Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nỗi niềm trắc ẩn tri tâm

B

ây giờ lớn khôn, ra Bắc vào Nam mới được biết thêm làng gốc tôi xưa bên bờ sông Nhuệ thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thượng. Trấn Sơn Nam thượng cũng như Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình về sau đổi thành tỉnh thành Hà Nội - Hà Nội bâm sáu phố phường - nay thủ đô. Tên nôm làng Đam, tên chữ làng tôi là làng Đại Áng.

Trên hành trình di dân về Phương Nam, hơn nửa thiên niên kỷ nay làng tôi định cư ỏ phía Tây hạ lưu sông Thạch Hãn. Nam giáp Vịnh Phước, bắc Trung Chỉ, phía tây đường quốc lộ sau này và đông dòng sông vừa nói. Bờ sông bên tôi lở, bên kia Dương Lệ Đông bồi bãi, giêng hai năm nào cũng vàng ngồng sắc cải cùng cả rừng hoa bắp lay.

Cái thuở yên ả thanh bình ấu thơ xa vắng ấy làng tôi ở mom sông, quen gọi xóm Rào. Xóm trên đường sắt, quốc lộ I bây giờ đã là rừng nên có tên gọi xóm Rú. Giữa hai xóm ấy, cánh đồng cò bay thẳng cánh, Đại Áng thì rõ là cánh đồng rộng lớn rồi. Khi mà làng xã chưa sát nhập ra thị xã Đông Hà, chưa nháo nhào lên phía đường Một nơi buôn bán theo kiểu thị dân thì xóm sông chiếm ba phần tư dân số mới là trung tâm ngôi làng. Còn nhớ bấy giờ giao thông đường sông đang thịnh hành. Làng thuộc phủ huyện Triệu Phong, chỉ biết ăn theo chợ Sãi, chợ tỉnh Quảng Trị thì Đông Hà là chi tôi chưa kịp biết. Dẫu chỉ là phiên chợ thường, xuất lứa heo, bán đi lồng gà vịt, mớ cá, rổ khế, chanh hoặc gánh rau tươi cả vùng đều bám đò máy lên chợ Sãi. Phải phiên chợ Tết, bấy giờ mọi người mới đua nhau lên chợ tỉnh sắm sanh. Những dịp như thế theo con đò dọc, chao ôi, đôi bờ dòng sông sao mà nhộn nhịp, đông vui lạ. Có bao nhiêu làng có bấy bến sông, bấy nhiêu hàng hóa, đon đả tiếng nói tiếng cười đẩy bao con đò nô nức rẽ dòng lên chợ tỉnh.

Quê hương bấy giờ là cả dòng sông. Và bên bờ dòng xanh ấy có ngoại tôi. Cho dẫu rằng sinh ra và lớn lên tôi chưa bao giờ có dịp được nhìn thấy ngoại nhưng hành tung của người thì đã kịp bập bùng, lung linh, lay động tới những gì trắc ẩn, thẳm sâu nhất. Nghiệm ra mới thấy ngoại ám ảnh, nghi hoặc trong tiềm thức tôi gần trọn đời người. Sự ám thị ấy thiết thân như nhu cầu tự vấn mình. Cuộc chiến đằng đẳng qua đi, những tưởng ấn tượng tuổi thơ lẫn chuyện xưa cũ kia đã chôn chặt nơi miền quê cũ, coi như ta đã qua sông những dặm dài, thế mà cố thôn - tâm đâu đã đành đoạn được. Thôn xưa còn có những nẻo về bởi những cuộc đời thơm thảo. Bằng cả sựu thành tâm tôi đã đi về và tin rằng ở đời cái phận cái phúc cũng từ đấy mà sinh ra.

Ở quê, ngoại tôi nổi tiếng giàu, có tiếng địa chủ. Ấy là tôi cứ việc nói ra theo lời kể, nhận xét của nhiều người. Sự ấy cũng là thường vì làm chi ở đời mà chả để kiếm cái ăn. Việc ấy thời nào cũng có thật, hơn thế nữa xem thường nó thì dối trá quá. Ngoại tôi cai quản một cơ ngơi, một cơ nghiệp không thể không nói là đồ sộ. Này nhé, trâu bò đàn, lúa vạn lương, tiền bạc nén, ruộng nương chi cũng nhất đẳng điền. Mỗi cái việc đồng áng thôi quanh năm dăm ba chục người làm công thuê mướn, kẻ ăn người ở trong nhà không ai quản xuể. Thì mỗi việc gặt trên ruộng đồng gần xa, sâu cạn thôi đã là một phim trường. Công thợ gặt được tính bằng những gánh thóc giữa buổi sáng trưa chiều tối quảy về trước sân. Theo đó trai tráng lực điền cứ việc gánh thóc tạt qua nhà mình quay về đồng xốc lại gánh khác kịp đưa về sân nhà chủ là thoát. Đến như việc thu hoạch màu trên nương đất khô, sản phẩm thô đã được đưa vào xưởng ép dầu phộng thủ công, người ta vẫn biển thủ đi được cả mười, mười lăm lít dầu ăn. Không bắt được tay thì chẳng ai biết mô tê đâu nữa mà lần. Giàu thế chẳng nứt khố đổ vách ra là gì. Một gia sản kếch sù như thế, bất thùng chi thình lại lâm vào thế sạt nghiệp, phá sản. Ấy là vào những năm đầu và cuối thập niên 20 của thế kỷ này.

Bấy giờ bà, mẹ và các cô dì tôi chỉ biết: "Ngoại đánh bạc thua trên tỉnh". Hôm rày chở đi vài chuyến thóc, hôm mai đám kia lại về chở đi vài chục thuyền. Ngõ xóm, đường làng, trên thuyền dưới bến người gánh thóc thuê rầm rập, tấp nập như hội. Hôm rày lái trâu lùa đi dăm bảy con, hôm sau lại đến lùa đi cả đàn. Nay cầm cố văn tự ruộng đất, mai cắt bán hẳn. Mà nào có phải đổ đốn, công khai ra trước mặt xóm làng, ngoại tôi chỉ lén lút lên chợ Sãi, lên tỉnh đánh bạc. Thì vẫn "tay mắt địa chủ" đó thôi, ngoại tôi vẫn lầm lũi, cặm cụi chăm chỉ làm lụng. Mẫn cảm làm, mẫn cảm "đánh". Trắng tay ngoại vẫn ung dung, chỉ bảo một câu rằng "Đánh bạc thua trên Tỉnh". Chẳng còn biết dây mơ rễ má ra làm sao nữa. Người ta bảo: của làm ra là của trong nhà. Của ông bà là của ngoài sân. Của phù vân nó có chân nó chạy... Cứ theo cái chiều phân loại thuận kia thì nghịch lý chao ôi chỉ nghe kể lại thôi cũng đã tức anh ách. Nó như chiếc gối mềm rất dễ thích nghi với những bộ óc hoài nghi như tôi. Hơn thế nữa trong cuộc đời ngoại tôi còn trao gửi lại những nhiều những chuyện có vẻ bất bình thường khác.

Ngoại tôi có sáu người con. Hai trai bốn gái. Dòng dõi trâm anh thế, quyền quý thế mà lần lượt bốn chị em đều chung một thân phận. Chao ôi, lần lượt ngoại bán gả hết cho bốn anh thợ cày. Làm thuê, tất cả đều tứ khố vô thân, không ai có được miếng đất cắm dùi. Cái chuẩn để ngoại tôi chọn rể thật chính hãng là bần cố nông. Có gia cố thêm chút đỉnh ấy là lực nô, tính tình chơn chất, không nói siêng làm. Đặt đâu ngồi đó, cắn lưỡi ngoại tôi vẫn quyết, không đi bỏ rọ, cứ thế khiêng về nhà chồng. Thương là thương cho bà tôi kiệt cùng dòng nước mắt. Xem như tứ nữ viết vô nhung còn hai cậu tôi nữa. Mòn hết bút lông, đã cầm bút sắt, người đậu prime người đỗ diplome trên Tỉnh, năm 1925 đã vào tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và cuối tháng 2 năm 1930, hai trong năm người thành lập ra Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương ở làng. Từ bấy làng tôi mới được mệnh danh là "làng đỏ" - con nhà địa chủ sao lại giác ngộ đi theo cách mạng sớm thế? Chẳng lẽ ngoại tôi không biết trước hoặc là đồng tình. Bấy giờ ngôi nhà ngoại tôi ở, hết xóm dưới chạy lên xóm trên đều bị giặc Pháp về đốt. Nhưng đó là chuyện về sau, những năm bốn bảy, bốn tám kia lận.

Chuyện ấy gần như cổ tích. Lớn lên tôi có hỏi mẹ, các dì đều được trả lời:

- Cái thằng ni nờ, hỏi chi hỏi mãi. Chuyện ấy mần răng tau biết được. Khi mô mấy cậu mi đi tập kết về hỏi thử. Hai cậu mi không biết, thì tao cũng chịu.

30.4 năm bảy lăm, hai cậu tôi ở Bắc lành lặn trở về. Gạn mãi vẫn chưa ai chịu nói. Cảm giác như các cậu tôi đều tránh né, sợ hai chữ nhà giàu, địa chủ. Cơ hội cuối cùng, ấy là lúc cậu út tôi ra đi. Ai chẳng một lần đối diện với cái chết. Sau mọi thứ dặn dò, tôi gạn, cậu tôi thì thào: "Ông là người có chân trong một tổ chức yêu nước, giác ngộ sớm nhất trong vùng. Việc ông chọn lựa đóng góp cả gia sản của mình cho tổ chức là đúng... Cháu đừng thắc mắc, kể cả việc bán gả mẹ cháu..." Cậu tôi trút hơi thở cuối cùng và cái điều kia cũng đã tưởng khép kín.

Những tưởng đã khoanh tay, nào ngờ những chuyến đi về Triệu Phong trong công tác, tôi gặp lại cụ Lê Hoạch làng ở An Lợi. Cụ ấy biết rất rõ những mạnh thường quân trong vùng đóng góp công của cho các tổ chức yêu nước từ lúc có các vườn đào tụ nghĩa ở Quảng Trị. Ví như cụ bộ Cầu ở Gia Đẳng, Triệu Lăng hay ngoại tôi đây đều là những quán quân hạng nặng trong vùng. Cuối cuộc đời, cuối chặng đường yêu nước của mình bao giờ họ cũng là cánh tay phải đắc lực cho cách mạng. Cụ Hoạch bảo: "Mùa đông năm 1939, ba tôi mất. Hai anh em tôi (Lê San, Lê Hoạch) mới ra tù. Bọn hương lý  lấy cớ tù cộng sản gây khó dễ, không cho chôn cất. Nhà không có tiền, tôi bơi qua sông tìm anh Vức... Anh Vức đưa qua 24 đồng, bảo tiền của Hội Tương Tế do bác Hội Thơ và bác Uyển gửi qua lo đám. Số tiền tương đương một trăm hai chục thúng lúa lúc bấy giờ. Ân huệ, ân tình ấy suốt đời tôi cũng không trả nổi..." Có cần thiết để giải thích thêm nữa không? "Bác Uyển" được nhắc đến đây chính là ngoại tôi, anh em ruột với "bác hội Thơ". "Anh Vức" con bác Hội thơ bấy giờ đã là bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Còn anh em cụ Lê Bổ. Lê Hạch đều là tỉnh trị viên Quảng Trị từ năm 1930 ai mà chẳng biết. Thì ra ngoại tôi đã bí mật đóng góp cả gia sản cho sự nghiệp lớn của dân tộc. Và để che mắt, trước sau gì ngoại cũng bảo là đánh bạc thua trên Tỉnh. Chao ôi, chỉ mấy dòng hồi ức nhỏ nhoi ấy thôi, cụ Hoạch cũng đã giúp tôi hiểu ra tiếng mẹ đẻ, vỡ trí khôn ra, rõ thêm về một nhân cách. Cái kiểu đánh bạc lạ đời ấy, cái canh bạc lớn ấy, cái nhân cách ấy thật lạ lùng chẳng khác gì cụ Phan Đình Phùng đã chiêm nghiệm: "Tôi chỉ có một nấm mồ mà tôi phải đem cả tính mạng ra giữ gìn là giang sơn Việt Nam".

Biết làm sao được, bản chất cuộc sống, cái đời sống bao giờ cũng thản nhiên, lành lặn vô tư như là lãng quên ấy làm sao ta không chạnh lòng thương xót. Bốn mươi năm rồi, ngày nhỏ theo mẹ, bây giờ thì đón đưa mẹ về nhà ngoại hương hoa giỗ tết ông bà. Cái việc chừng như hoài niệm ấy vô tình chạm khẽ tới sinh linh người khuất bóng, nó buộc ta phải đối mặt với đời. Chúng ta là người đến sau, phải sống thay, phải biết làm cho sự hy sinh của người trước không phí hoài.

Việc ấy không thể xem là một công việc bình thường. Thiếu bản lĩnh sống, một chút phẩm hạnh không sáng trong, khó có hy vọng sờ mó tay vào. Nó đã là nỗi niềm trắc ẩn mà chỉ bằng cái tâm mới ngộ ra, nhận biết được. Bắt tay vào công việc này tôi chả biết rằng được hay mất, nhận hay cho. Gần như vừa cho vừa được, vừa nhận vừa mất. Một chút khói sương tưởng đã nhạt nhòa nay tán tụ trong lòng bàn tay, tôi xin giữ lại vậy cho đời.

                                                                                         Tháng 4-1998

                                                                                                  Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 43 tháng 04/1998

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

27 Phút trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

5 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground