CBCS Đồn BP Ba Tầng hỗ trợ làm sân chơi cho trẻ em trên địa bàn xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa - Ảnh: L.M.H
Thầm lặng vùng biên
Có “an cư” mới “lạc nghiệp”, ông cha ta thường nói như thế. Cụm từ “an cư” ngoài sự cố định về nơi ở còn bao hàm yếu tố lớn hơn đó là ở yên. Khi con người chọn được nơi ở yên ổn thì công việc mới tiến triển được. Nhưng ở yên không có nghĩa là không vận động, ở yên để phát triển, là vận động không ngừng, là sự đổi thay… cùng với nó là bảo vệ sự yên bình của đời sống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư, nhất là đối với nông thôn trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới.
Tỉnh Quảng Trị có 10 xã biên giới được chọn để xây dựng nông thôn mới, theo đó 93 thôn bản thuộc các xã: A Dơi, Ba Tầng, Thanh, Hướng Lập, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa); A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Long, Ba Nang (huyện Đakrông) được thực hiện theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, đời sống dân cư… từng người dân, đoàn thể thôn bản từng ngày phối hợp với lực lượng an ninh giữ vững an ninh chính trị khu vực biên giới. Trong đó phải kể đến vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
191 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 93 người có uy tín thuộc xã biên giới là địa chỉ tin cậy trong công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Họ nói dân nghe, bảo dân làm, giải quyết các vấn đề nảy sinh ở thôn bản và nguồn cung cấp thông tin các vấn đề trật tự xã hội, nhất là tội phạm và các vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh chính trị thôn bản, lợi ích quốc gia. Ông Hồ Văn Phương, công an viên thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trại Cá, xã Tà Long (huyện Đakrông) chia sẻ chân thành: “Người dân biết đâu có người, có hoạt động phạm pháp, gây rối trật tự xã hội là báo cho thôn, cho người có uy tín ngay. Từ đó người có uy tín thông tin cho lực lượng chức năng xử lý”. Nói về đội ngũ người có uy tín, địa chỉ đáng tin cậy của các nguồn tin đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thôn bản, ông Hồ Văn Phương cho hay: “Sở dĩ người có uy tín luôn nắm được thông tin vì đây là người bản địa, người có quan hệ thôn bản, có quan hệ huyết thống với dân nên người dân dễ tiếp cận. Người dân thôn bản cũng là lực lượng tích cực trong bảo vệ quốc phòng và an ninh trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn biên giới, họ rất tích cực”.
Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ trật tự trị an
Tiếp cận, xử lý thông tin, tiến hành nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng và an ninh ở vùng biên giới có nhiều lực lượng tham gia. Để xây dựng được thành quả trong việc giữ vững an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn phải kể đến lực lượng Biên phòng và Công an chính quy được tăng cường về các xã. Chính họ là những người thầm lặng ở vùng biên cương Tổ quốc cho người dân được cuộc sống yên bình.
Xã Ba Nang, huyện Đakrông có 5 thôn, 684 hộ, 3.422 nhân khẩu, là 1/10 xã thực hiện xây dựng Nông thôn mới theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg. Từ hơn 3 năm nay, Chi đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng Ba Nang phối hợp với Xã Đoàn Ba Nang đã hoàn thành công trình thắp sáng đường quê trên tuyến đường dài hơn 5 km. Cùng với các hoạt động trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng đã thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ vững quốc phòng và an ninh trên địa bàn với mục tiêu tiến tới xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên; không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế.
Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Nang chia sẻ: “Bảo vệ quốc phòng và an ninh là điều kiện tiên quyết để giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn biên giới. Từ nhiều năm nay, Đồn Biên phòng Ba Nang phụ trách hai xã Tà Long và Ba Nang, thực hiện tốt phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng nên công tác có nhiều thuận lợi. Đặc biệt là việc giữ vững quốc phòng và an ninh trên địa bàn. Trong công tác xây dựng Nông thôn mới, ngoài hoạt động giữ vững tiêu chí số 19, lực lượng đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, Công an xã thực hiện tốt công tác vận động và cùng với người dân địa phương chung tay phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới vùng thôn bản”.
Ông Hồ My, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Nang cho hay: “Hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã đều có nghị quyết, kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Công an xã đã chủ động xây dựng chương trình công tác, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân xã, đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình, kế hoạch của Công an tỉnh, Công an huyện về việc đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.
Tiết học Biên giới, một trong những nội dung giáo dục chủ quyền lãnh thổ quốc gia của các Đồn biên phòng Quảng Trị - Ảnh: Hồ Thanh
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lực lượng công an các xã biên giới đã tăng cường công tác phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức họp dân phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền cho cán bộ, công chức và quần chúng Nhân dân trên địa bàn các xã nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giữ gìn an ninh trật tự. Từ đó tình hình an ninh trật tự xã hội ở các xã được đảm bảo, ổn định, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn các xã được kiềm chế, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được giữ vững.
Trong quá trình thực hiện tiêu chí về bảo đảm an ninh trật tự, cấp ủy, chính quyền cơ sở đặc biệt coi trọng công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác dân vận và thực hiện an sinh xã hội, xem đây là nhân tố quan trọng bảo đảm an ninh trật tự bền vững. Để giữ vững kết quả này, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Những trăn trở và hy vọng
Quốc phòng và An ninh là 1/19 tiêu chí để cơ sở đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với nó là các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất… Với địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi nói chung và các xã biên giới nói riêng việc thực hiện chương trình Nông thôn mới cần nhiều thời gian hơn giai đoạn là 3 năm, thậm chí cần đến hơn 5 năm để cơ sở hoàn thành mục tiêu. Hơn thế nữa cần đến sự bền vững, tránh hoạt động mang tính phong trào, hoàn thành xong tiêu chí, được công nhận rồi không được duy trì, nông thôn mới trở lại nông thôn… cũ. Nhất là vấn đề cảnh quan, môi trường, văn hóa, trật tự an toàn xã hội ngày càng có xu hướng phát triển.
Ông Hồ Văn Phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trại Cá, xã Tà Long (huyện Đakrông) là người luôn luôn tâm huyết với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, luôn kì vọng đến sự bền vững. Ông Phương cho rằng, đối với địa bàn miền núi có nhiều thuận lợi về con người, giao thông và thôn bản quy hoạch lại cũng thuận lợi, nhưng các yếu tố khác như phát triển kinh tế, thu nhập, môi trường… đối với địa bàn miền núi còn gặp nhiều khó khăn cần nhiều thời gian hơn là phân kỳ giai đoạn 3 - 5 năm. Hơn nữa, chương trình Nông thôn mới cần tính đến vấn đề lâu dài, làm chậm mà chắc, lâu mà bền, khi việc xây dựng nông thôn kiểu mẫu in vào ý thức người dân mới được.
Nhiều địa phương, không riêng gì miền núi cần tránh tình trạng hoạt động không mang tính bền vững. Đối với địa bàn miền núi, vùng biên giới cần tập trung vào vấn đề môi trường, văn hóa, an ninh chính trị… Vấn đề phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập… là những tiêu chí không phải giai đoạn hoặc cứ đặt ra mục tiêu là đạt được mà cần phải có cơ sở. Ông Hồ My, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Nang nhấn mạnh: “Miền núi có lợi thế về cảnh quan, môi trường. Làm đẹp bản làng trước còn kinh tế, thu nhập cần phải tính lâu dài. Miền núi đất đai thiếu, tài nguyên thiên nhiên không nhiều, trình độ dân trí chưa cao… cần phải có nhiều thời gian để thay đổi”.
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ba Nang phối hợp với Xã Đoàn Ba Nang làm đường, vệ sinh môi trường trên địa bàn thôn bản - Ảnh: L.M.H
Đau đáu với niềm tin xây dựng quê hương giàu đẹp, thực hiện thành công bản làng kiểu mẫu theo chương trình Nông thôn mới đó là niềm tin của người dân, của chính quyền địa phương. Nội tại ở cơ sở nói chung và bản làng vùng biên giới nói riêng ngày càng có những thay đổi, nhất là cảnh quan thôn bản, sự thay đổi về giới. Ngày càng có nhiều con đường hoa giữa bản làng yên bình; có những phụ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Đảng ủy và UBND, ở thôn bản có nhiều hơn người có uy tín, trưởng thôn, bí thư chi bộ… là nữ giới. Chúng tôi tin vào sự thay da đổi thịt, về sự phát triển mặc dù khá chậm so với mong đợi nhưng sẽ thành công và có sự bền vững, tiếp nối như kỳ vọng của hơn 87 ngàn đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên dãy Trường Sơn.