Trải suốt chiều dài lịch sử, Nhân dân Việt - Lào luôn sát cánh bên nhau, bên dải Trường Sơn như “dải tâm đồ” cùng đập nhịp vui buồn sướng khổ. Không ít lần Trường Sơn Đông “nghiêng sang” Trường Sơn Tây và ngược lại trong những đợt chi viện lẫn cho nhau cùng chống lại đế quốc hùng mạnh. Chính trong các cuộc kháng chiến gian khổ ấy, đã hun đúc nên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” và cùng nhau đi tới con đường ấm no hạnh phúc. Mang tình hữu nghị nồng thắm ấy, chúng tôi đến trường cao đẳng Y tế, ngôi trường đang đào tạo lưu học sinh Lào tại tỉnh Quảng Trị, cùng vui tết cổ truyền Bunpimay nước bạn.
Khi chúng tôi đến trước sân trường đã có thầy cô và rất đông sinh viên Lào chào đón. Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có số lượng lưu học sinh Lào lớn nhất nước; chủ yếu tập trung học tập tại Trường Chính trị Lê Duẩn, Cao đẳng Y tế và Cao đẳng Sư phạm. Vào dịp tết cổ truyền Bunpimay, hai trường cao đẳng phối hợp tổ chức chương trình đón tết cùng sinh viên Lào. Người Lào chuẩn bị cho tết cổ truyền thế nào thì các trường cao đẳng Quảng Trị cũng chuẩn bị cho sinh viên Lào đón tết như thế. Chu đáo, tình cảm để lưu học sinh vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.
Người Việt có câu thành ngữ “vui như tết”. Mỗi dân tộc đều có cách lựa chọn thời điểm và cách vui tết. Với đất nước Lào anh em, tết cổ truyền rơi vào tháng 4, tháng của lễ hội, của ca hát nhảy múa và nhiều mỹ tục độc đáo. Các bạn sinh viên Lào trong bộ trang phục truyền thống kéo khách quý tới giữa sân khấu, bên mâm khoẳn. Mâm khoẳn là một tháp hoa ba tầng tượng trưng cho tình đoàn kết của Nhân dân các bộ tộc Lào. Những sợi chỉ trắng, những chậu nước thơm làm từ các loài hoa, các loại bánh, ngũ cốc thường có trong đời sống hằng ngày của Nhân dân Lào được chuẩn bị đầy đủ. Khách quý, thầy cô giáo và các bạn sinh viên cùng ngồi quanh mâm khoẳn thực hiện nghi lễ cầu may. Sau đó sinh viên Lào sẽ lấy những sợi chỉ trên mâm khoẳn nhẹ nhàng buộc vào cổ tay khách quý. Tiếp theo các bạn thực hiện nghi lễ vẩy nước thơm làm từ hoa và thoa phấn thơm rồi chắp tay chúc phúc.
Ấm áp tết Bunpimay của du học sinh Lào tại Quảng Trị - Ảnh: Nguyên Thảo
Trong tết cổ truyền Bunpimay, người Lào thường cầu phúc, cầu may mắn cho người khác hơn là cho chính họ. Người Lào tin các nghi lễ vẩy nước thơm và buộc chỉ cổ tay sẽ giúp gột rửa điều xấu xa và năm mới mạnh khỏe, may mắn. Và để những lời cầu chúc có hiệu nghiệm, trong vòng ba ngày, người được buộc sợi chỉ không được tháo rời tay vì bất kỳ lý do nào.
Chúng tôi có được niềm vui khi nhận sợi chỉ chúc phúc của Khăm May, Phu Ngân đến từ tỉnh Savannakhet, Viêng Ning và Đuông Mạ Ni đến từ tỉnh Salavan. Các bạn đã sang Quảng Trị học tập được gần 3 năm. Mỗi bạn đã có được hành trang kiến thức cùng những kỷ niệm đẹp với mảnh đất và con người Quảng Trị.
Các bạn cởi mở kể cho chúng tôi nghe vì sao đến học ở ngôi trường này. Viêng Ning tìm trong máy điện thoại những tấm hình, kỷ niệm học tập ở Việt Nam cho chúng tôi xem. Rất nhiều ảnh chụp ở giảng đường, ở khu ký túc xá sinh viên, ở các buổi giao lưu gặp gỡ Việt - Lào, có cả những chuyến thăm quan thực tế đến nhiều địa danh ở Quảng Trị và miền Trung Việt Nam. Viêng Ning kể không chỉ dịp tết Lào, mà khi sang Việt Nam học, các bạn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình trong học tập, cuộc sống sinh hoạt và được hưởng nhiều sự ưu tiên dành riêng cho lưu học sinh Lào. Nhờ vậy các bạn nhanh chóng hòa nhập với môi trường giáo dục và có kết quả học tập tốt.
Đuông Mạ Ni nói tiếng Việt rất giỏi và am tường văn hóa Việt bởi nhiều năm theo học chuyên ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Qua lời kể của Đuông Mạ Ni, chúng tôi biết thêm có hơn hai trăm lưu học sinh Lào được tỉnh Quảng Trị tiếp nhận đào tạo, chủ yếu đến từ bốn tỉnh vùng Trung và Nam Lào là Savannakhet, Salavan, Khăm Muộn và Champasak. Tất cả lưu học sinh Lào đều được hai trường cao đẳng bố trí chỗ ở ký túc xá đầy đủ tiện nghi, còn được cấp học bổng, được hỗ trợ phí sinh hoạt. Một điều xúc động khi chúng tôi nghe Đuông Mạ Ni tâm sự, lúc mới sang Việt Nam em không quen, buồn và nhớ nhà, dần dần hòa nhập được thì thấy quý mến con người và vùng đất láng giềng. “Việt Nam có câu ca dao: Đến đây thì ở lại đây / Bao giờ tốt rễ xanh cây mới về. Chúng em cũng xác định tư tưởng là vậy, nên khi sang du học trên đất bạn, chúng em đã hòa nhập tốt, vui vẻ và tự tin phát triển bản thân với chung một tâm huyết là học ở Việt Nam về phục vụ đất nước mình”.
Lắng nghe câu chuyện của Viêng Ning, của Đuông Mạ Ni giúp chúng tôi cảm nhận sâu thêm về mối quan hệ thủy chung son sắt, trong sáng hiếm có của hai đất nước. Các bạn không chỉ là cầu nối hữu nghị Lào - Việt, mà tấm lòng còn sâu nặng với mảnh đất Quảng Trị, với đất nước Việt Nam. Hôm nay, tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan quê hương các bạn cùng nằm trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC). Với tất cả những gì đã và đang chuyển động trên hành lang này, cùng với việc mở ra quan hệ hợp tác ngày càng gần gũi thắm thiết giữa ba tỉnh, đã rút ngắn khoảng cách xa xôi từ vùng Trung Lào sang miền Trung Việt Nam. Chúng tôi kết bạn facebook để giữ liên lạc và bàn tính đến việc sẽ thăm nhau sau này khi các bạn tốt nghiệp về nước...
Ánh đèn sân khấu bật lên là lúc bừng cháy âm thanh vui tươi của vũ điệu lăm vông. Các bạn nữ sinh viên Lào xuất hiện trên sân khấu quá đỗi dịu dàng và xinh đẹp, xúng xính trong váy áo truyền thống, nụ cười luôn thường trực trên gương mặt, những đôi bàn tay mềm mại, những bước nhảy uyển chuyển. Đuông Mạ Ni, Kâng Ning, Khăm May, Phu Ngân - những người bạn Lào đã trở nên thân thiết kéo chúng tôi ra sân khấu cùng nhập vào điệu lăm vông. Thì ra động tác cũng đơn giản. Bàn tay cuộn lại, ngón trỏ ép vào ngón cái, các ngón xòe rộng và uốn cong. Chân bước tới bước lui ba bước rồi sang ngang một bước. Và cũng chỉ cần vài phút, ai cũng có thể đắm chìm vào điệu lăm vông uyển chuyển nhẹ nhàng. Cứ thế, những điệu múa nối tiếp điệu múa, lời ca nối tiếp lời ca kéo mọi người lại gần với nhau. Một lễ đón tết Lào trên đất Việt thật nồng ấm và hân hoan.
Cùng hòa chung điệu múa lăm vông - Ảnh: Nguyên Thảo
Bản nhạc “Tình Việt - Lào” vang lên rộn rã trong những cái siết tay thật chặt, những lời tạm biệt bùi ngùi. Mọi người sát lại bên nhau, giữa sân khấu, tất cả cùng hát. Em ở bên này Tây Trường Sơn. Anh ở bên kia Đông Trường Sơn. Hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sáng. Đất nước Triệu Voi, đất nước Tiên Rồng, chung bước đi lên xây đắp mối tình. Tình Việt - Lào anh em, tình Việt - Lào anh em mãi mãi không bao giờ phai... Phải rồi, tự nhiên đã sắp đặt cho hai dân tộc Việt - Lào được núi liền núi, sông liền sông. Dù còn đó những thác ghềnh hiểm trở, nhưng Trường Sơn vẫn đang hát. Bài hát của tình người, tình hữu nghị vững bền hơn núi, hơn sông.