Không khí đón xuân tại thành phố Đông Hà - Ảnh: Bảo Linh
Trong câu chuyện của mẹ kể cho ta nghe thời tấm mén có một truyền thuyết lung linh về Con Rồng cháu Tiên. Ngày xửa ngày xưa có một vị thần thuộc nòi Rồng, con trai bà Long nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình Rồng quen sống dưới nước thỉnh thoảng mới lên bờ và có sức mạnh vô song cùng nhiều phép lạ. Nàng tiên Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông vô cùng xinh đẹp và rất yêu thích các loài cỏ cây hoa lá. Chàng Lạc Long Quân phải lòng nàng Âu Cơ từ cái nhìn đầu tiên và điều gì đến sẽ đến, họ yêu nhau rồi trở thành phu thê quấn quýt. Nàng Âu Cơ có thai rồi sinh hạ được chiếc bọc trăm trứng, sau đó nở ra trăm người con trai khỏe mạnh tuấn tú. Một hôm Lạc Long Quân cầm tay Âu Cơ bảo: “Nàng ạ, ta vốn nòi Rồng ở miền nước thẳm, nàng là giống Tiên sống chốn non cao, khó mà ăn ở bên nhau lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau gìn giữ các phương, kẻ miền núi người vùng biển khi có chuyện gì thì giúp đỡ lẫn nhau”.
Hai người cùng các con chia tay nhau. Sau đó, người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ được tôn lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang… Đất Phong Châu (Phú Thọ) trở thành Đất Tổ và Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ trọng thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam. Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba (Ca dao).
Cách lý giải về cội nguồn dân tộc, về đồng bào của người Việt mang rất nhiều yếu tố hư ảo, phi thường nhưng cái hiện thực cốt lõi của nó lại muôn vàn sâu sắc. Đó là lời ký thác thiêng liêng của tổ tiên, ông cha gửi lại cho mai sau, chúng ta là con Rồng, cháu Tiên. Cái duyên kỳ ngộ của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân đã sinh ra đồng bào ta từ trong bọc trứng. Bởi vậy, đi đâu, ở đâu thì người Việt cũng là đồng bào, cũng ruột rà máu mủ nên phải biết gắn bó, đoàn kết để cùng chung tay, góp sức dựng xây giang sơn này.
Đất nước dằng dặc trải qua mấy nghìn năm lịch sử với bao nỗi thăng trầm, sáng tối. Nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang đã nhằm vào non sông ta, vó ngựa chinh phạt, đế giày viễn chinh của họ không ít lần hằn dấu nhơ bẩn lên mảnh đất quần cư của người Việt. Bao lần giặc dữ đã Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ, đến mức Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội / Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi… (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi). Lịch sử dân tộc Việt Nam có rất nhiều trang ghi lại các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược; máu và mồ hôi đầm đìa trên mỗi chặng đường dựng nước và giữ nước của ông cha, nói bao nhiêu cũng không đủ, kể bao nhiêu cũng không hết. Vì thế, tôi nghĩ, khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam, của muôn thế hệ con Rồng, cháu Tiên, không gì khác cả, không gì lớn hơn là hòa bình. Khát vọng hòa bình của người Việt Nam hòa trong ước mơ hòa bình của nhân loại. Nếu như thế giới đã biết tới bài hát Imagine (Hãy tưởng tượng) của John Lenno như một ca khúc điển hình về hòa bình và một thế giới hòa đồng thì ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui của Trịnh Công Sơn cũng thấm đẫm tinh thần đó. Và như thế tôi sống vui từng ngày / Và như thế tôi đến trong cuộc đời / Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi… Đương nhiên, hòa bình ấy phải gắn liền với nền độc lập, tự do bền vững, sự toàn vẹn và thống nhất lãnh thổ, với cái đích cao cả mà dân tộc này hướng tới là hạnh phúc của Nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước và ước mong của Người: đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Nghề viết văn, làm báo cho tôi được đi tới nhiều nơi trên đất nước Việt Nam rộng dài tươi đẹp. Tình yêu Tổ quốc được bồi đắp thêm sau những chuyến đi như thế. Tôi chưa bao giờ hoài nghi về điều đó và với tôi đấy là hạnh phúc. Cái hạnh phúc bình dị mà cao cả. Trong mỗi chuyến đi tôi không chỉ thấy được vẻ đẹp sông núi bốn mùa mà cảm nhận sâu hơn, đúng hơn tâm hồn và bản lĩnh dân tộc ta. Đến Đất Tổ, Tôi soi vào cội nguồn trong / thấy Tiên là mẹ, thấy Rồng là cha / thấy mình là nụ, là hoa / hương thơm tự thuở xưa xa thơm về… (Soi gương giếng Ngọc - NHQ). Qua sông Như Nguyệt, tôi nghe văng vẳng trong lòng bài thơ Thần tương truyền của Lý Thường Kiệt đọc trên phòng tuyến chống giặc Tống năm nào Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Ở giữa Thăng Long - Hà Nội, những âm vang bi tráng của lịch sử có thể cất lên mọi ô đất, góc phố. Hoàng thành. Cột cờ Hà Nội. Hồ Gươm. Chợ Đồng Xuân. Pháo đài Láng. Cầu Long Biên… Dấu vết quá khứ không dễ bị mờ phai, trái lại nó đã hằn sâu trong ký ức dân tộc và mặc nhiên được lặng lẽ chuyển tải tới tâm thức của mỗi người con đất Việt. Lịch sử mãi mãi là phần văn hóa đáng trân trọng nhất, đáng giữ gìn nhất của một dân tộc vì nó tiếp chuyển năng lượng cho hôm nay và mai sau.
Xuôi tiếp về miền Trung, miền Nam sẽ gặp đường Hồ Chí Minh giữa điệp trùng vạn lý Trường Sơn; lặng lẽ cúi đầu trên thăm thẳm cỏ biếc nơi Thành Cổ Quảng Trị; dấu chân mở cõi gập ghềnh trên mỗi cung đèo, dặm núi, đầm lầy, ruộng rẫy, cù lao phương Nam. Bật sáng câu thơ của vị tướng Huỳnh Văn Nghệ thao thức nỗi “Nhớ Bắc”: Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long… Lại vượt trùng khơi ra với Trường Sa, với biển đảo mênh mang để trong tôi thấu hiểu hơn rộng dài và thiêng liêng Tổ quốc. Mỗi hòn đảo là một làng Việt, khát vọng con Rồng cháu Tiên được cấy trồng, nở hoa kết trái trên đó. Ta nhận ra văn hóa dựng nước và giữ nước trong mỗi ngày, mỗi đêm trôi qua bằng những gì bình dị nhất của người lính và Nhân dân ở đây.
Trò chơi dân gian
Trải qua chiến tranh chúng ta rất thấm thía giá trị của hòa bình. Được sống trong hòa bình chúng ta càng biết phải làm gì để ngăn chặn chiến tranh. Dân tộc từng bị áp bức bóc lột, đồng bào sống cơ cực đói nghèo, chúng ta càng biết nâng niu trân trọng độc lập tự do và khát vọng hạnh phúc cho mỗi người. Khát vọng con Rồng cháu Tiên không chỉ dừng lại ở việc ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành mà có lẽ còn bay cao, vươn xa hơn là Việt Nam phải trở thành nơi đáng sống. Đây sẽ là một đất nước mang lại cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người dân. Cái mơ ước có phần rất lãng mạn ấy sẽ sớm muộn trở thành hiện thực xanh tươi khi chúng ta có con đường đi đúng đắn, có lực lượng lãnh đạo tiên phong, có sự đoàn kết dân tộc vững bền…
Trước hết, phải dựng xây cho được một đất nước trong sạch đúng nghĩa, hiền tài được đặt đúng chỗ, đúng tầm, nhân dân thực sự trở thành người làm chủ xã hội. Đất nước có thể chưa hiện đại, giàu mạnh nhưng văn hóa Việt Nam phải tỏa sáng cùng nhân loại. Vằng vặc minh triết Việt: lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo (Nguyễn Trãi). Khát vọng con Rồng cháu Tiên là yêu thương. Yêu thương chan hòa cuộc sống. Một xã hội giàu tình thương và lẽ phải như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói tới. Tình thương được nâng niu, lẽ phải được tôn trọng; cái ác, cái xấu phải bị lên án, loại trừ. Khát vọng nhân văn ấy được đúc kết hết sức giản dị trong lời xưa để lại, thương người như thể thương thân. Đạo lý, nhân phẩm con người được gói lại trong hai tiếng yêu thương. Yêu thương chính là hạnh phúc. Yêu thương càng đầy thì hạnh phúc càng lớn. Trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và cả dân tộc lấy yêu thương làm nền tảng. Yêu thương bao nhiêu cũng không đủ, tàn bạo chỉ một chút cũng là thừa. Điều ấy chưa bao giờ xa lạ hay hiếm hoi với dân tộc Việt. Cái kết luôn có hậu của cổ tích, thần thoại; tình người chan chứa trong ca dao, tục ngữ… là minh chứng đầy thuyết phục cho tình yêu cuộc sống của người Việt. Bao nỗi đắng cay được thấu hiểu, sẻ chia cũng là bấy nhiêu ngọt bùi được bồi đắp.
Tre xanh kết thành lũy, thành làng, người nương dựa vào người mà sống. Cũng như tre già măng mọc vậy, sự nối tiếp bắt đầu bằng sinh nở và chở che, trưởng thành và dâng hiến. Đời này qua đời khác, tri ân nguồn cội, giữ gìn truyền thống, học cái tốt đẹp của nhân loại để vươn cao, bay xa nhưng chưa bao giờ đánh mất mình. Mọi mưu toan đồng hóa dân tộc này không thể khả thi bởi niềm tự hào, tự tôn con Rồng cháu Tiên chưa bị mất.
Không phải ngẫu nhiên mà tới bây giờ, khi thế kỷ 21 đã trôi qua hơn hai thập kỷ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ở phạm vi toàn cầu, ta vẫn nhắc tới câu chuyện con Rồng cháu Tiên. Thực ra, câu chuyện ấy đang mang một ý nghĩa lớn lao hơn, kỳ vĩ hơn tầm vóc của một huyền thoại xa xưa là đoàn kết dân tộc. Đoàn kết là tồn tại, là phát triển. Chia rẽ là tận diệt, là suy vong. Khi con người ta không lãng quên hay đánh mất cội nguồn, truyền thống thì mặc nhiên họ biết phải làm gì cho Tổ quốc và Nhân dân mình.
Khát vọng con Rồng cháu Tiên hôm nay và cả trong tương lai nữa là phát triển đất nước vững bền, giàu mạnh. Nếu như mấy ngàn năm qua, Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh lúa nước, cái điệp khúc Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa đã trở thành sự quen thuộc mặc nhiên cùng với cảnh Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày / Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần… Thế kỷ 21 và những thế kỷ sau, khát vọng con Rồng cháu Tiên phải hướng tới những tầm cao mới lộng lẫy. Khát vọng ấy, Bác Hồ kính yêu đã từng nhắc tới khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước còn vô cùng khốc liệt. Giữa những ngày bom rơi đạn nổ tơi bời ở hai miền Nam - Bắc, trong tan hoang đổ nát, hậu phương lớn và tiền tuyến lớn vẫn bừng sáng niềm tin về một đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ở mai sau.
Sống trong không khí hòa bình, khi trên thế giới còn xảy ra những cuộc chiến tranh, xung đột đó đây; đói nghèo là thảm trạng của một phần không nhỏ nhân loại ta càng thấy rõ hơn giá trị thực tiễn của khát khao dân tộc. Một dân tộc biết khát khao lớn mạnh là một dân tộc có bản lĩnh. Lớn mạnh để đủ tầm vóc hòa nhập sâu rộng vào thế giới. Lớn mạnh để đủ sức mạnh gìn giữ giang sơn ông cha để lại. Lớn mạnh để đủ nền tảng xây dựng cuộc sống hạnh phúc vững bền cho Nhân dân. Lớn mạnh để cái tên Việt Nam càng tỏa sáng trong sự trân trọng và ngưỡng mộ của bè bạn năm châu, bốn biển. Để vị thế Việt Nam được khẳng định một cách đàng hoàng, không cần chiếu cố trên thế giới.
Việt Nam, từng rũ bùn đứng dậy. Việt Nam, từng hồi sinh, cất cánh từ tro bụi chiến tranh. Việt Nam, bây giờ mới chỉ là một quốc gia có ngưỡng thu nhập trung bình, nghĩa là chúng ta chưa giàu có nhưng tiếng nói của con Rồng cháu Tiên trên thế giới đã có sức nặng đáng kể. Đấy là điều đáng mừng, rất đáng mừng. Rất sòng phẳng và khiêm nhường, chúng ta có thể nói rằng chưa bao giờ vị thế dân tộc Việt Nam trên thế giới lại cao như bây giờ. Bởi biết người, biết ta; bởi muốn thực lòng làm bạn với tất cả các nước khác; bởi biết dĩ bất biến, ứng vạn biến mà Việt Nam trụ vững, vượt qua được nhiều cơn phong ba bão tố, nhiều xoáy lốc của thời cuộc. Một dân tộc như thế, sớm muộn sẽ hùng mạnh, sẽ xanh tươi. Con Rồng cháu Tiên biết tự lo liệu cho mình, biết làm gì để khát vọng trở thành hiện thực tốt đẹp hơn.