Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cỏ lau Thành Cổ

Tôi lại về đây với cỏ lau Thành Cổ. Tôi lại về đây với tuổi thơ vào buổi sập tối của cuộc đời. Tôi không ngẩng đầu để khỏi nhìn thấy cách chừng trăm mét Đài Tưởng niệm thiêng liêng các chiến sĩ hy sinh tại Thành Cổ, mà tôi vừa cố nén xúc động leo lên dâng nén hương. Anh bạn trẻ cùng đi dường như thấy mặt tôi hơi biến sắc, tiến lên đi sát bên cạnh, trong khi tôi lại cảm thấy mình khỏe mạnh tỉnh táo hơn bất cứ lúc nào trước vong linh những người con khắp mọi miền Tổ quốc đã cùng đến đây bảo vệ Thành Cổ và lần lượt ngã xuống vì Thành Cổ, vì quê hương đất nước tôi. Đất trời đã vào thu, cữ này ngoài Bắc không nắng hanh vàng thì heo may nhung nhớ song quê tôi vào mùa mưa lụt, cỏ lau dù trắng xóa bông mềm rạp mình theo gió lượn trong khi lá cỏ vẫn mượt mà, đẹp hơn cả màu “Cỏ non xanh tận chân trời” hay “Yên thảo như bích ty/ Tần tang đê lục chi”… trong thơ xưa. Màu xanh lá cỏ từa tựa màu tấm áo ngẫu nhiên tôi mặc sáng nay, và những bông lau trắng kia đâu mấy khác bơ thờ tóc tôi bạc trong gió chiều nay.

Tại Thành Cổ này, lên sáu tuổi, tức cách đây ngót nghét tám mươi năm, tôi đã cùng bạn bè cùng lứa kéo tới bãi cỏ, chẳng rõ có đúng chỗ này hay đâu đây, rón rén bắt bướm không được, đào dế chẳng thấy con nào, thi chạy xem đứa nào nhanh hơn rồi túm áo nhau vật lộn loạn xì ngầu, cỏ xanh mượt mà có dày nát, bông trắng mềm mại có tả tơi, đâu có sá gì đối với lứa tuổi ấy. Tôi không ra đời trong Thành Cổ mà tại làng quê, nhưng được cha tôi cho khai tăng tuổi đưa ra nhà ông anh họ làm giáo học để kịp vào lớp đồng ấu ngôi “trường tỉnh” bên bờ sông Thạch Hãn mang cái tên rắc rối mà cậu bé nhà quê lên sáu không hiểu nổi đã đành, mà ông già tuổi ngoại tám mươi hôm nay cũng chỉ biết mang máng: “Trường kiêm bị Pháp Việt”, complémentaire, kiêm cái gì, bị làm sao?... Vâng, đúng rồi, đúng chỗ này đây bãi cỏ xanh nở hoa lau trắng tám mươi năm trước, bãi cỏ chiều nay tôi vừa rón rén lựa bước đặt chân cho đỡ dẫm lên hoa.

Những đêm tối trằn trọc trên chiếc giường tre rộng mênh mông, tôi đã âu sầu nghĩ đến mẹ cha, các chị gái, chỉ mong sớm được trở về ngôi nhà cũ kỹ trong mảnh vườn cau bên bờ con sông Nhùng nước xanh do bóng tre mà tôi cứ nghĩ sông sâu lắm lắm, để nghe cha tôi thì thầm kể cho nghe chuyện Đức vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn ra Tân Sở, chập tối hôm ấy đã ghé nghỉ lại nhà ta; trong ngôi vườn lính tráng nằm ngồi la liệt mọi bụi chuối gốc cau, trong khi hai thớt tượng buộc tạm gốc cây cổ thụ bên đường thiên lý, nơi gần cái quán của mụ Thập Giụ ngày nay đó, con à. Đức Hàm Nghi đến làng ta trong chiều muộn, phải nghỉ lại, để sáng sớm hôm sau xa giá đi tiếp ra Thành Quảng Trị, cho hoàng thái hậu cùng số lớn cung tần mỹ nữ quay trở lại, để cho Ngài gọn nhẹ rời ngôi nhà lạnh lẽo rêu phong được mọi người trang trọng gọi Hành cung, đi tiếp ra vùng đất đỏ Cam Lộ, Hướng Hóa, rồi vùng núi Quảng Bình. Tại Thành Cổ này (người dân thời ấy giản dị gọi “trong thành”), nơi ngôi nhà đơn sơ của ông anh giáo học, mà hôm nay tôi không sao mường tượng nổi nó nằm vào vị trí nào - chiến tranh tàn nhẫn có để sót lại chút gì đâu ngoài mấy đoạn tường thành lở lói, để cho tôi bấu víu làm mốc định hướng cho cuộc trở về thuở ấu thơ - tôi lớn khôn dần sau năm, sáu năm học tập. Ngôi nhà tuềnh toàng có mấy cây thầu đâu trơ cành vào mùa lạnh trước ngõ, những đêm trăng học bài xong tôi không lên giường ngủ mà len lén nấp sau cây cột, nghe nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cùng anh tôi chỉnh tề trong bộ quần áo may bằng vải quyến trắng có hàng nút thắt cài bên nách phải, chơi đàn nguyệt và nhỏ nhẹ đàm đạo, màu trắng, ánh trăng hòa quyện tiếng tơ đàn liên miên mưa phùn thấm vào tâm hồn thơ ấu của tôi.

Trong khung cảnh thanh vắng bình an ấy, một đêm đông lạnh ngắt, chắc khuya lắm rồi, tôi đang ngủ say chợt bừng tỉnh bởi tiếng hò la rất lạ, rất ồn, rất dữ, náo động cả khu cư dân “trong thành” vào lúc khuya khoắt không một nhà nào có ánh lửa. Tôi lần ra sân định nhòm ngó, coi có chuyện gì thì giật bắn người bởi tiếng quát từ trong bóng tối: “Vô ngủ ngay! Đồ con nít, việc chi đến mi?”. Thì ra cả nhà đều tỉnh giấc, song ngồi yên trong tối lắng theo tiếng hò la vọng lại, ai cũng thức mà cũng làm như mình ngủ say, nhỡ quan trên có hỏi thì khai hoàn toàn không hay biết. Rất nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm sau đó, cả đến khi tôi rời hẳn ngôi trường bên dòng Thạch Hãn, tuyệt nhiên vẫn không một ai giảng giải cho biết tiếng hò la khuya khoắt ấy từ đâu ra. Mãi sau ngày cách mạng thành công, lớn khôn thêm chút ít, tôi mới rõ ấy là tiếng các ông tù chính trị giam trong nhà lao Cửa Hậu phản đối chế độ tù khắc nghiệt của thực dân. Nhiều chính trị phạm ngay hôm sau bị Tây còng tay đẩy vào chiếc xe bịt bùng kín mít, đày lên Lao Bảo mất hút giữa rừng sâu thượng nguồn hay vào Kon Tum, Buôn Ma Thuột, ai đã bị đày vào chốn ấy thì gia đình khỏi tính ngày về.

* * *

Và chiều nay tôi trở về bên cỏ lau Thành Cổ, dĩ nhiên không phải lần đầu kể từ ngày chiến tranh kết thúc, song là chuyến về năm Thìn tuổi mụ, sau đúng bảy con giáp tính từ “năm Thìn bão lụt” tôi chào đời. Đã có biết bao người viết về sự tích Thành Cổ, về những chiến tích có một không hai trong lịch sử, có những tác giả không chuyên viết trong buồn đau cùng cực nghĩ nhớ đồng đội gục ngã bên chân mình, viết nén cơn dày vò thể xác bởi thương tật, ốm đau di họa chiến tranh. Có bao người nước ngoài, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, cựu chiến binh Mỹ nay là tác giả thành danh, có bao du khách đến từ bốn phương trời đã viết, đã vẽ, đã ghi về Thành Cổ. Làm sao tôi có thể viết gì hơn, nghĩ gì khác ngoài việc vụng về lặp lại họ. Tôi trở về với cỏ lau Thành Cổ hôm nay chỉ để dâng nén hương và ngẫm ngợi về chiều tà, về cái chân lý có từ thời thượng cổ nay vẫn vẹn nguyên chân lý: cuộc sống con người ngắn ngủi hay dài lâu, mỏng manh hay dày dặn, đâu phải tính bằng tháng năm.

Tôi vô cùng biết ơn cái trường “kiêm bị” ấy, cho dù thời gian không dài, đã dạy vỡ vạc tiếng Tây cho tôi, giúp tôi dần dà mở rộng cánh cửa sổ nhìn ra thế giới mênh mang sâu thẳm. Chúng tôi biết ơn văn hóa phương Tây. Tuy nhiên cùng với bạn bè cùng lứa, cách mạng đến, thằng Tây trở lại, chúng tôi nhất tề “xếp bút nghiên” lên đường đánh Tây giữ nước.

Tôi lại về đây với Thành Cổ tuổi thơ cùng bãi cỏ lau, cây thầu đâu sắp trụi lá và như có cả tiếng đàn nguyệt đêm trăng. Cuộc sống không ngừng đặt ra nhiều vấn đề đáng nghĩ suy. Có một nhà văn tôi rất kính trọng nay đã quá cố, có lần bàn: Nói tính cách nổi trội của người Việt là yêu nước là chuyện đương nhiên, bởi người ta sinh ra trên đời ai chẳng có một nơi, ai chẳng yêu quê hương bản quán. Tôi nghĩ không giản đơn vậy. Lại có nhà thơ thuộc lớp tuổi sau ông, mà tôi tâm đắc những vần thơ chống Mỹ sâu lắng của anh, có lần băn khoăn: Bảo tinh túy văn hóa Việt Nam là tính chiến đấu và chủ nghĩa anh hùng, nhờ vậy dân tộc ta đánh thắng mấy siêu cường, đã được chưa, bởi chiến tranh nhất thời, hòa bình vạn thuở…?

Yêu nước có ba bảy đường, có người nhầm đường mà cứ ngỡ mình yêu nước. Tính chiến đấu đâu chỉ có cần khi buộc phải cầm súng gươm. Và con đường chúng ta đã qua duy nhất có một.

Tại cái trường “tiểu học kiêm bị” này, người ta đã bắt những đứa trẻ lên mười chúng tôi, sáng sáng xếp hàng ngay ngắn tại sân trường trước khi vào lớp để cùng nhau gào đến cháy họng: “Thưa ngài Thống chế, có chúng con đây! Thưa ngài Thống chế cứu tinh của nước Pháp, có chúng con đây!”. Vị cứu tinh, Le Sauveur de la France với chữ S viết hoa ấy, trẻ con chúng tôi đều biết, có tên là Philippe Pétain. Y đã cứu nước Pháp bằng quỳ gối trước Đức quốc xã, để rồi khi nhân dân Pháp chiến thắng, lãnh gọn cái án tử hình về tội phản quốc. Vị cứu tinh ấy, nhận bàn giao cương vị đứng đầu Chính phủ Pháp tối hôm trước, 16 – 6 - 1940, thì ngay sáng hôm sau, 17 – 6 - 1940, lệnh cho toàn bộ quân đội Pháp hạ vũ khí đầu hàng. Người ta dạy lũ nhóc chúng tôi hàm ơn vị cứu tinh ấy cũng như hàm ơn thực dân “mẫu quốc”, song chỉ dăm năm sau, dù chưa đủ lớn, chưa qua “quân sự mươi bài”, tất cả đều xuống chiến hào bắn trả thằng Tây! Xả thân cứu nước lúc Tổ quốc lâm nguy là tiêu chí đạo đức hàng đầu của bất kỳ ai có lương tri.

Hướng lên tiền nhân, với tất cả tấm lòng thành, chúng ta cần tỉnh táo phân biệt chỗ mạnh điểm yếu của mỗi vị, có vậy mới mong được tiền nhân dạy cho bài học bổ ích. Lịch sử công bằng, thời nào rốt cuộc cũng rạch ròi công tội. Đa dạng là sự kết nối những cái rạch ròi, ngược lại sẽ chỉ có một mớ bùng nhùng, biết dựa vào đâu mà nhận tìm chân lý. Đất nước không gạt loại cống hiến của bất kỳ ai, song không thể không nghiêm khắc với lỗi lầm nghiêm trọng của người ấy. Lịch sử đương đại nước ta có bao chuyện gợi nghĩ suy, mà tôi cố tình kể chuyện bên Tây vì trắng đen đã rõ. Trong Thế chiến thứ nhất, Pétain là một anh hùng đích thực của nước Pháp. Ông đã chỉ huy đánh thắng trận Verdun năm 1917, một trận chiến vô cùng quyết liệt cam go, kết cục dẫn tới thắng lợi cuối cùng của Pháp trước kẻ thù Đức. Nhờ vậy sang năm sau, 1918, trong vinh quang chiến thắng, ông được tôn vinh Thống chế, quân hàm tột đỉnh cuộc đời binh nghiệp bên Tây, và về dân sự mấy năm sau được bầu vào Viện Hàn lâm. Công lao ấy, vinh quang ấy không giúp kẻ phản quốc tránh khỏi cái án tử hình về tội đầu hàng, ôm chân phát xít; nhờ người dân thương hại cái thân già tuổi 90 mà tha cho tội chết, nhưng vẫn đày biệt giam tại một bãi nổi giữa cửa sông. Vinh hàm Viện sĩ, làm sao còn!.

Chiều nay bên cỏ lau Thành Cổ, tôi ngẫm ngợi về một ý tưởng quá bình thường, quá cũ kỹ, quá sáo mòn - nó đã khắc vào con tim bao thế hệ, đời nào cũng được mọi người quý trọng nâng niu, làm sao đòi nó phải mới! Vâng, điều tôi thấm thía chiều nay cả bằng khối óc cùng trái tim là, không có những liệt sĩ cháu con ưu tú làng quê cùng bao đồng đội đến từ bao nơi trong cả nước ngã xuống Thành Cổ, không có bao thế hệ trước họ nếm trải mọi gian lao mở mang, giữ gìn bờ cõi, làm sao còn đó mảnh đất này cho cỏ lau ra hoa, cho cây bàng, cây thầu đâu nảy mầm đỏ lá trụi cành tuần tự theo mùa, cho tôi có chỗ trở về đây. Không có sự hy sinh của các anh, các thế hệ cha ông, các tiền nhân, làm sao ngày nay Việt Nam có thể tự hào trân trọng những mỹ từ đầy ắp vật chất và tinh thần, như phát triển, giao lưu, hội nhập, toàn cầu, tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng, hài hòa tương tác...

Cuộc sống là dòng chảy, là cái chuỗi liên tục kết nối đến vô cùng quá khứ, hiện tại và tương lai, kết nối rành mạch. Còn nhớ năm 2004, Đài phát thanh quốc gia Pháp Radio France cử nữ phóng viên Fabienne Sintes từ mặt trận Irắc sang nước ta viết về Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trao đổi với tôi, chị đặt câu hỏi: “Ông nghĩ sao khi so sánh Điện Biên Phủ 1954 với Sài Gòn 1975?”. Tôi cười: “Người phương Tây các bạn thích so sánh. Chính nhà báo Pháp Bernard Fall, một chứng nhân, đã ví Điện Biên Phủ như trận Stalingrad năm 1942 - 1943 và trận Midway 1942, rồi một chứng nhân khác, nhà văn Jules Roy của các bạn, trở lại chiến trường xưa sau mười năm, đã thốt lên: Điện Biên Phủ tai hại cho Pháp còn hơn thất trận Waterloo đối với Napolépon! Chúng tôi nghĩ theo hướng khác: Không có Việt Bắc 1947, không có Điện Biên 1954, cũng như không có Thành Cổ Quảng Trị 1972, không có Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975”.

Cuộc sống là dòng chảy không ngừng. Nhà chính khách Jawaharlal Nehru thời tìm đường giành lại tự do và nhân phẩm cho lục địa Ấn Độ rên xiết dưới ách đế quốc Anh, ngước nhìn những di tích ngàn vạn năm cổ, đã dặn mình: “Quá khứ còn mãi mãi với chúng ta; bản thân chúng ta và tất cả những gì chúng ta có là từ quá khứ. Chúng ta là sản phẩm của quá khứ, và quá khứ tràn ngập cuộc sống của chúng ta. Không hiểu quá khứ và không cảm thấy quá khứ sống động trong con người chúng ta tức là không hiểu hiện tại. Kết hợp quá khứ với hiện tại và mở rộng tới tương lai, cắt đứt quá khứ ở những thời điểm không thể nối liền, biến tất cả những điều ấy thành vật liệu sinh động cho tư tưởng và hành động, đó là cuộc sống”. Ông chủ trương “kết hợp quá khứ với hiện tại, hướng tới tương lai”, song “ở những thời điểm không thể nối liền”, đành phải nén lòng cắt đứt.

Một nhà văn hóa theo hệ tư tưởng khác là nhà văn, viện sĩ Hàn lâm Xô viết Dimitri Likhatchov, chuyên gia văn học cổ Nga, mà nước Nga cho dù không còn có bổ ngữ Xô Viết, cách đây dăm năm vẫn long trọng kỷ niệm 100 năm ông chào đời, và Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhân dịp ấy đặt Giải thưởng mang tên ông, nhà tư tưởng ấy một lần trả lời phỏng vấn về đời sống xã hội hậu Xô Viết, tôi hiểu đại ý: “Quá khứ chúng ta hết sức dày dặn, hiện tại nước Nga vô cùng sôi động, tương lai cực kỳ hấp dẫn. Những ai lãng quên quá khứ thì làm sao hiểu hết cái phong phú của hiện tại, trong khi những ai chỉ chăm chăm với hiện tại, thì làm gì có sức vươn tới tương lai”.

“Một tấm thân già bơ thờ tóc bạc” như kẻ đang ngồi đây giữa cỏ lau Thành Cổ mà hoài niệm tuổi ấu thơ, còn biết ngẫm ngợi gì khác ngoài những ý tưởng của các bậc cao minh. Tự đáy lòng, tôi suy: Những anh hùng liệt sĩ vong linh đời đời thơm tỏa trong khói hương trầm không tắt của mọi thế hệ người Việt trên tượng đài trước mặt - cúi lạy các anh hùng liệt sĩ xá tội cho - giả thử các anh còn trên đời này, tính về tuổi tác nếu không xấp xỉ thì thuộc hàng em, hàng cháu lứa già nua chúng tôi đang sống đây, nhưng trong tâm khảm mọi người già cũng như trẻ, trong con tim mọi thế hệ, với lòng yêu nước, các anh là tiền bối đời đời linh hiển nối tiếp Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm…, các anh hy sinh trong cuộc chiến đấu giữ gìn độc lập, tự do, nhân phẩm, các anh chung sức làm dày quá khứ, hiển vinh hiện tại, để cho lớp già chúng tôi cùng với các thế hệ nối tiếp hãnh diện có được nền di sản bền chắc mà vun đắp cái trước mắt và hướng tới mai sau. Thời cuộc cứ đổi thay, khí hậu có thất thường, đất đai dù cháy xém nhưng còn đất kia thì cỏ lau còn mọc, cho bông trắng quay về, cây bàng đỏ lá, cây thầu đâu trụi cành, để cho tôi cùng lau trắng được về đây, được khoảnh khắc yên bình bên nhau trong nhịp sống xô bồ, mặc ngọn gió chiều quê hương cợt đùa mớ tóc lau, như thể gió cũng như người ngập tràn ân đức tiền nhân…

 

Phan Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 262

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground