Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiếc cối tật nguyền

 

N

ó nằm ở góc vườn lì lợm phô cái thân xù xì cứng cỏi của mình mà thi thố với thời gian đã hơn mười năm rồi, không ai ngó ngàng đến. Chắc nó buồn tủi lắm. Nhưng nó đâu biết rằng trong cuộc sống ồn ào phố thị này vẫn có một người luôn nâng niu, trân trọng và tôn thờ nó. Người đó là Minh. Cứ mỗi độ xuân về hay mỗi chiều vắng vẻ  anh thường lặng lẽ ngồi ngắm nhìn mà lòng rưng rưng vì nó đã gợi lại bao kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời. Nó là nhân chứng duy nhất còn lại đã cùng nếm trải xẻ chia số phận thăng trầm của gia đình anh…

            Minh sinh ra và lớn lên ở một ngôi lành nhỏ vùng trung du Quảng Trị, gia đình có sáu người con, bốn trai hai gái. Anh trai đầu đi bộ đội địa phương huyện. Hai chị gái thì đã đi lấy chồng xa. Người xưa có câu “Con út trút cả gia tài”. Với Minh nó chẳng đáng tí nào bởi vốn cái gia đình đã nghèo nàn lại còn tan nát xác xơ theo những năm tháng chiến tranh. Cho tới ngày hòa bình 1954 tính đi đếm lại vỏn vẹn còn chiếc cối giã gạo chày tay bằng đá mà nó cũng chẳng được lành lặn gì. Có bốn tai thì bom đã xém mất hai tai. Trông nó trần trụi như kẻ tật nguyền. Thuở ấu thơ thường lẻo đẻo bên mẹ mỗi lần cối giã gạo trắng ngần mẹ vớt ra sàng sảy là cậu bé nhảy lọt thỏm vào lòng cối, bụi cám bám đầy người. Cậu ngất ngây trong mùi thơm ngọt ngào của gạo mới pha lẫn mùi hăng của sắn khoai, cũng như cái tuổi ấu thơ của cậu lớn lên với bao ngọt bùi cay đắng. Những ngày hòa bình ngắn ngủi đến trên quê hương của Minh, những đêm trăng sáng thanh niên trai gái tập trung giữa sân, quây quần bên cối gạo, họ cười, họ nói, họ giã gạo thình thịch và hò đối đáp: - Hò ơ ơ!! Mời bạn cầm chày đều tay đều nhịp, ta cất tiếng hò thi đua giã gạo cho kịp chiến dịch ngày mai…Cái hào khí trai gái dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ còn đọng lại, trắng cối này họ thay cối khác, hết gạo họ đem lúa lép ra giã hò hát vui chơi cho tới khuya mới tàn hội. Đến tận bây giờ Minh vẫn còn nhớ như in và thèm được nghe điệu hò cứng cáp mà trữ tình mộc mạc chân quê đó. Trong tâm tư anh vẫn sợ rằng nó cũng sẽ bị lãng quên cùng với chiếc cối này.

            Cảnh thanh bình qua nhanh bởi Mỹ - Diệm đã xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng thực hiện luật 10/59, chém giết thẳng tay quần chúng cách mạng. Một đêm mùa hè Minh đang ngủ say sưa trên chiếc chõng tre kể ở trước hiên nhà bỗng có tiếng la lớn: - Bắt Việt Cộng, bắt Việt cộng… Người đàn ông nằm bên Minh bật dậy chạy biến mất từ bao giờ. Nhiều ánh đèn phin soi thẳng vào gương mặt non tơ của Minh: -Bốp! Bốp… - Thằng Việt cộng vừa ở đây chạy đi hướng nào?

            Bị đánh bất ngờ Minh ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra và cậu cũng chẳng biết đau để mà khóc. Sáng hôm sau, tên Nhân thôn trưởng ngụy kéo dân vệ đến khám nhà. Chúng lục lạo đào bới và lấy đi hơn tấn lúa của gia đình và bắt mẹ  Minh về bót cảnh sát. Mấy chị em đứng khóc chơi vơi bên cạnh hố toang hoác giữa nền nhà, xung quanh bề bộn những đất mới, bao bì tấm ni lông và lá chuối khô. Đó là chiếc hố gia đình chôn cất lúa, phòng giặc cướp, phòng chiến tranh nhà cháy và dự trữ tiếp tế cho cán bộ nằm vùng. Rồi mấy ngày sau từ quận trở về, cha lật nghiêng chiếc cối đá xuống góc sân đứng nhìn buồn bã đăm chiêu. Mẹ đặt chiếc đòn gánh lên vai bắt đầu cái kiếp chạy chợ kiếm tiền rau cháo qua ngày. Mấy anh chị em Minh phải mỗi người mỗi ngả đi ở đợ làm thuê. Cái vùng quê nghèo lại gặp hạn mất mùa, bà con dân làng phải chạy xáo xác ngược xuôi kiếm sống.

            Một buổi sáng tinh mơ, nghe tiếng súng nổ râm ran ở phía chân đồi, rồi bọn lính mang về một xác người trần trụi. Chúng buộc hai tay chân với nhau luồn một chiếc đòn vào giữa rồi khiêng đi như khiêng một con vật. Đầu nạn nhân dốc ngửa mặt úp xuống đất, cái thân thể cường tráng trắng trẻo dính đầy vết đạn. Bà con lối xóm bị bọn lính lùa đến để xem mặt “Việt cộng”. Họ liếc qua rồi cúi đầu lặng lẻ lãng xa, thì thầm bàn tán – “Ông Trung làng bị chúng giết rồi! Thật là dã man mất hết tính người, sống thù thác bạn sao chúng nở đối xử như vậy…” Cha mẹ và anh chị của Minh chạy về nhà úp mặt vào chăn khóc tức tưởi. Minh vặn hỏi mãi mẹ mới nói: - Người đó là chú ruột của con, là cán bộ cách mạng, là người nằm bên con bị bọn lính phát hiện rượt đuổi hôm trước…

            Giặc cướp lúa, giết người thân, bố mẹ bị đánh đập tra tấn, gia đình ly tán…Đó là những ấn tượng khổ đau đầu đời, cái manh nha ý chí cách mạng và lòng căm thù Mỹ ngụy trong cái đầu non trẻ của Minh. Những hình ảnh đó theo anh suốt chặng đường tham gia hoạt động cách mạng. Khi biết được người “ Việt cộng nằm vùng” đó là ai, giặc đã bắt cha mẹ về quận để “cải huấn”. Hơn ba tháng trời mấy anh chị em ở nhà hết gạo ăn phải sắn khoai qua ngày. Chiếc cối đá lại nằm nghiêng buồn bã ở góc sân và rồi hai bàn tay của bố lại chai sần, tấm lưng gầy cháy sạm, lại lăn lội nơi đồng sâu ruộng cạn để kiếm từng hạt lúa nhọc nhằn…Tình cảm gia đình là vậy mà anh Đại vẫn bắt Minh phải về thị xã Đông Hà tiếp tục học tập. Anh bảo: - Em phải cố gắng học để biết người biết ta, biết con đường đúng đắn mà đi… Anh ít được học hành mà nói năng ý tứ thật sâu xa thâm thúy. Mà đúng vậy, nếu không có cách mạng, không có Bác Hồ thì cái gia đình lam lũ của anh làm sao ngẩng mặt lên được. Ngay sau khi chú Trung bị giặc giết thì đồng thời trước cổng nhà Minh được treo một tấm bảng màu đỏ chữ đen thật to “Gia đình thân Cộng”. Thế có nghĩa là từ nay bà con lối xóm không ai dám tới viếng thăm vì sợ liên lụy. Mỹ ngụy đã dùng mọi thủ đoạn để phân hóa quần chúng, cô lập những gia đình cách mạng. Nhiều người không chịu nổi phải bỏ quê đi nơi khác sinh sống. Vượt qua sự o ép đố kỵ, gia đình Minh cũng có những chuỗi ngày đầm ấm làm ăn khâm khá. Đó là thời kỳ hai người anh trai lấy vợ, nâng tổng số nhân khẩu lên tám người. Trừ ông nội già yếu và Minh là học sinh còn lại là những lao động khỏe mạnh lành nghề. Cái vùng trung du đất đai không được phì nhiêu nên thừa thải mênh mông, những tay cuốc tay cày cần mẩn khai hoang phục hóa làm cho ruộng đất gia đình ngày một rộng thêm và đất đã buộc chặt kiếp người phải đầu tắt mặt tối năm nắng mười sương. Làm giữa đồng, ăn giữa đồng. Dù đất đai có bạc màu nhưng cái tình không bạc với người. Nó đón nhận bao mồ hôi nước mắt  để mùa về trả lại  hàng tấn thóc vàng tạm đủ ăn uống chi tiêu cho cả một gia đình. Và dĩ nhiên vui mừng nhất vẫn là chiếc cối đá. Nó được đỡ dậy đứng duyên dáng ở góc sân như nàng dâu cần mẩn. Nó luôn được bàn tay người vuốt ve. Dù có vắng đi những câu hò giã gạo do chính quyền Mỹ - ngụy nghiêm cấm, nhưng đêm đêm vẫn có tiếng chày thình thịch, tiếng nói cười của anh chị, tiếng sàng gạo lao xao của mẹ bên ngọn đèn leo lét. Những chuỗi ngày ấy cũng qua nhanh cùng với bao biến động của quê hương.

            Mỹ ngụy thực hiện kế hoạch “Bình định cấp tốc” bắt dân vào rừng chặt cây mang về rào làng như tự tay lấy dây trói chặt thân mình. “Ấp chiến lược” đã biến những làng quê yên ả thành trại lính. Còn đâu những đêm trên vùng trung du những núi đồi san sát trải dài dưới ánh trăng vằng vặc, kỳ ảo, tiếng mỏ trâu lóc cóc, tiếng trẻ con chơi trò trốn tìm cười đùa í ới, trai gái cất tiếng hò giao duyên man mác. Câu hò bồng bềnh bay đi mang theo bao nổi nhọc nhằn, bao phiền muộn lo âu. Giờ đây trong lớp hàng rào ngột ngạt kia cái tình làng nghĩa xóm im ắng dưới những cặp mắt rình mò theo dõi. Nhưng làm sao chúng có thể ngăn được phong trào cách mạng đang cuồn cuộn trào dâng. Một đêm hè 1964, tiếng súng nổ râm ran, tiếng chân người chạy rầm rập, lửa cháy cả một góc trời… Sáng hôm sau hai lớp hàng rào cây rừng tre nứa cùng lớp chông mìn cặm bẫy bị phá sạch. Bà con vui sướng hả hê hò nhau thu “chiến lợi phẩm” về đun bếp. Hàng chục thanh niên trai gái làng, trong đó có cả ba anh em của Minh đã thoát ly gia đình tham gia du kích. Sau cái đêm đó quê hương của Minh sống dậy bừng bừng. Chính quyền và các đoàn thể cách mạng được thành lập. Ngụy quân ngụy quyền chạy về co cụm ở thị xã Đông Hà để lại một vùng rộng lớn. Chúng đã dùng bom đạn đánh phá ác liệt những ngôi làng nhỏ hiền hòa xinh xắn, chỉ sau một đêm làng mạc trở nên xơ xác điêu tàn. Một quả bom quân thù thả xuống đã giết chết ông nội và làm bố mẹ bị thương, căn nhà gỗ một đời mẹ cha dành dụm chắt chiu xây nên trong phút chốc đã tan tành. Đến chiếc cối đá cũng bị thương nằm lăn lóc bên miệng hố bom sâu. Không những không còn nơi nương náu thân già, bố mẹ Minh còn phải lang thang hết nhà tù này đến nhà tù khác, hết trại tập trung này đến trại tập trung khác. Và một đau thương nữa lại ập đến. Một buổi chiều xế bóng, bọn cảnh sát quận đùng đùng kéo đến khu tập trung bắt bố mẹ Minh đưa lên xe chở đến chiếc cầu nhỏ trên đường số 9. Nơi có một xác người nằm vắt vẻo bên bờ sông mặt cháy sạm, áo quần rách tươm. Cơn gió lạnh thoáng qua trái tim nhức buốt, linh tính người mẹ mách bảo có chuyện chẳng lành. Bà xuống xe dừng lại ngửa mặt lên trời trấn tĩnh rồi  chậm rải bước đến. Mẹ nhẹ nhàng ngồi xuống đưa tay vuốt lên đôi mắt người quá cố, dùng ngón tay trỏ rờ rẩm hàm răng. Bà luýnh quýnh lật nghiêng cái xác nhìn sát vào tấm lưng to bè rồi buông thỏng hai tay từ từ đứng dậy. Sắc mặt mẹ tái nhợt đanh lại. Đôi mắt đỏ ngầu như hai đốm lửa. Bà nhìn chằm chằm vào bọn lính khiến chúng phải ngoảnh mặt lãng đi: -“ Bà có nhận ra ai không?”. "Đây là thằng Đạo, con tui…bị mấy ông bắn chết, tui xin nhận xác nó về mai táng…” Mẹ dằn từng tiếng như ném vào mặt chúng những khối băng căm thù. Bố mẹ thuê chiếc xe lam đưa anh Đạo về quê chôn cất. Khi nhát cuốc cuối cùng được đắp lên mộ anh, mẹ nấc lên mấy tiếng rồi đổ sụp xuống đất. Bà con phải mang vào bệnh viện cấp cứu còn bố lại tiếp tục lên xe về bót cảnh sát. Ở bệnh viện ngót tháng trời trở về, mẹ đi lang thang như người mất trí, miệng nói lảm nhảm suốt ngày. Mẹ chưởi rủa bọn lính sao không đưa mẹ vào tù với bố cho đỡ lẻ loi, đỡ kiếm cơm từng bữa! Nhưng mất mát đau thương nào đã chịu buông tha, nó như muốn thử sức chịu đựng của hai cái thân già. Bố mẹ lại nhận được tin anh Quảng đi B vào chiến trường khu 5 đã hy sinh và Minh bị mất tích sau trận địch càn quét ở vùng Cùa. Bố mẹ giờ đây như cây khô vật vờ chờ một ngọn gió to là đổ sụp xuống. Ở đời con người ta không chỉ sống với quá khứ đau thương mà chỉ cần chút niềm tin le lói cũng giúp họ đứng dậy vượt qua số phận – “Chả lẽ chúng nó chết hết sao?” – “Không! Không thể như vậy được! Phải có đứa sống trở về khi nước nhà thống nhất…”. Bố mẹ đã đúng, Minh còn sống và vợ con anh Quảng ở Hà Nội cũng đã kịp tìm về. Năm 1972 quê hương Cam Lộ được hoàn toàn giải phóng, Minh trở về trong niềm vui sướng của bố mẹ, niềm thương mến tự hào của bà con làng xóm, trong ngất ngây niềm vui khải hoàn. Trong ngổn ngang mất mát điêu tàn, anh hiểu rằng, giờ đây những chiến binh còn sống sót như anh phải lao vào một cuộc chiến đấu mới không kém phần gian khổ, hy sinh. Phải sát cánh cùng bà con xây dựng lại quê hương. Rồi anh lấy vợ, chị ấy là giáo viên trường làng. Khi chưa kịp sinh cho ông bà đứa cháu thì bố anh đột ngột qua đời do di chứng của đòn roi tra tấn. Thương bố một đời chịu đựng nhiều cay đắng nhọc nhằn, lưng tím bầm lằn roi, áo dính đầy vết máu trong ngục tù mới hưởng hòa bình độc lập có mấy ngày đã phải ra đi. Nỗi đau rồi cũng dần nguôi ngoai. Mẹ được sự chăm sóc ân cần của dâu con cháu chắt như cây khô lại đâm chồi nảy lộc, dòng nhựa chắt lọc từ mảnh đất cỗi cằn đạn bom nên đỏ tươi bền vững. Những lúc gia đình sum họp đông vui mẹ thường ôn lại những chuỗi ngày cay đắng cơ cực của gia đình. Giọng mẹ chậm rãi bổng trầm có lúc dứt quảng, các cháu ngồi há miệng nghe như là chuyện  cổ tích. Những lúc ấy, Minh thường lặng lẽ ra đứng sau nhà – cái ngọt bùi hôm nay thật đằm thắm mà sao lòng anh còn mặn chát…

            Cái ngày chuyển nhà về thị xã có lẽ cũng là bước ngoặc lớn lao trong đời của anh. Thuyết phục được mẹ đồng ý rồi, cả căn nhà tranh vách lá cùng toàn bộ vật dụng trong gia đình được chất lên lọt thỏm trong chiếc xe tải cỡ nhỏ. Mẹ chưa chịu lên xe mà cứ đi loanh quanh trong vườn. Mẹ sờ lên từng gốc mít, vuốt ve từng tàu lá chuối, nghiêng ngó như đếm từng quả chanh, nước mắt mẹ trào ra. Minh dùng lời lẽ ngọt ngào dỗ dành an ủi mẹ, anh phải tỏ ra rắn rỏi nhưng trong lòng anh cũng xót xa bịn rịn lắm. Ngôi làng nhỏ bên đường cái quan có đầm sen bao bọc, cây đa đầu làng bị bom phạt sát gốc nay đã vươn cành xanh tốt đủ che bóng những trưa hè…Đó là quê hương của anh, mảnh đất thân thương anh cất tiếng khóc chào đời và sống trọn một thời thơ ấu cùng bao kỷ niệm buồn vui. Con đường đất lầy bùn ngày xưa lẻo đẻo theo mẹ về quê ngoại ăn tết, trượt ngã lấm lem cả bộ quần áo mới may bằng vải Sòng. Minh bắt đền mẹ phải giặt vội ở con mương này mang vào bếp hong khô cho anh mặc lại…Mảnh đất có những người anh, người bạn đồng niên cùng lên đường đánh Mỹ đã lần lượt ngã xuống nên từng bụi cỏ lùm cây như có mắt có tai soi rọi vào anh, nhắc nhở, dặn dò và gởi gắm niềm tin vào anh trước giờ xa quê vì điều kiện công tác.

            Mẹ cúi lom khom ở khóm chuối lên gọi Minh lại:

            - Con nhờ mấy chú ấy khiêng cái này lên xe.

            - Về thị xã nước sông gạo chợ mang nó theo làm gì hở mẹ?

            - Con cứ mang theo khi cần thì dùng…Anh chợt hiểu chiếc cối đá này là kỷ vật gắn bó với cuộc đời nhọc nhằn của mẹ. Trên từng chiếc tai của nó như vẫn còn hằn dấu những bàn tay của người thân, trong lòng nó như còn phảng phất hơi ấm của một gia đình. Có mùi thơm ngọt ngào của gạo mới, mùi hăng hăng của sắn khoai và cả vị mặn chát của máu chan hòa với nước mắt và mồ hôi và dĩ nhiên nó trở thành vật có giá trị nhất trong số tài sản gọn gàng trên xe. Anh đã vâng lời mẹ, đưa chiếc cối đá theo.

                                                            ****

            Giờ đây Minh đã ở cái tuổi ngũ tuần. Những chuỗi ngày chiến đấu gian khổ hy sinh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đền đáp xứng đáng mà mãi canh cánh bên lòng món nợ quê hương, gia đình, nợ từng thuở ruộng, luống khoai, nợ đồng đội đã ngã xuống làm điểm tựa cho mình ngước mặt nhìn đời tươi sáng. Vậy mà chẳng hiểu sao, sáng sáng chiều chiều, ngồi bên chiếc cối đá anh vẫn hằng mơ một ngày nào đó sẽ hóa thân vào chiếc cối kia để được trần trụi thi thố với thời gian, để được lặng lẽ tật nguyền, để còn giữ được đầy ắp trong lòng bao nhiêu kỷ niệm.

                                                                                    N.M.Đ  

Nguyễn Minh Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 81 tháng 06/2001

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground