Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Câu chuyện bên Bàu Thủy Ứ

T

rong đời ai cũng có một miền quê, ai cũng có một dòng sông đầy ắp những kỷ niệm thiếu thời. Tôi cũng thế, tôi cũng có một miền quê yên ả, thanh bình, với một dòng sông tuổi thơ đằm thắm, dung dị như bao nhiêu người khác. Dòng sông ấy, miền quê ấy đã cưu mang che chở cho tuổi thơ tôi lớn lên theo thời gian cùng bao kỷ niệm nao lòng. Nỗi nhớ đau đáu mãi trong tôi để mỗi khi quay về nhà bao giờ cũng bừng dậy trong tôi tâm trạng háo hức.

Làng tôi, ở vùng quê cách thị trấn Hồ Xá bốn km về phía đông bắc. Một làng quê với bao kỳ tích anh hùng trong những năm kháng chiến vừa mới được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã anh hùng. Một làng quê từ trong đói nghèo cơ cực đã bật lên chuỗi tiếng cười sảng khoái để chiến thắng. Chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi hoàn cảnh. Tiếng cười ấy đã vĩnh viễn đi vào kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Chiếc nôi quê hương nói trạng đong đưa bởi hai tao nôi là Thôn Tây và Vĩnh Tú làng tôi. Không phải ngẫu nhiên mà người dân quê tôi nói trạng, mà bởi vùng đất con người ăn ở vốn “sơn thủy hữu tình”. Một dải đất đỏ ba zan kéo dài từ Vĩnh Trung xuống giáp Vĩnh Thái. Quê tôi cũng có sông, có núi, tuy núi không cao, sông không dài, không rộng nhưng tất cả đều hài hòa và đẹp đẽ một cách lạ thường, có thể đó là cách nhìn của một người con khi nghĩ về quê cha đất tổ. Nhưng tôi cũng dám chắc rằng: Nếu ai đã một lần đến đây đều không thể quên mảnh đất, con người Vĩnh Tú.

Đất nước những năm chiến tranh, làng tôi đã từng nhường cơm xẻ áo, đã từng đón nhận bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận ở lại với mình. Có những cơ quan đơn vị đã đến đóng quân ven bàu Thủy Ứ như Xí nghiệp In, Bảo tàng... Những địa danh như bàu Thủy Ứ, Xóm Ruộng, Xóm Bàu hẳn đang còn đọng lại trong ký ức của nhiều người. Mấy chục năm trôi qua, nơi đây đã có bao nhiêu sự đổi thay. Cuộc sống đã đổi sắc thay da. Cái câu “ăn cơm bữa diếp” minh chứng cho nỗi đau một thời khốn khó đã vùi sâu vào dĩ vãng. Những mái ngói đỏ tươi đã mọc lên san sát, điện đã tỏa sáng xóm làng, cuộc sống đang từng ngày từng giờ đi lên với nhịp điệu khẩn trương của thời hiện đại. Cảm nhận được điều đó ai không mừng, không tự hào vui sướng trước sự đổi thay của quê hương. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó và có sự lột xác nào mà không phải trải qua đớn đau, vật vã. Một chút ấu trĩ trong quá khứ có thể để lại hậu quả cho tương lai. Tất nhiên hậu quả ấy không phải ngày một ngày hai con người thấy được ngay, mà phải qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu suy ngẫm cuộc đời mới nhận ra. Và khi đứng trước sự đổi khác của dòng sông quê nhà tôi lại càng thấm thía hơn về điều đó.

Bàu Thủy Ứ quê tôi không biết có tự bao giờ. Tôi đã lục tìm nhiếu sách vở và hỏi những người cao tuổi trong làng nhưng không rõ nó có tự thuở nào. Người làng tôi không gọi đó là sông, mà gọi là bàu: bàu Thủy Ứ. Tuy rằng nó có một cửa sông ngày đêm chảy ra biển cả và có những khúc rộng hẹp khác nhau, có nơi độ sâu vài chục mét nước. Không ai gọi là sông có lẽ bởi vì nó không bắt đầu từ thượng nguồn nó đơn thuần như tên gọi Thủy Ứ chỉ là chỗ đất trũng sâu chứa nước ở giữa một bên là làng mạc, một bên là đồi núi lúp xúp rặng trâm bầu. Tự trong bản thân nó có chứa những mạch nước ngầm rất lớn để nó đủ tồn tại hàng trăm năm nay. Ngoài ra còn có một lý do nữa là ngày xưa nơi đây sen mọc rất nhiều, sen phủ kín mặt bàu, tỏa hương thơm ngát một vùng.

Khi chúng tôi lớn lên thì bàu sen không còn nữa. Dân làng tôi kể sen tàn lụi đi là do trong làng có một ai đó chết, khi khâm liệm đã lấy lá sen ở bàu Thủy Ứ về lót trong quan tài, từ đó không thấy sen mọc nữa. Có thể đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những năm chiến tranh, bom đạn dày xéo tơi bời, cùng với sự thu hái bừa bãi của con người nên sen đã không đủ sức vươn lên để tồn tại nữa. Sau này, ven bờ bàu, người ta cấy lúa nếp, một loại nếp rất thơm, thơm lạ lùng và có mùi vị rất đặc trưng. Cách cấy lúa cũng rất đơn giản, chỉ việc cấy xuống rồi chờ ngày thu hoạch mà không cần phải phân bón làm cỏ, mùa nào cũng bội thu. Có lẽ thiên nhiên đã ưu đãi cho quê tôi nhiều thứ mà bàu Thủy Ứ là hiện thân của sự ưu đãi ấy.

Không phải ngẫu nhiên trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng có một con cá to đến nỗi có thể lấy vảy thay ngói lợp nhà. Có lẽ người ta phóng đại để gây cười nhưng điều đó đã nói lên phần nào sự thật về một kho thủy sản vô giá trong lòng bàu Thủy Ứ.

Sinh thời chú ruột tôi đã từng mơ ước: Sau khi học xong Trường Đại học Thủy sản Hà Nội, chú tôi sẽ trở về cải tạo bàu thành nơi nuôi trồng thủy sản và là nơi nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc cho người dân quê tôi. Nhưng rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, chú tôi xung phong vào bộ và đã vĩnh viễn nằm lại phía Tây Nam của Tổ quốc mang theo một ước mơ đẹp đẽ vô ngần. Có lẽ hơn ai hết chú tôi hiểu được giá trị về vật chất cũng như giá trị về tinh thần đang tiềm ẩn trong lòng bàu Thủy Ứ nên đã nuôi một ý tưởng thật tuyệt vời mà thế hệ mai sau chưa ai nghĩ tới.

Đất nước những năm chiến tranh, cuộc sống của người dân cả nước nói chung và dân Vĩnh Tú nói riêng đều thiếu thốn, vất vả. Mọi người đều tự chắt chiu để tồn tại đánh giặc. Hơn hai phần ba làng tôi đã nhờ bàu mà sống.

Mẹ tôi thường nhắc:

- Ngày xưa khoai sắn không đủ ăn, nhờ con tôm, con tép dưới bàu mà sống đó các con ạ. Các con lớn lên cũng nhờ bàu, cả làng ni cũng rứa.

Trong ký ức của mình tôi vẫn nhớ như in, một chiều mùa thu, khi cha  mẹ tôi đi  kéo tép dưới bàu, tám anh em tôi ở nhà nấu một nồi sắn to đợi cha mẹ về. Nhưng đợi lâu quá, bảy đứa chúng tôi khóc đòi ăn trước, dỗ mãi không được anh tôi liền xúc cho bảy đứa bảy bát sắn, không quên kèm theo một cây roi:

- Ăn hết rồi là không được đòi nữa nghe không? Trong nồi là phần của cha mẹ, đứa mô đòi nữa là chỉ thêm roi chứ không thêm sắn.

Nói thì nói vậy chứ khi ăn hết chúng tôi đòi tiếp, làm anh tôi vừa xúc cho em vừa khóc.

Đến tối khi chúng tôi đã ngủ say, cha mẹ tôi và anh ngồi xúc tép hong muối ăn trừ bữa, vì nồi sắn bảy anh em chúng tôi đã vét sạch veo.

Bây giờ cuộc sống đã khác xưa, nhiều lúc ngồi nghĩ lại mà nhớ thương đến quặn thắt, khi nhận ra một điều, cha mẹ đã quá già so với tuổi ngày xưa khi bưng bát sắn ăn ta đâu biết anh trai ta cũng đang đói lã, cha mẹ ta đang dồn hết sức lực kéo thêm vài mẻ tép nữa đem về nuôi con. Đôi bàn chân xông xáo lội bùn xưa nay đã run run bước đi không nhanh được nữa. Mắt mẹ thâm quầng không thể đếm hết những nếp nhăn. Lưng cha đã còng xuống sau bao năm cực nhọc để nuôi các con lớn lên ăn học thành người. Con cảm ơn người, cảm ơn dòng sông quê hương đã nuôi anh em chúng con khôn lớn. Mãi mãi con ghi nhớ một điều: Quê hương là máu thịt, đi đâu và làm gì con cũng nhớ về cội nguồn của mình, về những ngày thơ bé trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, của quê hương.

Cuộc sống ngày xưa vất vả là thế, cực nhọc thiếu thốn là vậy nhưng cũng không ít những niềm vui, hạnh phúc. Những kỷ niệm ngọt ngào, đằm thắm của tuổi thơ gắn liền với bàu Thủy Ứ, với cây đa, bến nước quê nhà. Những chiều lũ trẻ chúng tôi rủ nhau bơi qua bàu nhặt củi khô, không đứa nào dám chặt phá cây vì sợ ông Thương giữ rú bắt phạt. Hái củi xong, chúng tôi lại lội bàu về, đứa nào đứa nấy ướt nhèm nhưng vẫn thích. Những hôm trời lặng gió chúng tôi đi cất vó, đi câu. Mặt nước trong xanh hiền hòa, những cây rong xanh đung đưa uyển chuyển. Xa xa những con cá cong mình nhảy lên như đùa vui với chúng tôi. Đắm mình xuống dòng nước mát lạnh chúng tôi cất lên những con tôm, con tép nhảy lách tách nghe đến vui tai. Tôm tép cất vó được, một nửa để lại làm thức ăn, một nửa mẹ đem bán mua sách vở đi học.

Thích nhất là vào mùa hè, khi anh trai tôi đến kỳ nghỉ hè về nhà, sáng nào cũng xách nơm theo cha tôi đi úp cá. Buôi sáng mùa hè sương giăng trắng, người nọ cách người kia vài ba mét cũng không thể thấy nhau. Cứ đứng im chờ tiếng rẹt nước của những con cá nóng đẻ là úp. Một nhát như thế ít nhất là vài ba con, khi thì cá giếc, khi cá chép, cá thát lát, những con cá mỡ màng, bụng căng đầy trứng nhảy đành đạch nom đến là sướng mắt.

Những cảnh người, cảnh đời như thế đã theo chúng tôi vào trang sách vở, những vần thơ vụng về chắp vá của tuổi ấu thơ đã theo chúng tôi đi suốt cuộc đời:

Quê nghèo nhưng cảnh không nghèo

Cá tôm đấy bể, rong bèo đầy ao

Hay:

Bàu Thủy Ứ quê em đẹp lắm

Gió rì rào như tiếng mẹ ru...

Tôi yêu quê hương tôi vô cùng, yêu con sông có cái tên bình dị nhất trên đời. Tất cả đã là máu thịt trong tôi để rồi trước mỗi đổi thay của dòng sông đều làm tôi xúc động.

Tôi đứng lặng nhìn cảnh bàu lặng ngắt, không còn cảnh thuyền nan qua lại như ngày xưa bên kia rặng trâm bầu của tuổi thơ tôi giờ không còn dấu tích gì nữa, chỉ còn lèo tèo vài chục cây bạch đàn mới trồng không đủ sức vươn lên trước gió, cát thổi từ biển vào.

Hậu quả của một cuộc sát nhập hợp tác xã bậc cao, một sự sát nhập vội vàng khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt mà đã nôn nóng một sự nhảy vọt về chất, kéo theo bao nhiêu sự đổ vỡ từ bên trong. Một loạt rừng dương liễu kéo dài từ Vĩnh Trung sang Vĩnh Thái chỉ chưa đầy trong vòng một tháng đã bị triệt hạ hoàn toàn. Rặng trâm bầu sát bàu Thủy Ứ không còn người giữ cũng đã bị đào tận gốc rễ. Một cuộc chạy đua mạnh ai nấy được đã làm làng tôi không còn rừng rú nữa. Cát đã lấn dần ra, bàu Thủy Ứ đang dần hẹp lại. Rồi theo quy luật của dòng chảy nếu bên này bồi thì bên kia lở. Những con sóng vỗ bờ oàm  oạp đã lấn dần từ bờ đất đỏ bên phía làng mạc.

Giếng nước gốc đa một thời là nơi cả xóm đi về tụ họp cũng đã bị nước lở xói cuốn đi hơn một nửa. Cây đa làng từng chứng kiến không biết bao nhiêu thế hệ đã qua đây, bao nhiêu câu chuyện vui buồn của một thời xa vắng. Từ lâu đã không nghe thấy tiếng người nên cây cũng chẳng muốn đâm chồi nữa. Cây đa bến nước có lẽ đã trở thành cổ tích đối với thế hệ sau này. Những con đường nhỏ ven bàu đã nhường chỗ cho cỏ dại hoang tàn. Cây đa giếng nước không còn là nơi chở che mưa nắng đi về cho con người nữa. Những con đường cái lớn với cuộc sống hiện đại có sức cuốn hút con người ghê gớm, bật ra khỏi cảnh quan sinh thái trong lành. Một số người trong xóm tôi đã dời nhà ra đường cái ở. Xóm còn lại vài chục ngôi nhà bám trụ, rặng tre làng ngày xưa vẫn rủ bóng mát muôn đời, ôm ấp những người ở lại. Tôi lững thững quay về, tiện thể ghé nhà ông Dụng chơi. Ông Dụng năm nay đã bảy mươi sáu tuổi. Ông là người kiên quyết ở lại xóm Ruộng này. Ông có tám người con, một người là liệt sĩ, còn lại bảy người  khác đều học hành đỗ đạt và đang công tác ở xa. Nhà chỉ còn hai ông bà. Lúc nào ra nhà tôi đều ghé nhà ông bà chơi. Nghe nói gần đây ông bà hay bị mất trộm nhiều thứ lắm. Thấy tôi, ông hỏi:

- Mới  về hả con?

- Dạ con mới về, hai bác có khỏe không? Đang làm gì vậy bác?

- À, bác đang chẻ tre đón thêm hàng rào nuôi mấy con gà, vịt, thỏ cho vui.

- Sao phải làm hàng rào lớn vậy bác?

- Bữa ni phức tạp lắm con ạ. Không làm ri thì không nuôi được, kẻ trộm không để cho mô. Tuần trước bác mất một con chó. Tội nghiệp nó khôn lắm con ạ. Biết họ làm thịt nhậu nhẹt ngoài quán mà chịu “nhập khẩu vô tang” mà con. Ngô bác trồng dưới bờ bàu chưa kịp bẻ thì kẻ trộm đã bẻ hết, dương liễu bác cả vạt con coi, lợi dụng đêm hôm, kẻ trộm đem cưa vô cưa hết mấy cây ngoài rồi, thiệt là hết chỗ nói. Rồi ông chậm rãi tiếp:

- Hồi chiến tranh, cực khổ thiếu thốn nhưng không ai trộm cắp của ai, con người với thiên nhiên gần gũi, quen thuộc chứ không như chừ. Bữa ni ban đêm không dám bủa lưới dưới bàu nữa, sáng ra là mất con ạ. À mà con xuống bàu chưa?

- Con vừa mới xuống, nhưng chỉ đứng trên bờ ngắm thôi, mấy bậc xuống bây giờ  chỉ còn là bùn đất nhão nhoẹt.

- Ừ, rứa đó con ạ, tôm cá thì tha hồ nhưng chừ khó bắt lắm. Ven bờ thì bị  rà điện, ngoài xa thì rêu xanh mọc đầy, một loại rêu lạ, rất trơn con ạ, đó là chỉ khúc trên bàu ni, chớ còn dưới khúc sông của Mỹ Tú họ nuôi cá lồng khá lăm, trên ni miềng làm không được.

- Răng bác không chuyển nhà ra đường cái ở cho vui?

- Vui thì vui thiệt nhưng ngột ngạt và bụi bặm lắm con ơi. Nhiều người ra chừ ưng vô lại, có người có ý định ra thì không ra nữa. Ở đây không khí mát lành, trong sạch. Buổi sáng chạy một vòng xuống bàu là khỏe hẳn. Hơn nữa, ngày xưa không nhờ cái bàu ni thì làm răng bác nuôi nổi tám đứa con ăn học nên người. Nhìn con cái trưởng thành, làm người có ích cho xã hội là mừng rồi. Sống phải có trước có sau, cái chi lợi thì làm, hại thì thôi chớ con.

Tôi đi quanh một vòng trong vườn, những cây ổi, cây na, cây tiêu xanh mướt. Có một chuồng thỏ, một bầy vịt béo tròn, mấy con gà mái đẻ tất cả được quây trong hàng rào bằng tre cao chừng ba mét. Tội nghiệp các chú vịt, lẽ ra nó phải được tung tăng kiếm ăn dưới bàu nước mênh mông kia nhưng để bảo toàn tính mạng nó đã phải chịu nhốt trong chuồng rào.

- À, rứa con nghe tin thằng Đ. bị bắt chưa?

- Con mới nghe ti vi đưa tin hôm trước. Con nghĩ cái gì cũng có cái giá của nó thôi bác ạ. Những người muốn làm giàu trên mồ hôi nước mắt người khác hoặc là đua đòi theo cuộc sống hiện đại mà không chịu lao động chính đáng thì sớm muộn cũng trả giá. Con hy vọng một ngày gần đây bác sẽ không phải vất vả làm hàng rào chống trộm như thế này nữa.

Ông Dụng cười hiền lành:

- Ừ, phải rứa chớ con, pháp luật Nhà nước có để yên cho bọn bất lương làm càn mãi mô. Cuộc sống chừ không thiếu cơm thiếu gạo thì càng không thể sống mất đạo đức, thiếu văn hóa được phải không con. Ở Trường Kỳ, Mỹ Tú họ khá về mọi mặt con ạ.

Phải rồi, là người làm công tác  trong ngành văn hóa, tôi mong đợi một ngày làng tôi được công nhận là làng văn hóa, một làng quê thực sự giàu mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa lối sống. Tuy đến hôm nay, khi tôi viết những dòng này, làng tôi vẫn chưa có tên trong danh sách làng văn hóa. Nỗi buồn trĩu nặng lòng tôi. Không! Một làng quê anh hùng trong kháng chiến vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý, thì trong hòa bình xây dựng không thể nào lại thua kém anh em bè bạn. Tôi tin là chưa chứ không phải là không.

Bàu Thủy Ứ quê tôi nước vẫn trong xanh hiền hòa, tôm cá vẫn nhiều, đất đai vẫn tốt tươi, nếp cái thơm vẫn tỏa hương ngan ngát, con người quê tôi anh dũng, kiên cường, cần cù chịu khó không lẽ gì mà không làm được điều đó...

Tạm biệt bàu Thủy Ứ, dòng sông tuổi thơ êm đềm, tôi không khỏi nặng lòng với những ưu tư, ray rứt. Xe đã ra đến đường cái, tôi ngoái đầu nhìn lại: những ngôi nhà bên đường, mái ngói nhuốm một màu bụi đỏ...

                                                                                       T.T.H

TRẦN THỊ HƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 63 tháng 12/1999

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground