Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Buộc đất lửa nảy mầm xanh

Nhu cầu nông sản sạch của thị trường đang tăng, những quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ ngày càng mở rộng. Tất cả hứa hẹn sẽ mang đến một diện mạo tốt lành cho vùng đất chỉ nhiều nắng và gió.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI được xem là thời điểm cần phải có bước “đột phá” về nông nghiệp của địa phương. Nói cách khác, đã đến lúc nông nghiệp phải sản xuất theo chuỗi và người nông dân cần có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tổ chức xuất khẩu. Thay đổi được là rất khó nhưng nhất thiết phải thay đổi. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra quyết liệt, rất nhiều máy móc sẽ thay thế các công cụ lao động truyền thống. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI xác định: “đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững”. Đây có thể xem như là dấu mốc khơi dậy lên khát vọng về một nền nông nghiệp mang hơi thở của công nghệ hiện đại, của khoa học tiến bộ trên miền đất nắng và gió.

Kể từ sau Đại hội, để chứng minh quyết tâm hiện đại hóa nông nghiệp của mình, chính quyền phê duyệt các dự án đầu tư vào nông nghiệp có ứng dụng công nghệ. Những người nông dân dù còn khá xa lạ với các khái niệm về “nông nghiệp công nghệ cao”, “công nghệ 4.0”, họ bắt đầu tập tành sử dụng những máy móc, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, không phải chỉ là trồng trọt, chăn nuôi theo các phương pháp cổ truyền. Cùng với họ, chính quyền và các nhà khoa học đã cùng ở, cùng làm với bà con. Năm năm trôi qua, đầu tư của tỉnh cho nông nghiệp công nghệ cao tăng dần. Các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học và công nghệ đang xuất hiện đã cho thấy hiệu quả khiến không ít người ngạc nhiên.

Lãnh đạo tỉnh thăm vườn chanh leo ở Hướng Hóa - Ảnh: Hưng Thơ

Lãnh đạo tỉnh thăm vườn chanh leo ở Hướng Hóa - Ảnh: Hưng Thơ

Vườn rau không đất

Những ngày cuối năm, miền Trung đón nhận đợt rét đậm rét hại mạnh nhất từ đầu mùa. Len lỏi giữa những giàn rau xanh, bà Trần Thị Sáu nheo mắt nhìn khu nhà màng che mưa gió ngoài trời, mỉm cười cúi xuống tay lựa, tay nhổ từng cây cải khỏi giàn trồng. Trong khi ruộng vườn làng quê hoang hoải thì vườn rau trồng trong nhà màng của bà vẫn xanh mơn mởn. Khu nhà màng này của gia đình bà Sáu là công trình phục vụ dự án rau sạch áp dụng công nghệ thủy canh được triển khai ở HTX Thành Công (xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh) bốn năm trước.

Bà Sáu kể, thời điểm đó ở Quảng Trị công nghệ trồng rau bằng phương pháp thủy canh còn mới mẻ chưa ai dám đầu tư vì giá cao và lắp đặt phức tạp. “Nhiều người bảo tôi liều lĩnh cũng phải. Tiền của đổ vào đây không ít. Hồi đó cũng lo lắng, vất vả lắm. Nhưng hai năm nay thì khác rồi. Vườn rau cho thu hoạch ổn định về sản lượng và chất lượng tốt dần thì việc bán buôn cũng dễ dàng hơn hẳn” - Bà Sáu vui mừng cho biết.

Đi thăm các cụm rau xanh được trồng theo quy trình công nghệ thủy canh ở quy mô khá lớn, chúng tôi rất khâm phục tinh thần “dấn thân” cho nông nghiệp công nghệ cao của chủ vườn. Những việc người khác coi là bình thường thì đối với bà Sáu, 55 tuổi, không được đào tạo bài bản về nông nghiệp hiện đại, đây quả là một cuộc cách mạng khi đã “dám” làm nông theo kiểu chưa ai mở lối. Với diện tích 1.000 m2, gia đình bà Sáu đang phát triển các loại rau như: cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách, rau muống... bằng phương pháp thủy canh hồi lưu. Hạt giống rau sau khi được trồng trong giá thể mút xốp đã diệt khuẩn sẽ được đặt vào hệ thống đường ống nhựa nằm cách bề mặt đất khoảng một mét. Chất dinh dưỡng được pha theo tỷ lệ thích hợp sẽ hòa vào nước chảy qua những ống dẫn để nuôi sống cây rau phát triển từ lúc trồng trong mút xốp cho đến lúc thu hoạch. Nước này có thể tái sử dụng, chỉ cần bổ sung khi nó bị mất bớt do bay hơi.

Nhà màng trồng rau thủy canh ở HTX Thành Công (xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh) - Ảnh: C.N

Nhà màng trồng rau thủy canh ở HTX Thành Công (xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh) - Ảnh: C.N

Bà Sáu cho biết thêm, trồng rau thủy canh ban đầu vốn rất lớn nhưng với mỗi lứa rau ăn lá chỉ cần 25 đến 30 ngày là thu hoạch nên một năm có thể trồng được nhiều vụ hơn cách trồng trên đất, giá bán cũng cao hơn nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Nhờ quy trình sản xuất hiện đại và hoàn toàn khép kín, rau lên nhanh, độ sạch tuyệt đối cũng như màu sắc đẹp, tươi non và đặc biệt để được lâu vì thu hoạch luôn cả gốc rễ.

Bốn năm qua, nhờ cần mẫn vận hành hệ thống tưới tự động, các giàn rau vẫn cho thu hoạch đều đều và nhận chứng nhận rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Hằng ngày, bà Sáu bận rộn thu hoạch rau xanh bỏ mối cho khách mua buôn đến từ Đông Hà, cung cấp cho các quầy hàng, các chợ hoặc bán loanh quanh cho bà con trong vùng. Khách đến mua tại vườn có thể tự tay chọn rau ngay trên giàn. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến. Nhận thấy nhu cầu rau sạch của thị trường đang tăng, bà Sáu dự định lắp đặt thêm hệ thống điều hòa nhiệt độ và sản xuất thêm một vài loại rau ăn lá. Các đoàn lãnh đạo tỉnh về thăm mô hình đã động viên gia đình bà nỗ lực tăng sản lượng và chất lượng, trở thành hình mẫu để áp dụng tại các nơi khác trong toàn tỉnh để đông đảo nhân dân được ăn rau sạch.

Hiện thực giấc mơ đưa hồ tiêu qua châu Âu

Tôi đã về vùng đất đỏ phía đông Vĩnh Linh nhiều lần. Và lần nào cũng bị thu hút bởi những vườn hồ tiêu xanh ngút tầm mắt, thơm nồng nàn. Nguyễn Tấn Minh - Phó giám đốc HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh dẫn tôi đi giữa màu xanh ngút mắt ấy vào mùa cây hồ tiêu đang kỳ tái sinh.

Chúng tôi ghé thăm một vườn tiêu canh tác hữu cơ ở xã Kim Thạch vào giữa trưa, đúng lúc hệ thống tưới bắt đầu hoạt động. Từ các ống nhựa trải dọc theo những cây tiêu, nước từ các lỗ nhỏ dọc ống phun ra bốn phía hắt lên trên thấm ướt đẫm gốc và vùng đất xung quanh gốc. Minh cho biết hệ thống tưới tiêu ở vườn này được tự động hóa, nước và phân bón được chuyển vào cây bằng hình thức tưới nhỏ giọt của Israel. Đây chỉ là một trong hàng chục vườn hồ tiêu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở vùng này.

“Trước đây, việc tưới cây rất mất thời gian, lại khá vất vả do phải di chuyển vòi bơm hoặc gánh nước tới từng gốc cây. Bây giờ nhờ có hệ thống tưới nhỏ giọt cấp nước đều đặn, đủ lượng, cây tiêu tươi lắm, ít bệnh. Mà cho ra hạt tiêu tròn, căng mẩy, vỏ mỏng”. Minh giải thích và cho biết thêm cây hồ tiêu được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho năng suất cao gấp rưỡi lối canh tác truyền thống và được kỳ vọng sẽ tăng lên cao hơn những mùa tới.

Thành lập năm 2017, HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đã xây dựng nên thương hiệu hồ tiêu hữu cơ - dự án nông nghiệp sạch hướng đến phân khúc nông sản cao cấp trong nước cũng như xuất khẩu quốc tế. HTX đưa ra mô hình liên kết và buộc nông dân tham gia cam kết thực hiện theo đúng phương pháp mà HTX đưa ra. Thuốc trừ sâu hóa học gần như được loại bỏ hoàn toàn và thay thế bằng sản phẩm sinh học, áp dụng máy móc hiện đại nhằm giảm bớt sức lao động con người. Sau gần 3 năm miệt mài, HTX đang quản lý 120 ha diện tích trồng tiêu, trong đó khoảng 24 ha đã được tổ chức IQC Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, còn lại trên 85 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng hằng năm khoảng 200 tấn. Không tiết lộ doanh thu nhưng theo Minh, từng dự án hồ tiêu hữu cơ đều cho kết quả rất cao.

Minh chia sẻ rằng ngay từ ngày đầu thành lập HTX, các thành viên đã tính đến thực hiện một kế hoạch bài bản, tìm đầu ra tốt nhất cho sản phẩm hồ tiêu. Để tạo được thương hiệu hồ tiêu Vĩnh Linh, bên cạnh đầu tư vào vùng trồng, HTX còn đầu tư cả nhà kho, hệ thống máy chế biến hồ tiêu thành sản phẩm và đóng gói mẫu mã đẹp mắt để tăng giá trị cho nông sản. Đúng hai năm trước, hồ tiêu Vĩnh Linh được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xác định loại hạt này trở thành sản phẩm kinh tế của Quảng Trị. Các hoạt động quảng bá, giao thương buôn bán nhờ thế thuận lợi hơn rất nhiều. “Tất nhiên, đó mới là sự thành công ban đầu. Để đi đường dài chúng tôi còn phải tiếp tục có những sự đầu tư hơn nữa về mặt kỹ thuật và công nghệ, làm sao cho chất lượng sản phẩm hồ tiêu ngày càng được nâng lên”, Minh nói.

Hơn hai tháng trước, HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh phối hợp cùng với Công ty TNHH Sơn Hà Bắc Ninh (là đơn vị bao tiêu sản phẩm hồ tiêu của HTX) mời nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức chứng nhận hữu cơ toàn cầu Control Union đi thực tế tại các vùng trồng tiêu của HTX, kiểm định chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất hồ tiêu. Kết quả là có 3 ha hồ tiêu hữu cơ của HTX vượt qua khâu kiểm tra khắt khe về dịch hại lẫn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu.

Nguyễn Tấn Minh (ngoài cùng bên trái) - Phó giám đốc HTX SXKD Hồ tiêu Vĩnh Linh  tham dự Hội nghị hợp tác phát triển chuỗi giá trị toàn cầu tổ chức tại Thái Lan - Ảnh: NVCC

Nguyễn Tấn Minh (ngoài cùng bên trái) - Phó giám đốc HTX SXKD Hồ tiêu Vĩnh Linh tham dự Hội nghị hợp tác phát triển chuỗi giá trị toàn cầu tổ chức tại Thái Lan - Ảnh: NVCC

Không bất ngờ với kết quả này, Minh chia sẻ: “Chúng tôi mất 3 năm bền bỉ thực hành sản xuất theo hướng hữu cơ. Đầu tiên chọn vùng đất sạch đủ điều kiện canh tác hữu cơ. Tiếp đó, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và đóng gói. Cán bộ của HTX thường xuyên phải có mặt trên vườn để ghi chép, giám sát quá trình canh tác, đảm bảo nông dân không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Vốn đầu tư ban đầu cho đất đai và công nghệ rất lớn so với canh tác theo truyền thống. Đổi lại, xuất khẩu được vào châu Âu cũng như một tấm vé thông hành cho doanh nghiệp mở rộng ra các thị trường khác”.

Vào mùa thu hoạch năm sau, những hạt tiêu thơm ngon nồng cay tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế đầu tiên sẽ lên máy bay vượt vùng đất đỏ đưa hồ tiêu Vĩnh Linh đến tận tay người tiêu dùng châu Âu. Minh cười nói: “Biết đâu tương lai còn vươn ra thị trường khắp thế giới”.

Vẽ tiếp bản đồ vùng nông nghiệp công nghệ cao

Vườn rau không đất của bà Sáu và hồ tiêu hữu cơ của HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh là hai chấm son trên tấm bản đồ nông nghiệp ứng dụng công nghệ của tỉnh Quảng Trị. Đến nay các lĩnh vực nông nghiệp từ trồng trọt đến chăn nuôi đều xuất hiện những mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến. Dù vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, thử nghiệm, nhưng các mô hình này đang mở ra cho nông thôn Quảng Trị một cơ hội làm ăn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2020 - 2025 phải thực hiện có hiệu quả các đề án trọng tâm về nông nghiệp, trong đó “ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, công nghệ cao”. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Trị đang quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, nhất là sau khi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND ban hành các cơ chế ưu đãi đặc thù và cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ hợp tác sản xuất, người nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Trị có thể tự tin với một thế mạnh rất quan trọng: đó là đa dạng về địa hình, đất đai, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau thích hợp cho phát triển nông nghiệp, có nhiều loại cây trồng mang tính đặc sản vùng miền có khả năng cạnh tranh cao như: lúa chất lượng cao, cà phê Arabica, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu... Gần đây, trong khuôn khổ các chương trình kêu gọi đầu tư, Quảng Trị trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn, như Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn FLC, Tập đoàn ISE food, Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, Công ty Do Holdings…

Nhắc đến Quảng Trị, bè bạn trên mọi miền đất nước thường nhớ đến hình ảnh “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ…”. Sống ở đây là khổ, khổ vì nắng, vì mưa, vì ngùn ngụt gió Lào. Người ta ví đồng đất như một cái rổ thưa, nắng ba ngày đã hạn, mưa ba ngày đã úng. Làm ra hạt lúa củ khoai trên đất này người nông dân phải chịu thương chịu khó gấp nhiều lần so với những vùng đất bờ xôi ruộng mật với tinh thần “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” và “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Mới nghe tưởng đâu là sức người có thể xoay chuyển cả trời đất, mà thực tế thì con người khốn khổ vô cùng vì thời tiết nên nền kinh tế nông nghiệp đến tận thế kỷ 21 rồi, nhiều khi vẫn chỉ biết “nhờ trời, lạy trời”.

Bây giờ, giấc mơ về một nền nông nghiệp hiện đại trên miền đất khắc bạc đang dần được hiện thực hóa không chỉ nhờ những khu vườn như của bà Sáu, anh Minh hay một số cá nhân có tâm huyết khác mà thực sự đang được khởi động mạnh mẽ bởi những dòng đầu tư mạnh. Nhu cầu nông sản sạch của thị trường đang tăng, những quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ ngày càng mở rộng. Tất cả hứa hẹn sẽ mang đến một diện mạo tốt lành cho vùng đất chỉ nhiều nắng và gió.

 

HẠNH NGUYÊN

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground