Có một xu hướng gần đây đang được ưa chuộng, nó dường như ngược với quy luật của sự phát triển, nhưng lại phản ánh đúng tâm thế và tâm thức của con người trong thời đại mới: muốn dừng lại một chút nghỉ ngơi, muốn lấy một tấm vé đi về tuổi thơ. Cùng với đó là một loạt các khái niệm được định hình như đồ cổ, đồ xưa, đồ độc... và gom chung thành một thuật ngữ ngoại lai: vintage. Từ thú chơi mang đầy vẻ hoài cổ, người ta đã biết tận dụng để kinh doanh và tạo nên những nét riêng mới ở Quảng Trị.
Ly cà phê ngược chiều ký ức
Bên bờ biển Cửa Tùng nổi tiếng, có một quán cà phê khiến nhiều người cảm thấy gần gũi ngay khi mới nghe cái tên: Cà phê Mạ (khu phố An Hòa, thị trấn Cửa Tùng). Tới quán ta gặp ngay bức tường phía trước được xây bằng những phiến đá tổ ong xưa, đi vào bên trong những vách ngăn cũng là tường cũ sơn vàng, những bộ cửa gỗ xếp của nhà rường xưa. Chủ nhân Nguyễn Minh Tiến cho biết quán được anh cải tạo từ ngôi nhà cũ truyền thống của gia đình, chính vì thế nên anh giữ nguyên những mảng tường màu vàng đậm nét từ thời bao cấp.
Đồ đạc trưng bày trong quán cà phê cũng gợi nhớ thời quá vãng. Những chiếc máy đánh chữ, ti vi đen trắng, đầu băng cối nghe nhạc, máy cassette, đàn phong cầm accordion, tủ tap deni, cà mèn cơm, máy ảnh chụp phim... Bàn ghế ngồi uống cà phê cũng là loại salon thùng gỗ kiểu Pháp, một thời chỉ những nhà phú hộ mới có, và nay để sưu tầm được ngần ấy thứ đồ phục vụ khách cũng không hề đơn giản.
Quán cà phê Mạ ấn tượng với không gian xưa cũ - Ảnh: T.S
Quán đi vào hoạt động từ năm 2018, nhưng chủ quán đã sưu tầm chuẩn bị những đồ đạc này từ trước đó... 22 năm. Anh Tiến cho biết do sở thích những thứ mộc mạc của quê hương nên anh giữ lại những thứ đồ cũ trong nhà mình đã lỗi thời như mâm đồng, cối đá, chum vại, rồi những thứ đồ đồng nát người ta bỏ đi thì anh xin hoặc mua lại. Chủ ý của anh khi mở quán cà phê là để làm nơi trưng bày chia sẻ niềm đam mê đồ xưa cũ với mọi người. Anh cho biết dự tính thời gian tới quán sẽ được đầu tư để... làm cho cũ hơn nữa!
Đó đây khắp nơi trong tỉnh Quảng Trị đều có những góc quán mang vẻ hoài niệm như thế. Năm 2017, giữa góc phố Đông Hà bỗng dưng mọc lên quán cà phê Cũ 1972 của đôi bạn trẻ mới ngoài hai mươi tuổi. Cũ 1972 từ cái tên cho đến vật dụng trưng bày đều hướng đến việc nhắc nhớ một thời đoạn gian khó của chiến tranh. Năm 2019, quán được chuyển vào thị xã Quảng Trị, gần Thành Cổ, là địa điểm hợp với tên quán và gợi nhớ đến mùa hè đỏ lửa nửa thế kỷ trước. Đây cũng là một địa chỉ phù hợp để giúp du khách về thăm chiến trường xưa được sống lại một phần ký ức xúc động. Điểm nhấn của Cũ 1972 là những bức ảnh xưa, mấy biển hiệu viết tay: Hiệu ảnh tân thời Cô Liên, Tiệm may cô Bảy; các khẩu hiệu được biến tấu dí dỏm: Tuyệt đối giữ bí mật trận này ắt thắng lớn, Đẹp trai thì mặc đẹp trai cơ quan không tiếp tóc dài quần loe, Sách dùng để đọc các đồng chí vui lòng đừng xé...
Ngược lên miền sơn nguyên, vào sâu vùng Cùa (Cam Lộ) có thể ghé đến Phương Gia Trang, một địa chỉ du lịch ẩm thực sinh thái đã có tiếng bấy lâu nay. Gần đây, gia chủ còn mở thêm một không gian quầy bar sân vườn để tạo sự mới mẻ bằng những thứ xưa cũ. Quầy lộ thiên tráp ván, lợp tranh, mở những ca khúc trữ tình thời tân nhạc Việt Nam hòa quyện những bản nhạc ngoại thập niên 80 từng đằm sâu trong ký ức nhiều người. Chủ nhân Phương Gia Trang cho biết từ khi có quầy bar thì buổi tối ở đây sinh động hơn, thu hút thêm lượng khách đến thưởng thức cà phê giải khát, cùng các thức nhắm nhẹ.
Quầy bar sân vườn gần gũi ở Phương Gia Trang - Ảnh: Nguyễn Hoàng
Cơm cháy và cơm độn: Ký ức ám ảnh đến đặc sản!
Nhắc đến chuyện cơm cháy cơm độn, có thể giới trẻ hôm nay nhiều người không hình dung được. Miếng cơm cháy của những năm ở thế kỷ trước, khi bữa cơm dọn ra thế nào dưới đáy nồi cũng có một miếng vàng rộm, không may thì... đen sì. Đấy là cơm được nấu bằng nồi đất nồi đồng dưới ngọn lửa rơm lửa củi, và miếng cơm cháy chẳng qua là điều không mong muốn. Cha mẹ sẽ chịu khó ăn phần cơm khó nhai ấy mà không cho con cái ăn vì quan niệm “trẻ con ăn cơm cháy học ngu”. Cơm độn thì rõ ràng là gạo nấu cùng một ít khoai, sắn; có khi phần khoai sắn còn nhiều hơn cơm. Thế mới có chuyện tiếu lâm rằng đến bữa ăn bà mẹ gọi đứa con đang mải chơi bên hàng xóm: Con ơi về ăn cơm kẻo hết củ to!
Ngày nay, cơm cháy và cơm độn đôi khi thành món khoái khẩu, thành đặc sản. Nằm giữa thành phố Đông Hà, quán cơm Cơm niêu Việt Nam (153 Lý Thường Kiệt) nhiều năm nay là địa chỉ được khách yêu thích. Địa điểm thoáng rộng, nếu muốn ngồi ăn trong không gian cổ kính thì lên gian nhà rường gỗ tầng hai. Mỗi người có một phần cơm nấu bằng niêu đất nên luôn có miếng cơm cháy, cháy ít hay cháy nhiều tùy sở thích. Bên cạnh đó là các món cá đồng cũng được kho rim, kho cháy trong niêu gốm. Mộc mạc nhưng không kém phần sang trọng, đây là nơi ta có thể tiếp đãi khách phương xa một bữa ăn tinh tế, thân tình.
Thời gian gần đây, một địa chỉ bán... cơm độn được review nhiều trên mạng xã hội. Đấy là quầy Cơm Quê ngay ở sảnh chính tầng một của siêu thị Co.opmart Đông Hà. Cơm Quê bán giá bình dân: 35 ngàn đồng cho suất ăn một người, từ hai người trở lên thì tính 30 ngàn đồng mỗi suất. Thực đơn từng bữa được niêm yết ở bảng gỗ đặt trước quầy để tiện cho khách và khỏi chọn món. Dù nhiều suất hay chỉ một mình cũng đều có đủ tất cả những món ăn “truyền thống” như cá nục kho thơm, rau dền rau lang luộc chấm. Mâm cơm luôn có một chén mắm, một dĩa rau mùi kèm cà, vả chấm ruốc và cả trái cây tráng miệng. Nhìn qua thì biết thực đơn ưu tiên các món ăn giàu chất xanh, như một xu hướng ăn đang được ưa chuộng, đặc biệt thích hợp với tiết trời khó chịu ở Quảng Trị. Đặc biệt xoong cơm được độn thêm những lát khoai vàng hươm khiến người ăn không khỏi bùi ngùi. Nhưng khoai trong xoong cơm độn ấy có khi lại là món khoái khẩu, nên xong bữa thì cơm còn nhưng khoai đã hết trơn. Chén bát, dĩa cũng là đồ gốm men lam kiểu đồ dùng ngày xưa, đũa và muôi vá bằng gỗ. Cơm được dọn ra trên một chiếc mâm tròn với rất nhiều chén dĩa nhỏ. Cơm Quê dù chỉ là một quầy cơm bình dân, “cơm bụi” trong siêu thị, nhưng chính sự giản dị, gần gũi của vật dụng cùng thực đơn nhẹ bụng đã thu hút khá đông khách, trong đó có cán bộ công nhân viên chức đang làm việc ở các cơ quan, công ty trên địa bàn.
Bữa ăn đong đầy ký ức ở Cơm Quê, siêu thị Co.opmart Đông Hà - Ảnh: T.S
Anh Đặng Tứ Minh San, giám đốc Co.opmart Đông Hà cho biết trước đây siêu thị cũng có gian hàng bán cơm ở trên tầng hai, nhưng sau khi chuyển xuống sảnh chính tầng một thì anh muốn độc đáo hơn, phải khác những quán cơm hiện có ở thành phố tỉnh lỵ này. Anh muốn mang đến một thực đơn gần gũi, phù hợp với nhiều người, nhiều độ tuổi, và đó chính là lý do để Cơm Quê ra đời. Những món ăn đạm bạc giúp cho người từng trải qua thời gian khó cảm nhận hương vị xưa, còn những người trẻ tuổi cũng ăn để biết và chia sẻ.
Những lần đến Cơm Quê, chúng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình có cả ông bà, cha mẹ và các cháu nhỏ cùng chung mâm. Xen lẫn trong bữa cơm là những câu chuyện kết nối thế hệ, những ký ức được người lớn tuổi kể cho cháu con nghe. Có khi đấy là một cách tâm tình khuyên nhủ, giúp người trẻ hiểu thêm quá khứ để biết trân trọng cuộc sống.
Chúng tôi cũng đọc được thông điệp ấy nơi những góc cà phê, những quầy quán ẩm thực xưa cũ đó đây trên đất Quảng Trị, nơi mà du lịch hoài niệm đang được quan tâm phát triển. Khi ấy, câu chuyện kinh doanh đã không dừng ở việc kiếm tiền, mà hơn thế, trở thành một thứ kinh doanh có cảm xúc.