Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chung dãy Trường Sơn

Một dãy núi mà hai màu mây / Nơi nắng nơi mưa khí trời cũng khác / Như anh với em, như nam với bắc / Như đông với tây một dải rừng liền… Thực lòng mà nói, tôi vô cùng khó quên những câu thơ ấy của Phạm Tiến Duật. Khổ thơ nằm trong bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây được ông viết vào thời chống Mỹ. Chiến tranh lùi xa, lùi quá xa; ký ức của người trong cuộc không lưu giữ hết tất cả những gì từng thuộc về mình, kể cả các tác phẩm đã đọc kỹ thời hào hùng, gian khổ đó. Rụng rơi rất nhiều những cái sáo mòn nhàn nhạt, những dạng câu chữ tuyên truyền hô khẩu hiệu ầm ào,… nhưng với tôi thì truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu và một số bài thơ về Trường Sơn của Phạm Tiến Duật như Lửa đèn, Nhớ, Gửi em cô thanh niên xung phong, Tiểu đội xe không kính và tất nhiên không thể không kể tới Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây vẫn được bảo lưu kỹ càng. Bởi cái lõi của những tác phẩm ấy, không gì khác chính là tình yêu; nói chuẩn xác là tình yêu chung riêng hòa quyện quấn quýt vào nhau một cách hồn nhiên, đằm thắm và trong trẻo giữa nanh vuốt thần chết đang hau háu đói mồi thanh xuân.

Nhắc đến tình yêu bỗng nhiên tôi lại nhớ tới Phon Say, cô văn công Lào có gương mặt trăng rằm hát lăm tơi rất hay. Tôi gặp cô gái đến từ xứ sở Champa khi đang còn là học sinh năm cuối trường cấp ba Bố Trạch (Quảng Bình) lúc này đóng ở xã Cự Nẫm. Tôi nhớ mãi chiếc váy ống không che hết “bắp chân to” của cô bạn nhinh nhỉnh tuổi mình, nụ cười sáng và cách nói tiếng Việt rất sỏi của Phon Say. Khi nghe tôi đọc Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, cô gái hơi nghiêng nghiêng đầu nghe chăm chú rồi nói: “Hay thật bạn ạ. Một dãy núi mà hai màu mây. Bên mình gọi dãy Trường Sơn là Phu Luông đấy”. Phon Say nhìn tôi rồi bỗng nhiên cất lên một ca khúc Việt mà có lẽ cô gái từng hát để phục vụ cho bộ đội Pa Thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam. Giọng hát cao vút hào hùng và tha thiết: Trên đỉnh Trường Sơn ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao. Cây lá lao xao rộn ràng lẫn trong màu áo những chiến sĩ yêu nước Lào. Trường Sơn mây núi bao la lối quân đi bước mòn sỏi đá. Trường Sơn hai nước chúng ta đã ghi tạc nghĩa tình từ xưa… Tôi, chàng trai Việt mới lớn ngất ngây trước vẻ xinh tươi hồn hậu và giọng hát sáng đẹp của một mỹ nhân đất nước Triệu Voi, và sau này khi trở thành người lính đoàn 559 thì cảm nhận về mối tình đặc biệt giữa hai đất nước ở hai mái Trường Sơn càng ngày càng đầy đặn và sâu sắc. Tuổi mười tám, binh nhì Nguyễn Hữu Quý đã viết được bài thơ Nghe hát lăm tơi và dường như hình bóng cô gái Lào Phon Say thấp thoáng trong đó: Ngỡ như được hát với em / Khúc lăm tơi ấy giữa đêm trăng Lào / Gió về hoa trắng lao xao / Hoa quen, câu hát quen sao ơi người / Anh chưa hát được lăm tơi / Nhưng yêu đất ấy yêu rồi từ lâu / Ơi dòng suối đổ về đâu / Mà nên câu hát trao nhau bây giờ / Biết nhau từ thuở ngày xưa / Phu Luông một dải nắng mưa hai miền / Chăm pa năm cánh hoa hiền / Phải trăng của biển đã lên với rừng / Giữa mùa lúa ngát lưng nương / Chim buông hương nắng, mây vương mái sàn... Kỷ niệm của lần gặp duy nhất giữa tôi và cô gái Lào chỉ còn lưu dấu lại trong một bài thơ vụng về, chưa thêm cuộc nào nữa tôi được ngắm nhìn gương mặt trăng rằm vằng vặc ấy. Cô gái Lào ơi, “noọng” đang ở đâu bên kia dãy Trường Sơn trùng điệp - báu vật muôn đời của hai đất nước chúng ta - cái xương sống để tựa vào của hai non sông, hai dân tộc có những tương đồng kỳ lạ về số phận, bản lĩnh, hành trình dựng nước và giữ nước xưa - nay?

Thác Xykreo (huyện Hướng Hóa) ở biên giới Việt - Lào - Ảnh: Thanh Thọ

Thác Xykreo (huyện Hướng Hóa) ở biên giới Việt - Lào - Ảnh: Thanh Thọ

Trường Sơn, cái dãy núi hai màu mây ấy, cái điệp trùng bên nắng đốt, bên mưa quây ấy là nhân chứng vĩ đại các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược của Việt - Lào anh em. Thật đúng như đúc kết giản dị mà sâu sắc của Bác Hồ: Việt - Lào hai nước chúng ta / Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Hàng chục năm cùng chiến hào chống kẻ thù chung, tuy hai mà một, mối tình Việt - Lào thực sự đặc biệt và mẫu mực trong thế kỷ 20, 21. Hiếm có hai dân tộc nào mà hạt gạo, hột muối cũng chia đôi, hơn thế nữa, chúng ta còn chia lửa, chia bom, chia từng gian khổ, mất mát hy sinh. Giữa rừng Lào đến bây giờ vẫn còn những nấm mộ của bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Tôi từng nghe một cựu chiến binh vốn là lính tình nguyện Việt Nam kể, đồng đội của anh khi hy sinh được anh em chôn ở đất Lào và được đánh dấu bằng một gốc tre tươi. Mấy chục năm sau khi các anh sang đó tìm đồng đội thì thấy trước mắt mình bạt ngàn, ngun ngút một rừng tre xanh. May mắn, nhờ sự mách bảo vô hình chưa giải mã được của người hy sinh các anh tìm được đồng đội đưa về đất mẹ Việt Nam. Anh ngã xuống ở rừng Lào / một nấm mộ bên kia dãy Trường Sơn đắp vội / chẳng biết lấy gì đánh dấu cho đồng đội / chúng tôi trồng bên cạnh một gốc tre / Mấy mươi năm sau giữa róng riết mùa ve / tóc bạc, da mồi chúng tôi đi tìm người đã khuất / địa danh vẫn đây mà mộ anh thất lạc / có rừng tre rậm rạp trước mặt mình / “Ở nơi nào hỡi đồng đội anh linh” / chúng tôi khấn, lời tan vào gió núi / chợt bừng sáng giữa lòng lời bạn nói / “Gốc tre xưa nay đã mọc thành rừng…” (thơ Nguyễn Hữu Quý).

Năm 2022 là dấu mốc đặc biệt: kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị Việt Nam - Lào. Có lẽ, cùng nên nhắc lại lời Chủ tịch Souphanouvong (Lào): “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa Việt Nam và Lào”. Cây hữu nghị Việt - Lào vươn cao, tỏa rộng, ra hoa kết trái tốt đẹp.

Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại với 5 trục dọc và 21 đường ngang thời chống Mỹ có đoạn chạy trên đất Lào. Những cánh rừng Lào che chở cho con đường chuyển quân, chuyển lương thực, chuyển vũ khí vào miền Nam. Từ nơi em gửi đến nơi anh / Những đoàn quân trùng trùng ra trận / Như tình yêu nối lời vô tận / Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn (thơ Phạm Tiến Duật). Và, tình hữu nghị Việt - Lào cũng xứng đáng được gọi là huyền thoại. Từ chiến tranh sang hòa bình, từ chiến đấu đến xây dựng, Việt - Lào luôn sát cánh bên nhau, chưa lúc nào sớm nắng chiều mưa, có những giá trị không thể cân đong đo đếm được. Câu nói này đã trở thành quen thuộc với Việt Nam: “Giúp bạn là giúp mình”, cái hình tượng “môi hở răng lạnh” thật trùng khít với quan hệ hai nước.

Tôi đã mấy lần đến Lào và luôn mong được trở lại xứ sở trăng rằm tươi đẹp, hiền hòa đó. Đất nước với dân số khoảng 7 triệu có dòng chảy Mê Kông ở phía tây và tựa vào dãy Phu Luông (Trường Sơn) ở phía đông luôn hấp dẫn du khách. Lào, đi tới đâu ta cũng gặp chùa. Diện tích nước Lào bằng khoảng 2/3 diện tích Việt Nam mà có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ. Có những ngôi chùa cổ nổi tiếng như Ing Hăng ở Savannakhet hay Thạt Luồng ở Viêng Chăn... Lại có những ngôi chùa nhỏ bé đơn sơ, cột gỗ, mái tôn, bốn phía không thưng che gì cả. Tượng Phật được đặt trong đó trông thật gần gũi với mọi người. Nói đến đất nước Lào là nói tới đạo Phật. Chắc chắn đạo Phật ở Lào đã thấm vào thật sâu, thật bền trong nhịp điệu sống hiện tại của người dân xứ sở Champa. Nhịp điệu sống ấy có thể gói gọn lại trong hai từ: chậm rãi, hiền hòa. Phải chăng, đó là tính Phật. Đạo Phật đã thành công trong sự cảm hóa và giác ngộ dân tộc này. Có những chùa tôi đến đông đúc người tham quan nhưng không hề có cảnh chen lấn, ồn ào. Lễ vật vào dâng cúng Phật cũng quá đơn sơ, thanh bạch. Mấy bông sen trắng, một nén hương, thế thôi. Đúng là lễ bạc, lòng thành như người Việt thường căn nhủ. Hoa và hương, dân bày bán dọc đường vào chùa, có cả trẻ em bán nữa nhưng ai cũng nhẹ nhàng, chẳng kỳ kèo nói thách hay lẽo đẽo bám theo du khách. Vào chùa là chậm rãi bước đi, chậm rãi như đang đếm bước chân mình, hay như để bàn chân từ tốn hôn mẹ đất vậy. Chậm rãi thắp hương, chậm rãi quỳ xuống khấn vái. Những gương mặt hồn hậu, đắm chìm trong trang nghiêm, thành kính và tin cậy.

Việt Nam và Lào đều tựa vào trùng điệp Trường Sơn để tồn tại và phát triển. Đất nước hoa sen của tôi và đất nước hoa champa của Phon Say vẫn kề vai sát cánh trong công cuộc dựng xây đất nước và giữ gìn Tổ quốc hôm nay. Vượt lên tình láng giềng thông thường, chúng ta có tình hữu nghị đặc biệt. Bao nhiêu điều tốt đẹp ẩn chứa trong hai tiếng “đặc biệt” đó. Và tôi vẫn hằng tin sẽ có ngày gặp lại cô bạn Lào xinh tươi thuở mười bảy, đẹp như trăng rằm tỏa sáng hai mái Trường Sơn. Dẫu cho cuộc gặp gỡ trong mơ thì tôi vẫn đợi, nàng Champa nhé!

NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 336

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

10 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground