Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bàn thêm về Kinh đô kháng chiến Cần Vương

K

inh đô kháng chiến Cần Vương mà tôi nhắc tới đây là kinh đô Tân Sở, thuộc vùng Cùa, Cam Lộ. Đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng di tích Quốc gia vì tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó, song nếu xếp chỉ để mà xếp thôi thì chưa đủ. Ba mươi lăm năm qua, tôi có dịp theo dõi, đọc hàng chồng báo cáo khoa học từ vùng miền, quốc gia về kinh đô kháng chiến này nhưng có đến Tân Sở một lần mới thấy nổ lực của các học giả xưa nay cũng chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết. Lý thuyết sôi động bao nhiêu thì hiện trạng kinh đô kháng chiến  Cần Vương này trầm mặc bấy nhiêu. Tự thân nó đã, đang và sẽ lùi sâu vào quá vãng, vì đã phủ lên đấy lớp bụi mờ thời gian để hoang hoá, phế tích, điêu tàn; thật sự con người đã hoàn toàn bỏ ngõ.

*  *  *

Người ta đã nói quá nhiều, gần như quy kết đến sự hèn nhát cña Triều đình nhà Nguyễn. Không ai phản đối điều này, nhất là khi triều đình nhà Nguyễn đã ký các Hoà ước Giáp Tuất(1874) rồi Quý Mùi(1883) và GiápThân(1884). Trước sự lấn tới ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, năm Quý Mùi(1883), phe chủ chiến đã rất sáng suốt, chủ trương cần phải xây dựng một kinh đô kháng chiến thứ hai nhằm ứng phó với một tình thế bức bách của lịch sử bấy giờ là kinh đô Huế thất thủ phải di đô, và trên thực tế hai năm sau đã dời đô ra Tân Sở. Vùng Cùa bao gồm đất hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, cách huyện lỵ Cam Lộ mười km về phía Tây Nam hiện nay là vị trí được chọn để xây dựng kinh đô kháng chiến. Phía Đông giáp làng Bảng Sơn, Tây Bắc giáp thôn Phường Yên và Đông Nam giáp làng Mai Đàn.

Tân Sở nằm trên một quả đồi thấp, lọt vào vị trí trung tâm của vùng Cùa. Và đứng ở thành nội, Tân Sở cũng là trung tâm của đường vòng cung. Theo đường chim bay, con đường vòng cung ấy từ phía Nam có đôộng Voi Mẹp, ngọn núi cao đến 1.701 mét. Tây Nam có đôộng 303, đôộng Nam, Tây Bắc có đồi 241. Đông Bắc có đèo Cùa án ngữ và chính Bắc có đôộng Chóp Bụt. Bốn bề che chắn bởi núi đồi, tự nó đã là thành luỹ tự nhiên rồi.Song, khi lần theo sử cũ triều Nguyễn, thì Tân Sở có một vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu để triều Nguyễn tập trung trí lực vào kiến thiết dự phòng một kinh đô kháng chiến mẫu mực. Từ đầu niên hiệu Gia Long (1802), bản thân Cam Lộ đã trở thành Đạo, đứng đầu có quản đạo, giúp việc cho quản đạo có hiệp thủ. Đại Nam thực lục cho biết, tháng 11 năm Gia Long thứ 7(1808) lấy Tri bạ Nguyễn Văn Ngôn làm hiệp thủ đạo Cam Lộ. Cùng thời điểm này triều đình Huế cũng đặt chức hiệp thủ Cửa Eo, tức cửa Thuận An sau này. So sánh như thế  để thấy rõ tầm quan trọng về mặt quốc phòng của mảnh đất Cam Lộ. Hẳn nhiên một nhiệm vụ khác  không kém phần quan trọng ở mảnh đất này là khai hoang lập ấp theo chính sách đồn điền đã có từ thời các chúa Nguyễn. Năm 1867 triều đình Huế thiết lập Nha Sơn Phòng Quảng Trị. Trước ấy, khoảng đầu những thập niên 50 của thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Tường, người làng An Cư, Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị đã giữ chức Tri huyện Thành Hoá tức Cam Lộ ngày nay. Năm 1867 ông Tường lại được Triều đình Huế giao làm chức Bang biện Cam Lộ rồi Khâm sai kinh lý Cam Lộ. Bang biện là lưu quan, chức quan do nhà nước cử đến; nhà vua cử đến để làm hai nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng và ngoại giao, và theo phiên chế Nhà nước, cơ sở cấp Nha thuộc quyền quản nhiệm của Trung ương. Sơn phòng Quảng Trị lập trước các Sơn phòng Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Điều ấy cũng nói lên cái tầm và vẫn theo sách Đại Nam Nhất thống chí, nguyên Khâm sai kinh lý Cam Lộ là Nguyễn Văn Tường xin đặt Nha kinh lý ở Đôộng Mão. Năm Tự Đức thứ 29 (1876) mới cải thành Sơn phòng Nha quản hạt phủ Cam Lộ gồm hai huyện Thành Hoá nay là Cam Lộ và Hướng Hoá. Sách Đại Nam thực lục, đệ ngũ kỷ, quyển 11, nói rõ một chi tiết rất đáng được lưu ý về kinh đô kháng chiến Tân Sở: "Di chuyển Nha đóng ở Sơn phòng Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho kinh đô (bấy gìơ là tháng 12 năm Quý Mùi 1883). Chuẩn cho quan Sơn phòng này xem xét lại tường tận, tăng thêm kinh lý. Quan nối theo coi Sơn phòng này cho rằng địa thế ở đây chật hẹp, đã khảo sát được nơi liền với chỗ đất cũ này là ở trên địa phận xã Bảng Sơn...". Vua đã chuẩn y lời tâu của vị đại thần. Thế thì đã thấy rõ vai trò của ông Nguyễn Văn Tường trong việc chọn địa cuộc của kinh đô kháng chiến Cần Vương.

Không ai khác, Nguyễn Văn Tường - Vị quan phụ chính đầu triều là người trực tiếp chỉ đạo việc thi công, xây thành Tân Sở. Hàng vạn dân phu và binh lính được điều động đến ngày đêm xây dựng thành luỹ. Tốc độ xây dựng ngày càng ráo riết, khẩn trương hơn, phải kể từ sau khi Pháp chiếm cửa Thuận An (tháng 8-1883). Người dân vùng Cùa đóng góp  nhiều công nhất trong việc đào hào, đắp luỹ. Thứ đến nhân dân các miệt đồng bằng Quảng Trị vận chuyển vật liệu, gạch ngói, gỗ tre lên xây dựng. Dân đinh mỗi người góp 4 gốc tre la ngà hoặc các loại tre già khác có ở địa phương. La ngà, lồ ô, là những thứ tre có thân to bền chắc, nhiều gai, trồng thành luỹ để làm chướng ngại vật. Chỉ mỗi một câu ca dao thôi cũng đã thấy quy mô cái việc vác tre có một không hai này trong lịch sử: Ăn cơm nhà vác tre la ngà cho quan, là vác tre lên xây dựng căn cứ Cần Vương Tân Sở - một công trường lao động không ngớt của hàng vạn dân đinh vận chuyển, tích lương thảo khí giới đến từ mọi miền Tổ quốc. Lúa gạo được vận chuyển tới từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng mà nhiều nhất vùng Hà Nam Ninh chở vào qua cảng Cửa Việt. Vũ khí đạn dược, thần công, đại bác vận chuyển từ Huế ra mấy tháng trời mới xong. Súng lớn được vận chuyển vào Tân Sở  đi từ làng Mộc Đức đến làng Mai Lộc, thuyền bè có thể ngược dòng Khe Núc.Chỉ riêng vàng bạc nén, phe chủ chiến định đưa ra Tân Sở một triệu lượng, mới chuyển ra được ba trăm ngàn lượng, chiếm một phần ba kho phủ nội vụ thì công cuộc kháng chiến cũng đã đến ngày bùng nổ.

Tính từ năm 1883 đến đầu 1885 - trong vòng chưa đầy ba năm bí mật và khẩn trương, kinh đô kháng chiến Cần Vương Tân Sở căn bản đã được hoàn tất. Đến Tân Sở bây giờ dấu tích chỉ còn lại từng khóm tre, chính xác hơn là những khoảng đứt đoạn của luỹ tre ngày trước. Bên ngoài thành còn lưu lại được vài tên gọi dấu yêu như: Nương nhà súng, nương tàu ngựa, nương tàu voi trên cửa miệng người dân địa phương chứ nương thì đã là rẫy ruộng khô hoa màu, không còn tìm đâu ra dấu vết. Tương tự thành trong còn có dấu tích cột cờ, nền súng, giếng nước, kho lương, nhiều đầu đạn súng thần công và gạch ngói vỡ vụn bên cạnh những ụ đất và lau lách. Đứng trên địa cuộc gần như hoang phế ấy thật khó mà xác định được chính xác quy mô của thành quách, khó mà thống nhất được về mặt trắc đạc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có thể dẫn ra đây nhiều cứ liệu để hình dung quy mô to lớn của thành Tân Sở: Theo Pirey, một sử gia người Pháp thì cho rằng thành có dạng hình hình vuông, cạnh 780 mét với hai vòng thµnh bao bọc xung quanh. Vòng thành ngoài được tạo nên bằng những cọc gỗ và những bụi tre với hào rộng. Vòng thành trong bằng đất, mỗi cạnh 420 mét (1). Lm. A.Delvaux thì lại cho rằng thành hình chữ nhật. Dài 500 mét, rộng 350 mét. Bốn cửa chính giữa bốn mặt tường thành. Cửa tiền, cửa hậu có mặt tường chiều rộng và cửa tả, cửa hữu ở mặt tường chiều dài (2). Phan Khoang trong "Việt Nam Pháp thuộc sử" lại mô tả thành Tân Sở có ba lớp thành đất đều trồng tre làm rào, mỗi bên đều để những quảng trống làm cửa gọi là cửa tiền, hậu, tả, hữu và ngọ môn. Choán từ hai đến ba mẫu ta, hình chữ nhật, bề dài 548 mét, ngang 100 mét (3). Gần đây, PGS. TS Đỗ Bang, người đã dày công nghiên cứu kinh thành Tân Sở lại tuyên bố: "Tân Sở chiếm một diện tích 23 ha (lớn hơn diện tích thành cổ Quảng Trị 18,56 ha). Bề dài 548 mét, bề ngang 418 mét. Xung quanh có ba lớp thành đất, phía ngoài trồng tre, gai làm rào. khoảng cách mỗi hàng tre chừng 45 mét, phía trong đào thành hào sâu, rộng chừng mười mét. Trong thành có nhiều trại lính, kho lương thực và kho chứa vũ khí, có cột cờ, nhiều nền súng và giếng nước. Ngoài thành cũng xây dựng nhiều thành luỹ chiến đấu với nhiều kho súng đạn, các bãi tập, bãi chiến đấu của voi, ngựa. Hệ thống thành luỹ, dinh trại này làm thành vật cản có chiều sâu nhằm bảo vệ cho thành nội bên trong. Thành nội ở trung tâm của Tân Sở được xây dựng bằng gạch, chiều dài 165 mét, chiều ngang 100 mét, bên trong là hành cung nơi vua ở và làm việc..." (4). Còn có thể dẫn ra thêm nhiều nguồn sử liệu khác nữa. Ví như khi đoàn xa giá vua Hàm Nghi ra Tuyên Hoá thì các đội quân Văn Thân ở Quảng Trị trong nhiều tuần lễ liền đã kéo đến đây vận chuyển, phân tán đi nhiều loại vũ khí như đại bác nhỏ, đạn dược và lương thực nhằm tăng cường hoả lực chiến đấu, nhưng về căn bản vẫn còn nguyên vẹn trong vòng ba tháng sau. Ngày 25.10.1885, quân đội Pháp mới hành binh tới đây và để trả thù chúng mới ra tay triệt phá, Tân Sở dìm trong biển lửa. Đại uý Pitít, người chỉ huy quân đội Pháp đã tìm thấy và cho nổ  kho thuốc  súng , lớn  đến  độ  mười  năm sau, A.Delvaux, Lm. ở nhà thờ Phước Tuyền, Cam Lộ đến còn thấy miệng hố rất sâu và rộng. Cũng A. Delvaux kể lại rằng: 21 năm sau ngày chính biến ( tháng 7.1906) khi lần đầu tiên lên thăm Tân Sở, ông ta có gặp ông đội Lượng ở làng Bảng Sơn, nhà ông Đội Lượng là nơi vua Hàm Nghi đã trú lại 13 ngày. Cũng theo ông ta "Lúc bấy giờ, các bức thành trong, ngoài thành của đồn Tân Sở hãy còn nguyên vẹn" và ông còn cho biết: "Đến năm 1926-1927, các bức tường thành này mới bị san bằng từng đoạn. Trong hai năm 1939 và 1940, các bờ tre giữa các lớp thành lại bị chặt đi. Mất hết các bờ tre này các điểm chuẩn để nhận ra đồn Tân Sở cũng mất hết..." (5). Thật là đáng tiếc và thiệt thòi cho kinh đô kháng chiến Tân Sở. Chúng ta phải mất 70 năm ròng rã mới đuổi được thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi  và 20 năm sau mới thống nhất được sơn hà. Hơn một thế kỷ sau, chúng ta mới có điều kiện để tâm tới Tân Sở thì đã quá muộn.Chưa kể trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người Mỹ cũng đã san ủi vùng Cùa, trong đó có di tích Tân Sở.

Chúng ta đều biết, sau chính biến đêm 22 rạng ngày 23 tháng Năm năm Ất Dậu tại kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết mới phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị rồi lên chiến khu Tân Sở, đúng vào ngày 5.7.1885. Sách Đại Nam thựclục, tập 36 ghi rõ ngày 9.7.1885, tức phải mất bốn ngày sau xa giá vua Hàm Nghi mới đến được Tân Sở.Và cũng bốn ngày sau, ngày 13.7.1885 tại kinh đô kháng chiến này xảy ra một sự kiện trọng đại là vua Hàm Nghi ban bố hịch Cần Vương kêu gọi đồng bào và sĩ phu cả nước ra giúp vua cứu nước trước hoạ ngoại xâm của thực dân Pháp. Chỉ một tuần lễ sau sự kiện lịch sử này, những bí mật của Tân Sở gần như đã bị thực dân Pháp biết rõ, đoàn tuỳ tùng của vua Hàm Nghi buộc phải rời Cùa. Xuất phát từ Cùa, có hai con đường thượng đạo. Một chạy xuống Tân Tường- Cam Lộ rồi ra Bến Quan- Vĩnh Linh. Trên thực tế, vào ngày 18.7.1885, đoàn tuỳ tùng của Vua Hàm Nghi đã rời Cùa xuống Cam Lộ rồi đi miền Tây Gio Linh với ý định sẽ ra đồn sơn phòng Quảng Bình. Dọc đường đoàn nghỉ lại ở Cồn Tiên rồi Lai Cách. Nhưng có tin đưa về, Pháp đã chiếm thành Đồng Hới ngày 19.7.1885 để bịt đường tiến của xa giá. Sáng ngày 21.7 đoàn từ Lai Cách quay trở lại Tân Sở... Con đường thượng đạo thứ hai cũng từ Cùa ra vùng Đầu Mầu - Tân Lâm rồi ngược lên Khe Sanh - Lao Bảo theo nguồn sông Hiếu-Thạch Hãn để men theo chân dãy Trường Sơn ra Quảng Bình Hà Tĩnh. Trên thực tế ngày 26.7.1885 Tôn Thất Thuyết rước Vua Hàm Nghi từ Tân Sở qua Mai Lãnh. Mai Lãnh đây là tên gọi vùng rừng núi Tân Lâm - Đầu Mầu, nơi gặp sông Đakrông hiện nay của đường Chín. Từ đây luồn rừng lên Khe Sanh, Hướng Hoá và ra Bắc mới là gian nan, vất vả. Mọi nẻo đường rừng, tôi biết không dành một ngoại lệ nào cho các bậc vua chúa. Thế mới thương Hàm Nghi, vị vua mới có 14 tuổi đời, chuỗi ngày ngự trị trên ngai vàng trèm trẹm năm. Bỏ lại sau lưng kinh thành Huế mịt mù khói lửa cùng hàng ngàn xác chết của binh lính và thường dân, bây giờ đối mặt với thú rừng, bò mộng, cọp dữ. Sáng sớm chưa tỏ mặt người đã lên đường, tối mịt mới được nghỉ đêm. Chỉ sốt rét rừng thôi cũng đã quật ngã bao nhiêu binh sĩ, thân xác gửi lại nơi đèo heo hút gió. Giặc Pháp chưa phóng mũi lao hành binh nào lên miền cực Tây Quảng Trị nhưng trong đoàn tuỳ tùng đã có người bỏ trốn, đâm những vệt đao vào tâm tưởng của vị vua còn non nớt. Và chính ở lộ trình này, đoàn đã đụng đậu với địch ở Khe Vấn, cây số 30 đường Chín bây giờ. Cuộc tao ngộ chiến bất ngờ, gây nhiều khiếp sợ đến nổi nhiều kẻ đã bỏ ngự đoàn, tháo chạy thoát thân. Từ đây đoàn đã  phải dựa vào đồng bào Tà Ôi, Vân Kiều để tiến lên miền Tây. A Xóc, A Chuẩn, Tà Hác, đôộng Voi Mẹp, núi Trống, khe Thác Trịch, hang đôộng Tù Moái là những nơi vua Hàm Nghi đã đặt chân đến. Có lẽ đây là quảng đường mà ông vua kháng chiến Hàm Nghi gắn bó keo sơn với người dân miền Tây Quảng Trị. Thì chuyện ở bản Xê Pu, xã Hướng Phùng hiện nay đó thôi trong thời gian lưu lại ở bản làng này, ông già Ru Xin chăm sóc từ giặt giũ đến nấu ăn và mọi sinh hoạt đời thường khác cho vua Hàm Nghi như một đứa con. Khi đoàn lên đường, già Ru Xin cõng nhà vua trẻ qua đoạn đường dài từ Lèn Rõi đến Sen Bụt. Trong cuộc hành trình gần như kiệt sức, nhà vua đã không quên tạ ơn, tặng già Ru Xin và dân làng những kỉ vật, trong ấy có chiếc áo dài đen lót lụa đỏ, thêu kim tuyến hình con rồng năm móng. Ông Ru Xin đã giữ gìn, cất giấu, nâng niu kỉ vật này rất lâu và còn lưu giữ lại cho đời con đời cháu. Nhưng cũng thật đáng tiếc, kỷ vật này hiện nay cũng đã thất lạc.Đoàn quân chân đất ấy còn chạm trán thêm một lần với binh lính của tuần vũ Quảng Trị ở Bang Câu, điểm giáp biên giới Việt Lào. Tôn Thất Thuyết đã dũng cảm, mưu lược, thoát khỏi vòng vây của binh lính tuần vũ Quảng Trị. Hộ giá vua Hàm Nghi men theo các bản làng Việt - Lào dọc chân dãy Trường Sơn đến đầu tháng 9 năm 1885 mới đến được Sơn phòng Hà Tĩnh. Tôi nói dài dòng như vậy về hai con đường thượng đạo này, phòng khi kinh đô kháng chiến Cần Vương Tân Sở gặp vận hội mới, không còn bị bõ ngõ nữa, nghĩa là được phục chế, thì hãy đừng quên những địa danh, tên đất, tên làng vừa nhắc đến.                          

*  *  *

Trong số 113 vị vua nước Việt kể từ Hùng Vương, Hàm Nghi là người duy nhất có một  chuỗi ngày gắn bó sâu nặng với đất và người Quảng Trị. Vị vua trẻ tuổi ấy đã sớm chịu nhọc nhằn, trèo đèo, leo ải từ bờ sông Ô Lâu, từ Quảng Trị lên Cùa, từ Cùa ra Gio Linh, rồi từ Cùa lên Khe Sanh, Hướng Hoá. Biết bao nhọc nhằn đói khát, vị vua này xứng đáng để ta lập một bảo tàng Hàm Nghi ở Tân Sở Quảng Trị vậy. Công việc ấy vượt ra ngoài tầm tay của chính quyền sở tại là huyện Cam Lộ, đang chờ vào các cơ quan chức năng như Bảo tàng và Di tích. Sẽ rất là hữu ích cho hậu thế, du khách trong việc tham quan du lịch kinh đô kháng chiến từng đã vang bóng một thời.           

Y.T

 

 

 

     

___________

(1) Dẫn theo B.A.V.H Loc.cit. P.235.

(2) Dẫn theo Đỗ Văn Ninh Trong Thành Cổ Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội 1993, Tr, 135 - 136.

(3) Phan Khoang: “Việt Nam Pháp thuộc sử”, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá xuất bản. Sài Gòn 1971, tr 350.

(4) Xem Đỗ Bang, Khu di tích Tân Sở, Tạp chí Văn Hoá Quảng Trị số 4.1994.

(5) Le Camp de Tân Sở của A.Delvaux Trong B.A.V.H số tháng 1-3.1942.

 

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 150 tháng 03/2007

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

20 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground