Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Các anh ơi xin đón các anh về"

LTS: Suốt 24 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 - BCHQS Quảng Trị lầm lụi, bươn bả trong những cánh rừng Lào đi tìm đồng đội. Không thể kể hết những gian truân, vất vả, hi sinh… Và cũng không thể kể hết niềm vui sướng mỗi khi tìm được dù chỉ một đồng đội, đang nằm ở một góc rừng quạnh vắng… “Các anh ơi, chúng tôi xin đón các anh về Đất Mẹ!” - đó là lời khấn nguyện của người lính quy tập hài cốt liệt sĩ 584, trong mỗi chuyến hành quân bền bỉ, dài lâu tìm đồng đội… Trong 24 năm qua, 3430 hài cốt liệt sĩ (trong đó, 111 hài cốt có tên, quê quán, đơn vị) đã được bàn tay chiến sĩ 584 nâng niu, vượt suối băng ngàn đưa về Tổ quốc yên lành. Nhưng họ, những người đi tìm đồng đội, có người đã hi sinh, đã nằm xuống trên đất nước Triệu Voi.  

Hoa chăm pa trong chùa Đen-sa-vẳn

T

háng Năm, hoa chăm pa nở, hương hoa thơm nồng trong khuôn viên chùa Đen - sa - vẳn, huyện Sê - pôn. Sư thầy trụ trì Khăm Đi, từ mấy hôm nay tất bật công việc chuẩn bị cho buổi lễ trang trọng này… Đêm khuya, sư thầy thức dậy thắp hương lên bàn thờ Phật, bàn thờ các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam, rồi gõ mõ, tụng kinh cầu cho linh hồn các liệt sỹ được siêu thoát, được trở về đoàn tụ với gia đình, đồng đội. Sư thầy Khăm Đi lặng lẽ ngắm 55 bộ hài cốt liệt sĩ nằm kề bên nhau, đội ngũ chỉnh tề trong nhà lễ. Các anh đã mấy chục năm, ra đi từ lúc còn thanh xuân, bây giờ trở về, chỉ còn… Một giọt nước mắt trên mi khẽ lăn dài…

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sáng ngày 9/5/2008, nắng vàng ong. Đoàn cán bộ, nhân dân và các em học sinh huyện Sê Pôn cùng nắm chiếc dây dài kéo sau chiếc xe chở 55 hài cốt liệt sĩ. Tiếng nhạc nhà chùa trầm mặc, da diết. Sư thầy Khăm Đi nói với chúng tôi, đấy là một phong tục thiêng liêng của dân tộc Lào, được cử hành đối với những người thân yêu của bản làng, của bộ tộc đã khuất… Hai chiếc xe Zin ba cầu dã chiến lấm lem bùn đất, bụi đỏ bám đầy của Đội 584 chậm rải lăn bánh, nhọc nhằn qua cửa khẩu. Hai chiếc Zin ba cầu với lỉnh kỉnh vật dụng cho cuộc sống dài ngày ở rừng, nào can nhựa đựng nước, thùng gỗ đựng gạo, sọt tre, nồi niêu, soong chảo… Và bóng những người lính mang trang phục bảo hộ lao động, mũ tai bèo đã rất bạc màu trên thùng xe… Trung tá Lê Thanh Bình, đội phó Đội 584 nói: “Trước ngày về nước, đơn vị đã tổ chức sinh hoạt, quán triệt anh em cán bộ, chiến sĩ mặc bộ áo quần còn đẹp nhất, mới  nhất, lành lặn nhất. Nhưng nói thật với anh, đây là bộ áo quần còn lại duy nhất. Suốt bảy, tám tháng bươn trải trong những cánh rừng Lào, giữa mùa khô khắc nghiệt, có thứ vải nào chịu được. Và một lẽ nữa, trong khi làm nhiệm vụ, nhìn thấy cuộc sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn quá vất vả, anh em đã dành tặng những bộ áo quần công tác của mình cho bà con. Vậy nên, đến khi về biên giới, đa số mỗi người chỉ còn một bộ áo quần công tác…”.

Mùa khô 2007 - 2008, mũi tìm kiếm do Trung tá Bình - Đội phó chỉ huy vượt rừng đến bản Ma - dút (huyện Sê Pôn). Nguồn tin của ông Bun Hơn - người biết nơi chôn cất các liệt sĩ, khiến ai cũng như được tiếp thêm sức mạnh, nhanh chóng đạp núi, băng rừng. Đường hành quân phải vượt qua điểm cao 500, “dốc khủng khiếp”, đến nơi thì trời vừa tối. Từ đây có thể nhìn thấy Khe Sanh, Lao Bảo. Rừng Lào mùa khô gió xao xác, muôn triệu vì sao tỏa ánh sáng lung linh, huyền ảo. Nỗi nhớ nhà, nhớ người vợ bệnh nặng đang nằm bệnh viện bất chợt dâng trào làm Trung tá Bình cứ mãi trằn trọc trên chiếc võng đung đưa… Anh tự nhủ mình gắng chợp mắt, để lấy sức ngày mai đào tìm đồng đội… Nhưng rồi, suốt đêm đó và n¨m đêm tiếp theo, chẳng đêm nào anh được yên giấc… Bởi các anh đã đào tìm, băm nát đỉnh đồi theo lời chỉ dẫn của Bun Hơn, vẫn không tìm thấy hài cốt liệt sĩ nào… Đã mấy chục năm qua rồi, Bun Hơn cũng đã quá già, trí nhớ có thể không còn chính xác… Không còn nỗi nhớ nhà, nhớ con nữa mà thay vào đó là sự dằn vặt, day dứt, không yên lòng với các liệt sĩ đang còn nằm đâu đó trên điểm cao này… Trên cánh võng đung đưa, dưới muôn triệu vì sao giữa bầu trời mùa khô rừng Lào xao xác, một mùi thơm dịu nhẹ, tinh khiết thoảng trong không gian tĩnh lặng… Trung tá Bình bật dậy, lấy đèn pin soi tìm. Anh lần theo mùi huơng bí ẩn, xuống khe suối cạn. Bất chợt hiện ra trước mặt là một nhành hoa chăm pa! Những cánh hoa sứ trắng muốt, êm đềm, thanh sạch ngào ngạt… Anh thét lên: “Đây rồi, các đồng chí ơi, tìm thấy rồi…”. Và anh giật mình tỉnh dậy, anh em trong tổ cũng giật mình tỉnh dậy… Ôi, đó là một giấc mơ… Những giấc mơ tìm thấy liệt sĩ giữa rừng già thâm nghiêm thường trực trong từng giấc ngủ của từng người lính đi tìm đồng đội… Vậy mà rốt cuộc, chuyến đi ấy mất trọn một tuần, không tìm được liệt sĩ nào… Trung tá Bình ra lệnh thu quân mà lòng trĩu nặng… Nhưng tất cả mọi người, trong suy nghĩ đều tự hứa với mình sẽ trở lại cao điểm 500 này khi nào có nguồn tin chính xác hơn… Biết rõ liệt sĩ đang nằm đâu đó trên đỉnh núi này, vậy mà chưa đưa về được, lòng như muối xát. Trở về điểm tập kết, ba lô nhẹ tênh mà sao cái bước chân líu ra líu ríu, nặng nề quá đỗi…

Thuở ban đầu trăm ngàn gian khó

Những chuyến “về không” như vậy, cũng là chuyện thường gặp. Nguyên đội trưởng Trần Quang Trung (nay đã nghỉ hưu tại huyện Gio Linh - Quảng Trị) nhớ lại trong khoảng thời gian hai chục năm trước: Nhận lệnh đi qui tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, ai cũng cứ ngỡ sáng sớm xuất phát từ Huế là chậm nhất khoảng bốn, năm giờ chiều là lên tới huyện Su Muồi, tỉnh Sa vẳn na khệt, bởi đoạn đường chỉ có 250 km chứ xa xôi gì? Ấy vậy mà hai “bác” Gát già phải ì ạch bò mất đúng bènngày. Biết làm sao được. Lẽ ra hai “bác” Gát già nua ấy phải được “nghỉ hưu” từ lâu rồi. Có lần, 14 anh em lầm lũi vượt đèo, lội suối từ lúc tiếng gà rừng gáy sáng đến khi ông mặt trời rọi những tia nắng rát bỏng xuống đỉnh đầu, bụng ai cũng đói meo mà không hề tìm ra mộ nào, mặc dầu người dân cho biết khu vực mà họ tìm kiếm có khoảng 50 mộ. Vài chiến sĩ quá mỏi mệt, bàn lùi nên quay về ăn cơm, chiều đi tìm hướng khác. Sự mệt nhọc lúc này như một căn bệnh lây lan, khiến đội phó Nhiệm cũng không giữ được bình tĩnh. Bước thấp bước cao, Nhiệm lầm rầm trong miệng: “Đồng đội ơi, các anh các chị có linh thiêng hãy mách bảo chỗ nằm để anh em tôi đưa về nước…”.Tưởng là nói cho vui, nào ngờ từ trong bụi rậm cách chỗ Nhiệm đang đi không xa, loáng thoáng như có tiếng kêu thảng thốt của một chiến sĩ trẻ: “Ở đây rồi! Nhiều lắm!... Vào đây mà lấy anh Nhiệm ơi!”. Mọi người đổ xô đến, chẳng thấy ai cả, nhưng sao đất ở đây mềm thế nhỉ? Chọc lưỡi xẻng xuống, ấn nhẹ, xẻng ngập hai phần ba. Tiếp tục đào sâu thêm, đụng lớp tăng mỏng… Tìm thấy các anh rồi! Hôm đó lấy được 38 bộ hài cốt vây quanh lùm cây.

Thi hài liệt sĩ thường được bọc trong bao nilon, chôn sâu khoảng 1,5 mét. Hãy tưởng tượng ngồi dưới đáy mộ hình chữ nhật dài khoảng 2 mét, rộng 0,5 mét sâu 1,5 mét dưới cái nắng hầm hập của mùa khô rừng Lào và nhặt nhạnh từng mảnh xương liệt sĩ? Người không quen, vài chục phút có thể ngất xỉu. Vậy nhưng rồi còn phải đào xới hất từng xẻng đất nhỏ lên để người ngồi trên bóp vụn ra tìm kiếm những mẩu xương nhỏ nhất. Với những mộ đã phân hóa rồi còn khả dĩ. Nhưng cũng không ít mộ, thi hài bọc trong hai, ba lớp tăng nilon chôn sâu nơi đất khô ráo, mấy chục năm rồi chưa kịp phân hủy, nay được đào lên... Có chiến sĩ mới lần đầu tiên trong đời gặp hài cốt kiểu này, sợ, nhảy tót lên mặt đất. Cán bộ, đảng viên trong đơn vị phải gương mẫu, xuống huyệt mộ tiếp tục công việc.

Anh Trung kể. Có một lần, chuyến công tác mùa khô năm 1986, cả đội bươn bả suốt ngày trời không thấy gì, mãi gần tới tối mới thấy một ngôi mộ đắp toàn bằng đá, đào xuống, mở lớp nilon bọc thi hài ra thì các chiến sĩ ồ lên kinh ngạc, tóc liệt sĩ vẫn xanh đen, không hề rụng sợi nào, gương mặt bình thản như người ngủ say, bộ quân phục vải Tô Châu mặc trên người vẫn sạch sẽ, còn nguyên màu. Anh em lúng túng chưa biết xử lý thế nào, anh Trung ra lệnh bọc thi hài lại như cũ, lấp đất, đợi năm sau phân hủy lấy về sau. Anh Trung bảo, không ai nỡ cắt xẻ da thịt đồng đội mình còn lành lặn để lấy xương, tội lắm! Trung tá Bình cũng kể đã có lần gặp trường hợp tương tự: một nữ chiến sĩ trẻ, mái tóc dài đen mượt, khuôn mặt thanh tú, đôi môi hồng… như vừa mới hôm qua nằm xuống đây!

Vào một chiều mùa hè năm 1987, có vị sư thầy trụ trì ngôi chùa bản Chăm Phon lễ mễ xách đến nơi đóng quân đội 584 một vỏ hòm đạn đại liên, nói rằng: Đêm 24 tháng 6 năm 1968 trong lúc đánh nhau với phỉ Vàng Pao có một “tà hán Việt Nam” trúng đạn hi sinh ở gần chùa. Sau đó đơn vị cử người đi tìm nhưng trời tối quá, địch lại đang rình rập ở chung quanh nên tìm mãi không thấy. Trước tình hình đó sư thầy và chú tiểu nhanh chóng đưa thi hài liệt sĩ về chùa bí mật hỏa táng, lấy tro đựng trong hòm đạn, chôn trong khuôn viên chùa, hương khói suốt mấy chục năm qua. Chờ mãi, nay có bộ đội Việt Nam đến tìm, xin được giao lại. Đội trưởng Trung và các chiến sĩ có mặt lúc đó nghẹn ngào, không nói nên lời, hồi lâu mới nói được mấy tiếng “Khọp chay! Khọp chay lai lai!” (Cám ơn! Cám ơn nhiều!).

Thuở ấy, đất nước còn rất khó khăn, chế độ ăn uống của người lính quy tập hài cốt liệt sĩ rất đạm bạc, đơn sơ. Thức ăn cho cả mùa khô ở Lào đều mua trước ở Việt Nam, toàn là đồ khô. Mùa khô ở rừng Lào đến cái lá dại cũng khô nỏ, dòn. Tiền kÝp không có một đồng, chợ xa mấy chục cây số, khó có thể đảm bảo chất tươi cho bữa ăn. Nhiều lần lái xe Dung xúc vài bát gạo nấu loãng pha thêm ớt, bột ngọt thành thứ “canh gạo” lễnh loãng chan vào cơm húp cũng mát ruột, cốt là đẩy trôi vào bụng dăm ba bát cơm bù lại lượng calo bị hao hụt sau một ngày quần quật làm việc. Đã cực cái ăn, thêm cực cái uống. Rừng khộp vào mùa khô thường phải đi xa 25 đến 30 cây số may ra mới tìm thấy nước. Mỗi lần tìm mộ, dăm ba can nước mang theo dĩ nhiên phải ưu tiên số một cho hai “bác” xe già leo dốc, két nước chốc chốc sôi lên sùng sục, còn đâu đến phần bộ đội. Nhiều lúc bí quá phải múc nước trong vũng trâu đằm nấu cơm, cơm nấu chín có màu nhờ nhợ, nước uống có mùi thum thủm, rồi cũng phải nhắm mắt, nhắm mũi mà ăn, bởi không ăn thì đói, không uống thì khát.  

Mảnh gương soi giữa rừng Lào

Người dẫn đường đã quá mệt mỏi. Tuổi già, sức yếu, đã mấy ngày dẫn “tà hán Việt Nam” đi tìm mộ liệt sĩ, đến trưa nay thì kiệt sức… Trở lại cao điểm 500, anh em trong mũi của Trung tá Bình vẫn chưa quên chuyến đi lần trước với bao thất vọng. Người dẫn đường hơi thở khò khè, chợt lảo đảo, Trung úy Nguyễn Thế Công đi bên cạnh vội lao tới đỡ vai, hai dòng máu cam chảy đầm đìa trên gương mặt người đàn ông Lào khắc khổ. Làm sao bây giờ nếu để người dẫn đường ở lại, thì cầm chắc thất bại như lần trước, bởi ông ta đã khẳng định chắc chắn là trong một chuyến đi săn thú rừng cách đây hơn mười năm, ông đã nhìn thấy ba ngôi mộ nằm trước một cửa hầm… Anh em vây quanh người dẫn đường nằm thiêm thiếp, lo lắng. Quân y tiêm một mũi thuốc trợ sức… Mọi người quyết định, cử hai đồng chí khỏe nhất dìu, cõng người dẫn đường lên điểm cao… số còn lại thay nhau cõng ba lô, trang bị, cuốc xẻng của đồng đội, tiếp tục hành trình. Mãi đến gần tối, họ mới đến vị trí… Trí nhớ của người dẫn đường không tồi, anh em chỉ cần phát cây một lúc là nhìn thấy cửa căn hầm trú ẩn. Thế còn ba ngôi mộ liệt sĩ? Trung úy Công đốt nén hương thơm, chia đều cho đồng đội cắm khắp khoảnh rừng. Trời tối hẳn. Họ quyết định tạm dừng công việc, nấu cơm, mắc võng. Khói thơm tỏa ngát cả khu rừng.

Ngày hôm sau anh em tiếp tục phát cây rộng ra mỗi chiều 30 mét trước cửa hầm, cũng không thấy dấu hiệu của bất cứ ngôi mộ nào… Mọi người phán đoán: thời gian quá lâu, mưa nắng khắc nghiệt đã làm các nấm mộ bị xói mòn, trở thành bằng phẳng. Kinh nghiệm cho thấy, nếu các liệt sĩ được chôn trước cửa hầm, thì chắc chắn là không quá xa, vì đó là căn hầm đã không còn được sử dụng. Cả nhóm xác định vị trí đào tìm cách cửa hầm 3 mét, đào 3 đường hào dài cách nhau 1m, rộng 0,6 mét. Mặt trời đã đứng bóng, quả nhiên đào đến đường hầm thứ 3 thì gặp hài cốt liệt sĩ. Ba ngôi mộ nằm song song. Trung úy Nguyễn Thế Công lần tìm trong đất đá ngôi mộ ở giữa, chỉ có một ít xương. Chiếc thắt lưng nhỏ. Chiếc kẹp tóc xinh xắn. Và chiếc gương soi đã vỡ… Đây chắc chắn là thi hài và di vật của một nữ chiến sĩ trẻ. Công cầm lên tay mảnh vỡ chiếc gương soi… Mảnh gương phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh, tia sáng nhảy nhót trên những tán cây. Mảnh gương soi rõ khoảng trời xanh cao đến lồng lộng. Mảnh gương cũng soi rõ khuôn mặt gầy sọm, đôi môi tím quầng của Công… Đã mấy chục năm chiếc gương vỡ nằm im trong bóng tối, đến hôm nay mới có ánh mặt trời rọi chiếu, bỗng chốc sáng chói giữa một trưa rừng Lào mùa khô… Mãi sau này, khi về nước rồi, Công mới biết cũng chính ngày hôm đó, vợ và con trai anh đang nằm ở phòng cấp cứu Viện điều dưỡng Cửa Tùng – Vĩnh Linh – Quảng Trị bởi căn bệnh sốt xuất huyết, đột nhiên dứt sốt, hôm sau thì khỏi hẳn! Chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng Công vẫn tin rằng cái giây phút anh cầm lên tay mảnh gương nhỏ của người nữ liệt sĩ, trong anh có cảm giác thật kỳ lạ, chẳng thể nào giải thích được.

Thiếu tá Hồ Văn Thạo, lái xe, phụ trách mũi tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ hướng Sê pôn, Vi lả bu ly, Mường Nòn mùa khô 2007 – 2008 kể chuyện: Có lần cả mũi hành quân đến một bản sâu heo hút thì hết nước uống, khát cháy cổ, có người đã bị choáng, xây xẩm mặt mày, bước chân loạng choạng. Cả bản chỉ có một cái giếng nhỏ, nước rịn ra từng giọt, dân bản cũng khát đã mấy tuần nay. Không nỡ ngửa tay xin Phò bản (trưởng bản) ngụm nước uống, anh em động viên nhau đi tiếp, chia nhau từng hướng tìm nước… Đến chiều mới tìm được vũng nước nhỏ trong khe núi đá vôi. Nước đục trắng như sữa. Không còn cách nào khác, đành phải đun sôi, lấy giẻ lọc hai, ba lần rồi mới dùng để uống, nấu cơm… Trong nhóm, Thiếu úy Trần Trung Tá sức khỏe hơi yếu một chút nhưng bù lại, anh có khả năng linh cảm đặc biệt. Có lần, người dân chỉ địa điểm có mộ liệt sĩ ở trên cao hàng chục mét, nhưng không hiểu sao, chẳng hề có cơ sở nào cả nhưng như có ai xui khiến, anh nhất nhất khẳng định chính chỗ đất thấp này. Y như rằng, đào lên là thấy hài cốt liệt sĩ, lại may mắn có đầy đủ họ tên, quê quán nữa chứ: Liệt sỹ Nguyễn An Tùng; TK Thắng Lợi, P Tô Hiệu, K Lê Chân, Hải Phòng.

Nhân dân Lào rất “kỵ” việc chuyên chở hài cốt, người chết qua bản, ai vi phạm thì theo tục lệ, phải nộp phạt bằng cách cúng trâu, heo, gà, rượu. Những năm 80, chuyến quy tập đầu tiên do thiếu kinh nghiệm, Đội mấy lần bị phạt. Bộ đội đành phải bớt khẩu phần ăn lấy gạo, muối đổi lấy heo, gà, rượu cúng phạt. Có lần gạo hết, muối cạn, nguyên đội phó chính trị Võ Huy Hóa phải cởi áo ra làm vật thay thế, đồng bào thương tình “tha” cho. Sau này rút kinh nghiệm, xe về đến đầu bản, tháo dỡ hài cốt xuống, gùi, cõng vòng tránh. Mùa khô năm 1985, đơn vị vừa thành lập được một năm tiến hành chuyến công tác thứ hai tại một quả đồi lúp xúp cây sim và mua. Một tốp chiến sĩ hăm hở đào một ngôi mộ nằm lọt giữa một yên ngựa. Bỗng nhiên một tiếng nổ “đoàng” choáng tai từ trong lòng mộ hất tung đất, sỏi, khói phả vào mặt mũi, mọi người không kịp phản ứng tự vệ. Khi định thần mới hay một quả mìn hay lựu đạn gì đó không rõ vì lí do gì trong lúc người ta mai táng lẫn vào nấm mộ, nay trong lúc đào bới, lưỡi cuốc bổ trúng gây nổ; bị thương một lúc 5 chiến sĩ: Tuấn, Phúc, Thu, Phong, Dũng. Trên cấp cho đội một máy dò mìn. Nhưng ở nơi chiến trường đầy bom, đạn ngày nào, nay hễ cứ mở máy, cái vòng cảm ứng rà trên mặt đất là y như rằng tín hiệu có kim loại dưới đất phát ra liên tục. Loay hoay một lúc lấy lên đủ loại sắt thép, mảnh bom, mẩu xích xe tăng, dao tông mẻ và tất nhiên có cả mìn, đầu đạn, vật liệu nổ v.v… Nhiều nhất là mảnh bom và mảnh pháo. Mất thời gian vô cùng và quá ư phiền toái. Về sau bỏ máy lại làm như cũ, tuy có hơi mạo hiểm nhưng hết sức thận trọng, đào cuốc nhẹ nhàng và anh em động viên nhau, may nhờ rủi chịu…

Ngày 8/3/1997, ở bản Văng Phà, bên bờ sông Sê Păng Hiêng, chiến sĩ Phạm Việt Hòa đang ốm nhưng nằng nặc xin Đội trưởng Trần Hữu Lưu cho tham gia chuyên chở hài cốt liệt sĩ về nơi tập kết… Chiếc thuyền độc mộc mượn của dân thật bé nhỏ giữa dòng sông chảy xiết. Hài cốt liệt sĩ số 8 được Hòa cẩn thận bọc lại chắc chắn, buộc chặt vào thuyền. Thuyền trôi nhanh, khuất tầm mắt. Bóng Hòa nhỏ dần với cây sào chống trên dòng Sê Păng Hiêng là hình ảnh cuối cùng, in đậm trong trí nhớ của Thượng tá Trần Hữu Lưu… Sau này, anh nghe người dân bên bờ sông kể lại, chiếc thuyền chở Hòa rơi vào vòng xoáy của dòng sông hung dữ, thuyền đâm vào ghềnh đá, đập vào đầu, Hòa bị chấn thương, rơi, và… chìm xuống dòng sông cuồn cuộn. Nhưng hài cốt liệt sĩ vẫn còn nguyên vẹn. Chiếc thuyền mượn của dân vẫn còn nguyên vẹn… Chỉ có chiến sĩ Phạm Việt Hòa vĩnh viễn ra đi giữa tuổi hai mươi…

“Không, anh ạ - Thượng tá Lưu nói - Hình ảnh cuối cùng của Hòa in đậm trong tôi là đôi mắt cậu ấy… Chúng tôi tìm kiếm, đưa Hòa lên bờ khâm liệm. Đôi mắt cậu ấy cứ đăm đắm nhìn tôi… Anh ạ, đôi mắt cậu ấy như hai mảnh gương nhỏ soi rõ đồng đội và bà con dân bản vây quanh, trong cái buổi chiều buồn thảm ấy, tôi không thể nào quên được…”.

Mùa mưa đến, ba sẽ về con ạ!

Thiếu úy Nguyễn Văn Quang, lái xe Zin ba cầu, vợ mất mới hai tháng, con trai chưa đầy ba tuổi, thì anh nhận lệnh lên đường... Quang xin phép nghỉ hai ngày đưa con vào gửi người chị gái trong Phú Bài - Thừa Thiên Huế. Thằng bé còn quá bé bỏng, yếu đuối. Mẹ mất, nó chỉ còn biết trông ngóng vào một người duy nhất là Quang… Vào Huế, nhiều người lạ, thằng bé cứ rụt rè, nem nép. Các bác, các dì, anh chị dỗ dành, cho quà nó không hề nhận. Hình như nó linh cảm được ba nó sẽ đi đâu đó rất lâu, nên cứ ôm mãi chân Quang không rời… Quang phải gỡ đôi bàn tay bấu chặt của con, chạy vụt đi. Sau lưng còn nghe tiếng con khóc thét lên, tiếng kêu của đứa trẻ nói chưa rõ lời: “Ba ơi đừng đi! Ba ơi đừng đi! Ba ơi, về nhà với con!”. Chạy một mạch cho đến chỗ ngõ khuất, Quang dừng lại, vịn vào tường rào, khóc. Sau này, khi con trai anh đã ở quen với người chị gái, mỗi lần anh từ Lào về, thằng bé cứ mân mê, sờ nắn cái ba lô bạc phếch của anh, câu đầu tiên nó hỏi là: “Khi mô thì ba lại đi?”. Rồi trước khi anh đi, nó lại hỏi líu lo:

-“Khi mô thì ba về?”.

-“Đến mùa mưa, con trai ạ!”.

-“Mùa mưa là chi, ba?”.

-“Khi nào con thấy ngoài trời mưa thật to, thì ba sẽ về với con!”.

Quang nghĩ mình sẽ không thể nào quên được hình ảnh của đứa con trai bé bỏng, tội nghiệp vì mất mẹ, xa bố, vậy mà mỗi khi ngồi trước vô lăng, sau thùng xe là đồng đội - cả người sống lẫn hài cốt liệt sĩ, lúc đó trước mặt anh chỉ còn con đường rừng cheo leo hiểm trở. Gạt hết mọi vướng bận, đau buồn, tất cả tinh lực trong con người anh đều tập trung vào tay lái, sao cho chiếc Zin ba cầu “đi đến nơi về đến chốn”. Một đêm dừng xe bên chùa Tà Khống - huyện Sê pôn, Quang lơ mơ ngủ thì cảm giác như nghe tiếng ai gọi khẽ: “Quang ơi, sao lại để chúng tôi bị ướt thế này?”. Quang tỉnh giấc, thấy trời bắt đầu mưa nặng hạt, xung quanh đồng đội đã ngủ yên. Anh ra kiểm tra xe, quả nhiên thấy nước mưa chảy dột trên mái lều làm tạm bằng nilon che cho số hài cốt liệt sĩ vừa mới tìm kiếm, cất bốc được trong ngày. Anh lụi hụi một mình chuyển hết hài cốt liệt sĩ vào trong chùa tránh mưa… Và đêm mưa ấy, dậy lên trong tim anh nỗi nhớ thương người vợ hiền thảo đã mất. Chuỗi ngày đầm ấm, êm đềm hạnh phúc của cô ấy có được bao nhiêu đâu. Cưới nhau xong chưa kịp quen hơi bén tiếng thì chồng cứ biền biệt trong những cánh rừng Lào, cô ấy phải sinh con, nuôi con một mình. Thằng bé vốn sinh thiếu tháng, đau ốm thường xuyên, cô ấy phải tất tả ngược xuôi lo cho gia đình mình, lo cho hai bên nội ngoại… Vậy mà khi cô ấy còn sống, cũng có đôi khi anh nặng lời, làm cho cô ấy buồn phiền…

Giữa rừng Lào, theo lời kể của Thượng tá Trần Hữu Lưu, anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sợ nhất là… điện khẩn “TK”! Cứ cuối mỗi buổi chiều, bộ đội ngồi chờ đồng chí cơ yếu dịch xong bức điện từ “nhà” chuyển sang. Anh em liếc nhìn vẻ mặt Đội trưởng Lưu, chờ anh tuyên bố: “Điện thường, không phải điện TK!”, thì mới bắt đầu ăn cơm. Bởi vì điện “TK” thường là những thông tin về hoạn nạn của gia đình một đồng chí nào đó trong Đội, được Thủ trưởng Phòng Chính trị - BCHQS tỉnh Quảng Trị trực tiếp ký điện, lệnh gọi đồng chí đó “ngày… giờ… phải có mặt tại cơ quan BCHQS nhận nhiệm vụ”. Ai cũng mong đừng bao giờ có loại điện này, mà nếu có, thì không phải gọi đến tên mình, giao nhiệm vụ: “Về nước!”. Chính vì thế, Thượng tá Lưu đã dặn các anh ở nhà, có gì cứ gửi điện thường thôi, đừng gửi điện “TK”… làm anh em rất lo. Giữa rừng Lào, bộ đội 584 thèm nhất là rau xanh. Hôm cả đội vào bản A Lang giúp nhân dân làm nhà, dân bản tặng bộ đội một ít rau, ngon không kể xiết! Chả bù cho những ngày leo dốc, trèo đèo, phải chặt tre tìm nước uống, ăn rau rừng đến chát cả miệng. Những ngày vào bản làm công tác dân vận thực là những ngày vui vẻ, thoải mái nhất đối với cán bộ, chiến sĩ 584. Bà con dân bản kéo đến rất đông, cùng làm với bộ đội, chuyện trò vui vẻ. Và sau mỗi chuyến đi dân vận như vậy, hành trang của người lính quy tập 584 nào cũng vơi đi một vài thứ: áo, quần, giày dép, mũ, bật lửa, đèn pin… mà họ đã tặng cho những người dân nghèo khổ. Mỗi chuyến đi quy tập hài cốt liệt sĩ, anh em luôn mang theo dự phòng 30% cơ số thuốc chữa bệnh, và lần nào về, túi thuốc quân y cũng rỗng không, bởi vì đã cấp, phát, sử dụng chữa bệnh cho nhân dân. Thực ra trong khi đi làm nhiệm vụ, người lính 584 ít khi ốm đau lặt vặt. Chỉ khi về nước rồi, mới bắt đầu đổ bệnh hàng loạt, chủ yếu là sốt rét. Anh em nói, đó là vì khi về đơn vị mới bị “ngã nước”.

Nhưng chuyện ốm, cũng phải một thời gian nữa đã mới “được ốm” - anh em nói đùa vậy. Còn bây giờ, sau một mùa khô gian khổ, cán bộ, chiến sĩ dù đã ở trong doanh trại rồi, nhưng bận tối mắt tối mũi bởi vô vàn công việc, từ hoàn tất mọi thủ tục bàn giao hài cốt liệt sĩ, làm công tác chuẩn bị cho mùa khô tới, rồi ổn định đơn vị, tu sửa nhà cửa, doanh trại… Cái nhà bếp, nhà ăn của đơn vị trống huơ trống hoác, gió lùa bốn phía. Hai chiếc Zin ba cầu vốn được coi như những “đồng đội thân yêu” còn đang phải tiếp tục dầm mưa dãi nắng ngoài trời, bởi chưa có nhà xe… Rất nhiều đồng chí, vợ ở nhà gọi điện lên: “Em và con nhìn thấy anh trên truyền hình Quảng Trị rồi, em thấy anh đang đào mộ, đang hành quân trong rừng Lào. Nhưng em biết anh đã về nước rồi. Bao giờ thì anh được về nhà?…”. Đó là phóng sự truyền hình của phóng viên Xuân Trọng - Ban Tuyên huấn - Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị thực hiện, đã vô tình “tiết lộ thông tin” cho những người vợ lính. Còn Thiếu úy Nguyễn Văn Quang, cho đến lúc này dù mùa mưa thực sự đã đến rồi mà vẫn chưa thực hiện được lời hứa với con trai…

T.B-T.H-H.L

 

Trần Biên:phay: Trần Hoài:phay: Hồ Lĩnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 166 tháng 07/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground