Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cúc áo màu đỏ tím

Tặng những người thân yêu nhất của tôi

        Lần đó sau nhiều năm đi xa trở về, tôi được họa sĩ Lê Văn Nhường giới thiệu bức tranh "Biển thời con gái". Bức sơn dầu khổ 0.8 x 1.2m. Tôi vốn mù tịt về hội họa và mỹ thuật, mà họa sĩ Lê Văn Nhường thì im lặng, chẳng nói gì về nó như đã giảng giải rất hay về các bức khác. Chỉ biết có một cảm giác thân thương gần gũi tràn lấp trong tôi với những gì mà đôi bàn tay tài hoa của họa sĩ đã thể hiện: Người con gái trẻ, tóc dài, áo bà ba trắng, gương mặt như Mẹ Maria; đôi bàn tay mềm cách điệu, to hơn bình thường đang đỡ và che ngọn đèn dầu rất sáng. Những con cá bị mắc câu, có những con lại bơi trong nền nâu thẫm mà tôi tưởng đó là đất. Một dáng hình thiếu nữ khỏa thân đang tắm sau cái vệt mờ mà tôi hiểu đó là vòm địa đạo…

Tôi hỏi họa sĩ Lê Văn Nhường: ''Có phải những cái xương cá này là Cái Chết và Tội Ác không?" họa sĩ gật đầu. Tôi hỏi lại: “Có phải các cúc áo đỏ tím trên cổ người con gái là Trái tim và Hy vọng không?” “Đây là bức sơn dầu được giới họa sĩ chuyên môn đánh giá cao và chú vẽ tặng mẹ cháu!”

Mẹ tôi? - Một người đàn bà bình thường trong xóm nhỏ Cửa Tùng lại đẹp thánh thiện thế này sao? Tôi không tin, hỏi ba - Ba im lặng…

Ông ngoại nhớ lại, bà ngoại mất khi mẹ mới mười ba tuổi, mẹ phải làm lụng để chăm sóc các cậu và dì của tôi. "Làm eng làm ả phải ngã mặt lên" mà… Năm mười bảy tuổi mẹ vào dân quân, tham gia lao động sản xuất, chiến đấu ở làng Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang. Mẹ đi học một lớp gì đấy rồi về làm cô giáo làng. Mẹ đẹp và hát hay nổi tiếng khắp vùng. Giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, mẹ đi bộ đội, ở Đội tuyên truyền văn hóa, thuộc trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến 17 là sông Hiền Lương trong xanh hiền hòa, đã cắt chia đất nước suốt mấy chục năm…

Lần giở những tấm ảnh thời chiến tranh của mẹ, tôi thấy có nhiều bức mẹ chụp ở chiến trường. Mẹ đang biểu diễn dưới chiến hào, ngổn ngang súng đạn; mẹ đang đi làm công tác địch vận, vai vác đàn, loa, phông màn, đội mũ tai bèo, chân dép lốp. Có ảnh mẹ chụp một mình, có ảnh mẹ chụp với nhiều người khác. Mẹ chỉ vào người đi đầu: "Bác này là Xuân Thiệu, chuyên đóng vai hề. Có lần đang diễn hề "Tùm tùm, tùm cóc" ngồi xuống giữa sân khấu bị rách toạc quần, lại không mặc quần đùi… Bộ đội cười ngất… Bác bị thương khi vào mắc loa lên hàng rào kẽm gai đồn địch, cả cái loa sắt cũng bị thương, đạn địch bắn thủng bốn năm lỗ. Còn dì này dáng đẹp sang trọng nên chuyên đóng vai ký giả, tiểu thơ con nhà giàu, hoặc là vợ con sỹ quan Mỹ. Dì đẹp nên lính ta gửi thư tán tỉnh liên tục. Giờ dì ở trong Huế , một mình…".

- Rứa hồi đó mạ làm chi? - Tôi hỏi.

- Mạ hát.

- Mạ hay hát bài chi?

- Mạ hát mấy bài ru con, hò mái nhì, điệu Nam ai, Nam bình, rồi bài "Câu hò bên bến Hiền Lương" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Nhưng mà bài ni chỉ hát cho địch nghe thôi chớ không được hát cho bộ đội mình nghe…

Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Nhưng rồi cũng hiểu, bài hát hay nhưng buồn quá, lại thời cả dân tộc ra trận, mỗi một người phải xếp hết mọi góc riêng tư của mình để sống cho lý tưởng Tổ quốc trường tồn…

- Rứa hồi đó mạ có hay buồn không?

- Không! Thời đó vô tư và trong sáng, bom đạn thì nhiều, ngày mô cũng có người chết sập hầm, sập địa đạo. Rồi quen đi, chẳng ai nghĩ tới cái chết bởi nó thấy bình thường. Chết là hết, không có chi phải suy tính.

Chết là hết… thời "Tiếng hát át tiếng bom", mẹ và đồng đội của mẹ đã đem lời ca tiếng đàn của mình, như là những thông điệp của sự sống, cất lên từ ruột đất, từ lòng địa đạo gửi đến những trời xanh bình yên. Còn sống thì còn hát, cũng giống như người lính chiến trên chiến hào, còn sống thì còn bắn. Thật là giản đơn như mảnh trời xanh nho nhỏ bên bức tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Văn Nhường tặng mẹ. Nhưng mà tôi vẫn đọc được điều gì đó giống như là muộn phiền trên gương mặt nửa sáng nửa tối của người con gái áo trắng trong tranh. Rồi cả đường rẽ ngôi dễ thương của mái tóc huyền, hình như cũng biểu trưng cho điều thiêng liêng nào đó mà lũ nhóc con chúng tôi bây giờ không biết chăng? Mỗi người, mỗi thế hệ có quyền giữ cho mình những điều riêng không thể nói mà chỉ người đó, thế hệ đó biết được thôi.

Không dám hỏi mẹ, không dám hỏi ba, cũng không dám hỏi họa sĩ Lê Văn Nhường. Tôi không dám hiểu…

Rồi cả mắt đen, rất đen, đôi môi bạc đi vì năm tháng chiến tranh; cả dáng hình thiếu nữ gầy guộc đang tắm trong ánh sáng mờ của ngọn đèn dầu dưới địa đạo, hình như cũng có điều gì đó như là ẩn ức, khát khao?...

Không bao giờ buồn, đó là sự vĩ đại của con người trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, và chỉ có những thiên thần. Hay nói theo triết lý nhà Phật, đó là sự giác ngộ toàn năng của con người trước Chân - Thiện - Mỹ.

Tranh ấn tượng thường tạo cảm xúc mạnh mẽ nhưng lại mong manh dễ vỡ, ít nhất là trong bức "Biển thời con gái" này. Tôi nói điều đó với họa sĩ Lê Văn Nhường. Họa sĩ im lặng. Thì đã bảo, tôi vốn mù tịt về hội họa và mỹ thuật mà. Nhưng… e rằng cũng đúng như vậy. Choán hết không gian là mầu nâu thẫm của đất đai, người con gái áo trắng đang ngồi, không phải đợi chờ, chỉ đôi bàn tay mềm đang đỡ và che ngọn đèn dầu rất sáng. Những ngón tay như đang muốn giữ lại, chắn lại như đang hắt những mảnh sáng để soi rõ khuôn mặt mình. Lại có những con cá bơi trong lòng địa đạo. Biển không thấy. Những sợi cước trắng dân chài dùng làm dây câu nhưng tôi tin đó là nước mắt, chảy dài…

Mẹ kể. Bác Ái Chủng dáng người to cao nên hay đảm nhiệm những vai cố vấn Mỹ, vai tỉnh trưởng. Có lần biểu diễn, chờ đến cảnh của mình, "tỉnh trưởng" ham chơi quá, quên đi giày, đến khi ra giữa sân khấu thì giật thột, thấy hai chân trắng lốp. Cả đoàn hồi hộp nín thở…

"Tỉnh trưởng" mặt như không, hai tay đút túi quần, đủng đỉnh đúng ba vòng quanh sân khấu, nhảy tót lên bàn làm việc, chân vắt chữ ngũ đung đưa, tay xoa cằm, mặt hếch lên: "Lính đâu?". Dù không có lời thoại này trong kịch bản nhưng mấy cậu đóng vai lính ngụy vẫn dạ ran. "Đem đôi giày ra đây!". Giày được mang ra, "tỉnh trưởng" bình tĩnh đi giày, cột giây xong rồi bắt đầu "làm việc":

- Mày làm Việt cộng liên lạc với ai, ở đâu?

Xung quanh "Tỉnh trưởng" đầy những súng lục, roi điện. Ấy là "Tỉnh trưởng" đang chất vấn, hỏi cung một nữ du kích bị bắt. Lẽ dĩ nhiên là lính ta ngồi xem không hề biết cái "xen" ngoạn mục kia là tình huống bất ngờ.

Còn hát tam ca dì Thanh Phú có chất giọng đẹp nên thường được chọn hát lĩnh xướng. Dì lại cao nên được đứng giữa vì vòm địa đạo thấp, còn mẹ và dì Thanh Du đứng hai bên nghiêng đầu vào vai dì Phú. Có lần lên giọng cao quá, nhạc công sửa đàn, chuyển "tông" không kịp, dì Phú hét: "Nhạc mô rồi, răng không đánh!?" Lính ta lại có dịp cười nghiêng ngả. Tiếng cười dậy cả lòng đất. Ngày mai họ vượt sông Bến Hải vào Nam, lại nhớ mấy o văn công giới tuyến…

Vậy thì ở đâu những muộn phiền trên gương mặt mẹ thời con gái? Hay đó chỉ là những suy xét chủ quan của riêng tôi, hoặc chỉ là một ý đồ của họa sĩ Lê Văn Nhường? Nghệ thuật mà. Nghệ thuật là đôi cánh mà con người bay lên khát vọng chẳng bao giờ nguôi ngoai của một đời, một kiếp. Cuộc đời cần những anh hùng ca nhưng cuộc đời cũng cần lắm những u buồn phiền muộn; để mà quay nhìn lại chính ta, những tháng năm qua, rằng mình đã sống như thế, với chính mình, trung thực, không giả dối. Nỗi buồn trong suốt cũng đẹp và đáng ngợi ca lắm chứ, chẳng thế mà thường nghe người ta nói "cô ấy có vẻ đẹp buồn…" Được khổ đau chân chính thì cũng là hạnh phúc! Tôi nói điều đó với L.M. nàng cúi đầu im lặng. Không biết nàng có đồng ý với tôi không, nhưng tôi tin nàng đã hiểu, rằng sự sám hối bao giờ cũng cần thiết, vì nó là hiện thân của Chân - Thiện - Mỹ, Kinh Thánh - một cuốn sách thông thái có nói: "Hạnh phúc thay những ai còn khóc được…" Tôi thì không tin có Đức Chúa Trời, nhưng giả sử có Chúa thật, thì Chúa cũng phải biết khóc!

Năm 1970, đội tuyên truyền văn hóa trung đoàn E270 giải tán theo yêu cầu nhiệm vụ, mẹ chuyển về đoàn văn công Vĩnh Linh, một đoàn văn công có tiếng trên toàn miền Bắc từng "đánh bại" nhiều "liền anh liền chị" ở Trung ương và các tỉnh khác thời bấy giờ trong các hội diễn văn nghệ. Mẹ kể . Hồi đó tôi ốm yếu, hay khóc nên đi biểu diễn mẹ thường hay mang đi theo, tôi nằm trong nôi mẹ treo bên cánh gà sân khấu. Rồi mẹ ra biểu diễn. Mẹ hát, tôi đã ngủ đi trong lời ru của mẹ, của các dì, các cậu đồng nghiệp của mẹ, dưới ánh đèn sân khấu, trong mùi thơm ngây ngất của đất đai bị tung lên từ những hố bom. Mẹ bị ốm, đến lượt ba lại mang tôi lên trận địa pháo cao xạ trực chiến. Tôi được các chú bộ đội cho ăn lương khô 701 của lính, rồi ngủ thiếp đi trong chiếc dù ngụy trang của ba, ấm áp, say mê…

- Có nhiều ông chỉ huy cấp to muốn cưới mạ, răng mạ không lấy họ cho oai mà lấy ba lúc đó là lính trơn?

- Mạ không biết. Duyên số đưa đẩy. Mạ thấy ba hiền lành, thật thà, thấy tội tội, rồi thương…

Không phải duyên số đâu mạ à! Tình yêu đấy! Đám cưới ba mạ được tổ chức dưới hầm. Nhưng vẫn đủ mọi thủ tục, tất nhiên là đơn giản, chỉ có thuốc lá Sông Cầu, kẹo Hải Hà. Có ngọn đèn măng sông soi rõ hạnh phúc ngời ngời của ba mạ. Đám cưới con nhà lính, lại thời chiến tranh diễn ra trong vòng một giờ, rồi mẹ về đoàn văn công kịp biểu diễn phục vụ đơn vị bộ đội ngoài Bắc mới vào, chờ đêm đến qua sông vào Nam chiến đấu; ba thì lên trận địa pháo trực chiến. Mấy ngày sau bị thương. Một mảnh bom sượt qua cổ tay khi cả tiểu đoàn cao xạ 37 ly của ba cơ động gấp từ Vĩnh Nam về Cửa Tùng giữa ban ngày, bắn khống chế máy bay Mỹ, bảo vệ cho C19 công binh đang đào cứu người bị bom đánh sập cửa địa đạo. Trận đó ác liệt nhưng ngoạn mục. Lần đầu tiên cả một tiểu đoàn pháo, xe cộ không cần ngụy trang hành quân gấp, vừa chạy vừa bắn. Máy bay Mỹ hùng hổ gầm thét nhưng vẫn dè chừng lưới lửa đang giăng…

Nhưng không kịp nữa. Tất cả những ai có mặt ở trận địa hôm đó chết ngạt vì thiếu không khí trước khi lính công binh tìm được cửa hầm. Họ chết, bám víu vào nhau, áo quần rách tơi tả, có người già và trẻ em. Thế mới biết con người ta khi đối diện nghiệt ngã với cái chết và tội ác phải đứng tựa vào nhau, dựa vào nhau, dù chỉ là để cùng chung một khát vọng mãnh liệt vào cuộc sống, vào những gì cao đẹp trên đời. Tôi nghe kể, khi tận mắt nhìn cảnh tượng ấy, có một phút lính công binh chống xẻng, lính cao xạ ngừng tay lắp đạn. Máy bay Mỹ vẫn gầm thét và bom vẫn nổ… Nhưng rồi những đường đạn thẳng căng, mạnh mẽ lại tiếp tục quật lên trời. Những nhát cuốc vẫn bập xuống hi vọng còn ai đó sống sót. Đó là một trưa nắng. Ngày 20 tháng 6 năm 1966. Ở đó nay thành nấm mồ chung, có bia khắc ghi tội ác Mỹ đã gây ra. Dân Cửa Tùng gọi là "Mộ 61".

Khi tôi chưa đầy một tuổi, có lần mẹ đã bồng tôi đi bộ từ Vĩnh Tú về Vịnh Mốc, dưới làn bom B52 để nhận nhiệm vụ là hát cho thương binh nặng, khó qua khỏi mới chuyển từ tuyến trong ra. Mẹ bế tôi vừa đi vừa chạy, vừa nấp vào hầm, giữa những đợt B52 oanh tạc. Đến nơi thì không kịp, cả ba người lính ấy đã chết. Mẹ khóc. Mẹ nói giá như hôm đó B52 đừng đánh nhiều quá thì có lẽ những người lính còn rất trẻ ấy đã được nghe mẹ hát, rồi mà thanh thản ra đi. Còn tôi thì nghĩ rằng, biết đâu khi nghe mẹ hát, những người lính ấy sẽ vượt qua cái chết. Sự sống đôi khi cũng xảy ra nhiều điều kỳ diệu, ai mà biết được?... Hôm đó khi trở về Vĩnh Tú hai mẹ con được đơn vị xe tăng trú quân dọc Rú Lịnh chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị tặng cho bao nhiêu là bánh kẹo, lương khô, cả dù hoa, dù pháo sáng chiến lợi phẩm nữa… Cũng ngày hôm đó, mẹ nhận được tin cậu Chút, em ruột của mẹ là lính bộ binh tiểu đoàn 47 hy sinh tại đồi 31, phía sau làng Xuân Mỵ bên bờ Nam, chỉ cách làng Tùng Luật bờ Bắc một con sông. Mẹ khóc không còn nước mắt. Mẹ nói đêm đó nghe tiếng thét xung phong của bộ đội ta và tiếng xe tăng Mỹ gầm rú từ bờ Nam vọng lại mà lòng mẹ như có lửa. Trận đó bộ đội mình  hy sinh rất nhiều…

Bây giờ thì tôi tin, rằng có những nỗi muộn phiền, day dứt như thế trên khuôn mặt người con gái áo trắng trong bức sơn dầu của họa sĩ Lê Văn Nhường.

Và không chỉ có thế. Những day dứt muộn phiền đó tôi còn đọc được trên nét mặt đã mang vết thời gian của những người khác, là bạn bè, đồng đội của ba mẹ thời chiến tranh. Thỉnh thoảng họ gặp lại nhau, ôn kỷ niệm chiến đấu, kể chuyện tiếu lâm theo kiểu lính, rồi lại hát, những khúc quân hành, những khúc tình ca, những câu hò mái nhì, điệu Nam ai, Nam bình. Những lúc như thế, tôi cũng lẩm nhẩm hát theo, dù chẳng thuộc một tí nào cả. Có lúc tôi thấy họ ngồi thừ ra, im lặng. Tôi đọc được trong những đôi mắt đã già của họ, có lửa và máu…

Tháng 5 năm 1969, mẹ vinh dự được có mặt trong đoàn đại biểu chiến sĩ văn nghệ Quân khu Bốn ra báo cáo với Chính Phủ và hát cho Bác Hồ nghe. Đoàn có Minh Huệ, Minh Lý, Mai Tư và mẹ đại diện quân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Mẹ được gặp Bác ba lần, được ăn cơm cùng Bác, Bác cho kẹo, và mẹ đã hát cho Bác nghe những điệu hò quê hương mang âm hưởng của sóng Cửa Tùng, của tiếng khua chèo trên dòng Hiền Lương, của đất đai, cây cỏ Vĩnh Linh. Bác nghe khen hay rồi sửa những chỗ mẹ hát sai lời. Rằng: "Ru em, em théc cho muồi" chứ không phải: "Ru em, em ngủ cho muồi". Câu ca ấy Bác nghe từ thuở trẻ thơ, khi cùng ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan thân sinh của Bác đưa cả gia đình từ Nghệ An vào Huế. Bác dặn, đại ý là làm văn nghệ phải giữ gìn được bản sắc quê hương, đừng vì cái hiện đại mà quên đi cái gốc của mình. Sự lớn lao của Bác là thế. Tưởng chừng một điều rất nhỏ, chỉ là một từ phổ thông "ngủ" đồng nghĩa với từ Việt cổ "théc" nhưng cũng nói lên nhiều điều… Đó là lần cuối cùng Bác gặp gỡ, chuyện trò, căn dặn với giới văn nghệ sĩ khu Bốn. Sau này Bác ốm, rồi trước lúc đi xa, Bác lại được nghe những giai điệu quê hương do các ca sĩ khác hát cho Bác nghe.

Mẹ đi ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt mà không hề sây sát gì. Năm 1975 mẹ về làm một công chức bình thường ở Viện điều dưỡng Cửa Tùng, nuôi anh em tôi học hành, thi cử.

- Tại răng hồi đó, chiến tranh hết rồi, mạ không nghe ba ra Hà Nội làm ca sĩ của Đài tiếng nói Việt Nam, để tụi con được ở thành phố?

- Mình là dân Vĩnh Linh, ở Vĩnh Linh quen rồi, với lại ông mệ mới đi sơ tán về, không có ai chăm sóc…

Mẹ không làm ca sĩ nữa, nhưng mà thỉnh thoảng mẹ vẫn hát. Ấy là những dịp liên hoan hội hè văn nghệ. Mẹ vẫn hát rất hay, vẫn nổi tiếng trong vùng. Anh em chúng tôi thành ra được "ăn theo" sự nổi tiếng đó, đi đâu ai cũng biết. Còn nhớ, năm 1985, khi cơn bão số Sáu như một trận B52 tàn phá vừa đi qua khoảng một tháng, có ông già nói giọng Bắc về ghé thăm nhà tôi. Ông đứng lặng trước cảnh hoang tàn, đổ nát, lấy khăn tay ra chấm vào mắt. Mẹ bước ra: "Trời ơi, anh Cẩm!". Ông già giọng Bắc đó là nhà viết kịch quân đội, đại tá Đào Hồng Cẩm. Tôi biết điều đó khi học môn văn ở phổ thông trung học, ông già là tác giả của "Nổi gió", "Chị Nhàn", "Đại đội trưởng của tôi"… nguyên là thủ trưởng của mẹ. Khi đó tôi còn nhỏ, mẹ giới thiệu mấy bài thơ con cóc, con mèo, con nhện mới đăng báo của tôi, bảo tôi đọc cho bác Cẩm nghe. Bác Cẩm hỏi tôi có còn giữ cái mũ len đỏ bác cho tôi hồi xưa không? Rồi bác kể ngày bằng tuổi tôi bây giờ bác đã lấy vợ, vợ bác hơn bác sáu tuổi, đêm tân hôn sợ quá bác phải chui xuống gầm giường nằm ngủ. Mười ba tuổi mẹ phải làm lụng vất vả; mười ba tuổi bác Cẩm đã lấy vợ; giờ bác đã mất. Xin bác xá tội cho đứa cháu cứ mang chuyện đâu đâu ra nói vụng. Còn tôi, mười ba tuổi thì rong chơi và làm thơ con cóc…

Năm 1992, mẹ tham dự cuộc thi hát ru toàn quốc, tổ chức ở Huế, đạt huy chương bạc - Tấm huy chương duy nhất về ca hát của đời mẹ. Một lần, tôi là lính tân binh tò te về nghỉ phép, thấy mẹ hát cùng Vân Khánh, lúc đó còn là cô bé nhỏ xíu. Tôi đứng khép nép sau cánh gà nhìn ra sân khấu, chợt giật mình nhận ra, hình như cũng có điều gì đó như là muộn phiền trên khuôn mặt dễ thương, rất ngây thơ của Vân Khánh. Em không biết, em vẫn hát say mê bài "Lý chiều chiều", nhưng mà tôi đã nhận thấy, có điều gì đó u buồn trong mắt em…

Phải là như vậy, phải không họa sĩ Lê Văn Nhường? Nếu không thì làm sao chúng ta hiểu được cái cúc áo màu đỏ tím trên cổ áo người con gái trong bức sơn dầu là Trái tim và Hy vọng được. Cả khuôn ngực đầy, đẹp như vầng trăng kia, chẳng phải là hạnh phúc hay sao?

Và dáng hình thiếu nữ gầy guộc đang tắm trong địa đạo, mái tóc đen rủ xuống như chồng chất những đau buồn đời đời kiếp kiếp, chẳng phải là sự khát khao được sống với chính mình, sống cho mình hay sao?

Nhà vắng vẻ quá. Mẹ giục tôi lấy vợ để mẹ vui. Tôi cười:

- Các cô gái bây giờ chê bộ đội nghèo, khô khan, lại hay đi xa…

- Rứa tau lấy ba mi là bộ đội chớ lấy ai?

- Nhưng mà tại vì hồi đó mạ cũng là bộ đội…

Im lặng, thở dài. Tôi lại gieo vào lòng mẹ một nỗi buồn… Lại nhớ năm kia vào thăm đứa em gái học thanh nhạc ở Huế, nó theo nghiệp của mẹ. Phòng nó ở toàn những cô bé xinh đẹp, những nghệ sĩ tương lai mà. Tôi diện bộ quân phục đẹp nhất, những tưởng sẽ được chiêm ngưỡng. Dè đâu nó nói: "Anh lúc nào cũng là bộ đội". Đành chiều theo ý nó, đổi bộ đồ mô-đen. Lại thấy buồn buồn… Biết ý, nó động viên khéo: "Dù sao thì anh cũng đẹp trai đó chớ!". Tôi cười. Phải rồi, anh đi dự sinh nhật chứ có phải đi duyệt binh đâu mà quân hàm quân hiệu đầy đủ. Cần phải biết mình đang đứng nơi nào trong cuộc đời này chứ, phải không em?

Mẹ ốm nằm bệnh viện, tuổi già và bệnh tật làm sức lực mẹ suy kiệt, lại mắc chứng giãn phế quản, ho ra máu. Thế là từ nay, mẹ chẳng thể nào hát được nữa, dù tóc mẹ còn xanh. Tôi chẳng thể làm được gì, chỉ thỉnh thoảng đến thăm mẹ, nói vài câu chuyện để mẹ vui rồi về, đứng trước "Biển thời con gái" của họa sĩ Lê Văn Nhường với lời đề tặng: "Kính tặng chị Bích Nồng và anh T.B". Tôi nhìn cái cúc áo màu đỏ tím của người con gái trong tranh. Phải rồi, cả thời con gái của mẹ, niềm tin để sống là như thế, đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng kiêu hãnh biết bao!

Thằng em út đi học về, tặng tôi cuốn băng cassette "Guitarca dasica Espanola", trình diễn có bản "Czardar" của V.Monti, lại nhớ "vũ khúc Di gan" từng xem, được trình diễn trên nền nhạc dịu dàng, đam mê, bốc lửa này. Cô gái Di-gan múa Solist hôm đó mặc chiếc váy hoàng yến, cổ tay đeo rất nhiều vòng, và trên áo có rất nhiều chiếc cúc màu đỏ tím… Thì ra nơi nào trên trái đất này cũng thế... những xiềng xích và những trái tim…

Chiều qua, nàng đến bên tôi, nàng mặc chiếc áo rất trắng. Nàng xinh đẹp và quyến rũ, thế mà tôi thấy có cái gì đó mong manh và dễ vỡ… Tôi nhìn vào mắt nàng, thấy mênh mông những bình yên và thanh thản… Tôi đưa nàng đi dọc bờ biển nắng, thấy mênh mông những bến bờ… Nàng xem bức "Biển thời con gái" rất lâu rồi nói "Em chẳng hiểu gì cả!". Ừ thì lũ nhóc con chúng ta là người ngoài cuộc, làm sao hiểu được! Nhưng em hãy xem, cái cúc áo màu đỏ tím ấy…

 

Và những con cá bị mắc câu, hay là chúng ta đang uống những dòng nước mắt của người vậy, họa sĩ Lê Văn Nhường?

                                                       Cửa Tùng tháng 4 năm 1998

                                                                           T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 44 tháng 05/1998

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

4 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground