Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Cùng với xu hướng check-in Tết, các điểm du lịch cộng đồng mở ra ở nhiều nơi mỗi dịp xuân về. Để tạo ấn tượng mạnh thu hút khách, các địa điểm này thường có linh vật của năm mới. Song, có được một con giáp đẹp, mang thần thái và ý nghĩa là chuyện không hề đơn giản. Ngay từ đầu tháng chạp, còn gần tháng nữa mới đến Tết Giáp Thìn 2024, nhưng con rồng ôm biểu trưng (logo) Quảng Trị ở địa chỉ 86 Nguyễn Hoàng (Tp. Đông Hà) đã gây "sốt" trên nhiều trang mạng xã hội. Nghe câu chuyện tạc rồng được chính những người trong cuộc chia sẻ, mới hay "nghề chơi cũng lắm công phu".

Khi chúng tôi đến, các nghệ nhân đang tranh thủ những ngày nắng ráo cuối năm hoàn thành linh vật đón năm mới Giáp Thìn 2024. Một con rồng cuộn bay lên khỏe khoắn, đẹp mắt giữa không gian thoáng đãng.

Hai nghệ nhân chính thực hiện tác phẩm này là anh Trần Hòa (thôn Gia Độ, xã Triệu Độ) và anh Hoàng Thọ (thôn Võ Phúc An, xã Triệu Thuận). Hai anh đều là những nghệ nhân "đắp kép" có tiếng của huyện Triệu Phong, với tay nghề trên dưới 30 năm. Đã từng cùng nhau làm nhiều công trình trang trí lớn nhỏ, với hàng trăm con rồng tạo, tạc ở các phù điêu, nhưng đây là lần đầu tiên các anh làm một con rồng to lộ thiên, đứng độc lập.

Hai nghệ nhân Trần Hòa (bên trái) và Hoàng Thọ (bên phải) đang sơn hoàn thiện linh vật rồng

Để làm một con rồng giữa không gian, có tính đa diện, nhìn mặt nào cũng được, đòi hỏi ngay từ khâu ý tưởng, lên bản vẽ phải chính xác, cân đối hài hòa các chi tiết. Chiều cao con rồng là 6,5 mét, bề rộng 3 mét. Phía dưới còn có thêm khối đế cao 1 mét để mọi người đến chụp ảnh thì không che khuất đuôi rồng. Như vậy, tính tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh đầu rồng là 7,5 mét.

Vì kích thước rồng khá lớn, lại được làm theo kết cấu bền vững nên ngay từ đầu những người thợ đã làm phần cốt sắt cẩn thận. Một cây sắt ống và một thép chữ V được cắm làm trụ chính, sau đó uốn thép lưới theo hình cuốn xung quanh và đắp vữa xi măng phủ kín. Ước tính vật liệu sử dụng hết 3,5 tấn xi măng, 2 tấn sắt thép.

Xong phần thô, đến phần đắp kép đòi hỏi sự khéo léo để tạo ra được một phần đầu linh vật uy nghi, hùng dũng nhưng vẫn thân thiện; các vảy rồng, cụm mây, đuôi cuốn phải hài hòa… Màu sơn chính của rồng là nhũ vàng, cùng với phần đệm đỏ. Ngoài hai nghệ nhân, còn thêm ba thợ phụ khác cùng làm ròng rã 20 ngày liên tục mới hoàn thành.

Rồng ôm biểu trưng Quảng Trị được nhiều người khen đẹp

Ngay chính giữa khúc uốn là một khối cầu tròn đường kính 1 mét, tượng trưng hòn ngọc có hình logo tỉnh Quảng Trị được tay rồng nâng đỡ. Đây là nét riêng để mọi người "nhận diện" rồng trên quê nhà.

Anh Văn Viết Lực, một người thuộc nhóm chủ đầu tư công trình cho biết trong bối cảnh kinh tế chung bị suy thoái do đại dịch, nên ai cũng mong muốn năm mới Giáp Thìn 2024 khởi sắc hơn. Vì thế anh đã gửi gắm vào chú rồng ước mong thăng hoa, đó là lý do con rồng được tạo thế bay lên. Đặc biệt, kỳ vọng các dự án của tỉnh nhà năm tới sẽ được thực hiện, hoàn thành thắng lợi, nên anh đã có ý tưởng để chú linh vật năm mới ôm biểu trưng Quảng Trị.

Ý tưởng là vậy, song để chọn được người thể hiện cũng không dễ. Vì rồng là con vật không có thật trong đời sống, lại gắn liền với các huyền thoại cao đẹp, mọi người có thể thỏa sức sáng tạo nhưng không phải ai cũng làm ra được rồng đẹp. Hai nghệ nhân Trần Hòa và Hoàng Thọ đã được chủ đầu tư biết tiếng tay nghề giỏi lâu nay, và quả thật con rồng hoàn thành đã đáp ứng được các yêu cầu, lại rất có thần, có hồn.

Khi hình ảnh rồng ôm logo Quảng Trị xuất hiện trên mạng xã hội, ngay lập tức có hàng trăm lượt chia sẻ, hàng ngàn bình luận khen ngợi dành cho các nghệ nhân. Nhiều người cũng tự bình chọn đây là một trong những con rồng thuộc loại đẹp nhất dịp Tết năm nay.

Con rồng là tâm điểm của khu vui xuân mới khai trương có tên Vườn Triều Long, do một nhóm doanh nhân đầu tư thực hiện. Mục đích của nhà đầu tư là tạo ra một địa chỉ vui xuân thú vị cho cộng đồng, và có thêm điểm vui chơi thì sẽ giảm bớt các tệ nạn ngày Tết.

Không gian đầy hoài niệm về nhà quê xưa ở Vườn Triều Long

Vườn nằm trên mảnh đất rộng 3.000 m2 ở đường Nguyễn Hoàng, Tp. Đông Hà. Vị trí thuận lợi cho mọi người, từ Quốc lộ rẽ về chưa đầy một cây số là đến. Ngay ở lối vào có cổng chào bện rơm, hai câu đối mừng xuân viết trên những chiếc mẹt tre: Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp / Quê nhà một góc nhớ mênh mang. Và đúng thật chủ nhân đã bài trí Vườn Triều Long theo phong cách hoài cổ để những người xa quê trở về ăn Tết có thể gặp lại hình ảnh thân thương, đậm đà nhất của "quê quán tôi xưa".

Mới bước qua cổng, ta gặp ngay đụn rơm cao to, phía trên cắm cột cờ tổ quốc. Cái đụn rơm ngày trước ở quê nhà nào cũng có, để làm chất đốt nấu nướng, lót ổ gà mái đẻ, làm thức ăn cho trâu bò ngày mưa cỏ úa, hay lót cho heo nằm ủ ấm mùa đông… Đến nay thì muốn tìm một cái đụn rơm ở trên chính quê nhà nông thôn cũng khó. Thế nên để làm đụn rơm to ụ này và cổng rơm, cần đến 500 cuộn rơm mua từ huyện Hải Lăng. Ấy là rơm từ mùa gặt hồi tháng tám, người ta trữ lại thành từng cuộn tròn, mua về phải xáo tơi ra mới xây lên thành đống, thành đụn được.

Xung quanh vườn, ba căn nhà tre được dựng lên, mỗi căn kích thước 5,5 x 9 mét. Nền nhà nện đất theo đúng kiểu của căn nhà xưa. Những nghệ nhân làm nhà được mời từ làng Vân Lũng - làng nghề làm tre nứa truyền thống nổi tiếng ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Anh Trương Thành (40 tuổi) cho biết đội thợ của anh có 8 người, vào đây làm liên tục trong nửa tháng để xong 3 căn nhà. Tất cả vật liệu đều được vận chuyển từ miền Bắc vào. 220 cây tre, 650 cây trúc của rừng Tây Bắc, Hòa Bình, Thanh Hóa có độ tuổi từ 3 - 4 năm, sau khi khai thác được xử lý than hóa carbon, khoan bơm hóa chất thuốc chống mối mọt.

Anh Trương Thành đang thực hiện các căn nhà tre

Phần mái nhà lợp bằng vỏ cây tế. Cây tế thuộc họ dương xỉ, dài chừng hai mét, khi già và héo đi thì dẻo dai, có màu nâu. Người ta cắt cây tế về, rút lõi để làm đồ thủ công mỹ nghệ đan lát, phần vỏ thì dùng để lợp nhà. Theo những người thực hiện, vỏ cây tế, cũng như phần tre đã được xử lý của các căn nhà này có độ bền trên 20 năm.

Cơ sở của anh Thành đã thực hiện nhiều công trình nhà lán tre nứa ở các tỉnh thành, nhưng đây là lần đầu tiên làm ở Quảng Trị nên anh có điều chỉnh kiến trúc để phù hợp. Với đặc điểm thời tiết Quảng Trị mưa dài ngày, độ ẩm cao, gió thổi nhiều, nên các căn nhà được thiết kế phần mái có độ dốc cao hơn. Mỗi mái có 10 lớp tranh, phía dưới mỗi lớp có tấm cao su non chống thấm, đảm bảo không thấm dột.

Vườn Triều Long thuộc vùng ven thành phố Đông Hà, vị trí thoáng đãng, yên tĩnh, bên cạnh lại có sông Vĩnh Phước chảy qua. Huyền thoại về rồng thường gắn liền với nước, ta có thể từng nghe sự tích rồng ở rất nhiều những dòng sông. Hay theo truyền thuyết con Rồng cháu Tiên thì cha Lạc Long Quân cũng đưa năm mươi người con xuống biển. Vậy nên ý tưởng làm linh vật rồng bên cạnh dòng sông, như thể rồng bay lên từ nước, cũng là một chủ ý của những người đầu tư.

Vườn Triều Long về đêm lung linh ánh sáng

Từ một phía vườn có lối bậc cấp dẫn xuống mặt nước và một chiếc cầu lửng dẫn ra mé sông. Đứng ở đây, nhìn sang bên kia sông thấy một cánh đồng lúa trải rộng bát ngát màu xanh yên ả. Một không gian đầy hồn Việt được tái hiện ngay chính nơi khu vườn này. Những dụng cụ nhà nông ngày trước như chiếc bàn đạp tuốt lúa đã vắng bóng ba chục năm nay bỗng xuất hiện. Trong các căn nhà tre, những vật dụng xưa như tivi đen trắng, đèn dầu măng-song... gợi nhiều ký ức.

Chiếc cầu tre dẫn từ Vườn Triều Long ra mé sông Vĩnh Phước

Khách du xuân được trải nghiệm cùng các nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống trong tỉnh như nón lá Bố Liêu, đan lát Lan Đình, quạt giấy Phương Ngạn, bánh ướt Phương Lang… Bên cạnh đó là các gian hàng đặc sản miền núi Quảng Trị, các sản phẩm OCOP. Về đêm, trong ánh sáng lung linh của khu vườn, có ban nhạc guitar mộc để mọi người cùng ca hát đầu xuân.

Vườn Triều Long có nhiều góc trang trí và trang phục sẵn sàng để khách chụp ảnh "sống ảo": chiếc đòn gánh, áo bà ba, nón lá, đống rơm, và tất nhiên không thể thiếu là chú linh vật rồng năm mới. Thêm một điều thú vị nữa, dưới bệ rồng có bố trí hệ thống phun khói tạo mây mờ và từ miệng rồng có phun tia lửa.

Tạo dựng không gian thân thuộc của làng quê truyền thống, chủ đầu tư hy vọng mọi người đến với Vườn Triều Long, nhất là những người xa xứ trở, về cảm nhận được sâu hơn giá trị Tết Việt trên quê hương Quảng Trị.

• Nội dung: TRÚC AN
Hình Ảnh: TRÚC AN - VĂN LỰC
Thiết kế: NGUYÊN QUÝ

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

21 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground