Chợt chẳng nghĩ đến nguồn cơn của sông và cũng chẳng nghĩ đến của mình, bởi lòng nghe như lá, qua thu rồi mà vẫn còn rớt. Một vài câu chuyện khiến lòng chẳng ở yên, nhưng đi thì không được, con người cũng như chiều mắc lên cánh đồng từng vạt nắng, trong vô cùng buồn vui thì có những thứ không thể chậc lưỡi, thôi thì cứ để ở đó, cả người và cả lòng người. Chẳng phải chờ chi, như con nước, như lá trên cây, cứ để.
Mà hồi này cánh đồng vắng teo, trẻ nhỏ đi đâu hết. Cả cánh đồng xanh rì chỉ vài con trâu gặm cỏ, rất lười. Chúng cũng ngắm chiều buông, chắc là đang nhớ về nơi mà chúng từng xuất hiện trước đó, trên cánh đồng này. Ví như núi rừng, ví như biển, hoặc một nơi tương tự cánh đồng mà chúng đang đứng với buổi chiều đang chao lên bởi nắng, bởi chút gió thổi ngang cũng có thể trở thành cơn bão lòng, rồi từ đó chúng phá cọc đi tìm nơi chúng nhớ.
Có khi, ta nhớ nơi mình từng có. Chẳng phải trong lòng mẹ, cũng không phải ngày nghe tiếng hát ru ầu ơ. Đó là tận cùng réo rắt, của nỗi buồn không nguồn cơn, nó có từ cả tỷ năm khi ta chưa hình thành. Bởi thế mà khi sinh con, người mẹ hay coi mặt, người cha hay coi tướng, nếu con có chút buồn phảng phất là thấy thương.
Huống chi một người thấy lá không thèm quét, từ mấy mùa chồng chất lên nhau. Có khi cha mẹ rầy la, có khi chậc lưỡi, bởi thấy trong mắt con có một mùa thu kiếp trước, trong xanh và buồn, nhởn nhơ mà quấn lấy không dứt. Có khi mẹ thường kéo con ra bằng vài câu hỏi, sao không quét lá đi cho sạch… lòng. Cha đứng xa đằng hắng rồi bâng quơ chọc có ai như nhớ người yêu.
Cũng có khi nỗi buồn là người yêu, nó vắt từ thiên cổ. Bởi không dưng mà bật bản nhạc buồn, nhìn bờ sông vắng, ngó khu vườn đi như người vừa mới thoát thân. Ai cũng có định mệnh của đời mình, mà định mệnh làm sao chối cãi, chỉ biết nhìn chúng, rưng rưng. Cầm thì thấy đau mà vứt thì tội quá, thôi thì cho ở cùng, để lâu lâu đem ra coi, như những thứ vừa lướt qua trước mắt, có vẻ vui.
Mùa này hoa dại nở khắp, bông màu hồng, bông màu tím, bông màu đỏ… rớt tận sân vườn, lắt lay ngoài bờ cỏ. Rồi những áng mây chiều bay như đóa phù dung, khi trắng, thoắt hồng, chiều về đỏ quặt… Người ngó mông lung nghe nắng cũng buồn, cố tìm ra lý do để hiểu hoặc để tìm nguyên nhân, nguồn cội. Rồi cứ thấy chẳng hao mòn, mỗi ngày đều đến rồi đi mà không lớn cũng chẳng bé đi, nỗi buồn cứ nguyên khối, lung linh, rần rật.
Người có lúc nghĩ khi mình buồn vô tận hoặc dùng dằng giữa nỗi buồn và niềm vui. Lúc đó nghĩ ai hắt mình ra cuộc đời này. Có người hờn mẹ cha vì chín tháng mười ngày cho ra mình thấy khổ, có người bắt bớ những người xung quanh, có người tự vấn mình nhưng tuồng như chẳng ai đi đến, chỗ ngày đầu tiên có mình. Nơi ấy có sẵn cuốn nhật kí của những tháng ngày của đá, của đất, của cái cây lúc mới nhú mình và của con người khi mới vừa trở mình thấy ánh sáng. Lúc ấy đã rất cô đơn, chẳng sợ hãi nhưng lạ lẫm, chẳng phải gấp gáp nhưng cũng chảy như sông. Trên dòng có trong đục, trong mình có buồn vui. Khi ta hòa vào nhau, nhảy nhót, hét hò, ca hát rồi hạ màn, cuộc vui tàn, ta thấy ngay niềm vui hờ hững. Chỉ có sự cô đơn của mình mới thực sự mênh mông, cứ như lòng ta là cuốn vở, trong đó ghi lại những nhớ nhung, sầu muộn, những điều khiến ta đau. Rồi thở dài nhìn con sông vắng ngắt, ta đi tìm những thứ vừa trôi đi, không thấy nó, không thấy mình trong nó.
Bữa trước cha đi, ta bắc ghế ngồi. Coi con sông là cuốn sổ mênh mông ghi nhớ. Bữa sau mẹ đi, ta đứng chơi vơi. Coi cánh đồng là nơi để nảy sinh hoang vắng, con sông là chỗ cuối cùng để gặp nhau, bầu trời là nơi đem nỗi nhớ đi thả. Nỗi nhớ như hạt giống nảy mầm, theo mây gió đi mênh mang.
Bữa sau mẹ về đứng ở đầu ngõ nhắc ta quét lá. Ta ngồi thu mình như mùa yêu thương đi mất, ta che giấu, như chẳng hề chi. Bữa trước chị qua nhà, kêu đừng để lá, có người về thấy lòng đau. Ta bảo, không ai làm ai đau, chỉ tại lá rớt, từ mùa này sang mùa khác, từ những cánh rừng rộng lớn đến khu vườn rồi những cái cây. Ví dụ như một mùa, lá không rớt coi cây có gãy đi không. Hay là kiểu ban phát nỗi đau, rớt đi một chút cho trời thêm lạnh. Cho con người cứ nghĩ mình có tiền kiếp, có những nỗi buồn rất sang. Hay đó là duyên cớ, để bảo, một người, sự vật, sự việc gì đó làm mình đau, chớ không phải tự đau.
Vốn dĩ cuộc đời con người như nước chảy qua sông, cứ chảy cho tới khi cạn nguồn thì chờ mưa. Cứ đi lượm hết tuổi mình để về với đất. Khi đó nếu có người chê qua vườn thấy toàn lá, thì ta trả lời dửng dưng: quét làm chi để sạch những yêu thương, may mà khu vườn dấu yêu vẫn còn ngập lá…
H.H.L