Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Năm tháng của mảnh làng

T

ôi sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến tranh ở quê tôi đã vào giai đoạn sắp kết thúc. Dẫu không kịp nếm trải mùi vị chiến tranh nhưng tôi vẫn biết chiến tranh qua lời kể của ngoại tôi, của ba tôi, của những con người yêu dấu ở quê mà hằng ngày tôi vẫn gặp. Một làng quê nằm ở đoạn cuối dòng sông Bến Hải, nơi nó sắp chạm vào biển Cửa Tùng - làng Vĩnh Quang.

Ngoại tôi kể, làng tôi xưa nhỏ lắm, chỉ có một vài nóc nhà sống rải rác từ Bắc làng Di Loan men theo bờ biển lên tận Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch bây giờ) và nó có một cái tên thật khiêm nhường: Vĩnh An. Nơi dân tập trung đông nhất, quần tụ đông đảo nhất vẫn là xung quanh giếng nước Mội. Tôi không biết cái giếng đó có từ thưở nào. Theo truyền thuyết thì giếng Một là một trong những dấu chân của người khổng lồ gánh đất đá xây đắp giang sơn. Hai đầu gánh của người để lại là núi Lòi Reng (Vĩnh Thủy) và đảo Cồn Cỏ. Giếng nước trong và mát đến lạ lùng, mạch nước lúc nào cũng trào dâng. Ấy vậy mà người dân làng tôi chưa bao giờ phung phí một giọt nước. Họ xem nguồn nước kia vừa linh thiêng, vừa quý hóa như món quà riêng của đất trời ban phát. Dù ra khơi, vào lộng, trên thuyền của họ đều có lu nước giếng Mội, hay đi đâu vào giữa trưa hè nóng nực họ phải uống bằng được gáo nước Mội mát lành và trào dâng kia.

Thiên nhiên thực sự ưu đãi với nơi này. Trên bờ đất đỏ bazan màu mỡ thật phù hợp để gieo trồng các loại cây đặc chủng xứ sở như hồ tiêu, mít, chè… Dưới biển xanh ngắt cá tôm phong phú, giao thông thủy bộ thuận lợi về mọi mặt. Sách Ô Châu Cận lục của Dương văn An có viết: "Cửa biển ở Châu Minh Linh phía Tây có núi Cổ Tề, phía  Đông có núi Thảo Phù, thật là nơi xung yếu". Hay sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng có câu: "Châu Minh Linh có cửa biển Minh Linh, phía Đông có Hòn Cỏ, phía Tây có núi cổ trai, có cử quan đóng giữ là nơi xung yếu".

Thấy ở đây trời, đất, sông, nước bang giao hữu tình nên người Pháp đã cất công xây dựng rất nhiều biệt thự sang trọng kèm theo hệ thống đường sá, khuôn viên, cầu nhảy, ghế đá rất đẹp. Vua Duy Tân, một ông vua trẻ tuổi nhưng có chí khí yêu nước từ sớm lại ví biển Cửa Tùng là một "vùng tòa" bát ngát của con người, của du khách thập phương… Vậy mà trải qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt que tôi chẳng còn dấu tích gì của những biệt thự, nhà cửa, giáo đường lộng lẫy ngày xưa nữa.

Thuở nhỏ, lũ trẻ thường ra sông tập bơi, mỗi đứa vác một thân chuối to làm phao, chúng tôi thả sức bơi lội ở đoạn cuối dùng dằng của con sông ấy, chắc có lẽ một nửa nó muốn mang những đau thương đổ ra biển đông, một nửa muốn giữ lại cho mình làm kỷ niệm. Dòng sông đã mang trong mình nỗi đau xé ruột, xé lòng, đó là nỗi đau chia cắt. Ai có thể ngờ rằng dòng sông này ngày ấy, biết bao ánh mắt đồng vọng dõi tìm số phận của nhau, bao tiếng nói lặn vào gan ruột, bao nước mắt đã hòa quyện vào dòng sông…

Năm 1954, vĩ tuyến 17 đã thành ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc. Vĩnh Quang đã trở thành một điểm hết sức quan trọng. Ở đây vừa là nơi đặt đồn Liên Hợp vừa là mút đầu kể từ Đông sang Tây của giới tuyến quân sự tạm thời, là nơi có một trong chín bến đò hai miền được phép qua lại. Người dân Vĩnh Quang đã chịu bao nhiêu cảnh tang thương chia lìa, mất mát. Nhưng với quyết tâm "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", họ đã kiên cường đấu tranh để góp thêm sức mạnh nhỏ bé của mình trong công cuộc thống nhất đất nước. Những cuộc "Đấu trí " ở quê tôi đã làm cho ngụy nhiều phen "cứng lưỡi". Câu nói của chị Hoa, chị Mai ngày nào đối với phía bên kia: "Các anh có mắt như mù, không thấy cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay từ mục Nam Quan đến muic Cà Mau đó răng" vẫn còn được cuộc đời nhắc đến; nó còn chạm mạnh hơn cả súng đạn giáng vào đầu quân thù.

Rồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, từ năm 1965, bời Bắc sông Bến Hải đã thành vành đai hủy diệt mà Vĩnh Quang là vành đai khốc liệt nhất. Với diện tích vẻn vẹn 246 ha với gần 500 hộ dân mà phải hứng chịu gần 250.000 tấn bom đạn. Trong chín năm trời, mảnh đất này bị cày xới tung tóe, nhà cửa, vườn tược, trường học bị phá hủy hòn toàn, mảnh đất không một ngày bình yên. Với khát vọng bám đất, bám làng, người dân Vĩnh Quang phải lẫn vào trong đất để sống và chiến đấu. Năm 1973, mẹ gồng gánh tôi từ Hà Tĩnh trở lại quê. Bao háo hức, bồn chồn của tuổi ấu thơ khi được về quê. Vậy mà bước chân vừa chạm đất quê, tôi đã sợ hãi thét lên bởi những trái bom to lớn, đen sì nằm ngổn ngang trên đất. Hố bom nham nhở khắp nơi và hệ thống giao thông hào thì chằng chịt. Cả nhà tôi được phân một ô giao thông hào để nghỉ tạm và nấu ăn. Những đường hào ngoằn nghèo ăn sâu vào tôi thành dấu hỏi cho đến tận bây giờ, để ngạc nhiên quá đổi với sức mạnh của người dân quê tôi. Trong những năm tháng đó, lửa đạn bom lan trùm khắp mọi nơi, không nhà cửa, vườn tược, màu xanh, vậy mà đất vẫn giang vòng tay, đất ngửa tấm lòng nhân hậu đón đỡ người dân. Gần 15 km hào giao thông, hàng trăm căn hầm chữ A, trận địa pháo, công trình địa đạo Mụ Gai dài gần 2km đã hình thành trong thời gian ấy. Họ làm việc trong một điều kiện công cụ rất thô sơ, vũ khí chính là ý chí của con người. Phải chăng đó là một minh chứng hùng hồn cho một quyết tâm đánh thắng Mỹ.

Mụ mẫm những nẻo đường quê: Lợi Đức, Xóm Cửa, An Hòa, Hòa Lý và những Mũi Si, Mũi lay, Hòn Mơớc, Hòn Tre, Hòn Sãi… những cái tên nghe quá đỗi thân quen. Vậy mà mỗi khi bước chân qua đồi 61, tôi vẫn cứ bần thần. Chao ôi! Chiến tranh là gì mà người dân quê tôi phải chịu tang thương mất mát đến thế này! Ngày 20.6.1967, một ngày kinh hoàng ở đây, 61 con người vô tội đã chết ngạt trong địa đạo này vì bom đã lấp kín miệng hầm và lỗ thông hơi. Biết bao gia đình chơi vơ, bố lìa con, vợ lìa chồng… Rồi những con số tức tưởi: gia đình Phan Cương chín người bị mất, gia đình chị Hoàng Thị Chơ cả năm người không sống một ai… Tấm bia mộ còn đó, như ngàn tấm bia mộ khác. Anh Hồ Ngọc Thoại, với nỗi day dứt trong lòng đã đạp xe đi khắp xã vận bà con quyên góp để xây nên. Đó là tấm lòng của người dân Vĩnh Quang đối với linh hồn của những người đã khuất. Nhưng sao vẫn thấy nó chưa đủ. Đành rằng xã chưa có điều kiện nhưng họ đã vác đơn vị đi khắp nơi, lên huyện, lên tỉnh, với một ý tưởng nhân đạo là khai quật, hoặc là tôn tạo lại nhưng vẫn bặt âm vô tín. Không biết những ngành chức năng đang nghĩ gì? Có lẽ đó chưa đủ để xây dựng một bia chứng tích tội ác đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hay sao?

Những năm đi học xa, lũ bạn thường kéo về quê tôi, hẳn tụi nó thích cái nơi dòng sông chạm vào biển ấy. Chúng tha hồ bơi lội, tắm táp, nướng mực, luộc cá để ăn. Riêng tôi, giữa cảnh thanh bình ấy, lại đánh thức bao điều suy ngẫm về dòng sông, về thời đạn bom khốc liệt, về mỗi lần vượt tuyến tưởng chừng như bạc tóc. Bến đò A - một tuyến đường quan trọng, một địa danh hào hùng của Vĩnh Quang trong những năm tháng ấy.

Mặc cho máy bay Mỹ ném bom rải thảm, pháo kích từ Cồn Tiên, Dốc Miếu dội về, nhưng vẫn không rung chuyển được quyết tâm của người dân ở đây "phải giữ vững hoạt động của bến đò trong bất cứ tình huống nào! Vĩnh Quang còn thì bến đò cũng phải thông suốt". Gian khổ là vậy, ác liệt vẫn là vậy vẫn không làm chùn bước người dân. Có đêm họ đã chở ngót một trung đoàn BB (Sông Dinh) vượt sông vào Quảng Trị chiến đấu và đưa 220 thương binh, tử sĩ từ phía Nam ra Bắc. Trong sáu năm trời (1967-1972) không lúc nào bến đò ngừng hoạt động, luồn lách dưới bom đạn, đêm đêm những chuyến đò vẫn khua nước đưa bộ đội qua sông. Không ai nhớ đến bao nhiêu loạt thương binh, tử sĩ được đưa ra Bắc, bao nhiêu lượt dân công, bộ đội vào Nam qua bến đò A này. Chỉ biết rất nhiều, nhiều lắm… Vậy mà bây giờ đến cái tên bến đò A nghe như một cõi xa xăm nào đó. Những người qua sông ai còn? Ai mất? Còn ai nhớ đến bến đò thần kỳ này nữa không? Người dân ở đây vẫn mơ ước xây dựng ở bến đò này một tượng đài kỷ niệm, nhưng không biết sẽ đến bao giờ? Sợ đến ngày nào đó nó sẽ trở nên vô danh nếu những ai biết về nó trở thành người thiên cổ?

Cắt ngang trên vĩ tuyến 17, cách Cửa Tùng 15 hải lý là đảo Cồn Cỏ. Người dân quê tôi gọi đó là Hòn Mệ. Tôi chưa biết cái tên đó có hàm ý gì? Có lẽ đó là cách gọi thân thiết, thành kính bởi từ xa xưa hòn đảo là nơi cung cấp nhiều tôm cá, trên bờ lại sẵn tranh, gỗ cho người dân làm nhà, sửa chữa thuyền bè và ngư lưới cụ. Hòn đảo còn làm nơi che chở cho dân lành thoát chết khi gặp sóng to, bão dữ. Trong những năm chiến tranh hòn đảo còn có những tên gọi khác như: "Đảo thép", "Đảo anh hùng", "Chiến hạm nổi không bao giờ chìm"… Cái tên gọi Hồn Mệ từ đó mất đi. Nhưng tôi vẫn thấy tiêng tiếc cái tên ấy, cái tên nghe dân dã, gợi bao cảnh thanh bình. Trong những năm đánh Mỹ, cả Vĩnh Quang xung phong đi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, đói với họ, nhiệm vụ đó như một mệnh lệnh của trái tim. Một phong trào "vì Cồn Cỏ" dấy lên khắp xã. Biết bao chiến thuyền đã xé đêm đưa hàng ra đảo, có người đã nằm lại vĩnh viễn giữa biển khơi như: Phan Thanh Ngọc, Phan Văn Đoái… cầu mong cho linh hồn các anh được siêu thoát. Tôi gặp lại những gương mặt như chị Lý, chị Kiểm, anh Ái, anh Mễ… những người dân quê tôi đã dũng cảm đưa hàng tiếp tế ra đảo năm xưa, họ đang sống bình dị cùng dân làng, cần mẫn làm ăn, lo toan cuộc sống, họ chẳng biết đến tên tuổi của mình đã đi vào sử sách. Những con người ấy cất giữ những năm tháng xưa trong tận cùng ký ức, chẳng có một đòi hỏi, một yêu cầu gì, tựa như họ đã sinh ra để sống cái thời của họ.

Bên ấm chè xanh một buổi chiều tháng sáu, trong hương nồng tiêu cay và gió biển thổi vào mát rượi anh Trương Định - một cựu dân quân thời đánh Mỹ, nay là chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang tiếp tôi. Nét mặt buồn buồn khi anh cung cấp cho tôi những con số. Toàn xã có 168 liệt sĩ đã ngả xuống, 231 thương binh, 222 gia đình có công với cách mạng. Anh còn cho biết đã quy tập được 168 ngôi mộ liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ của xã, mà nghĩa trang đó cũng được xây dựng bằng tiền đóng góp của dân. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ đã được xã nhà quan tâm, tri ân bằng chính nội lực của người đang sống đối với những người đã khuất.

Tôi kịp về thăm mẹ, mẹ Hoàng Thị Căn, bà mẹ Việt Nam anh hùng có ba con là liệt sĩ. Chiến tranh đã lùi xa, bao vết thương đã lặn hết vào trong, bây giờ mẹ lặng lẽ sống trong tình yêu thương, quý trọng của xóm làng. Ấy thế mà nén nhang trên tay tôi run run, hụt hẫng trước bàn thờ các anh…

Khi tôi viết những dòng này thì người dân quê tôi đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày Đảng và Nhà nước tuyên dương xã anh hùng. Bao kế hoạch đang vỡ vạc ra: Tu sửa lại nghĩa trang liệt sĩ, đồi 61, rồi mời bạn bè, con cháu về dự với xã… phải chăng đó là sự tưởng nhớ để tiếp thêm sức mạnh trên hành trình đi lên của quê hương. Và cũng chẳng phải đi đâu xa, hiện tại đang rờ rỡ ra trước mắt tôi 85% nhà dân được ngói hóa, nhiều thuyền lớn được đóng và trang bị phương tiện đánh bắt xa bờ, những vườn hồ tiêu xanh lúc lỉu trái. Rồi hệ thống điện phủ khắp toàn xã. Trường học, trạm xá được tu bổ khang trang, đẹp đẽ hơn. Hệ thống nhà nghỉ ở bãi tắm Cửa Tùng ngày càng phát triển…

Từ hai bàn tay trắng, từ vụn vỡ đất đai, hai mươi sáu năm sau chiến tranh, mà đặc biệt là mười năm sau ngày lập lại tỉnh đã làm nên một cơ ngơi như thế kia đã là kỳ diệu lắm rồi. Năm tháng của mảnh làng, qua bao dâu bể, trần ai mưa nắng, đã biết chắt chiu dâng đời những hoa thơm, trái ngọt.

                                                             T.L

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 58 tháng 07/1999

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground