Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện dài quê hương

Hai mươi năm sau ngày quê hương giải phóng, tôi mới có dịp về với Triệu Lăng, một trong những xã anh hùng ở vùng biển Quảng Trị.

Rất chu đáo, anh Chí chỉ dẫn cho tôi vị trí những ngôi làng và lý thú hơn cách xác định phương hướng của người dân vùng bãi Ngang. Tôi chú ý anh dùng chữ phía, phía trước và phía sau rất lạ. Với ngư dân bãi Ngang, trước mặt của mình bao giờ cũng là biển, biển cả mênh mông. Những ngôi nhà tách biệt như anh Chí đây có thể quay mặt đi khắp các hướng nhưng có ngôi nhà chung vô hình của làng biển bao giờ cũng lấy biển cả mênh mông  phía trước làm hướng mặt tiền. Chả lẽ đã có một nền “văn hoá mặt tiền” ẩn khuất trước khi có nền “văn minh mặt tiền” ồn ào, chen chúc ra mặt phố, phố chợ chăng? Chỉ biết bãi biển là hướng mặt tiền của làng biển nên sâu thẳm trong tâm linh hạt cát cũng khát khao giữ gìn sự trong trắng. Phía sau, sau biển đến làng ngự trị trên cái gọi tiểu trường sa cát. Thớt đất tự nhiên dành cho ngư dân sáu thôn Triệu Lăng sinh sống lọt thỏm trong lòng bàn tay, trải trên quãng dài tám cây số, rộng chừng ba cây số. Không tiến ra được càng không “cài số de” lùi lui sau bạc. Bạc, chân những đống cát ùn lên sau làng. Nơi chỉ còn dành để chôn cất người chết. Mồ không yên, mả không đẹp bởi ở bãi Ngang này cát lấp cát bay khủng khiếp. Sau nữa, cả chân trời cát giáp với chân ruộng lúa tít tắp như đường băng gọi là đại trường sa. Người dân địa phương tính độ dài một đại trường sa từ lạch Cửa Việt đến cửa Thuận An. Sau giải phóng con người đã nghĩ đến việc trồng rừng biển, chống cát vùi cát lấp vào phía làng mạc, ruộng vườn. Nhưng đó lại là phía vào, chưa có phương án khả thi nào chống cát tràn ra biển phủ lên thớt đất người bãi Ngang cư trú vốn hẹp trong gang tấc. Tôi không khỏi rùng mình khi đứng chân trên đập làng, chỗ nhà anh Chí đây nhìn những đôộng cát óng vàng lấp loá, cuồn cuộn áp sát vào làng mạc lúp xúp chẳng khác gì những ngọn triều nhấp nhô, nối đuôi nhau tràn vào bờ.

Kể cũng lạ lùng trong cách người dân bãi Ngang định vị về phương hướng đầy tính nhân sinh mà vĩnh hằng này. Hướng vừng trời Đông. Nơi ánh sáng vùng dương bừng lên mỗi ngày rồi ngã về phía sau chìm vào bóng tối. Có cái gì hao hao dân vùng trồng lúa trong cách nghĩ “cáo chết … quay đầu về núi”. Và, mênh mông giữa trường sa biển, trường sa cát và trường sa trời – tôi thấy bình tâm hơn để đến với làng mạc, ghi chép lại vài trang viết về thế trận chiến tranh nhân dân trên tiểu truờng sa cát Triệu Lăng này.

                                    * * *

Có câu chuyện về ông Đoàn Cầu. Một nhân cách, tấm gương sáng về lòng yêu nước day dứt tôi mãi. Trước cách mạng ông làm Hương bộ làng Gia Đẳng nên gọi là ông Bộ Cầu. Sinh sống ở biển, ấy vậy mà thóc lúa của ông nhiều không cơ man nào đếm xuể. Chum mái chum bằng ướp thính cá mắm phơi phóng khắp vườn. Giáp hạt vùng Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài đều ra vay lúa của ông. Ấy là ông giàu của nhưng cũng giàu lòng nhân ái, đỡ đẫn kẻ khó miếng khi đói bằng gói khi no chớ nhân dân trong vùng không ai nghĩ ông chèn ép, bóc lột người nghèo. Học thức rộng, ông thuộc lớp thượng lưu giàu lòng yêu nước. Sớm có chân trong các phong trào yêu nước như phong trào các cụ  Phan rồi vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở thôn Gia Đẳng. Sớm tiếp xúc và trở thành cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ xứ uỷ bấy giờ như đồng chí Lê Duẩn, về sau tham gia kháng chiến rất triệt để. Đầu năm 1940, Triệu Lăng thành lập chi bộ đầu tiên, ông vào Đảng được phân công lo việc tài chính. Tiền của thóc gạo thứ đem nuôi cán bộ, thứ đóng góp làm tài chính cho cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Cách mạng Tháng tám thành công ông làm chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã. Cố nhiên trong những tuần lễ vàng, tuần lễ đồng… ông đóng góp nhiều hơn ai cả. Kho thóc ông trưng dụng vào việc nuôi quân như nuôi bộ đội Trung đoàn 95 suốt mấy năm không kể tháng ngày.

Có tình yêu nào thiêng liêng cao cả bằng tình yêu của con người hy sinh cả cuộc đời mình cho quê hương, đất nước. Đến đây tôi chợt hiểu ra, chính ông là vị anh hùng tiền bối của xã Triệu Lăng chứ không ai khác. Không có tấm lòng nồng nàn yêu nước của người cha này sẽ không có được truyền thống cách mạng tốt đẹp hiếm thấy ở gia đình này. Ông có bảy người con, bốn vị đã lần lượt ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến (ba nam, một nữ liệt sĩ). Bà vợ hiền thục người gốc Mỹ Thuỷ chịu thương chịu khó của ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt nam anh hùng.  Ba người con trai còn lại của ông đang phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, một vị đã là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một vị Trung tướng và vị kia Đại tá. Câu chuyện chỉ là ở một gia đình, kể ra vậy thôi cũng đã thấy bề dày của truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân Triệu Lăng. Thế nhưng về cuối cuộc đời, vào những năm cải cách, chính ông Bộ Cầu chứ không ai khác là người hứng chịu hết bi kịch mà cho đến nay oan sai vẫn chưa được minh oan. Có dịp tôi sẽ viết về những nhà cách mạng tiền bối nổi tiếng ở Triệu Lăng như cụ Trần Hoành và trở lại vấn đề này sau.

                                  * * *

Lẩn khuất đâu đó trong cuộc đời nhiều chiến sĩ cách mạng ngoài đóng góp còn có những nỗi đắng cay. Thì như cụ Nguyễn Thặng đây, khi Triệu Lăng còn là bến đỗ của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, cụ đã cắm mốc, ghi lại trên biển cả những chiến tích hào hùng. Ấy là việc cụ lấy thuyền lớn của mình tải thương binh ở hai trạm phẫu thuật Triệu Lăng chuyển ra Vĩnh Linh và rồi chở hàng quốc phòng, súng đạn vào tuyến trước. Chuyến hàng cuối cùng, chuyến thứ 16 bị phản lực F5 oanh tạc, thuyền lẫn hàng tan xác pháo. Cụ bị thương nặng đưa vào điều trị ở trạm A30 Vĩnh Tú. Bấy giờ mấy ai nghĩ đến chuyện phải thủ cái giấy ra viện đề phòng khi hữu sự. Hữu sự lúc này đây khi tuổi gì sức yếu, đất nước nở hoa độc lập, cụ cần cái chế độ thương binh, làm đi làm lại mãi vẫn còn thiếu cái giấy ra viện ở trạm A30 ấy chưa làm được, mà cũng có thể vĩnh viễn không ai làm cho được nữa! Từ biệt anh Côn, sau này tôi mới được biết, anh từng là du kích, cán bộ, bám trụ chiến đấu rồi thoát ly. May mắn cho anh sau ngày giải phóng theo học được lớp đạo dễn, trở thành cán bộ cốt cán của ngành văn hoá. Sự nghiệt ngã của chiến tranh đâu đã chịu buông tha, lùi bước. Cuộc chiến tranh vệ quốc tưởng đã lùi xa, tuổi tác mẹ anh ngày càng cao và càng bị cuộc chiến ám ảnh. Bà muốn giữ riêng đứa con trai độc nhất của mình còn sống sót, không chịu để anh xa thêm bước chân nào nữa. Ám ảnh thúc bách, bè mẹ hóa điên chẳng còn cách cứu vãn! Anh đành đánh đổi, giã từ đồng nghiệp xin về diện 176, hiếu thảo phụng dưỡng mẹ già…

* * *

   Lại có một câu chuyện khác gắn bó lạ lùng với nghĩa bóng của câu ca: Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay! Trên đất Triệu Lăng sau ngày 20/7/1964, dân quân du kích đã bao vây trụ sở xã của nguỵ quyền, đánh tan trung đội dân vệ, trung đội thanh niên chiến đấu, bọn tề nguỵ. Quê hương giải phóng trở thành căn cứ địa cách mạng. Thế trận từ đó đến những năm 1972 giữa địch và ta thật gay go ác liệt. Thoát ly từ năm 1962-1966 anh Võ Hữu Thêm mới được phân công một nhiệm vụ chủ chốt: Chủ tịch kiêm bí thư xã. Ở cương vị này, lắm phen anh đã vào sinh ra tử, lúc bị phục kích, lúc lộ hầm, suýt chết ngộp trong hầm bí mật. Một cán bộ nằm vùng như anh sống được, anh phải chui rúc, cõng trên lưng mình trên 20 hầm bí mật. Tôi đặc biệt chú ý trận đánh cuối cùng trong đời của anh, ngày 05/7/1968 cách đây vừa tròn 27 năm. Anh Thêm kể:

Địch huy động lực lượng hỗn hợp, gồm kỵ binh bay Mỹ cơ động bằng máy bay Sâu Róm (Shinouk), Thủy quản lục chiến, địa phương quân, nghĩa quân, đội quân xây dựng áo đen, tề lưu vong ở thị xã Quảng Trị càn vào Triệu Lăng với thế gọng kìm: Cửa Việt vào, Triệu Sơn ra, Mỹ Thủy lên. Dân dạt hết ra phía đôộng Chôông ẩn náu trong những căn hầm chống phi pháo. Bên hông một căn hầm như thế ở thôn 2, hầm bí mật chữ A của anh đào âm xuống gần 2m, rộng 3m- là tầng hầm thứ 2. Chung hầm với anh có chị Nguyễn Thị Mánh – Đảng uỷ viên, cán bộ binh vận xã, vợ mới cưới của anh Võ Văn Quy. Trận càn xảy ra khi anh chị cưới nhau vỏn vẹn mười hai ngày. Anh Quy cho biết, thay vì vợ chồng ở chung một hầm phía trên thôn Năm, chị không đồng ý, lý do chồng phải ở một nơi, vợ ở một nơi phòng khi lộ hầm có người sống sót. Chị Mánh ở chung hầm với anh Thêm là thế.

Bọn nguỵ xăm qua bỗng quay lại xăm kỹ. Bà Hưng hầm trên gọi với xuống tầng hầm 2: “Bây ơi bây! Bây muốn sống thoát ra đi chớ họ biết bây cả rồi!” Bà chẳng gọi đích danh ai nhưng bằng kinh nghiệm anh Thêm biết đã lộ hầm. Khổ, hầm đào âm xuống sâu không còn đường nào thoát ra được nữa. Chúng bắt dân san hầm chống phi pháo phía trên hầm bí mật, nghe rất rõ tiếng đào bới. Có phút xao lòng, chị Mánh khóc. Bối rối vô cùng nhưng anh đã kịp trấn tĩnh: “Lính trên ấy rồi, "thím" muốn lên cứ lên nhưng có chịu nổi tra tấn không? Làm cách mạng mà không chịu nổi cực hình tra tấn là hại cho cách mạng, bà con cơ sở của mình. Tình thế này chỉ còn hy sinh là tốt nhất” (Anh thêm và anh Quy chỗ bà con, gọi thím là gọi thay con). Xác định hy sinh xong, họ rất thanh thản, hết cả sợ hãi. Anh Thêm kịp huỷ tài liệu, đào cát chôn chiếc đồng hồ, tiền nguỵ, mở chốt quả lựu đạn M26 giao cho chị Mánh: “Thím giữ cái này, mở chốt an toàn rồi, lúc cần giao tui”. Quả lựu đạn tự chế của công binh ta anh cũng rút chốt, khẩu súng ngắn ru-lô lên đạn sẵn sàng chiến đấu. Bọn chúng càng lúc càng táo tợn. Họ ngồi chồm hổm, đối diện nhau. Bỗng có vệt sáng dọi chéo phía trên đầu chị Mánh. Quay người lại phía trên đầu anh có chỗ hổng lớn. Anh chọi quả lựu đạn lên kèm ba phát súng chỉ thiên. Có quãng im ắng, lính dạt ra nhưng thật xúi quẩy: Lựu đạn thối, không nổ. Và chúng nhào vô nhả đạn xuống hầm theo vệt sáng. Chị Mánh kêu lên, ngay lập tức quả M26 nổ. Khung hầm bung ra, loá sáng và rồi cát lấp, phủ quá đầu anh. Trong âm u anh còn nhận biết bọn chúng xúm lại đào, túm tóc lôi ngược anh lên.

Không rõ bao nhiêu hầm bị lộ trong trận càn lịch sử này. Ở thôn Năm ông Nguyễn Được (chú chị Mánh) cùng hai người cháu ruột Nguyễn Thôi, Nguyễn Lân lộ hầm trong tình thế khác, mạng sống còn mỏng manh hơn ngàn cân treo sợi tóc. Anh Thôi kể: “Tôi lính huyện đội Triệu Phong đóng quân ở Tài Lương tranh thủ về thăm nhà, ở được đêm, sáng ra chúng càn vào làng rất sớm. Ba chú cháu chui xuống hầm nằm im. Chập choạng tối chúng xăm ra hầm, thọc đùi xuống quơ quơ tìm người. Sáu quả lựu đạn mở chốt chờ đợi. Tôi nghe rất rõ riếng thằng lính xin tên chỉ huy dựt lựu đạn hoặc xả súng xuống hầm. May tên  chỉ huy này cản, vì sợ lộ mục tiêu phục kích, ra lệnh: “Đêm nay bọn bay canh gác kỹ, sáng mai tính sổ”. Suốt cả đêm ba chú cháu tôi vừa đào vừa chuyển đất, lúc gà gáy sáng mới đào xong hầm hang ếch thoát khỏi khu vực bao vây. Bò ra phía dân ngoài biển chưa kịp xin nước đã chui hầm khác vì chúng đánh hơi tràn xuống lùng sục. Hầm thiếu không khí, tôi suýt chết ngộp, liền đội nắp hầm chui lên chạy thoát. Mồ hôi vã ra đầm đìa, chui lên người dính toàn cát, tôi chạy ngờ ngờ giữa ban ngày lại vào thôn Năm. Lọt xuống hầm khác. Thoát được trận ấy, ba ngày sau tôi kiệt sức, đổ hồ không nuốt nổi…” Tính riêng gia đình chị Mánh có đến bốn người lộ hầm, mình chị hy sinh. Chắc chắn chị nuối cuộc sống vô vàn, chí ít cũng vì người chồng mới cưới. Cũng như anh Quy, chiếc áo nâu sẫm bạc màu sót lại mà chị thường dùng vào việc hóa trang trà trộn trong đám bà già để che mắt địch, suốt mấy tháng trời nửa điên nửa dại anh quấn mãi trên đầu, nhức nhối hơn cả vành khăn tang khóc người vợ trẻ.

   Trở lại cái hầm anh Thêm. Mảnh đạn xoạc vào tay anh xối máu nhưng Thêm đâu biết mình bị thương. Vùi sâu trong cát anh chỉ thấy đầu mình vưng vưng choáng rồi sức khỏe tụt dần. Có cái gì đó khó giải thích ở sự sống và cái chết của hai con người cụ thể là chị Mánh đã hi sinh và anh Thêm còn sống sót. Chính chỗ này đây anh Thêm đã phải chịu tiếng mang lời. Gần trọn một đời tự mình không sao thanh minh được với đồng chí, đồng đội, đồng bào. Người ta nghi hoặc anh: “Đã đầu hàng chưa? Tại sao lựu đạn nổ chung trong một hầm chỉ mình chị Mánh chết? Chỉ có chui lên đầu hàng mới thoát được cái chết…”. Thú thật tôi cũng rất lấy làm băn khoăn bởi quả M26 này nhưng lại không sành sỏi về khoa học quân sự. Gặp nhiều sĩ quan trong quân đội tôi vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Dai dẳng hơn hai chục năm sau cuộc chiến tôi đã tận mắt chứng kiến hàng trăm cái chết thảm thương, vô nghĩa của đồng loại mình kiếm sống bằng nghề tháo gỡ phế liệu chiến tranh, bom đạn Mỹ. Phần đông trong số họ ra đi nhưng cũng có nhiều trường hợp nạn nhân còn sống sót trước những quả đạn 105ly mà lúc phát ra tiếng nổ chấn động cả thinh không rộng lớn. Điều đó làm tôi tin rằng người Mỹ dù có chế tạo ra nhiều loại vũ khí giết người nhất cũng không thử nghiệm hoặc lường hết tính năng giết người của quả lựu đạn M26 trong trường hợp này. Tôi chỉ còn cách tìm gặp hai nhân chứng, những người chôn cất, mai táng chị Mánh. Nhắc lại chuyện này, anh Quy xúc động bồi hồi và thú thực với tôi rằng bấy giờ anh đã hóa dại, không nhớ nổi thương tích để lại trên thân thể người vợ mới cưới, đâu như tay và chân chị nát hết. May còn bác Yêm, người chú ruột cũng là cha nuôi vừa gã chồng cho chị 12 ngày trước đó xác định khá rõ: nát hết đùi, tay và vòm bụng,. ngực vỡ toang … Tôi đã rất yên tâm, ở tư thế ngồi chổm hổm như đã nói, chị gần như đã ôm và hứng trọn quả M26, nhờ vậy anh Thêm thoát chết.

Đối mặt với đám quân ô hợp mà ác ôn nhất vẫn là bọn tề ngụy. Chúng đã kịp tập trung dân, dở trò tra tấn: “Dân mi tập trung đủ đó cả rồi. Ai làm việc chi lo khai ra đi”. Anh Thêm bảo: “Tụi bay tay sai theo Mỹ. Tao làm cách mạng chống Mỹ, phục vụ nhân dân cơ chi phải khai với chỉ…”. Cũng may bọn Mỹ tranh công bắt sống được Vi-xi (Việt cộng) là anh Thêm, chúng băng bó vết thương đưa anh lên máy bay chở thẳng về căn cứ Mỹ. Nếu không bọn tề lưu vong đã hành quyết anh ngay tại chỗ chẳng khác gì các đồng chí Trần Lớn, Trần Sơn, Lê Thuẩn, Đặng Quốc Thái… bằng các hình thức tùng xẻo, mổ bụng, moi gan, thiêu sống. Hết bọn Mỹ, đến phòng Nhì, cảnh sát; từ căn cứ La Vang - Bồng Bồng - La Vang đến lao xá Quảng Trị, lao chợ Cồn … vào sinh ra tử trong 4 tháng liền. Không khai thác được gì, bọn chúng mới chịu khép cung kết án anh năm năm tù khổ sai biệt xứ. Giữ bí mật cách mạng, cơ sở không bị phát giác; đương đầu với cái chết, không phản lại lý tưởng, ở cương vị anh đã là chiến công. Hơn thế nữa, số phận chờ sẵn anh cả chuỗi ngày cay nghiệt khác ở Côn Sơn: Biệt giam xà lim số 5 - qua Sở Củi - Hòa Ni - Hải An - An Hội - Sở Ruộng lại vào cấm cố vì đấu tranh, chống chào cờ ngụy… Tháng 11-1973, quá thời hạn tù hơn một năm, bọn địch giáng thêm vào anh một đòn chí tử, thâm hiểm: Không chịu trao trả để được trở về cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu mà phóng thích, trả anh về bổn quán. Kế sách “ly gián” của giặc đã thắng bởi cái gọi là bổn quán ở thời điểm này là các khu định cư ở Đà Nẵng, vì bộ máy ngụy quyền của cả tỉnh Quảng Trị lưu vong ở đấy sau mùa hè đỏ lửa năm 72. Và củng cố nhiên cựu tù chính trị là anh còn bị chúng quản thúc, hơn cả năm sau mới ra được khu định cư Gia Đẳng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng gian truân mà đầy sóng gió, đây cũng là nỗi oan, hơn cả Thị Kính.

Anh lập gia đình rất muộn, năm bốn nhăm tuổi. Năm năm sau (1979) biết không sinh được con, vợ chồng anh tự nguyện ra tòa xin ly dị. Gia tài chia ra vỏn vẹn: anh năm đồng bạc, chị cũng năm đồng. Anh thúng rưỡi lúa, chị thúng rưỡi lúa. Anh hai thúng khoai, chị hai thúng khoai. Chị đã ly quê lấy chồng khác có hai con ở tận Long Khánh. Anh đi bước nữa mới biết rằng mình đã mất hẵn khả năng sinh con. May lúc về với anh, chị Nguyện vợ liệt sĩ có đứa con riêng lên bảy. Nay anh chị đã lên chức ông bà ngoại, hẩm hút với chế độ thương binh hạng Ba, lương tháng 120 ngàn đồng, sớm tối có đứa cháu ngoại lên bảy chia sẻ ngọt bùi. Thẳm trong tâm can của anh, tôi biết, còn trĩu nặng nỗi buồn! Tôi cố chia sẻ, vấn biết sẽ không vơi đi được ở anh chút khổ tâm nào từ đây cho đến ngày nhắm mắt…

                                              * * *

Thật vĩ đại mà cảm động thay cho những vị anh hùng của chúng ta sản sinh ra trong thế trận chiến tranh nhân dân vệ quốc. Họ chiến đấu rất ngoan cường mà cũng rất nhân hậu, rất kham khổ giữa đời thường. Gặp anh Quy ở thị xã Quảng Trị mới biết, khoảng nửa năm sau (1-1969) trong một trận bị phục kích anh bị thương sa vào tay giặc. Từ nhà lao Quảng Trị đến nhà lao Quy Nhơn - Pleiku - Biên Hòa - Phú Quốc, bốn năm sau anh may mắn được trao trả ở Tây Ninh. Hiện anh đã trở về quê, sống bằng nguồn lương hưu ít ỏi nên phải làm thêm bằng cách ra giữ xe đạp ở chợ cá Quảng Trị. Mới ngày nào đó được giải phóng khỏi các lao tù đế quốc, các anh tung bay như cờ gặp gió nay mơ ước có ngày hội tụ để ôn lại những năm tháng không bao giờ quên ấy. Các anh thành lập Ban vận động, Ban liên lạc những người tù chính trị, phân công nhau đi quên góp, cất công ra vào những cơ quan có tài chính khá, năm lần bảy lượt, nhận được vài ba chục ngàn. Một cuộc gặp mặt như thế ở thị xã đã khó huống hồ gì ở Triệu Lăng. Tôi lấy làm băn khoăn bởi con số thống kê (chưa đầy đủ), rằng ở Triệu Lăng có trên 30 đồng chí cựu tù chính trị, đau như các anh cũng có nguyện vọng họp mặt.

                                             * * *

Cuộc chiến tranh vệ quốc, thế trận chiến tranh nhân dân trên tiểu trường sa cát Triệu Lăng còn nhiều trận đánh hay, nhiều tấm gương sáng ngời về chủ ngĩa anh hùng cách mạng của nhiều liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với nước. Với 1.183 nóc nhà, chưa đầy năm nghìn nhân khẩu, tổng kết trong hai cuộc kháng chiến, Triệu Lăng đã  có 345 gia đình liệt sĩ, 402 liệt sĩ yêu dấu lần lượt ngã xuống, 287 đồng chí thương binh và 887 gia đình có công với nước. Sẽ là chuyện dài quê hương khi chúng ta tìm về, phát hiện và phản ánh cuộc chiến đấu dưới nhiều giác độ ác liệt gay go vốn có của nó.

                                                                                           Y.T.

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 15 tháng 12/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

11 Phút trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

3 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground