Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cảm nhận từ Khe Sanh

B

a mươi hai năm trước, ngày 9/7/1968, một rừng cờ xanh đỏ và ngôi sao vàng năm cánh đã rợp bay trên cứ điểm Tà Cơn còn cháy khét mùi bom đạn. Cả miền Tây Quảng Trị đã rũ tung xiềng xích. Hãng thông tấn Reuter (Anh) ngày 12/7/1968 thừa nhận: Như một Điện Biên Phủ với người Pháp, Khe Sanh sẽ được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả với giá đắt nhất – bằng máu.

   Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ, nhớ buổi sáng ngày 9/7/1998, Hướng Hóa tổ chức trọng thể mít tinh kỷ niệm 30 năm chiến thắng Khe Sanh. Tôi bâng khuâng đứng giữa ngọn đồi Cù Bốc ngập tràn cờ hoa trong buổi mai lên trời rải mây trắng nhạt, núi rừng mơ màng dịu hơi sương. Đất trên ngọn đồi Cù Bốc thắm đỏ dưới chân người. Những cô gái, chàng trai, những mẹ, những anh, những chị từ Hướng Lập, Hướng Phùng, A Túc, A Xing...có nơi phải vượt một đến hai ba ngày đường trèo đèo lội suối, vậy mà khuôn mặt họ vẫn tươi rói niềm hồ hởi trong ngày vui mừng chiến thắng. Những người dân Triệu Phong, Hải Lăng chọn đất này làm quê hương sau ngày giải phóng, chính đất đai mỡ màu, lòng người nhân hậu đã níu giữ họ lại vỡ đất, lập vườn, sinh con, đẻ cái dựng vợ gã chồng và hơn hai mươi lăm năm đã qua, đủ cho một thế hệ nữa trưởng thành. Họ hướng về ngày chiến thắng với niềm tri ân rất cảm động. Đất đai Khe Sanh, Hướng Hóa đã cho họ rất nhiều thứ: Tình yêu, xóm làng, cháu con và giàu có. Đó cũng chính là hiện thực của khát vọng đến cháy bỏng của những người lính giải phóng hơn ba mươi năm trước ngã xuống để giành lấy đất này. Tôi đã từng gặp lại buổi sáng hôm ấy những cựu binh sư đoàn 324, 325, 304, 308...những cựu binh thuộc binh chủng tăng thiết giáp, pháo binh, phòng không, hóa học...Những đơn vị chủ lực tinh nhuệ bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua sông Bến Hải bằng con đường mang tên Bác trên tít tắp Trường Sơn, chấp nhận một cuộc tham chiến tổng lực với quân đội Hoa Kỳ. Lần đầu tiên xe tăng quân giải phóng xuất hiện nơi miền Tây Quảng Trị cùng với đại pháo và những hỏa lực mạnh nhất lúc bấy giờ. Lần đầu tiên quân chủ lực của chúng ta tiến hành chiến dịch trong thế trận binh chủng hợp thành và quy mô chưa từng có, đột phá trực tiếp vào các cứ điểm phòng ngự rất chắc chắn của Mỹ, mặt đối mặt với lực lượng thiện chiến nhất, với các phương tiện, binh khí, kỹ thuật hiện đại nhất của chúng. Núi rừng miền Tây Quảng Trị và bà con các dân tộc ở Hướng Hóa cùng vào trận với một quyết tâm sắt đá để giải phóng quê hương. Cả miền Nam nổi dậy chia lửa với Khe Sanh, cả miền Bắc chắt chiu từng viên đạn, hạt muối, hạt gạo và gửi vào Khe Sanh hàng vạn chàng trai trẻ, hàng vạn “gia tài” quý báu nhất trong đời của các bà mẹ vùng châu thổ sông Hồng, vùng cao Tây Bắc. đất Cảng và vùng than Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nối khúc ruột miền Trung. Những chàng trai mà các mẹ mang nặng, đẻ đau, chăm bẳm và nuôi nấng. Trong số những chàng trai trẻ ấy, có quá nhiều anh đã nằm lại trên đất này. Thịt xương các anh tan vào trong đất đai. Hương hồn các anh quyện vào trong nắng mai. Có phải thế không mà hai mươi lăm năm sau ngày giải phóng, đất bazan Khe Sanh, Hướng Hóa vẫn thắm đỏ tốt tươi, đỏ như máu trên ngực của những người lính trẻ.

Ba mươi hai năm, một quãng thời gian đủ để Khe Sanh cởi bỏ nét hoang sơ, đìu hiu, nước độc, rừng thiêng, băng bó vết thương từ đất, từ núi, mà hóa thân thành một thị tứ miền sơn cước, thành một “miền đất quả vàng” trong cuộc chiến đấu mới mẻ và không kém phần khốc liệt và vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Còn nhớ, lận đận hơn mười năm sau ngày giải phóng, Hướng Hóa dù đã phát huy tối đa tính kiên trì và lòng quả cảm trong cuộc phục sinh đất đai vẫn chưa đủ làm ra lượng lương thực cho không tới một nửa số dân. Sau hơn mười năm đổi mới và phát triển được giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và anh em, bạn bè gần xa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở Hướng Hóa đã vươn lên tạo dựng một cuộc sống mới đàng hoàng hơn, văn minh hơn. Bộ mặt nông thôn miền núi từ các bản làng vùng sâu, vùng xa đến các thôn xóm, thị trấn có sự thay đổi rất đáng mừng. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 12 đã xác định cơ cấu kinh tế của Hướng Hóa đến năm 2000 là phát triển nông – lâm nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Để tạo lập được một nền nông nghiệp và cơ sở nông thôn vững mạnh, Hướng Hóa đang tích cực đẩy mạnh cuộc vận động định canh định cư gắn với thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Coi trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chủ động và sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, từ đó xác định được ba tiểu vùng kinh tế là vùng kinh tế phía Bắc phát triển cây cà phê, hồ tiêu, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc. Vùng kinh tế đường chín phát triển cây cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và phát triển thương mại – dịch vụ. Vùng kinh tế phía Nam phát triển cây cao su, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

   Có một điều lạ lùng là giữa một miền đất nắng gió khắc nghiệt như Quảng Trị, riêng Khe Sanh, Hướng Hóa lại đứng được ra ngoài sự hoành hành của thiên tai mà lẳng lơ mát quanh năm. Ngay cả trong những ngày đông giá khi dưới xuôi đang âm ỉ một cơn áp thấp nhiệt đới, thì ở Khe Sanh vẫn có những ngày nắng thật đẹp. Bởi vậy, các loại cây ăn trái được xem là đặc sản của các vùng trên đất nước này đều có thể trồng được tại Khe Sanh. Từ xoài, bơ, nhãn lồng, mít mật đến chôm chôm, sầu riêng đều có thể ra hoa kết trái trên đất này. Riêng ba loại cây xóa đói giảm nghèo là cà phê, cao su, hồ tiêu hiện đang được nhân dân đầu tư mở rộng diện tích. Những năm gần đây, được sự trợ giúp vốn của Nhà nước, hằng năm Hướng Hóa trồng mới từ 4000-5000 ha cà phê. Riêng trong năm 1999 trồng được 512 ha, đưa tổng diện tích cà phê chè catimo của huyện đến nay lên trên 2.500ha, dự kiến đến hết năm 2000 đạt khoảng 3.000 ha. Ngoài ra, Hướng Hóa hiện có 80 ha hồ tiêu, gần 600 ha xoài, đã trồng gần 300 ha cao su đang phát triển tốt.

   Chúng tôi đã từng men theo dọc quốc lộ 14A, trục chính của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa, ngược ra hướng Bắc tìm đến “vương quốc cây cà phê” ở Hướng Tân, Hướng Phùng. Mười năm trước ngang qua đây để đến đồn biên phòng Cù Bai, đồi trọc và lau lách vẫn trùng điệp dưới tầm mắt người. Bằng sự vận đồng kiên trì và quyết liệt, người dân nơi đây đã từ bỏ phương thức canh tác phát đốt, cốt trỉa truyền thống, mạnh dạn tách hộ lập vườn đồi, vườn nhà, mở mang kinh tế gia đình. Sự xoay chuyển có tính cách mạng ấy đã đem lại hiệu quả đích thực. Hướng Tân đã trở thành xã định canh định cư kiểu mẫu của huyện Hướng Hóa. Toàn xã đã có trên 400 ha cà phê. Nhà nào cũng trồng cây cà phê. Nhà ít thì một mẫu, nhà nhiều từ 2-3 ha. Thu nhập mỗi năm nhà ít dăm bảy triệu, nhà nhiều hàng chục triệu đồng. Gia đình ông Hồ Cài ở bản Trầm là một điển hình về cách thức làm ăn mới: táo bạo, dám nghĩ, dám làm và dám đầu tư, hiện đang trở nên giàu có. Tại Tân Hợp, tôi đã từng được làm quen với anh Hoàng Công Chẩn, một kỹ sư nông nghiệp say mê trồng cà phê đến mức “cuồng tín”. Nhờ nguồn vốn từ ngân hàng anh trồng được 3 ha cà phê. Nhờ kiến thức nông học, anh đã tạo ra một vườn ươm cung cấp giống cây cà phê cho hơn 10 ha. Hàng xóm của anh cho biết, mỗi năm anh Hoàng Công Chẩn thu nhập từ vườn cà phê không dưới 200 triệu đồng. Từ cuối tháng 8/1997, Thủ tướng chính phủ đã quyết định cho phép Công ty Đầu tư cà phê – dịch vụ đường 9 trở thành thành viên của Tổng Công ty cà phê Việt Nam. Một nhà máy chế biến cà phê với tổng vốn đầu tư 9,415 tỉ đồng đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả mấy năm trở lại đây. Đồng thời, nhà máy chế biến cà phê thuộc dự án phát triển cây công nghiệp do Cộng hòa liên bang Đức tài trợ trị giá trên 10 tỷ đồng cũng được xây dựng. Một hệ thống công nghệ sau thu hoạch đã hình thành đủ sức biến 2.000 ha cà phê sau mỗi mùa thu hoạch cho giá trị 30 tỷ đồng/năm.

   Một đổi thay rất cơ bản hiện nay ở Hướng Hóa là đời sống đồng bào các dân tộc đang đi dần vào thế ổn định. Một bộ phận nhân dân đã biết sản xuất theo hướng hàng hóa, vươn lên làm giàu chính đáng. Cơ sở hạ tầng quan trọng như trường học, trạm xá, cầu, đường giao thông... đang từng bước được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Chợ trung tâm Khe Sanh có lẽ là khu chợ cấp huyện miền núi sầm uất nhất nước. Nhiều hộ gia đình ở Hướng Hóa đã xây nhà kiên cố cao tầng, tạo nên bộ mặt thị trấn, thị tứ phồn thịnh. Toàn huyện có 8/21 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. 10/21 xã, thị trấn có điện thoại với 1.100 máy đạt tỷ lệ hơn 2 máy/ 100 dân. Việc nâng cao dân trí thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân cũng được chú trọng. Hướng Hóa hiện có ba trạm phát lại truyền hình. Hơn 1/3 dân số đã được xem truyền hình. Một trăm phần trăm xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Bảy xã, thị trấn đang tiến hành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ hộ đói nghèo chỉ còn dưới 38,6%.

   Sau gần mười năm lập lại tỉnh Quảng Trị, trong định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các ban ngành liên quan đã đặc biệt chú trọng, ưu tiên đầu tư cho khu vực cửa ngõ Khe Sanh - Lao Bảo -Hướng Hóa. Những dự định, toan tính nhiều lúc bừng cháy thành niềm khát vọng từ đây sẽ nối nhịp trục kinh tế Đông – Tây với những lợi thế cực kỳ to lớn góp phần đưa Quảng Trị có cơ hội phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn, hội nhập tích cực với bên ngoài. Niềm khát vọng bắt nguồn từ những tiềm năng và lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Trên phạm vi quốc tế, khu vực Lao Bảo chính là cửa ngõ thuận lợi nhất khai thông hành lang kinh tế Đông – Tây. Khu thương mại Lao Bảo ra đời và đang khởi động những bước đầu tiên cùng với thủy điện – thủy lợi Rào Quán đã được thông qua dự án khả thi là cơ sở để Hướng Hóa kỳ vọng vào một cơ hội cất cánh trong tương lai gần.

   Ba mươi hai năm trước, những tin tức chiến sự từ Khe Sanh phát đi đã làm rung chuyển cả phương Tây xa xôi. Đúng vào dịp này, những Container đầy ắp cà phê catimor được thu hái trên chính đất Khe Sanh đã vượt bao trùng khơi, cập cảng Hamburg làm cho các bạn hàng phương Tây phải ngỡ ngàng. Hướng Hóa – Khe Sanh không chỉ là đất lửa, mà còn là đất của quả ngọt, trái sai, đất của sự sống mãi mãi trường tồn...

Đ.T.T

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 70 tháng 07/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground