Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện Thầu Chín trên xứ chùa vàng

Hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có 30 năm xa Tổ quốc (1911 - 1941), anh Nguyễn đến nhiều nước Á, Âu, Mỹ, Phi. Trong dằng dặc bôn ba ấy, khoảng 16 tháng (đầu tháng 7/1928 đến tháng 11/1929) anh Nguyễn hoạt động trên đất Thái Lan.

Có lẽ nên bắt đầu từ chuyện từ ngày 12/4/1928 tại Berlin (Đức), anh Nguyễn viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản trình bày cảnh ngộ: “… Đã 1 năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương. Nhưng cho tới nay tôi chưa nhận được chỉ thị của các đồng chí, cả câu trả lời của đồng chí Đôriô… Hiện nay, tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi (tôi chờ chỉ thị đã 4 tháng)… Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác… bao giờ thì tôi có thể lên đường”. Ngày 25/4/1928, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản quyết định để anh Nguyễn trở về phương Đông. Ngày ấy vùng Đông Bắc Thái Lan có từ 2 vạn đến 2,5 vạn Việt kiều cư trú, hầu hết quê Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị - Thiên. Bà con Việt kiều sống xa quê luôn rộng lòng giúp đỡ những người Việt cùng cảnh ngộ, trong suy nghĩ của bà con, anh Nguyễn nằm trong số người ấy.

Dưới những tên gọi khác nhau, anh Nguyễn thoắt ẩn thoắt hiện giữa “rừng” mật thám Pháp như phim thần thoại, bà con Việt kiều rỉ tai nhau “Thầu Chín có phép tàng hình”. Anh Nguyễn mưu trí và luôn cảnh giác, song vẫn không giữ được bí mật tuyệt đối, nhiều lần để thoát hiểm anh phải lánh vào chùa, phải cắt tóc làm sư với pháp danh Hạnh Đa. Thời gian trên đất khách, Thầu Chín thổi vào phong trào Việt kiều yêu nước, thổi vào đời sống tinh thần của bà con Việt kiều và người Thái bản địa một luồng sinh khí mới, một môi trường xã hội thấm đẫm đạo lý tình người. Sau ngày Thầu Chín bí mật rời nơi này, bà con Việt kiều chứng kiến liên quân cảnh sát Anh - Xiêm đến từng nhà truy vấn khám xét, bấy giờ bà con mới biết ông già Chín - sư Hạnh Đa là Nguyễn Ái Quốc - lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

Tháng 10/1989 Ngoại thương tỉnh Nghệ Tĩnh cử tôi sang gặp bộ phận nghiệp vụ của Công ty xuất nhập khẩu Savannakhet (Lào) bàn về trao đổi hàng hóa hai chiều. Xong việc công, từ Savannakhet tôi nhờ anh doanh nhân Việt kiều giúp làm giấy tờ “một công dân Lào mang tên Bu Thong (tiếng Lào nghĩa là “vàng”) sang tỉnh Mukdahan, Thái Lan chữa bệnh câm điếc”.

Giấy thông hành cấp cho tác giả “Bu Thong” sang Thái - Ảnh tư liệu

Giấy thông hành cấp cho tác giả “Bu Thong” sang Thái - Ảnh tư liệu

Đã hơn 60 năm kể từ khi anh Nguyễn đến Thái Lan, lần đầu tôi mới có mặt trên xứ chùa vàng, càng buồn hơn vì ngày ấy hai nước Việt - Thái chưa nối lại quan hệ bang giao, Chính phủ Thái vẫn chủ trương con em Việt kiều chỉ được học hết cấp 1 rồi dừng, Việt kiều trú ở tỉnh này muốn sang thăm người thân ở tỉnh khác đều phải trình báo, phải cầm được giấy thông hành mới hợp pháp. Nhắc lại chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” đã qua cốt để hiểu hơn cảnh ngộ “cá chậu chim lồng” của Nguyễn Ái Quốc.

Tại Mukdahan tôi được anh Manva người Thái, lấy vợ người Việt gốc Nghệ, (Manva là phóng viên của một tờ báo lớn tại Bangkok, thường trú vùng Đông Bắc Thái, gia đình vợ con nhà cửa của anh ở Mukdahan), suốt một tuần nhiệt tình lái ô tô riêng đưa tôi đến thăm những ngôi làng từng in dấu chân Thầu Chín.

Thoát cảnh “cá chậu” bên trời Tây, anh Nguyễn sang đất Thái “chốn chim lồng” để được về gần dải đất hình chữ S, gần với 25 triệu đồng bào nước Việt đang rên xiết dưới ách cai trị hà khắc của thực dân Pháp và tay sai Nam triều.

Với tấm hộ chiếu một Hoa kiều mang tên Nguyễn Lai, đầu tháng 6/1928 anh Nguyễn rời nước Đức, qua Thuỵ Sĩ, sang Italia, khởi đầu hành trình về đất Thái. Khoảng đầu tháng 7 anh đến hải cảng Khoong Tơi tại Bangkok.

Những ngày ở Bangkok anh ở trong các chùa Hội Khánh (tiếng Thái là Mongkhol Sunrankhol), chùa ông Năm (Somsanam Boriharn), chùa Sư Ba (Lacumkho), chùa Từ Tế (Wat Lokanuckor, địa phận xã Rachavong, huyện Xẳm Phănthavông, nay là phố Rachavong, Bangkok), sau đó anh xuất hiện ở Bản Đông, huyện Phìchịt, tỉnh Phítxanulốc.

Ngày ấy Bản Đông có chừng hai chục gia đình Việt kiều, từ năm 1926 các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hội hợp tác, Hội Việt kiều thân ái đã cắm rễ trên bản này. Trong buổi họp mặt đầu tiên với kiều bào Bản Đông, anh Nguyễn tự giới thiệu là Thọ, biệt hiệu Nam Sơn. Những ngày sau anh đi chân đất đến thăm các gia đình Việt kiều, xắn tay làm mọi việc như dân bản, hỏi han tìm hiểu công việc làm ăn. Hòa mình với mọi người, tối đến anh tổ chức nói chuyện tình hình thế giới, tình hình trong nước, thỉnh thoảng đọc báo và giải thích cặn kẽ để mọi người hiểu.

Giữa tháng 7/1928, anh rời Bản Đông đi Uđon Thani. Để đảm bảo bí mật, anh cùng tốp người đi bộ 15 ngày xuyên rừng, anh đeo bên hông con dao, ống bương đựng thức ăn mặn, gánh đôi thùng đựng áo quần, gạo, muối, tài liệu và đồ dùng cần thiết như mọi người, những ngày đầu hai bàn chân phồng rộp anh vẫn theo kịp mọi người.

Khoảng đầu tháng 8/1928, tốp người cùng anh Nguyễn đến bản Noong Bùa là nơi đông Việt kiều nhất của tỉnh Uđon Thani, tại đây anh lấy tên Chín, bà con gọi “Thầu Chín” (ông già Chín). Trong cuộc họp đầu tiên tại Uđon Thani, Thầu Chín báo cáo trước Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về tình hình và triển vọng của cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh đến phẩm chất người cách mạng là rèn luyện ý chí, chịu đựng vượt lên mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đấu tranh, tích cực tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Thầu Chín đào giếng, cuốc đất làm vườn như mọi dân bản. Thầu Chín sống kham khổ, nhiều bữa cơm chỉ rau sam hoặc rau lang luộc chấm muối, biết anh hay hút thuốc lá, bà con đi chợ chủ động mua vài bao mang đến biếu thầy.

Trước khi anh Nguyễn xuất hiện ở Thái Lan, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chỉ thu hút những thanh niên ở bên Việt sang, anh Nguyễn chủ trương từ nay về sau mở rộng tổ chức thu hút quần chúng, củng cố cơ sở, chủ trương kết nạp vào Hội những Việt kiều hăng hái tham gia cách mạng. Buổi tối Thầu Chín tổ chức nói chuyện, từ chuyện làm ăn dẫn dắt đến chuyện chính trị, chuyện của Thầu Chín hấp dẫn thiết thực cuốn hút bà con Việt kiều và người Thái bản địa. Với dân bản địa, Thầu Chín chủ trương Thái - Việt đoàn kết tối lửa tắt đèn có nhau, từ đó người Thái thiện cảm hơn với Việt kiều và với cách mạng Việt Nam.

Thầu Chín mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho bà con Việt kiều, khuyên bà con “nhập gia tùy tục” nên học chữ Thái Lan, tiếng Thái Lan để mở rộng khả năng giao lưu hòa nhập, tôn trọng phong tục tập quán của cư dân bản địa. Thầu Chín yêu cầu các cán bộ phụ trách Việt kiều cố gắng tạo khả năng hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp. Thời gian ở Uđon, Thầu Chín thoảng đến Noọngkhai đối diện với Viêng Chăn (Lào), tại đây một số chiến sỹ cách mạng Việt Nam hoạt động bí mật ở Lào vượt sông sang báo cáo để Thầu Chín nắm tình hình trong nước.

Khoảng đầu năm 1929 Thầu Chín đến Sacon nơi đông Việt kiều hơn ở Uđon Thani và các tổ chức cách mạng sớm được thành lập. Anh Nguyễn bắt tay vào việc củng cố các cơ sở đã có, đồng thời xây dựng cơ sở mới. Hằng ngày anh Nguyễn dịch sách, tổ chức huấn luyện cho cán bộ và thanh niên phương pháp vận động quần chúng, nắm bắt tình hình trong nước, tình hình thế giới, anh còn tranh thủ cùng một số cán bộ đi buôn gây quỹ cho tổ chức.

Một số Việt kiều ở Sacon theo đạo Phật, một số theo đạo Thiên Chúa, một số thờ Đức Thánh Trần. Để giáo dục lòng yêu nước cho cộng đồng Việt kiều, anh Nguyễn viết bài ca Trần Hưng Đạo theo thể song thất lục bát, bài ca có đoạn:

Diên Hồng thề trước thánh minh

Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành

Nếu ai muốn đến giành đất Việt

Đưa dân ta ra giết sạch trơn

Một người dân Việt đương còn

Thì non sông Việt vẫn non sông nhà.

Anh viết mấy vở kịch ngắn về đề tài lịch sử và bày cho bà con diễn, đôi khi tác giả cũng tham gia sắm vai. Tháng 6/1929, nhân kỷ niệm 5 năm Phạm Hồng Thái hy sinh (19/6/1924), anh Nguyễn viết vở kịch về Hoàng Hoa Thám để bà con diễn. Giúp Việt kiều ở Sacon gỡ bỏ hủ tục chữa bệnh bằng cúng bái, anh Nguyễn vận động bà con góp quỹ lập tủ thuốc công cộng, cử người mời thầy thuốc đến khám chữa bệnh.

Cuối tháng 7/1929, anh Nguyễn rời Sacon đến tỉnh Nakhon Phanom bờ nam sông Mekong, cách Bangkok hơn 700 cây số đường bộ. Thời gian ở Nakhon Phanom anh đến các huyện Thà U Then, huyện Thạt Phanom. Bản Nachok (bản Mạy) là nơi anh Nguyễn dừng chân lâu nhất, được anh trực tiếp xây dựng bản Mạy trở thành một trong những địa điểm quan trọng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Biết chưa thể đặt chân về đất Việt, anh Nguyễn đem giống dừa quý về trồng trên đất bản Mạy để bà con Việt kiều chăm nom lưu giữ nhân giống dừa quý.

Tháng 10/1929, anh Nguyễn rời Nakhon Phanom đến huyện Amnạt Charơn (còn có tên gọi là huyện Bùng) tỉnh Ubon Ratchathani (từ 1993 huyện Amnạt Charơn thành tỉnh Amnạt Charơn). Rời Amnạt Charơn anh Nguyễn đến bản Thà (cùng tỉnh Ubon Ratchathani) - cách Thủ đô Bangkok 575 km đường tàu hỏa. Thời gian sau anđến huyện Mukdahan tỉnh Nakhon Phanom (từ 1982 huyện Mukdahan thành tỉnh Mukdahan). Tỉnh Noọng Khai là địa điểm cuối cùng anh Nguyễn xuất hiện trên đất Thái - đối diện Viêng Chăn, Lào bên kia sông Mekong.

Tại Noọng Khai anh Nguyễn tá túc trong chùa Xỉ Xum Xưn để các đồng chí Cách mạng Việt Nam hoạt động tại Viêng Chăn sang gặp lãnh tụ của mình, tại đây các đồng chí báo anh Nguyễn biết, Tòa án Vinh (Nghệ An) ngày 10/10/1929 xử vắng mặt khép Nguyễn Ái Quốc tội tử hình. Tháng 11/1929, anh Nguyễn bí mật rời đất Thái đến Trung Quốc chuẩn bị sự kiện: Ngày 3/2/1930 tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng.

Sáng 15/11/1989 trên đất Thái, tại một quầy giải khát trước cổng chợ thị xã Mukdahan, tôi gặp ông Mai Văn Dong (1921 - 1996) quê xã Cảnh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, trú Thành phố Vinh, Nghệ An, ông sang lại xứ chùa vàng tìm và gặp lại mẹ cùng hai cô em gái sau 29 năm hồi hương, ông bộc bạch chuyện xưa:

Bé Dong 3 tuổi đã ngồi trong quang gánh để bố mẹ thay nhau gánh sang Lào rồi sang Thái, lên 7 tuổi bé Dong là một trong những con em Việt kiều đầu tiên của bản Noóng Ổn được thầy Thầu Chín dạy chữ quốc ngữ. Tuổi thanh niên anh Dong tham gia phong trào Việt kiều yêu nước tại Đông Bắc Thái Lan. Năm 1960 ông cùng vợ và 4 đứa con hồi hương, trước khi xuống chuyến tàu đầu tiên về cảng Hải Phòng, ông được tổ chức Việt kiều tại Thái giao cất giữ bảo quản món quà quý của bà con Việt kiều mua tặng thầy Thầu Chín - sư Hạnh Đa - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông nhớ như in, vào lúc 9 giờ ngày 10/1/1960 chuyến tàu đầu tiên đưa 922 kiều bào, trong đó có gia đình ông cập cảng Hải Phòng, mở đầu cuộc đón 5 vạn Việt kiều từ Thái Lan theo Bác Hồ trở về miền Bắc. Sáng ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng khoảng 4 vạn người dân thành phố Hải Phòng ra đón chuyến tàu đầu tiên. Sau đó Ban Việt kiều Trung ương bố trí cho các gia đình nghỉ lại Thủ đô một tuần, đưa bà con tham quan các di tích danh thắng ở Thủ đô. Ngay khi về tới Hà Nội, ông Dong giao chiếc radio màu ngà voi cho vị đại diện Ban Việt kiều Trung ương để chuyển tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Dong tiếp tục chuỗi ký ức xa xăm: Thầy Thầu Chín đến bản Noóng Ổn hôm trước, hôm sau thầy vận động bà con Việt kiều dựng trường mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho con em. Lớp học do thầy lập và trực tiếp dạy tại bản có chừng ba chục trò tuổi xôi đỗ từ 7 đến 13. Thứ năm hằng tuần, thầy trò nghỉ học quốc ngữ để chăm sóc vườn cây ăn quả quanh trường. Từ khi vườn chuối của trường cho quả, từ mờ sớm bà con trong bản đã gặp thầy đến lớp, thầy ra vườn hái chuối hoặc ổi, bày lên chiếc bàn kê sát lối ra vào. Mấy phút sau trò đầu tiên vào lớp được thầy cho phép nhận quả chuối hoặc quả ổi đầu tiên, cứ vậy tuần tự cho đến lúc tất cả trò vào lớp thì số chuối hoặc số ổi trên bàn không còn quả nào. Có hôm chừa lại vài quả, bữa ấy thầy biết vài trò nghỉ học không lý do. Cách điểm danh bằng chuối hoặc ổi của thầy sớm tạo cho trò ý thức tự giác, chỉ lấy phần của mình không tham phần của bạn. Tan học cả lớp theo thầy ra vườn hái quả mang đến nhà thăm bạn, mới biết trò bị ốm và người nhà chưa kịp báo xin nghỉ.

Vườn quả ngắn ngày của thầy trò cuốn hút bà con Việt kiều và cả người Thái bản địa, họ đến gặp thầy hỏi kỹ thuật ươm trồng. Thay vì đến từng nhà để cầm tay chỉ việc, thầy mời bà con sáng thứ năm tập trung tại vườn trường, đích thân thầy cùng trò cầm cuốc xẻng làm mẫu, từ đó bà con Việt kiều và dân bản địa chủ động cải tạo vườn tạp nhà mình thành vườn chuối, ổi, đu đủ… tươi tốt sum suê.

Từ ngày đó, Thầu Chín đã gắn học với hành, lứa trò trên dưới 10 tuổi đã “chín bói”, biết chăm sóc vườn cây của trường. Con trai biết trát vách, lợp mái, dựng lán; con gái chẻ lạt, đánh tranh, đan phên thưng lớp. Mấy chục năm sau, ông Dong mới biết thầy Thầu Chín ngày đó mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho con em Việt kiều là một công đôi việc, vừa tạo vỏ bọc che mắt mật thám Pháp và cảnh sát Anh (đô hộ nước Thái Lan), vừa gây dựng đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. 17 năm sau nước Việt giành độc lập, chương trình giáo dục 3 cấp phổ thông do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, không phải ngẫu nhiên vẫn dành thứ năm hàng tuần để thầy và trò thực hành môn lao động sản xuất thuộc chương trình chính khóa.

Một chiều cuối thu, Thầu Chín bí mật rời xứ chùa vàng, bà con Việt kiều ngẩn ngơ hỏi nhau không biết thầy đi đâu. Hàng trăm phật tử người Việt và người Thái tại những nơi thầy Thầu Chín từng đến, ngày đêm tụng kinh niệm Phật cầu cho người gieo chữ trồng cây trên đất này trở lại để bà con làm lễ tạ ơn. Ngôi trường thầy Thầu Chín dựng tại bản Noóng Ổn năm 1928 được bà con trân trọng gìn giữ, phát huy, sau 1945 bà con đặt tên Trường tiểu học Nguyễn Ái Quốc, đây là ngôi trường đầu tiên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc.

Trong khi các phật tử ngày đêm tụng kinh niệm Phật cầu cho thầy Thầu Chín thì tại ngôi chùa thuộc huyện Mukdahan, tỉnh Nakhon Phanom (năm 1982 huyện Mukdahan thành tỉnh Mukdahan), cách bản Mạy hơn 100 km, một chiều vị sư trụ trì chùa đang tụng kinh bỗng nghe tiếng người từ phía sau:

- Nam mô A di đà Phật! Con là người Việt yêu nước sang đây lánh nạn, hiện đang bị cảnh sát Xiêm và cảnh sát Anh truy đuổi, vào nương nhờ nhà chùa xin cứu độ.

Sư trụ trì ngoảnh lại, người đàn ông trạc tuổi 40 cung kính đứng chắp tay liên hoa thủ. Nhà sư lặng nhìn rồi dắt khách lạ vào hậu cung, lát sau sư quay ra niệm Phật như không có chuyện gì.

Chừng nửa giờ sau một tốp liên quân cảnh sát Xiêm - Anh kéo vào:

- Chúng tôi tìm một người trốn trong chùa?

Sư trụ trì thủng thẳng:

- Chốn thiền môn ban ngày chỉ có Phật, ban đêm có sư trụ trì và mấy tiểu trông coi, thiền môn không có chỗ cho cái xấu, cái ác, mời các ông đi tìm chỗ khác.

Mười mấy cảnh sát chắp tay bái chào xin lỗi nhà sư rồi vội quay ra. Đêm ấy sư trụ trì mang đồ ăn nước uống vào hậu cung cho khách và nói:

- Nhà chùa giúp anh qua đêm nay. Sớm mai trước khi mặt trời mọc anh phải rời khỏi đây, anh muốn đi đâu tôi sẽ đưa anh tới đó.

Mờ sáng hôm sau, hai người trong màu áo cà sa lặng lẽ rời chùa, trực chỉ núi Phú Thợp - cách ngôi chùa khoảng 55 cây số đi bộ. Dọc đường hai sư gặp mấy tốp cảnh sát Xiêm - Anh đang truy lùng “một người mang tên Thầu Chín chính là Nguyễn Ái Quốc”. Nhưng khi thấy hai nhà sư mang nải khất thực, các tốp cảnh sát đều nép bên đường chắp tay bái lạy rất cung kính. Khuya ấy, tại điểm hẹn quanh khu vực núi Phú Thợp, các ông Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu đón đưa “sư” Hạnh Đa đi đâu không ai rõ.

Sư Hạnh Đa (Pháp danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) - Ảnh tư liệu.

Sư Hạnh Đa (Pháp danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) - Ảnh tư liệu.

Như đã nói, đến Bangkok anh Nguyễn chọn chùa Từ Tế làm một trong những nơi dừng chân, bởi anh biết sư trụ trì chùa là người Việt, bà con Việt kiều gọi là sư Ba, pháp danh Bình Lương. 60 năm sau tôi hỏi hai cụ Việt kiều 70, 80 thâm niên sống ở xứ chùa vàng, hai cụ biết sư Ba với pháp danh Bình Lương, song cả hai chẳng biết cuộc đời - sự nghiệp của nhà tu hành yêu nước nổi tiếng lịch sử Phật giáo Việt Nam và lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Hòa thượng Bình Lương thế danh là Phạm Ngọc Đạt, người thôn An Nghĩa, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, viên tịch ngày 20/4/1966. Thân phụ là cụ Phạm Dục, thân mẫu là cụ Đào Thị Thậm, vợ chồng cụ Dục sinh hạ ba người con trai là Phạm Quán, Phạm Đảng, Phạm Ngọc Đạt. Cha và hai anh là chiến binh của khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Lên 2 tuổi, bé Đạt mồ côi mẹ, thời gian sau cụ Phạm Dục tục huyền, chặng ấu thơ của bé Đạt bầm dập trong cảnh mẹ ghẻ con chồng, đến bữa ăn nào bé Đạt cũng nước mắt chan cơm. Lần ấy Đạt gồng mình cũng không đứng vững với trận đòn vô cảm và chuỗi ngày bị mẹ ghẻ bỏ đói, cậu bỏ nhà lên đại ngàn Vũ Quang - căn cứ của khởi nghĩa Phan Đình Phùng tìm cha và anh. Tại đây Phạm Ngọc Đạt tham gia làm giao liên cho nghĩa quân. Chủ tướng Phan Đình Phùng và hai anh hi sinh, năm 1896 cuộc khởi nghĩa Vũ Quang thất bại. Nhằm thoát khỏi cuộc tắm máu của liên quân Pháp - Nam triều, Phạm Ngọc Đạt cùng một số nghĩa binh rút vào đại ngàn giáp với nước Triệu Voi.

Ba thập niên đầu thế kỷ 20, không chịu nổi sự hà khắc của chế độ thực dân phong kiến trút xuống Trung kỳ, đêm đêm từ miệt rừng Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị, từng dòng ng­ười đói rách dắt nhau vượt sang phía tây dãy Trường Sơn. Họ bỏ quê ra đi mà không xác định được nơi đến, không biết sống chết ra sao, không hy vọng ngày về, Phạm Ngọc Đạt cùng tốp tàn binh do cụ Hồ Thiện dẫn đầu, trà trộn vào đám đông người Việt ấy sang Lào rồi sang Thái Lan. Tại Thái Lan, Phạm Ngọc Đạt quy y chùa Khánh Thọ do Hòa thượng Hạnh Nhơn trụ trì, được Hòa thượng ban pháp danh Thượng Trương Thiệt Hạ Bình, tên chữ là Bình Lương. Tại chùa Khánh Thọ, sư Bình Lương tiếp tục hoạt động trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, liên hệ phong trào “trại Cày” của Đặng Thúc Hứa. Sau khi các phong trào này thất bại, năm 1926 sư Bình Lương liên lạc được với Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc (đang hoạt động ở nước ngoài) lãnh đạo.

Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội gợi ý sư Bình Lương dựng một ngôi chùa theo kiến trúc Việt Nam để bà con Việt kiều nhìn chùa là nhớ về Tổ quốc. Lúc đầu sư Bình Lương vận động Việt kiều quyên góp được ít tiền đủ làm ngôi chùa nhỏ bằng gỗ với bờ rào bao khuôn viên chùa. Thời gian sau đô thị Bangkok phát triển, đất đai khan hiếm, sư Bình Lương lấy ngắn nuôi dài chia mặt bằng khuôn viên chùa thành từng lô nhỏ cho người Hoa thuê xây quầy ốt buôn bán. Nhiều con nợ đến hạn không đủ tiền trả thuê mặt bằng đành phải gán quầy ốt cho nhà chùa, những quầy ốt này sư Bình Lương tiếp tục cho người khác thuê. Từ nguồn thu bất động sản này sư Bình Lương tái dựng chùa Từ Tế khang trang.

Hoà thượng Bình Lương - thế danh Phạm Ngọc Đạt (Ảnh tư liệu)

Hoà thượng Bình Lương - thế danh Phạm Ngọc Đạt (Ảnh tư liệu)

Tháng 7/1928, anh Nguyễn đặt chân đến Bangkok liền vào chùa Từ Tế do sư Bình Lương trụ trì. Tại chùa Từ Tế, các hội viên Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Phichit được gặp lại lãnh tụ của mình. Nhằm tập hợp đông đảo người Việt yêu nước sống ở ngoài lãnh thổ, Nguyễn Ái Quốc phân công sư Bình Lương tập hợp các tổ chức Việt kiều riêng lẻ kết thành một tổ chức mang tên Việt kiều yêu nước. Được sư Bình Lương đỡ đầu, tổ chức Việt kiều yêu nước tại Thái Lan ra tờ báo Thân Ái. Rời chùa Từ Tế, Thầu Chín cùng các hội viên cốt cán của Hội Thanh niên Cách mạng vượt trên 700 cây số đường đất về tới “căn cứ” Phichit, sau đó xuất hiện tại những bản làng có đông Việt kiều sinh sống. Chùa Từ Tế trở thành nơi bí mật nuôi dưỡng, che chở cho các cán bộ cách mạng Việt Nam thời trứng nước gồm Thầu Chín, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Hoàng Văn Hoan…

Sau năm 1945, sư Bình Lương tiếp tục vận động bà con Việt kiều quyên góp tiền vàng gửi về nước ủng hộ cuộc trường kỳ kháng Pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Việc làm vì đạo pháp gắn với dân tộc của sư Bình Lương được đông đảo Phật tử người Việt và người Thái Lan ủng hộ nhiệt thành. Đóng góp lớn của nhà tu hành người Việt với Phật pháp tại xứ chùa vàng, được vua Thái Lan đời thứ 7 và thứ 9 phong sắc vào các năm 1937, 1948.

Năm 1989, những Việt kiều cao niên tại Mukdahan vẫn chưa biết thầy Thầu Chín từng lấy giống dừa quý từ đâu mang về trồng tại bản Mạy, họ chỉ biết sau ngày thầy rời đất Thái Lan, Việt kiều bản Mạy cắt cử nhau chăm sóc bảo quản giống dừa quý phát triển rất tốt.

Mãi khi có mặt tại xứ chùa vàng tôi mới được nghe bà con Việt kiều kể: Cuối kháng chiến chống Pháp, Việt kiều tỉnh Nakhonphonom cử một đoàn đi bộ về thăm quê Nghệ An, đoàn mang theo cặp dừa giống nhân từ cây dừa của Thầu Chín trồng tại bản Mạy làm quà tặng chính quyền nhân dân tỉnh Nghệ An. Bữa đó chị doanh nhân Việt kiều ngoài 40 tuổi hỏi tôi:

- Ở bên Việt cậu có biết cặp dừa giống được đoàn người trong đó có bố chị, mang về làm quà, trồng trên đất Nghệ, hiện phát triển ra sao?

Lần đầu sang Thái lại được nghe chuyện diễn ra từ hồi mình chưa có mặt trên đời, điều chị Việt kiều hỏi khiến tôi bối rối và tự thấy có lỗi, tôi hứa với chị sau khi trở về đất Việt gắng tìm và sớm báo kết quả để chị vui.

Trở về Nghệ tôi đáy bể mò kim, khi hy vọng đang cạn dần thì tháng 9/2004 (tức 15 năm sau trót hứa với chị Việt kiều), tôi đến Kim Liên để tìm hiểu viết bài về đời sống của cán bộ, nhân viên Khu di tích. Gần trưa tôi vào phòng làm việc của anh Võ Hồng Thao - Chủ tịch Công đoàn. Thật bất ngờ, anh Võ Hồng Thao mang ra “khoe” 3 tấm ảnh chụp 3 cây dừa, trong đó hai cây của thầy Thầu Chín trồng tại bản Mạy, được bà con Việt kiều gốc Nghệ năm 1953 mang về tặng quê hương, hiện đang tươi tốt trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Phượng, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, cây dừa thứ ba do ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mang từ bản Mạy về trồng tại Khu di tích Kim Liên năm 1998.

Trao mảnh giấy ghi địa chỉ ông Nguyễn Văn Phượng, khối 17, phường Hưng Bình, Thành phố Vinh, anh Võ Hồng Thao giục tôi:

- Nhà báo nhanh chân tìm gặp kẻo ông Phượng mang hết chuyện sang bên kia thì uổng lắm!

Ông Phượng sinh năm 1927, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại quê xã Thanh Tiên, năm 1946 thoát ly, làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An tới khi nghỉ hưu, ông Phượng kể:

Năm 1953, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Sỹ Quế. Sau khi tiếp một đoàn khách, trở về cơ quan ông Quế mang theo chiếc bị cói đựng một quả dừa giống đã nhú hai mầm. Ông Quế bảo tôi đưa quả dừa quý này về trồng bên đất Thanh Chương, ông Quế không nói xuất xứ nên tôi chỉ biết là giống dừa quý. Tôi đi bộ mang quả dừa về nhà và lẳng lặng ra vườn tìm một chỗ gần ruộng nước giâm xuống không cho ai biết, hôm sau tôi lặng lẽ ra đi. Mấy tháng sau người nhà báo tin dừa mọc lên hai cây rất đẹp.

Cuối năm 1967 (tức sau 14 năm kể từ khi hai cây dừa bén rễ trên đất Nghệ), tỉnh quê Bác bị tàu bay Mỹ ném bom ác liệt, nhà ông Quế Chủ tịch tỉnh ở xã Hưng Dũng phải lên sơ tán tại nhà ông Phượng, bữa đó ông Quế hỏi:

- Quả dừa tôi giao chú trồng thế nào rồi?

- Thưa anh, mọc lên hai cây rất đẹp!

Tôi dẫn ông Quế ra thăm hai cây dừa, bấy giờ ông Quế mới kể: Đó là giống dừa quý của Bác trồng tại bản Mạy Thái Lan. Năm 1953 bà con Việt kiều quê gốc Hưng Nguyên và Thanh Chương nhân giống dừa, rồi cử một đoàn đi bộ mang về cố hương, bà con bảo từ Thái Lan về không có quà gì quý bằng nhân giống dừa của Bác về trồng trên đất Nghệ. Chú nói với người nhà gắng chăm nom hai cây dừa cực quý này!

Tôi ghi lời ông Quế vào sổ tay, vì phải phòng xa tôi vẫn chưa nói chuyện này kể cả với vợ con. Rất may hai cây dừa phát triển tốt. Thời gian sau vườn nhà tôi có thêm mấy cây dừa mang từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghi Lộc, Diễn Châu, riêng hai cây dừa của Bác cho nhiều quả và nước rất ngọt. 

* * *

Tiếp tục chuyện về sư Bình Lương. Sau gần 60 năm xa Tổ quốc, tháng 3/1964 sư Bình Lương bị bệnh nặng, muốn về thăm quê hương miền Bắc, thăm gia đình và gặp lại bạn bè. Có sự thỏa thuận của Hội hồng thập tự Thái Lan, Chính phủ ta tổ chức chuyến bay đặc biệt, cử hai bác sỹ Bệnh viện Việt Xô sang đón sư Bình Lương, từ Bangkok bay qua Viêng Chăn về Hà Nội dưỡng bệnh.

Trong thời gian hòa thượng Bình Lương dưỡng bệnh tại Bệnh viện Việt Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần vào bệnh viện thăm hòa thượng. Ngày 20/4/1966 hòa thượng Bình Lương viên tịch tại Bệnh viện Việt - Xô. Sáng 20/4, các hòa thượng: Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo miền Bắc; Thích Thái Hòa, Hội trưởng Hội Phật giáo Hà Nội; Trần Văn Dung; Đuốc Tuệ; các vị đại diện Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đến Bệnh viện Việt - Xô làm lễ nhận và đưa di hài hòa thượng Bình Lương về Chùa Quán Sứ.

Đêm 20/4 tại Chùa Quán Sứ, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt vẫn rất đông các vị hòa thượng, các vị sư, tăng ni, tín đồ làm lễ khâm liệm, nhập quan; các nhà sư thay nhau cầu kinh suốt đêm. Sáng 21/4 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa lớn, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp đến dâng hương tưởng niệm, đặt trước quan tài hòa thượng. Vòng hoa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thêu dòng chữ trên băng sa tanh: “Kính viếng hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước. Đồng chí Hồ Chí Minh”.

“Cái quan luận định” (đậy nắp quan tài mới biết người nằm bên trong là thế nào). Với hai chữ “đồng chí” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thêu trên vòng hoa tang kính viếng hòa thượng Bình Lương, điều đó đã nói lên tất cả cuộc đời - sự nghiệp - quan hệ đặc biệt giữa sư Bình Lương với “sư” Hạnh Đa.

 

GIAO HƯỞNG

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground