Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một chiến trường như thế

 Có lần nào bạn đã đi lên nghĩa đIạ nhân dân thị xã Đông Hà chưa? Chắc là có. Người ở đây còn lạ gì, còn các bạn ở xa khéo kẻo nhầm: Một đường từ khu phố Bảy, phường Ba, một đường từ khu phố Tám, phường Năm đi lên, chỉ non non hai ba cây số thôi. Cả hai đường đều nhấp nhô sỏi đá, lên cao xuống thấp, ngoắc qua, quẹo lại. Phía dưới đó một chút có nhà máy nước, nhưng người ta không gọi nhà máy nước mà gọi là trạm bơm hai vì có trạm bơm một đặt từ dưới bờ sông Rào Vịnh (một nhánh sông góp nước đổ ra dòng Cửa Việt) cách đó hai cây mới bơm nước lên chứa ở đây để tẩy lọc khử trùng rồi mới “xè” đi khắp thị xã. Chỗ này là đồi cao nhất so với mọi nơi trong thị xã. Đứng trên chóp đồi khi thoải mái trong người mà nhìn xuống thị xã thì thật là khoái. Bốn phương tám hướng đều mồn một ước chừng giơ tay với được. Lên tới đó là đã thấy trước mặt cơ man là mồ mả: cái to, cái nhỏ, cái cao, cái thấp, xanh, đỏ, tím, vàng. Thôi thì đủ thứ- Kể ra nghĩa địa thị xã có khác, phố thị đi lên đủ mốt thì “phố mả” cũng phải tương xứng, đó là điều dĩ nhiên thôi.

Bác Trần Phước Hoành- Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Năm dẫn tôi từ chỗ này rẽ trái chui vào rừng bạch đàn để đến trại tăng gia anh Trần Viết Lợi. Lúc này đã quá chiều, bóng chúng tôi tà tà nghiêng về thị. Gió nam Lào hạ dần, cát bụi không kết thành từng hùn rùng rùng diễu hành qua trước mặt như lúc trưa nữa. Chúng tôi tụt xuống mé đồi đã thấy mát rượi trong người. Lá cây, vỏ cây xào xạc dưới chân. Bẩm sinh của giống bạch đàn đã thẳng mà ở đây được trồng thành hàng, thành luống dựa vào nhau nên cây nào cũng như thân cau. Mùa này cây phở bì để lớn, để cao, để lộ ra một lớp da lụa mo mô non nớt thấy mà thèm chặt. Nhiều cây lột chưa hết vỏ còn lắc lư một đoạn trông hệt cái mo cau vậy. Ngửa mặt lên trời, từng đám trời cao vời vợi như gương soi. Cành ngang, cành dọc, có cành cong queo, có cành giồng xuống đu đưa chòm lá tạc hình lên không trung làm tôi ngẩn ngơ “si cảnh” mà bước chậm lại. Hình như bác Hoành cũng đoán được nên giới thiệu liền: Bạch đàn này chúng tôi trồng từ năm chín ba, cả thảy có mười héc ta “sia” vào chỗ này tốt ghê chưa, còn riêng anh Lợi năm sáu héc ta đằng kia kìa. Anh thức thời lên đây sớm hơn, đất nào nhất đẳng anh chọn trồng theo kiểu nhảy dù. Tính ra của anh nếu thu hoạch thì được cả rồi nhưng mới bán có một héc ta mà được cả xứ tiền.

Bên này tôi đã nhìn thấy trang trại tăng gia bên kia. Trại như một cái lán giao liên, thu mình dưới khu rừng vắng rợp cành cây xòe bóng mát. Chúng tôi bước xuống một bờ vùng vắt qua khe hoa sim, hoa mua nở tím chật cả lối đi, lại nghe tiếng nước rò rỉ qua bờ róc rách dưới chân. Bác Hoành ngoảnh lại giới thiệu tiếp: Bờ này của anh Lợi đắp giữ nước cho bò uống, còn chỗ này cũng là ruộng vợ chồng anh khai hoang cách đây vài năm.

Nghe tiếng người, anh Lợi ra đón chúng tôi. Mặc dầu tôi đã nghe nhiều về anh, nhưng chỉ biết đó là một thương binh mang thương tật loại một trên bốn, chứ đâu có hình dung ra nơi anh Lợi là thế nào. Anh đưa tay phải nắm tay tôi hồi lâu. Còn tay trái bị tháo khớp đến bả vai, tay áo vắt xuống hông, xương vai nhô ra tạo thành một góc vuông rất chính xác, nên trông người anh như bên già bên non. Mặt anh xạm nắng nhưng vẫn nổi lên hàng chục dấu chấm đen như mực tàu to nhỏ không chấm nào giống chấm nào.

Anh là người Tân Thủy- Quảng Bình, đầu năm sáu mốt nhập ngũ vào đơn vị E270 đóng chốt ở Vĩnh Linh bảo vệ vùng giới tuyến. Năm sáu nhăm được lệnh lên vùng bắc cao nguyên Bô Lô Ven (Hạ Lào). Bốn năm ở đây anh đánh biết bao nhiêu trận mà trận nào có bị chăng nữa cũng sày da chảy máu là cùng. Duy chỉ (ngày 11.4.1968) địch dùng hai tiểu đoàn đánh lên cao điểm. Bên ta chỉ một đại đội tăng cường giữ chốt. Thế là cuộc đánh nhau diễn ra quyết liệt một mất một còn. Đơn vị đã thương vong hơn nửa nhưng nhất định không chịu rời cao điểm. DK57 của anh đã hết đạn. Nhìn qua thấy chiến sĩ hỏa lực Nguyễn Văn Vẹn (người Quảng Sơn- Quảng Trạch) đã hy sinh. Anh nhảy qua cầm lấy khẩu FRBD vận động tới chỗ khác lợi dụng khúc gỗ rừng đổ xuống đưa lên khống chế địch. Được chừng vài phút thì một quả cối 60 rơi trúng mép ngoài khúc gỗ, thế là cánh tay trái đưa lên giữ ốp bay luôn với khẩu súng.

Ba vết thương nặng nhờ bác sĩ khéo tay nên ghép lại từng mảnh xương một. Tám vết thương khác có vết mảnh đạn vẫn còn sót lại đến nay khi mùa gió chướng về nó trở chứng chảy ào ào quặn đau trong từng đường gân thớ thịt.

Mười năm anh có mặt đều khắp trong các trại an dưỡng miền Bắc, năm 1977, sát nhập Bình Trị Thiên, anh trở về trại an dưỡng Đông Hà. Thế là Quảng Trị trở nên quê hương thứ hai gắn chặt đời anh. Quê hương này là máu là lửa là nước mắt mà cũng là nơi chứng kiến bao cuộc tình duyên sau chiến tranh. Tại cây số ba đường Chín anh đã gặp chị Trợ một thanh niên xung phong cũng vì mải mê đi xẻ dọc Trường Sơn. Chị đang ngồi bấp bênh bên “miệng góa” một tý nữa thôi. Anh chị nhận ra nhau người cùng quê vừa mừng vừa tủi. Hai nụ cười bật lên là đủ làm tan đi bao nổi tủi phận, bao nỗi luyến tiếc tuổi xuân. Trai bốn mươi gặp gái bâm mấy thì có hề chi. Họ vẫn trinh tiết trong ngần- Chị vừa tách đàn từ bầy thiên nga trên nguồn suối La La thì anh đi ra từ  trại an dưỡng. Chị vẫn nguyên dáng khúc eo thoai thoải của Trường Sơn Đông, thì Trường Sơn Tây để lại trong anh một bờ vai cao chín mươi độ. Lá rừng xanh xanh đã che kín một thời mặt hoa của chị, thì khói thuốc bom đạn cũng biến anh thành một thứ da thép. Cuộc tình này không dễ mấy ai có được. Thế rồi túp lều lý tưởng được xây lên ở khu phố Tám phường Năm. Nay gọi “phố Tám” chứ lúc bấy giờ giữa khu đồi trọc lóc. Gió nam Lào quạt vào như lửa đốt. Mưa đến, nhà giột anh lấy ni lông che. Gió lùa thì chị lấy phên gót thưng lại, như kiểu “rút sợi mây ấy mấy chằng mái lợp” thì đã sao. Anh chị vẫn mỉm cười, vẫn thanh thản toại nguyện với đời mình còn được sống. Chừng ấy thôi mà cứ tưởng  như không bao giờ có được. Nhiều lúc anh chị lại chạnh lòng nghĩ tới bao đồng chí đồng đội đang nằm lại trên đất bạn Lào, trên các nẻo đường Trường Sơn dù một chút thôi họ không bao giờ có được như anh chị bây giờ.

Sinh đứa con đầu anh thương con biết mấy- Anh vuốt bốn sợi tao nôi từ trên xuống cho gọn vào lòng bàn tay mà ru con bằng một điệu hò miền Trung rằng:

“Nước cạn em xuống suối mò cua bắt cá

Nước nậy anh lên đồi hái rau má rau mưng

Người ăn, người nhịn cũng mừng

Khổ cam phận khổ chúng mình đừng xa nhau”

Chị vẫn đi làm cung độ chín, anh ở nhà chăm con. Ngày tháng đi nhanh. Từ mái ấm gia đình như một khát vọng cháy bỏng mà anh ấp ủ bấy lâu nay đã hồi xuân cho anh. Nó là cái thường tình của mọi con người, nhưng đối với anh là mới mẻ, là quý giá hơn bất cứ những gì trên thế gian này. Đó là sức mạnh giúp anh vượt lên thử thách trong trận chiến mới. Một trận chiến không bom, không đạn, không mùi thuốc khét lẹt mà vô cùng quyết liệt. Đó là cuộc chiến cho cái ăn, cái ở, cái sinh tồn phát triển của bốn đứa con. Chỉ chần chừ một chút thôi thì lần nữa anh sẽ bị trọng thương loại khỏi vòng chiến mà vợ con anh cũng là người thua cuộc một cách thê thảm. Cuộc chiến này tuy không cân sức nhưng bù vào đấy anh không đơn độc, vợ con anh chính là đồng đội. Có tình nào ấm áp hơn, có tình nào mãnh liệt hơn.

Ngày chị được về nghỉ mất sức, anh theo chị mấy bận lên đồi hái củi, rồi một quyết định táo bạo lập trại tăng gia như một mệnh lệnh cấp thiết phải làm. Người ở phố mà đi ngược lên đồi quả là chuyện nực cười của cô thanh niên xung phong với anh lính đời tàn. Mãi năm sau bà con lối phố mới biết, mới té ra…

Chỗ đất anh chọn lập trại tăng gia nó vừa lạ, nó là Quảng Trị mà cũng là Quảng Bình, giống như mọi nơi của Trường Sơn hôm qua anh chị đã từng hành quân nghỉ lại. Nơi đây sơn thủy hữu tình. Phía Tây có đồi cao hoa sim nở tím, có nghĩa địa, có thần linh âm linh, bộ hạ san sát để che chở cho anh. Phía Đông là khu phố Tám, ánh điện quầng lên cả vùng trời xán lạn, khi hoàng hôn xuống đã có mặt trời đêm tỏa rạng, bình minh suốt bốn canh thâu. Phía Bắc có trạm bơm không ngớt tiếng máy chạy đều đều nghe như nhịp chày giã gạo quê anh, xa xa có hồ Khe Mây nước xanh leo lẻo, phía Nam có sông Rào Vịnh uốn khúc, có hồ Trung Chỉ nước lai láng bốn mùa. Dưới chân anh một dải đất bằng phẳng “thiên khê vạn khát” là cỏ dại lau lách, lại có nước luồn qua khóm me, khóm sim- “nào phải thanh thang mới gọi là”. Nếu dự án trong đầu anh trở nên khả thi thì nơi đây anh sẽ là người thắng cuộc.

Mọi thành công là do sự đồng cảm của mọi thứ trên đời mà nên chứ không mạnh bởi tại sức. Dẫu hai người còn lại ba cánh tay. Dẫu không muốn nhưng buổi sơ khai họ cũng phải trở lại lối lao động đầy chất nguyên thủy. Tức là anh trồng chị cuốc vỡ vạc dần dần cho đồi biến thành nương vườn, cho bãi biến thành ruộng lúa. Đây là cả một cuộc thi gan đọ sức đối mặt với chốn lâm sơn. Năm sau anh tậu được đôi bò tơ thế là tiến lên chị dắt anh cày. Bao nhiêu giống cây anh ra tận quê nội Quảng Bình kiếm được đưa vào, chỗ cao trồng khoai, trồng sắn, củ từ, củ tía, chỗ thấp ngoài ba mẫu lúa, chung quanh là cả vành đai đầy ắp nào ném, kiệu, ớt, cà, đu đủ… còn có thêm dưa đỏ, bí, bầu đầy giàn kín đất. Giống Quảng Bình gặp đất Quảng Trị tưởng xứ lạ nào ngờ đua nhau đâm hoa kết trái càng nhiều cho anh. Mấy mái gà nhà, năm đầu đưa lên năm sau đã ra cả đàn đếm không xuể. Anh đọc vè cho chị nghe: “Vè vẻ vè ve, nghe vè nói ngược, chim đẻ dưới nước, cá đẻ trên khô, thuyền chèo trên bộ, ngựa chạy dưới sông, một trộ mưa giông, mối lên ăn gà..” Đọc xong nhìn đàn gà anh cười ha hả rồi rủ chị đi kiếm tổ mối. Tổ nào vừa vừa bỏ vào choàng mà khiêng như tuồng cáng thương binh dạo nọ trong chiến trường. Chị đi trước anh đi sau nặng đến méo mặt mà phải gắng đưa về dự trữ. Tổ nào khiêng không nổi, xén nhỏ ra đưa về cho gà ăn liền. Tụi con nít chăn bò thấy vậy từ đó không đốt tổ mối mà chơi nữa, hễ gặp đâu về báo với bác Lợi, thế là được bác đãi cho một bữa sắn tươi vừa bùi vừa thơm ngon. Anh còn phát quang lấy lau lách rải ra vườn. Mùa hè dội nước vào cho mối lên ở, mùa mưa ẩm mục ra càng nhiều mối giun để giữ chân gà đừng đi xa.

Anh nói chuyện nuôi gà kiến một cách có tình, có lý mà có cả lãi nữa, đến tôi phải phục sát đất: Này nghe, dân Quảng Bình quê tôi có câu: “Trồng chuối thì trồng chuối bà, nuôi gà thì nuôi gà kiến”. Chuối bà tuy nhỏ quả dày vỏ nhưng khi chín vàng ruộm ăn vào đâu biết đó, mát ngọt đến tận tâm can, có phải người ta hát rằng: “Mẹ già trồng chuối bà hương. Như xôi nếp luột, như đường mía lau” đó chăng, hỏi có chuối chi hơn nó. Gà kiến cũng vậy, nhỏ con mà thịt thơm trứng tốt.

Cứ một mái bét nhất mỗi năm cũng được 120 trứng xấp xỉ một trăm nghìn. Nuôi hơn trăm mái là có trong tay mỗi năm chục triệu bạc như chơi. Mấy năm nay ham chuyện bò me mà đàn gà sút xuống hai phần ba, chứ mọi bữa thì phải biết. Nhờ đó mà tôi lên đây ba năm đầu cộng thêm ruộng, thêm vườn nữa đã xây được nhà cửa khang trang, sắm sanh mọi thứ, nuôi con ăn học, còn mua thêm đủ giống trồng năm héc ta cây bạch đàn cao sản nữa đó.

Quả là một kỷ lục bất ngờ ít ai với tới. Anh “lập trại tăng gia từ đầu năm chín mươi, lúc bấy giờ chưa có chương trình 327, chưa có vốn xóa đói giảm nghèo. Từ bàn tay không, từ đồi nương, từ đàn gà kiến mà nên tất cả.

Một cơ hội ngàn vàng khác lại đến với anh: khi cơ chế chuyển đổi mạnh, chăn nuôi phát triển đều khắp, mỗi cân thịt bò tốt định giá lên tới bốn mươi nhăm ngàn đồng, thế là người ta đua nhau nuôi bò. Người nghèo, kẻ giàu, công an, bộ đội, cán bộ, công nhân đều có người cơm nắm cơm đùm đi theo bò lên đồi. Và chính trại tăng gia của anh đã trở thành nơi tập kết thu dung nhiều hạng người, nhiều loại bò về đây nghỉ nhờ. Chỉ một đêm nhất dạ gác tay phải lên đầu, anh đã nắm bắt được thời cơ một cách tưởng như “xung phong lên giáp là cà” vậy. Thế là anh chuyển hướng thành “ba mũi giáp công” để làm ăn. Một là duy trì đàn gà kiến, hai là nuôi bò rẹ, ba là nuôi bò thuê cho trả công bằng nộp thóc góp. Một trong hai cách nuôi bò thuê đó ai ưa kiểu nào anh chiều kiểu đó. Cứ mỗi con gửi mỗi ngày trả tiền công bằng một lon thóc. Ai không nạp thóc cứ nhân ra tiền khoảng ba trăm đồng, chưa bằng cái giá cái kem sữa loại tồi. Ai muốn trả tiền trong ngày càng tốt, hai mười ngày, một tháng trả cũng xong. Tin này lan nhanh đến tai người có bò rằng: “Trên đồi nghĩa địa có một ông mở đại lý nuôi bò thuê lấy tiền công rất chi là rẻ”, thế là người mang bò đến nộp cho anh giữ. Sức anh chỉ nhận 150 con chăm giữ là vừa, đến lúc lên tới 290 con, đã quá tải anh phải chấm dứt hợp đồng tại đây. Những người dắt bò đến sau cùng đành chịu chứ biết làm sao. Dẫu không muốn bỏ ruộng vườnởnhng thôi đành sắp xếp lại để theo đàn bò từ đó. Mỗi ngày anh thu vào từ ba đến bốn chục cân thóc (chưa tính lãi của số bò thuê nuôi rẹ) thử hỏi có bậc lương ông nào trong tỉnh mà bằng lương chăn bò của anh. Mỗi tháng lại có hai chuyến xe của nông trường Tân Lâm, cao su Dốc Miếu, Cồn Tiên đến mua phân, anh lại có được khoản tiền bán phân.

Trại tăng gia của anh ngày một vui thêm. Đến lúc hội Cựu chiến binh phường đã chọn đúng chỗ đất này làm trại ươm cung cấp gần triệu cây giống bạch đàn cho cả vùng. Đến mùa ươm cây, cuốc hố trồng rừng người đông như hội. Hàng mấy quả đồi chung quanh đã có chủ nhân. Rồi khu Lâm viên Nhà nước mở ra rộng lớn cả một vùng. Từ phương Tây người Mỹ cũng sang đây trợ tay đặt bầu ươm xuống đất để trồng “cây xanh hòa bình”. Bên này đồi trại tăng gia anh trông sang bên kia đồi mới ngày nào đó một vệt xanh lưa thưa, như chiếc khăn voan ướm lên vai cô thiếu nữ mới biết làm dáng, mà nay cả một bức màu xanh đồ sộ được kéo lên cao và dài từ Khe Mây về hồ Trung Chỉ trùm kín mặt sau thị xã, làm nên một Đông Hà dịu dàng duyên dáng như ai. Anh sung sướng cũng được góp phần mình vào bức tranh hoành tráng đó.

Câu chuyện giữa chúng tôi chưa dứt thì đàn bò lục tục kéo về đằng sau trại. Anh Lợi đứng dậy ra đón chúng. Tôi và bác Hoành theo sau. Trời thả một tia nắng xuống lưng bò vàng rực óng ả. Con nào, con nấy lông tơ non chuốt bụng no kềnh rảo bước về chuồng. Anh chỉ vào đàn bò đi đầu nói với tôi- đây là đàn bò chủ mười lăm con của tôi, chúng luôn luôn dẫn đầu là cả đàn bò gửi theo sau. Con nào “đệc’ nhảnh nhảng coi bộ không hợp đàn, hợp đồi thì cho ra phố. Ít nhất mỗi năm tôi loại ra vài con, cứ giữ cơ số chục rưỡi con là vừa, có rứa mới là nên nổi cho cả nhà. Anh đứng chờ hồi lâu cho đàn bò vào lút để đóng cửa chuồng. Trời nắng tắt tôi nhìn lên phía nghĩa địa thấp thoáng qua gốc cây vài túm hương đang rực cháy. Thoạt chút ngạc nhiên nhưng tôi liền trấn tĩnh nghĩ mình quá ư vô tình nghĩa địa thì lúc nào mà chả có hương quý. Một làn gió nhẹ, mùi hương trầm thoảng bay về làm tôi ngây ngất. Một chút gai gai thoáng qua trong tôi rồi tự biến mất. Rừng cây thâm u, từng hàng, từng hàng cây bạch đàn nghiêm trang rủ lá nhờ nhờ loang loáng. Tâm tưởng tôi bối rối trước lúc chia tay anh. Biết nói gì đây, biết chúc anh một câu gì đây cho đúng nghĩa. Có lẽ tôi phải chúc anh đêm nay ngủ thật ngon là đúng hơn hết. Lúc chiều anh cùng tôi gợi chuyện, chắc đêm nay những đồng đội của anh từ bên kia Hạ Lào cũng về đây quây quần bên anh. Bà con cô bác những người thân lối phố anh đã từng tiễn đưa lên nghĩa địa nghe tin chắc cũng về bên giường anh. Tám năm gần ba nghìn ngày anh ngủ một mình trong trại tăng gia như thế. Chỉ có chiếc rađiô bé bằng bàn tay là gối đầu giường, là người gần anh hơn cả. Thì ra trong phim “Người từ Bắc Kinh đến Niu- gioóc” có một câu rất triết mà rất gần như không có cự ly: “Nơi đây không phải là thiên đường cũng không phải là địa ngục mà nơi đây là chiến trường”. Ở đây cũng vậy. Chỉ có chất Trường Sơn còn lại trong người lính, chỉ có anh mới có một chiến trường rất gần mà rất xa.

P.T.S

PHÙNG THẾ SẤN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 34 tháng 07/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

10 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground