Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đô thị trẻ nở hoa...

N

ăm 1956, mẹ tôi-một phụ nữ miền Nam không chịu nổi sự kìm kẹp, áp bức của Nguỵ quyền, được tiếp sức bởi lòng nhớ thương người chồng mới cưới đang ở miền Bắc đã vượt qua đường dài, sông rộng và muôn sự hiểm nguy để vượt tuyến ra Bắc. Hồ Xá- Vĩnh Linh và người dân luỹ thép đã giang rộng vòng tay chở che, cưu mang mẹ cùng nhiều người con miền Nam ruột thịt khác để rồi mảnh đất đầu cầu giới tuyến đã trở thành quê hương yên bình, là nơi đau đáu nhớ về mỗi lúc đi xa.

Mẹ kể: Hồ Xá trước kia là làng Hồ Xá, làng do một nhóm dân thuộc triều Hồ di cư vào lập nghiệp. Về mặt địa lý, Hồ Xá nằm rất gần với địa danh Truông Nhà Hồ, địa danh đi vào giai thoại: "Thương em anh chẳng dám vô. Sợ Truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang..." Ngày đầu đến Hồ Xá, thị trấn còn nghèo và đơn sơ lắm. Trung tâm thị trấn là dãy nhà tranh nằm kề nhau cạnh Quốc lộ 1A. Chợ Hồ Xá chỉ có một dãy nhà gạch, trước đây là nơi kinh doanh của một gia đình Hoa Kiều. Tuy nghèo nhưng cuộc sống rất lạc quan và tràn đầy niềm vui. Dường như thị trấn lúc nào cũng nhộn nhịp, đường sá đông đúc người qua kẻ lại. Những cô gái, chàng trai mặc áo xanh hoà bình, gương mặt phơi phới như nắng mùa xuân.

Là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được sự quan tâm của Trung ương, thị trấn nghèo với những dãy nhà tranh đã dần thay da đổi thịt nhường chỗ cho những toà nhà mới to đẹp, bề thế như: Cửa hàng bách hoá tổng hợp, Trường cấp 3, Bệnh viện, các trụ sở cơ quan của Khu vực Vĩnh Linh. Cả Hồ Xá như bừng lên sức sống mới.

Cho đến bây giờ, mẹ tôi vẫn còn ngậm ngùi, xót xa nhớ lại ngày thị trấn xinh đẹp bị chìm trong mịt mù khói bom của cuộc chiến tranh phá hoại do giặc Mỹ gây ra trên Miền Bắc. Cả thị trấn hoang tàn, vụn vỡ, khó tìm thấy ngôi nhà nào nguyên vẹn. Đường sá lở lói, Nhà máy đèn Vĩnh Linh chỉ còn lại những cột bê tông xương xẩu, ám khói, chĩa thẳng lên nền trời. Sự kiện Trường Cấp 3 Vĩnh Linh bị đánh sập cùng sự ra đi của gần chục thầy trò đã trở thành nỗi chấn động lớn trong tâm hồn người dân thị trấn. Những năm chiến tranh ác liệt, bọn trẻ Vĩnh Linh, Hồ Xá phải dứt khỏi vòng tay mẹ để theo những "đoàn quân" K8, K10 ra Thanh Hoá và các tỉnh phía Bắc. Nhân dân Hồ Xá rời thị trấn để sơ tán ra Tân Kỳ - Nghệ An. Những địa danh Lạt, Kỳ Sơn, Tân Kỳ... đã trở nên thân thuộc, là quê hương thứ hai của người Hồ Xá.

Chiến tranh kết thúc. Sau những ngày say trong niềm vui tột đỉnh của chiến thắng, của độc lập, thống nhất, cũng như mọi miền quê khác trên mnh đất hình chữ S, Hồ Xá phải oằn mình vượt qua giai đoạn khó khăn của thời bao cấp. Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in về một buổi sáng sớm. Sau khi rửa mặt sạch sẽ, thay bộ quần áo mới, mẹ dẫn tôi đến bàn ăn và thằng bé lên năm tuổi là tôi lúc ấy đã trố mắt ngạc nhiên khi trước mắt mình là một bát cơm trắng phau, thơm phưng phức, không độn thêm khoai, sắn. Mẹ giải thích: Sáng nay là ngày mùng một Tết. Và từ đó, bọn trẻ chúng tôi cứ mong chờ mãi cho đến ngày Tết- không phải để được mặc quần áo mới, không phải để được nhận tiền lì xì, không phải được ăn kẹo mứt mà để được ăn cơm trắng không độn sắn khoai hay bo bo. Bọn trẻ Hồ Xá đã trải qua những đêm trung thu không có đèn kéo quân, đèn ông sao, không có phá cỗ đêm trăng với bưởi, hồng và bánh trung thu; chỉ có bánh khảo đen xỉn làm bằng khoai khô trộn lẫn đường đen cùng những chiếc kẹo "xốp Lạc" khô khốc do Xí nghiệp bánh kẹo Bến Hải sản xuất.

Và Hồ Xá cũng phải tri qua những tháng năm gian khó với đường đất, đèn dầu, nhà không số, phố không tên. Thị trấn trong tuổi thơ tôi là những con đường đất đỏ mù mịt bụi vào mùa hè, lầy lội, trơn nhẫy khi mùa mưa đến, là cửa hàng Bách hoá tổng hợp với những chị mậu dịch viên ngáp dài bên khẩu hiệu "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" đằng sau là những quầy hàng lơ thơ, lèo tèo mấy loại hàng hoá là những buổi lon ton bên mẹ xếp hàng rồng rắn mua gạo, dầu, nước mắm. Hồ Xá của tuổi thơ tôi là Rạp chiếu phim với những bộ phim chiến đấu Liên Xô và Việt Nam kỳ thú là tháp nước cao ngất ngưỡng nằm ở trung tâm thị trấn với dòng thơ kiêu hãnh của Bác Hồ: "Đánh cho giặc Mỹ tan tành, năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng..."

Dẫu vất vả bộn bề nhưng thị trấn của tuổi thơ tôi vẫn thật ngọt ngào và đắm say như hương vị que kem mát lạnh cả buổi trưa hè mà bố mua cho ở cửa hàng ăn uống; là những cuốn sách Kim Đồng ở Hiệu sách nhân dân đã mở ra cho chúng tôi những chân trời mới diệu kỳ, cao vợi. Là những bài ca, điệu múa, những trò chơi vui nhộn do anh chị phụ trách hướng dẫn trong các buổi sinh hoạt đội đã khiến chúng tôi quên hết sự nghèo khó của những tháng ngày bao cấp bộn bề khó khăn.

Năm 1994, kỷ niệm 40 năm ngày Vĩnh Linh giải phóng, con đường trung tâm của thị trấn được lắp thêm vài ngọn đèn cao áp nhưng đã là sự kiện khiến người Hồ Xá bồi hồi, khấp khởi mừng vui vì những đổi thay và sự phát triển to đẹp, đàng hoàng của thị trấn trong tương lai. Và người Hồ Xá đã không bị phụ lòng. Giờ đây, sau gần 20 năm, Hồ Xá đã có những bước đổi thay diệu kỳ.

Một ngày đẹp trời, đứng trên toà nhà cao tầng của thị trấn, phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh, tôi không khỏi mừng vui và tự hào khi được chiêm ngưỡng vóc dáng mới của Hồ Xá- một đô thị đã nên vóc nên hình, xôn xao dựng xây và tràn trề sức trẻ.  Từ Dốc "Sáu độ", theo Quốc lộ 1A thênh thang, dài rộng, thị trấn hiện lên sầm uất, rực rỡ san sát các ngôi nhà cao tầng với đủ loại kiến trúc đa dạng, các cửa hàng cửa hiệu tràn ngập, ăm ắp hàng hoá. Đã rõ ràng hiện hữu ở đây một khu thương mại buôn bán đông đúc, náo nhiệt, sôi động thể hiện mức sống của người dân ngày một nâng cao. Thị trấn không còn bó hẹp trong chiếc áo cũ kỹ, chật chội;  phố xá đã vươn dài từ Dốc "Sáu độ" đến tận gần cầu Châu Thị. Những trụ sở mới xây dọc đường Quốc lộ khang trang, hiện đại. Công viên tương lai dẫu chưa hoàn thiện nhưng đã xanh ngắt hàng cau. Bãi cỏ xanh rờn, thênh thang của công viên là nơi thả diều, đá bóng của bọn trẻ thị trấn vào những ngày hè. Bên công viên, Nhà thi đấu thể dục thể thao hiện đại vừa mới xây, tô thêm nét yêu kiều cho Hồ Xá.

Giờ đây, những con đường của thị trấn đã được đặt tên. Đường Lê Duẩn sầm uất bán buôn, đường Hùng Vương là khu vực trung tâm hành chính, đường Trần Phú tràn ngập cây xanh, thấp thoáng trong các khu vườn sum suê hoa trái là những ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự duyên dáng, sang trọng. Các khóm phố Thành Công, Thống Nhất, Phú Thị ngày càng tươi mới với những ngôi nhà đỏ tươi mái ngói, lô xô tầng cao...

Tôi đã đi qua nhiều thị trấn của cả nước và chợt nhận ra rằng Hồ Xá có nét rất riêng. Đó là thị trấn của sự đa dạng với rộng dài, tp nập phố xá, với trù phú màu xanh của tiêu chè vùng đất đỏ phì nhiêu, những vườn cây mướt mát, lúc lu hoa trái của vùng cát trắng. Cách không xa thị trấn là Truông nhà Hồ cũ với bạt ngàn màu xanh của rừng - tạo ra hình thái rừng trong phố thật độc đáo mà ít đô thị nào có được.  Sự đa dạng còn thể hiện ở những cư dân của thị trấn. Do yếu tố lịch sử chi phối và hơn thế nữa, do Hồ Xá là mảnh đất lành nên có thể bắt gặp ở đây những người dân đến từ nhiều miền quê của cả nước. Mỗi độ tết đến, xuân về, những hội đồng hương Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Triệu Phong, Hải Lăng... tại Hồ Xá lại tụ họp để nhớ về quê hương, nhớ đến ngày đầu đặt chân đến Hồ Xá, mừng vui vì con cái thành đạt, vì Hồ Xá ngày một thêm to đẹp, đàng hoàng.

Ngày Hồ Xá đón nhận Danh hiệu cao quý- Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, tôi chở mẹ loanh quanh qua các con phố trung tâm của Hồ Xá đang rực rỡ, lung linh trong muôn vàn ánh đèn màu, nhộn nhịp tấp nập người qua kẻ lại. Dừng lại ở khu vực Hội trại, trên sân khấu chính, những chàng trai, cô gái Hồ Xá cao ráo, đẹp đẽ, mắt sáng long lanh đang cất cao lời hát: "...Hồ Xá, ơi Hồ Xá... Rực sáng đô thị trẻ đang nở hoa, nở hoa..."

Mẹ tôi bâng khuâng: Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Hồ Xá bây giờ rộn rã, khang trang quá!

Tôi vui lây với niềm vui của mẹ và trái tim rộn rịp, dâng trào cảm xúc. Dường như tôi cũng đang hoà quyện vào bước chuyển mình sôi động, mới mẻ của thị trấn quê hương- một đô thị trẻ đang từng ngày nở hoa và rực sáng...

P.M.Q

PHẠM MINH QUỐC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 230 tháng 11/2013

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground