Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một rồng thiêng đang ẩn

1. CƠ DUYÊN CỦA TRỜI

V

ào một ngày đầu mùa hè năm 2004, một phụ nữ đã luống tuổi nhưng dáng vóc còn rất nhanh nhã, từ thủ đô Hà Nội tìm vào Quảng Trị. Theo lời dặn dò của những người bạn từng là cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường này, chị gọi điện cho Khư, con người được mệnh danh là “cầu nối” của đồng đội Thành Cổ, hiện đang là cán bộ Ban quản lý di tích tỉnh. Họ gặp nhau và cũng như bao nhiêu cuộc tao ngộ khác, họ lần tìm dấu vết của lịch sử. Chị là Nguyễn Hoàng Ngọc, vốn là giáo viên, Hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội, nay đã nghỉ hưu. Chị vào Quảng Trị, cảm kích, xúc động với con người, mảnh đất này, đặc biệt chị đã nhận được một tấm lòng nhiệt thành sâu nặng của anh Khư khi giúp chị tìm đến được nơi an nghỉ của đứa em, chị Ngọ đã cố mời mọc Khu khi nào ra Hà Nội hãy về thăm để biết gia đình. Khu đã nhận lời và cơ duyên kể như bắt đầu từ bữa ấy…

Không phải vậy. Cơ duyên trước hết là ý trời. Ý trời đã cho chồng chị - Họa sĩ, nghệ nhân Phạm Huy Cung tìm được một bảo vật hơn mười năm về trước. Phạm Huy Cung  là một trong những người được công nhận nghệ nhân đầu tiên của Hà Nội. Tài năng của cả một đời người sáng tạo trên lĩnh vực chạm khắc gỗ lũa đã đưa tên tuổi ông với cả Xưởng mỹ thuật gỗ lũa của ông ở Nhật Tân – Hà Nội nổi tiếng như là nghệ nhân số một của Việt Nam trên địa hạt này, Bạn bè, du khách trên thế giới, trong khu vực châu Á đã tìm thấy bản sắc văn hóa Việt rất riêng, độc đáo trong những sản phẩm gỗ lũa của Phạm Huy Cung.

Xin được giải thích với độc giả Quảng Trị một chút về cụm từ gỗ lũa: Đó là cách gọi của người ngoài bắc, tương ứng như gọi “gỗ lóc”, “choái lóc” của dân Quảng Trị. Nghĩa là một gốc, rễ, hoặc thân của những nhóm gỗ quý, thường là nhóm I hoặc II có tuổi cao đã bị chết, sau nhiều năm bị phân hủy, phần dác đã rửa hết, chỉ còn lại phần lõi roòng. Những khối gỗ lũa kiểu đó, đặc biệt là phần gốc và rễ, do quá trình phân hủy tự nhiên đối với dác thịt nên lõi roòng còn lại thường có những hình thù cực kỳ đa dạng, lạ mắt, gợi nên nhứng dáng vẻ diệu kỳ khiến con người liên tưởng đến những biểu tượng đầy sức quyến rũ. Sự phát hiện ra vẻ đẹp của tự nhiên cùng với khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ đã cho ra đời loại hình nghệ thuật độc đáo. Tạo hình gỗ lũa không chỉ là vật chơi nhỏ bé để trưng bày trên tủ kính như rễ tre, gốc sắn, mà trở thành vật dụng có độ bền vĩnh cửu. Xưởng mỹ thuật gỗ lũa của Phạm Huy Cung nhiều lần đạt huy chương vàng triễm lãm quốc gia, quốc tế, đã khiến nhiều du khách nước ngoài phải thốt lên kinh ngạc và kính phục. Tôi xin trích lại vài thông tin trên một số tờ báo ở Hà Nội. Tuần báo Tuổi trẻ thủ đô viết: “…Sản phẩm ông bà Cung – Ngọc từng dành được huy chương vàng tại Hội chợ thương mại quốc tế lần thứ 7 và 8 tổ chức tại Trung tâm triển lãm Việt Nam…” Bài báo còn trích thư ông Tổng giám đốc công ty SanKen (Nhật Bản): “Sản phẩm của các bạn đẹp hơn nhiều so với các sản phẩm chúng tôi từng mua ở Inđônêsia…”

Tôi chỉ dừng lại một chút như thế để giới thiệu về nghệ thuật tạo hình bằng gỗ lũa và xưởng mỹ nghệ gỗ lũa của ông Phạm Huy Cung – bà Nguyễn Hoàng Ngọc. Xin quay lại với điều đáng nói dở: Cơ duyên của trời!

Cách đây mười năm, trong một chuyến đi tìm nguyên liệu gỗ lũa trong tự nhiên. Nghệ nhân Phạm Huy Cung đã bắt gặp một gốc gỗ lũa gụ hương khổng lồ bị kẹt giữa hai triền núi đá khu vực sông Đà. Theo lời kể của người dân địa phương, gốc gụ hương này có lẽ đã có tới ngàn năm tuổi, lại bị kẹt ở một hẻm đá vô cùng hiểm trở. Bản thân phôi gỗ lũa này gần như đã hóa đá. Ông Cung coi đây là cơ duyên trời mách bảo, đã đưa học trò lên cắm trại, lại thuê thêm người dân địa phương ròng rã hơn ba tháng trời leo trèo, đào bới, cạy từng hốc đá, lật từng tảng đất, kiên trì và cẩn trọng, để rồi cuối cùng đã đưa được nguyên vẹn phôi gỗ lũa gụ hương ấy về Hà Nội. Quả thuật là một báu vật. Gụ hương là thứ gỗ cực quý lại ngát mùi hương. Ở Quảng Trị chúng ta đã quen với gỗ gụ (gõ), nhưng gụ hương thì chưa thấy. Mùi nó thơm như đàn hương nhưng phần lóc (roòng) lại bóng và rắn như đá. Phôi gỗ lũa này có đường kín chừng 4 mét, cứ hình dung nều phần dác chưa bị hủy thì có lẽ đường kính cây gụ này phải đến 6, 7 mét. Như thế mới biết cây gụ hương này vĩ đại đến chừng nào. Nhìn toàn khối gỗ lũa có dáng vẽ hình rồng, phần dác bị phân hủy qua hàng trăm năm để lại những dấu vết tự hiên hình dạng ruột tổ mối, bất ngờ trỗi dậy trong lòng nghệ nhân một cảm tác thiêng liêng ngỡ như vang vọng đâu đó những âm thành mách bảo, Lại xin trích nguyên văn lời giới thiệu của một bài báo: “Nhìn khối gỗ lũa tự nhiên thấp thoáng dáng vẻ hình rồng, nghệ nhân Phạm Huy Cung đã nhiều năm trăn trở, lắng nghe ý đất trời để tạo từ khối gỗ lũa kỳ vĩ này hình con rồng đang vươn lên cao, cưỡi trên tảng mây lớn…”.

Tôi rất muốn miêu tả một chút để độc giả có thể hình dung ra phần nào tác phẩm kỳ vĩ này, tuy nhiên xem ra lời văn hoàn toàn không có tác dụng. Ngay cả những bức ảnh chụp mà bạn đọc có thể xem trên trang báo này cũng không sao phản ánh được. Tạo hình con rồng quá cao lớn, lại ở trong một xưởng mỹ nghệ thiếu ánh sáng. Hình chụp lấy được toàn cảnh thì xa, các đường nét tinh vi như vi, vảy, móng vuốt của rồng không hiện lên được. Còn chọn hình chụp rõ được những nét tinh tú ấy thì lại cục bộ từng mảng như kiểu thầy bói xem voi… Con rồng gụ hương có chiều cao gần 4 mét, đường kính thân rồng gần 1 mét, lại uốn lượn trong một chiều ngang cũng gần 4 mét. Quan trọng nhất là hình rồng nguyên khối, tuyệt nhiên không có sự lắp ghép nào. Phải mất gần tám năm ngẫm nghĩ và chế tác, tác phẩm này mới hoàn thiện. Lúc đầu nó được đặt tên “Kỳ Mộc Thạch” (khối gỗ hóa thạch kỳ vĩ). Trong lần đầu trưng bày ở triển lãm quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải đề bày tỏ sự kinh ngạc. Thủ tướng nói: Đúng là rồng thiêng đất Việt. Thế là từ đó tác phẩm độc nhất vộ nhị này được mang tên: “Rồng thiêng đất Việt”.

Không phải chỉ chúng tôi, những người lần đầu tiên được chiêm ngưỡng phải thốt lên như bắt gặp vật báu của trời, mà chính chủ nhân của tác phẩm, chị Nguyễn Hoàng Ngọc trong khi tâm sự với chúng tôi lúc nào cũng thầm thì câu nói: Đúng là cơ quyên của trời! Gia đình tôi đã chế tác hàng ngàn tác phẩm mỹ thật gỗ lũa, đã được nhiều bạn bè trong nước và quốc tế khen ngợi. Tuy nhiên, tất cả chỉ ở phạm vi nghệ thuật. Còn tác phẩm này nó không còn đơn thuần là nghệ thuật nữa. Nó là của báu, trời chỉ cho một lần, chắc chắn mãi mãi không bao giờ có duyên như vậy nữa. Nhà sử học Dương trung Quốc cũng khẳng định: Phải coi đây là bảo vật nước Việt!

2. CƠ DUYÊN CỦA NGƯỜI

Tết đến xuân về lại nói chuyện cơ duyên, có vẻ như tôi lại rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ mãi chuyện này. Vì sao tác phẩm Rồng thiêng đất Việt đã có từ bốn năm nay, mà nếu kể từ khi nghệ nhân gặp được khối gỗ quý thì đã trên mười hai năm, báo chí đã có nhiều bài viết, các nhà tỷ phú Singapore, tham tán văn hóa Đại sứ Quán Trung Quốc, một doanh nghiệp Đài Loan, vân vân nữa, đều đã tìm đến trả giá cực cao để có được rồng thiêng, thế mà mãi đến cuối năm 2004 này, tôi và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh mới được nhìn thấy. Có phải chí là chuyện cơ duyên?

Cứ một năm trôi qua, người ta làm được rất nhiều việc, gặp nhiều chuyện. Nếu kiểm điểm lại một đời người thì không kể xiết những việc đã làm. Có việc thành công. Có việc không thành công. Ngồi điểm lại, nếu hời hợt, ta ngỡ mọi sự việc đều diễn ra tự nhiên, gặp đâu làm đó, cứ như chủ trương, kế hoạch, lại thêm quyết tâm cao, thế là công việc hoàn thành. Riêng cá nhân tôi, đôi khi tẩn mẩn nghĩ suy, lại thấy hình như còn có cái gì đó nữa như là sự sắp đặt của tạo hóa, như là cái duyên tao ngộ, có lúc, có việc tuy là ý tưởng tốt nhưng hình như chưa gặp lúc thì sự việc vẫn chưa thành. Nói ví dụ về ý tưởng Cõi Trường Sơn. Ý tưởng này chợt đến với tôi cách đây sáu năm rồi. Đấy là lúc dự án nâng cấp Nghĩa trang Trường Sơn giai đoạn I chuẩn bị xây dựng. Để chuẩn bị ý kiến tham gia vào dự án này tôi đã lên nghĩa trang trong một buổi chiều, lặng lẽ một mình đi bách bộ… Thế rồi, ba tiếng Cõi Trường Sơn đâu đó chợt vang lên… Tuy nhiên, từ đó đến này, cõi Trường Sơn vẫn chưa có cơ duyên thực hiện. Rồi thì… lại đến chuyện nảy ra ý tưởng chen chân vào hành trình Con đường di sản miền Trung, tổ chức lễ hội Nhịp cầu xuyên Á với đêm: Huyền thoại cõi Trường Sơn… Hình như sau đêm lễ hội đó, tôi đã được mách bảo một cách rõ ràng về chốn cõi thiêng này. Không hiểu sao ý tưởng xây một tháp chuông kỳ vĩ với quả chuông kỷ lục ghines Việt Nam, được chạm khắc dấu ấn văn hóa thời đại Hồ Chí Minh đã xuất hiện trong đầu và giục giã tôi suốt ngày đêm. Có nhiều đêm chợt tỉnh giấc tôi mơ màng như nghe tiếng chuông ngân từ cõi Trường Sơn vọng về. Tôi lại lăn lộn tìm lên khu Bến Tắt, bắt gặp ngay một gò đá hình lưng Quy ngay bên khúc eo sông Bến Hải. Thế là dự án xây tháp chuông hiện rõ ra trước mắt. Thử hình dung xem, nếu một năm có một triệu lượt khách hành hương về viếng nghĩa trang, sau khi thành kính dâng hương lên mộ liệt sĩ, họ sẽ bước qua cầu Bến Tắt để đến với tháp chuông.  Trên cùng là một quả cuông kỳ vĩ được coi như bảo vật Quảng Trị, còn bản thân tháp là một công trình kiến trúc độc đáo. Trong lòng tháp sẽ chứa đựng cài gì? Có thể là một số hiện vật thật quý của di tích đường Trường Sơn. Có thể lại chạm khắc tên những liệt sĩ đang có mặt trong nghĩa trang… Còn gì nữa? Giữa lòng tháp chuông lớn ấy cần phải có cái gì tương xứng với quả chuông bảo vật phía trên chứ?

Chính cái lúc tôi đang day dứt tìm câu trả lời như vậy, thì thông tin về rồng thiêng bất ngờ đến với tôi. Có phải là cơ duyên không? Tại sao phôi gỗ lũa gụ hương này lại tìm thấy trên hẻm đá vùng núi Hòa Bình? Có phải chăng đây là tinh anh sông núi trầm tích lại từ đầu nguồn Trường Sơn? Một khối Mộc kỳ thạch từ đầu nguồn núi non nước Việt đã được hiện hình và tọa lạc vào trung tâm Cõi Trường Sơn, trong lòng một tháp chuông thời đại, phía trên là quả chuông kỳ vĩ, cứ đến ngày đại giỗ lại ngân lên dội vang sông núi. Hình dung đến đó, lòng tôi bỗng thấy xốn xáng.

Trong chuyển khảo sát của đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều thành viên của Hội đồng nghệ thuật Tỉnh, Ban giám đốc Sở Văn hóa thông tin và văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, chị Ngọc đã tâm sự: “Như các anh đã biết, từ khi tác phẩm Rồng thiêng đất Việt hoàn thành, đã có rất nhiều khách nước ngoài muốn mua với giá rất cao. Nhưng ý nguyện của nhà tôi trước khi nhắm mắt là muốn tác phẩm này phải giữ lại ở nước Việt. Hôm rồi, anh Dương Trung Quốc cũng nói với tôi, chị phải cố giữ lại cho đất nước. Tôi không ngờ rằng, hôm nay lại được đón các anh ở tỉnh Quảng Trị, nơi mà đứa em tôi đã nằm lại. Tôi xin thay mặt vong linh của chồng tôi, xin hiến tặng tác phẩm độc nhất vô nhị này về với mảnh đất Quảng Trị, về với cõi thiên nơi có em tôi…”

Đồng chí phó chủ tịch Nguyễn Đức Chính đã bày tỏ sự cảm kích đối với gia đình nghệ nhân và hứa: Nếu rồng thiêng về được Quảng Trị, chúng tôi sẽ thỉnh đến một vị trí xứng đáng. Đây không còn là một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, mà chắc chắn sẽ trở thành vật thiêng ở chốn cõi thiêng!

Quảng Trị, Xuân Ất Dậu

X.Đ

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 124 tháng 01/2005

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

20 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

20 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

20 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

20 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground