C |
húng tôi đóng quân giữa một vùng cát trắng. Quảng Trị quê mình suốt mấy chục Kilômét bờ biển chỉ trừ miệt Cửa Tùng - Vĩnh Mốc là đất bazan đỏ, còn ở đâu cũng là cát trắng. Không biết các nhà triết học, các nhà tư tưởng và thần học hiểu thế nào còn đối với riêng tôi, cát như là một biểu tượng không phân chia được của vật chất. Có lẽ chính vì thế, chính vì sự "không phân chia được" đó mà miền cát này đã diễn ra những biến cố lớn lao của lịch sử...
Lịch sử không dừng lại, lịch sử đã sang trang, lịch sử đang tạo nên những biến cố mới của kỷ nguyên máy tính, chỉ có cát trắng thì vẫn thế: Ở lại và mãi mãi bao la, xa vời, mất hút...
Đoạn đường C17 - Công binh - Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị đảm nhiệm rà phá bom, mìn, vật liệu nổ bắt dầu từ Cửa Việt đến Mỹ Thủy. Nơi đây, những năm 1968 đến năm 1972, giữa mùa hè đỏ lửa trên cát trắng đã diến ra nhiều trận đánh ác liệt của quân giải phóng và lính Mỹ. Một tiểu đoàn chủ lực mà các cụ già còn sống trong làng gọi là "bộ đội K8" hành quân từ miền Tây Quảng Trị về phối thuộc với du kích mục đích khống chế quân cảng Mỹ Thủy, ngăn cản địch tăng cường lực lượng, vũ khí cho tuyến phòng thủ Mắcnamara. Đời lính, mỗi bước hành quân là gian khổ hy sinh. Tiểu đoàn ấy đã hy sinh hết, từ binh nhì đến đại úy tiểu đoàn trưởng. Địch nắm được ý đồ chiến thuật của ta, tổ chức phản kích khi tiểu đoàn vừa hành quân đến chiếm lĩnh trận địa, đào công sự. Trên mặt đất thì xe tăng và lính Mỹ, trên trời xanh thì trực thăng vũ trang quần đảo tơi bời vào đội hình. Không một gốc cây, không một mô đất, cát trắng thì vẫn thế: hiền lành, bỏng rát, bao la...
Sau ngày hòa bình lập lại, nhân dân xây nhà dựng cửa, đào lên những hài cốt nguyên vẹn, tay còn nắm cán xẻng bộ binh, súng AK-47 đạn đã lên nòng, người ngồi trong hố cá nhân, bi đông vẫn còn đầy nước... Đau xót thay, những người lính ấy đã hy sinh khi chưa kịp bắn một phát súng vào quân thù!
Lịch sử để lại những trang hào hùng nhưng lịch sử cũng để lại cho đời sau những trang đẫm máu!
Tôi nghĩ đến điều đó khi dẫn bộ đội băng qua trảng cát trắng, bắt đầu công việc của một ngày. Cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm đã để lại trong cát đầy rẫy những thứ mà người ta gọi là "phế liệu chiến tranh". Phải nói đó là cụm từ hoa mỹ khi dùng để chỉ bom, mìn, đầu đạn pháo, vật liệu nổ vùi sâu trong cát. Những chiếc máy dò mìn hiệu SHIEBLE của chúng tôi có tín năng kỹ thuật phát hiện được vật thể kim loại đường kính 1 xăng-ti-mét ở độ sâu 0,6 mét. Với hàng trăm hàng ngàn mét vuông phải làm sạch vật liệu nổ dọc tuyến đường Nam Cửa Việt, hãy tưởng tượng khối lượng công việc đào bới, dò gỡ, xử lý bom đạn mà lính C1T Công binh phải vượt qua. Chỉ một mẫu giấy tráng kim đường kính một xăng-ti-mét, nằm ở độ sâu nhỏ hơn 0,6 mét là lập tức tín hiệu "tuýt tuýt" vang lên ở tai nghe của máy. Và thế là những mũi thuốn cắm xuống, nhẹ nhàng, xiên một góc 25 độ đến 35 độ so với mặt đất, cách nhau tạo thành tam giác đều có cạnh 6 xăng-ti-mét; rồi lại nhẹ nhàng đào, bới lẫn tìm trong cát trắng cái vật đã phát ra tín hiệu "tuýt tuýt" kia - Có lẽ tôi không cần phải nói đến những giọt mồ hôi, những nếp nhăn trên trán, sự căng thẳng thần kinh của bất cứ ai khi khoác lên người chiếc máy dò mìn, tay cầm mũi thuấn để làm công việc này.
Dọc tuyến đường chúng tôi đia qua, từ Hải An, Triệu Lăng, ngược lên Hải Ba, Hải Quế thuộc hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, nhà tranh lụp xụp, cây cối xơ xác. Dân gian có câu tục ngữ "tấc đất tấc vàng", vàng đâu không thấy, còn ở đây chỉ thấy cát trắng bạt ngàn! Lúp xúp bên đường những bụi dứa dại, cỏ hoang và xương rồng hoa đỏ. Những bé con đen nhẻm, gầy gò đùa nghịch trên cát, đôi mắt thì tròn, thơ ngây, tò mò dõi theo các khung máy dò mìn chậm rãi lướt trên cát trắng. Cuộc chiến đã chấm dứt. Thời gian để những cơn gió Lào xô xát khỏa lấp vết thương chiến tranh cũng đã dài hơn thời gian mà nó đã diến ra, thế nhưng tôi vẫn nghe thì thầm trong cát, âm u trong cát, buốt nhức, âm i - dư âm của chiến tranh.
Không thể thống kê nổi có bao nhiêu bom đạn, mìn chưa nổ, nghĩa là những cái chết thực sự đang rình rập trong cát. Cũng không thể thống kê nỗi đã bao nhiêu người thương tích, tử nạ vì cái gọi là "phế liệu chiến tranh" kia từ sau ngày hòa bình. Cát trắng muốn mọc lên những mầm xanh, muốn xây lên những công trình, muốn hồi sinh theo đúng nghĩa của nó thì phải trả lại cho cát cái bao la nguyên sơ, cái bình yên của gió, và yêu thương của con người. Không dám nghĩ rằng công việc của lính C17 Công binh mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chỉ đơn giản là nhiệm vụ, là mệnh lệnh; nhưng tại sao tôi không có quyền so sánh những cái chết rình rập trong cát và máu cha anh chúng ta đã đổ xuống trên cát trắng. Tại sao tôi không có quyền nghĩ đến tuyến đường Nam Cửa Việt sẽ hình thành nay mai như một chứng tích của lòng yêu thương của con người với miền cát trắng bao la này, như một ân nghĩa lớn lao?
Cột móc sơn đỏ Km 0+00 được cắm xuống ngay tại bờ Nam Cửa Việt, cứ thế Km1, Km2... những cột mốc sơn đỏ duổi nhau chạy dài đến Mỹ Thủy - Km 24+600. Có một nhánh nhỏ từ Gia Đẳng (xã Hải An) lên Phương Lang (xã Hải Ba) dài 5 km nối với con đường đất đỏ từ Hội Yên đi thị xã Quảng Trị. Đây là mạng đường kết hợp Kinh tế - Quốc phòng góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị cho một vùng rộng lớn thuộc hai huyện Hỉa Lăng và Triệu Phong. Với số vốn đầu tư 21 tỷ đồng đẻ con đường lên hình, lên khuôn đâu phải là nhiề nhặn, cái nhiều hơn là tôi không nhìn thấy có lẽ nằm trong sắc xanh dẫu còn bơ phờ của những rồng khoai hoa tím, trong tiếng trẻ ê a, tiếng cô giáo giảng bài vang lên từ những lớp học nghèo. Đất nước mình gian nan, miền cát trắng này gian nan, cực khổ từ thuở châu Ô, châu Lý, khi Lý Thường Kiệt ruổi ngựa đến cắm mốc biên cương xác định biên ải phía Nam của Tổ quốc; rồi những đoàn người Việt gồng gánh bế nhau đến trấn giữ miền đất này, cái nghèo đã hằn sâu vào nếp nghĩ. Để thắp lên một niềm tin, xóa đi nghèo đói và chiến tranh đã thấm sâu vào từng vốc cát, thấm sâu vào từng gốc xương rồng hoa đỏ, cần phải có những can thiệp quy mô của con người... Đó là điều nhiều hơn tôi đã nhận thấy trong những trưa mùa đông 1997 mà nắng chói chang.
Đi cùng chúng tôi, thiếu tá Bùi Trọng Hồng - trợ lý ban Công binh - BCHQS Quảng Trị - một chuyên gia về xử lý vật liệu nổ dày dạn kinh nghiệm. Anh cho biết từ năm 1975 đến nay đã có rất nhiều đợt rà phá bom mìn do nhiều lực lượng bộ đội, du kích tiến hành nhưng mật độ bom mìn dày đặc, bố trí hiểm hóc nên vẫn còn sót lại những phương tiện giết người nguy hiểm chôn vùi trong cát. Anh kể cách đây vài năm, trên trảng cát mênh mông thuộc xã Hải Ba, có đứa bé gái 11 tuổi đi học, đã dẫm phải mìn chống tăng TM-46. Đây là loại mìn do Liên Xô sản xuất. chứa 5,5 kilôgam thuốc nổ TNT, mìn có thể phá hủy ô tô hoặc phá hỏng xe tăng khi có một lực lượng 100 kilôgam tác dụng lên mặt mìn. Mìn cũng sẽ nổ nếu một lực lượng 10 đến 20 kilôgam tác dụng trực tiếp lên ngòi nổ. Thời gian và mưa nắng làm vỏ mìn bị han rỉ, bé gái 11 tuổi chỉ nặng khoảng 25 kilôgam dẫm lên chính đầu ngòi nổ. Và thế là... khi người ta chạy đến chỉ thấy một cái hố mà trong lý thuyết nổ phá gọi là "phiếu nổ", người ta còn nhặt được một trang sách kể chuyện lớp 5. Chuyện rằng: "Ngày xưa, ở một làng kia có hai chị em cùng cha khác mẹ, cô chị tên là Tấm..." Ôi, thân thể và tâm hồn em đã tan vào không trung, còn gửi lại đời này câu chuyện cổ tích về lòng nhân ái, bao dung.
Đã nhiều năm qua, lính C17 Công binh lên rừng, xuống biển, ra đảo; giờ lại dò dẫm trên cát trắng. Mùa đông lạnh mà ở miền cát này vẫn có những trưa nắng chang chang, lại có cả gió Lào thổi nhẹ nữa! Tôi bỗng hiểu ra cái quy luật đan xen, thâm nhập, phủ định lẫn nhau của thế giới vật chất, tự nhiên, xã hội và con người.
- Tại sao làm việc mà các đồng chí đi chân đất? Tôi hỏi Nguyễn Thanh Cang và Đỗ Sỹ Hải, binh nhất nhập ngũ tháng 3 - 1996.
- Báo cáo, giày của tụi em bị rách từ hồi đổ bê tông ngoài Cồn Cỏ, còn dép thì bị đứt nhiều quá không dán lại được.
- Hai đồng chí bàn giao máy lại cho tổ, tôi cho hai đồng chí nghĩ từ hôm nay.
Là người chỉ huy, tôi phải nghiêm khắc với các em nhưng lòng tôi chùng xuống khi những bàn chân con trai hai mươi tuổi bước đi nhon nhót trên cát nóng. Mỗi ngày làm việc các em được bồi dưỡng 3000 đồng, trong đó 2000 đồng đưa vào bữa ăn, chỉ còn 1000 đồng phát cho các em để tiêu vặt. Một đôi dép nhựa bình thường giá phải 8000 đồng đến 10000 đồng, tức là 8 đến 10 ngày làm việc nguy hiểm - một thành quả lao động nhỏ nhoi, khiêm tốn như đời lính vốn không hề so đo, tính toán.
Tôi ghi vào nhật ký công tác:
Ngày 21-11-1997: Phát hiện hai đầu đạn 105mm tại...
Ngày 22-11-1997: Phát hiện 5 quả bom bi tại...
Ngày 23-11-1997: Phát hiện 197 viên đạn AR-15 tại...
Ngày...: Phát hiện 1 quân hiệu Quân giải phóng miền
Tôi cắm xuống bên cái hố đã đào lên quân hiệu đỏ rực một lá cờ xanh, dấu hiệu của sự an toàn mà lẽ ra không cần phải làm như vậy. Bởi cái quân hiệu đỏ rực kia không thể là nguy hiển, nhưng không hiểu sao..., có lẽ là màu đỏ rực của quân hiệu đã chế ngự niềm ý thức trong tôi, nó lóe lên trong cát trắng, ngời lên dưới mặt trời. Nó - chứng nhân của những năm tháng không quên, của những người không tên đã sống và đã chết trên miền cát này, vô danh như cỏ cây, trời đất, như cơn gió Lào trở chứng trưa nay.
Không ai có thể sống khác thời mình đã sống, đó là tính lịch sử của đạo đức, chỉ có cát trắng thì vẫn thế: tinh khôi, nguyên thủy, không lời...
Và tôi như thấy màu đỏ chói chang của cái quân hiệu đã thức giấc thời bình yên, lặng im của cát giữa trưa nắng như là một bông hoa đỏ chất chứa một nguồn lực lớn lao của sự sống. Vâng, không phải màu cờ xanh báo hiệu an toàn mà chính màu đỏ rực lóe sáng của cái quân hiệu; màu đỏ đằm thắm của những hoa xương rồng; màu đỏ ưu tư của những lá cờ cắm tuyến đã thức dậy cát trắng sự không bình yên, thao thức, vẫy gọi, không nguôi...
Khi tôi viết những dòng này thì những chuyến xe đầu tiên chở đất đá đổ nền đường tại Km15 đến Km 17. Đứng trên đồi cát không tên xã Ba Hải nhìn về, bụi đỏ bốc cai như những đám mây hồng. Luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho biết từ đây đến năm 2000, tuyến đường sẽ hoàn thành với đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật của loại đường bê tông nhữa thấm nhập, mặt đường rông 6 m. Xe ô tô chạy với vận tốc tối đa 100km/giờ, nghĩa là từ Cửa Việt đi Mỹ Thủy chỉ gần 20 đến 25 phút ngồi ô tô, xe máy. Như thế có nghĩa là cuộc sống nơi miền cát này được nâng lên một nhịp mới, khẩn trương, tự tin hơn. Sẽ có những bé con sinh ra vào năm 2000 đi học trên con đường này, không còn sợ dẫm lên những quả mìn chưa nổ.
Và tại sao tôi không có quyền mơ tưởng rằng con đường sẽ dài mãi thêm, đến Thuận An, Hải Vân, vươn ra đến Cửa Tùng, Vĩnh Mốc?
Con đường men theo mép biển xanh, chỉ cách mép nước lúc thủy triều lên cao nhất từ 300 đến 600 mét. Các nhà hoạch định sách lược hẳn không thể không nhìn thấy tầm quan trọng đặc biệt của tuyến đường trong chiến tranh Bảo vệ tổ quốc. Nó sẽ là cái xương sống tuyến phòng thủ thứ nhất của bờ biển miền Trung; sẽ là nơi cơ động lực lượng, vũ khí, trang bị; sẽ là nơi đọ sức quyết liệt để chứng minh rằng: Sự sống là bất diệt! Liệu lịch sử có lặp lại không, có lặp lại những biến cố lướn lao, để tôi thêm một lần khăng khăng với các nhà triết học, các nhà tư tưởng và thần học rằng: cát trắng như là một biểu tượng không phân chia được của vật chất, chứ không phải nguyên tử là hạt vật chất nhỏ bé, dù bây giờ người ta đã tìm ra những hạt còn nhỏ hơn cả nguyên tử.
Tôi lại bắt gặp màu đỏ hiền lành trên túi thuốc cấp cứu của thiếu úy Nguyễn Văn Bắc, y sĩ đơn vị. Màu chữ thập đỏ cứ xoáy vào mắt tôi nhắc nhở về một ngày làm việc an toàn. Tôi thầm mong túi thuốc cấp cứu kia sẽ không bao giờ phải mở ra để lấy những cuộn băng trắng. Những tháng năm qua, máu đã đổ quá nhiều trên cát, máu đã thấm vào từng gốc cây, thấm vào từng vồng khoai hoa tím. Ngày bình yên đang trôi qua. Cát êm ả quá dưới bàn chân trần con trai những tuổi hai mươi. Anh Bắc mở Rađiô, bản Senerađe của Frant Shubert vang lên êm đềm, tuyệt diệu. Những thiên tài âm nhạc như Shubert bất tử bởi những giai điệu thức tỉnh được cõi sâu xa nhất của lòng người. Có gì sâu xa hơn, vĩ đại hơn, bền vững hơn trong mỗi chúng ta: yêu thương và nhân ái.
T.H