: Bóc ra từng sợi gió đặt lên môi,... Như thế, gió của Nguyễn Minh Khiêm tồn tại trong nó nhiều mặt, vừa gợi những gì trong trẻo, đẹp nhất, vừa biểu hiện bi kịch thân phận, vừa biểu hiện ngăn cách, chia lìa... Sự đa dạng hình tượng gió đã phần nào mở ra sự đa dạng của cõi thế.

Viết về mẹ, về cha, hình ảnh đôi bàn chân, bàn tay có sức gợi, sức ám ảnh cao. Nó là biểu tượng vẻ đẹp cần mẫn, lam lũ trong lao động của người dân. Bàn tay mẹ được tác giả so sánh ngầm với những vật dụng quen thuộc được dùng trong lao động:“Bàn tay hình lưỡi cuốc. Bàn tay hình lưỡi xẻng. Bàn tay hình chiếc gàu tát nước. Bàn tay hình chiếc cào năm răng, mười răng. Cuốc cào suốt sáng thâu đêm” (Sấm xa). Khoác vào hình dáng ấy, đôi bàn tay đã lột tả hết những đớn đau, vất vả, suốt một đời lo toan vì chồng, vì con của người phụ nữ. Cũng ở bài Sấm xa, đoạn thơ khác, bàn tay của mẹ còn là biểu tượng của niềm tin, sức sống, khát vọng dù ẩn chứa trong đó cả một trời buồn đau, cơ cực: “Đêm Ba mươi tết mẹ ngửa bàn tay. Khát vọng xòe ra. Mơ ước xòe ra. Màu tóc xòe ra. Tuổi xuân xòe ra. Da nhăn vỏ đỗ xòe ra”. Động từ “xòe ra” tạo được hiệu ứng thẩm mỹ cao. Bàn tay xòe ra, tuổi xuân xoạc ra, nỗi cơ cực giãn ra, tách ra từng thớ một khiến lòng người thêm se sắt. Đôi bàn chân của cha cũng được tác giả phác họa khá đắt: Chạm đôi dép cũng nảy mình lên như gặp bàn chân cha tóe máu trong giày; Bàn chân móng mất móng còn không thành ngòi bút viết tiểu sử và hồi ký. Đôi bàn chân bị tổn thương, bị biến dạng, tự nó đã lột tả những âm thầm vất vả hi sinh thầm lặng của người cha.

Hôn phối các từ ngữ, cụm từ ngữ lạ trở thành một phương tiện để Nguyễn Minh Khiêm mở rộng khả năng phản ánh chiều sâu của hiện thực, mở rộng biên độ của cái đẹp, quyến dụ người đọc bước vào một thế giới của ảo mộng, huyền bí nhưng lại rất hiện thực. 

3. Yếu tố thế sự đậm đặc trong Cánh đồng nhiều hướng gió. Nguyễn Minh Khiêm gửi gắm trong đó tình cảm về quê hương, đất nước, suy ngẫm về chiến tranh, về tình yêu, về lẽ sống, về thế thái nhân tình,... với giọng điệu vừa trữ tình đằm thắm vừa triết lý, vừa chao chát, ngậm ngùi vừa pha chút tưng tửng, bình thản.

Cảm hứng từ lịch sử như truyền thuyết về cái chết của Trần Khát Chân, thái sư Trần Thủ Độ, hình ảnh cô gái Pa Kô,...; các địa danh, những trận chiến lớn - dấu tích chiến tranh khốc liệt - như: Thánh địa Mỹ Sơn, Thành Cổ Quảng Trị, bãi cọc Bạch Đằng, hang Đầu Gỗ, chiến dịch Làng Vây, chiến dịch Tà Cơn, chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh,... cũng tạo điểm nhấn cho Cánh đồng nhiều hướng gió. Lấy cảm hứng từ cuộc chiến 81 ngày đêm đầy bi tráng, thủ pháp ẩn dụ, điệp, liệt kê, tương phản, câu cảm thán liên hoàn đã giúp nhà thơ xây nên một tượng đài Thạch Hãn đẫm màu đỏ. Màu đỏ của chia li, đoạn tuyệt, tang thương, ray rứt không thể nào liền da. Hôm nay, tiếng reo nối tiếp tiếng reo mà sao rưng rức, tái tê! Tiếng gọi không lời đáp tan vào dòng sông máu dội vào ngực người ở lại những nốt trầm đau thương: Từ thượng nguồn buốt tới hạ lưu. Tiếng reo nối vào nhau xé ngực. A! Thấy một lọn tóc! A! Thấy một mẩu xương! A! Chiếc lọ bi-ni-xi-lin chưa vỡ! Những tiếng reo nước mắt chảy ròng ròng. Những tiếng reo mà đứt trăm khúc ruột. Những tiếng reo đến muôn sau còn buốt/Từng mẩu xương, từng mẩu tóc vẫn được tìm lên. Những giọt nước mắt vẫn nối nhau rơi xuống/ Mẹ gọi/ Vợ gọi/ Con gọi/ Người yêu gọi/ Đồng đội gọi/ Bạn gọi/ Dòng họ gọi/ Làng xóm gọi/ Dòng Thạch Hãn ngày nào cũng thế!” (Miên man Thạch Hãn).

Nếu cảm hứng từ văn học dân gian đưa đến nhiều triết lý, suy nghiệm trên cái nền hư thực thì cảm hứng lịch sử, chủ yếu được xây đắp bằng yếu tố thực nhưng vẫn đầy day dứt, chua xót, ám ảnh người đọc.

Trong Cánh đồng nhiều hướng gió, sự xuất hiện của các đồ dùng, vật dụng quen thuộc như đèn cù, rơm rạ, tấm lưới, vỏ trấu, hạt lúa, củ sắn, củ khoai, lưỡi cuốc, lưỡi cày, dao, mai, thuổng, chiếc bồ, chiếc đòn gánh, hình nộm, con trâu, con bò, xe bò, chiếc dậm,... và các trang phục truyền thống như áo tứ thân, mớ ba mớ bảy, áo the, khăn xếp,… cho đến những lễ vật, hoạt động trong lễ hội truyền thống như bánh chưng bánh dày, trầu cánh phượng, câu hát giao duyên, phường bội phường chèo, cồng chiêng, đàn đá,... tạo không khí rất đồng quê, rất dân gian.

Gông vào mình những đớn đau, nghiệt ngã của lũ lụt, của lối sống thời thị trường, làng trong mắt của nhà thơ đã “phố hóa”: Rạ rơm không biết mình đang được định giá bởi cái ngoắc tay, cái gật đầu ở một quán bi-a hay trong nhà tắm”. Lòng tham của con người đẩy vào làng những thứ phẩm độc hại, người người hại nhau một cách nhẫn tâm đến nỗi rơm rạ, hạt lúa, lá cây, ngọn gió… cũng bao phen khốn đốn: Băng zôn biểu ngữ treo rực rỡ từ đồng cạn đến đồng sâu làm thuốc tăng lực rơm rạ vẫn phải nhiều lần đưa lên bàn cấp cứu; Hình nộm giắt quanh mình rất nhiều thuốc trừ sâu, mặt người quê vẫn xanh xao vì bao nhiêu thứ đỉa/ Hạt lúa trượt chân xuống tiếng thở dài/ Lá rụng buồn như khuôn mặt vay nặng lãi/ Gió cứ u u thổi (Gió cứ u u thổi). Không gian yên bình của làng quê, những giá trị văn hóa cổ truyền hiện lên trong kí ức, trong nỗi nhớ tiếc, trong giấc mộng của nhà thơ: Ta muốn ru chiếc đòn gánh không còn ghì xiết vai làng bật máu/ Ru những hạt phù sa có nắm nhau ta không bao giờ bị đem đi cầm cố lúa non/ Ru mùa hoa đến sớm trong giấc mơ không vay nặng lãi/ Ru ánh mắt làng được ngủ thật ngon trên rãnh cày mà không phải giật mình bởi mống cụt cầu vồng (Cánh đồng nhiều hướng gió). Tương ứng với không gian hư ảo là thời gian của mộng tưởng. Thời gian đã bị tác giả đẩy lùi về quá khứ. Đó là màu thời gian của cổ tích, huyền thoại: “Ta lạc về cái ngõ ngày xưa đôi rắn liu điu dìu nhau qua giông bão/ Mang tiếng sáo chàng Trương thả lưới đón ánh trăng vàng trúc xinh tát nước/ Những con tằm cùng ăn một lá cùng nằm một nong đóng gàu sòng tát cạn biển đông/ Lông ngỗng Mỵ Châu chấp chới  bay ra từ lồng ngực/ Trao nón ba tầm cây đa gánh tội/ Mặc áo tứ thân đêm rằm chịu lỗi” (Những mảnh vỡ @). Ngày xưa được gợi nhớ bằng những thi ảnh vừa gần gũi vừa cổ tích như nhân thêm khát vọng trở về tuổi thơ, trở về mái ấm của nhà thơ: “thèm củ khoai lang mật ủ tro dưới gầm giường”, “muốn ru chiếc đòn gánh không còn ghì xiết vai làng bật máu”, muốn “giữ chiếc dậm cho cha đánh thật nhiều cua nấu canh rau bợ”,... Đối lập hoàn toàn giữa ngày xưa ấy với cuộc sống thời @ tạo ra những vết nứt sâu hoắm, in vào từng ngõ ngách, từng khuôn mặt, từng bước chân. Những vết nứt ấy lặn sâu vào trong từng hơi thở, lời nói, cái liếc mắt, nụ cười... dù có vá/ nối cũng chỉ hoài công. Bởi, theo tác giả, đó là vết nứt di truyền từ quá khứ đến hiện tại.

Thành phố hôm nay cũng thế! Nhà thơ đau lòng, nhức nhói khi ở thành phố, nghề bới rác, tìm kiếm trong đồ phế thải một sự sống, trở thành thiên đường của những số phận bất hạnh. Thành phố là thiên đường tung hoành của ngập ngụa ruồi muỗi, rắn rết, chuột bọ,...; là thiên đường của những người “lôi thôi lếch thếch xiêu vẹo, kẻ không quần, người không áo, thần kinh, tàn tật, con đẩy ra đường, cha mẹ bỏ rơi đen đúa, run rẩy”. Những mảnh đời cơ cực trên cái nền đen đúa, tối tăm, mù mịt, không có tương lai như một thước phim quay chậm, chậm từng tí một, dội vào người đọc những ám ảnh khôn nguôi. Đối lập với không gian ấy là không gian của những kẻ sống xa hoa, quyền quý, lướt qua những cảnh đời ấy bằng chiếc xe bóng nhoáng, không đơn giản chỉ là té nước khi phóng qua mà ghê sợ hơn khi họ bịt mồm, bịt mũi, kéo rèm che cửa kính để tránh cái mùi thối, mùi mưu sinh của biết bao phận người. Nhà thơ nói mỉa thành phố ấy là thiên đường, nhưng đó là thiên đường những gì khủng khiếp, ghê sợ nhất.

Nhà thơ xoay hướng nào cũng thấy vết nứt. Cuộc thế cứ như khối vuông rubic bộn bề màu sắc. Phải chăng thông qua bức tranh tương phản trên, Nguyễn Minh Khiêm muốn cảnh tỉnh, thức tỉnh con người trước nguy cơ bất ổn, phi lý giữa những hệ giá trị cũ và mới?

Sử dụng chất liệu dân gian, tư liệu từ lịch sử, đổi mới, lạ hóa hình ảnh thơ, không – thời gian nghệ thuật, từ ngữ vừa hiện đại, đa dạng, đa nghĩa vừa dân dã, pha chút lạnh lùng,... như một phương tiện để Nguyễn Minh Khiêm giãi bày cảm quan của người nghệ sĩ trước nguy cơ xói mòn, lai tạp của các giá trị truyền thống, trước những ám ảnh, day dứt về quá khứ, trước những mảnh vỡ của cuộc sống. Qua những thể nghiệm trong Cánh đồng nhiều hướng gió, người đọc vừa thấy một Nguyễn Minh Khiêm băn khoăn, trăn trở vừa thấy một Nguyễn Minh Khiêm hết sức thẳng thắn, trực diện khi chọc vào các vết nứt của cuộc sống. Cảm quan hiện đại cùng với nhãn quan hiện thực nhạy bén, đầy tính nhân văn đã tạo sinh khí mới cho Cánh đồng nhiều hướng gió. Cuối tập thơ, ông nhắc nhở “Suỵt! Nói nhỏ”, thế nhưng, không có bức tường nào có thể ngăn nổi những ngọn gió quyền lực trong Cánh đồng nhiều hướng gió. Một khi nhiều thứ tích tụ, chúng như cái nhọt mưng mủ, sẽ bị vỡ ra, vén màn bí mật của thời cuộc: “Gió đưa tay bịt miệng gió. Nắng đưa tay bịt miệng nắng. Làm ký hiệu cho nhau: Suỵt! Nói nhỏ./ Nói nhỏ. Nói nhỏ. Nói nhỏ/ Nhỏ mãi. Nhỏ mãi/ Nhỏ thành mắt bão” (Suỵt! Nói nhỏ).

                           H.T.A

 

______

(*) Nguyễn Minh Khiêm, Cánh đồng nhiều hướng gió, NXB Hội Nhà văn, 2013.

 

 

 

HOÀNG THỤY ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 247

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground