T |
rưa chủ nhật 27.5.2001 tại thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp (Khe Sanh – Hướng Hóa), một quả đạn phát nổ nơi bốn em nhỏ đang đùa chơi khiến em Trần Quang Mẫn 6 tuổi chết tại chỗ, ba em bé Nguyễn Đức Ân (17 tuổi), Nguyễn Lương Thịnh (9 tuổi) bị thương nặng. Hai lần trước, hồi đầu tháng 5 tại thôn Tân Vĩnh (phường 5 Đông Hà) hai em Nguyễn Hồng Nam, Nguyễn Hồng Tây (là anh em ruột) cũng chết bởi một quả đạn sót lại sau chiến tranh khi đào hố chôn cọc buộc trâu bò trong vườn nhà, bé Trần Thị Hạnh (11 tuổi) và bố của hai em – ông Dự bị thương nặng. Trước đó nữa, chuẩn bị tết Tân Tỵ, hôm 20 tháng chạp bảy học sinh trường cấp 1-2 xã Gio An (Gio Linh) đã bị thương vì một quả bom bị vương lại giữa sân trường, em Lê Thị Sương cho đến nay vẫn trong tình trạng thập tử nhất sinh. Chuyện các em bị tai nạn, chết do bom mìn ở vùng đất này không còn là chuyện lạ, lạ là cho đến nay chưa có một cơ quan, tổ chức nào có một hội nghị bàn đến chuyện bảo trợ cho sinh mạng của các em một cách nghiêm túc, chính xác hơn, cần phải có một Quỹ bảo trợ trẻ em nạn nhân bom mìn hậu chiến. Chiến tranh đã qua gần 30 năm nhưng số phận nhiều người vẫn chưa bị buông tha, trong đó có những đứa trẻ tội nghiệp.
ƯỚC MƠ CỦA BÉ LAI, SƯƠNG, DŨNG…
Trong căn nhà lụp xụp ở thôn Long Hà (Xã Gio Việt – Quảng Trị) bé Hồ Văn Lai ngồi trên chiếc xe lăn mà UBCS và BVTE tỉnh vừa mang đến cho em. Lai bị cụt hai chân, một cánh tay phải, bàn tay trái chỉ còn 4 ngón, hai mắt bị mù với vô số những mảnh đạn thành sẹo trên tấm thân nhỏ bé của em. Buổi sáng 20.7.2000, đang kỳ nghỉ hè, Lai (11 tuổi) Tuấn (11 tuổi) Thuấn (5 tuổi) và bé Vân (4 tuổi) tha thẩn dắt nhau lên động cát nhà chơi. Trẻ con vùng biển, đồ chơi sẽ là bất cứ thứ gì chúng tìm được trên cát. Và một quả mìn đã bị gió thổi bay cát lộ ra, cả bốn đứa trẻ ào đến, chúng không biết đấy là quả mìn, là thần chết. Và món đồ chơi ấy nhoáng lửa một tiếng nổ chói tai. Bố Lai anh Hồ Văn Hạnh kể: hôm ấy anh chuẩn bị đi biển, thuyền chuẩn bị rời bờ thì nghe nổ, cứ nghĩ ở một đại lý buôn phế liệu nào đấy! Khi người làng xuống bến cho hay tin, anh sấp ngửa chạy lên: hai đứa nhỏ Tuấn, Vân đã chết tại chỗ, máu đỏ một vạt cát. Còn Thuần và Lai được đưa đi cấp cứu. Hơn nửa năm nằm bệnh viện Lai trở về nhà với thân hình đã tàn phế. Cả bốn anh em của em đều chung một ông nội, và người ông đã già của em gần như hóa điên khi thấy bốn đứa cháu của mình đã ngã xuống một lúc, hai đứa chết, hai đứa tàn tật. Lai đã không còn đến trường học được nữa, dù bốn năm liền học ở trường tiểu học Gio Việt luôn là học sinh giỏi. Nhà ở gần trường, ngày ngày nghe bạn bè ríu rít ngoài ngõ, nghe tiếng trống trường dội sang, với một đứa trẻ thông minh, ham học như Lai, điều ấy thật kinh khủng. Lai nằm quay mặt vào tường và khóc, anh Hạnh bảo, những lúc ấy lòng bố mẹ đau như dao cắt, nhìn con mà khóc với con. Trước đây, khi đi học Lai mơ sau này lớn lên sẽ thành thầy giáo, Lai sẽ về dạy lại các em học sinh làng biển này, nhưng giờ thì Lai chỉ mong, một niềm mong không thể trở thành hiện thực là có được chân tay như xưa, cái niềm mong mà người bình thường không thể thấy hiểu. Giờ thì Lai chỉ mong con mắt phải có thể sáng hơn, nhìn thấy được chữ viết và với bốn ngón tay còn lại của bàn tay trái Lai sẽ tập viết, sẽ học… Những thầy cô dạy Lai ở trương Gio Việt, nhìn thấy cậu học trò thông minh lanh lợi ngày nào, bây giờ như thế, mỗi lần ghé thăm lại khóc. Nhưng rồi Lai sẽ lớn lên, sẽ sống thế nào với thân xác tật nguyền này?
Không như Lai, nhìn Lê Thị Sương, em bé lớp 1 trường Gio An, bị bom nổ hôm giáp tết – thấy Sương bình thường không ai biết rằng cái chết sẽ đến với Sương bất cứ lúc nào. Hai mảnh đạn đã xuyên qua thái dương của Sương và nằm ở vị trí gần chạm vào não. Các bác sĩ bảo rằng nếu mổ sẽ đe dọa đến tính mạng, mà không mổ thì mãnh đạn đó ngày càng tiến sâu vào não. Thỉnh thoảng cái vụn kim loại 5 milimet ấy lại nhích một tí, chỉ cần một tí thôi là Sương lên cơn động kinh, tuần trước Sương bị té dập mặt mũi bởi một cơn đau như thế khi đang đi trong vườn. Chuyện học hành của Sương cũng phải dừng lại ở lớp 1. Để có thể mổ cho Sương chỉ khi nào mảnh đạn ấy thâm nhập vào sâu, còn tạm thời cứ để vậy. Nhà Sương cách bệnh viện Đa Khoa tỉnh gần 30 km đường đồi dốc, nếu hữu sự thì làm sao kịp đưa về? Và Sương sống trên chiếc bập bênh số mệnh, chưa biết đến lúc nào…Cô bé gái 6 tuổi có gương mặt thiên thần ấy đang tính từng ngày sống với mảnh đạn 5mm trong đầu.
Trong trường hợp của Hồ Dũng ở thôn Trà Liên (Triệu Phong) cũng vậy, năm năm em sống trong cảnh mù lòa, một vết thương ở cổ và cánh tay phải cụt đến tận khuỷu tay. Một buổi chiều đi chăn bò, con bò dẫm phải mìn và Dũng phải chịu tai họa. Nhà có đến tám anh em, bố Dũng làm nghề đi rừng lấy song mây về bán thu nhập chỉ 200 ngàn đồng/tháng trang trải cho mười miệng ăn. Để khỏi mặc cảm là người thừa, Dũng đòi mẹ cho mình trông em, sợ con không thấy đường vì mù lòa, chị Hồng, mẹ Dũng gạt đi, nhưng thấy Dũng nằng nặc quá, chị để cho Dũng trông, một hôm đứa trẻ thoát khỏi tay Dũng, Dũng sờ tìm, lết dần ra xa và bị rơi xuống cái giếng góc vườn, đứa bé thì rơi xuống ruộng nước trước nhà, may nghe tiếng kêu bà con cứu kịp. Dũng không mơ đến trường, chỉ mơ có một cặp mắt sáng ra để lại đi chăn bò thuê đỡ đần bố mẹ. Nhưng làm sao mắt em sáng lại được? Những ước mơ đến tội nghiệp như vậy nhưng nào có ai có thể tìm lại được cho em?
MƯU SINH GIỮA CUỘC ĐỜI
Tôi đã gặp khá nhiều em bé tuổi lên 10, nói nôm na như người mẹ: “đầu thằng bé chưa cao hơn cán cuốc” vậy mà đã vác máy dò đi đào phế liệu, từ vùng núi đến vùng biển. Mạng sống của nhiều em luôn bị đe dọa, có em đã vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy bạn bè bố mẹ, có em đang chịu đựng tật nguyền. Nguyễn Văn Anh là một đứa bé mà tuổi thơ đã gắn liền với những món phế liệu đạn bom ở các đồi C2 ở Cồn Tiên, Dốc Miếu và giờ đây đang chịu những hậu quả của bom đạn để lại. Mười năm về trước mẹ em bị hậu sản chết trong lần sinh nở thứ sáu và vài ngày sau đó đứa em mới một tuần của cu Anh cũng chết theo mẹ vì khát sữa. Còn lại người bố yếu và năm anh em, bố của các em – anh Nguyễn Văn Trong cũng sống bằng nghề đào phế liệu. Những lần bị thương do đào phải bom đạn đã khiến sức khỏe không còn bao nhiêu. Rồi một trận ốm quật ngã anh và các con anh, một ngày mùa mưa năm 1993, trở thành những chú gà con mồ côi bố mẹ giữa chợ đời. Cu Anh, 12 tuổi trở thành lao động chính của gia đình. Em lại vác chiếc cuốc cao hơn đầu mình theo người chú ruột là Nguyễn Văn Hè đi đào phế liệu để nuôi em. Một ngày đầu năm 1994, sau cái chết của bố em chưa đầy nửa năm, một quả mìn đã nổ lúc em và chú ruột đi đào phế liệu ở đồi C2, chú Nguyễn Văn Hè chết tại chỗ mới 29 tuổi để lại vợ và 3 con nhỏ, còn Nguyễn Văn Anh bị thương nặng. Một thời gian lâu em mới bình phục nhưng hai con mắt em nay đã bị mù lòa nhưng Anh cũng không thể nhìn các em mình đói, em đã xin về bến sông làm nghề bốc cát sạn còn những đứa em của Anh bỏ học đi nhặt vỏ chai, rác lon bia…để có tiền đong gạo.
Những trường hợp tội nghiệp như Nguyễn Văn Anh không phải là hiếm ở mảnh đất này. Tuy nhiên xã hội không thể cưu mang hết những số phận như vậy. Năm trước, sau khi tôi viết câu chuyện mấy anh em đăng trên báo Tuổi trẻ, một tổ chức từ thiện nguyện bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nhận hỗ trợ cho cả năm anh em từ bấy giờ cho đến nay. Với sự hỗ trợ ấy các em đã có thể khá hơn trong cuộc sống, UBCS và BVTE Quảng Trị cũng đã đưa các em của Anh vào ở Trung Tâm bảo trợ xã hội để học hành. Tuy nhiên đó là những trường hợp chúng ta đã biết, đã đưa ra kêu gọi những tấm lòng, còn bao nhiêu em bé nơi rừng cao núi thẳm, nơi thôn làng hẻo lánh chưa được biết đến? Không thể cứ trông chờ sự bảo trợ của các tổ chức theo kiểu “nghe con khóc thì cho bú”. Những giải pháp ấy đều có tính chất tình thế, không ổn định và chỉ giúp trong ngày một ngày hai, không có một nguồn lực nào để giúp các em lâu dài hơn, cụ thể thiết thân hơn, có thể mưu sinh bằng khả năng của mình dù thân thể đã tật nguyền hay sao?
CẦN CÓ QUỸ BÃO TRỢ CHO TRẺ EM NẠN NHÂN BOM MÌN
Quảng Trị có gần 400 em bé có hoàn cảnh như Lai, như Dũng, như Sương…và nếu tính cả nước thì phải đến con số vạn. Vậy mà những nổ lực cho sự sống của các em vẫn chưa có gì cụ thể. Ông Hoàng Văn Thông, phó chủ nhiệm UBBV và CSTE Quảng Trị cho hay một tổ chức của Mỹ - Peace tree (cây hòa bình) đã xây ở đây một ngôi nhà để hướng dẫn các em phân biệt, tránh xa các vật liệu nổ nhưng chỉ có vài trăm em học sinh quanh đấy đến học hỏi. Cứ mỗi lần xảy ra vụ nổ lại phải đi gõ cửa xin các cơ quan giúp đỡ nạn nhân. Và số vụ nổ bom đạn làm thiệt hại tính mạng của các em lại không hề giảm đi. Đã đến lúc Chính Phủ cần lập ra quỹ hỗ trợ cho các em bé có hoàn cảnh như đã kể. Và đặc biệt, các tổ chức Quốc tế vì trẻ em sẽ có những biện pháp để những người chịu trách nhiệm gây ra cuộc chiến tranh, để lại tàn dư bom đạn, phải có trách nhiệm với số phận của các em, tương lai của các em. Hãy nhìn lại, Dũng, Sương các em hoàn toàn không hiểu tại sao mình lại đến nông nổi này! Và những gì chờ các em ở ngày rộng tháng dài trước mặt? Với thân xác tàn tật như vậy các em sẽ làm gì để sống khi bố mẹ các em già yếu không đủ sức nuôi con?
Không chỉ có các em bị tật nguyền do bom đạn cần được bảo trợ. Có hàng chục, hàng trăm em bé chịu ảnh hưởng gián tiếp của tai nạn bom mìn, bố mẹ bị mất sức lao động vì thương tật do bom mìn và không đủ điều kiện kinh tế nuôi các em học hành, nhiều em phải vào đời sớm để nuôi lại bố mẹ. Những vấn đề hậu chiến vẫn làm day dứt người lớn chúng ta nhưng đến bao giờ, bao giờ mới có một nguồn quỹ ổn định để bảo trợ cho các em bé tội nghiệp này, câu hỏi vô cùng bức thiết vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
1.6.2000
L.Đ.D