B |
a mươi hai năm đã trôi qua, bây giờ chúng tôi mới có dịp lần giở lại những dòng đời của ông. Thắp một nén nhang - đồng thời chúng tôi muốn gởi tới những thế hệ đồng đội tiếp sau một thông điệp giản đơn mà đầy niềm kiêu hãnh: Có một người đồng chí, nguyên là Trưởng ty Công an Quảng Trị, trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù của dân tộc (thời kỳ 1952- 1960) đã anh dũng hy sinh tại ngục Chín hầm, không để lại một lời nhắn gửi.
Nhắc về ông, đồng chí Lê Thiệu - người bạn chiến đấu của ông bồi hồi xúc động: “Cái chết không làm tôi quên được ông ấy. Đó là một người đồng chí nghiêm túc và đầy trách nhiệm trong công tác, một người cán bộ xông xáo và sắc sảo trong nghiệp vụ và là một con người sống rất có tình. Ở đâu ông ấy đến là ở đó phong trào lên như diều gặp gió. Phan Trọng Tịnh của Công an đó mà!
Đồng chí Phan Trọng Tịnh tức Phan Bảo Quang sinh năm 1926 trong một gia đình trung lưu. Cha ông là một công chức ngành đường sắt, người mẹ tảo tần với gánh hàng xén trên vai giúp chồng nuôi con ăn học. Trước Cách mạng tháng Tám, Phan Trọng Tịnh theo cha làm việc ở ga xe lửa thuộc địa phận xã Vĩnh Liêm, một xã cũ của huyện Vĩnh Linh. Và cũng từ nơi đó, người thanh niên giàu lòng yêu nước ấy tham gia cách mạng lúc mới 16 tuổi đầu. Cách mạng tháng Tám thành công, Phan Trọng Tịnh trở thành Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh- Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Trị. Năm 1946, giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, nghe theo lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến của Bác Hồ (19-12-1946), gia đình Phan Trọng Tịnh trở thành một gia đình gương mẫu đi đầu thực hiện “vườn không nhà trống” “tiêu thổ kháng chiến”. Đại hội Tỉnh Đảng bộ Quảng Trị năm 1949, ông được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy và sau đó được cử vào Thường vụ Tỉnh ủy. Trong Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 23-11-1952, Ban Bí thư Trung ương quy định thành nguyên tắc: “Công tác công an ở mỗi cấp sẽ do cấp ủy đó trực tiếp chỉ đạo”. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã cử đồng chí Phan Trọng Tịnh làm Trưởng Ty Công an (thay đồng chí Trương Công Huỳnh chuyển ra Liên khu 4). Từ đây Phan Trọng Tịnh phải gánh vác một trách nhiệm hết sức nặng nề trong chặng đường mới chống kẻ thù. Lúc này Phan Trọng Tịnh vừa tròn 26 tuổi. Bạn bè, đồng chí cùng thời với ông bây giờ kẻ mất người còn. Những người còn sống thì đã già yếu, nghỉ hưu. Tôi loay hoay đi tìm khắp nơi, lòng phấp phỏng lo không gặp được ai. Bác Lê Thiệu (Hiện nghỉ hưu ở Vĩnh Linh) thì đi Hà Nội thăm con trai chưa về. Vả lại hoạt động công an là một hoạt động vô cùng bí mật nên chẳng ai biết rõ ai bao nhiêu. Bác Đáo - một đồng chí được Phan Trọng Tịnh nhắc tên trong những lá thư ông gửi về cho vợ (Bà Hoàng Thị Kiếm) thì đã mất. Tôi lần tìm về bác Bưa - một cán bộ công an nghỉ hưu - ngõ hầu mong biết được đôi điều. Bác Bưa đón tôi ở sân, ngôi nhà bác thật xinh xắn nép dưới một vườn cây trái hiếm ở Đông Hà. Tôi dè dặt thưa: “Thưa bác, bác là công an hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp, chắc bác biết về bác Phan Trọng Tịnh?”. Tôi lúng túng nói không ra lời. Bỗng thấy cay xè nơi sống mũi khi đôi mắt già nua của bác Bưa chớp nhanh: “Cho đến năm 1994, nghĩa là năm ngoái đây thôi, bác mới đọc được một mẩu tin về trường hợp hy sinh của Phan Trọng Tịnh, bác mừng quá! Thế là ông ấy, cho đến chết vẫn trung kiên. Bao năm nay bác không tin nhưng cứ xót xa trong lòng. Giờ thì bác có thể thanh thản khi nghĩ về ông ấy cháu ạ!”.
Rồi bác Bưa chậm rãi kể cho tôi nghe về “vụ Phước Sơn” - vụ án mà Phan Trọng Tịnh trực tiếp chỉ đạo đã làm thất bại một bước âm mưu chiến tranh gián điệp của Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên, tịch thu 150 ha ruộng đất chia cho giáo dân, củng cố thêm lòng tin của giáo dân vào chính sách tôn giáo của Đảng ta và thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta.
Dòng Phước Sơn nằm ở phía Tây xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh. Đây là nhà Dòng lớn ở Việt Nam (chỉ đứng sau Dòng Bùi Chu - Phát Diệm) được gọi là Dòng Mẹ. Đây là nơi thời Pháp đào tạo linh mục cho Nam Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia. Và là vùng giáp ranh thuộc trục đường giao thông xuyên Bắc -
Vạch mặt tổ chức phản động - đó là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp. Trước tiên, ta phải thực hiện tốt công tác hoạt động quần chúng, thu phục nhân tâm, cảm hóa phần tâm linh của giáo dân, làm cho giáo dân nhận ra lẽ phải, cái xấu và cái tốt, giúp bà con ngã dần về phía chính nghĩa cách mạng, và hướng người dân trở thành nội lực tích cực trong cuộc chiến đấu này, nhằm giúp ta phá vỡ âm mưu của kẻ thù, giúp quân ta đột nhập vào bắt gọn toàn bộ số đầu não bọn phản động. Tiến hành kiểm soát, ta thu được nhiều tài liệu và hồ sơ có liên quan khác của địch.
Đây là chiến công lớn của Công an Quảng Trị lúc bấy giờ mà công đầu thuộc về người đồng chí Trưởng ty Phan Trọng Tịnh. Ông đã tỏ rõ là một người chỉ huy có tài và đầy bản lĩnh trong công tác phức tạp này. Từ đó góp thêm lòng tin của giáo dân vào Đảng và giáo dân nhận rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc, ủng hộ nhiệt tình cuộc kháng chiến của ta đang bước vào giai đoạn cuối.
“Kể từ đó rồi bác không gặp được ông Tịnh lần nào nữa. Ừ, mà phải rồi, cháu đi tìm bà Kiếm đi. Nghe đâu bà ấy đang sống ở Huế”. Bác Bưa bùi ngùi rồi giục tôi như vậy.
Tôi vội vã lên xe vào thành phố cổ. Căn nhà số 3, cư xá Đống Đa. Một phụ nữ dáng vẻ còn nhanh nhẹn tinh anh đang chơi với hai cháu nhỏ. Bà Hoàng Thị Kiếm đây ư? Chẳng nhẽ những thăng trầm, khốn khổ của một thời chiến tranh, một thời vừa nuôi con, vừa công tác vừa chờ chồng vừa phải chịu đựng dư luận vẫn không làm cho bà hao gầy mòn mỏi đi ư?. Bà đón tôi niềm nở và chân tình như người thân lâu ngày trở về. “Ông ấy sống có trách nhiệm và yêu thương với mọi người. Ông ấy nghiêm túc và kín đáo trong tình cảm. Lấy nhau tính tới ngày ông hy sinh thì khoảng 11 năm nhưng chúng tôi gần nhau không tới 360 ngày! Ông ấy cứ đi biền biệt, tháng hoặc lâu mới ghé thăm nhà. Có khi bận việc, tôi lại không gặp được ông ấy nữa. Chúng tôi cưới nhau năm 1952, năm 1953, tôi sinh con trai. Năm 1954, mẹ con tôi ra Bắc tập kết. Tổ chức phân công ông ấy ở lại. Hôm mẹ con tôi đi, ông ấy cầm tay con lắc lắc: “Bắt tay ba con đi. Tạm biệt ba rồi đi. Hai năm rồi về. Vậy mà rồi mãi mãi cha con chẳng được gặp nhau nữa. Bà kiếm kéo vạt áo lên chùi nước mắt.
Tôi nhìn ra khoảng sân nhỏ rợp bóng cây, hai đứa cháu nội một trai, một gái đang chơi đùa. Bà nhìn chúng âu yếm: “Ấy cái thằng cu nó giống ba như đúc. Mà ba nó với ông nội nó thì chẳng khác gì hai giọt nước đâu!”.
Tôi thầm nghĩ: Hẳn một thời chưa xa ấy, trong những ngày tháng lăn lộn cùng bom đạn, cùng kẻ thù, bác Phan Trọng Tịnh cũng đã ước ao một khoảng trời thanh bình và đầm ấm như thế này, một niềm vui thường nhật như thế này. Ấy vậy mà vì khoảng trời lành lặn, ấm êm ấy mà ông “mãi mãi không về”. Chẳng còn gì của ông ngoài tập thư cũ gần chục lá. Màu mực đã phai qua thời gian nhưng nét chữ rắn rỏi và cương nghị, vẫn như trào dâng một nghị lực phi thường - Hãy chiến đấu vì một ngày mai thống nhất!
“Ông ấy lạ lắm cháu ạ! Bà Kiếm tiếp lời. Việc công gương mẫu đi đầu là phải. Đằng này “ông ấy” còn là “chỉ huy” của cái gia đình nho nhỏ của tôi nữa đấy! Tôi nhớ có một chuyện thiệt tức cười: Chả là hồi đó nhà tôi làm nghề ruộng mà sức không có nên định bán đi cho người ta làm. Nghe tin ông ấy viết thư về “chỉ thị”: “Nếu khả năng mình làm không hết thì không nên tự động (bán) như rứa. Tốt hơn là đưa ra nông hội cho anh em khác làm… nhớ sắp xếp cho kịp thời vụ… Ông ấy làm như kỹ sư nông nghiệp hay chủ nhiệm hợp tác xã thời nay ấy. Bà Kiếm bật cười - Ngày tôi mới ra Bắc còn lạ nước lạ cái, ông ấy viết thư ra động viên tôi rất nhiều. Nào là cố gắng chịu khó, chịu khổ, hãy nhớ đồng bào miền
Phải chăng trong cuộc chiến đấu ấy ông đã quên mất bản thân mình để rồi một ước mơ cao cả tha thiết hơn là giải phóng dân tộc, đánh đổ áp bức và đói nghèo cho đồng bào, đồng chí, cho những người thân yêu của mình. Mà trong đó “vì miền
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nhiều gia đình cán bộ miền
- Cháu thấy đấy - Bà Kiếm thầm thì - Từ năm 1958 trở đi, tôi không được tin tức gì của nhà tôi nữa. Dù sao ở ngoài Bắc tụi tôi còn sướng hơn nhiều. Nghĩ cứ thương mãi, ông ấy ở trong này gian khổ, khó khăn, kẻ thù thì luôn rình rập. Cho đến khi chết ông Tịnh vẫn chẳng hề biết con mình lớn chừng nào”. Bà Kiếm lại khóc. Tôi im lặng. Hãy để cho những giọt nước mắt ấy rơi xuống, cho linh hồn ông được yên ả thêm và biết đâu sẽ ấm áp thêm cho ông ở cõi vĩnh hằng lạnh giá kia. Tôi cúi xuống lật nhanh những trang thư và dừng lại ở bức cuối cùng. Bức thư đề này 07-02-1961 của bác Đáo - một người bạn chiến đấu của đồng chí Phan Trọng Tịnh báo tin ông đã bị bắt!
Bà Kiếm lau những giọt nước mắt rồi nói nhanh: Nếu như không có lá thư ấy chắc lúc đó tôi không sống nổi đâu cháu à! Sự chịu đựng lên đến tột đỉnh. Thương ông ấy quá mà không biết làm sao. Dù rằng rất tin - niềm tin trở thành máu thịt rồi đó. Ấy vậy mà tôi cũng quỵ hẳn xuống. Cháu có tưởng nỗi không? Những ngày Tết lạnh lẽo ở đất Bắc. Không người thân. Không bạn bè. Đồng đội xa lánh. Hai mẹ con ôm nhau khóc trong căn phòng tập thể… “Chiến tranh, công tác bí mật…chỉ chừng ấy thôi làm sao ai có thể minh chứng được điều gì. Chỉ có bà vẫn tin ngày thống nhất, khi đứa con trai hỏi: “Mẹ ơi sao ba không về ăn tết với mình?”
- “Ngày thống nhất mình về quê ăn tết với ba” - Vậy mà với mẹ con và điều ấy vẫn mãi mãi là niềm mơ ước…
Năm 1960, trên đường công tác Phan Trọng Tịnh bị địch phục kích. Biết ông là lãnh đạo Công an Quảng Trị nên chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ rồi tra tấn, đánh đập hết sức dã man. Tên Lư - vốn là thư ký của Ban hành chính kháng chiến Quảng Trị chiêu hồi trực tiếp tra khảo ông. Nhưng không có một thủ đoạn nào của kẻ thù làm cho Phan Trọng Tịnh nao núng. Vì vậy sau khi bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, kẻ thù đã đưa Phan Trọng Tịnh về ngục Chín Hầm, biệt giam rồi thủ tiêu ông. Ngày 01-5-1963, Phan Trọng Tịnh trút hơi thở cuối cùng, giữ trọn lời thề: “Em ạ, làm cách mạng bị địch bắt thì chịu, chết cũng phải chịu, đừng bao giờ làm liên lụy đến đồng chí mình, Đảng mình” mà ngày mới lấy nhau ông đã nói với vợ.
Năm 1984, chín năm sau ngày giải phóng, 21 năm sau ngày Phan Trọng Tịnh hy sinh, gia đình mới nhận được tin chính thức về sự hy sinh của ông. Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ cho Đại tá Công an nhân dân Phan Trọng Tịnh. Ông đã chiến đấu vì sự nghiệp độc lập và thống nhất Tổ quốc cho đến phút cuối của cuộc đời với một niềm tin son sắt: “Ngày thống nhất gia đình đoàn tụ”. Chỉ có thống nhất đất nước thì vợ chồng, con cái gia đình ông mới được gặp nhau. Ông đã gác tình riêng vì nghĩa lớn trọn cả đời mình.
Nhưng rồi tất cả cũng qua đi, chiến tranh qua đi và nỗi đau cũng sẽ qua đi. Nhìn gương mặt bà Hoàng Thị Kiếm mãn nguyện với cháu con, tôi thấy rõ sự hy sinh của những người hôm qua sẽ không bao giờ là điều uổng phí. Đứa con trai năm xưa của họ bây giờ đã trở thành người đàn ông vững chãi. Tốt nghiệp đại học xây dựng, có một gia đình nhỏ với người vợ và hai đứa con hạnh phúc. Chắc rằng nơi chín suối đồng chí Phan Trọng Tịnh cũng ngậm cười.
Cho đến bây giờ dẫu rằng người vợ và đứa con trai yêu quý nhất của Phan Trọng Tịnh vẫn không hề biết phần mộ ông nằm ở nơi đâu. Phòng truyền thống công an tỉnh Quảng Trị được xây dựng khang trang vẫn không có được chút kỷ vật nào của ông để lại ngoài những bức thư và tấm hình ông tặng vợ ngày bà chia tay đi tập kết. Cho dù như vậy nhưng tôi cứ tin chắc một điều rằng cả cuộc đời ông chiến đấu cho đất đai, xứ sở này thanh bình hẳn khi chết ông đã tan vào đất, cây cỏ. Chiến tranh đã trở thành ký ức. Cây cối đã mang về trên mình sắc xanh trở lại. Quảng Trị cằn khô đã chi chít những hoa trái lộc non. Đốt nén hương trầm thành kín thắp lên bàn thờ ông, lòng tôi trào dâng một niềm xúc động khôn tả. Tôi sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Đất mẹ đã liền da vết thương chia cắt. Tôi nghe văng vẳng đâu đây lời nhắc gọi: Nếu như không có những cuộc đời chiến đấu và hy sinh như thế làm sao chúng tôi có được hôm nay.
K.H