Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đơn vị lần lượt cho anh em về phép thăm nhà một tuần kết hợp với đi công tác. Khoảng giữa tháng 5 tôi và Phượng cùng quê Đô Lương được đi với nhiệm vụ khi trở vào, mua mỗi người mười con gà con cho đại đội nuôi lấy thịt.
Ở bãi cát Lệ Xuyên có những lùm cây lún cún gầy quắt, chỉ còn vài cái lá như sống trong lửa. Thế mà cây vẫn xanh. Mảnh pháo, mảnh bom rỉ vàng rắc dày khắp nơi. Bộ đội ở trong các lán tre lúp túp, giường làm bằng các cây tre hay gỗ xin được từ nhà dân. Mỗi tiểu đội hai lán, sáu người một lán. Khi đi xin tre, ai nào cũng lấy lý do về làm cột cờ. “Ở vùng giáp ranh, cờ bên kia cao hơn cờ ta”. Thế là các ông, các bà chỉ ra bờ tre chọn cây cao mà chặt! Ngày ngày gió thổi cát bay mù mịt. Nắng nóng, bộ đội thường mặc hai lớp áo. Áo trong ướt đẫm mồ hôi. Không có bữa cơm nào mà không ăn với cát. Bộ đội chan canh vào đầy bát, ăn gần hết bát cơm lại đổ phần còn lại toàn cát lắng. Ngày ngày theo lịch làm việc rất chặt chẽ. Sáng dậy sớm năm giờ tập thể dục, ăn sáng, ra thao trường bò lê, tập bắn súng AK, hay cối 60 với A hỏa lực. Tập bắn súng rồi chuyển sang tập chiến thuật. Ngày nghỉ đi năm đến mười cây số lấy gạo, lên rừng xa hàng chục cây số kiếm củi. Đêm nào cũng sinh hoạt, khi tổ ba người, tiểu đội, trung đội rồi đại đội. Có khi nửa đêm bỗng nghe còi báo động. Thế là trong vài phút ba lô, súng đạn đã sẵn sàng hành quân chưa biết đến đâu và bao giờ kết thúc. Dường như không có thời gian rỗi. Đi tập qua làng, hai bên đường nhà nào cũng trồng hoa vạn thọ, hoa mười giờ, cúc đại đóa… Đôi khi có vài cô gái trong làng đi qua thơ thẩn trên bãi cát. Những khi ấy, trong các lán thỉnh thoảng lại nghe tiếng ghẹo gái vang lên. Các cô gái làng mặt đỏ chạy về.
Sau khi nhận lệnh, tôi và Phượng đi bộ ra đến Đông Hà tìm bến xe về Vinh. Ở Đông Hà lúc đó tôi có người chị ruột, sinh viên năm thứ 5, trường Đại học Y Hà Nội vừa vào tham gia công tác trao trả tù binh. Hai chị em gặp nhau một lúc. Chắc ở Đông Hà chị nghe nói về sự ác liệt của chiến trường Quảng Trị, nhất là 81 ngày đêm. Thấy tôi, chị ôm lấy rồi khóc. Hai anh em chia tay chị nhảy lên xe Hải Âu, hai bên sườn xe có hai vệt sơn đỏ chạy dài, xe sắp về Vinh. Về đến Vinh, lại nhảy lên xe về Đô Lương, chia tay nhau về nhà. Ba ngày chơi, thăm bà con, anh em nội, ngoại. Một hôm tôi nghe người ta đồn, chắc là tôi đào ngũ, trốn đơn vị, bỏ chiến trường về nhà. Chập tối một người công an trong làng mời tôi sang nhà ông ta, hỏi chuyện. Gặp nhau tôi gằn lên: “Chúng tôi chiến đấu hi sinh ở chiến trường cho các anh sống ở nhà, đã không biết trân trọng, thăm hỏi mà còn muốn gây sự phải không?”.
Tôi lên hiệu sách Đô Lương mua hai tập từ điển Nga - Việt, loại 25 ngàn từ, bìa cứng bọc vải vàng nhạt, khổ to, nặng đúng 1 kg, vài tập kịch Shakespeare, vài tập tiểu thuyết. Những tập sách cùng đàn gà con đi vào chiến trường với tôi và Phượng. Dọc đường, nắng nóng quá, mồ hôi nhễ nhại, khi xe dừng là hai anh em lại trèo lên nóc xe xem gà còn sống không. Vào đến Lệ Xuyên, hai mươi con gà còn khỏe mạnh hơn người. Hai quyển từ điển thì giấu không cho ai biết.
Từ khi còn ở Phú Bình, Tam cùng tổ ba người với tôi kể, cậu Tam là thầy Nguyễn Văn Quỳ (Người có năm ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ, từng phiên dịch tiếng Nga cho Bác Hồ), chủ nhiệm khoa cơ bản, đại học Xây dựng Hà Nội nhắc cô con gái rằng, trước đây mỗi ngày ông học một trăm từ tiếng nước ngoài, con thử học một nửa thế thôi. Không biết con ông có học được không, nhưng tôi nghĩ ở chiến trường vẫn còn nhiều thời gian, mỗi ngày tôi học mười từ, chắc là được. Thế là mang từ điển vào. Trước khi ra thao trường, tôi chép “trộm” vào mảnh giấy bỏ vào túi áo đúng mười từ. Ngày nào cũng thế trên đường ra thao trường hay lúc nghỉ là lấy tờ giấy đó ra học và thuộc ngay. Một tuần kiểm tra lại thấy vẫn nhớ. Một tháng thấy cũng kha khá từ vựng trong đầu.
Thư nhà đọc giữa Trường Sơn - Ảnh tư liệu
Tháng 12 năm 1974 đơn vị chuyển lên Cùa, tôi vẫn mang theo hai cuốn từ điển và trong đầu có khoảng năm trăm từ tiếng Nga. Những tập sách khác thì bỏ lại. Trên vai bình thường của người lính là 35 - 40 kg, riêng tôi cộng thêm hơn một kilogam sách nữa. Ăn tết xong là hành quân đi chiến dịch 1975. Lại Trường Sơn, leo dốc, xuống dốc. Người lính đã phải đi trong ba trạng thái, đường bằng, lên dốc, xuống dốc. Xếp độ khó như sau: khó nhất đường bằng, nhì xuống dốc và cuối cùng dễ nhất là leo dốc. Đến 23/3/1975 thì đánh trận đầu tiên ở cao điểm 363, trên dãy Cồn Sắt, miền tây Thừa Thiên Huế. Nói là đánh chứ thực ra chưa kịp nổ súng mà nằm giữa rừng chịu trận, pháo địch từ Đá Bạc bắn lên trúng lưng cả tiểu đoàn, như một con rắn khổng lồ bò giữa rừng sâu. Bộ đội bị thương và hy sinh quá nửa. Đại đội 3 chỉ còn vài người nguyên vẹn. Khi những người lính đi đầu đến hàng rào của địch thì nhặt được một túi lương khô, gạo sấy, thuốc lá, kẹo… Thế là hồn nhiên sử dụng. Ai ngờ đó là của thám báo. Chúng nằm ngay bên cạnh đoàn quân chỉnh cho pháo từ Đá Bạc bắn lên, dường như ít sai. Mấy tiếng đồng hồ pháo mới dứt. Một khung cảnh rừng tan hoang, la liệt bộ đội hy sinh và bị thương. Tôi may mắn nằm bên một sườn dốc, pháo bắn các mảnh hắt ra ngoài. Có mảnh pháo bắn vào ba lô rách, nhìn thấy bìa cuốn từ điển. Khi đứng dậy, trước mặt, sau lưng toàn đồng đội người hi sinh, người bị thương, mọi người đang tập trung băng bó cho nhau. Tôi nhích lên một đoạn thấy Hùng, chính trị viên phó đại đội 3, khi ở bãi cát Lệ Xuyên có quen nhau vì cùng hoạt động văn nghệ. Thấy Hùng vẫn đứng trong hầm, nửa người nhô lên, đầu vẫn mũ, ba lô sau lưng, súng ngắn bên hông. Tôi lại gần hỏi, Hùng ơi, có sao không? Thấy Hùng chẳng trả lời. Sờ vào người thì đã cứng rồi. Hùng hy sinh trong tư thế đứng.
Đêm tôi được giao dẫn sáu anh em C1 xuống suối tìm liệt sĩ, thương binh. Suốt đêm mắc kẹt giữa rừng lân tinh và dây buộc quanh người. Chỉ có một người xuống đến suối vác lên được một liệt sĩ thì trời đã sáng. Tình thế đêm ấy buộc tôi phải bỏ lại hai cuốn từ điển Nga - Việt giữa rừng. Quá chiều, đại đội trưởng Trịnh Đình Hạnh dẫn hơn mười người tìm xuống đường một. Nhìn thấy đường một rất gần mà đi mãi không xuống được. Khi biết bị lạc, mấy anh em ngồi nghỉ, dùng “2 oát” gọi về trung đoàn. Lát thấy ba anh em trinh sát đến trèo lên cây nghiêng ngó rồi dẫn đi một lát là xuống đường một.
Sau trận Long Thành, tiến công mở cửa hướng Đông Nam, đơn vị tôi đến đất Sài Gòn chỉ hơn 9 giờ sáng. Trên đường đi, địch dùng bao cát chặn đường xe tăng ta, chừng vài trăm mét lại một chốt như thế và chưa ai biết Dinh Độc Lập ở phía nào. Trung đội cắm cờ đã vào trước, cắm cờ ở Ngân hàng quốc gia Việt Nam Cộng hòa. Về quận 9 đóng quân trong nhà dân, bên cạnh sông Sài Gòn, sáng khô cạn và chiều thủy triều lên ngập nước. Thời gian rỗi rất nhiều, tôi thử kiểm tra lại các từ vựng trong đầu thì hoàn toàn không nhớ một từ nào.
Sau tôi kể chuyện với thầy dạy ngoại ngữ thì biết, học ngoại ngữ theo từng từ thì làm sao mà nhớ được! Chao ôi, một thời lãng mạn quá! Chiến tranh te tái thế mà vẫn nghĩ học tiếng Nga. Chẳng được chữ nào nhưng nó vẫn là ký ức đẹp. Một ký ức không bao giờ quên…