Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Biến hóa độc đáo trong nghệ thuật sơn mài Trịnh Hoàng Tân

Trong ba đợt phát động của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” từ năm 2015 đến năm 2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân - Phân hội trưởng Phân hội mỹ thuật tỉnh Quảng Trị, Chi hội trưởng Chi hội mỹ thuật Việt Nam tỉnh đã vinh dự được 2 giải B và 1 giải C. Trong đó, năm 2020, anh là tác giải Quảng Trị duy nhất đoạt giải B. Để có được tác phẩm tham gia và liên tục đoạt giải, không còn là “cái duyên” với chủ đề này như mọi người hay nói mà phía sau đó là sự lao động, sáng tạo miệt mài của người nghệ sĩ như nhà thơ Chế Lan Viên đã miêu tả “một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay”.

 

Tác phẩm tranh sơn mài "Kỳ diệu Trường Sa" - Trịnh Hoàng Tân

40 năm gắn bó với nghề, với đất Quảng Trị với rất nhiều giải thưởng liên tục đạt được từ năm 1998 đến nay, đã có quá nhiều bài viết nói về người họa sĩ tài hoa này. Riêng tôi, tôi chỉ muốn nhìn ngắm các tác phẩm của anh với sự độc đáo, sáng tạo, tìm tòi đổi mới cho chất liệu sơn mài - một chất liệu truyền thống đặc biệt của Việt Nam.

Hơn cả đam mê, mỗi tác phẩm đều được anh khắc họa với tất cả tâm tình sâu lắng, sự hiểu biết và trăn trở về đời sống hiện thực nhằm truyền đạt tất cả những kiến thức mà mình có đến cộng đồng, đồng thời mở rộng được hiểu biết của mình về nghệ thuật hội họa và làm phong phú thêm trí tưởng tượng, phát huy trí sáng tạo của mình trong suy nghĩ và vẽ tranh. Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân thường suy tư về nghề với câu hỏi làm thế nào để tạo ra bước đột phá trong tư duy sáng tạo và tạo được sự đổi mới thực sự về phương pháp sáng tác tranh nghệ thuật sơn mài một cách đơn giản và hiệu quả. “Đặc thù của chất liệu sơn mài là luôn tạo ra những bất ngờ thú vị trong quá trình thể hiện. Chính điều kỳ diệu này đã khiến cho người vẽ tranh thoải mái hơn khi thể hiện ý tưởng, không bị gò bó trong cách thức biểu đạt đặc biệt trong xu hướng biểu hiện có tính trừu tượng, tính hiện thực, tính lập thể, tính ẩn dụ trong tranh…” - anh chia sẻ.

Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân sáng tác chủ yếu về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tranh của anh tham dự nhiều giải thưởng, triển lãm mỹ thuật toàn quốc và khu vực, được sưu tầm và trưng bày tại Viện Bảo tàng Quân đội Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Nét độc đáo chính là việc chuyển tải các đề tài “tưởng là khô cứng này” vào chất liệu được họa sĩ yêu thích sử dụng và thành công: Sơn mài. Đây là một trong những chất liệu truyền thống đã được rất nhiều thế hệ các họa sĩ say mê nghiên cứu bằng nhãn quan nghệ thuật tạo hình đa dạng với mục đích định hình dấu ấn cá nhân và thể nghiệm những quan niệm mới của mình về nghệ thuật. Với những hình thức, thủ pháp khác nhau, các tác phẩm sơn mài của các họa sĩ đương đại Việt Nam đã và đang tạo ra những thủ pháp, phương thức sáng tạo vừa thể hiện bản sắc dân tộc vừa mang âm hưởng của nghệ thuật tạo hình đương đại. Sơn mài cũng là chất liệu khá bền chắc, tranh giữ được lâu. Với những màu truyền thống như: son, then, vàng, bạc, quỳ... gần gũi, thân thương nên chất liệu này phát huy được thói quen thẩm mỹ thị giác của người Việt, dễ đi tới những yếu tố dân tộc, dù có làm theo phong cách hiện đại thì màu sắc trong tranh sơn mài vẫn gợi cái ấm cúng, khỏe khoắn, lành mạnh. Đến với tranh của Trịnh Hoàng Tân, người xem khó có thể quên được màu vàng son lộng lẫy của chất liệu sơn mài nổi bật trong không gian sâu thẳm làm nổi bật hình tượng người mẹ, người lính bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, anh còn tạo thêm nhiều cách tân như đưa vỏ ốc, vỏ trứng, vỏ trai vào tranh. Có lẽ chính việc sử dụng biến hóa sơn mài Việt Nam - một chất liệu truyền thống quý báu được sử dụng trên nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại với những cách tân, sáng tạo đã mang lại cách biểu đạt phong phú hơn cho tranh nghệ thuật sơn mài đã làm nên sức hút, phong cách riêng độc đáo của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân. Anh bộc bạch: “Quá trình tìm tòi của tôi về những ẩn số thú vị trong giá trị biểu đạt của chất liệu sơn mài hy vọng trong thời gian tới, sẽ được cộng đồng quan tâm tìm tòi và khám phá. Chúng tôi mong đưa sơn mài Việt Nam - một chất liệu truyền thống quý báu được giữ gìn, phát huy, phát triển nhiều hơn nữa trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại”.

Tranh sơn mài của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân thường bố cục theo diện phẳng, đơn giản, thiên về tạo chất với các mảng hình đã được trừu tượng hóa. Ngoài những kiến thức cơ bản về sơn mài được học trong trường, sau nhiều năm tìm tòi sáng tạo, thể nghiệm đi sâu vào chất liệu này, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân đã làm chủ được chất liệu với những kỹ thuật diễn tả điêu luyện. Tính biến hóa, bất ngờ luôn ẩn chứa trong chất liệu đã hấp dẫn và cuốn hút. Vẻ đẹp của con người và cảnh vật đang diễn ra hàng ngày đã tạo những mạch nguồn cảm xúc không bao giờ cạn.

Sự hấp dẫn của chất liệu độc đáo, vừa bền chắc vừa sang trọng, lộng lẫy đã thu hút người nghệ sĩ khai thác mọi khả năng, tính năng biểu hiện của chất liệu. Lối tạo hình theo phương pháp mới trên nền vóc với kỹ thuật gắn kết vỏ trứng hiện đại để tạo ra hiệu quả cho tác phẩm, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các hình thức biểu đạt. Điều này có thể thấy qua hàng loạt tác phẩm của anh đã thuyết phục các hội đồng từ cấp tỉnh đến khu vực và Trung ương. Tác phẩm “Mẹ và người lính” (tổng tiền giải thưởng của tác phẩm này là 130 triệu đồng với 2 giải A, 3 giải B gồm: Giải B triển lãm Mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng toàn quốc do Bộ Quốc phòng tổ chức (2009 - 2014); giải B cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao phản ánh về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930 - 1975 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Giải B cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015; giải A - Giải thưởng Hội mỹ thuật Việt Nam khu vực Bắc miền Trung (năm 2014) và giải A - Giải thưởng sáng tạo VHNT tỉnh Quảng Trị năm 2014). Các bảo tàng, nhà sưu tập đã không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để được sở hữu một bức tranh của anh. Thậm chí có bức được đề nghị mua với giá gần nửa tỷ đồng vẫn chưa được họa sĩ gật đầu đồng ý.

 

Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân nhận giải B - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020

Hầu như chỉ dân trong nghề mới biết hết “nỗi trần ai” của người lỡ mê chất liệu sơn mài. Bởi đây là loại chất liệu “khó tính”, đòi hỏi sự tỉ mẩn cao và tiền đầu tư vào chất liệu cũng rất lớn. Để hoàn tất cái cốt gỗ (vóc) phải mất 2 tháng cho những bức sơn mài thông thường. Đối với tranh sơn mài nghệ thuật thì phức tạp hơn nhiều, các công đoạn còn phụ thuộc rất lớn vào tính sáng tạo của họa sĩ, có khi mất vài năm trời là chuyện bình thường.

Khi bức tranh đã được mài nhẵn, muốn cẩn (vỏ trứng) lên tranh thì họa sĩ phải đục gỗ theo phác thảo, cẩn vỏ trứng vào đem ủ khô rồi mới mài. Sau khi vẽ tranh, tạo màu hoàn tất, liền ủ khô và sơn lên một lớp sơn cánh gián. Một thời gian khi bức tranh đã khô, họa sĩ tiếp tục đem mài và đánh bóng bằng bột than cho mịn. Sự thành công của một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất lớn vào công đoạn sau cùng này. Tuy nhiên, chất liệu cũng chỉ là phương tiện phụ trợ. Điều quan trọng quyết định nên “hồn cốt” chính là kết cấu bố cục hiện đại, lối tạo hình đơn giản cô đọng mang nhiều tính trang trí kết hợp với việc tạo chất đã tạo ra nhiều lớp không gian trong các tác phẩm, đồng thời phát huy được những ưu thế của chất liệu sơn mài.

Vì thế đối với Trịnh Hoàng Tân, người họa sĩ ngoài năng khiếu cần phải am hiểu trên nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, lịch sử... thì việc xây dựng nhân vật mới hoàn thiện, có chiều sâu. Anh chưa bao giờ ngừng học hỏi vì theo anh phải học nhiều, kiến thức càng rộng thì sáng tác mới bao quát. Một tác phẩm sơn mài tồn tại lâu hơn cả một đời người (những tác phẩm được xử lý tấm vóc kỹ có thể có tuổi thọ từ 400 - 500 năm). Và tất nhiên giá trị nghệ thuật của nó đem lại ở một chiều kích không gian rất rộng lớn.

Luôn tìm tòi, đổi mới và sáng tạo ở những chủ đề vừa thời sự, vừa quen thuộc là một trong những đặc tính khác được thể hiện qua tác phẩm của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân. “Nông thôn mới” (tác phẩm đoạt giải C cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018) và tác phẩm “Kỳ diệu Trường Sa” (giải B - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020”) là những chủ đề quen thuộc nhưng tạo được sự bùng nổ của đường nét, màu sắc, hình thể, âm thanh, ánh sáng và nhịp điệu. Nhiều hình thể, chi tiết gợi tả đặt cạnh nhau hợp lý, chuyển động không ngừng. “Tôi luôn tìm tòi phương pháp để đổi mới trong các tác phẩm của mình đều nhằm mục đích tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Mong muốn của tôi và các họa sĩ vẽ tranh sơn mài đó là đưa sơn mài lên vị trí xứng đáng là quốc hồn quốc túy dân tộc, giúp mọi người nhận ra tầm vóc và những giá trị đặc sắc của chất liệu này”.

Hiện anh đang ấp ủ đề tài về bài chòi. Nghệ thuật bài chòi chứa đựng cả âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Đồng thời chuyển tải các thông điệp về tình yêu quê hương đất nước và gắn kết cộng đồng. Bài chòi - di sản văn hóa cũng chính là di sản mang tính kết nối rất cao bởi lẽ ngoài làm việc đồng áng nông thôn, người dân trở về tham gia vào các trò chơi dân gian, trong đó có bài chòi. Người nông dân khiến cho di sản văn hóa trở nên lộng lẫy hơn, mở rộng hơn; đồng thời khi di sản văn hóa cộng đồng được quảng bá, người dân được cải thiện sinh kế thông qua việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo vệ và chia sẻ các giá trị di sản văn hóa.

Sự thăng hoa chỉ bùng lên khi người nghệ sĩ có sự đam mê và làm việc miệt mài, cần cù. Hãy nhìn một chú ong để hình dung công việc của người nghệ sĩ. Nó không phải là đột nhiên mà xuất hiện một tác phẩm có giá trị mà phải là “một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay” (thơ Chế Lan Viên). Với hơn 10 giải trung ương và 16 giải thưởng mỹ thuật khu vực các loại cùng nhiều giải thưởng mỹ thuật cấp tỉnh khác đã đạt được trong sự nghiệp sáng tác của mình, quan trọng hơn, những hình tượng nghệ thuật của Trịnh Hoàng Tân với cách thể hiện nghệ thuật độc đáo của mình đã và đang góp phần tạo ra những định hướng đa dạng, phong phú trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam. “Hy vọng trong thời gian tới, những ẩn số thú vị trong giá trị biểu đạt của chất liệu sơn mài sẽ luôn được cộng đồng quan tâm tìm tòi và khám phá. Đồng thời chính mỗi họa sĩ với sự sáng tạo đầy tâm huyết của mình sẽ đưa sơn mài Việt Nam ngày càng trở thành một chất liệu truyền thống quý báu, cần phải được giữ gìn, phát huy, phát triển nhiều hơn nữa trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại” - họa sĩ Trịnh Hoàng Tân chia sẻ.

M.A

MINH ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 309

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

2 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

8 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground