Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chúng tôi đi đại học

B

ây giờ người ta nói vào đại học nhưng thời còn chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi nói "đi đại học". Chẳng phải vì sự vận động của ngôn ngữ qua nhiều năm tháng mà cách nói khác nhau. Thi vào đại học là khó nhưng "đi đại học" là việc khó hơn. Từ Vĩnh Linh chúng tôi ra trường đại học gần nhất - Đại học Sư phạm Vinh (đã sơ tán ra huyện Thạch Thành - Thanh Hóa) - cũng hơn bốn trăm kilômét, ra đến Hà Nội gần sáu trăm kilômet. Đấy là một quảng đường phải đi bộ, phải vượt qua hàng chục con sông mà các cây cầu đã bị máy bay đánh sập, vượt qua hàng trăm tọa độ lửa, lúc nào trên đầu cũng có máy bay gầm gào, lúc nào cũng có thể dính bom đạn, tên lửa của kẻ thù.

Đó là một ngày đầu thu 1966, chúng tôi tập trung dưới rặng cây trâm bầu và những bụi tre lớn ven một xóm nhỏ ở Vĩnh Tú. Thầy hiệu trưởng nói:

- Các em là tốp cuối cùng đi đại học của khóa này. Đoàn do thầy Lê Duy Ưng phụ trách (thầy Ưng cũng là thầy giáo đáng kính dạy toán của tôi năm lớp bảy, khóa này thầy đi đại học để nâng cao trình độ). Đi đường phải giúp đỡ lẫn nhau, dũng cảm mưu trí để vượt qua sự đánh chặn của kẻ thù. Các thầy chúc các em đi tới đích an toàn, học giỏi để ngày chiến thắng trở về xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá.

Chúng tôi hứa sẽ làm được như lời thấy căn dặn. Buổi chia tay cực kỳ gọn nhẹ và nhanh chóng. Không có đông các thầy, phụ huynh và bạn bè đưa tiễn. Vị trí tập kết này cũng hoàn toàn bí mật. Lúc thầy đang nói với chúng tôi máy bay Mỹ đang oanh tạc một vị trí nào đó ở Quảng Bình. Những chiếc máy bay F104 bổ nhào trút bom rồi vút lên, nhả lại phía sau một đường khói trắng thẳng băng. Dù khá xa chúng tôi vẫn nhìn thấy phía trên mỗi đường khói ấy là một chiếc máy bay nhỏ bằng bàn tay. Tiếng bom nổ rền rỉ ở phía chúng tôi phải đi qua.

Đoàn chúng tôi có mười hai người, trong đó có bốn bạn học cùng lớp với tôi. Hành trang của mọi người đều gọn nhẹ. Riêng tôi mang trên lưng mình nhiều kỷ niệm của gia đình. Mẹ tôi đong đầy một sài gạo năm cân, rang cho tôi một nửa con gà muối (một nửa con cả nhà đã liên hoan để đưa tiễn tôi. Mẹ cứ ngồi gắp vào bát tôi hết miếng này đến miếng khác). Anh cả tôi nhường tấm vải xanh may quần để may cho tôi một chiếc ba lô buộc túm miệng. Anh Hai tôi cho sáu mươi đồng, đó là tiền tiết kiệm được trong năm đầu ra làm nhà giáo. Anh rể tôi cho một chiếc áo lính vải tô châu khá dày. Chị ruột tôi cho một chiếc bút máy pake. Hồi đó, đồ dùng sinh hoạt rất khan hiếm, là con nhà nghèo lần đầu được sở hữu một "gia tài" riêng như thế tôi hết sức gìn giữ và tiết kiệm. Chiếc áo tô châu ấy gần như ngày nào tôi cũng mặc trừ khi bẩn phải giặt. Thế mà dùng được sáu năm. Chiếc bút máy dùng được mười một năm. Nghĩa là những đồ dùng đó giúp tôi đi qua một thời sinh viên, và có mặt trong những năm đầu tôi đã là cán bộ nhà nước.

 Đi qua khỏi Vĩnh Tú, trước mặt chúng tôi là một vùng cát mênh mông của Vĩnh Chấp và Sen Thủy. Máy bay đã ném bom đốt hết cây xanh, xung quanh chúng tôi vô vàn những hố bom lớn nhỏ. Có hố nuốt chửng cả sân bóng chuyền, có hố bằng miệng của cái giếng làng. Hàng ngàn những hố bom bi nhỏ như cái thúng chằng chịt, chồng chéo; có hố cỏ đã lên xanh, có hố đang còn mùi khét của khói bom, thực sự là một vùng tử địa. Trên đầu chúng tôi một chiếc máy bay trinh sát Utiti (hai thân) dai dẳng lượn vòng. Chỉ cần phát hiện một vật gì di động (kể cả trâu bò) trên bãi cát này là xịt xuống một trái bom khói, lập tức các loại máy bay cường kích sẽ nhào tới đổ bom vào vùng chỉ điểm.

Từ ngày 08 tháng 02 năm 1965, đế quốc Mỹ ném trái bom đầu tiên vào Hồ Xá, đến bây giờ chúng tôi sống và học hơn một năm rưỡi trong vùng bão lửa Vĩnh Linh. Tôi và nhiều bạn nam khác từng cầm súng bắn tỉa máy bay địch nên không ngán chiếc máy bay trinh sát kia nhưng bây giờ không phải là lúc gây sự với nó.

Chúng tôi nhanh chóng tìm cách vượt qua nó: Tất cả thành một hàng dọc, bám sát nhau. Chiếc Utiti lượn vòng khá rộng. Mỗi khi nó quay đuôi lại phía chúng tôi, tất cả bật dậy chạy về phía trước. Khi máy bay gần quay mũi lại, tất cả nằm xuống các hố bom, vùi người vào trong cát. Chạy rồi nằm, nằm rồi lại chạy, hàng trăm lần như thế, từ sáu giờ sáng đến bốn giờ chiều, chúng tôi vượt qua trảng cát của hai xã bắc Vĩnh Tú và Vĩnh Chấp ra đến Sen Thủy. Có hai lần chúng tôi hú vía tưởng đã bị lộ khi sáu chiếc máy bay F100 (Thanh bảo kiếm) sạt qua nhưng chúng lại bay thẳng sâu vào hậu phương của ta. Trong bữa cơm tối đó, chúng tôi cười đùa, bình phẩm: Hóa ra máy bay trinh sát của Mỹ cũng chẳng có gì ghê gớm. Cái hiện đại chúng tuyên truyền và thực tế cách xa nhau lắm.

Từ ngày thứ hai trở đi, chúng tôi sinh hoạt theo cách: Buổi sáng vào nhà dân mượn nồi góp gạo thổi cơm, đùm thêm mỗi người mỗi nắm cho buổi trưa, tối lại mượn nồi thổi gạo và phân tán vào nhà dân ngủ nhờ. Phải góp gạo vì không được một ai đổ hết gạo của mình ra nấu một lúc đề phòng bị lạc nhau sẽ không có lương thực mà sống.

Những bữa thổi cơm trong nhà dân để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm về tấm lòng ấm áp của nhân dân khu 4. Nhiều bà mẹ tranh các bạn gái thổi cơm hộ: "Để các con nghỉ ngơi ngày mai có sức mà đi tiếp". Có người sẻ chia cho chúng tôi đĩa muối vừng, bát cà muối, bó rau nấu canh. Chúng tôi lên đường, có bà mẹ còn buộc vào ba lô một bó ngọn bí "để các con luộc buổi tối". Vợ chồng anh Đệ ở Cảnh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình chạy qua hai ba nhà mới mượn đủ chục cái bát lành và một chiếc mâm gỗ cho chúng tôi dọn cơm: "Cho nó đàng hoàng, chúng tao đón nhiều bộ đội vào, mấy khi đón được sinh viên ra". Nhiều bà mẹ động viên chúng tôi: "Dù gian khổ mấy cũng đi cho tới mà học. Bà con đây, quê mình đây nghèo khổ cũng vì trước đây ít được học hành. Chúng tôi tránh xa đường quốc lộ, những đường mòn lớn vì máy bay thường đánh tọa độ theo các trục đường đó. Chúng tôi đi theo đường mòn nhỏ, đường liên xã, liên thôn, băng qua các cánh đồng, các trảng đồi cây bụi, hướng bắc mà tiến theo những đường dích dắc, ngoằn nghoèo, cố gắng tối đa tránh những vùng trọng điểm. Bởi thế có ngày đi hơn ba mươi km chỉ tiến về phía bắc non chục km mà thôi.

Ngày thứ hai chúng tôi đến đất Trường Thủy - Quảng Bình. Đây là một vùng trung du, hầu hết là đất đồi úp bát, cây sim cây mua lúp xúp. Vẫn là cảnh tượng chúng tôi thường gặp: Đầy rẫy những hố bom, nhiều đám cháy vàng, đen loang lổ. Chúng tôi đã nhiều lần thấy máy bay Mỹ rải truyền đơn nhưng không đâu truyền đơn nhiều đến như vậy. Truyền đơn rắc trắng cả một vùng mênh mông, có chỗ trên một mét vuông có thể nhặt được một vốc. Nghiễm nói với tôi: "Không nên đọc truyền đơn của kẻ thù". Tôi không cưỡng được tò mò nên vẫn đọc. Tin hay không là do nhận thức và bản lĩnh của mình. Các tờ truyền đơn phần lớn hình chữ nhật nhỏ bằng bốn ngón tay, dài khoảng một gang tay. Giấy và mực in rất tốt, ngâm xuống nước lâu ngày vẫn không nát, không nhòe.

Một tờ viết: "Đồng bào hãy tránh xa các khu vực quân sự. Không lực Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa sẽ đánh chặn mọi sự xâm nhập của cọng quân Bắc việt vào Nam". Tôi nghĩ rằng chúng đã không chặn được và sẽ không chặn được. Thời Ngô Đình Diệm, Thủ tướng Nhu đã nói rằng: sẽ xây dựng một lực lượng ba mươi vạn quân để chống lại ba vạn cọng quân đang ở rừng. Cho đến bây giờ, theo đài Hoa Kỳ, cọng quân đang có mặt ở miền Nam không dưới ba mươi vạn.

Một tờ truyền đơn khác vẽ ba bức tranh liên hoàn: Tranh 1: Vẽ một người sĩ quan của ta và một lá cờ đỏ sao vàng oai phong, quyết chiến. Tranh 2: Cờ gãy cán, áo quần sĩ quan rách nát; Tranh 3: Cờ đổ sập, người sĩ quan gãy chân, đi nạng. Ý những bức tranh muốn nói chúng ta càng đánh càng thảm bại.

Các tờ truyền đơn viết về nhiều nội dung đa dạng nhưng càng đọc, càng xem tôi thấy người Mỹ đã tốn giấy mực vào một công việc hoàn toàn vô ích. Chúng đâu biết rằng chẳng có một người Bắc Việt Nam nào tin vào điều đó. Nhìn vào đâu chúng tôi cũng thấy rằng càng đánh chúng ta càng mạnh.

Khi mới vào trận toàn thị đội Hồ Xá chỉ có một khẩu Đại liên Mắc xim, các chiến sĩ đa phần được trang bị súng trường CKC, K44. Chỉ một năm sau họ có rất nhiều súng máy cao xạ 14lỵ, 12ly7, rất nhiều trung liên, đại liên RBĐ, RBK và những cơ số đạn cần bao nhiêu, có bấy nhiêu.

Trước mắt chúng tôi nhiều thôn xóm của xã Thái Thủy đã thành tro bụi, đây đó chỉ còn lại những nền nhà và mấy cái cột cháy đen chơ chỏng. Phần lớn dân Thái Thủy đã ở nhà hầm nửa chìm, nửa nổi.

Chúng tôi dừng lại giữa một làng trụi như thế để ăn cơm trưa. Khi bạn bè lôi cơm nắm ra, tôi nói:

- Mình sẽ góp với các cậu một món ăn đặc biệt!

Tôi lôi cái ống bương mẹ đã cho vào đó một nửa con gà kho mặn. Khi đổ ra thì ôi thôi, một mùi thiu bốc lên xịt cả mũi. Các bạn gái cười rộ:

- Thịt gà kho ông bịt kín, phơi nắng trên lưng hai ngày còn đặc biệt cái nỗi gì, đổ đi!

Con nhà nghèo, của mẹ cho, trên đường đi lại thiếu thực phẩm nhưng cũng đành bấm bụng đổ đi. Hàng chục năm về sau, có lúc tôi mất của, thậm chí là mất lớn nhưng sự xót xa cũng chỉ bằng dạo đó mất một nửa con gà kho mặn mà thôi.

 Khoảng bốn giờ chiều, chúng tôi gặp một đơn vị bộ đội, với rất nhiều tăng pháo, súng lớn, súng nhỏ. Có lẽ họ tạm dừng trên đường hành quân vào Nam. Bộ đội ở lẫn với dân, ở trong lán màu xanh dưới các chân đồi, ven những lùm cây bụi mới tái sinh và ngụy trang rất khéo léo. Biết chúng tôi là học sinh trên đường "đi đại học" các chú rất ân cần. Có vài chú hỏi chúng tôi có muốn xem phim không? Thấy chúng tôi ngạc nhiên các chú chỉ vào cái lán bằng vải bạt màu xanh lá nửa chìm nửa nổi dưới một bụi tre và mấy cây mít cụt ngọn. Cái lán chứa được khoảng 100 người, bốn bề bịt kín mít. Phim chiếu liên tục, tốp này vào xem, tốp khác lại ra. Các bạn gái đi nấu cơm tối. Lũ con trai chúng tôi theo bộ đội vào xem phim. Chúng tôi xem liền một mạch hai bộ phim chiến đấu của Liên Xô và một bộ phim Thời sự về công trình Thuỷ điện Bắc Hưng Hải. Khi thấy Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra thăm công trường, đột nhiên cả lán vỗ tay, mọi người cùng hô to: "Bác Hồ muôn năm!", "Đại tướng Võ nguyên Giáp muôn năm!".

Một chặng đường ngắn vừa trải qua cho chúng tôi thấy sự tàn bạo của kẻ thù và không khí hào hùng của chiến cuộc. Đâu đó bọn con trai chúng tôi thì thầm với nhau muốn quay lại tham gia chiến đấu, ngày chiến thắng sẽ tiếp tục đi học, nhưng nhớ lại lời thầy hiệu trưởng căn dặn, sợ thầy mắng, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Ngày thứ năm: Chúng tôi phải vượt qua sông Nhật Lệ. Đây là bến đò mẹ Suốt và quê hương của những em bé Bảo Ninh mà sự tích chiến đấu đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Trên trời rất nhiều máy bay F105 quần đảo. Đúng như biệt hiệu "Thần sấm sét" của loại máy bay này, những tiếng rít xé gió của nó nghe đến lộng óc. Trên sông vẫn có nhiều thuyền đánh cá lập lờ xuôi ngược. Tất cả những thuyền đó là đò ngang nghi binh. Họ vung chài, thả lưới ép sát thuyền vào bên này đón bộ đội, cán bộ… rồi lững lờ thả lưới, vung chài, ép sát vào bên kia tiễn khách. Chúng tôi chia thành từng tốp nhỏ lần lượt qua sông bằng những con thuyền như thế. Tôi lên thuyền của một bà mẹ nhưng không phải là mẹ Suốt. Mẹ đã già, mái tóc nhiều sợi bạc, gầy nhưng rất rắn rỏi. Khuôn mặt mẹ khá căng thẳng. Mẹ bắt chúng tôi nằm sát xuống lòng thuyền, đầu gối lên ba lô, ngửa mặt lên trời. Mẹ nói rất đanh:

- Đừng sợ. Tao còn chúng bay còn!

Con thuyền lại dích dắc qua sông, có đoạn mẹ chèo, có đoạn lại buông chèo ngồi xuống. Ra giữa dòng mẹ lại chèo ngược trở lại một đoạn, lợi dụng gió biển đang thổi vào mạnh cho thuyền tấp dần vào bờ Bắc. Mẹ không ngẩng đầu lên trời nhưng đôi mắt luôn theo dõi đường lượn của máy bay. Vài lần tôi thấy đôi mắt của mẹ nhíu lại khi máy bay hạ dần độ cao. Mỗi lần như vậy mẹ quát chúng tôi: "nằm yên!", mặc dầu chẳng ai động đậy cả.

Khoảng thời gian vượt sông Nhật Lệ tôi cảm thấy quá lâu rồi cũng trôi qua. Khi lên bờ chúng tôi cám ơn mẹ và hỏi:

- Ngộ nhỡ máy bay xuống oanh tạc mẹ xử lý thế nào?

Mẹ nói:

- Ngộ nhỡ cái gì, ngày nào không chịu với nó vài loạt bom. Khi nó xuống thấp hàng ngàn cây súng sẽ bắn trả. Chưa chắc mẹ chết hay hắn chết.

Theo tay mẹ chỉ tôi nhìn thấy một chiếc pháo đài bay B26 bị bắn rơi từ lúc nào, cắm đầu xuống một ruộng muối bỏ hoang, đuôi dựng lên trời như cảnh báo cho lũ trên không hãy coi chừng! Gần xa đây đó rất nhiều pháo phòng không, không một phút giây lơ là cảnh giác đang rà nòng súng theo tám hướng máy bay.

Trên dòng sông Nhật Lệ một mê trận của những người quyết giữ tuyến giao thông, mưu lược và thi gian với kẻ thù. Người trước ngã, người sau lại cầm chèo. Một mẹ Suốt đã được nêu danh cùng hàng trăm bà mẹ vô danh khác đã làm nên một dòng sông Nhật Lệ anh hùng.

Ngày thứ  chín: Tôi và ba bạn nam khác góp tem phiếu của các bạn vào một cửa hàng lương thực mua gạo bổ sung. Chúng tôi đang xếp hàng chờ đến lượt mình thì máy bay nhào đến ném bom cửa hàng lương thực. Chúng tôi chạy tán loạn mỗi người mỗi hướng thế là lạc nhau. Từ trưa đó đến chiều tôi tự tìm đường ra Bắc và tìm các bạn trong đoàn nhưng không thể tìm được.

Chúng tôi đã chuẩn bị trước tinh thần có thể gặp sự cố trên đường nên có buồn nhưng không mất bình tĩnh. Bọn học sinh chúng tôi trưởng thành trong chiến tranh nên đứa nào cũng có tư chất… "lì đòn".

Đến gần tối, tôi bắt gặp hai bạn khác quê Quảng Bình cũng "trẫy kinh" như chúng tôi. Một bạn tên là Vui, một bạn tên là Thao. Chúng tôi nhập bọn, chẳng mấy chốc đã thân nhau như bao năm qua đã từng học chung một lớp.

Đến bờ sông Gianh, chúng tôi hỏi trạm giao liên ở đây vượt sông ở bến nào cho an toàn. Chị trưởng trạm nói: "Học sinh đi đại học hả? qua chuyến đặc biệt!". Chị cầm máy điện thoại quay lệch xệch, nhấc tổ hợp lên như báo với ai điều gì đó. Tôi chưa kịp hỏi thế nào là đặc biệt thì một chị khoác AK47 và một chị khoác súng trường tự động K66 đã giục chúng tôi ra bến. Ở những con sông chúng tôi đã vượt qua đều có máy bay giặc nhưng chưa thấy ở đâu máy bay nhiều như ở sông Gianh. Tất cả đều là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ bấy giờ F4H (con ma). Tôi hỏi chị dẫn đường: "Sao không đợi ngớt máy bay hãy qua". Chị nói:

- Thế thì đợi đến ngày chiến thắng!

Để chúng tôi yên tâm, chị vừa đi vừa giải thích:

- Toàn tuyến đã nhận được chỉ thị của Trung ương: "Bảo vệ học sinh đi đại học là một trong những nhiệm vụ đặc biệt". Bến phà này không bao giờ ngớt máy bay, nhưng chúng ta quyết tâm chiến thắng với khẩu hiệu: "mở đường mà tiến, đánh giặc mà đi".

Chúng tôi lên phà lúc ấy khoảng mười giờ sáng trong không khí chiến tranh cực kỳ căng thẳng. Trên phà có hai chiếc xe tải quân sự chắc ở chiến trường chở thương binh ra, kính xe đã vỡ hết, thân xe nham nhỡ vết đạn. Trên phà có gần ba mươi cán bộ, bộ đội, phần lớn quấn băng ở tay, ở đầu. Chiếc ca nô đã nổ máy sẵn kéo phà vượt sông. Tôi thấy quá mạo hiểm, tất cả các cặp mắt đều hướng lên trời. Chắc chắn máy bay sẽ dội bom hoặc phóng tên lửa xuống. Đúng như linh cảm của tôi, bốn chiếc máy bay đã xếp thành một hàng dọc, cua một vòng cung trên mây xanh và bắt đầu nghiêng cánh. Một chiến sĩ mặc áo xanh công nhân, đeo băng đỏ, chừng là chỉ huy của phà hô lớn:

- Máy bay bắt đầu oanh tạc, tất cả bình tĩnh!

Gần như cùng một lúc với tiếng hô của người chỉ huy phà, các loại súng phòng không bùng nổ. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trận đánh máy bay nhưng chưa bao giờ thấy hỏa lực phòng không mạnh khủng khiếp như ở đây. Súng phòng không các loại bắn như bão táp, các trận địa dày đặc và mênh mông của hai bờ sông Gianh tạo nên một trận cuồng phong hất ngược lên trời. Thế chủ động đã thuộc về mặt đất. Đàn máy bay mấy giây trước đó tỏ ra hung dữ bỗng trở nên quá mong manh. Hèn nào giới quân sự Mỹ nhận định: Lực lượng phòng không Bắc Việt mạnh gấp hai mươi lần hệ thống phòng không của Đức quốc xã phòng thủ Béclanh. Mấy chiếc máy bay chưa kịp xuống thấp đã vội vàng cắt bom. Nhìn mấy cái bụng máy bay trườn ra, có mấy chú bộ đội cùng nói rất bình tĩnh:

- Trượt rồi!

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi máy bay cắt bom mà nhìn thấy đầu máy bay thành một chấm tròn mới có khả năng "dính". Ba tốp máy bay mười hai chiếc đã "tham chiến" ném nhiều loạt bom và phóng hai quả tên lửa nhưng tất cả đều trượt. Những cột nước dựng lên rất cao, tạo nên những cơn sóng lớn, xô đẩy con phà dềnh lên, dập xuống. Những chiến sĩ lái tàu già dặn vẫn ghìm được con phà, kéo về bờ Bắc. Một loạt bom nổ khá gần, cột nước đổ lên phá làm chúng tôi ướt hết. Một chú bộ đội chửi:

- Mẹ chúng mày, chúng ông đã cần tắm đâu.

Đến thời điềm này nhiều máy bay đã bị bắn rơi ở bến phà này, lũ phi công Mỹ tham chiến ở đây đã thấy ớn. Sự hèn nhát đã làm cho nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, tinh xảo nhiều lúc trở thành vô dụng.

Chúng tôi đã nhận thức thêm một điều mà trước đó chưa biết: Việc đi học của chúng tôi được cả nước quan tâm bảo vệ. Từ đó về sau, dù vượt qua một đỉnh đèo, lội qua một vùng lầy, băng qua một trảng cây hoang vắng chúng tôi vẫn yên tâm không bao giờ cảm thấy đơn độc.

Ngày thứ mười một: Khi đến chân đèo Ngang chúng tôi hỏi đường vượt qua. Đồng bào nói rằng: Đèo đã bị bom phát quang, nếu vượt qua theo tuyến quốc lộ 1A thế nào cũng bị bom đạn của máy bay hoặc của hạm đội bảy giết chết.

Như để chứng minh cho lời đồng bào nói, một loạt pháo hạm nổ tới tấp trên đỉnh đèo, nổ tràn ra cả hai phía nam bắc đèo. Pháo 175 ly bắn tự động, dồn dập và chát chúa, khói bụi chẳng mấy chốc phủ kín con đèo.

Thế là một quãng đường 6 km nếu theo sự ngoằn nghoèo của quốc lộ 1A và chỉ 650 mét theo đường chim bay chúng tôi đi mất ba ngày: ngược lên Trường Sơn vượt đèo ở chỗ bây giờ xây dựng đường Hồ Chí Minh vòng về trung du ra Bắc.

Vừa đến đất Kỳ Anh của Hà Tĩnh, chúng tôi lạc vào chính giữa một đơn vị phòng không gồm sáu ụ súng cao xạ 37 ly. Chúng tôi chưa hiểu các chú bộ đội phất cờ ra hiệu cái gì thì một loạt bom đã nổ như trời vỡ ở phía sau lưng. Cả ba chúng tôi đều mất bình tĩnh chạy nhào vào trận địa nhảy xuống một ụ pháo. Máy bay đánh thẳng vào trận địa, chúng quyết diệt những ổ đề kháng này. Các khẩu cao xạ hai nòng bắn trả quyết liệt. Các nòng pháo rê theo vòng lượn của máy bay, lúc cao, lúc thấp. Các trận địa ở gần cùng nổ súng chi viện cho nơi này. Súng máy phòng không và súng trường ở các thôn xóm cũng nổ râm ran. Bom nổ loạn xạ, khói bụi mịt mù, khét đắng. Sự hốt hoảng qua đi rất nhanh, cả ba chúng tôi chồm dậy vác đạn từ dưới hầm kèo cạnh đó lên, cùng cạy hòm đạn ráp thành từng băng năm viên cho bộ đội bắn. Nếu nói là lòng yêu nước và chí căm thù giặc thì đó là ý thức tiềm ẩn trong lòng mỗi người dân lúc đó. Với chúng tôi lúc này một ý thức rõ nét nhất là phải đánh nó để nó khỏi giết mình.

Đột ngột một chiếc máy bay trúng đạn nổ bùng trước mắt chúng tôi. Mảnh máy bay tung tóe, quay quay trong không trung, nửa đầu cắm xuống đất thành một cột lửa. Tôi không kìm được sung sướng đứng thẳng dậy hét:

- Trúng rồi! Hoan hô! Hoan hô!

Cùng lúc đó một quầng lửa tóe lên cùng một tiếng nổ đanh tới mức như có ai dáng một nhát búa vào mang tai. Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo ngã vật xuống, nửa thân và đầu nát bét, nhầy nhụa máu. Các chú khác đều bị thương nặng, mỗi người đổ xuống một góc, người nào cũng đỏ máu. Lúc đó Vui đang ở trong hầm khiêng đạn. Tôi không hiểu vì sao mình không chết và không bị thương. Phải chăng trời đỡ đạn cho người là chuyện có thật. Bạn Thao bị cắt đứt chân phải và một vết chém qua má. Tôi òa khóc. Vui từ dưới hầm nhào lên. Hắn khóc thét lên cuồng loạn, nhào đến ôm chú bộ dội này, lại buông ra ôm chú bộ đội khác, rồi ôm Thao, lại chồm qua ôm chú bộ đội. Trước khi bị ngất xỉu, tôi nghe Thao thều thào:

- Mình bị nặng rồi, không đi đại học được nữa, tiếc quá!

Bàn tay của Thao quờ quờ như muốn nắm tay chúng tôi.

Trận đánh bùng nổ và cũng chấm dứt rất nhanh. Bộ đội của các khẩu đội chạy qua. Dân quân chạy đến rất đông, người nào cũng khoác  chéo súng qua lưng. Họ cấp cứu người bị thương và nhanh chóng khiêng đi nơi khác. Khẩu cao xạ bị hỏng được kéo ra khỏi ụ pháo. Một chiếc xe Zin 57 kéo đến một khẩu pháo khác thay thế. Bộ đội đang quay nòng khẩu pháo mới. Nhiều người dân đang giúp bộ đội đắp lại ụ pháo. Mọi việc diễn ra rất khẩn trương. Vui viết lại địa chỉ gia đình của Thao gửi lại cho những người cứu thương.

Họ nói với chúng tôi:

- Các em yên tâm! Bạn của các em nhất định được cứu sống. Thao bị thương trong khi đang chiến đấu sẽ được công nhận là thương binh.

Suốt ngày đó chúng tôi đi trong tâm tưởng nặng nề. Tình cảm với người bạn bị thương, với các chú bộ đội, với đất nước của mình cứ xáo trộn. Những gì nữa sẽ diễn ra trong cuộc chiến khốc liệt này?

Sáng ngày hôm sau, ngày thứ mười lăn của cuộc hành trình: Chúng tôi gặp sáu bạn người Hà Tĩnh cùng đi đại học. Chúng tôi nhập bọn và nhanh chóng thân thương nhau. Hơn mười ngày qua bây giờ mới có một lúc đẹp trời đến như vậy. Bốn phía tĩnh lặng tưởng như không có chiến tranh. Bầu trời trong xanh điểm một vài bông mây lụa. Phía xa, trên mặt đê, mấy em bé chăn trâu đang chơi ô quan, nhảy lò cò chân sáo.

Tôi vừa đi vừa kể cho các bạn nghe chặng đường vừa qua nhất là về Thao, người bạn đã bị bỏ lỡ việc học giữa chừng vì bom Mỹ. Đột ngột có tiếng hét:

- Nằm xuống! Máy bay!

Tôi nhìn xuống ruộng thấy những người đàn bà làm việc ở đấy nằm rạp xuống ruộng bùn, vội vàng giật súng trường ra khỏi vai. Linh tính biết máy bay tập kích, chúng tôi nhào và lăn tự do xuống chân đê. Một loạt trọng liên dài quét dọc mặt đê, đạn bay nhoáng nhoàng như ngàn tia lửa của chớp trời. Những người nữ dân quân chưa kịp nổ một phát súng nào, biên đội máy bay của giặc Mỹ chỉ còn là những cái chấm cuối trời xa. Tiếng khóc, tiếng kêu trời vang lên thảm thiết. Người làng đổ lên mặt đê rất đông. Cả bốn em bé chăn trâu đều bị chết thảm. Không một em nào còn nguyên vẹn xác. Những mảnh thịt đỏ mềm của trẻ thơ vương khắp mặt cỏ.

Ngày thứ mười sáu: Chúng tôi theo đường Khe Giao, vượt qua ngã ba Đồng Lộc, lên vùng trung du vượt sông Lam. Đây là một bến phà không có tên gọi, hoàn toàn bí mật nhưng rất nhộn nhịp về đêm. Hai bến sông nam bắc được giữ nguyên địa hình không có một dấu vết kiến tạo. Những con phà lớn ban ngày được kéo đi giấu vào các con hói và ngụy trang kỹ, ban đêm được kéo ra đưa người, xe pháo, hàng hóa qua sông. Mờ sáng hôm sau, tất cả dấu vết của người và xe sẽ được xóa sạch.

Đêm hôm đó trời tối đen. Phía xa dưới thành phố Vinh pháo sáng nhập nhòe, lơ lửng. Tiếng máy bay âm u trong đêm thâu. Thỉnh thoảng những tràng đạn từ dưới đất vạch những đường lửa lên trời. Ầm, uỳnh tiếng bom dội đâu đó.

Những chiến sĩ làm việc ở bến phà dẫn chúng tôi đi. Họ nói:

- Cứ mạnh dạn chạy xuống giữa hai hàng đèn. Tất cả mọi chướng ngại đã được dọn sạch không có gì vấp ngã đâu.

Ở bờ Bắc rất nhiều xe pháo và bộ đội xuống nhiều con phà cùng một lúc. Tất cả đều hối hả, khẩn trương nhưng rất im lặng và trật tự. Tôi nghĩ những cây đèn ống này cũng là một sáng tạo kỳ diệu của chiến tranh nhân dân. Cây đèn dầu hỏa được thắp trong những chiếc ống nằm ngang nhưng rất thoáng khí. Ánh sáng không lọt một chút nào lên trời, cũng không phóng thành luồng ra hai đầu. Nhìn vào phía nào cũng chỉ thấy một đốm sáng trên một chiếc cọc đóng cạnh lối đi, chỉ người và xe trên mặt đất mới nhìn thấy. Hai hàng đèn như vậy tạo thành những cọc tiêu vạch lối, xe chạy không cần bật đèn gầm. Đèn thuộc địa phận nào, nhân dân ở đó chập tối là ra đổ dầu, thắp sáng. Chúng tôi đi suốt đêm giữa hai hàng đèn như vậy. Đèn cứ kéo dài, dài mãi, tỏa ra rất nhiều hướng, ngoằn nghoèo trên mặt đất, vạch hướng cho những đoàn xe đi và những đoàn quân rì rầm chuyển động về phía Nam. Sau này mỗi lần nghe bài thơ "Ngọn đèn đứng gác" của Chính Hữu, và nghe bài hát phổ nhạc bài thơ đó của nhạc sĩ Hoàng Hiệp tôi rất xúc động. Cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu, cuộc vận động hùng mạnh của kháng chiến lại hiện về. Tôi tưởng mình lại bước trên những con đường ấy: "Trên đường ta đi đánh giặc. Dù về Nam hay ta lên Bắc. Ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu. Những ngọn đèn không bao giờ tắt, như những tâm hồn không bao giờ khuất. Như miền Nam hai mươi năm không đêm nào ngủ được. Như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức. Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ… đầy núi,  đầy sông đèn ta đã mọc…".

Xẩm tối ngày thứ hai mươi hai: Chúng tôi đến khe Nước Lạnh, vùng này giáp Nghệ An và Thanh Hóa. Tôi có cảm giác đã lọt vào một thung lũng. Bốn phía là những núi đá dựng đứng, xen kẻ là những vùng đất trống, không có nhà dân, không còn một cây xanh sót lại. Các anh chị thanh niên xung phong nói với chúng tôi: "Dù mệt cũng phải vượt qua. Đây là một "cuống họng" của con đường chi viện vào Nam mà máy bay Mỹ tìm cách siết chặt lại". Chúng tội nhịn bữa cơm tối để đi tiếp, mò mẫm trong đêm, bám sát lưng người chiến sĩ dẫn đường. Hai đầu gối rã rời nhưng không được dừng lại. Đến giữa khe nước lạnh chúng tôi gặp nguy. Chiếc cầu dã chiến ở đây vừa bị đánh gãy. hàng chục thanh niên xung phong, đa phần là nữ (tôi nhận biết qua tiếng cười của họ) đang dỡ bỏ những gì còn sót lại của chiếc cầu và tìm cách bắc lại. Họ bắc một chiếc cầu tạm của cầu tạm theo hình chữ W dựa vào hai đầu bờ và một phần sót lại của trụ cầu giữa khe. Chúng tôi phải bám vào các thanh sắt tụt xuống đáy khe, leo lên, tụt xuống rồi lại leo lên mới vượt được khe nước này. Khi đang ở dưới đáy của chữ V thứ hai, đột ngột có ba tiếng kẻng dóng lên gấp gáp và một tiếng hét "máy bay!" - Rật một cái, cả đơn vị thanh niên xung phong biến mất. Chúng tôi không còn đường tiến thoái đành đứng như trời trồng giữa khe. Cùng với tiếng máy bay rít qua, một loạt bom nổ rất đanh, nhưng tất cả đều nện vào núi đá vôi. Vừa ngớt tiếng bom nổ, cả đơn vị thanh niên xung phong lại hùa hùa kéo ra, tiếp tục công việc. Những tiếng cười con gái không kìm được lại ré lên. Tôi hỏi chiến sĩ dẫn đường:

- Có báo động sao chú không chạy đi.

Chú nổi cáu:

- Chúng mày đứng đực ra đấy tao bỏ chạy sao được.

Chú lại giục:

- Leo lên mau! Mấy đêm nay cứ hai mươi, ba mươi phút chúng đánh một loạt bom tọa độ xuống đây.

Đúng như chú nói, chúng tôi vượt qua khe Nước Lạnh, thêm hai lần nữa nằm dí xuống đất, phó thác thân xác cho trời đỡ. Cả hai loạt bom kế tiếp cũng đánh vào mấy ngọn đèn Thanh niên xung phong nghi binh treo trên núi đá vôi. Tôi nghĩ: "Nước Mỹ dù giàu có bao nhiêu, đánh chác theo kiểu này rồi cũng thua trận".

Đến đất Thanh Hóa coi như đã đến đất an toàn, dù trên trời vẫn âm ỉ máy bay. Những loạt bom nổ đó đây vẫn làm rung đất dưới chân.

Sau hai mươi sáu ngày đi bộ ròng rã, vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy cuối cùng tôi đã đến được trường đại học. Trường Văn hóa 12/9 (mật danh của Trường Đại học Sư phạm Vinh) của tôi sơ tán lên đây: vùng trung du thuộc huyện Thạch Thành - Thanh Hóa. Các bạn sinh viên miền Bắc đã đến trước khá lâu. Họ dựng lên những chiếc lán học nửa chìm nửa nổi, đắp tường đất xung quanh khá dày. Những chiếc bảng đen được dựng lên chưa hề có bụi phấn. Ghế ngồi được ghép bằng hai ống luồng dài, kê trên những chiếc cọc làm chân bàn chôn sâu xuống đất. Bàn học được làm bằng tre, mặt bàn được đan bằng nứa. Lán học, lán ở, nhà bếp đều làm theo kiểu đó, lợp bằng tranh, thứ nguyên liệu rất sẵn của Thạch Thành, bứt đâu cũng có. Các bạn sinh viên đón tôi rất niềm nở, rất muốn nghe tôi kể chuyện chiến sự của Vĩnh Linh, kể về chuyện bạn bè tôi học tập ở trong đó, về chuyện chúng tôi đi đại học. Kể đến chuyện bạn Thao bị giặc Mỹ đánh cụt chân ai cũng lặng đi, nhiều bạn nữ chấm nước mắt vào tay áo.

Trường Đại học thời chiến chỉ có vậy thôi, nhưng nhìn lán trại của Khoa Văn ẩn mình dưới những khu đồi của Thạch Vân, tôi vô cùng xúc động.

Tối đó, khi bạn bè đã ngủ rồi, tôi lên lớp thắp đèn dầu ngồi yên nhìn lên bảng. Tôi nóng lòng chờ ngày khai giảng. Tại đây, nhiều năm tới tôi là sinh viên, được các thầy truyền cho những kiến thức mênh mông của lịch sử văn học nước nhà và những nền văn học, văn minh nhân loại. Rồi đây, chúng tôi lại mang những kiến thức đó truyền lại cho các em. Chắc chắn sẽ được đứng dưới những mái trường ngói đỏ, trên đầu không còn bom đạn của chiến tranh.

Tôi nhớ các chú bộ đội, các anh chị thanh niên xung phong, những bà mẹ chèo đò và biết bao nhiêu người dân đã giúp đỡ và che chở cho chúng tôi trên đường đi đại học. Tôi nhớ và thương Thao một sinh viên chưa nhập trường đã trở thành thương binh. Thương về Vĩnh Linh, thương về Đất nước của mình, quá nhiều đau thương nhưng cũng cực kỳ anh dũng.

 

      L.V.T

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 160 tháng 01/2008

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

2 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground