Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện kể về chiến sĩ tình báo nơi dòng sông giới tuyến

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Linh là mảnh đất địa đầu giới tuyến, trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Quân và dân Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu, lập bao chiến công oanh liệt. Thắng lợi của quân và dân Vĩnh Linh, không thể không nhắc đến thành tích của công an Vĩnh Linh trong những năm tháng ấy.

Vừa làm tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an trên địa bàn khu vực, công an Vĩnh Linh còn được giao nhiệm vụ “vượt tuyến” sang bên kia bờ nam, hoạt động ngay giữa sào huyệt của Mỹ - ngụy, xây dựng cơ sở cách mạng, nắm tình hình địch, trừng trị bọn ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ đặc biệt này là Đội điệp báo, thuộc Ty Công an khu vực Vĩnh Linh.

Một ngày đầu thu, tôi có dịp gặp ông Nguyễn Trịnh, còn gọi là Nguyễn Tường, hiện ở tại xã Gio Bình (nay là xã Phong Bình), huyện Gio Linh, một trong chín đội viên của Đội điệp báo Công an Vĩnh Linh ngày ấy, để nghe ông kể về một thời gian khổ, hy sinh, cùng những chiến công thầm lặng, đã góp phần làm nên ngày toàn thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Trịnh (phải) và tác giả bài viết - Ảnh: N.N.C

Ông Nguyễn Trịnh (phải) và tác giả bài viết - Ảnh: N.N.C

*

… Nguyễn Trịnh chính thức đến nhận nhiệm vụ ở Đội điệp báo, thuộc Phòng tình báo, còn gọi là Phòng phái khiển, Ty Công an khu vực Vĩnh Linh vào cuối năm 1960. Thời kỳ này, cả miền Nam đang sôi sục chống Mỹ - Diệm. Tại Quảng Trị, suốt dọc bờ Nam sông Bến Hải, từ Cát Sơn, Xuân Mỵ, Bạch Lộc, Thủy Bạn, đến Võ Xá, Giàng Phao, Hải Cụ... để đối phó với phong trào cách mạng, địch ráo riết dồn dân, lập ấp, xây dựng đồn bốt, thẳng tay đàn áp nhân dân và không ngừng rêu rao “Bắc tiến”.

Đội điệp báo chỉ vỏn vẹn gồm 9 cán bộ, chiến sĩ, do anh Trần Thanh Nhạn làm đội trưởng, anh Lâm Bình làm đội phó. Bảy đội viên là các anh Nguyễn Trịnh, Nguyễn Nhâm, Hồng Mùi, Nguyễn Công Hàm, Trần Lai, Sĩ Cầm và Nguyễn Đình Quế. Đa số anh em đều đã được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu. Bản thân Nguyễn Trịnh trước khi ra Bắc, vào lực lượng công an đã tham gia du kích, bộ đội và đã được kết nạp vào Đảng. Anh Hoàng Đáo - Trưởng ty Công an khu vực Vĩnh Linh là người rất cẩn trọng, nghiêm túc trong công việc, nên lúc nào cũng căn dặn:

- Tình báo là nhiệm vụ đặc biệt, vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Vì vậy, muốn hoàn thành nhiệm vụ, các đồng chí phải luôn luôn bình tĩnh, khôn khéo, quả cảm.

Còn anh Nguyễn Tri Hoàng, Phó ty, thì luôn nhắc Nguyễn Trịnh phải tuyệt đối giữ gìn bí mật, phải coi bí mật là hàng đầu, đặc biệt phải tránh sơ hở, manh động. Mỗi lần anh em “vượt tuyến” sang hoạt động bên bờ Nam, bao giờ anh cũng đi cùng ra tận bờ sông, đợi anh em qua được bờ bên kia an toàn, anh mới trở về.

Trong gần một năm, Đội điệp báo công an Vĩnh Linh đã thực hiện hàng chục chuyến đi qua, đi về sông Bến Hải. Trong vùng tạm chiếm, giữa hang ổ của địch, ở Gio Linh, Cam Lộ hay vùng ven Đông Hà, các chiến sĩ đều được nhân dân che chở, nuôi nấng. Và họ đã cần mẫn xây dựng, cài cắm được một số cơ sở đáng tin cậy, nắm được tình hình hoạt động của địch báo cáo ra Bắc. Những kết quả hoạt động của Đội điệp báo công an Vĩnh Linh đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tình báo khác của trên tiếp tục phát triển mở rộng địa bàn ra các vùng nội thành, nơi tập trung những đầu mối quan trọng của địch.

Lúc này việc thông thương đi lại của nhân dân đôi miền Nam - Bắc bị đóng cửa, Mỹ - Diệm càng tăng cường kiểm soát, ruồng bố, đàn áp phong trào cách mạng và chém giết những người kháng chiến. Nhiệm vụ đi qua, đi về sông Bến Hải để lấy thông tin của Đội điệp báo công an Vĩnh Linh mỗi ngày một khó khăn hơn. Có lúc địch đã đánh hơi nghi ngờ. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, và cũng để các đơn vị tình báo của chúng ta hoạt động có hiệu quả hơn trong lòng địch, Đội điệp báo của Ty Công an khu vực Vĩnh Linh, được sự chỉ đạo trực tiếp của hai đồng chí Nguyễn Xuân Thành - Cục trưởng, và Nguyễn Đình Bảy - Cục phó Cục tình báo, Bộ Công an, đã chuyển sang một phương thức hoạt động mới. Chính trong thời gian này Nguyễn Trịnh được cấp trên cử đi học, để nâng cao kiến thức tình báo, trước khi tiếp tục được phái vào Nam hoạt động hợp pháp lâu dài trong lòng địch.

Anh Hoàng Đáo và anh Nguyễn Tri Hoàng cho gọi Nguyễn Trịnh lên gặp. Anh Hoàng Đáo vui vẻ nói:

- Cục tình báo của Bộ vừa có quyết định cho cậu ra Hà Nội học thêm một thời gian. Đây là dịp tốt để cậu trang bị thêm cho mình những kiến thức cần có. Cậu cố gắng học tập tốt để lúc vào Nam đỡ lúng túng.

Hơn ba tháng ở Hà Nội, anh được học gần như đầy đủ về chức năng cần có cho một chiến sĩ tình báo, từ võ thuật, sử dụng các loại vũ khí, cách thu thập tư liệu, xử lý tình huống, đến nắm tình hình xã hội, cách đi đứng, giao tiếp, nói năng trong vùng địch. Hôm bế giảng lớp học, anh vui sướng được gặp Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và Thứ trưởng Viễn Chi đến thăm và nói chuyện với lớp học.

Nguyễn Trịnh trở lại miền Nam với vỏ bọc bằng tấm thẻ căn cước do Phòng Kỹ thuật, Bộ Công an thực hiện, mang tên Nguyễn Phu, số 27829, cấp ngày 12/8/1962, do Quận trưởng quận Trung Lương Hoàng Đức Thạc ký, và bí số hoạt động: Z1.

Kể đến đây, ông Trịnh đứng dậy mở tủ, lục lọi một hồi, đưa cho tôi xem tấm thẻ căn cước, trông như giấy chứng minh nhân dân của ta bây giờ. Với tấm thẻ căn cước này, bằng vỏ bọc là một người dân làm ăn bình thường, ông đã che mắt bọn mật vụ, hoạt động bao năm trong lòng địch, mà không một mảy may bị chúng nghi ngờ gì. Ông cười bảo, Phòng Kỹ thuật, Bộ Công an ta hồi ấy thật giỏi. Làm căn cước giả mà như thật, giống đúc, không thể phát hiện ra.

Hành trang anh trở lại miền Nam cũng được phía ta trang bị đầy đủ từ quần áo, chăn màn, mũ, dép, tiền ngụy, đô la, bàn chải đánh răng... Nhất nhất mọi thứ đều là sản phẩm của chế độ Mỹ - ngụy hiện đang thịnh hành. Không súng đạn, vũ khí, không thư từ, gặp gỡ gia đình, bạn bè. Dù lúc đó gia đình anh cùng khá đông người thân đã ra Bắc, đang sinh sống ở Vĩnh Linh và được sự quản lý chặt chẽ của ta. Địa điểm cấp trên bố trí cho anh qua sông là ở Khe Thị - một địa danh ít người biết, nằm về cuối thượng nguồn sông Bến Hải. Ở đấy hai bờ sông chỉ cách nhau vài chục mét, nước cạn, vắng người qua lại.

Là địa bàn quen thuộc và cũng là quê hương nơi anh sinh ra, lớn lên, lại nhiều năm ở bộ đội, hành quân đánh giặc liên miên, nên trở lại lần này, đối với anh, vùng đất Gio Linh không mấy xa lạ, nhất là bản thân anh đã được trang bị những kiến thức cần thiết. Anh trở về quê - làng Hải Chữ, xã Trung Hải - một làng quê hiền hòa, nghèo khổ, nằm sát cầu Hiền Lương. Sau bao năm địch chiếm đóng, những đợt tố cộng, càn quét của chúng đã có biết bao gia đình ly tán, biết bao đồng chí, đồng bào hy sinh, tù tội. Trên các ngả đường làng, bọn cảnh sát, dân vệ suốt ngày tuần tiễu. Vì có giấy tờ hợp pháp, lại có người nhà bảo lãnh, nên địch không mấy nghi ngờ gì anh. Tuy nhiên, việc Nguyễn Trịnh đi bộ đội chống Pháp thì chúng không lạ. Hai lần tên an ninh xã gọi anh lên vặn vẹo:

- Tại sao hồi ấy anh đang ở bộ đội lại được họ cho về?

- Tại ngày ấy ở vùng rừng núi, tôi bị sốt rét nặng. - Anh đáp ngay.

Tên an ninh hỏi tiếp:

- Từ bấy đến nay anh ở đâu, làm gì? Sao anh không về quê ngay hồi ấy, mà bây giờ mới về?

Anh tự tin đáp:

- Sở dĩ tôi chưa về quê là do tôi được tin gia đình tôi đã vào trong Nam sinh sống, tôi phải đi nhiều nơi tìm kiếm.

- Tại sao thẻ căn cước của anh lại mang tên Nguyễn Phu?

- Tôi đã đổi tên ngay khi ở bộ đội về…       

Những lần tiếp xúc với bọn tề ngụy ở “Hội đồng xã” Trung Hải, Nguyễn Trịnh gặp lại Nguyễn Định, là bạn học từ thời Pháp. Định đang làm Trưởng thôn Hải Chữ. Chính Định là người đã “a dua” đỡ cho anh mấy câu vặn vẹo của tên an ninh xã. Nhận thấy Định tuy làm việc cho chính quyền ngụy nhưng bản tính hiền lành, chưa gây ra tội ác nào đối với nhân dân, Nguyễn Trịnh đã từng bước tiếp cận anh ta.

Bên chén rượu ngày hội ngộ, anh bắt đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm buồn vui thời thơ bé của hai đứa. Nào nhà nghèo phải đi ở chăn trâu cho địa chủ ở làng bên bị nó đánh đập ra sao? Nào chị Vinh bị thằng Tây hãm hiếp giữa ban ngày thế nào? Rồi việc hai đứa bỏ trốn, được một ông giáo làng nhận vào học, dạy cho biết đọc, biết viết, dạy cho hiểu về thân thế và sự nghiệp của Bà Trưng, Bà Triệu, của cụ Phan Đình Phùng, cụ Tống Duy Tân. Anh không quên nhắc với Nguyễn Định mấy vụ giặc Pháp càn quét, giết người, đốt nhà, và nhất là vụ chúng bắn chết mấy chục người, cả đàn bà và trẻ em, ở chân Dốc Miếu (Nơi ấy giờ vẫn còn tấm bia ghi lại tội ác của giặc Pháp xâm lược). Nguyễn Trịnh muốn khơi dậy trong con người Định ngọn lửa yêu nước, thương nòi mà anh cho rằng không bao giờ nguội tắt. Câu chuyện của anh làm Định rơm rớm nước mắt. Rồi đột nhiên Nguyễn Định nhìn thẳng vào mặt anh nói nhỏ gần như thì thầm:

- Từ hôm anh xuất hiện ở quê, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về anh. Tôi biết gia đình anh đã ra Bắc chứ không tản cư đi đâu cả. Còn anh, nếu tôi đoán không nhầm thì anh vẫn đang làm một việc gì đó cho cách mạng.

- Làm gì mà làm. Lo làm nuôi mình chưa đủ, chứ làm cho ai. - Anh cười.

- Thôi, anh đừng giấu tôi nữa. - Định nói - Tôi không làm gì hại anh đâu. Rồi anh ta giãi bày - Tôi bị chúng cử làm thôn trưởng cũng do hoàn cảnh không thể thoái thác được. Tôi biết bà con mình khinh ghét tôi nhiều lắm! Nói thật với anh, tôi cũng chán với chế độ này lắm rồi.

Đến đây, bản chất con người Định đã khơi gợi cho anh niềm hy vọng. Quả nhiên, chỉ sau đó không lâu, qua vài lần gặp gỡ nữa, anh đã giác ngộ được Định, biến Định từ một thôn trưởng ngụy, trở thành một cơ sở tin cậy của ta. Định đã cung cấp cho cách mạng nhiều nguồn tin có giá trị về tình hình địch ở vùng giới tuyến. Nửa năm sau, Nguyễn Định bị địch phát hiện, phải “nhảy núi”, lên chiến khu hoạt động. Rồi trong một lần đi công tác giao liên xuống đồng bằng, anh bị địch phục kích và đã hy sinh.

Ở Trung Hải và các vùng phụ cận ven sông tuyến, ngoài Nguyễn Định là cơ sở mới của ta, anh dấn thêm một bước mốc nối, xây dựng lại các cơ sở cũ trước đây. Vì có Nguyễn Định hỗ trợ đắc lực nên chỉ trong vòng mấy tháng, một loạt các cơ sở của ta từ Võ Xá, Kinh Môn, Kinh Thị, vào đến Lễ Môn, Tân Văn, Hảo Sơn... ở xã Gio An, đã phục hồi hoạt động trở lại. Những tin tức của địch, được bí mật chuyển ra Bắc, phục vụ kịp thời cho các kế hoạch tác chiến của ta.

 Nguyễn Trịnh quyết định chuyển địa bàn hoạt động vào sâu trong lòng địch. Ở ấp chiến lược Gio Sơn anh gặp Lê Ký. Ở Trường trung học Nguyễn Hoàng, ngay giữa trung tâm đầu não chính quyền ngụy ở thị xã Quảng Trị,  anh gặp Trần Quang Đồng và Nguyễn Danh Huấn. Cả ba người cùng có một điểm giống nhau là còn rất trẻ và cùng căm thù Mỹ - ngụy, cùng ước mơ trở thành người có ích cho cách mạng. Nhưng danh phận của họ lại khác nhau lạ kỳ. Lê Ký hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, bố mẹ phải đi làm mướn kiếm từng bữa ăn, Trần Quang Đồng có bố là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Danh Huấn mồ côi mẹ ở với bố và dì ghẻ. Anh vào ra như con thoi, bằng chiếc xe đạp cọc cạch, gặp ba người thoáng chốc bàn bạc công việc, xong là phải đi ngay để tránh bị địch phát hiện. Hồi ấy, đường rất khó đi, lên được Gio Sơn, phải qua bao rừng rú, đồi núi, vào được thị xã Quảng Trị, phải mất gần một ngày đạp xe. Đã vậy luôn luôn bị địch quấy nhiễu, chặn hỏi giấy tờ. Vất vả hiểm nguy đấy, nhưng đổi lại niềm vui là anh đã không nhầm địa chỉ, không nhầm đối tượng, khi mình “chọn mặt gửi vàng”. Lê Ký trở thành giao liên mật, lấy tin từ quận Trung Lương báo ra Vĩnh Linh. Trần Quang Đồng và Nguyễn Danh Huấn thì trực tiếp cung cấp cho anh những tin tức quan trọng về tình hình địch ngay tại trung tâm đầu não của chúng. Về sau cả hai anh được đưa ra Bắc học tập, đào tạo, sau đó cho trở lại miền Nam hoạt động ngay giữa hàng ngũ địch. Đồng và Huấn ngày một “chui sâu leo cao” trong quân đội ngụy, được chúng tin tưởng cho đi đào tạo sĩ quan. Đồng lên đến cấp bậc đại úy, kỹ sư làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất, Huấn là trung úy - Trưởng đoàn bình định ở thị xã Đông Hà. Cả hai đã cung cấp cho tình báo công an ta nhiều tin tức quan trọng về tình hình địch. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả hai anh Đồng và Huấn đều được ngành công an xác nhận là cơ sở tình báo của ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Kể đến đây, Nguyễn Trịnh dừng lại như để suy nghĩ điều gì, rồi bỗng nhiên hỏi tôi: “Cậu xem phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, có nhớ mấy tên ác ôn như Bạ Kinh, Trần Sùng trong phim không?”. Tôi đáp: “Đó là phim hay, cũng lấy bối cảnh về người và đất nơi dòng sông giới tuyến này, và những tên ác ôn ấy cuối cùng cũng đã bị trừng trị”. Ông nói: “Đội điệp báo công an Vĩnh Linh cũng đã từng tiêu diệt những tên ác ôn như thế”. Và ông tiếp tục câu chuyện…

Đầu những năm sáu mươi, ở bờ Nam sông Bến Hải xuất hiện ngày càng nhiều các đồn bốt của địch. Mỗi đồn chừng vài chục tên. Bọn này được xem như là những đơn vị “biên phòng” canh giữ “biên cương”. Chúng đa số được đào tạo ở các trường chính quy của quân đội ngụy, trước khi được tuyển chọn về đây. Chúng là những phần tử điên cuồng chống Cộng. Chúng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, đốt phá nhà cửa người dân vô tội không hề chùn tay. Và ở mỗi đồn thường nổi lên một tên chống Cộng khét tiếng và hết sức tàn ác. Tên này không là đồn trưởng thì cũng là đồn phó.

Ở khu vực Giàng Phao, Hải Cụ, phía thượng nguồn sông Bến Hải, cũng có một tên ác ôn thuộc loại này. Tên hắn là Tuyến - trưởng đồn. Hắn có khổ người cao to, nước da ngăm đen, giọng nói ồ ồ, và khuôn mặt lúc nào cũng lầm lỳ, ngang ngạnh. Từ ngày nhận chức đồn trưởng ở đây, tên Tuyến ngày nào cũng dẫn lính đi lùng sục, tìm bắt cán bộ ta. Hắn tỏ ra hăng hái khi tự tay cầm thuốn sắt xăm hầm, cầm lửa đốt nhà và tra tấn những ai mà hắn nghi là Việt Cộng. Hắn thích cầm loa chĩa sang bên kia sông, nói xấu miền Bắc và ca ngợi chế độ Mỹ - Diệm. Hắn đặc biệt hứng thú khi dùng tiểu liên cực nhanh AR15 của Mỹ, xả hàng loạt đạn xuống lòng sông Bến Hải để xua đuổi thuyền nôốc của nhân dân đang đi lại làm ăn. Hắn đã bắn chết con trai ông Cầu và làm ông bị thương nặng trong lúc hai cha con ông đang đánh cá trên sông. Chính quyền ta đã nhiều lần dùng loa, và gửi cả thư cảnh cáo hắn. Nhưng vốn tính ngạo mạn, Tuyến vẫn chứng nào tật ấy.

Lãnh đạo khu vực Vĩnh Linh và huyện Gio Linh quyết định phải tiêu diệt ngay tên ác ôn này để làm gương cho những tên khác. Nhưng diệt hắn thế nào đây để địch không có lý do gì tố cáo ta là việc cần phải bàn. Sau khi cân nhắc kỹ, lãnh đạo hai bên đã giao nhiệm vụ này cho công an khu vực Vĩnh Linh thực hiện.

Thời gian này Nguyễn Trịnh vừa nhận được lệnh trở ra Vĩnh Linh báo cáo tình hình. Trước lúc trở lại bờ Nam hoạt động, anh Hoàng Đáo đã trực tiếp giao nhiệm vụ diệt tên Tuyến cho anh. Chấp hành mệnh lệnh, Nguyễn Trịnh bí mật trở lại bờ Nam trà trộn trong nhân dân nắm tình hình. Một... hai... rồi ba ngày trôi qua. Đến ngày thứ tư thì anh nhận được tin từ cơ sở cho biết, sáng sớm ngày mai tên đồn trưởng Tuyến sẽ dẫn lính đi xăm hầm lùng bắt cán bộ ta ở làng Võ Xá, sau đó hắn sẽ cùng với hai tên đàn em về đồn trước.

Vào lúc chín giờ ngày hôm đó, Nguyễn Trịnh gọn gàng trong bộ quân phục rằn ri của thủy quân lục chiến ngụy xuất hiện ở khu vực đường sắt, gần cầu Tiên An. Trong người anh đã có sẵn vũ khí cần thiết. Tuy có chút hồi hộp, nhưng anh hoàn toàn tỉnh táo và chủ động. Địa điểm anh chọn mai phục là một khu vực khá yên tĩnh. Ở đó chỉ có một vài người dân đang chăn trâu, cắt cỏ, và ở dưới sông lâu lâu mới có một chiếc thuyền đi qua.

Đúng như mật báo của ta, sau khi xăm hầm ở Võ Xá, tên Tuyến đã trở về. Hắn cùng với hai tên thuộc hạ đạp xe đạp. Tuyến đi giữa hai tên. Cả hai cách Tuyến khoảng năm mươi mét. Chúng đạp xe thong thả như xung quanh chẳng có gì làm chúng phải cảnh giác, lo sợ. Nguyễn Trịnh nép mình vào bụi tre nhìn đồng hồ, lúc ấy là chín giờ hai mươi phút. Tim anh đập rộn lên, hai thái dương nóng bừng. Tên đi đầu đã vượt qua chỗ anh đứng năm mét... mười mét... mười lăm mét. Tuyến xuất hiện trước mặt anh. Mặt hắn lầm lỳ, cau có dưới vành mũ kêpi. Anh đưa tay vào túi nắm khẩu col45 của Mỹ đã lên đạn, bước ra, chĩa thẳng vào ngực Tuyến bóp cò. Khi hắn kịp nghiêng mặt ngẩng lên nhìn thấy anh thì súng đã nổ. Ba viên đạn găm thẳng ngực tên ác ôn. Hắn đổ gục xuống cùng với chiếc xe đạp và chỉ giãy lên một chút rồi nằm im bất động. Tên lính đi trước ngoái cổ nhìn lại rồi hốt hoảng đạp xe chuồn thẳng. Tên đi sau loạng choạng quay xe rồi cũng đạp xe chuồn nốt. Nguyễn Trịnh bước tới đặt vào ngực tên ác ôn bản cáo trạng của nhân dân bờ Nam vạch tội ác hắn. Không động đến bất cứ một thứ gì trên người tên đồn trưởng, anh vội vã nhảy khỏi đường tàu nhằm hướng tây mà chạy.

Ngay chiều ấy, công an ta nhận được tin, chỉ sau vài giờ tên đồn trưởng Tuyến bị bắn chết, bọn chóp bu ngụy ở chợ Cầu lập tức kéo ra. Rồi phái đoàn Ủy ban giám sát Quốc tế, gồm mấy người Ấn Độ, Ba Lan, Canada... từ Hiền Lương lên. Bọn địch biết chắc chắn cái chết của Tuyến là do công an bờ Bắc trừng trị, nhưng qua giám định hiện trường, những bằng chứng để lại, chúng không có lý do gì để tố cáo ta được, đành ngậm đắng nuốt cay bỏ đi.

Nguyễn Trịnh - người chiến sĩ điệp báo công an Vĩnh Linh mang bí số Z1 và tấm thẻ căn cước số 27820 tiếp tục đi sâu vào vùng địch tạm chiếm. Ở đó nhiệm vụ mới đang chờ anh…

*

Do những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1962, Nguyễn Trịnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Và đến năm 1967, ông vinh dự được ra Hà Nội, tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV (Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước), và được gặp Bác Hồ. Đó là lần đầu tiên ông được nhìn thấy Bác - niềm hạnh phúc lớn nhất của đời ông. Đến nay, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh Bác, cùng giọng nói ấm áp của Bác, vẫn theo ông trong suốt cuộc đời.

 

NGUYỄN NGỌC CHIẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 324

Mới nhất

Đi tìm cỏ

16 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Pa Ling mùa mưa

16 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

15 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Chị ấy…

16 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground