Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ba bà cháu và trận càn năm ấy

   

“Người mẹ miền Nam kiên cường anh dũng, chỉ có tay không mà chiến thắng kẻ thù”

(Người mẹ miền Nam tay không thắng Mỹ - nhạc và lời Thuận Yến)

Sau trận Mậu Thân đầu năm 1968, Mỹ - nguỵ như hoàn hồn phản công ta quyết liệt. Chúng liên tục mở những cuộc càn quét vào vùng nông thôn giải phóng của ta với mưu đồ “tìm diệt và bình định”. Kèm theo những cuộc càn quét là mật độ bom pháo gia tăng. Ban đêm máy bay phản lực cánh dơi B57 thả bom tọa độ mỗi quả hàng trăm ký, hố bom sâu như cái đìa. Nguy hiểm là sự bất ngờ: bom nổ rồi mới nghe tiếng máy bay, xong nó bay luôn không quần thảo. Bà con ta hay gọi nó là “bom trộm” hay “bom trộn” cũng đúng vì công phá của nó làm đất đá như bị trộn lên. Dọc các triền sông, máy bay Da-co-ta C47 thả pháo sáng, bắn hàng loạt đại liên dài, nông dân mình nói nó bắn dai như trâu rống. Còn trực thăng đầu vồ HU thì từng bầy 3 chiếc pha đèn khắp xóm làng bắn đại liên và phóng pháo, đinh lửa túa đỏ trời.

Làng quê yên bình được vun đắp tạo dựng sau ngày Đồng Khởi 1960 bỗng dưng xao xác, khói lửa ngút trời.

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, mẹ tôi nhận nhiệm vụ về công tác ở Tỉnh đội Cần Thơ - nơi có lộ Vòng Cung mà nhà thơ Lâm Thao đã viết: “Đạn chen đầu đạn, bom chồng hố bom”.

Mẹ tôi sinh tôi ra ở làng quê Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Tôi chưa tròn thôi nôi là bà đi công tác biền biệt, tôi ở lại với bà con cô bác, có đường mía pha nước cơm uống thay sữa là quý lắm rồi. Nhưng mươi bữa nửa tháng rồi mẹ cũng về. Còn lần này mẹ ra đi lên vùng khói lửa mà không hẹn ngày trở lại. Như bao cuộc chia tay khác thôi: Ngày sum họp là ngày hoà bình. Mẹ tôi gởi tôi lại cho bà con cô bác như ngày nào bà từng gởi tôi vậy để chờ ngày cho tôi nhập học trường Lý Tự Trọng của Khu Tây Nam Bộ.

Trước ngày mẹ ra đi, mẹ con tôi ở nhờ nhà một người quen thuộc ấp Tân Đức, xã Tân Thuận, mà sau này tôi gọi ông bà chủ nhà bằng ông bà ngoại. Tình cờ lúc đó có cuộc họp của Hội Phụ nữ huyện Tư Kháng, tức huyện Ngọc Hiển thời đó, nay là huyện Đầm Dơi. Thấy mẹ tôi băn khoăn không yên lòng trước lúc đi xa, dì Tám Tánh - tức đồng chí Ngô Thị Sớm, Thường vụ Huyện ủy, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện (sau này là Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Minh Hải, tiền thân của Cà Mau, Bạc Liêu ngày nay) ôm chầm mẹ tôi: “Chị yên tâm mà đi, cháu ở lại với tụi em”. Mẹ tôi mừng ra nước mắt. Còn Tám thì bẹo má tôi: “Dượng Tám gặp con thì cưng cho mà coi”. Dượng Tám là đồng chí Lê Văn  Bình, tức Năm Hạnh, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải. Hai ông bà thành hôn khá lâu mà chưa có con do lao vào nhiệm vụ cách biệt chân trời, góc biển.

Mẹ tôi đi. Mấy hôm sau dì Tám đưa tôi về nơi cơ quan phụ nữ huyện đóng. Chủ nhà là dì Tư Chinh, em cô cậu ruột với anh hùng Tô Thị Tẻ (xóm đó còn được gọi là xóm Tô Hồng, tên bí danh của liệt nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Thị Tẻ. Còn xóm trên là xóm Tư Ký, tên bí danh của Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ của Tô Thị Tẻ). Dì Tư Chinh sống độc thân, hai bàn tay dì có tật, mấy ngón tay nhỏ xíu dính liền nhau. Người ta nói có tật có tài. Đôi bàn tay dì Tư thật khéo léo, thêu thùa vá may gì cũng giỏi, nhưng độc đáo vẫn là nghề chằm nón lá. Tôi thường ở nhà với dì Tư và chế Hai Hồng, thư ký hội phụ nữ huyện. Ngày ngày, ngoài việc làm văn thư thì chế câu cá, hái rau, tiếp dì Tư phơi lá cà bắp chằm nón, bán phụ thêm tiền gạo. Lâu lâu dì Tám với dì Mười Lan, hội phó, mới về. Căn nhà lá trở nên ấm áp. Tôi mừng tíu tít lăng xăng. Nhưng với Tám, tôi không giấu được nỗi buồn nhớ mẹ âm ỉ trong lòng.

Tối xuống, Tám giăng mùng soi đèn cầy đốt hết muỗi, rồi nói: “Đêm nay con ngủ dí Tám nghen”. Rồi Tám soạn đồ đạc tôi, cái nào sút chỉ thì may lại, cái nào rách thì mày mò vá cho lành. Lần đó đi công tác về, Tám vò đầu tôi rồi đưa ra cái bao: “Nè Tám “trang bị” cho con cái này để đựng quần áo như mấy chú giải phóng quân rồi sáng mai “hành quân” dí Tám mấy bữa nghen”. Từ đó tôi mới biết cái bao ấy có tên là “cái bồng” và nó gắn bó với tôi cho tới ngày hoà bình ra thành phố. Nó chỉ là cái bao đựng bột mì thôi nhưng đem nhuộm nước trái cau khô cho ngả màu sậm, rồi lấy hai trái mù u khô tấn vào hai gốc dưới đáy làm chỗ chịu lực, cột dây vào làm quai để quảy lên vai, đặt tên cho nó là cái bồng. Ai đi kháng chiến thời đó đều đựng quần áo và đồ dùng cá nhân bằng cái bồng này. Qua sông bỏ cái bồng vô tấm cao su túm lại thành cái phao nổi trên nước mà lội. Chưa bao giờ Tám hỏi tôi con có nhớ ba mẹ không vì biết hỏi vậy tôi càng thêm mủi lòng. Nhưng cách này cách nọ Tám cố ý làm cho tôi vơi đi nỗi nhớ lúc nào như cũng chực trào lên khóe mắt.

Vậy là sáng hôm sau tôi theo Tám “hành quân”. Mọi khi để tôi ngồi mũi xuồng ba lá rồi Tám chèo hết kinh này rạch nọ đến chỗ hội nghị. Còn bữa nay dì cháu cuốc bộ trong cái nắng cuối tháng Tư. Tám đi trước, tôi quảy bồng lẽo đẽo theo sau. Trưa ăn cơm nhà quen, lại đi tiếp. Chạng vạng rồi dì cháu cũng đến nơi. Xóm có tên Lâm Dồ thuộc ấp Tân Bình, xã Bảy Dương - tên kháng chiến của xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi thời đó. Xóm nằm bên bờ kinh nhỏ quanh co heo hút, lác đác mấy ngôi nhà lá bên rặng dừa nước. Sau mùa gặt, đồng khô cỏ cháy, bên những bờ mương bụi lức, bụi mua mọc không quá đầu người. Xóm heo hút nhưng căn nhà này thì đêm nay ấm áp bởi các cô chú về họp gặp nhau mừng rối rít, chào hỏi nhau rộn rã, kể chuyện tiếu lâm cười vui không ngớt.

Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được biết đến như nơi đánh dấu lịch sử cách mạng vẻ vang của nhân dân Cà Mau - Ảnh: IT

Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được biết đến như nơi đánh dấu lịch sử cách mạng vẻ vang của nhân dân Cà Mau - Ảnh: IT

Đêm đó cả chục người trải cao su trên nền đất ngủ, chỉ riêng dì Tám và bà cụ Ba Xiêm (Xã ủy viên, Hội trưởng phụ nữ xã) được chủ nhà nhường cho bộ vạc cau. Tám vừa giăng mùng vừa nói: “Nè, trong mấy anh có anh nào ngủ một mình cho chú lính con này qua đêm với”. Chỉ ông già Tám Ngãi mặc áo ni-lông dầu màu xanh là ngủ một mình, ra miệng: “Tui ngủ một mình nhưng ngủ với thằng nhỏ này sợ nó ngọ nguậy ngủ không được”. Tám lên tiếng liền: “Anh đừng lo. Cha mẹ nó đi bộ đội chủ lực hết rồi, biết sẽ phải gởi nó lại tụi mình nên dạy nó cách ngủ nhờ luôn. Nó ngủ êm như đặc công vô đồn trinh sát vậy. Anh mặc áo ni-lông dầu trở mình sột soạt như gặt lúa thằng nhỏ ngủ không được thì có”. “Trời, bà Tám móc lò tui nữa ta. Thôi nói vậy chớ vô ngủ sớm đi con”, giọng ông âu yếm. Tôi mau mau chui vô nằm khép nép sát mí mùng. Thấy vậy ông Tám choàng tay kéo tôi vô sát người mình, rồi mắng yêu: “Sát vô, muỗi nó đốt cùi chỏ mày thấy cha luôn à con. Ối, ăn nhiều chớ ngủ có bao nhiêu, con ơi”. Thật ấm áp tình cha. Tôi mang lời ông vào giấc ngủ không chỉ của trẻ thơ mà cho tới bây giờ khi đầu hai thứ tóc.

Thời chiến mà, gần 5 giờ sáng là mọi người thức dậy, mùng mền gọn gàng hết. Tám với bà Ba Xiêm nhen lửa nấu cơm, các chú tủa ra hái rau. Tôi xách thùng tôn lẽo đẽo theo anh Ba Thôi, Xã đội trưởng chài cá. Anh ba quăng năm sáu chài mà có cả nửa thùng cá sặt, cá rô, cá chốt rồi. Tôi đang loay hoay lấy dây chuối khô buộc vô quai thùng để kéo theo bắt cá thì nghe tiếng con đầm già - máy bay trinh sát L19. Giờ này mà nó xuất hiện là có chuyện không lành đây. Anh Ba Thôi thu chài giũ mạnh mấy cái, vừa cuống chài vừa ngoảnh lại nói gấp với tôi: “Vô nhà cưng ơi”.

Mấy phút sau mọi người đều có mặt trong nhà với tư thế đối phó với một trận càn lớn. Con đầm già đang bay bỗng ngoặt đầu đảo lại. Nó đột ngột hạ thấp rồi xiết những vòng rất hẹp, thấy rõ căn nhà nằm trong tầm nhìn soi mói của con cú sắt này. Mọi người chọn thời cơ nó quay đầu để thoát khỏi căn nhà, tìm cách thoát khỏi vùng có thể là chiến sự trong chốc nữa. Nhưng mọi người chưa di chuyển được bao xa thì con đầm già đã phóng trái pháo màu chỉ điểm rồi. Kế tiếp là tiếng cả bầy trực thăng như sà trên đọt dừa nghe dồn dập rền trời. Pháo róc két, súng đại liên, súng của bọn bộ binh còn ngồi trên trực thăng nả cấp tập xuống cánh đồng trước ít phút nó đổ quân. Từ đó nó hạ cánh liên tục, mỗi lượt 7 chiếc. Lượt cuối cùng nó hạ quân xuống sau căn nhà chúng tôi ngủ hồi hôm. Bà Ba, dì Tám và tôi từng chập vừa núp, vừa chạy nhưng đến một lúc thì không thể di chuyển được nữa vì các loại hoả lực quá dày đặt không khí nóng lên như lửa táp bên mình. Đang núp trong bụi lức, bỗng dì Tám nói gấp: “Có cái hầm”, rồi Tám kéo tôi với bà Ba chui xuống. Cái hầm là cái lu đựng nước, người ta chôn nó xuống để mùa mưa xuống đó tránh bom pháo, không phải ngâm mình trong nước như hầm đất, có thể ngồi dưới hầm qua trận càn mà không bị lạnh cóng. Thường thì bên hầm có sẵn cái nắp bện bằng rơm dày bốn năm tấc, khi cần kéo bít lại cho an toàn hơn, nhưng chỗ hầm này thì không có nắp đó. Vách hầm bể sạt một góc. Tám đùa miểng lu một bên, kéo tôi vào lòng, dành chỗ cho bà Ba đủ ngồi bó gối... 

Hết pháo từ trực thăng phóng xuống đến súng bộ binh mặt đất và sau đó là ô buýt - pháo từ căn cứ quân sự của giặc. Thứ ô buýt này nó bay xé gió nghe rợn người trước khi ghim vào lòng đất nổ tung để lại hố sâu hơn mét và miệng hố cả 2 mét. Qua đợt pháo rung chuyển lòng đất, miểng pháo bay xoèn xoẹt ghim phừng phực vào đất, không khí bỗng im bặt. Bằng kinh nghiệm chiến tranh, Tám nói: “Quân nó bắt đầu càn đó”. Y như rằng, khoảng vài phút sau thôi súng bộ binh lại rộ lên rất gần, tiếng giày đinh nện trên đồng khô thình thịch và tiếng la hét chửi thề inh ỏi: “Đ.mẹ Việt cộng hả? Đứng lại. Đ.mẹ chạy hả. Chạy tao bắn chết mẹ luôn”...

Chúng tôi thu mình co ro trong hầm nóng hầm hập, hồi hộp chờ cái mà nó sẽ đến. Và, mấy họng súng tiểu liên AR15 đã chĩa vào đầu ba chúng tôi: “Đ.mẹ Việt cộng hả. Ồ, đàn bà, con nít hả. Nãy giờ có thấy Việt cộng chạy ngang qua đây? Dẫn tụi tao đi kiếm coi...”.

Với người đã từng lãnh đạo đội quân tóc dài đấu tranh trực diện tận Chi khu Đầm Dơi, bà Ba dạn dày kinh nghiệm đối phó với tụi lính Sư 21 nguỵ này. Bà vò cái khăn rằn cho nhàu nát trùm lên cái đầu tóc mới bị quào cho rối nùi của Tám, mở chai dầu khuynh diệp thường dùng xoa bóp cho đàn bà mới sinh đổ lên khắp người Tám làm nồng nặc căn hầm. Bà biểu tôi cởi áo ra cuộn lại cặp nách rồi trét bụi đất cùng mình. Tới lượt mình, bà bỏ thêm trầu têm vào miệng nhai móm mém, cổ trầu trào ra khoé môi. Kế tới bà phun cổ trầu phèng phẹc tùm lum trong hầm thấy mà gớm.

Tụi nó nắm tóc ba bà cháu tôi lôi lên miệng hầm. Tay để trong cò súng chĩa thẳng vào từng người. Bà Ba giả bộ run cầm cập, tay cầm cục thuốc xỉa răng đẩy trớt ra ngoài môi, miệng mồm đỏ lét tèm lem: “Trời ơi, mấy cậu ơi, con dâu tui mới sanh non ngày non tháng, rủi ro con nó chết, đau rầu sanh bịnh băng huyết phải dìu chạy ra đây nè, mấy cậu ơi. Thằng này con nó, mới 10 tuổi mà khùng khạo làm sao dẫn đường cho mấy cậu. Nói dại chớ nó dẫn đường lỡ nhầm vô ổ ong vò vẽ có nước mà chết”. Bà rên rỉ than khóc não nề. Nghe những lời than vãn của bà Ba, thấy cảnh tình ba bà cháu, tụi lính như mềm lòng, kéo mũi súng xuống đất. Có thằng râu ria xồm xoàm lúc đầu hung tợn bỗng dưng xuống giọng nhẹ sờn: “Thôi ngoại kéo mấy người này xuống hầm đi, coi chừng mấy thằng đằng sau bắn ẩu lạc đạn...”. Rồi cả bọn kéo nhau đi.

Chờ cho bọn lính gần 500 tên lùa nhau đi khỏi thật xa, ba bà cháu nghe ngóng một hồi, dòm trước ngó sau thật kỹ mới lên khỏi hầm đi lần vô xóm. Ruộng vườn vẫn còn khói lửa mịt mù. Hầu hết nhà cửa xóm làng cháy rụi trơ ra mấy hàng cột còn ngún lửa, khói lên nghi ngút như những ngọn nhang khổng lồ chĩa thẳng trời xanh. Ba bà cháu men theo bờ kinh về lại ngôi nhà mình ở ban sáng thì gặp ba mẹ con một gia đình gần đó vừa đến, đang đưa thi thể một người toàn thân loang lổ vết thương xuống xuồng, nức nở khóc than oằn oại. Đến gần thì mới biết ông là chú Năm Bình, Thường vụ Xã ủy (sau này hầu hết các con của chú đều thoát ly theo kháng chiến, trong đó chị Minh làm Giám đốc Sở Y tế và chị Dung làm Giám đốc Sở Tài chính đều của tỉnh Bạc Liêu).

Về đến nền nhà cũ còn nghi ngút khói một chút thì thấy đưa về hai thi thể nữa. Một là chú Út An, Thường vụ Xã ủy, Trưởng công an xã. Hàng chục mũi súng chĩa thẳng ông. Nó kêu ông đầu hàng nhưng ông hiên ngang đứng thẳng người nã hết đạn hai súng trên tay rồi hy sinh. Thi thể người thứ hai là bác Tám Ngãi, người ngủ chung mùng với tôi đêm hôm qua, cũng Thường vụ Xã ủy, nhưng tôi không nhớ ông chức vụ gì. Tôi ràng rụa nước mắt nhớ cánh tay ấm áp kéo tôi vào sát người ông cho đừng bị muỗi chích.

Tối hơn một chút lại thêm hai thi thể cán bộ đêm qua còn rôm rả cũng trong ngôi nhà này. Như vậy Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bảy Dương - Tân Thuận đã hy sinh 5 người chỉ trong 1 trận càn. Sau này nghe Tám nói lại, mình tổ chức họp Xã ủy bất ngờ tụi nó đâu hay mà đánh. Mà nó có hay thì đưa vài chục thằng cũng úp hết mình rồi, chớ có đâu phải dùng bom pháo và cả tiểu đoàn của Trung đoàn 32, Sư 21 như vậy. Hóa ra do mật báo có một số cơ quan đầu não của huyện Chín Nam (tên mật danh của huyện Giá Rai bây giờ) đang đóng chốt ở đây, do bên kia toàn đồng trống khó bám trụ, nên nó muốn “tìm diệt” với quy mô lớn vậy. 

Đến khuya, khi tìm hết các chú hy sinh, tổ chức đưa đi nghĩa trang chôn cất, ba bà cháu mới đốt đuốc lá dừa dò lên xóm trên giữa ấp Tân Bình. Ngoảnh lại phía sau cảnh làng xóm xơ xác điêu tàn, mùi khói bom, thuốc súng tanh nồng nặc. Tiếng khóc than của những gia đình có người vừa chết trong trận càn. Tiếng đóng hòm trong đêm. Tiếng chó tru trong những ngôi nhà vắng chủ. Mưa đầu mùa rả rích... Tới bây giờ cảnh tượng ấy như còn ám ảnh tôi. Thật tình mà nói, tôi sợ điều đó hơn bom đạn, vì dù bom đạn có ác liệt bạo tàn thật nhưng lăn xả với nó riết rồi cũng lờn. Còn những cảnh tượng đó như có tiếng gọi của hồn người đòi rửa hận nên nó sục sôi mà uất nghẹn đến tột cùng. 

Khuya lắm ba bà cháu ghé vào nhà bác Sáu Bột, bác Sáu trai mất trước đó không lâu cũng do máy bay đầm già - L19 phóng pháo. Cả nhà ân cần cơm nước cho ba bà cháu. Mãi đến lúc đó 3 người mới có mấy hột cơm trong bụng. Sáng sớm Tám kêu tôi và bà Ba thức dậy đi về cơ quan. Đi đến giữa trưa, Tám quay lại nói với bà Ba: “Dì Ba dìa trước, tiện đường cho con gởi thằng nhỏ tới nhà Tư Chinh. Con phải đi liền về Huyện ủy để báo cáo tình hình”. Rồi Tám quày quả bước nhanh. Tôi ngồi nghỉ mát một hồi với bà Ba dưới lùm tre. Lúc giờ bà Ba mới thủ thỉ: “Cô Tám thấy vậy chớ tỉnh táo lắm. Hôm qua bà thấy Tám cạy đất nẻ chôn cái thùng đạn đựng đầy tài liệu và cây súng ngắn, chớ không thì nguy to rồi. Nó mà lấy được thứ đó thì bây giờ chắc ba bà cháu mình ở ngoài Cà Mau, chớ nó không kêu bà già này bằng bà ngoại đâu con ơi... Mà thôi, con giữ kín chuyện này nghen”.

* * *

Hơn 50 năm có lẻ, mà mỗi lần nhớ lại tôi cứ ngỡ như mới hôm nào. Có lẽ trong sâu xa hoài vọng thời khói lửa chiến tranh, Tám cũng nghĩ chuyện đó đâu vừa mới xảy ra như tôi vậy. Cho nên nghỉ hưu hơn 20 năm rồi mà lần nào về thăm quê, Tám cũng tranh thủ ghé lại thăm tôi. Dì cháu ngậm ngùi ôn lại chuyện một thời gian nan vất vả mà đầy ắp tình người. Lúc thì Tám vô thẳng nhà, khi thì ghé cơ quan tôi. Lần nào ghé, Tám cũng có quà cho tôi, y như hồi đó Tám mỗi lần đi đâu về là tôi thế nào cũng có vài cục kẹo sữa hay cái bánh quay chèo. Tôi gần về hưu rồi mà với Tám, tôi vẫn là thằng chín mười tuổi lẽo đẽo theo bà như ngày nào vậy. Nhớ có lần lâu lắm rồi, bữa đó bà ghé thăm tôi thật vội vã. Vừa bước vô phòng tôi, Tám nói luôn: “Anh Sáu Phong (tức nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) kêu Tám đưa các nữ pháo binh của Cà Mau lên trển chơi. Đi xong rồi lúc về tụi nó rủ Tám đi Đầm Dơi luôn. Giờ mới về tới đây...”. Đoạn Tám lấy hộp dầu nước xanh Singapore đưa cho tôi: “Tám cho con nè. Còn chai nữa bữa nào về Đầm Dơi cúng lên bàn thờ bà Ba Xiêm. Nghĩ có lỗi, hồi bà mất mình không về được để thắp cho bà nén nhang. Thôi Tám dìa luôn nghen, kẻo trễ xe đò chiều”. Rồi Tám quày quả bước nhanh như cách đây hơn 50 năm trước bà bước nhanh về Huyện ủy cho kịp báo cáo tình hình vậy.

Sông nước Đầm Dơi - Cà Mau - Ảnh: IT

Sông nước Đầm Dơi - Cà Mau - Ảnh: IT

Giờ đôi chân bà yếu, bước lên xuống xe đò thật khó khăn, vậy mà không khi nào bà nhờ con cháu đương chức lo cho xe cộ chi hết. Tôi luống cuống chạy xuống sảnh cố giữ Tám lại để đưa bà về nhà ăn cơm, cố tình làm trễ giờ xe đò đặng nhờ xe cơ quan đưa bà về Bạc Liêu. Nhưng tôi vừa tới cửa cơ quan thì bà đã ngồi trên xe Honda khách rồi. Bà một tay ôm túi xách, một tay níu chặt yên xe như sợ té, ngoảnh lại cười với tôi. Tôi bần thần chỉ biết đứng thừ người nhìn theo bà cho đến khi chiếc xe máy khuất xa. Lòng rưng rức nỗi niềm thương mến.

Anh bạn đồng nghiệp đứng cạnh tôi nãy giờ, băn khoăn hỏi: “Bà cụ ấy là bà con sao với anh vậy?”. Tôi không nhìn lại anh, buông lời như phát ra từ hơi thở: “Mẹ tôi!”...

NGUYỄN KIỀU VÂN KHÁNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 341

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground