Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chữ "tình" giữa biển khơi

Trong 12 ngư dân được UBND tỉnh khen thưởng, ngoài anh Võ Văn Thụ còn có con trai đầu của anh là Võ Văn Hưởng; Võ Văn Thức là cháu và Võ Văn Dũng là anh em con chú bác. Dáng người đậm chắc với làn da đặc trưng của dân xứ biển, anh cười hiền lành bảo: “Dân đi biển cứu nhau là chuyện thường như cơm bữa nhưng lần này mới được tôn vinh, khen thưởng. Sống trên đất liền đã thương quý nhau thì giữa mênh mông sóng nước, cái tình với nhau càng sâu đậm hơn”… Câu chuyện về những hiệp sĩ trên biển khiến cho buổi chiều đầy mưa gió trở nên ấm áp bởi tình người trong hiểm nguy.

Anh Võ Văn Thụ ( ngoài cùng bên phải) trình bày các phương án cứu nạn các thuyền viên tàu Vietship 01 - Ảnh: Thanh Thọ

Anh Võ Văn Thụ ( ngoài cùng bên phải) trình bày các phương án cứu nạn các thuyền viên tàu Vietship 01 - Ảnh: Thanh Thọ

Ngày 8/10/2020, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn Quảng Trị diễn ra mưa lớn gây lũ. Trong thời gian này, tàu Vietship 01 đang hoạt động ở vùng biển cảng Cửa Việt bị ảnh hưởng lũ và sóng biển cao nên mắc cạn cách bờ gần 1 km. Lúc này trên tàu có 12 thuyền viên. Nhận được tin báo, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng chức năng cùng những ngư dân thiện chiến tham gia ứng cứu.

Sau khi được sự nhất trí của UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, anh Võ Văn Thụ và Võ Văn Thức phối hợp chính quyền thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vận động những ngư dân có tay nghề cao xung phong cứu người trên biển. Từ sáng đến tối 9/10, nhóm ngư dân do anh Võ Văn Thụ tổ chức đã có mặt tại bờ biển gần điểm tàu bị nạn để cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Tất cả 12 ngư dân có kinh nghiệm, sức khỏe tốt tham gia đội cứu hộ, cứu nạn và bốn ngư dân khác chuẩn bị công tác hậu cần. Tuy nhiên, do sóng biển quá lớn nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Sáng ngày 10/10, nhóm ngư dân cứu nạn gồm bốn người do anh Nguyễn Đức Bằng trực tiếp lái thuyền quyết tâm ra cứu nạn. Khi đang tiếp cận tàu gặp nạn thì sóng đánh chìm thuyền làm 4 ngư dân rơi xuống biển, anh Bằng bơi vào bờ an toàn, 3 ngư dân còn lại bị mắc kẹt trên tàu Vietship 01. Chiều 10/10, thêm một nhóm cứu nạn nữa do anh Võ Văn Dũng ở khu phố 6, thị trấn Cửa Việt trực tiếp lái thuyền cứu thành công 2 ngư dân bị mắc kẹt trên tàu Vietship 01, còn anh Trần Xuân Cường của tổ cứu nạn thứ nhất vẫn bị kẹt lại trên tàu. Sau đó, đến 9 giờ 20 phút ngày 11/10, toàn bộ 8 người gồm thuyền viên tàu Vietship 01 và ngư dân tổ cứu nạn còn mắc kẹt trên tàu Vietship 01 được lực lượng chức năng dùng máy bay trực thăng và lực lượng đặc công nước cứu hộ thành công.

Dù biết những nguy hiểm sẽ đến khi chống chọi với những đợt sóng dữ để ứng cứu các thuyền viên gặp nạn trên tàu Vietship 01 nhưng những ngư dân quả cảm, giàu nghĩa tình luôn sẵn sàng lao mình ra phía trước. Không phải đến sự cố tàu Vietship 01 mắc cạn mà anh Võ Văn Thụ và Võ Văn Thức mới tổ chức cứu hộ, mà hàng chục năm nay các anh em của anh đã tổ chức cho bà con ngư dân cứu hộ rất nhiều tàu thuyền mắc cạn và cứu sống nhiều người bị nạn trên biển.

Nhiều cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão - Ảnh: Minh Anh

Nhiều cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão - Ảnh: Minh Anh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ đi biển ở thị trấn Cửa Việt, anh Võ Văn Thụ (sinh năm 1963) đã làm bạn với biển từ khi còn rất nhỏ. Bảy tuổi anh đã lên ghe rong ruổi. Đến năm 14 tuổi thì chính thức được cha cho phép tham gia những chuyến đi biển dài ngày. Nghề biển cho anh niềm vui và cả sự dũng cảm, mưu trí khi mưu sinh trên đầu ngọn sóng. Anh cười nhẹ bảo, làm ngư dân mà chưa trải qua lằn ranh sinh - tử thì chưa phải là người đi biển thực thụ. Cũng chính vì từng “vào sống ra chết” mà họ cực kỳ quý trọng sinh mạng con người, thấy người khác gặp hiểm nguy là xả thân cứu giúp. Trong việc cứu nạn thuyền viên Vietship 01, anh Nguyễn Hoài Minh (thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong),  2 lần trèo lên thuyền cứu hộ để lao ra biển. Anh Minh cho biết bản thân anh từng chìm tàu, từng lênh đênh trên biển nên hiểu cảm giác của các thuyền viên. Cùng với sự tự tin về sức khỏe, gắn bó với biển từ nhỏ, anh quyết định tham gia cứu hộ mà không suy nghĩ gì nhiều ngoài mong muốn giúp người. Suy nghĩ của anh Minh cũng chính suy nghĩ của anh Võ Văn Thụ: “Ngư dân chúng tôi coi mọi người đi trên biển đều là con em thân thiết. Việc cứu người là hoàn toàn tự nguyện”.

Cứu người trên biển đòi hỏi sự dũng cảm, riêng với người đứng đầu tổ chức việc cứu nạn còn đòi hỏi thêm sự mưu trí, tỉnh táo và quyết đoán. Năm 2014, anh Võ Văn Thụ đã cứu 2 tàu lên đến 23 người là tàu Trương Văn Định gồm có 17 người bị chìm vào ngày 24/12 âm lịch và tàu Phúc Linh 89 có 6 người. Ngày 7/2/2020, tàu cá QT 92567 của anh Võ Văn Thụ khi đi biển đã tổ chức cứu nạn tàu Đức Phát 66 ở tọa độ cách đảo Cồn Cỏ khoảng 30 hải lý về hướng Đông Nam. Các thủy thủ trên tàu Đức Phát 66 hành trình từ An Giang đi Hải Phòng và tàu chở theo 1.800 tấn gạo. Khi tàu bị hỏng máy, 9 thủy thủ trên tàu hết sức lo lắng. Sau này, các thủy thủ chia sẻ, không ngờ rằng, ngư dân ở Cửa Việt đã sử dụng chiếc tàu gỗ để cứu hộ đưa về cảng Cửa Việt.

Khi nghe tôi hỏi về những vụ cứu nạn trên biển, anh Thụ bảo rằng mình quên hết, chẳng nhớ đã cứu những ai (trừ một số vụ quá đặc biệt), nhưng người quen biết anh thì biết số vụ cứu nạn trên biển cả trăm vụ. Có những vụ anh cứu người mà gặp nguy hiểm suýt chết mà người được cứu đến phút cuối không biết danh tánh người cứu mình là ai. Chỉ với sự việc tàu Vietship anh và các anh em, con cháu mới được tôn vinh chứ đại gia đình thường xuyên cứu người bị nạn trên biển và cứu hộ tàu.

Khi được hỏi về kinh nghiệm tổ chức ứng cứu, anh trầm ngâm: “Cứu nhiều người bị nạn trên biển trong điều kiện thời tiết xấu thì thật sự như một trận đánh”. Đánh trận muốn hiệu quả phải chọn thời điểm tối ưu. Phải tính bằng trí. Muốn làm được điều này mình phải am hiểu được con nước sẽ lên xuống thế nào, hướng gió thổi, điều kiện địa hình của vùng biển gặp nạn. Tất cả những thứ đó sẽ tác động với nhau thế nào khi gặp mưa bão. Mình phải tính được các thông số đó thì mới tổ chức ứng cứu thành công được. Có lẽ, 3 lần đối diện với thần chết đã cho anh sự tỉnh táo, điềm tĩnh đến vậy.

Anh cười vui kể rằng, sau lần suýt chết năm 2012, anh quyết định thanh lý toàn bộ tàu, đồ nghề quyết không đi biển nữa, không muốn “dính líu tới biển nữa”. Với bản tính trầm tĩnh, ít nói nên người thân cũng không biết thực hư câu chuyện khiến anh bỏ nghề nhưng có lẽ nó cũng “khủng khiếp lắm”. Nghỉ ngơi được 1 năm, có người điện thoại đến năn nỉ nhờ cứu hộ tàu. “Họ năn nỉ mãi vì tàu chìm, không có phương tiện làm ăn. Cầm lòng không đặng đành gật đầu”. Thế là anh trở lại với công việc cứu nạn người, cứu hộ tàu trên biển. Nhiều con tàu nặng hàng ngàn tấn bị chìm đã được anh cứu hộ, lai dắt thành công.

Thời tiết trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới bất thường và cực đoan. Trong khi đó, hoạt động trên biển ngày càng sôi động, khả năng xảy ra tai nạn cũng ngày một gia tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2020, đã xảy ra 25 vụ tai nạn trên biển trên toàn quốc. Công tác cứu nạn cho trên biển gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện và nhân lực.

Đối với vụ tai nạn tàu Vietship 01 vừa qua, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, đặc biệt là việc điều động trực thăng của Bộ Quốc phòng đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải tình huống nào hoạt động của trực thăng cũng mang lại hiệu quả. Bởi trong điều kiện sóng gió quá phức tạp, gió cấp 7, cấp 8 trở lên sẽ không đảm bảo an toàn cho trực thăng. Thế nên sau 2 ngày tỉnh Quảng Trị đề xuất, khi thời tiết thuận lợi hơn trực thăng mới được điều động đi cứu nạn. Tuy nhiên, đây là việc điều động vô cùng hy hữu. Vụ việc gần bờ còn huy động các lực lượng tại chỗ thuận tiện hơn, nếu cứu nạn ở những vùng biển xa, cách bờ hàng trăm hải lý rất khó khăn, do tàu cứu nạn hiện có kích thước nhỏ, khả năng chịu sóng gió hạn chế.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với anh Võ Văn Thụ liên tục bị gián đoạn bởi điện thoại khắp nơi gọi đến nhờ anh ra giúp cứu hộ tàu bị chìm. Thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, vùng hoạt động đánh bắt của ngư dân ngày càng xa bờ, nên nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển rất cao. Thế nên, đối với ngư dân bám biển vẫn luôn cần những hiệp sĩ với lòng quả cảm và tình người ấm áp sẵn sàng lao người ra cứu giúp người gặp nạn!

M.A

Minh Anh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 314 tháng 11/2020

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

2 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground