Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cát trinh nguyên

 
          Bây giờ Mỹ Thủy là bãi tắm đang có khách mà anh. Y Thi nói có vậy rồi dắt xe vào bãi gửi. Đuổi theo xe chúng tôi là xe du lịch nhỏ có biển số của Thừa Thiên. Dân sành chơi đã tìm đường ra đây khi biển Thuận An trong ấy đã nhiễm bẩn

- Mỹ Thủy nào đây? Tôi hỏi.

Y Thi theo mắt nhìn. Ria mép rung rung lời diễu cợt:

- Vậy anh quên bài thơ “Lá thư Mỹ Thủy” của anh rồi à! Cái cầu cảng của quân đội Mỹ cắm vào biển chỗ có con tàu đang nạo vét. Và mé kia là làng Thâm Khê của Trần Thị Tâm. Anh quên thật rồi!

Tôi nhìn dấu giày của tôi in vào bãi cát. “Bây giờ mới đặt chân lên đến lần đầu”. Tôi muốn nói vậy với Y Thi. “Gặp rồi mới nhớ, mới quên được chứ”. Biển nhòa đi trong mắt tôi. Du khách trong và ngoài dãy quán lá lô xô nhòa đi. Biến dạng thành cây rừng kéo tôi trở lại một ngày của năm đầu thập kỷ 70. Tôi với Thuận Yến về đại đội thi đua của quân khu Trị Thiên. Các vị Tư lệnh Quân khu, những người lập công xuất sắc ở mặt trận, sĩ quan phụ trách tuyên huấn, thi đua, lính bảo vệ, nhà thơ, nhạc sĩ, diễn viên gùi sắn khô ngược lên đỉnh núi Cu Bôi. Các thành viên về dự Đại hội phải tự túc lương thực. Trên ấy có cái hội trường vừa được một tiểu đoàn công binh tu sửa.

* * *

Chính ủy Quân khu, đại tá Nguyễn Thanh Quảng đang ngồi với một cô gái trong nhà hầm. Ông đứng đậy bắt tay tôi rồi quay lại phía cô gái “Về bên văn công, ở với chú Vũ Ngàn Chi nghe”.

- Khoan cảm xúc, sáng tác gì vội nhà thơ ơi. Ông Thanh Quảng nhìn tôi cười tươi rói. Giúp Trần Thị Tâm có một bản thành tích để báo cáo trước đại hội. Du kích kiên cường của Hải Lăng đó.

- Tôi đang viết giúp chị Trịnh Tố Tâm, thưa anh.

- Thêm một Tâm nữa. Nhà thơ càng giàu vốn sống. Ông Thanh Quảng lại cười. Cái miệng cười của ông Chính ủy Quân khu ám ảnh suốt đời tôi. Có lẽ nhờ vậy mà tôi xóa cho ông nhiều án trọng, nhiều tật méo mó của kiếp người trong chiến tranh.

- Trần Thị Tâm khoác cái ba lô lép kẹp rồi theo tôi xuống núi.

- Em ở đoạn nào dưới Hải Lăng.

- Dạ ở Thâm Khê – Chừng như Trần Thị Tâm nghĩ tôi đã là nhà thơ của chiến trường, chắc quê hương tôi cũng gần đâu đó. Gần cái nơi mẹ cắt rốn cho em. Dạ ở "Thâm Khê". Ba mươi năm có lẽ, bốn âm tiết ấy trầm trầm trong góc nhớ của đời tôi.

* * *

 Tôi cầm cái giấy giới thiệu của Hội cựu chiến binh Việt Nam do Thượng tướng Trần Văn Quang ký để vào Quảng Trị.

- Thôi mà, giấy tờ chi. Ông đã vào đến đây, Quảng Trị coi ông như con đẻ.

Ông Lê Thế Danh, Chủ tịch Hội của lực lượng Cựu Chiến binh Quảng Trị vỗ vai tôi. - Bây giờ, nhà thơ muốn thăm lại mảnh đất nào, chiến khu nào, Hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất.

- Tôi vừa trên A Ngo, Tà Rụt về.

- Ai đưa ông đi?

- Hải quan.

- À phải, trên đó bây giờ là một cửa khẩu Hải quan. Xe của Hội đưa ông vào Hải Lăng. Được không? Về quê Trần Thị Tâm. Tôi không đi với ông được vì phải vào Huế điều trị.

- Sức khỏe ông độ này ra sao? Tôi cầm tay ông Danh?

- Bệnh của tuổi già mà. Chưa can chi!

* * *

- Em cho xe đi thật chậm. Ta chẳng có việc chi vội cả.

Anh lái xe làm theo lời yêu cầu nhưng chắc chắn đang có điều nghĩ về tôi. “Lên cái xe sang trọng giữa trời mùa hè nắng cháy lại đòi đi chậm”. Bởi cát đã ngợp mắt tôi rồi. Khoảng bốn mươi phần trăm độ dài của con đường từ Diên Sanh về quê biển của Trần Thị Tâm là cát ngập. Cát trắng như màu giấy Bãi Bằng. Và không rõ được lọc bùn, tẩy bẩn ở đâu mà trắng vậy. Càng dồn ra mép biển màu cát trắng càng tinh khôi. Tôi xóa ngay về ý nghĩ cái phẩm chất của cát. Tôi không phải là nhà thổ nhưỡng học, nhà địa lý hay sa mạc học. Tôi đang tìm đường về quê một người anh hùng. Một nữ du kích vùng biển Hải Lăng. Một người đã ở với tôi mấy ngày trên nhà hầm đại ngàn Trường Sơn để người kể, người ghi thành câu thành cú một cuộc chiến đấu gan dạ, can trường.

Một người bà con họ Trần dẫn tôi vào ngôi nhà lạnh lẽo. “Dạ đây là nhà bà Uy. Mẹ của Tâm. Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà chết mấy năm ni rồi. Giờ có một người họ hàng xa đến ở. Rủi là người ni tàng tính. Bỏ cửa nhà vườn tược tan hoang”. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng tôi ở trên cơ quan chính sách của Tỉnh, của Bộ gì đó. Và thế là họ thay nhau trình bày.

Tôi úp bàn tay xoa xoa lớp bụi trên tấm ảnh thờ. Ảnh đen trắng chụp hồi nào trên hậu cứ quân khu. Phóng to ra cho khít cái khung mộc. Chân dung chị Trần Thị Tâm mờ mờ những nét đen trên nền trắng của tờ giấy. Vẫn như phân bố địa hình vùng cát. Nét đen kia là xóm, là làng, là xã Hải An, Hải Khê… Nén hương tỏa khói mờ nhòa. Tôi không nói được gì. Chỉ kịp thốt lên “Cát trinh nguyên”.” Tâm ơi vẫn cát trinh nguyên”.

* * *

Hội trường Đại hội Thi đua Quân khu Trị Thiên năm 1970 nín lặng rồi nức lên từng đoạn kể của Trần Thị Tâm. “Giữa năm 1968, Mỹ và quân ngụy tràn ra khắp vùng ruộng Hải Lăng, Triệu Phong. Chúng phản kích bằng đủ loại vũ khí, phương tiện hiện đại nhất của Mỹ và bằng sự trả  thù hèn hạ nhất của con người. Quân chủ lực của ta bị đánh bật về rừng xanh. Các cơ sở Đảng bị xóa trắng. Quê của Trần Thị Tâm bị kẹt giữa hỏa lực của Mỹ ở vùng cảng Mỹ Thủy, quân cơ động trên trục đường tỉnh lộ, các loại phóng pháo, trực thăng bủa kín vòm trời và còn một thứ nữa. Đó là tề ngụy, là lũ phượng hoàng mặc áo đen, cầm que thuốn sắt đi xăm xoi. Trần Thị Tâm là một trong mấy cán bộ cốt cán bám trụ làng Thâm Khê vì ở đó còn gần hai mươi thương binh chưa có liên lạc để võng cáng lên rừng.

Tâm đã chống chọi lại mọi nguy hiểm, cô độc để nuôi sống thương binh. Và cho đến ngày quàng cái ba lô lép kẹp theo cán bộ huyện Hải Lăng lên rừng báo cáo thành tích của mình thì thân thể của Tâm chỉ còn lại cái xác mắm, đen đủi, gầy teo. Bộ Tư lệnh Quân khu theo dõi sự tăng trưởng nhỏ nhoi từng ngày trên thân thể người con gái đất Hải Lăng này để quyết định ngày khai mạc. Vậy mà cả hội trường vẫn nấc lên khi Tâm lật cái mũ tai bèo ra phía sau vai. Tóc lơ thơ như rừng mới cháy. Đại tá Chính ủy Quân khu bước đến chỗ Tâm khi bản báo cáo của Tâm vừa dứt. “Quân khu tặng em chiếc lược này. Để nay mai em chải lên mái tóc mọc lại xanh dài như xưa”. Trộn vào tràng vỗ tay là tiếng khóc nhân từ của quan, quân, tướng, tá đã dạn dày trận mạc.

* * *

Có hai chi tiết trên bản thành tích nuôi giấu thương binh của Trần Thị Tâm không được báo cáo trước Đại hội Thi đua Quân khu. Cả trong bản tuyên dương công trạng để phong Anh hùng sau đó cũng không nhắc nữa.

Tôi đã ghi lại đầy đủ cho Tâm “Thương binh được giấu ngoài động cát sát mép biển. Hầm đào kề những lăng mộ xây cao. Có dứa dại và xương rồng lúp xúp che chở khá an toàn. Tâm nhặt được bộ rằn ri của lính ngụy. Đêm mò vào xóm kiếm bất cứ cái gì ăn được mang về hầm nuôi thương binh. Nguồn lương thực này sớm cạn vì dân chài Thâm Khê quá nghèo. Tâm chỉ cạo vỏ cây xương rồng rồi nhai phần lõi để cầm hơi. Có đêm thấy bóng người lén ra đặt vào lăng mộ vài thứ để cúng ông bà. Tâm cởi quần áo, huơ tay múa chân trong đêm. Giả làm quỷ biển để hù dọa. Người ra cúng sợ quá ù chạy. Tâm có thêm quả chuối, nắm xôi nuôi đồng đội đang đói lả dưới hầm…”

“Có anh thương binh trẻ bị thương nặng lắm. Đói còn chịu được để chờ Tâm. Khát quá nên anh xỉu đi nhiều lần trong cánh tay Tâm. Có cả biển xanh nhưng không có giọt nước nào trên cát. Đêm ấy, xe xích của lính Mỹ chạy như điên. Đèn pha quét dày mặt cát như trời sắp bão giông. Trần Thị Tâm cuống quýt. Muốn liều chết chạy qua động cát tìm lấy vài giọt nước. Bỗng quân thù phát hiện ra điều đó và bắn dữ dội. Sợ anh thương binh kêu lên, Tâm mở từng khuy áo mình đang mặc, cúi sát ngực mình vào người con trai. Lừa đẩy núm vú khô teo của mình vào đôi môi thương binh bỏng rát vì khô cháy. Chẳng có chuyển động nào trên cơ thể”. Tâm úp mặt vào bàn tay và nói rất khẽ với tôi “eng Cảnh ơi, có sữa siếc chi mô. Em chưa có chồng”.

Ở đại hội thi đua năm 1970, Chính ủy Thanh Quảng bảo tôi: “Thôi, bớt đi những chi tiết này cũng đã Anh hùng rồi!”

* * *

Mấy chục năm nay, tôi không nói với ai, không viết một chữ về trường hợp cấm kỵ này của Quân khu. Có lẽ Chính ủy muốn thật trong, thật sáng, thật trinh nguyên một phẩm chất anh hùng. Tôi cũng hèn mọn. Không cãi lại chỗ thô vụng, cứng nhắc đó. Giờ trước lăng mộ của Trần Thị Tâm, tôi cúi đầu xin em một chút nhân từ xá lỗi. Em đã cố vắt nặn cái trinh nguyên để cứu lấy con người.

Tôi thắp hương cho em. Cho cha mẹ và mấy người trong nội tộc Trần ở Thâm Khê. Thâm Khê của em vẫn nghèo. Đêm trước tôi với nhà văn Y Thi ở Tạp chí Cửa Việt vào thôn Mỵ Trường dự một lễ tạ mộ cha mẹ. Chủ nhân là hai con người xa xứ, nay giàu sang, đưa về hơn trăm triệu để xây đắp ngôi nhà vĩnh hằng cho cha mẹ. Tôi không so sánh với lăng mộ giá năm triệu bạc mà cấp trên đã dành cho cả gia đình em, cũng như việc cấp trên đang tiến hành xây dựng Bia chứng tích cho em gần năm mươi triệu đồng, hy vọng sẽ khánh thành vào dịp 2 - 9 sắp tới. Có điều, tôi mong mỏi. Tôi thật lòng mong mỏi. Đừng để tan hoang quá. Rồi chính sự tan hoang ấy chê trách lòng ta lạnh lùng.

 

P.N.C

Phạm Ngọc Cảnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 84 tháng 09/2001

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground