Cách thành phố Đông Hà (Quảng Trị) chừng 120 cây số, cửa khẩu quốc tế La Lay nằm ở miền biên viễn, núi đồi hiểm trở, đường sá quanh co. Từ Đông Hà qua 50 cây số theo quốc lộ 9 đến cầu treo Đakrông mới rẽ trái theo đường Hồ Chí Minh chạy vào Tà Rụt rồi quẹo phải theo phía tây lên biên giới Việt - Lào. Nơi ấy La Lay, mượn cách gọi người xưa ấy là vùng biên tái.
Sau khi đặt chân đến miền biên viễn, với thói quen tò mò nghề nghiệp, tôi hỏi La Lay xuất xứ từ đâu? Già làng Kon Thương cũng như bà con nơi đây và bộ đội biên phòng đều nói: đó là tên của một con suối ở Lào chảy qua Việt. Bà con vùng cao dân tộc ít người thường lấy tên núi, tên khe đặt tên bản làng. Từ đó bản có tên gọi là La Lay, sau này tên cửa khẩu cũng vậy. Từ một bản làng heo hút ít ai biết đến vào một ngày đẹp trời năm 2014 thành tên gọi cửa khẩu quốc tế, được đánh dấu trên bản đồ an ninh, quốc phòng, ngoại giao và kinh tế của quốc gia. Việc này ví như một sơn nữ nơi rừng xanh núi thẳm đèo heo hút gió một ngày kia vươn vai tỉnh giấc trở thành đại sứ quốc gia trên trường quốc tế. Một điều thú vị nữa là phía bạn Lào cũng có một bản tên gọi La Lay. Giải thích chuyện này không khó, tiếng là hai nước khác nhau nhưng người dân ở nhiều bản Việt - Lào có quan hệ họ hàng, hoặc cùng dân tộc nên tiếng nói cũng giống nhau. La Lay bên này cũng là La Lay của bên kia, tuy một mà hai nhưng tuy hai mà một là vì vậy. Truyền thống hòa hiếu giữa hai dân tộc Việt, Lào vốn có cội rễ lâu đời nên ngày nay càng có cơ hội đơm hoa kết trái mang lại sự bình yên biên giới sừng sững như dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Một ngày nắng chói chang tôi theo chân bà con dân tộc thiểu số La Lay đi thăm thú bản làng. Trong hình dung quen thuộc của lối mòn suy nghĩ xưa nay là vùng cao đồng nghĩa với hẻo lánh, nghèo nàn, lạc hậu. Tất nhiên điều này cũng có lý do của nó. Nhưng bản La Lay cũng không phải gieo neo như vậy. Tôi không muốn nói đến các bản báo cáo, dù nhiều văn bản như vậy cũng phản ánh một phần sự thật. Tôi muốn nhìn vào thực tế để tìm cho mình một câu trả lời thuyết phục nhất. Hai bên đường nhiều ngôi nhà sàn kiên cố đã được dựng lên từ trong gian lao, thử thách, tư thế vững chãi nơi vùng núi non hiểm trở. Hỏi chuyện tình cờ một người dân đang phơi ngô trước sân nghe câu trả lời: “Mùa này dân bản làm bắp (ngô) là chính, còn chăn nuôi thì các anh thấy đó, chủ yếu là trâu bò, bò thường nhiều hơn trâu. Cuộc sống bà con thì cũng đỡ hơn trước nhiều rồi”. Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm gốc. Dân ở biên cương càng phải như vậy. Khi Tổ quốc lâm nguy, nếu cần người dân sẽ sẵn sàng thắt lưng buộc bụng, nhưng thời bình thì cái bụng phải no, cái đầu mới sáng, không thể giữ gìn cương vực bằng cái bụng rỗng được. Khi tôi đem chuyện áo cơm hỏi trưởng thôn Hồ Thủy thì anh đáp chắc nịch: “Mấy năm nay thôn La Lay đã khác trước, đời sống bà con khấm khá hơn, số hộ nghèo đã ngày càng giảm xuống. Tất nhiên muốn đời sống được cải thiện thì trước hết bà con mình phải cố gắng. Nhưng cũng phải Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều, bộ đội biên phòng về bản thì cầm tay chỉ việc cho bà con, làm cái gì, làm như thế nào để có hiệu quả. Đó là điều bà con ghi nhận”. Người trưởng thôn còn khá trẻ không nói gì về mình nhưng tôi nghe anh đã từng giải hòa nhiều cuộc tranh chấp đất đai thành công, một việc khó khăn, phức tạp mà nhiều địa bàn miền xuôi đã phải đau đầu dù huy động các ban ngành vào cuộc. Anh cũng là người đã phát hiện và báo với bộ đội biên phòng những hành vi vi phạm pháp luật ở biên giới như chuyện vật thể bay trái phép trên bầu trời.
Vào nhà già làng Kon Thương cũng là dịp nghe núi rừng kể chuyện. Ông già làng ngoài bảy mươi tuổi có vẻ ngoài trẻ hơn thất thập cổ lai hy, hào hứng tâm tình: “Chuyện ăn, chuyện mặc thì làm người ai cũng phải lo. Nhưng bà con mình còn phải biết giữ gìn các phong tục, lễ hội vùng cao như là lễ mừng lúa mới, lễ hội Ariêu Ping, rồi lễ cưới. Khi làm đám cưới thì hai nhà phải làm lễ báo lên cho các thần linh được rõ, phù hộ cho cô dâu chú rể hạnh phúc. Những bản sắc như vậy nếu mình không giữ để mất mát đi là có tội với ông bà”. Cao hứng, già làng đứng dậy xách chiêng lên đánh một hồi trước ánh mắt chăm chú của chúng tôi và các trai bản. Âm vang nhạc cụ thân thuộc của bản làng như xua tan sự yên tĩnh của núi rừng, đem lại một sinh khí mới khiến người nghe phấn khích. Đó như là lời hiệu triệu mang hồn vía cha ông vọng lại từ trong sâu thẳm đại ngàn.
*
Cứ mỗi lần lên biên giới là tôi lại nhớ đến câu đã nằm lòng của người lính biên phòng: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Bộ đội biên phòng muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình thì nhất định phải làm theo tâm nguyện nói trên. Từ khi thành đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay trọng trách ngày càng nặng nề vẫn luôn đặt trên vai người lính biên cương. Nhắc lại chuyện ấm lòng ở vùng cao khu vực biên giới La Lay là phải nói đến chuyện “Ổ bánh mì tình thương”. Miền xuôi, ổ bánh mì có lẽ đã trở nên quen thuộc nhưng còn ở miền núi, nhiều nơi vẫn còn là thức ăn xa xỉ. Để giúp các em học sinh buổi sáng có điểm tâm trước lúc đến trường, đồn biên phòng đã tổ chức vận động cán bộ, chiến sĩ trích tiền lương, quyên góp từ các nhà hảo tâm để giúp các em có cái ăn buổi sáng để học hành, nhất là vào những ngày đông giá rét. Xin nhắc lại rằng “Tiết học biên giới” ở Đakrông khởi đầu từ sáng kiến của chi đoàn bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Bà Hồ Thị Thành rưng rưng xúc động: “Biết ơn lắm bộ đội biên phòng đã giúp bà con dân bản, giúp các cháu có cái ăn để đến trường”.
Cho đến hôm nay, khi nhắc lại chuyện triển khai mô hình “Tiết học biên giới”, thượng tá Nguyễn Bá Duyệt, Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, nguyên đồn trưởng La Lay vẫn còn xúc động. Mà không xúc cảm sao được khi bài học tinh khôi về chủ quyền biên giới, tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc được chính những người lính đang cầm súng gìn giữ đất trời truyền thụ cho lứa tuổi măng non giữa núi rừng bát ngát. Thầy giáo Ngô Duy Hưng, một người thường xuyên tham gia ngoại khóa “Tiết học biên giới” đã cảm nhận: “Những hình thức giáo dục sinh động như thế này rất hữu ích, làm thay đổi nhận thức của học sinh về bảo vệ biên cương”. Ngay người lớn cũng thấy rằng học về biên giới như vậy là có ích. Chị Hồ Thị Ngo, người dân nơi đây thật thà kể lại: “Ngày trước thì mình hiểu về biên giới cũng có hạn, nhưng nghe bộ đội biên phòng tuyên truyền, càng ngày càng hiểu sâu hơn và thấy có trách nhiệm nhiều hơn cùng bộ đội bảo vệ biên giới nước mình”.
Trò chuyện với chúng tôi, trung tá Lê Văn Hiếu, đồn trưởng và thượng tá Nguyễn Xuân Linh, chính trị viên của Đồn Biên phòng La Lay không nói nhiều về công việc của mình, các anh coi đó như là chuyện đương nhiên mà những người lính biên cương cần phải làm hàng ngày. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh chỉ nói ngắn gọn: “Nói gì thì nói, phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh và phải an dân. Lính biên phòng thì phải sâu sát với dân, làm cho dân hiểu, dân tin. Có dân là có tất cả”.
Mà nào chỉ có dân mình, còn dân nước bạn Lào, tiếng là khác quốc gia nhưng là láng giềng biên giới, thậm chí còn là họ hàng thân thích, nên bộ đội biên phòng La Lay còn giúp dân Lào trồng cây, chữa bệnh hoặc những khi hoạn nạn tương cứu. Thảo nào ông trưởng bản La Lay - A Sóc, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) tên Bun Thân cứ trầm trồ: “Bộ đội biên phòng Việt Nam tốt lắm, giúp dân bản chúng tôi nhiều thứ, nhất là những lúc khó khăn nên ai cũng nhớ”. Đến những tháng đại dịch COVID-19 vừa qua, thấy bạn gặp khó khăn trong lương thực, thuốc men thì bộ đội biên phòng Việt Nam cũng chia sẻ. Lên biên giới Việt - Lào càng thấm thía câu nói: Giúp bạn là giúp mình, vì tình nghĩa sâu xa: môi hở răng lạnh nên ân nghĩa nồng nàn.
Nói chuyện phòng chống đại dịch, lại nhớ hôm lên cửa khẩu La Lay gặp trạm trưởng biên phòng, đại úy Nguyễn Thanh Minh. Anh chỉ tay ra đường biên và nói: “Dù ở tình huống nào, chúng tôi cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của bộ đội biên phòng. Dịch dù không còn ở cao điểm nhưng anh em vẫn thay nhau canh gác ngày đêm, không chút lơ là. Ngay cả khi có lệnh đón hàng trăm sinh viên nước bạn Lào sang Việt Nam học tập thì mình vẫn bảo đảm làm sao vừa phòng chống dịch được tốt, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho các em nhập học đúng thời gian”. Khi đến thăm các chốt phòng dịch, chúng tôi cảm nhận tinh thần của bộ đội thời chiến khi túc trực ngày đêm ở lán và các đường biên, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả trong ăn, ngủ, sinh hoạt kéo dài nhiều tháng trời chưa biết lúc nào mới chấm dứt. Nhưng họ không mảy may kêu ca, vẫn vững vàng nơi tuyến đầu biên giới. Lúc giải lao, tôi xem được hình ảnh từ máy điện thoại của một người lính. Đó là hình ảnh những con rắn vừa “đến thăm” anh em ở chốt, trong đó có cả rắn hổ chúa. Nếu không phát hiện kịp thời thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tính mạng người lính biên phòng bị đe dọa ngay cả những lúc biên cương không hề có tiếng súng.
*
“Vậy thì có không một dự phóng La Lay?” - một người bạn làm kinh tế khá thông thuộc hai cửa khẩu quốc tế của Quảng Trị hỏi tôi.
Tôi hiểu những băn khoăn của anh, của tôi và có thể của nhiều người khác nữa. Vâng, La Lay cần phải làm gì để trở thành một cửa khẩu quốc tế đúng nghĩa, tạo nên cú hích về kinh tế xã hội ở phía tây nam Quảng Trị và có sức lan tỏa?
Tôi đã nhìn thấy việc xây dựng, mở mang cửa khẩu khi lên La Lay. Nhưng chưa đủ. Giao thông phải là yếu tố tiên quyết. Tôi đem câu hỏi này tới gặp ông Lê Đức Tiến, tiến sĩ kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nguyên giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Quảng Trị. Ông Lê Đức Tiến khẳng định: “Mở một con đường từ cửa khẩu La Lay về cảng Mỹ Thủy cũng là trăn trở của những người làm nghề giao thông vận tải như chúng tôi từ nhiều năm nay. Đáng mừng là Chính phủ đã đồng ý với chủ trương này và hiện đang được xúc tiến thực hiện, chỉ còn 34 cây số cần tiếp tục thực hiện, rút ngắn khoảng cách từ La Lay về Mỹ Thủy chỉ 62 cây số thay vì dài hơn như một dự tính trước kia. Theo tôi dự đoán con đường sẽ thành hiện thực trong giai đoạn từ đây đến năm 2025. Nó hoàn thành sẽ mở ra nhiều triển vọng cho Quảng Trị khi phát triển kinh tế - xã hội và ngoại giao. Vì nó không chỉ nối với Lào mà còn thông thương với nhiều nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây, với cả nước cuối cùng trên tuyến đường này là Myanmar, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương qua con đường dài 1.300 cây số”.
Đã có ý tưởng và đề xuất về một khu kinh tế cửa khẩu quốc tế La Lay. Vấn đề là làm thế nào kinh tế địa phương phát triển và người dân bản địa được hưởng lợi lâu dài. Đó cũng là câu chuyện không giản đơn trong một sớm một chiều. Nhưng với những gì đã có và sắp sửa diễn ra, chúng ta có quyền hy vọng và có nhiều hy vọng.
Riêng tôi, vẫn nhớ đến cột mốc biên giới cũ được cắm ở biên cương từ năm 1978, nay đã thay đổi về đứng trong phòng truyền thống của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Tổ quốc thường là những điều lớn lao trong hình dung của mỗi con người, nhưng đôi khi chỉ giản dị như cột mốc từ hơn 40 năm trước, nay đã xong sứ mệnh của mình, về lại tuyến sau và vẫn sừng sững như một lời nhắc nhủ trang nghiêm và xúc động.
Biên cương phải ngày càng bình yên và tươi mới!
P.X.D