Một buổi chiều cuối tháng Mười năm 1994, chúng tôi đi thăm khu di tích Sơn Mỹ. Khi trở về, xe đi dọc bờ sông Trà Khúc, ai nấy đều yên lặng. Dường như mọi người đều không muốn nói ra thành lời những xúc động quặn thắt trái tim khi vừa được tận mắt nhìn thấy những chứng tích tội ác của giặc Mỹ trong cái năm xa xưa ấy. Từng bờ khe nhỏ, từng nấm mộ rải rác, nơi hàng trăm đồng bao ta bị giết hại bằng lưỡi lê, bằng súng đạn, bằng lửa thiêu … cứ hiện lên, hiện lên.
Buổi hoàng hôn cuối mùa thu tỏa xuống đôi bờ sông Trà, xe chúng tôi men dưới núi Thiên Ấn, và cầu Trà Khúc đã hiện ra kia. Lòng tôi lại nôn nao nhớ về một kỷ niệm. Cũng vào một buổi chiều tà thế này, khi đi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tốp phóng viên chiến trường chúng tôi đến bờ sông này. Lúc ấy chúng tôi xúc động xiết bao khi trong bóng hoàng hôn đang phủ xuống bờ sông, nổi lên những guồng xe nước đang từ từ quay. Hình ảnh của những guồng xe nước sống trong ký ức bao người, biểu trưng cho một nếp sống thanh bình êm ả, lại cùng biểu trưng cho một nếp sống thôn dã cũ kỹ, xa xưa. Cũng như ngày ấy, lúc này đây, trong tâm trí tôi lại vang ngân lên câu hát quen thân của nhạc sĩ Trương Quang Lục viết về miền đất Quảng Ngãi mến thương.
Núi Ấn sông Trà mai này về ta
Sông núi anh hùng sáng ngời trong ta!
Bây giờ thì núi Ấn sông Trà đã thực sự về ta. Và cái hào khí anh hùng của núi, của sông, của con người Quảng Ngãi càng ngời sáng thêm khi chúng tôi được tham sự cuộc hội thảo về truyền thống của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ 50 năm về trước. Còn đêm nay, đêm cuối cùng của tháng Mười, chúng tôi đến hội trường Tỉnh ủy Quảng Ngãi để dự cuộc họp quan trọng. Đó là buổi báo cáo kết quả xét duyệt của Thủ tướng Chính phủ về đề án khu cảng nước sâu- khu công nghiệp phức hợp Dung Quất. Hội trường Tỉnh ủy Quảng Ngãi tối hôm đó có một không khí náo nức khác thường. Ai nấy đều chờ đón được nghe thật chi tiết về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, về những nét cụ thể của cái đề án tràn đầy niềm hy vọng cho tỉnh nhà. Một cuộc đổi đời bắt đầu từ đây! Ấy là ý chung của mọi người…. Người thuyết trình tối hôm ấy là anh Phạm Hữu Tôn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Anh vừa từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng rồi đi ô tô về tới Quảng Ngãi trưa nay. Cuộc họp về Dung Quất do Thủ tướng chủ trì diễn ra vào ngày 30/10 tối nay 31/10 anh đã có mặt ở quê nhà để thông báo với cán bộ và đồng bào niềm vui còn sốt dẻo đối với quê hương. Bằng giọng nói sôi nổi và lôi cuốn, anh Tôn phác họa cho mọi người tối hôm ấy là Dung Quất đã chính thức được Thủ tướng chọn làm khu cảng nước sâu và địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 của đất nước. Anh Tôn kể lại mấy sự kiện chính: Tháng 6.1994, tỉnh Quảng Ngãi đã trình dự án Dung Quất cho Chính phủ. Ngày 19/9, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào kiểm tra, đi thị sát vùng biển bằng tàu. Ngày 21/9, Thủ tướng chủ trì cuộc họp tại Hà Nội nghe lại dự án. Thủ tướng quyết định xây dựng tại miền Trung từ Huế vào Quảng Ngãi một liên hợp cảng biển. Phó Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục đi vào Dung Quất và các vùng cảng biển miền Trung để kiểm tra và Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào tận nơi chỉ đạo làm dự án. Sau 7 ngày, Đoàn quy hoạch đưa 3 phương án. Ngày 28/10, Bộ trưởng Xây dựng Ngô Xuân Lộc ký quyết định trình lên Chính phủ 3 phương án nói trên. Chiều ngày 30/10, Chính phủ họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng và chính thức kết luận: phê duyệt phương án 1 là phương án tập trung. Đây là phương án sẽ xây dựng ở vùng vịnh Dung Quất vừa là cảng biển nước sâu, vừa là khu công nghiệp lọc dầu – hóa dầu và phát triển thêm các ngành công nghiệp khác như luyện cán thép – khu công nghiệp nhẹ - công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm v.v…
Mọi người náo nức hình dung về tương lai, theo từng lời thông báo của anh Tôn. “Xã Bình Phụng sẽ là cảng rót dầu không số - cảng Bình Nhỏ sẽ là khu trung chuyển container với công suất 3 triệu container/ năm: sẽ có nhà máy đóng tàu, sửa chữa – khu công nghiệp lọc dầu, hóa dầu sẽ ở xã Bình Thuận, sân bay Chu Lai sẽ được xây dựng thành sân bay quốc tế: sẽ xây dựng thành phố mới Vạn Tường ở xã Bình Hải bắt đầu với 20 – 30 vạn dân – thị trấn Châu Ổ sẽ trở thành một nhà ga xe lửa lớn nhất miền Trung v.v… và v.v…”
Với niềm náo nức ở một tương lai đầy hứa hẹn của Quảng Ngãi, chúng tôi nhiều lần tìm gặp các anh lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu rõ thêm về “cội nguồn” của đề án hấp dẫn này. Mãi tới mùa hè năm 1995, chúng tôi mới bất ngờ gặp được tác giả ban đầu của đề án. Đấy là anh Trương Đình Hiển, Phó Tiến sĩ, làm việc tại văn phòng Thủy hải văn công trình thuộc Phân viện vật lý tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mùa hè ở Miền Trung, nắng gay gắt. Làm việc xong với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Đức Huy, chúng tôi đề nghị cho làm việc với bộ phận nghiên cứu về Dung Quất. Anh Huy cười và nói: “Ngay cạnh đây thôi. Bên cạnh phòng tôi đó!”. Khi chúng tôi bước vào, hai người đàn ông đang bận rộn, người thì đứng bên chiếc bàn đầy ngập giấy tờ, biểu đồ, người thì đứng bên chiếc máy vi tính đang in một tài liệu gì đó. Nghe chúng tôi giới thiệu, người đàn ông tóc hoa râm đứng bên bàn giấy niềm nở mời chúng tôi ngồi và giản dị đi ngay vào câu chuyện. Đó là Phó tiến sĩ Trương Đình Hiển và người cộng sự là kỹ sư Bùi Quốc Nghĩa. “Các anh các chị hẵn đã biết về ý nghĩa ra đời của công trình Dung Quất- Anh Trương Đình Hiển bắt đầu câu chuyện, và đứng lên chỉ vào tấm bản đồ lớn treo trên tường. Công trình Dung Quất ra đời là sự đòi hỏi tất yếu của xu thế hội nhập vào tiến trình khu vực hóa và quốc tế hóa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Để có khả năng hòa nhập, giao lưu và phát triển tốt đẹp, một trong những huyết mạch có tiềm năng to lớn và mang ý nghĩa quyết định đó là đường hàng hải và hệ thống cảng của nó, mà đặc biệt là các cảng biển nước sâu có khả năng đón nhận các tàu trọng tải lớn, với sức chứa khổng lồ của các kho bãi dịch vụ, công suất bốc dỡ lớn, đảm bảo cho nhiệm vụ trung chuyển quốc tế và khu công nghiệp, cũng như các sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp của các vùng rộng lớn trong nước và khu vực. Thời gian qua và hiện nay, các nước phát triển và nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hoa kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan v.v… đều chú ý phát huy hết khả năng của hệ thống cảng biển và kinh tế vùng duyên hải và vùng yểm trợ của hệ thống cảng biển ở mỗi nước. Trong xu thế như vậy, Việt
“Là những khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất việc phát triển các tiềm năng của đất nước, sau khi đánh giá và phân tích như trên, tháng 2 năm 1992, chúng tôi đã phác thảo một kế hoạch định hướng cho việc tập trung nghiên cứu, tìm kiếm cảng biển nước sâu và đặc biệt chú ý đến khu vực miền trung. Sau gần một năm nghiên cứu vị trí địa lý và tính toán chính các điều kiện động lực học dọc bờ biển khu V cũ, chúng tôi đã phát hiện Dung Quất thuộc Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi có đủ điện kiện để xây dựng một cảng biển nước sâu và khu công nghiệp cỡ lớn, vì đây là một vịnh sâu, kính gió có bề mặt rộng lớn, có nguồn nước dồi dào, tiếp giáp với các trục đường giao thông quan trọng, án ngữ chiến lược của miền trung, của đất nước và khu vực. Tháng 9 năm 1992, Đoàn cán bộ khoa học của Phân viện vật lý chúng tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra, đã làm việc với sở Khoa học, công nghệ và môi trường tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi đã thông báo về công trình Dung Quất và thông tin này được chuyển tới tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Để đảm bảo khoa học và chính xác, chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cho phép đi khảo sát kỹ hiện trường, mà danh từ chuyên môn gọi là “tiến nhập hiện trường”. Đề nghị này được đồng chí Phạm Hữu Tôn, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp nhận sau 30 phút xem xét và sáng 11.9.1992, tôi cùng kỹ sư Bùi Quốc Nghĩa lên đường đi về Dung Quất, với sự giúp đỡ của anh Võ Tuấn Nhân, cử nhân sử học, làm việc ở Ban Khoa Học Kỷ thuật tỉnh Quãng Ngãi…”
Sau lần gặp đầu tiên ở thị xã Quảng Ngãi, tôi gặp anh Hiển, anh nghĩa ba lần nữa, và lần nào các anh cũng đều say mê thông báo thêm những điều mới trong tiến trình phát triển hệ thống cảng biển ở miền trung. Lần gặp ở Quảng Ngãi anh Hiển có nói qua với tôi về việc bắt đầu nghiên cứu cảng biển nước sâu Chân Mây ở Thừa Thiên Huế. Sau nửa năm gặp lại ở thành phố Hồ Chí Minh, tại phòng làm việc ở phố Trần Đình Xu (Quận I), các anh vui mừng đưa tôi xem cả một tập tài liệu dày về đề án Chân Mây. Trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế của Thủ tướng Phan Văn Khải, phó thủ tướng đã đi trinh sát Chân Mây. Khi gặp nhau ở Uỷ ban nhân dân tỉnh đã bắt tay chúc mừng anh Hiển, anh Nghĩa sau lời kết luận chính thức của thủ tướng khẳng định Dung Quất là địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất số I. Còn gì sung sướng hơn cho những người làm công tác khoa học khi công trình nghiên cứu của mình được chấp nhận! Không biết bao gian nan trở ngại phải vượt qua để cho công trình khoa học được ra đời, được đệ trình lên những cấp có thẩm quyền và được xét duyệt. Trong lần gặp nhau ở thành phố Hồ Chí Minh và ở thị xã Quảng Ngãi, các anh đã kể lại một trong những trở lực lớn của đề án Dung Quất là cuộc đấu tranh gay gắt giữa những nhà nghiên cứu Việt Nam với một tập đoàn lớn của nước ngoài về địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu. Đây là một cuộc đấu trí lớn, nếu không có bản lĩnh và không đủ trình độ, không đủ luận cứ khoa học thì ta không thể bảo vệ được địa điểm Dung Quất hiện nay. Tiếc rằng, lúc này chưa phải là lúc nói đến cuộc đấu trí đó.
“Và trên bước đường làm Dung Quất - Chân Mây còn biết bao khó khăn khác nữa…”
Anh Trương Đình Hiển bỗng trầm ngâm khác với vẻ sôi nổi hàng ngày. Đó là trong lần gặp thứ năm giữa tôi và các anh ở Huế vào một ngày cuối đông năm Bính Tý. Giữa tiết Tiểu hàn và Đại hàn là một khoảng thời gian nắng đẹp. Hôm Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đi thăm, khảo sát vịnh Chân Mây và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, trời và biển đẹp lạ lùng. Nắng cuối mùa đông rải vàng ấm áp cả vùng vịnh biển và suốt dọc đường từ đèo Hải Vân về núi Ngự - sông Hương. Trong buổi trưa lộng lẫy ven sông Hương, chúng tôi ngồi trò chuyện ở nhà khách 5 Lê Lợi. Vườn cây nhiều hoa đang trổ bông, thoảng đưa hương quyện vào không khí đã có khí vị của mùa xuân mới đang về.
“Anh có biết vì sao tôi ra Chân Mây, tha thiết với công trình Chân Mây không? Tôi đến Chân Mây dĩ nhiên là với tư cách một nhà khoa học được mời nghiên cứu. Nay xin tâm sự với anh một lý do riêng. Nơi đây, vùng đất Thừa Thiên Huế này chính là nơi ông bà thân sinh của tôi đã sống và học hành trong thời niên thiếu, cách nay đã bảy mươi năm. Ông già tôi học Quốc Học, còn bà già tôi học trường Đồng Khánh, nay là trường Hai Bà Trưng. Tôi nghĩ rằng: nơi này đã để lại cho mình lắm công ơn mà mình phải ghi nhớ, mình phải trả ơn. Mảnh đất này, những bạc tiền nhân ở đất này đã nuôi dạy cha mẹ mình từ thời niên thiếu. Và cha mẹ mình đã chịu ơn từ mảnh đất này, rồi mới sinh thành và dạy dỗ mình từ thời ấu thơ …”.
Nghe anh Hiển tâm sự như vậy, tôi hiểu rằng cõi lòng anh đang trở về với những kỷ niệm xa xưa trên mảnh đất nghèo miền Trung này. Tôi trân trọng những giây phút như vậy ở mỗi con người. Vâng. Cha mẹ anh, anh chị em của anh, cả gia đình anh, cũng như bao nhiêu gia đình ở miền trung này, trong cái thuở xa xưa “cả đất nước đói nghèo trong rơm rạ ấy”, đều phải bươn chải, phải vật lộn để kiếm sống, để mưu sinh. Bbây giờ cả đất nước đã có bao biến đổi. Nhưng nạn đói nghèo vẫn chưa hết. Ở Miền Trung tỉ lệ đói nghèo lại chiếm nhiều hơn, và vì thế nguy cơ tụt hậu của miền trung về kinh tế - xã hội so với cả nước là một điều băn khoăn, nhức nhối đối với mỗi một ai có tấm lòng . Phải làm gì đây để miền Trung đi lên? Đó không phải là sự day dứt của đồng bào, cán bộ miền Trung nói riêng, mà chính là điều quan tâm của Đảng, của Nhà Nước, của đồng bào cả nước. Muốn miền trung vươn lên, không thể giữ mãi cách nhìn cũ, cách đánh giá một chiều luôn cho rằng miền trung là nơi thiên nhiên khắc nghiệt và do đó cảnh lạc hậu đói nghèo là điều tất nhiên! Không! Không thể nhìn nhận miền trung như vậy được. Rất may là những nhà lãnh đạo đất nước đã tâm đắc với những ưu thế của miền trung, trăn trở để cho miền trung có hướng đi phù hợp. Tôi có may mắn được dự nhiều lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với các tỉnh miền trung. Và tôi nhớ lại sâu sắc khi thủ tướng phân tích về vùng trọng điểm kinh tế miền trung, giải thích rõ vì sao chính phủ quyết định chọn địa điểm nhà máy lọc dầu số I ở Dung Quất. Đó là chiều ngày 02.8.1995, ở Hội trường ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ), khi làm việc với các tỉnh duyên hải miền trung, với giọng nói chắc khỏe nhưng điềm đạm, trầm tĩnh, Thủ tướng phân tích: “Từ lâu, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã bàn về khu trọng điểm kinh tế miền trung. Khi xác định vùng kinh tế từ Huế vào Nha Trang trọng điểm chỉ có Quảng
Nghe những lời của Thủ tướng, lúc này thật sôi nổi và hào hứng, tôi nhớ đến cái đêm cuối tháng 10/1994 ở văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Bấy giờ - một không khí náo nức tràn trề, khi nghe mọi người nói về viễn cảnh quê hương. Và, ai đó thốt lên rằng: “Đúng là một Đại Nghiệp!”. Sau này, khi tiếp chuyện tôi, chính anh Trương Đình Hiển cũng nhiều lần nói rằng: “ Những đề án Dung Quất, Chân Mây và sự phát triển của miền Trung là một Đại Nghiệp- Muốn làm nên đại nghiệp đó có biết bao gian nan, biết bao kỷ niệm sâu xa. Tôi xin kể anh nghe một vài kỷ niệm của nhóm nghiên cứu chúng tôi”.
Trên con đường làm Dung Quất, nhiều sự việc làm chúng tôi cảm động. Những sự việc đó xuất hiện trong người dân. Kỷ niệm thứ nhất là khi chúng tôi đi xuống Vạn Tường, gặp một bà già. Chúng tôi muốn tìm hỏi để gặp một chiến sĩ Vạn Tường, thì bà già chảy nước mắt. Bà già đang đi chợ mang theo một cái gánh. Tôi lục hai đầu cái gánh để xem cụ gánh cái gì, trông nghèo khổ thế này không biết là cụ có gì ăn không? Thì thấy mỗi đầu có vài chục trái bắp xanh. Tôi hỏi cụ gánh đi đâu? Thì cụ nói gánh đi bán. Mà bán cái này thì đong được một kí gạo. Tôi nhìn con đường cát dài ngoằn ngoèo và hỏi đường đi khảo sát thì cụ vui vẻ chỉ đường và dẫn chúng tôi đi một quãng xa. Khi chúng tôi hỏi về các chiến sĩ Vạn Tường, thì cụ nói: Cụ có một đứa con tham gia ở Vạn Tường đã chết rồi. Cụ ở xã Bình Hải, thôn Vạn Tường, cái chỗ mà chúng ta định xây thành phố Vạn Tường nay mai. Kỷ niệm thứ hai là chúng tôi gặp trung tá quân đội đã từng ở trong Bộ Chỉ huy đánh Vạn Tường về hưu ở đúng thôn Vạn Tường đó. Ông ta bị thương ở bàn tay hai ngón. Ông có một đứa con học lớp 8, vì khổ quá không đủ ăn nên phải nghỉ. Tôi hỏi: Bây giờ bác làm gì? Ông ta chỉ cái thuyền thúng và nói: còn một cái thúng – thúng con – thúng cha đó. Cả gia tài nhà tôi chỉ có cái thuyền thúng đó thôi – một mình ông thì già rồi, cái tay làm ăn không nổi nữa, phải để đứa con cùng đi theo. Ông bày cho con dùng cái thúng để câu mực câu cá, làm ăn. Kỷ niệm thứ ba là đi trên đường khảo sát, có những buổi trưa không có ăn, vì đâu có chuẩn bị kịp, thành ra bị đói. Một trưa nọ chúng tôi gặp một ông già treo võng nằm ở dưới rặng phi lao bên cạnh một cái chòi tranh. Tụi mình dừng lại và hỏi cụ, lúc đó trông cụ thanh thản lắm. Tụi mình hỏi ra thì cụ là dũng sĩ diệt Mỹ. Khi tụi này hỏi ở đây có quán xá, có gì ăn không thì nói: Không có đâu! Và cụ đi nấu một nồi khoai, một nồi khoai luộc rồi mời chúng tôi cùng ăn!
Như vậy, họ là những người đánh xong trận mạc, nước nhà thái bình thịnh trị, người thì giàu có lên, kẻ thì đi nước ngoài, đi đâu đó, người thì làm việc này việc nọ, nhưng họ trở về cuộc sống với làng quê thanh bình và họ chỉ được hưởng độc lập, tự do tự do thôi chứ còn cái mái nhà tranh thì vẫn nguyên là mái tranh. Và khi gặp mình thì họ vẫn sẵn sàng chia cho mình từng củ khoai để làm sự nghiệp Dung Quất. Tôi nghĩ là phải nói cho đúng rằng bây giờ người dân và chúng tôi những nhà khoa học, chia cho nhu củ khoai để làm Đại Nghiệp mà ngày nay nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, các nước ASEAN đều phải kính trọng công trình Dung Quất. Hay là khi tiến đến Chân Mây, chúng tôi đi khảo sát gặp những người dân đánh cá rất nghèo, nhưng khi chúng tôi cần làm việc thì họ làm cho chúng tôi không lấy công. Từ những chiến sĩ bộ đội Biên phòng, coi chừng cho chúng tôi như người nhà, giúp đỡ từng li từng tý, chia nhau từng chỗ trải chiếu, từng cái mảnh giường nằm. Nhiều người dân sẵn sàng chèo thuyền cũng không lấy tiền. Với tấm lòng và sự giác ngộ của người dân như vậy, chúng tôi thấy rằng cái Đại Nghiệp này nếu được phát động toàn dân thì sẽ thắng. Nó cũng như cuộc kháng chiến vậy. Đó là người dân, còn đối với các đảng bộ và chính quyền địa phương thì khỏi phải nói rồi. Như khi ở Chân Mây chúng tôi đi khảo sát thì được bí thư Huyện uỷ Phú Lộc, chính quyền huyện Phú Lộc và mấy xã đem quà đến tận nơi cho đội khảo sát giống như là đi ủy lạo các chiến sĩ ở tiền phương. Những tình cảm đó, những sự cổ vũ đó, cho thấy rằng: Trong nhân dân, sự vĩ đại của cuộc kháng chiến, sự nghiệp của giải phóng dân tộc vẫn còn nguyên vẹn để chúng ta đi vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngày nay. Nếu mình biết phát huy cái hào khí của dân, đồng thời mình xứng đáng với cái đó thì mình làm nên được sự nghiệp. Cái gốc của dân, mình tin ở dân, dựa vào dân là làm được! Anh chắc cũng biết là người dân ta cũng say mê sự nghiệp này như thế nào. Một ông đánh giày ở thị xã Quảng Ngãi, khi anh em tôi đi ra sửa giày, thì họ nhận ra bọn tôi, vì họ nhìn trên tivi họ nhớ mặt bọn tôi là người làm Dung Quất. Họ không lấy tiền. Họ nói: Ồ không. Biết các anh làm Dung Quất chúng tôi không lấy tiền. Cả mấy ông thợ sửa kính cũng vậy, họ không lấy tiền tụi tôi. Rồi một hôm chúng tôi đi trên khu Bình Nguyên – ngay chỗ Dốc Sỏi đó, chúng tôi gặp một toán những người nông dân và thanh niên. Họ đi trồng rừng theo chương trình 327. Người họ đen nhẻm, cháy nắng, cầm những cây rựa, đi chân đất. Nhưng khi gặp anh em chúng tôi đi trên đường thì họ biết anh em làm Dung Quất. Họ vui mừng lắm và chuyện trò. Anh biết không, họ vĩ đại ở chỗ này. Chính họ nói với chúng tôi: Đây là việc rất lớn, cần phải có thời gian... nhưng mà phải quyết tâm… Chúng tôi nghĩ chính những con người đi chân đất, cháy nắng như vậy mà họ nhìn thấy cái Đại Nghiệp, họ lượng định được đường đi và thời gian của nó. Chớ không phải như một số người có khi là cũng ăn học, có khi là cán bộ, nhưng phát biểu lại đầy bất mãn là: “nói vậy thôi nhưng chưa thấy gì. Chính phủ thì nói chớ không làm”. Không! Chúng tôi thấy những người dân bình thường như vậy họ lại có những cách nhìn chí lý và rất đầy đủ. Một ví dụ khác là khi chúng tôi đi khảo sát lên miền ngược thì gặp mấy người đồng bào dân tộc Trà Bồng, ta hay gọi là người Thượng đó. Họ biết tôi là đi làm Dung Quất vì Dung Quất có liên quan đến hồ nước trên Trà Bồng, cho nên chúng tôi đi khảo sát ở trên đó. Họ mừng lắm, đãi chúng tôi tiệc rượu chí cốt và coi chúng tôi như người nhà, coi sự nghiệp gắn bó với họ. Họ quý mến bọn tôi lắm. Bọn tôi nghĩ: Người dân bình thường từ miền xuôi cho đến miền thượng họ đều hưởng ứng công việc – một cái sự nghiệp lớn của Chính phủ như là việc thân thiết đến với họ. Và họ cũng nhìn xa trông rộng không kém gì những nhà lãnh đạo. Mà ở họ, mình còn đọc được những tấm lòng mà ở một số cán bộ ta không có được như vậy. Nhiều cán bộ ta kể công chứ họ mất con họ đâu có kể công, họ mất cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân, già rồi, chỉ ăn nồi khoai, họ chia cho mình một nửa. Họ còn đi nấu lên cho mình ăn. Những việc như vậy cho tôi thấy là: miền Trung này là nó khắc khổ, nhưng mà người dân có bản lĩnh, có tấm lòng và ý chí chịu hy sinh. Nếu biết động viên, nếu biết sử dụng tinh thần đó thì chúng ta vượt qua tất cả. Đặc biệt cán bộ mình mà luôn luôn nhớ đến họ và học tập họ những tinh thần đó thì mình đạt được. Đây không phải câu nói giáo điều đâu anh. Tôi là nhà khoa học thuần túy, chẳng phải là nhà lãnh đạo Đảng, lãnh đạo gì cả, nhưng đối với tôi đó là những điều luân lý, không có nó thì không thành công.
N.T.Đ.