Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ai vô Đông Hà...

C

âu trong bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương: “Ai đã vô Đông Hà, đã qua Ngô Xá, Bích La, Thuỷ Ba, Triệu Phong”. Năm 1948, miền Bắc nước Việt từ Hoành Sơn trở ra, nhất là ba tỉnh Bắc liên khu Bốn: Thanh-Nghệ-Tĩnh, hướng về ba tỉnh Nam liên khu: Bình-Trị-Thiên đang bị giặc Pháp tung quân ra đánh chiếm hòng cắt miền Nam nước Việt khỏi nguồn tiếp viện và chỉ đạo từ miền Bắc. Không khí hừng hực căm thù y như hồi 1945 nghe tin giặc trở lại xâm lăng Nam Bộ. Tôi bấy giờ là một cậu học sinh choai choai, tôi cũng cảm thấy đau như quân giặc dày xéo lên làng xóm mình. Tôi làm một bài thơ gửi đăng tờ báo địa phương- tờ báo viết tay, in đất, ra đời vào dịp ấy. Bài thơ mang hơi hướng “yêng hùng” lãng mạn nửa mùa với những câu đại loại như: “Sát khí che mờ cây núi Ngự/ Máu hồng nhuộm tối nước sông Gianh/ Cửa Tùng réo sóng hờn cô quạnh/ Dấu cũ ai chôn cựu đế thành”. Tuy vậy, cũng mang một tấc lòng thành.

Quê tôi ở Hà Tĩnh. Hà Tĩnh và Quảng Trị có những nét tương đồng. Cả hai đang là tỉnh nghèo. Nghe nói một số vị lãnh đạo ở Quảng Trị không thích nghe nói “tỉnh nghèo” nếu có vậy thì tôi xin thất lễ. Song, nói “nghèo” không là thở than, không là chê trách, không là cam phận, mà là nhìn thẳng vào thực trạng để tìm cách thoát nghèo, vươn tới giàu, thì tiếng “nghèo” chẳng tội tình chi! Hà Tĩnh và Quảng Trị thuộc những tỉnh miền Trung chịu đựng nhiều nhất nạn gió Lào về mùa hè, và về mùa đông giơ lưng ra (hay phơi mặt ra thì cũng rứa) hứng gió mùa đông-bắc và mưa lạnh dầm dề.

Thuở nhỏ đang học lớp ba, tôi thích đọc sử ký và địa lý nước nhà, đến nỗi thầy giáo giao cho soạn các câu hỏi vấn đáp cho các bạn cùng lớp. Hồi đó, tôi đã biết Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên vốn là châu Ô và châu Rí của xứ Chiêm được đổi bằng nước mắt và mối tình của công chúa Huyền Trân. “Đi đi em hỡi Huyền Trân!/ Đi đi cho anh vẹn chữ trung thần” – Lời Khắc Chung trong một vở kịch thơ. Tôi cũng đã biết Hà Tĩnh (cùng Nghệ An) và Quảng Trị (cùng Quảng Bình) ở hai phía sông Gianh chia cắt thời Trịnh-Nguyễn; một bên là địa đầu Đàng Ngoài, một bên là địa đầu Đàng Trong, cùng chịu nạn binh đao suốt gần nửa thế kỉ. Đàng Ngoài và Đàng Trong gần mà xa, xa mà gần. Xa vì ở hai bên bờ giới tuyến, ở hai phía đối địch. Gần vì con sông dù rộng, dù sâu, dù bị cấm đoán không thể ngăn người dân hai bên tìm cách đi lại với nhau, không thể ngăn lòng người. Dân các vùng hai bên có thể là họ hàng, là thân quen của nhau, qua lại làm ăn. Trong các cuộc giao tranh, mỗi khi quân bên này tràn qua bên kia, lúc rút về hẳn có mang theo dân thường cùng của nả cướp được. Có phải vì vậy một phần, phần quan trọng chăng, mà tiếng nói mang “đặc sản” chung: chi, mô, răng, rứa, mi, tau, eng, o,... nhưng mà giọng thì từ nặng (nam Nghệ An, Hà Tĩnh) nhẹ dần qua Quảng Bình, Quảng Trị tới Thừa Thiên Huế. Con gái Hà Tĩnh và Quảng Trị đều đậm đà, chân chất, song cái duyên Quảng Trị “thanh” hơn, gần với các cô gái Huế. Quảng Trị, xứ gió Lào-cát đụn mà người dễ thương.

Có hai địa danh trên đất Quảng Trị và đất Hà Tĩnh như hai vết thương lịch sử gắn kết với nhau: Tân Sở và Vụ Quang. Tân Sở, nơi Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần vương chống Pháp. Vụ Quang, bản danh của Phan Đình Phùng – Cao Thắng, hai lãnh tụ cuộc Cần vương lớn nhất, quan trọng nhất, dài nhất.

Hà Tĩnh có đường Tám, Quảng Trị có đường Chín - những đường liên quốc gia, nối nước bạn Lào (và tương lai gần, Thái Lan cùng các nước Nam Á) với biển đông. Có điều Hà Tĩnh, khi đường Tám được nâng cấp thành con đường đẹp nhất nước (hồi đó), con đường của triển vọng xuyên á, thì các vị có trách nhiệm còn đắn đo hoặc còn mãi toan tính điều chi khiến con đường bị “lỡ duyên”. Và duyên ấy chuyển dần vào các tuyến đường phía nam, trong đó có con đường Chín.

Cả hai tỉnh, cũng như hầu hết các địa phương khác ở nước ta, có những địa danh lẽ ra lấp lánh mãi trong lịch sử và trong tâm hồn người. Tiếc rằng... Có phải ai qua Hà Tĩnh cũng nhớ tìm đến quê hương Tiên Điền của Nguyễn Du, Uy Viễn của Nguyễn Công Trứ, tìm đến Ngã ba Đồng Lộc. Rú Nài, trận địa phòng không thắng oanh liệt nhất không quân Mỹ giai đoạn đầu chống chiến tranh phá hoại, ngày nay được mấy ai nhắc đến? Cửa ải Hoành Sơn vốn đã hiu hắt trong hoang phế, bây giờ có hầm đường bộ xuyên Đèo Ngang hẳn cũng khó tiện đường cho du khách ghé chân. v.v... Những ý nghĩ không mấy nhẹ nhõm này cũng đến với tôi khi “vô Quảng Trị”. Xưa kia, người ta biết tới Quảng Trị thường là qua Cửa Tùng, bãi tắm biển vào loại đẹp nhất nước và Lao Bảo, chốn thực dân Pháp đày ải những người yêu nước. Nửa sau thế kỷ 20, Quảng Trị nổi tiếng với những địa danh: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, đảo Cồn Cỏ, Khe Sanh, Cửa Việt,... Song bây giờ đến hoặc qua Quảng Trị, những ai hỏi Tân Sở là đâu? những ai muốn được thăm Lao Bảo, Khe Sanh, Cửa Việt, Thành Cổ,...? Xe lướt qua cầu Hiền Lương, qua Dốc Miếu, mấy ai còn cảm xúc, dù là thoáng qua, như những năm đầu sau ngày toàn thắng năm 1975? Lần này tôi tới Quảng Trị khi trời tối đã lâu, tôi cố tìm một dấu hiệu nhỏ khi qua hai nơi này mà chẳng được. Giá có đèn chiếu sáng, có biển đề,... Hành khách ngồi chật trong xe hình như chẳng ai chia sẻ cảm nghĩ ấy của tôi. Trách khách vãng lai, khách du vô tâm, vô tình cũng phải. Để di sản tự thu hút khách cũng được. Song le... Chẳng phải chúng ta muốn “gà đẻ trứng vàng” sao?

***

Năm 2001, tôi còn lưu mấy dòng ghi chép:

“Ôi! Câu hò Hiền Lương...”, ngày nay đến cầu Hiền Lương mấy ai còn nhớ bài hát làm xao xuyến lòng người Việt Nam một thời.

Năm 1979, cầu Hiền Lương cũ ngày đất nước bị chia cắt chỉ còn một nhịp trơ vơ giữa lòng sông. Năm 1996, đi qua đã thấy bị huỷ hoàn toàn, tôi có than trong một bài bút ký đăng trên tạp chí Văn: “Giá cái cầu cũ từng là nỗi nhức nhối của dân ta suốt hai mươi năm vẫn được giữ lại như một hiện vật bảo tàng!” Năm 2001 này, mừng thay! Thấy nó lại “hiện về” coi như nguyên vẹn nằm khiêm tốn và an phận chếch phía dưới chiếc cầu mới bề thế, hiện đại. Chiếc cầu khi “sinh” thời chưa bao giờ mang niềm tự hào nay được phục chế – hơi sai vị trí cũ- có quyền hãnh diện là một “chứng nhân” lịch sử.

Ngày trước, chỉ là một cây cầu ngắn mà suốt hai thập kỷ cầu Hiền Lương luôn luôn phải mang hai màu khác nhau trên hai nửa. Cách đây mấy năm, trên một tờ báo lớn ai đó viết rằng: nửa cầu phía nam đối phương cho sơn xanh thì nửa phía bắc ta cho sơn đỏ; họ sơn đỏ thì ta lại sơn xanh. Sự thật ngược lại hoàn toàn! Ta chủ trương giữ cho màu sơn của cầu thống nhất mà phía bên kia không chịu. Chính họ mới hành động như bài báo mô tả. Chỉ mới qua chưa tới một phần tư thế kỷ mà đã dễ sai lạc như vậy! Những người thuộc lớp sau không đáng trách; đáng trách là kiểu tìm hiểu “nghe hơi”. Không hiếm những chi tiết trong các bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng bây giờ sai lạc kiểu đó.

Vượt sông Bến Hải trên cầu Hiền Lương, tôi bỗng nhớ tới mấy câu thơ của V.H.C. : “Hẹn một ngày trở lại cố đô/ Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ/ Trên đài chí sĩ bàn tay vẫy/ Đại định non sông một bóng cờ”. Những câu thơ Vũ thi sĩ làm năm 1954 dâng Ngô “chí sĩ”. Chính quyền họ Ngô ngay sau hiệp định Giơ-ne-vơ đã chủ trương “Bắc tiến”, lớn tiếng hô hào “Lấp sông Bến Hải”. Chẳng có lời tán tụng nào, lời hưởng ứng nào hay hơn, “hung” hơn, kịp thời hơn những lời thơ trên! Sau này, bị Mỹ dồn ép quá Ngô Đình Nhu vờ bắn tiếng sẽ đàm phán với miền Bắc; động tác giả doạ quan thầy ấy chẳng đắt. Giờ đây, ít ai nghĩ rằng: giả dụ không may mà lịch sử diễn biến khác đi, Hà Nội chứ không phải Sài Gòn thất thủ thì cuồng vọng “Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ” có thể dẫn tới những thảm kịch nào?

Cầu Hiền Lương cũ được phục chế lưu lại, song các cột cờ, các trạm gác hai đầu cầu của hai bên đối địch không còn. Đáng tiếc! Người bây giờ có thể ít quan tâm, nhưng mai sau con cháu chúng ta có thể sẽ ngẩn ngơ tiếc như chúng ta nay trước dấu cũ Lũy Thầy, chẳng hạn.

Dốc Miếu sạch nhẵn căn cứ Mỹ ngày nào; cả hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra cũng vậy. Những người Mỹ chủ chiến trước đây hẳn hài lòng, và lí ra phải chịu ơn những người Việt Nam đã có “sáng kiến” bán sắt vụn.

Đôi bên bờ Hiền Lương đồng ruộng trải rộng. Lúa trĩu bông mẩy, mặt bằng thảm lúa thấp dưới cả những bờ con nhìn lướt qua ngỡ là thảm cỏ; cây lúa thật thấp tưởng chỉ hơn gang tay. Mé biển phía xa, mới năm năm trước thấy dựng lên bức tường trắng – những đụn cát, nay đã thay bằng bức tường xanh, hẳn là rừng dương (phi lao).

Dải đất hẹp miền Trung vậy mà cũng có những cánh đồng nhìn thoải mái con mắt; song nhiều cát, quá nhiều cát! Có một cái cầu trên quốc lộ Một bắc qua một lạch... cát! Đã chớm vào mùa mưa nhưng nước chưa đủ ngấm lòng lạch.

***

Tôi đi trên đường phố Đông Hà khá vắng, thưa người và xe. Ngay trên đường Một qua thị xã cũng thoáng xe cộ. Sống ở Hải Phòng đường phố luôn luôn chật xe và người, tôi vẫn tiếc nhớ cái vắng lặng này. Anh nhớ tiếc cái vắng lặng thời bao cấp, thời nghèo nàn lạc hậu ư? Không! cái vắng lặng, nhất là vào giờ làm việc, của các đường phố văn minh, đúng nghĩa hiện đại nơi những thành phố được quản lý tốt, phát triển có tầm nhìn rộng và xa, những Pa-ri, Mát-xcơ-va, Bắc kinh,..., kể cả Băng- cốc. Có người bảo cái xô bồ, ồn ả, luộm thuộm của hầu hết đường phố Việt Nam hiện tại là tất yếu của sự phát triển. Tự hào chữa vụng hay ngụ ý khôi hài đây?

Cái vắng lặng dễ thương của Đông Hà rồi đây e sẽ không còn. Đông Hà đang phấn đấu để lên đô thị cấp ba và ngày 13/12/2005 đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại ba, và rồi sẽ lên đô thị cấp hai vào năm 2007. Chúng ta sẽ có thành phố Đông Hà. Cầu cho tân thành phố này sẽ tránh được những bất cập của những thành phố đi trước.

Đông Hà hầu như không còn chút dấu tích gì năm 1979 khi tôi lần đầu đi qua, một thị xã lầm bụi, đường sá chắp vá, nhà cửa tạm bợ. Chứng tích chiến tranh có lẽ chỉ còn nơi hai chiếc xe tăng rỉ cạnh một bùng binh rộng bị những thanh sắt và những tấm bê tông che lấp khó nhìn thấy. Nếu là một triển lãm tại chỗ, một thứ bảo tàng ngoài trời thì cần những dụng công và đầu tư cần thiết để chúng không biến thành những mớ sắt vụn. Đông Hà, cũng như thị xã Hà Tĩnh, thời hợp nhất tỉnh lớn gần như bị bỏ bê hoặc rơi xuống hàng thị trấn. Và một trong những chứng tích của thời kỳ mầy mò sau khi trở lại là mình muốn vươn tới, muốn làm cái gì đó, những cái gì đó, là cái công viên. Một khuôn viên khá rộng có vườn hoa, thảm cỏ, có hồ dài, tuy hẹp, “nao nao dòng nước uốn quanh/ nhịp cầu nho nhỏ (giữa chừng) bắc ngang”, nom tiêu sơ, có màu hoang phế nơi cỏ hoa, nơi chiếc cầu bị lở nhiều bậc. Mặt tiền là “cửa hàng – bãi” bày những chậu để trồng cây đúc bằng xi măng lấn cả vào vườn. Tuy nhiên, kề đấy là vườn chơi của con trẻ còn khá nguyên vẹn. Và xa hơn một chút là nơi ươm cây; những bầu cây giống đã và đang được chuẩn bị xếp cạnh nhau trên một bãi rộng. Có thể nghĩ rằng ngày mai của công viên đang được lo toan để tương xứng với tầm mới của đô thị. Thiếu không gian cho cây xanh, cho mặt nước, đô thị khô xác đi; càng nhiều lầu cao, đường rộng càng khô xác. Nhiều đô thị của ta, hễ có bãi trống, hồ ao là người ta nghĩ tới trước tiên là san lấy mặt bằng xây dựng (hay mượn danh nghĩa xây dựng để toan tính!).

Nhà văn - hoạ sĩ Tấn Hoài dẫn tôi đi thăm thú Đông Hà. Anh quê gốc ở Triệu Phong, từng làm việc ở Quảng Trị nhiều năm, bây giờ sống ở phía nam nhưng vẫn là “thổ công” ở đây. Anh biết nhiều về Quảng Trị có thể viết một pho sách dày. Anh chỉ cái bùng binh, một bãi cỏ tròn khá rộng, giữa có cái cột cao, kể rằng trước đây là cái lô cốt to và cao có từ thời Pháp; hồi Chủ tịch Phi-đen Cát-xtrô vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1974, ông đòi trèo lên đỉnh quan sát, ta phải can ngăn, lo ông trở thành mục tiêu cho quân địch bên kia sông. Phải chi trong quá trình xây cái mới, việc dung nạp hay loại bỏ những gì vốn có không là những bài toán khó cho cả đầu óc và tấm lòng!

Đông Hà thời thuộc Pháp, trước 1945, chỉ là một thị tứ ít tên tuổi. Đông Hà nổi lên từ sau khi được giải phóng năm 1972, nhất là từ đầu năm 1973, là nơi chính quyền cách mạng miền Nam Việt Nam khẳng định sự tồn tại “vật thể” của mình, và cũng khẳng định giới tuyến chia cắt đất nước đã bị xoá bỏ trên thực tế.

Xưa chưa xa, Đông Hà trước mặt là biển cát, sau lưng là núi rừng, may còn có đường thiên lý và đường sắt đi qua suốt bắc-nam. Nay, trước mặt là cảng biển Cửa Việt và, cũng là trước mặt, cửa khẩu Lao Bảo có thể “nhìn” thấu chiếc cầu bắc qua sông Mê-Công ngăn cách Lào và Thái Lan, và còn có thể thấu tới những vùng Nam á xa xôi. Vị thế này, không nhiều đô thị nước ta có được.

***

Chỉ riêng Quảng Trị cũng có thể cung cấp tư liệu, vật thể và phi vật thể, cho giới văn học-nghệ thuật, trước hết là văn học, dựng lên pho sử thi từ giai đoạn mất nước. Tiếc rằng chúng ta đã để tiêu tán không ít, có những thứ chẳng thể nào lấy lại được, chẳng thể nào bù đắp được. Ôi! nhắc chi thời xưa cũ. Nó chỉ gợi lại những mất mát đau thương. “khép lại quá khứ” rồi mà! khép lại quá khứ, chứ đâu phải quên! Thiên hạ, những nước giàu mạnh, văn minh, những xứ hơn nửa thể kỉ nay không có chiến tranh, đâu có quên những gì cần phải nhớ. Không nói những chứng tích hoành tráng, Li-đi-xê, Ốt-xven-xim,... , cả những gì tưởng là nhỏ nhặt. Bảo tàng ở Xanh Pê-téc-bua còn lưu những trang viết của một em bé Nga sáu tuổi chết đói do giặc phong toả thành phố. Khách du đến Bơ-ruých-xen ngày nay còn được dẫn đi xem nơi một chú bé tè vào dây cháy chậm cứu toà nhà đẹp nhất nươc Bỉ khỏi khối thuốc nổ của phát xít Đức. Những di tích, những lưu niệm nêu bài học cảnh giác về thiện-ác, văn minh-bạo tàn ở nước ta vô vàn. Nhưng còn lại chẳng nhiều. Riêng ở Quảng Trị, chẳng hạn: đâu rồi bức ảnh treo người cụt đầu mà một tờ báo Pháp chống chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương đã đăng? Đâu rồi tấm ảnh tên lính Lê dương một tay xách chiếc đầu còn rỏ máu, tay kia lôi người con gái Việt trần truồng? Đâu rồi viên gạch có một không hai, vô tiền khoáng hậu bao bọc đầu người du kích bị giặc cắt lìa cổ?... (Những tư liệu, anh Tấn Hoài, tác giả truyện ngắn “Viên gạch lạ”, cam đoan với tôi rằng mình chính mắt thấy). Còn có thể nêu rất nhiều câu “đâu rồi” ở Quảng Trị, ở toàn cõi Việt Nam.

Người ta hay nói: ta chưa có những tác phẩm văn nghệ nói được, nói hay về cuộc đấu tranh giành lại nước, về thế kỷ vừa qua (có khi nói một cách hay ho là “xứng tầm thời đại”). Song, có ý kiến cho rằng cần có độ lùi thời gian cần thiết. Cuộc chiến nước Nga chống Na-pô-lê-ông phải hơn nửa thế kỷ sau mới có chiến tranh và hoà bình (CTVHB) của Lép Tôn-xtôi. Cuộc nội chiến giải phóng nô lệ ở Mỹ phải bảy chục năm sau mới có Cuốn theo chiều gió (CTCG) của Mác-gơ-rít Mít-seo. Vấn đề là phải có một Tôn-xtôi, một Mít-seo (mặc dù gần đây một nhà thơ, được một nhà thơ có “mác” tán dương tập thơ mới ra “đặc trưng của thơ hiện đại ngày nay”, đã hùng hồn tuyên bố: “Tôn-xtôi (có) là cái gì! Pút-xkin (có) là cái gì! Huy-gô (có) là cái gì!”). Nhưng vấn đề nữa, quan trọng chẳng kém, phải còn có ở mức độ nào đó những tư liệu, hiện vật, thực địa,... Tất nhiên, tác phẩm tương lai, nếu có, không nhất thiết phải như CTVHB hoặc như CTCG, không nhất thiết nệ vào “nguyên, vật liệu hiện thực”, song phải có “bột” để “gột nên hồ”, để gợi tứ, gợi ý, từ đó mà thăng hoa. Tuy nhiên, khi Tôn-xtôi viết CTVHB nước Nga đang tiến tới bỏ hẳn chế độ nông nô và đang manh nha chủ nghĩa tư bản, song xã hội Nga, truyền thống Nga chưa mấy thay đổi về cơ bản. Xã hội Mỹ, từ cuộc nội chiến đến khi Mít-seo viết CTCG, vẫn là phát triển theo đường hướng ổn định một quốc gia tân lập, ý thức và tình cảm lịch sử không mấy hỗn tạp. Cả hai trường hợp, tác giả đều rất có bản lĩnh, rất chủ động trước những ảnh hưởng ngoại lai, nếu có, về tư tưởng, về thi pháp,...Còn trường hợp của ta, đã và sẽ có những tiền đề gì để tác phẩm “lớn” ra đời? Và có chăng ý đồ lớn, tâm lớn, tầm lớn? Đâu đó, khi mà lối sống, nếp nghĩ, cách làm thì “phong phú” song nổi đình đám lại là những “sáng tạo” lại những gì thiên hạ đã “đi” qua, có khi đã thải loại,...

***

Một khách du Tây Âu, loại “Tây ba lô”, tôi gặp trên một chuyến tàu suốt bắc-nam từng thổ lộ: “Người Việt Nam nghĩ chúng tôi giàu đi du lịch để tiêu tiền; thật ra chúng tôi đi để tìm hiểu những vùng đất, những dân tộc,...”. Tìm hiểu mà chỉ qua lời hướng dẫn viên (thường là không đầy đủ, thậm chí thiếu sót hoặc sai lệch) thì khá hạn chế, kể cả khi có thực địa, có hiện vật nhưng bày biện chiếu lệ. Khách du đến cầu Hiền Lương nếu được bước đi trên chiếc cầu cũ, được trầm ngâm trước các trạm gác hai đầu cầu và hai cột cờ hai bên phục chế như cũ cùng một phần tiêu biểu cho khung cảnh trước đây, kể cả hàng rào dây thép gai và chuồng nuôi heo trá hình ở bờ nam, rồi có thêm chiếu phim tư liệu nữa thì có lẽ “đi không dứt”. (Tôi lẩn thẩn nghĩ thêm: lúc ấy nếu mời họ xem phim truyện “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” thì...). Dốc Miếu với hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra cũng vậy. Nhiều nơi khác, không chỉ ở Quảng Trị, cũng vậy.

Nơi có thể nói là làm thoả mãn (tương đối) du khách là địa đạo làng Vịnh Mốc. Đã hai lần thăm địa đạo Củ Chi, tôi cho là ở Vịnh Mốc “cũng rứa thôi”. Thật là “bé cái nhầm!”. Chỉ riêng điều này đã khác: địa đạo Củ Chi là căn cứ đánh địch ngay trong lòng địch. Địa đạo Vịnh Mốc là thôn dân cư dưới “đất ta” ngày đêm hứng chịu bom đạn giặc từ trên trời và từ ngoài biển, và còn là “hậu phương” trực tiếp của đảo Cồn Cỏ. Địa đạo Vịnh Mốc là nơi chôn nhau cắt rốn, theo đúng nghĩa đen, của mười bảy người, nay còn sống mười sáu người, trong đó có một người được học lên trở thành viên chức. Cũng như ở Củ Chi, nơi này trước mặt đất trần trụi, đất đá tanh bành, toang hoác hố bom đạn, nay vườn cây sum suê, đặc biệt là hồ tiêu. Khoảng giữa thế kỷ trước tôi đã được xem bức tranh “Làng Vịnh Mốc”. Nay trước mắt khác hẳn. Du khách xuống thăm ba tầng địa đạo cũng không khác cái “thú đi dạo” là mấy, tuy mang tâm trạng lạ lùng, cảm phục. Giá tạo điều kiện cho khách sống thử một thời gian trong đó, chẳng hạn một ngày đêm. Thử hình dung một cặp vợ chồng với “căn hộ” sâu trong lòng đất!

Thăm địa đạo Vịnh Mốc, sau khi dạo thăm cầu Hiền Lương, Dốc Miếu, rồi lên tàu cao tốc ra thăm đảo Cồn Cỏ, sau đó quay về nơi nghỉ mát Cửa Tùng, lộ trình “du” này chẳng xoàng đâu nhé! Còn nhiều lộ trình khác. ít có địa phương nào đậm đặc các điểm du lịch như Quảng Trị, về lịch sử, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, cả điểm “hành hương”...

***

Ai vô Đông Hà hãy đến thăm trụ sở Tạp chí Cửa Việt, một ngôi nhà riêng của báo rất đàng hoàng nằm bên một trong những con đường chính của thị xã. Toà báo cũng có một chiếc xe hơi bốn chỗ ngồi loại “xịn”. Qua bấy nhiêu, thấy hoạt động văn học-nghệ thuật được coi trọng, và có vẻ như người Quảng Trị “chịu chơi” hơn người nhiều địa phương khác giàu sang hơn. Tạp chí Cửa Việt ra hàng tháng, mỗi số ngót trăm trang. Chỉ riêng điều này thôi, các tạp chí cùng loại, tạp chí của các hội văn học-nghệ thuật địa phương khác, phải ngả mũ trước các bạn đồng nghiệp “Bình Trị Thiên (từng) khói lửa” (các tạp chí Sông Hương, Nhật Lệ đều ra hàng tháng). Nữa, ai đến Cửa Tùng sẽ nhìn thấy một cơ ngơi “phong lưu” nhìn ra biển có chữ đề “Nhà nghĩ của hội văn học Quảng Trị”. “Nghĩ” chứ không phải “nghỉ”. Anh Y Thi, Phó tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt giải thích: Đây là nơi đến để nghĩ mà sáng tác chứ không đến để nghỉ. Các văn nghệ sĩ ai chẳng muốn được đến một nơi như thế để “nghĩ”!..

                                    

                         Hải Phòng, 11-2005

                                          K.N

KHẢI NGUYÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 138 tháng 03/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground