Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bay theo những cánh diều

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

(thơ Đỗ Trung Quân)

N

ắng đã ươm lên một màu đỏ chói, nghe văng vắng đâu đây tiếng động khẽ của mùa hè bật lên dưới những đóa hoa tulip xứ tuyết.  Ở làng chắc đang vào vụ gặt, gió tháng ba phây phẩy thổi một chút xao xuyến đồng đất quê nhà. Bỗng nhiên, nhớ! Một cánh diều chéo xém qua khoảng trời tuổi thơ tôi.

Ai dăng mắc ngọn gió trời cho chiều trĩu xuống một thảm màu xanh? Ở đó, cánh diều tuổi thơ tôi mười mấy năm cứ phấp phới bay theo từng ngọn khói đồng. Ông nội tôi nhóm lửa đột thứ rơm rạ sau mùa gặt, khói bay lên giỡn đùa với cánh diều trên kia. Chú bé tôi ngày ấy thích thả mình với đồng cỏ quê nhà, nằm vất vưỡng trên cánh đồng làng cũng lũ trẻ chăn bò.

Con nít ở làng có lắm trò để chơi. Người nhà quê thì mùa nào thức nấy, “đáy đĩa đi nhịp hải hà”. Trẻ con cũng vậy, mỗi trò chơi vào một dịp riêng. Diều thường chơi vào mùa hè. Độ này nắng ráo, gió thổi mạnh, đồng đã gặt xong, trẻ con không phải đến trường nên tha hồ mà chạy nhảy.

Miền Trung từ tháng ba tháng tư là đã có gió thổi mạnh, sang tháng năm thì gió thổi thành luồng. Cái gió quê tôi cứ quấn lấy nắng mà hành hạ cong người ta, thế nhưng lũ con nít thì không ngại, ban trưa đứng bóng vẫn có thể cởi trần trùng trục mà chạy đi dong diều. Khi ấy, mẹ tôi đứng ở trước cây vú sữa nhà dên lúa, sảy từng thúng theo gió, đưa mắt nhìn lũ trẻ chúng tôi âu yếm. Không ai dám trách cái gió ở đây mà ngược lại, còn phải cảm ơn ông trời ấy chứ! Gió thay cánh quạt phe phẩy che cha tôi ra đồng gặt lúa. Vào độ chiều, đang nắng cháy da đầu mà có cơn gió thoảng qua thì mát lịm cả người, mát đến độ có người thốt lên “gió thế này thèm gặt quá bà con ơi!”. Và tôi nghe được những tiếng cười giòn tan trong nắng, vỡ ra trên cả khoảnh ruộng mới gặt.

Với lũ con nít chúng tôi, gió là bạn vì nếu không có gió thì mùa hè hết trò để chơi. Ngày ấy, cứ mội bận kết thúc năm học là chúng tôi lại lấy tất cả giấy vở ra mà xé dán. Có mấy đứa cẩn thận mới giữ vở lại vì cha mẹ chúng bảo xé vở đi là sẽ học dốt. Còn tôi, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đó, đứa trẻ làng trên bảy trong tôi chỉ biết cái vui trước mắt. Vậy là buổi sáng cô giáo bảo “hết năm học, được lên lớp trên” là y như hôm đó căng hai càng chân ra mà xé dán. Ngày nhỏ tôi viết chữ xấu nên xé vở đi cũng không tiếc, cha mẹ tôi cũng ít khi hỏi han chuyện này vì bận bịu với công việc đồng áng và chạy chợ. Chính vè thế mà thằng bé tôi tự do “thích gì làm nấy” như cái câu sau này ông nội vẫn dán lên cái đầu tôi mỗi khi ngang ngỗ.

Nhưng giấy làm diều tốt nhất vẫn là ruột trong của bao xi măng, bản vừa to lại dày nên không sợ gió làm rách. Tôi thường lang thang xuống bãi tha ma làng kiếm vỏ bao xi măng, ở quê người ta trọng chữ hiếu nên xây lăng mộ nhiều hơn xây nhà cho người sống. Nhưng mà có phải bao giờ người ta cũng dễ cho mình đâu vì cái thứ giấy đó đem về có thể làm được nhiều việc. Thế mà ban trưa tĩnh lặng, tôi lò mò xuống cồn, cánh thợ nề đã về nghĩ trưa, mình lén lút “trộm” một cái, giấu vào trong ngực áo rồi chạy thật nhanh về nhà.

Để làm một con diều, thật dễ! Trẻ quê đứa nào cũng làm được. Nhưng để con diều bay tốt, không bị gió lộn xoáy thì đòi hỏi có chút kinh nghiệm. Mà người nhà quê, kinh nghiệm thường ít khi truyền được cho nhau, chỉ làm nhiều rồi quen thôi. Con diều đầu tiên tôi làm, nó không bay lên trời mà lộn xoay ba vòng rồi  nhào xuống mương nước. Vậy là hỏng! Diều dán giấy nên rơi xuống nước thì coi như vứt đi làm lại con khác. Dần dà rồi cũng biết được kĩ thuật dán diều, mới thấy té ra “nghề chơi cũng lắm công phu”.

Trước hết phải vót tre thật nhỏ, càng nhỏ càng tốt để sao cho trọng lượng diều là nhẹ nhất có thể. Ngày ấy, cha không cho tôi cầm dao rựa vì sợ đứt tay, thế là tôi phải ra ngoài bụi, kiếm cây hóp nào nhỏ, bẻ ngang đem vào làm cánh cung. Hóp có dạng giống cây tren nhưng nhỏ hơn, người nhà quê thường dùng hóp để chẻ lạt buộc mạ, lạt gói bánh tết, thậm chi đi chăn bò tiện tay ngắt một cây roi quất mông. Cánh cung chính là bộ sườn của diều, nó cũng quan trọng như bộ xương người vậy đó! Cây hóp mói bẻ ngoài bụi vào còn tươi nên thường nặng. Sau này khi cầm được rựa thì tôi tự tay mình vót những thanh tre mảnh hơn làm cung. Cung uốn một nữa vòng tròn, dùng sợi chỉ mảnh mà nối hai đầu chăng theo đường kính cung.

Giấy dán diều cắt thành một hình vuông, nếu không kiếm được vỏ bao xi măng thì dán vài trang giấy vở lại. Ở quê, keo dán không có mà thường lấy cơm ra dùng tạm. Nhưng dán diều thì phải cơm mới đúng và thú. Người nhà quê nấu cơm trong soong tôn, trên nhão dưới khê xung quanh đống váng hồ. Thế là dùng tay vốc cái thứ cơm nằm dính bên thành soong ấy dán mới chắc.

Cánh cung được đặt chéo ngang tấm giấy, sao cho hai đầu cung giáp với hai đỉnh đối diện của tấm giấy. Dọc cái đường chéo vuông góc với dây cung thì đặt một nan tre tròn nhỏ, một đầu vót nhọn, gọi là mũi tên. Sau khi đặt cung và tên vào thì cắt lấy miếng giấy nhỏ, bôi cơm lên và dán. Những mẫu giấy nhỏ này tựa hồ như cái băng keo dính ngày nay. Băng dính cơm dán độ bốn cái ở cuung, ba cái ở mũi tên là vừa. Dán nhiều sẽ làm nặng con diều mà dán ít quá thì không đủ để chúng mắc với nhau, lên trên không dễ bị xé toạc.

Diều có hai loại, có đuôi và không đuôi. Diều không đuôi gọi là diều Ó, thứ này thường làm to và hay gặp ở những dân chơi diều sành điệu hiện nay. Làm diều Ó thì rất khó, phải đảm bảo sao cho khi bay lên nó không bị liệng. Trẻ con chúng tôi ít đứa là được diều loại đó lắm mà chỉ chơi diều có đuôi. Cắt giấy thành cách dãi nhỏ cỡ ba ngón tay, dán chúng lại thành cái đuôi dà băng một sãi tay. Thường thường mỗi con diều có một cái đuôi phía sau và hai cách hai bên, số lượng có thể nhiều hơn ở cánh nhưng đuôi thì nhất quyết chỉ một. Những cái đuôi này vừa tạo vẻ đẹp khi diều bay, vừa để làm những cánh tay “bơi” trên bầu trời cho diều “nổi” được.

Sau khi đã hoàn tất công việc vót cắt dán, cầm trên tay con diều chưng chửng mà muốn thả ngay. Vậy là lẻn vào buồng mẹ lấy cái cuộn chỉ đem ra phá. Trước tiên ngắt một đoạn nhỏ buộc hai đầu mũi tên cho thỏng dây xuống một khoảng nhỏ. Chia cái khoảng dây đó làm ba phần, cách từ đầu mũi tên xuống một phần là nơi buộc múi chỉ để cầm thả. Cái cách chia này cũng tương đối thôi, cốt làm sao cho con diều thăng bằng được ở trên không.

Cầm lấy con diều đã làm xong mà chạy thẳng ra đồng. Mặc cái nắng miền Trung chang chang, đầu vẫn để trần, chân đi đất. Lúc đó chả có cảm giác nắng nóng gì hết, cứ sùng sục theo trò chơi thôi! Mà khéo khen ông trời, lũ trẻ quê chạy nắng cả ngày, uống nước lã nhưng rất ít khi đau, có lẽ nghiệp nhà nông cay cực dduocj ban cho một diễm phúc đó để sống mà chiến đấu với cái khắc nghiệt của thời tiết. Trước khi thảm cần quấn bớt cáu dây căng cung sao cho cánh cung ép vào, con diều vòm lên như hình cái xẻng đào đất. Độ cong phải vừa đủ để nó đón gió vào và bay. Phải chọn chỗ nào trống vắng, đồng quê mênh mông cũng phải kiếm cái hướng nào xa xa về phía trước vì thả diều là phải chạy. Rồi thì lựa gió không quá mạnh cũng không quá yếu, gió phải đều và đằm. Chơi diều chả khác gì đánh trận, cần biết chợp thời cơ mới bắt được con gió tốt.

Chạy diều là chạy ngược hướng gió, một tây cầm cuộn chỉ, tay kia tựa hờ vào sợi dây. Vừa chạy vừa đưa mắt nhìn lui con diều, hai tay vừa kết hợp nhả chỉ và giật chỉ. Chạy diều cũng phải tùy vào gió, khi gió yếu thì mình phải chạy thật nhanh, khi gió mạnh thì chạy chậm lại, thậm chí có thể đứng một chỗ vẫn thả được. Khi con diều đã lên được một trên cao thì coi như xong công đoạn thả. Ở trên ấy gió thổi đều nên con diều mặc sức bay không sợ rơi nữa. Giờ chỉ còn mỗi việc ngắm diều và thi thoảng giật dây cho nó vui.

Những đứa trẻ quên thường sau khi tiễn được diều lên không trung thì lăn ra bãi cỏ. Hai tay gác sau đầu, chọn một bóng râm nào đó nằm mà ngắm. Giữa cái nền trời xanh, nắng trong veo điểm ít mây trắng bồng bềnh, con diều lúc này trông như một con chim cứ chao cánh giữa khoảng trời tự do. Trong nó rất có hồn, những cái cánh cứ vẫy vẫy chấp chới, thi thoảng chao một cú lộn vòng như thể trêu đùa với những con chim bay qua vùng trời tự do. Lũ trẻ chúng tôi cũng được một phen hú hồn, lại phải giật dây cho nó bay dựng đứng lên. Thả diều phải chọn cái loại cước chỉ mảnh vừa phải, mảnh quá thì gió mạnh nó làm đứt nhưng to quá thì diều không “đứng” được. Căn cứ vào cái góc bay của con diều để biết khả năng chơi diều của trẻ. Nhiều khi không cần dây dài mà diều vẫn có thể bay cao được.

Chúng tôi thường lấy nhọ nồi làm màu đen, mài gạch với nước ra màu đỏ thẫm, lấy hoa mùng tơi làm làu tím hoa cà…rồi vẽ lên con diều cho đẹp hơn. Đến khi thả lên trời thì những con diều hóa thành những chú công chú phượng trong rất đẹp. Lúc đó, mắt của chúng tôi dường như đã bị treo ở trên tít cao, nơi những chú chim nghĩnh đang thỏa sức vui đùa. Những con diều càng lên cao thì ánh mắt tôi càng mỏi, con diều hình như cũng khắc khoải hơn. Ù! Cánh diều cũng như con người vậy đó, khi đi xa quê hương bản quán càng thấy thắc thỏm một nỗi niềm vọng về…

Chơi diều quả không biết chán, cứ thả lên được rồi thì nằm mà ngắm, đợi đến chập choạng tối mới thi dây kéo xuống về nhà. Trẻ quê vào mùa này đi chăn bò có thêm cái trò thả diều cũng thú lắm! Nhất là lúc này mùa màng đã gặt xong, bò bê thỏa sức chạy mà không sợ ăn lúa ké người ta.

Có nhiều nơi chơi diều thương móc thêm cây sáo vào đó gọi là sáo diều. Gió ở trên cao cứ luồn qua ống trúc mà phát ra thanh âm. Tất nhiêu cái kiểu chơi này thì khó vì đòi hỏi coi diều phải cõng được cây sáo. Thứ nữa, sáo phải có qui cách riêng chứ không thể lấy cây sáo thông thường được. Chúng tôi chơi trò gửi thư lên cho diều. Lấy một mảnh giấy nhỏ, xé một lỗ ở giữa, luồn sợi dây qua. Mảnh giấy bị gió đẩy cứ tuột vèo vèo theo sợi dây lên tới con diều. Cứ thế, từng bức thư được gửi như những bức thông điệp mơ ước của tuổi thơ gửi lên trời xanh. Giờ đây, có một bức thông điệp đang chạy về phía trái tim tôi thức dậy cánh diều.

Ngày ấy, tuổi thơ tôi chạy trên cánh đồng làng thả diều. Một lần vô tình cánh diều tuột khỏi tay bay ngơ ngẩn về phía xa xăm. Thế rồi lạc chân đi tìm. Tìm mãi cho đến hôm nay vẫn chưa thấy. Nhưng hình như ở phía làng, những cánh diều của em tôi đang dong gió mà lên. Và tôi nghe thấy những tiếng đánh gió rất gần…

                                                                                       H.C.D

Minsk, 14.4.2008

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 165 tháng 06/2008

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

6 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground