Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

...Ai lên xứ lạng cùng anh

Thuở nhở, khi còn sống ở Quảng Trị, tôi đã được nghe đến câu ca dao: “Ai lên xứ Lạng cùng anh. Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em...”. Tôi tưởng tượng ra một vùng biên ải xa xôi, đường sá hiểm trở, với thế độc đạo, một người trấn giữ ngàn người khó qua. Rồi tôi hình dung vùng đất ấy qua những truyện đường rừng của các nhà văn Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật... Tôi mặc sức thả cho tâm hồn bay bổng đến tận Ải Nam Quan, nơi Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi, trước lúc ông bị đày sang Trung Quốc. Thậm chí tôi còn dựng lại hoạt cảnh này trong các buổi lửa trại hoặc văn nghệ nhà trường. Tôi cũng đã để cho tâm hồn mình phấn khích với cú chém Liễu Thăng của Lê Sát ở Ải Chi Lăng... Chao ơi! Một vùng đất hào hùng của một dân tộc anh hùng. Và từ trong thâm tâm, tôi đã ao ước có một lần trong đời, mình sẽ đến đó, sẽ đứng ở cột mốc biên giới miền địa đầu Tổ quốc... May mắn, sau những ngày tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 6 ở Hà Nội, tôi đã có dịp “Ai lên xứ Lạng cùng anh...”.

   ĐƯỜNG LÊN XỨ LẠNG BAO XA

   Phải cảm ơn anh Hoàng Minh Chính, Giám đốc Công ty Du lịch và tư vấn quốc tế và anh Nguyễn Thắng, Giám đốc chi nhánh TP.HCM thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi và nhà văn Trần Công Tấn có chuyến đi này. Anh Hoàng Minh Chính đã cho hẳn một chiếc du lịch và cả tài xế của anh để đưa chúng tôi đi. Xe rộng, ít người, chúng tôi thay vì gửi tạm đồ đạc ở Nhà khách Hội Nhà văn thì để hẳn ở trên xe và tranh thủ lên đường sớm.

   Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi đã ra đến ngoại thành Hà Nội. Cảnh vật và không khí ở đây thật trong lành. Vì là lần đi đầu tiên nên tôi háo hức cố mở mắt thật to để thu vào đầu óc những gì mình ghi nhận được. Và quả không khác xa những gì tôi đã mường tượng: Nông thôn miền Bắc thật êm ả, bình dị. Những mái nhà ngói cũ rêu phong. Những lũy tre làng. Những ao bèo. Thỉnh thoảng, điểm xuyết một vài ngôi nhà cao tầng mới xây. Anh Trần Công Tấn, người Quảng Trị nhưng từng nhiều năm sống ở Hà Nội, khi qua mỗi vùng, anh đều kể vanh vách tập quán, những kỷ niệm vui buồn cho chúng tôi nghe. Và thoáng chốc chúng tôi đã qua vùng quan họ Bắc Ninh rồi Bắc Giang. “Em là con gái Bắc Giang. Rét thì mặc rét nước làng em lo. Nhà em phơi lúa chưa khô. Ngô chửa vào bồ...” Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết từ thời chống Pháp như hiện rõ mồn một trong trí óc tôi. Tôi lại nghĩ về những cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân và sự đóng góp không nhỏ của những mẹ, những cô dì, những chị em...

   Đang lơ mơ thì anh Trần Công Tấn đập vào vai tôi: “Hoa Pơlang kìa!”. “Hoa Pơlang là hoa gì anh?” “Là hoa gạo đó!”. Tôi chồm ra khỏi cửa xe. Những bông hoa gạo đỏ rực trong nắng. Bây giờ tôi mới có dịp thấy bông hoa gạo. Thật mảnh và cũng thật đẹp. Cùng lúc xe lên cầu. Tôi kịp ghi vào sổ tay: Cầu Lường. Anh Tấn bảo: Qua khỏi cầu Lường là đi vào địa phận tỉnh Lạng Sơn. Cố mà ghi chép nhé! Tôi ngồi bật dậy. Lạng Sơn đây rồi! Hình như không khí có vẻ lạnh hơn. Xe bắt đầu leo dốc. Và trước mắt tôi là những dãy núi chập chùng, những đồi thông xanh mướt, thỉnh thoảng xe bị lắc mạnh khi đi qua những đoạn đường đang được làm mới, nâng cấp... Phía xa xa, dưới lũng sâu, là những đồng ruộng xanh tươi tốt như tranh vẽ.

   Gần trưa thì chúng tôi đến thị trấn Mẹt thuộc huyện Hữu Lũng. Chúng tôi dừng lại ăn trưa. Bữa ăn thật lạ miệng, ngon và rẻ. Không khí vùng cao yên tĩnh. Thỉnh thoảng một tốp học sinh cấp 3 đi học về đèo nhau trên những chuyến xe đạp, đi qua đưa tay vẫy. Anh Cổn tài xế cho biết, từ đây về thị xã Lạng Sơn khoảng vài chục cây số nữa thôi, nên chúng tôi có thể nhẩn nha...

   Chúng tôi lại lên đường. Từ Hữu Lũng dài lên thị xã Lạng Sơn là những dãy núi cao sừng sững. Xe chạy dưới chân núi. Tôi lại liên tưởng đến những dãy núi ở vùng Tân Lâm, Đầu Mầu, dọc đường lên Khe Sanh, Lao Bảo của Quảng Trị quê tôi. Và trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, con người như nhỏ bé lại, như đầy ắp sự cô đơn. “Ai đưa tôi đến chốn này, bên kia là núi bên này là sông...?. Tôi có lãng mạn lắm không khi tưởng tượng những đồng cỏ xanh tươi dưới chân núi là dòng sông?

   Xe tiếp tục bon bon. Đã đến thị trấn Đồng Mõ. Ở đây có những mỏ đá đang vào “vụ” khai thác phục vụ cho những cung đường đang được sửa chữa và mở rộng. Có một điều đặc biệt: Dọc theo chân núi, tuy đá nhiều hơn đất, nhưng những rừng na (mãng cầu ta) vẫn mọc lên màu xanh bạt ngàn hai bên, như thách thức cùng thiên nhiên: với sức người sỏi đá cũng thành...na.

   Bất chợt anh Trần Công Tấn lưu ý tôi: Phía trước đã là Ải Chi Lăng! Tôi giật mình. Tôi nhờ anh Cổn cho xe chạy chầm chậm lại để có dịp “thưởng thức” một địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử. Tôi nhìn về chân núi để cố tìm kiếm hai tảng đá đã được huyền thoại hóa. Một tảng có hình thanh kiếm gọi là “Lê Tổ Kiếm” và tảng kia như hình người nằm gọi là “Liễu Thăng Thạch”. Tục truyền ngày xưa các tướng vua Lê Thái Tổ đã chém tướng Liễu Thăng ở đây. Linh khí của hắn ta không tan nên kết lại thành đá. Và tảng đá đó đã trơ mưa nắng từ bao đời. Huyền thoại hư hư thực thực. Nhưng trưa nay, trong cái nắng nhẹ của vùng biên ải, với tâm thành, tôi thấy lờ mờ hình ảnh của ông cha một thời, dựng cờ giữ nước như trở về trong tôi. Tôi lại nhớ đến câu thơ của Ngô Thì Sỹ: “Đình Luân Nhật vãn khán di tích. Tưởng kiếm dương niên bố trận đồ” (Chiều tà dừng xe xem những vết tích còn lại. Tưởng như còn thấy mặt trận lúc ấy vẫn còn bày đâu đây).

   Xe qua khỏi thị trấn Đồng Mõ, bắt đầu leo đèo. Đèo Sài Hồ dài khoảng 15 km trông hiền lành hơn đèo Bảo Lộc nhiều. Thỉnh thoảng xe chúng tôi phải ép sát vào chân núi để nhường cho những chiếc Samson hay Minscơ của các “cảm tử quân”. Anh Cổn giải thích: Để chuyển hàng lậu từ biên giới về có hai loại cửu vạn: Loại cửu vạn thường là những người “gùi” hàng trên lưng vượt biên giới qua những đường núi, dốc cao hiểm trở trốn tránh những chốt của công an hoặc biên phòng quản lý thị trường. Loại hai, dữ tợn hơn gọi là “cảm tử quân”. Họ thường dùng xe phân khối lớn để thồ hàng, liên lạc với nhau bằng một hệ thống liên lạc đặc biệt, biết giờ giấc và chốt của công an để né tránh. Chủ hàng giao cho những “cảm tử quân” này rất yên tâm vì nếu hàng mất các "cảm tử quân" sẽ hoàn lại. Đối lại, họ được trả công rất cao. Vì thế họ liều chết để giữ hàng. Tháng trước đã có người “Cảm Tử Quân” “bỏ mạng sa tràng” vì cố sống cố chết bảo vệ hàng.

   Xe đã qua khỏi cầu “Tầm Danh”. Lại một tên cầu gây ấn tượng. Tôi nghĩ thầm: Phải chăng qua được cầu “Tầm Danh” sẽ được “Thành Danh?”. Xe chúng tôi đã bắt đầu vào thị xã Lạng Sơn, thị xã vẫn mang nhiều nét cổ kính dù có nhiều công trình xây dựng mới. Chúng tôi lướt qua phía trước quảng trường UBND tỉnh để ghé vào Hội văn học nghệ thuật Lạng Sơn. Cơ ngơi hội khá khiêm tốn: Một căn nhà nhỏ, kiên cố, có lối đi lên gác. Diện tích hơi chật so với “tầm vóc” của Hội. Và ở đâu cũng thế, tôi thấy trụ sở của các Hội lúc nào cũng khiêm tốn so với các cơ quan Nhà nước khác. Hình như cuộc sống bây giờ, con người tất bật với chuyện kiếm tiền nhiều hơn là ngồi đàm luận văn chương.

   Anh Hoàng Văn An Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Lạng Sơn đi họp vắng. Anh Nguyễn Trường Thanh ở Hà Nội chưa lên kịp. Hôm qua anh Ma Văn Kháng biết chúng tôi lên Lạng Sơn đã nhiệt tình giới thiệu chúng tôi với anh Nguyễn Trường Thanh, nguyên Chủ tịch Hội. Anh Thanh sốt sắng điện về báo trước với văn phòng để chuẩn bị đón tiếp, bở anh sẽ lên sau. Biết chúng tôi là những nhà văn ở Thành phố Hồ Chí Minh nên các anh, chị Trịnh Hà, Ngọc Bổn, Vi Quốc Trụ, Hoàng Thành, Nguyễn Quang Huynh ở văn phòng Hội tiếp đón rất “ưu ái”. Và ưu ái đầu tiên là một bình rượu Mẫu Sơn được mang ra mời khách. Mỗi người một chén nhỏ. Anh Vi Quốc Trụ “quảng cáo”: “Đây là loại rượu tinh khiết, vì được chưng cất trên núi Mẫu Sơn có độ cao 1641 mét, uống bảo đảm không say". Tôi vốn thích những gì “tinh khiết” nên làm một hơi cạn ba chén. Quả thật rượu thì không say nhưng tôi lại “sương sương”. “Sương sương” vì tình cảm chân thành của các bạn văn, bạn thơ ở miền địa đầu biên ải.

   Sau mấy tuần rượu, anh Trịnh Hà đưa chúng tôi về nhà khách của UBND tỉnh để chuẩn bị cho buổi tham quan vào buổi chiều. Vâng, chiều nay chúng tôi sẽ đi thăm nàng Tô Thị và chùa Tam Thanh...

ĐỒNG ĐĂNG CÓ PHỐ KỲ LỪA, CÓ NÀNG TÔ THỊ CÓ CHÙA TAM THANH

   Sau khi “tẩy sạch” bụi đường xa, chúng tôi lên đường đi thăm chùa Tam Thanh và núi Tô Thị. Cùng đi với chúng tôi, ngoài anh Trịnh Hà còn có thêm anh Mã Thế Vinh nhà thơ, nguyên Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật và Giám đốc Sở VHTT tỉnh Lạng Sơn. Nhà thơ Mã Thế Vinh là “thổ công” của vùng đất này nên anh vừa đi đường vừa kể chuyện rất thú.

   Bước qua cổng tam quan, chúng tôi đi lần lên Chùa. Mùi nhang khói thoang thoảng tạo cho không khí một cảnh vật trang nghiêm. Chúng tôi cùng thành kính thắp hương. Tôi mường tượng đến những ngày quan Ngô Thì Sĩ, vâng lời vua Lê, lên trấn nhậm vùng đất này vào những thế kỷ trước, khi ông tìm ra những hang động này. Dĩ nhiên, những ngày xưa ấy hẳn là hoang vu... Chúng tôi đi sâu vào trong động. Động có nhiều ngõ ngách. Và mặc dầu trời đã về chiều, nhưng nhờ những bóng đèn gắn phía trên hang chiếu xuống nên chúng tôi đi lại khá dễ dàng. Tôi xuýt xoa trước những dải nhủ đá rủ xuống đẹp như tranh. Có người bảo những hang động này đẹp không thua gì hang động Phong Nha ở Quảng Bình. Và trong không khí nửa hư nửa thực ấy, đi lần vào trong, chúng tôi bắt gặp một hồ nước nhỏ ngay giữa lòng hang. Nước từ trần hang nhỏ xuống cộng với những khe nước ngầm luôn luôn rỉ nước nên nước lòng hồ lúc nào cũng trong xanh. Do ánh sáng chiếu xuống từ những hang động thiên nhiên bên trên, qua nhiều tầng, nên không khí và màu sắc ở đây luôn âm âm u u, phải chăng vì thế mà hồ còn được gọi là hồ Âm Ty? Con người vốn sợ ma quỷ nên chúng tôi không dám ở đây lâu. Chúng tôi leo qua một ngách cửa khác. Ở đây ánh sáng nhiều hơn nhờ có hai cửa “thông thiên” soi rõ những tầng nhũ đá sáng đẹp. Những tầng nhũ đá này lại “thiên biến vạn hóa” với đủ các loại hình thù: Tiên ông, sư tử, gấu, rùa, hải cẩu...Các cụ trong Ban công đức của chùa phấn khởi cho biết: Rằm tháng Giêng mấy năm trở lại đây, Chùa đã đón rất nhiều khách thiện nam tín nữ khắp từ mọi miền trên đất nước đến tham quan Chùa. Và hiện nay không những ngày rằm tháng Giêng mà cả ngày thường, Chùa cũng đón nhiều du khách.

   Chúng tôi bước xuống những bậc tam cấp để ra khỏi Chùa. Từ chùa Tam Thanh, chúng tôi nhìn thấy rõ hòn vọng phu hơi chếch về phía Tây Bắc. Tuy thế, chúng tôi cũng phải mất mười phút đường xem do phải đi vòng. Và nàng Tô Thị đây rồi. Nàng đang đứng chờ chồng về: “Nơi phía nam giữa núi mờ. Ai bế con mãi đứng chờ...”. Nàng Tô Thị ngày xưa đã mòn mỏi mong một ngày tàn chinh chiến chồng về. Nhưng càng lâu càng bặt tăm. Nàng đã hóa thành đá. Nhưng thành đá rồi nàng cũng chưa yên. Cách đây ít năm, nhưng tay “thảo khấu” đã phá nàng để lấy đá. May có người biết chuyện ngăn chặn kịp. Bây giờ nàng đã được tôn tạo lại nhưng đâu được mười phân vẹn mười như trước. Nghĩ mà thương cho nàng: “Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”.

   Nắng đã tắt hẳn trên núi Tô Thị. Chúng tôi đi thật chậm trên dãy thành nhà Mạc cổ kính rêu phong. Và trong không khí tịch mịch của buổi chiều nơi biên ải, tự dưng tôi thấy hình như có bóng hình của bao người xưa đang hiện về.

   Anh Trịnh Hà kéo tôi về thực tại: Tham quan xong chùa Tam Thanh chúng tôi sẽ về “quần tụ” với anh chị em ở Hội văn nghệ Lạng Sơn. Và cuộc gặp mặt khá đông đủ, chỉ thiếu anh Hoàng Văn An và anh Nguyễn Trường Thanh. Ở đây, lần đầu tiên tôi được uống rượu kiểu “chéo tay” đầy “tình thương mến thương”. Hai vòng tay đan chéo nhau và cả hai cùng cạn ly. Phải cạn hết ly, vòng tay mới được mở. Tôi nhẩm tính mình có đến hai mươi cái chéo tay. Trong không khí thân tình, bạn hiền, rượu ấm, chúng tôi cùng đọc thơ và ca hát. Một đêm tôi không thể nào quên ở miền địa đầu Tổ quốc...

ĐƯỜNG RA BIÊN ẢI XA XA...

Bảy giờ sáng, chúng tôi thức dậy để chuẩn bị đi thăm Ải Nam Quan. Có tiếng gõ cửa. Hóa ra anh Nguyễn Trường Thanh và anh Hoàng Văn An. Hôm qua anh Thanh ở Hà Nội lên muộn và anh An đi họp về khuya. Biết chúng tôi sáng nay đi sớm nên hai anh đến thăm. Anh Thanh muốn giới thiệu với chúng tôi một món đặc sản của xứ Lạng: Phở vịt quay. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thường thưởng thức phở gà, phở bò, phở heo, phở gân, phở tái...chứ phở vịt quay thì chưa bao giờ nên khi người phục vụ bưng lên mấy tô phở to tú hụ với những miếng thịt quay giòn, căng bóng, điểm xuyết vài cọng rau, vài lát ớt đỏ tươi, trong bụng tôi đã cồn cào. Anh Nguyễn Trường Thanh còn ân cần giới thiệu món măng chua ngâm với ớt tỏi và quả mác mật ăn kèm với phở thật tuyệt vời. Bất chợt tôi nhờ anh An gọi cho một ly cà phê theo thói quen. Anh An cười bảo: ở đây ít ai uống cà phê sáng, chỉ có “cà phê trắng” thôi. Và ấn cho tôi một ly rượu Mẫu Sơn.

Chúng tôi tạm biệt anh Nguyễn Trường Thanh và anh Hoàng Văn An để lên xe đi Ải Nam Quan. Xe chạy ngoằn ngoèo giữa rừng cây bạt ngàn. Dù đường đang được nâng cấp theo tiêu chuẩn hiện đại nhưng vẫn không át được vẻ hùng vĩ của núi rừng. Tôi lại tưởng tượng đến ngày xưa, khi các quan đi sứ sang Trung Quốc. Hồi đó, phương tiện chỉ là cáng, ngựa hoặc đôi chân mà đường đến kinh đô Trung Quốc thì xa ngàn dặm. Quan quân đi giữa vùng lau lách, chim kêu, vượn hú, cọp beo rình mò. Ai cũng muốn chuyến đi được bình an vô sư. Phải chăng vì thế mà đoạn đường gần đến Ải Nam Quan, ở ven đường đã mọc lên một ngôi đình nhỏ. Tương truyền ngôi đình này được gọi là Thủy Môn Đình, mỗi khi các quan đi sứ qua đây đều xuống ngựa vào thắp nhang khấn cầu cho chuyến đi của mình “xuôi chèo, mát mái”. Lâu dần trở thành một tập tục.

   Chúng tôi hôm nay không đi sứ nhưng cũng xuống xe, vào Thủy Môn Đình, thắp nhang tưởng nhớ người xưa. Từ đây, lên Ải Nam Quan chỉ còn vài cây số nhưng đường sá đã đi vào thế hiểm: núi non lởm chởm, bên này là bờ đá, bên kia là vực sâu. Tôi nhoài ra cửa xe để nhìn cho rõ cảnh vật. Và đây rồi, cuối cùng thì tôi cũng đứng dưới chân Ải Nam Quan, miền địa đầu Tổ quốc. Trong tôi từ đâu dâng lên một tình cảm khó tả: “...Ôi! Nam Quan! Ôi Nam Quan! Nơi gió gào sông núi rền vang tiếng hờn oan! Đâu anh linh! Đâu anh linh, đâu bao đời cường! Đây Nam Quan người đày cùm Phi Khanh anh hùng...”. Tôi hát thầm bản Tráng Ca của nhạc sỹ Văn Giảng một thời tôi từng học thuộc. Và bây giờ đứng ở cột mốc số không ở địa đầu Tổ quốc nghĩ về đất nước, tôi để cho cảm xúc mình dâng trào. Chao ôi! Biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để hôm nay chúng tôi được đứng ở đây ngắm nhìn trong buổi sáng im ắng có tiếng chim hót bên kia vòm cây vọng về. Rồi tôi nghe như có tiếng đọc thơ trầm hùng của tướng quân Lý Thường Kiệt từ thinh không văng vẳng: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư...”.

T.N.L

Tạ Nghi Lễ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 72 tháng 09/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground