Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Biên giới mù sương

T

rong những lần lên huyện vùng cao Hướng Hóa, tôi nhớ đây là lần thứ hai được nhìn thấy sương mù. “Mùa này mù thì phải biết. Cứ như là ở chót đỉnh Phanxipăng ấy nhé”. Bắt đầu bật đèn vàng khi leo hết con dốc dài vào huyện lỵ, bác tài vui vẻ nói. Tôi háo hức nhìn ra cửa xe, reo thầm. Lạ thế, dưới chân dốc ban mai đang sáng trưng một thứ ánh sáng thủy tinh trong văn vắt, xe trèo lên thị trấn đã thấy bềnh bồng bơi trong một biển mây khổng lồ. Tất cả, những con đường quanh co, những ngôi nhà rải rác, những chiếc Minxk lượn vun vút... đều mờ đắm trong màn hơi trắng xốp bay la đà và dày đặc đến độ tưởng có thể bụm từng vốc trong lòng bàn tay được. Cây cối và những đường điện cứ hư hư thực thực hiện ra lãng đãng như vài nét vẽ chấm phá trong tranh thủy mặc. Ôi chao, lúc này thị trấn sơn cước Khe Sanh hầu như mới phô ra đầy đủ nhất cái vẻ mơ màng huyền ảo, cái duyên sắc vừa e ấp vừa say đắm rất mời mọc, rất quyến rũ của mình. Chả trách mà một số đồng nghiệp của tôi vẫn có cái thú độc hành rong ruổi đường “Tây tiến” lên núi rừng Trường Sơn vào quãng tiết thu này. Đứng một chút trong hơi sương buôn buốt, áo đã sũng ướt và mi mắt đã nặng trĩu những bụi nước li ti. Vị se lạnh ngấm vào da thịt, người ta rùng mình gờn gợn trong một cảm giác tê tê, rất thích thú và mê hoặc. “Đặc sản mùa này của Khe Sanh - Hướng Hóa đấy, trời mù mù như vậy luôn cả nửa buổi sáng và chiều tối. Ra đường, người quen cứ va lộp cộp vào nhau rồi mới nhận ra được nhau. Thế mà ngay như tôi, sáng mở mắt ra không thấy sương mù bay vào nhà là hình như cứ thiếu thiếu cái gì...”. Ở sân Huyện ủy, anh cán bộ huyện mỉm cười tiếp chuyện với chúng tôi.

Rời thị trấn, xe vẫn cứ như trôi trong mây. Đến quá quảng đường Lìa mới thấy sương loãng dần ra rồi tan hẳn. Những vạt rừng, những mái nhà sàn khum khum hình bầu dục đã hiện ra thật rõ bên cửa sổ xe, ướt loáng và tinh tươm như vừa được tắm gội. Bên tay phải, sông Sêpôn như một dải khăn biêng biếc uốn lượn giữa ngàn cây. Người đồng hành cho tôi biết, điểm giao thoa của hai nước nằm ở chỗ nước sâu nhất của con sông, có nghĩa là nếu xuống tắm dòng Sêpôn, người ta chỉ cần quẫy nhẹ là một chân đã đạp sang đất Lào. Một dòng sông mang ý nghĩa một đường phân cách trong xanh. Ấy là nói thế thôi chứ sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, làn nước hồn nhiên kia chỉ như một bài thơ lãng mạn của núi rừng, có đường ranh giới nào chia đâu...Ngay dưới bánh xe, con đường dài hàng chục cây số của vùng Lìa đã được rải nhựa phẳng phiu, tím thẫm. “Cách đây chưa lâu đâu, xe vào đấy ấy à, cứ là nhảy lóc cóc trên đá viên đá tảng to bằng thùng bằng rổ nhé. Đường bây giờ sướng thế, cứ như đi du lịch.” Bác tài xế thả một vòng cua êm ái và lại cao hứng phát biểu. Tôi mỉm cười. Chứ sao, đi giữa khí trời bao la khoáng đạt mà bên hữu bên tả, mặt hậu mặt tiền đều là núi non, rừng đại ngàn và những vườn cây xanh thắm - cái thú được tự do thưởng ngoạn thiên nhiên trong lành ấy thì du lịch sinh thái hình như cũng chỉ thế. Ai chứ riêng tôi thì chuyến công tác vùng biên giới lần này cũng là một cơ hội du khảo và thưởng ngoạn. Nhất là khi ngồi trên xe, vừa ngắm núi rừng vừa được thưởng thức những bài ca Trường Sơn đầy hùng tráng chỉ qua giọng hát tuyệt hay của anh bạn đồng hành, còn gì thú vị hơn?

Dù sao cũng không đơn giản là một chuyến du lịch. Bởi không chỉ có núi rừng bao la và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng cao chào đón chúng tôi còn bằng những bản làng xa hiu hắt, bằng nếp nhăn lo âu khắc khổ trên những khuôn mặt người sạm đen. Pa Tầng, A Dơi, những xã vùng biên cách xa huyện lỵ ngót trên hai chục cây số đường cũng là hai trong số những xã khó khăn nhất và nghèo nhất của Quảng Trị. Theo số liệu thống kê của các đồn biên phòng đóng trên địa bàn, tỷ lệ hộ đói nghèo ở đây chiếm đến 76,25% và thu nhập bình quân mỗi đầu người chỉ vẻn vẹn có 200.000đ/năm. Những con số quả thật khó mà hình dung nổi. Cái nghèo, với người dân ở vùng sâu đặc biệt khó khăn như Pa Tầng, A Dơi xưa nay không gì lạ. Ở một địa hình hiểm trở, heo hút, mới gần đây chưa có đường giao thông thực sự, dân cư rải rác và hầu hết là bà con người dân tộc tư duy sản xuất còn thấp kém, lạc hậu và mang nặng tính tự cung tự cấp, nghèo là một sự tất nhiên. Nhưng bây giờ, khi mà các công trình dự án của TW, của tỉnh đã vươn đến những miền rừng núi heo hút này với hệ thống đường giao thông, thủy lợi, nước sạch trường học, trạm xá cùng với những nỗ lực của chính quyền các cấp nhằm thay đổi tập quán, tư duy làm ăn lạc hậu trong nhân dân, đời sống của bà con dân bản cũng đã có nhiều khởi sắc. “Đói thì vẫn còn, nhưng chỉ nặng nề trong buổi giáp hạt mà thôi. Với lại bà con cũng chỉ đói gạo, thiếu gạo chứ khoai sắn, hoặc ngô đậu, củ quả thì vẫn có hàng  ngày. Không lo chết đâu. “Ăm Thi, Ăm Bui, cán bộ xã Pa Tầng và A Dơi nói quả quyết. Quả thật, ở vùng đất bazan màu mỡ này, triển vọng từ những trang trại cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả… bạt ngàn là hái ra tiền đã nhìn thấy rất rõ ràng. Vấn đề ở chỗ người dân còn chưa biết cách làm ăn, chưa biết làm thế nào để tiền của và sự phong lưu chính đáng chảy được vào túi mình đó thôi. Tất nhiên, cần có những người có trí thức, kỹ năng canh tác và quyết tâm đi trước (những người mà chúng tôi đã được thấy ở A Dơi: Một Chủ tịch Hội Nông dân xã có trên một ha cà phê chè trĩu quả; một cán bộ Hội CCB với mô hình VAC + dịch vụ tiên tiến và rất hiệu quả…). Nhưng không chỉ là một hai trường hợp, vẫn cần có nhiều người và nhiều mô hình kinh tế tiên phong thành công; vẫn cần có sự quan tâm hướng dẫn giúp đỡ về vốn, giống và kỹ thuật để bà con nông dân mạnh dạn bắt tay vào làm giàu. Chìa khóa để xóa đói, thoát nghèo ở vùng sâu, vùng xa cũng chính là ở đó.

Những ngôi trường tiểu học xây dựng từ chương trình 135 ở Pa Tầng, A Dơi với các lớp học khá khang trang và những học sinh người dân tộc áo trắng, thắt khăn quàng đỏ rất chỉnh chu đàng hoàng đem lại cho mọi người trong đoàn một sự bất ngờ thú vị. Tuy nhiên những đứa học trò hầu hết còn chưa nói sõi tiếng Kinh và còn chưa biết mình bao nhiêu tuổi. Tại Pa Tầng, tất cả đội ngũ giáo viên của trường từ trước đến tận bây giờ đều chỉ là nam. “Ngày trước đây là vùng khó nên Phòng GD-ĐT không phân công giáo viên nữ”, hiệu trưởng nhà trường, một thanh niên trẻ còn chưa có gia đình giải thích. “Xem ra dương thịnh âm suy quá. Các thầy giáo có đề xuất yêu cầu phân bổ giáo viên nữ lên đây cho cân bằng quy luật tự nhiên không?”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hóm hỉnh hỏi. “Dạ, chắc chắn là có rồi. Thanh niên toàn chưa vợ của trường xin biểu quyết 100%”, hiệu trưởng trẻ của trường cũng cười, hơi ngượng nghịu.

- Thực ra thì việc đưa giáo viên nữ lên dạy ở những vùng xa xôi hẻo lánh như thế này cũng có nhiều điều đáng ái ngại lắm, nhất là đối với các cô thanh nữ. Là dân dự án, thường đi khảo sát công trình ở những vùng sâu nên mình cũng quen nhiều cô giáo ở các trường học xung quanh đây. Nhiều người trong số họ đã rất lâu không được chuyển công tác về trung tâm, cứ mòn mỏi với núi rừng. Chẳng có cơ hội gặp gỡ để tiến tới lập gia đình với ai ngoài các đồng nghiệp. Mình quen một chị giáo viên dạy ở vùng sâu đã lâu năm, cũng mặn mà nhan sắc lắm nhưng trên ba mươi tuổi vẫn còn cô quạnh - Anh Phi, cán bộ Sở Điện lực nói riêng với tôi.

- Ngoài thanh niên địa phương và đồng nghiệp, chẳng lẽ không còn đối tượng nào khác? Các chiến sỹ biên phòng thì sao?

- Biên phòng và giáo viên, hiển nhiên là một đôi trời cho rồi. Ngặt nỗi đặc thù của các anh lính ấy là thường xuyên luân chuyển. Nay đồn này mai đã đồn khác xa tít mù tăm. Các cô ấy cũng e ngại chứ.

- Còn một đối tượng nữa rất có điều kiện tiếp xúc với các cô giáo vùng cao, là dân công trình như các anh đấy. Tại sao lại không nhỉ? Ai thiếu can đảm đây? - Tôi nheo mắt cười, hỏi vặn. Anh cán bộ ngành điện bất giác hơi đỏ mặt, chống chế: “Dân công trình tụi mình có nói thật người ta cũng không muốn tin. Tại cái ông nhạc sỹ Trần Tiến đấy! Ác thế.” (cười).

Đêm biên giới yên tĩnh, mát lạnh. Nơi chúng tôi nghỉ lại, đồn biên phòng 617 có cái háo hức và chộn rộn hơn bình thường - tâm trạng của những người đón khách phương xa. Các đồn biên phòng nói chung tuyệt nhiên cũng không có bộ đội nữ. Thay vào đó, tôi bắt gặp bao nhiêu cô người mẫu, diễn viên, hoa hậu cắt ra từ các tạp chí và dán trân trọng trên một mảnh tường phòng ở của chiến sỹ. Thì bằng cách này hay cách khác, cũng phải có sự hiện diện của phái đẹp trong thế giới xa xôi của những người lính biên cương chứ! Biết rằng ngày mai đoàn về Đông Hà, một chiến sỹ mừng rỡ nhờ tôi gửi dùm cả tập thư viết đã lâu (cho mẹ, bạn bè hay cho riêng một cô gái nào?), nhưng chưa có điều kiện mang đi gửi. Rất áy náy là phút cuối cùng vì vội vàng tôi đã quên bẵng đi mất, thành ra chuyện giúp đỡ rất nhỏ ấy rút cuộc lại không thực hiện được. Những ngày sau, anh lính nọ và những đồng đội của mình lại lặn lội về những bản làng xa xôi nhất để cùng ăn cùng ở, để dạy chữ, khám bệnh cho bà con và bám sát tình hình an ninh chính trị ở các địa bàn biên giới, những lá thư liệu có thời giờ để chuyển đi hay vẫn đang nằm lại ở một góc balô nào?

Rời biên giới, tôi mang theo một giò lan và một bịch hạt dẻ rừng - quà tặng của một chiến sỹ biên phòng và một người dân bản. Sương mù màu trắng sữa vẫn bồng bềnh giăng kín đường đi. Chợt nghĩ, người nơi vùng cao còn phải vật lộn khó khăn lắm để có thể vươn lên được từ khó nghèo. Nhưng cũng bao la như sương mù và nhiều như hạt dẻ rừng, đó là tiềm năng của núi rừng biên giới. Nghĩa là chúng còn chưa được đánh thức đúng mức đó thôi.

                                                    T.T.H

Trần Thu Hòa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 86 tháng 11/2001

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground