Đ |
êm thiếu trăng, sân chùa vắng lặng, tịnh không một bóng người. Chỉ có cái bóng đèn móc ở trên mái hiên hắt sáng một vùng như chiếc màn phủ chụp lấy khoảnh sân. Từ đầu hôm, sư thầy đi thăm nhà một đạo hữu trong vùng đến giờ vẫn chưa về.
Điệu Sanh bước xuống thềm hiên giỡn bóng, trò nghịch này có lần sư thầy đã khuyên điệu bỏ đi, đừng có đeo đẳng cái ám ảnh con người ta như thế. Nhưng hình như Sanh quên mất, lại vốn tính tò mò nên điệu luôn tìm cách khám phá những điều bí ẩn mà đôi khi người khác cho là vớ vẩn.
Từ trong cái quầng sáng ở sân, điệu Sanh cố đưa mắt nhìn ra vườn cây, song chẳng thấy một thân cây nào, chỉ tuyền một màn đen. Sanh đi thẳng ra vườn, khi đã chìm trong bóng tối thì điệu nhìn rõ cả những chiếc lá đang đung đưa trên cành, vài nhánh khô gẫy rơi dưới đất nữa. Lạ quá, đứng trong chỗ sáng thì không thấy gì, ra chỗ tối lại thấy được?
Điệu đem thắc thỏm này hỏi ngay khi sư thầy vừa vào đến cửa chùa. Sư thầy là một người thông tuệ, ngoài kinh kệ văn chương thầy còn giỏi cả kiến thức của các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Rõ ràng đây là chuyện của ngành vật lý, hiện tượng đồng môi trường quang học, thầy biết căn cớ của nó. Nhưng nói chuyện vật lý với điệu Sanh chẳng khác nào bắt trẻ con mang đá vào đầu, nặng lắm! Hơn nữa, nếu như nhà thơ thi vị hóa cuộc sống, nhà văn tô vẽ cuộc đời, thì bậc tu hành có thể cảm nhận mọi hiện tượng tự nhiên thông qua một thứ lăng kính gọi là nhân sinh quan. Thầy sẽ giải thích điều đó với điệu sanh bằng cách vừa dễ hiểu mà lại thấm nhuần đạo pháp, trước nay vẫn vậy.
Hai thầy trò vào ngồi ngay ngắn trong tịnh thất. Buổi học của điệu Sanh bắt đầu, người truyền thụ không ai khác chính là vị sư khả kính. Sanh đã quên khuấy cái điều lúc nãy, quên như kiểu người ta vẫn nói trẻ con ngủ một giấc, sáng mai quên hết ấy mà. Nhưng sư thầy lại không nghĩ thế, thầy không cho cái sự thắc thỏm của điệu là “đồ trẻ con, để ý làm gì”. Sanh lật vài trang sách lấy khí thế cho buổi học. Trong lúc đó sư thầy đang sắp sẵn những ý tưởng để dạy, cốt sao cho điệu dễ hiểu. Xưa nay, học trò càng nhỏ càng khó dạy là vậy.
- Hôm qua chúng ta đến đoạn thái tử Tất Đạt Đa xin phép vua cha cho đi coi tình hình dân chúng rồi, phải không điệu Sanh? – Thầy hỏi khẽ một câu cốt là để nhắc lại coi điệu có nhớ bài không mà thôi.
Sanh sắp buồn ngủ, định ngáp vặt một cái thì phải há mồm dạ một tiếng rõ to. Sư thầy kể tiếp chuyện về lịch sử đức Phật Bổn sư Thích Ca. Sau khi được vua cha cho phép ra khỏi cung điện. Dù vua cha đã khuyên đoàn tùy tùng đừng để cho thái tử nhìn thấy cảnh cơ cực của dân chúng. Song, mọi sự khó qua được đôi mắt tinh anh của chàng hoàng tử có vầng trán thông minh ấy. Ra khỏi ánh sáng hoàng cung, hòa mình vào cảnh cơ cực của con người và sinh vật, Tất Đạt Đa đã nhận ra nỗi khổ thế gian.
Kể đến đấy, sư thầy dừng lại, úp nhẹ lòng bàn tay vào vai điệu Sanh.
- Cái điều con hỏi lúc nãy, chính là đây. Khi ở nơi ánh sáng, ta khó nhận ra được những điều ở trong bóng tối. Như thái tử Tất Đạt Đa sống sung sướng trong hoàng cung thì không thấy hết nỗi cơ cực của cuộc sống ngoài kia. Chỉ khi ở trong cùng hoàn cảnh, con nhớ chưa, chỉ khi ở trong cùng hoàn cảnh người ta mới thấy rõ nhau.
Buổi học kết thúc ở đó. Hình như Sanh chẳng để ý lắm đến câu chuyện mà thầy vừa kể, điệu nhíu mắt lại. Sư thầy cũng cảm thấy diễn giảng như thế còn trúc trắc khó hiểu và hơi xa vời so với một học trò chưa đầy mười tuổi, chi đành cho điệu ấy tận mắt chứng kiến.
Trước khi nghỉ, thầy dặn điệu Sanh sáng mai hãy cùng thầy xuống phố. Sanh mừng quá, tan cơn buồn ngủ. Xuống phố vui lắm, đông người, nhiều xe cộ, lắm trò thích nhé! Tối đó điệu Sanh nằm trơ mắt khá lâu, cảm giác ngóng chờ đến sáng để được đi chơi cùng thầy. Trong căn phòng không ánh đèn, điệu nhìn thấy biết bao nhiêu thứ, đúng ra là điệu đang tưởng tượng ra nhiều điều, xen lẫn vào cả giấc mơ.
* * *
Sáng hôm sau điệu Sanh dậy sớm hơn mọi ngày. Thường thì sau khi thầy thỉnh xong hồi chuông điệu mới dậy hẳn. Riêng sáng nay, có lẽ do muốn xuống phố nên Sanh bật dậy trước khi nghe chuông. Súc miệng xong, điệu bước vào chánh điện, quỳ đảnh lễ cùng thầy. Nghi thức hành lễ đầu ngày không quá dài, kết thúc bài kệ Hồi hướng trời vẫn chưa sáng hẳn.
Trong chút nhờ nhờ ảo mị, ánh sáng ban mai quyện với sương, chỉ đủ để mắt nhìn ra tới cổng chùa, hai thầy trò tay nải bắt đầu chuyến đi. Đây là lần đầu tiên điệu Sanh được xuống phố cùng sư thầy. Một năm ở chùa, quen với cảnh ở đấy rồi, thành ra Sanh cũng không mấy nghĩ gì đến việc được đi tới những nơi ồn ào đông đúc. Vả lại, trong đầu Sanh, hình ảnh phố xá cũng là thứ xa xỉ mà thôi. Có thì tốt, không cũng chẳng sao, cái hứng thú đi phố hôm nay chẳng qua là tính hiếu kỳ trẻ con. Riêng sư thầy lại khác. Chuyến đi theo dự tính vỏn vẹn một ngày thôi nhưng thầy không muốn vô bổ. Mỗi bước đi của người tu hành đều phải có chơn niệm và mang lại chơn quả.
Ý định đi xuống phố mới nảy sinh tối hôm qua, lúc thầy giảng bài cho điệu Sanh xong coi bộ hàn lâm quá, đành phải tiếp cận hiện thực, như cách giáo dục học đi đôi với hành. Lại nhớ lời dạy của đức Bổn sư trước khi nhập diệt đã nói với ông Tu Bạt Đà La, đại ý, con đừng có tin vào bất cứ ai cả, dầu đó là lời nói ra từ một đức giáo chủ, con hãy tin vào chính mình. Hòa mình vào cuộc sống ngoài kia cũng là một nhiệm vụ của người tu hành, để tìm được chân lý cho niềm tin vững chắc chứ không nhất thiết chỉ dựa vào kinh kệ pháp thư truyền lại. Một công đôi việc, đi để dạy cho điệu Sanh, cũng là để cho thầy tu tập.
Quãng đường từ chùa xuống phố thả bộ chừng nửa tiếng. Mải ngắm cây cỏ ven đường nên thi thoảng điệu Sanh rớt lại phía sau thầy vài bước. Nắng bắt đầu lên. Sanh đi sau, giẫm chân chạm vừa đến cái bóng đổ chập chờn của sư thầy. Chợt nhớ có lần bị thầy quở vì trò giỡn bóng, điệu bước vội lên trước. Lát sau đã tới cái nơi cần tới.
Phố hôm nay y như rằm thầy nhỉ? Sanh thốt lên một câu ngộ nghĩnh trước cảnh người xe ngược xuôi rộn ràng trên đường. Ở chùa, chỉ có rằm mới đông, mà cũng không đông như ngoài phố. Lui tới vẫn những khuôn mặt quen thuộc của đạo hữu và phật tử trong vùng thôi. Ngoài phố đúng là ngày nào cũng đông như rằm thật đấy, nhưng họ không dễ gì quen mặt nhau, mỗi giờ mỗi phút lườn lượt người qua quả là khó nắm bắt được vẻ hình. Nếu có gặp người quen chưa chắc kịp chào nhau một câu cho trọn vẹn.
Một quãng đường vốn là nơi kẹt xe vào giờ tan sở, ùn lại, người sau đẩy người trước. Buộc phải đi. Gấp gáp thế nhưng chẳng tiến được là bao, thầy nhỉ? Thỉnh thoảng điệu Sanh lại hỏi những câu giản đơn khiến thầy băn khoăn. Hình như người ta buộc phải đi và sống theo kiểu đó. Ai cũng biết càng chen lấn chỉ tổ làm chậm vướng chân nhau, nhưng không ai chịu nhường ai vì không tin tưởng người kia cũng có ý thức nhường nhịn như mình. Thành ra cái lòng tin dần dần nhạt đi!
Từ lề đường, thầy dắt tay điệu Sanh len hẳn vào giữa cái đám đông như ghim đinh nhau ấy. Những người cầm lái xung quanh thấy hai cái đầu trọc ngồ ngộ, nửa tò mò ngắm nghía nửa muốn nhường giới tu hành nên không lấn át nhau nữa. Có ý thức một chút rồi. Và họ đâu có ngờ rằng, mười mấy năm sau, tức vào cái thời điểm tác giả đang kể câu chuyện này, có một nhà sư thực hành nhất bộ nhất bái. Trên con đường quốc lộ xe cộ chạy như đua, hình ảnh một nhà sư thong dong chậm rãi đi một bước cúi xuống vái một lạy đã khiến nhiều tài xế lưu tâm mà giảm tốc độ cho.
Đến ngã năm không có bùng binh, nhưng toán xe cộ đã vô tình cô lập hai thầy trò ở chính giữa, và tự dưng hai thầy trò hệt một cái bùng binh tưởng tượng cho từng loạt xe vo cua. Người vẫn xoáy quanh như quấy xô đa, đặc quánh lại. Có người lái xe chạy hết một vòng quanh hai thầy trò mà vẫn chưa tìm ra nghẽ ngách nào để rẽ về nhánh đường của mình. Thế đấy, đôi khi biết con đường đúng rồi mà không thể đi vào được, đành phải luẩn qua luẩn quẩn. Những biển báo chỉ dẫn đường đi chi tiết. Ai cầm lái đều có bằng, có hiểu luật giao thông. Song, không phải ai cũng tuân thủ. Vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, đi sai làn đường… Biết sai cả đấy, thế mà vẫn cứ liều. Có khổ không!
Hai thầy trò đi thêm vài con phố nữa. Tuy không đông đúc như cái phố trung tâm. Đường có thưa hơn nhưng người ta phạm luật thì vẫn cứ. Thấy thưa thớt thì đánh võng, đua xe, hoặc không đua mà vẫn ráng bồ cóc ra chạy vút cái lèo.
* * *
Đứng giữa phố phường, tự dưng Sanh nhớ ngôi làng nhỏ bé của mình, nơi ấy Sanh đã sống mấy năm tuổi thơ trước khi vào chùa. Nhớ là vì hồi đó mấy đứa trẻ con trong xóm cứ ao ước được lên phố cho biết, nghe nói trên phố người ta giàu sang sung sướng lắm. Chả bù cho cái làng được bao quanh toàn đồng ruộng của mình.
Bắt đầu mùa, nhà nhà dắt trâu ra đồng cày ruộng. Nắng trưa hành hạ người cày. Người cày cầm roi tre quất trâu đi, đứng đó mà thở đấy à? Đi! Đi! Giống cảnh người trên này húc bánh xe vào nhau mà thúc. Bóng người bóng trâu úp lên nhau trên mặt đất bùn lô hốc lô hiểm. Đến mùa gặt nắng lại càng to. Bà con mừng lắm vì nắng càng to phơi lúa càng sướng. Còng lưng đưa vằng vơ từng bó lúa. Bóng người bóng nón trải lên trên khóm chẹn lúa vàng. Phăng tay gặt luôn cái bóng. Điều này người ta rất kiêng kỵ, cũng phải làm thôi. Phang vằng rồi cái bóng vẫn ở trước mặt.
Mấy đứa trẻ con rủ nhau đi tát cá ở những hố bom giữa đồng. Lấm la lấm lết bùn dính từ đầu xuống chân. Bắt được oi cá đem về cho mạ nấu ăn. Cả nhà mừng lắm. Nhưng ba lại buồn, nói tụi bay sau này đừng có ở làng này nữa. Cực! Kéo nhau lên phố mà ở cho sướng.
Thì bây giờ Sanh đang đứng ở phố này, nghĩ bụng, phố cũng chẳng phải sướng đâu.
* * *
Về đến cổng chùa thì đã chiều muộn. Trời nhá nhem mờ mờ như hồi sáng ra đi. Ngày thứ nhất xuống phố, hai thầy trò chẳng quan sát được gì nhiều ngoài chuyện xe cộ. Chỉ chừng ấy thôi, ý thầy là để điệu Sanh thấy cái xô bồ tất bật của cuộc đời, cảm được cái khổ của sự đua chen chứ không phải đơn thần chỉ quan sát giao thông. Hơn nữa, bài học đầu tiên của chương trình thực hành là bài học về con đường. Người ta phải biết được con đường mình đi như thế nào đã rồi mới đi được. Sự tu tập cũng khó khăn như thế, và cũng cần có một con đường, không gì khác ngoài việc đi thẳng vào cuộc đời chẳng ngại lánh né.
H.C.D