C |
ái thị xã nhỏ ngày ấy, nghèo nàn và buồn tủi, e ấp bên lề đường 1A, dưới những cặp mắt ơ hờ của khách thập phương. Từ khi nhập tỉnh, những kẻ khôn ngoan hoặc may mắn đã đổ về nơi đô hội, lập nghiệp sinh nghề. Cũng không ít người nổi trôi theo dòng đời xoáy nước cam chịu phận bọt bèo.
Mười lăm năm thị xã như bị bỏ quên. Những người có máu mặt trụ lại đây tính được trên đầu ngón tay. Chỉ cần một ngôi nhà vài ba gian xây cất khang trang, chỉ cần một chiếc xe gắn máy bất kể loại gì: Pháp, Nga, Nhật hay Tiệp là cả thị xã này đều biết. Vì vậy vào những ngày đó, hầu hết người già, trẻ nít ở đây đều biết anh - một thương binh trẻ, điển trai làm nghề thầu khoán với chiếc Cúp “ Nữ hoàng” đỏ chót, bóng lộn. Dĩ nhiên tôi cũng quen anh.
Chia tỉnh, người người lại đổ xô từ thành phố Vinh về đây. Trên những ao hồ hoang vu, những ruộng vườn lầy lội rặt bèo tây và cỏ cú, người ta đào bới, san lấp, chia chác, dựng xây rào chắn thành trăm, thành ngàn biệt thự khang trang. Cái gì cũng đổi thay chóng mặt: Đường chưa kịp hoàn thiện đầu này, đầu kia đã nới rộng kê cao; toà dọc chưa xong, dãy ngang đã mở; ruộng vườn thành đường trục; tên các danh nhân, thi sĩ đội nắng đội mưa thấp thoáng các góc đường... Người đổ về, cơ man như lũ tháng chín, vừa thưa thếch đó đã đầy ăm ắp đó. Những thổ công cũ ít người bươn chải kịp với dòng đời, cứ chìm dần vào trong ồn ã ngược xuôi. Anh cũng “bình thường hoá” giữa cái đô hội lấn chen lúc nào không mấy ai nhớ nữa.
Rồi một ngày tôi chợt nhìn thấy một toà nhà ba tầng nhô lên sau những túp lều tranh, sau luỹ tre làng với cái tên vừa quen vừa lạ: “Nhà khách 27-7”. Từ đường quan nhìn vào, cấu trúc ngôi nhà có vẻ cầu kỳ, trên tầng thượng cảnh trí lạ mắt gây cho tôi sự tò mò và tôi tìm đến chủ nhân căn nhà đồ sộ đó. Thì ra là anh: Chiếc quần soóc lửng màu cỏ úa, chiếc áo đông xuân cộc tay, toạ trên bộ đi văng gỗ lim sáng bóng. Thấy tôi, anh cười:
- Ông nhầm ngõ đấy à?
- Không phải nhầm ngõ mà tôi tìm nhầm người. Tưởng là một bà giám đốc xinh xẻo, hoá ra là ông.
Cơ ngơi của anh có vẻ khá, phòng khách bày biện đơn sơ nhưng toát ra chí so anh so em với những nhà hàng ở thị xã này. Tuy nhiên người phục vụ lại vắng teo. Thấy tôi thắc mắc, anh cười:
- Lăn lộn nhiều rồi, mệt mỏi quá. Có bao nhiêu vốn gom vào đây với sự trợ giúp của bà con bạn bè mới được chừng đó. Giám đốc là mình, vợ phó kiêm tất tật chuyện quản lý, nội trợ. Có thêm mấy cháu gái nông nhàn trợ giúp những ngày đông khách.
- Trên bức tường lớn mài ma tít láng bóng màu hồng, một khung nhôm to tướng gắn đầy ảnh quân nhân. Tôi để ý thấy những người lính hầu hết đều đứng tuổi hoặc đã già. Có người không mặc quân phục nhưng trông mặt, biết ngay là cựu binh. Dưới một tấm ảnh ghi: “Các tướng lĩnh và chỉ huy cao cấp từng ở Sư 324B và Trung đoàn 812B về thăm gia đình Dũng sĩ diệt Mỹ Lê Văn Chớ”. Người ghi chú còn viết: “Từ trái qua phải: Thiếu tướng Minh Long, Đại tá Nguyễn Phi Khương, Trung tá Lê Đăng Toan...”
Tôi hỏi anh: "Biết anh từng là lính đặc công, là cán bộ Tổng đội thanh niên xung phong, là thầu khoán gặp vận. Cách đây mấy tháng, trong một tiệc rượu với mấy tay cựu binh cũng là cánh trinh sát đặc công, một cán bộ xã đã khoe với tôi từng cứu anh thoát khỏi tử thần khi giặc mổ bụng moi gan anh ở Huế hồi Mậu Thân?" "Ai nói với anh?" "Chuyện có thật không? Hắn còn chi tiết là khi vác cái xác của anh chạy, ruột anh trào ra đến hàng mét, vướng cả vào tre gai đứt bốn khúc kia mà" Lê văn Chớ cười: “Tôi có bị thương vào bụng, viên đạn xuyên từ lưng ra phía trước phá một khoảng bụng khá to, ruột trào ra ngoài , đứt mấy khúc, thượng tá Nguyễn Phi Khương là người đã chỉ huy tiểu đoàn 4 đặc công đánh tiếp ứng và cứu tôi đưa về trạm phẫu tiền phương. Sau này anh ấy là Sư trưởng Sư 324B và nghỉ hưu tại phường Bắc Hà. Còn chuyện mổ bụng moi gan là có thật nhưng người bị không phải là tôi mà là anh Phan Công Liêm quê Đức Bình, Đức Thọ.”
- Rót cho tôi ly trà, anh với tay kéo sợi dây nối công tắc chiếc quạt tường trên đầu tôi rồi trầm ngâm: “Sau Mậu Thân, đơn vị đặc công 812B của chúng tôi tán ra bám sát vùng Quảng Trị và ven Huế. Bọn Mỹ đưa sư đoàn “Kị binh bay” từ Tây Ninh ra Hải Lăng thiết lập cảng trực thăng vận tải tại xã Hải Bá gọi là cảng Mỹ Thuỷ. Toán trinh sát do Phan Công Liêm chỉ huy nhận nhiệm vụ bám địch, theo dõi hướng hành quân, di chuyển, trang thiết bị chiến tranh của chúng. Mọi thông tin anh Liêm nắm được thông qua đài quan sát 105 do toán của tôi chốt giữ để chuyển về trung đoàn. Một chiều tháng 7 năm 1968, xe tăng của địch tuần tra xung quanh khu vực cảng phát hiện được nơi ém của các anh. Chúng cho 36 xe tăng, 5 tiểu đoàn lính Mỹ, hàng chục trận địa pháo quanh đó bắn trợ oai rồi dùng trực thăng thả dây thép gai vây quanh khu vực 3 trinh sát ta ẩn nấp. Pháo dập , tăng gào, vòng vây xiết lại, loa giặc goi hàng không át nổi những loạt AK và lựu đạn của toán trinh sát. Suốt một ngày ròng bọn địch không vào nổi trận địa của các anh, mười tên Mỹ đã bỏ mạng. Đạn hết, hai đồng đội hy sinh, Phan Công Liêm phá hỏng khẩu AK, huỷ tài liệu rồi dùng dao găm đâm cổ mình không chịu để rơi vào tay giặc. Bọn Mỹ tập trung dân đang sơ tán ngoài đồng về đánh đập doạ dẫm mong tìm ra cơ sở nuôi dấu các anh rồi chúng mổ bụng moi gan Phan Công Liêm trước mặt nhân dân xã Hải Bá, sau đó chúng dùng dây buộc xác các anh vào sau xe tăng kéo ra cảng Mỹ Thuỷ”.
Tôi nuốt khan nước bọt:
- Còn trường hợp anh?
- Đó là đêm 17-5-1970, đại đội 20 đặc công do tôi chỉ huy mật tập trung đoàn hành quân số 54 ngụy trên động Chiêm Dòng phía tây căn cứ 367 Quảng Trị. Tôi dẫn hai trinh sát trẻ - cậu Hợi và cậu Phi - lợi dụng bóng tối bám sát mấy thằng lính ngụy xuống suối xách nước để lén vào vị trí đóng quân của chúng. Chúng xách nước đi trước, tôi bám theo sau, Phi và Hợi gỡ mìn và xoay hướng những quả mìn Clây-mo về phía suối là nơi có bọn nguỵ đang ẩn nấp. Từ trung tâm chúng tôi đánh ra làm hiệu lệnh cho bộ đội ở vòng ngoài công kích. Trận đánh bất ngờ nhưng vì địa hình phức tạp, địch không tập trung nên chiến sự kéo dài gần suốt sáng. Tôi bắn pháo hiệu cho tiểu đoàn bộ binh phối thuộc vào giải quyết chiến trường, bọn tàn quân địch phát hiện được vị trí của tôi vì mấy quả pháo hiệu, chúng nã đạn dữ dội. Phi hy sinh, Hợi bị thương, tôi cũng bị dính đạn hai lần. Nghĩ mình không sống được, tôi lệnh cho Hợi vác xác Phi rút ra ngoài còn mình ở lại cản địch. Tiểu đoàn của anh Khương đã đến kịp khi tôi hết đạn và không còn sức trụ nữa.
Anh kéo tôi vào căn phòng bên cạnh, mở tủ ôm ra bình rượu ngâm thuốc ngả màu nâu sậm:
- Dùng được cái này chứ? Rượu nếp làng tôi đó.
- Tôi cũng thích loại "côộc toóc" nhà mình nhưng tửu lượng kém. Rót ít thôi.
Cụng ly. Nhấp một hớp, anh thong thả vén tấm áo đông xuân lên khỏi bụng, một miếng sẹo khủng khiếp hiện ra: Vết lõm sâu vào thành cái hố to cỡ bàn tay người lớn, màu da sạm vàng, những vết sâu nhăn nhít trông như cái vỏ cua lật ngửa. Anh kể:
- Vết thương quá nặng lại bị nhiễm trùng, ăn uống thiếu chất nên vết khâu không chịu liền miệng phải mổ đi mổ lại. Thuốc gây mê không có, đèn mổ là bóng đèn 6 vôn được thắp sáng bởi cái bình đi-na-mô xe đạp mà các cô hộ lý vừa đạp vừa khóc. Thế mà rồi cũng qua được. Sau này tôi mới biết, trong trận đó, đơn vị tôi xoá sổ trung đoàn 54 ngụy, phân đội tôi hi sinh mất 9 người. Còn tôi, ai cũng nghĩ là không sống nổi nên anh em đào mười cái huyệt. Tôi là cái thằng huyệt đào rồi chưa chôn đấy thôi.
Anh đưa tôi cuốn sổ bìa dày cỡ hai tệp giấy học trò và một tờ thông báo mời gặp mặt của Ban đại diện Trung đoàn 812B:
- Sắp tới, tại đây sẽ tổ chức cuộc gặp đầu tiên của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn và một số thân nhân các liệt sĩ của Trung đoàn. Ông Minh Long vừa gửi thư ra, ông ấy yêu cầu tôi đãi đằng anh em bạn hữu một bữa khoai, sắn, rau tàu bay để nhớ lại thời gian khổ đã qua.
- Dự kiến bao nhiêu vị?
- Quanh thị xã này, cấp tá cũng khoảng vài chục vị, số tại ngũ thì nắm được, chứ số về dịa phương chưa liên lạc được nhiều. Anh tính, một trung đoàn, từ tháng 3.1966 đến tháng 4.1975 đã có gần vạn liệt sĩ.
Tôi ngơ ngẩn trước thông báo đó của anh. Một trung đoàn, quân số định biên cỡ 1.200 người, chỉ trong 9 năm chiến đấu, số thương vong đã lên tới gần chục lần biên chế. Bất giác, câu thơ của Nguyễn Đức Mậu cứa vào lòng tôi:
Một sư đoàn ba mươi năm chiến tranh
Máu người lính trải dài trăm dặm đất
Màu áo lính hóa cây rừng tươi tốt
Hàng trăm đợt bổ sung quân để còn nguyên phiên hiệu sư đoàn.
Chén rượu đắng nghét đầu môi. Tôi có cảm giác rượu đặc quá, cao độ quá nuốt không qua nổi yết hầu khô bỏng.
Có tiếng còi xe máy gấp gáp, anh đứng dậy nghển cổ qua phía cửa rồi đi ra, không quên khép cánh cửa màu xanh đen lại để mình tôi trong căn phòng kín.
Lần từng trang cuốn sổ bìa đỏ, đó là một cuốn Nhật ký - Hồi ký lẫn lộn.
Trang đầu cuốn sổ ghi nắn nót mấy câu thơ:
"Chiều Trường Sơn núi rừng hiu quạnh
Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê nhà
Khói lam chiều giàn mướp lá chen hoa
Con bướm nhỏ mái đình xưa, nhớ quá".
Đây là khổ đầu của bài thơ mà người Mỹ in trên truyền đơn thả xuống vùng rừng núi giải phóng của ta những năm cuối thập kỷ sáu mươi. Tôi đã từng đọc, đã từng xé vụn không biết bao nhiêu những tờ truyền đơn ấy nhưng không làm sao quên được tình cảm da diết chứa đầy sự thật tâm linh của người lính chiến mà bọn Mỹ khoe đó là thơ nhật ký của một chiến binh Bắc Việt bị rơi vào tay chúng. Trang tiếp theo và tiếp nữa là những ngày tháng, những sựu kiện, kỷ niệm cứ chen nhau ngập ngụa trong đám chữ đứng xiên nguệch ngoạc.
Ngày 19.3.1967: Chuyển về C53 Lữ dù đóng trên khu mỏ Crôm thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Ngày 29.5.1967: Sau hơn 2 tháng miệt mài, gian khổ luyện tập, đơn vị chúng tôi vượt thượng nguồn sông Bến Hải vào B5. Tôi được đưa xuống vùng giáp ranh bám địch. Tổ ba người ém trên một ngọn đồi không tên thuộc huyện Do Linh.
Ngày 25.7.1967 Toàn Trung đoàn vào "Kiềng". Tổ trinh sát của tôi đi rải truyền đơn từ Cồn Tiên đến cao điểm 69. Trên cao điểm này là trận địa pháo binh của Mỹ. Ở cống Trung An, tôi phát hiện hai tăng M41 nổ máy, bật đèn pha nghi binh gác cống. Có lẽ tụi Mỹ sợ chết đã mò về Cồn Tiên ngủ qua đêm. Tôi lần mò mở được nắp xe chui vào, cài mìn định giờ phá xe rồi rút êm không quên tha hai va li chiến lợi phẩm.
Ngày 2.8.1967: Thằng Việt người Chợ Cày (Thạch Hà) bạn nhập ngũ cùng ngày với tôi trên đường về nắm địch ở Cam Chính, Cam Nghĩa, đụng bào an hy sinh.
Ngày 10.9.1967: Dẫn trinh sát pháo binh tiếp cận sân bay Đông Hà hiệu chỉnh cho pháo bờ Bắc bắn phá sân bay và một số điểm trong thị xã.
Ngày 15.9.1967: Mấy hôm nay toán chúng tôi được điều về khu vực Trung An, Hồ Khê, Ba Nghén bám địch, nghi binh, nhữ chúng vào kiềng phục kích của trung đoàn. Công việc là ngày ngày bắn cá, ném mìn trên suối Cù Đinh. Tại một khe suối cận ngã ba Cù Đinh, tôi thấy cơ man là đầu lâu và xương Mỹ trắng hếu lòng suối cạn. Nghe kể rằng: năm xưa một trung đoàn Mỹ hành quân qua đây, giữa nắng trưa, chúng đưa nhau xuống ẩn dọc hai bờ suối đá. Quân ta phát hiện, dùng cối 82 tập kích vào đội hình, xác Mỹ chồng chất. Trực thăng của chúng đến thả quân, đặt máy xẻ gỗ dọn bãi đổ bộ để lấy xác nhưng bị bộ đội ta bắn cháy bốn máy bay buộc chúng phải bỏ cuộc, xác lính Mỹ thối rửa một vùng rừng núi. Trận lũ tháng 8.1966 làm nước suối Cù Đinh chảy tràn khắp vùng, bộ đội ta ăn phải thứ nước tử này bị đau bụng đi kiết khiến nhiều đơn vị phải rút ra Bắc điều trị. Mấy anh em trụ ở đây, giữa đám xương xẩu đầu lâu này, trong tầm đạn pháo và B52 của địch.
Ngày… (chữ số bị nhòe mờ): Đêm qua K10 đặc công đánh căn cứ Mỹ Chánh, súng nổ râm ran cả đêm. Sáng, tôi cùng Tòng, Hường lên đài quan sát làm nhiệm vụ. Hai trực thăng - một "gáo", một "rọ" - lượn vòng rồi một chiếc đáp xuống ngã tư đường chiến lược từ làng Trầm đi căn cứ mộ ông Chưởng. Chiếc còn lại lượn tròn bảo vệ trên đầu. Tôi thấy rõ hai thằng Mỹ ra khỏi máy bay, tụt xuống mặt đường lần tìm theo dấu chân bộ đội in lại trên đường. Chắc chúng tìm xem lực lượng đánh Mỹ Chánh rút hướng nào để cho pháo và máy bay đánh chặn. Khi hai tên Mỹ vừa chui vào máy bay, một loạt AK từ đâu gần đó nổ rất giòn. Chiếc "cán rọ" bốc lên không, loạng choạng rồi đâm thẳng xuống cận đài quan sát. Địch bắn pháo dữ dội, khoảng nửa tiếng sau, pháo dứt, tôi và Hường để Tòng cảnh giới, chạy xuống khu vực máy bay đổ tìm xem người bắn máy bay là ai, còn sống hay không, chỉ thấy một soong quân dụng với tám vắt cơm nắm. Điện báo về trung đoàn"
Bên lề những dòng chữ này, nét mực bút bi màu xanh đậm có vẻ hơi mới hơn, chắc là người viết ghi bổ sung sau này:
"Mấy ngày sau, qua đài chỉ huy, chúng tôi được biết người bắn cái "cán rọ" đó là Nguyễn Chi Phi, nuôi quân của K10, quê Vĩnh Linh. Hôm ấy, Phi đưa cơm cho tiểu đoàn đánh Mỹ Chánh. Còn lại tám nắm cơm của các chiến sĩ hy sinh, anh ngậm ngùi mang về hậu cứ. Thằng "cán rọ" vô phúc nghễu nghện đổ xuống trước mũi súng của anh, khoảng cách rất gần nhưng vì những gốc câyche khuất mà tụi Mỹ không phát hiện ra anh.
Tôi chợt nhớ cách đây vài tháng, khi về viếng mẹ nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, anh Hữu Quý, ở tạp chí Văn nghệ Quân đội có nói với tôi là anh sẽ về Quảng Trị để viết một cái gì đó về đôi vợ chồng mà cả hai là Anh hùng Quân đội. Người chồng có tên là Nguyễn Chí Phi hiện đang sống rất bình dị ở thị xã Đông Hà. Có lẽ anh Phi là nhân vật trong cuốn Nhật ký này đây.
Anh Chớ vào từ lúc nào tôi không biết nữa. Thấy tôi lật đi lật lại đoạn Nhật ký trên, anh bảo:
- Cuốn sổ này tôi chép lại bản gốc đã bị mờ nhòe từ những tháng năm điều trị vết thương, chiến tranh thật là khủng khiếp. Có nhiều chuyện mà mình không dám ghi lên giấy, chẳng dám kể bằng lời cho thân nhân, bạn bè mình biết vì sợ làm họ đau đớn. Như trường hợp cậu nuôi ở Kim Lộc, Can Lộc, lính trinh sát của Trung đoàn tôi. Nuôi cùng anh Cảnh và một trinh sát "đào lộ" của tỉnh đội Quảng Trị bị lọt vào trận địa phục kích của địch trên đoạn đường Mỹ Chánh đi mộ ông Chưởng. Sau khi bắn chết các anh, bọn Mỹ chặt đầu và chân tay ba người chất thành một đống giữa ngã tư rồi cài mìn dưới xác ba liệt sĩ tổ chức phục kích săn quân ta đến lấy xác. Toán trinh sát đài 105 chúng tôi đã dẫn một bộ phận thanh niên xung phong Quảng Trị do chị Huệ Tiểu đoàn trưởng dẫn đầu bí mật tiếp cận, vô hiệu hóa mìn, đưa được tử sĩ về hậu cứ chôn cất.
Anh trầm ngâm:
- Đồng đội và đồng bào Trị Thiên đã cướp được tôi từ tay thần chết anh ạ. Từ giáp ranh Trị Thiên, tôi được chuyển lên thượng nguồn sông A-cho, anh em chuyển thương đi trong mưa lũ, trong tầm đạn pháo, dưới con mắt rình mò của lũ trực thăng và mũi súng phục kích của bộ binh Mỹ. Có đoạn dốc núi trơn nhiều, phải dùng dây buộc vào cáng để vừa kéo vừa giữ cho cáng khỏi rơi, máu mất nhiều, cơn khát dày vò tôi nhất là những khi họ khiêng qua suối. Anh em phải để bốn năm người đè chặt chân tay vì tôi cứ vùng xuống nước. Ở trạm phẫu 19, bác sĩ Cẩn - nay là Viện trưởng Quân y Viện 4 - cắt chỉ cho tôi nhưng vết mổ không liền miệng nên bị bục, ruột lại trào ra ngoài, anh Cẩn phải gây tê để phẫu lại. Hồi ấy thuốc hiếm lắm, cả trạm phẫu chỉ có hai chai máu khô đã chuyền cho tôi một chai, khi đến thăm tôi anh Minh Long thấy tôi quá yếu đã yêu cầu chuyền nốt cho tôi chai còn lại. Từ 65 kg khi rời đất Bắc, đến lúc được võng ra đến Cự Nẫm tôi còn 30 kg. Cũng vì chỉ còn xương với da nên tôi được võng giao liên chuyển nhanh hơn người khác.
Qua câu chuyện, tôi được biết sau khi điều trị vết thương, anh bình phục một phần sức khỏe, và được chuyển về tỉnh đội, đi học trường Đoàn, phụ trách TNXP, cán bộ huấn luyện của huyện đội. Rồi với tỷ lệ thương tật 70%, anh về địa phương làm nghề sửa xe đạp, và như nhiều người ở vùng cát khô nghèo khó này, anh mày mò đi tập làm thầu khoán, cái nghề một ăn một thua, may đấy, ruie đấy, đầy rẫy gian truân mà dễ dàng bóp méo bản chất con người.
Tôi hỏi anh:
- Từ anh thầu khoán, chuyển sang kinh doanh nhà khách, anh không sợ thua ư?
- Tính nát cả đầu rồi anh. Cả nhà tôi xuất thân từ nông dân. Tôi lớn lên từ cái cày cây súng. Trước dây có biết thầu thiếc gì. Bữa thua bữa được rồi cũng quen dần. Ngày còn bao cấp, nghề thầu xây dựng còn dễ kiếm ăn, chỉ cần được việc làm, có người đỡ đầu cho là sống. Bây giờ khó khăn lắm, vốn bỏ ra thi công chạy chọt thì vay ngang giật dọc để mong làm cho đúng hợp đồng. Công trình xong rồi, coa A không có khả năng thanh toán cứ cù nhầy hàng quý hàng năm. Lãi vay mình chịu còn nợ công trình thì họ "vô tư". Hầu hết cánh cu khoán chết là ở chổ đó. Mấy anh em thương binh chúng tôi gom sức lại mở cái nhà khách này, thú thực với anh là nhờ nhanh nhảu mà đon sai cửa. Nghe long trời lở đất về việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nghe bao nhiêu dự án phát triển vành đai dân cư, kinh tế, môi trường của thành phố công nghệp gang thép. Cứ tưởng là bùng nổ khách khứa, bùng nổ du lịch, bùng nôe kinh tế đến nơi rồi. Lại nữa, ngoài kế mưu sinh, chúng tôi còn một kỳ vọng nữa là từ đây, liên lạc, tìm kiếm được anh đồng đội ngày xưa.
Anh đưa tôi tờ thông báo mời họp mặt của Ban liên lạc trung đoàn nhờ tôi thông báo trên tờ báo tỉnh. Tờ thông báo thay giấy mời do trung tướng Minh Long, Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu ký có nhắc đến gia đình các liệt sĩ tiêu biểu của trung đoàn như trung đoàn trưởng Tống Sĩ Ngùy quê ở Quảng Bình hy sinh năm 1968 ở Phong Điền, trung đoàn trưởng Cao Đa quê Hà Nội, hy sinh 1968 tại dốc Hà Đồng, liệt sĩ Phan Văn Tại, tham mưu phó trung đoàn…
Cùng với chiến công, sự trưởng thành của một binh chủng, của đơn vị là sự hy sinh cống hiến vô bờ bến của người lính, từ chỉ huy cao nhất cho đến chiến sĩ nuôi quân. Tôi liên tưởng đến những nghĩa trang trắng lạnh bạt ngàn ở Trường Sơn, ở đường 9 và ven bờ quốc lộ 1A từ cầu Hiền Lương vào tận thành phố Huế, với cơ man là ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Kinh nghiệm chiến tranh cho tôi thấy ở đâu quân chủ lưch hoạt động nhiều là ở đó lắm mộ liệt sĩ vô danh. Những người lính có tên tuổi trước khi vào trận, hầu hết để lại quân tư trang ở hậu cứ, "không một dòng địa chỉ" nhắn tin. Lại nữa, lính trinh sát, đặc công, với những nhiệm vụ mũi nhọn đột kích đột phá chết người, hầu hết anh em chỉ lưng trần, quần cộc cho dễ bề cải hóa nghi trang. Nếu trận đánh không thành, nếu không làm chủ được trận địa, nếu bị oanh kích không còn nguyên vẹn thì có một tên chung là "Liệt sĩ Vô danh". Và cho tới bây giờ, khi tôi viết về những thương binh nặng lòng với đồng đội này, cuộc chiến trên quê hương đã đi qua ngót một phần tư thế kỷ. Non một vạn ngày qua có biết bao người đi đào bới, tìm kiếm tung tích người thân và có bao người thân yêu của những chàng trai vô danh kia từ giã cói đời mà không đành nhắm mắt vì nắm hài cốt thân nhân mình còn lưu lạc mơi sâu thẳm mịt mù.
Như biết tâm trạng của tôi, anh Chớ an ủi:
- Mà cứ gì người đã mất đâu anh. Kể cả những người có thể còn sống đâu đó quanh ta mà mỏi mắt tìm chưa thấy. Anh kể: Mậu Thân 1968 sau khi đánh thành cổ Quảng Trị, Trung đoàn anh rút về đánh càn ở Hải Vĩnh, Hải Lăng. Chớ và Luận, trinh sát trung đoàn bị thương nặng được chuyển qua Thừa Thiên nằm hầm bí mật tại chợ Đại Lộc xã Phong Phú thuộc Phong Điền. Cả hai được gia đình bác Tảo, bác Ngỏi cùng o Lựu, o Nữ là cán bộ chăm sóc tận tình. Mấy ngày sau địch càn vào xóm và đóng quân trên nóc hầm bí mật, chúng tôi đào công sự đến bật cả lỗ thông hơi của hầm. Lúc này trong hầm còn có hai thương binh của D5 là đồng chí Quy và đồng chí Thu. Sáng hôm sau, bọn địch nhổ trại càn vào xã, Chớ và Luận được o Lựu, o Nữ dìu đưa ra hầm bí mật dự bị ven biển, còn hai người kia cùng anh Xuân xã đội trưởng nằm lại hầm cũ. Chiều đó địch phát hiện ra các anh, chúng tra tấn rồi bắn chết anh Xuân tại chỗ. Anh Quy, anh Thu bị chúng bắt đi mất. Từ đó đến nay tôi chưa được tin tức gì về những người này mặc dù đã nhiều lần tôi viết thư vào địa phương cũ và nhắn tìm đồng đội trên báo, trên đài. Anh khoe với tôi: sau cuộc gặp gỡ đồng đội vào dịp 27.7 này, các anh sẽ thực hiện bằng được chuyến đi về lại chiến trường xưa, chuyến đi anh hằng ấp ủ.
B.Q.T