Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một thầy giáo như thế

Hè năm 2021 đọc cuốn hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của nữ đạo diễn Xuân Phượng do nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tôi rất ấn tượng. Thoạt đầu được tác giả viết bằng tiếng Pháp với tựa đề Áo dài, nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris Pháp, sau đó được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Hai mươi năm sau (2021) khi đó tác giả đã 92 tuổi cuốn Áo dài được viết lại bằng tiếng Việt mang tựa đề Gánh gánh… gồng gồng như món quà tinh thần mà tác giả trân trọng gửi tới những người thân yêu quanh mình.

Cuốn sách đến với bạn đọc trong lúc cả nước cũng gồng mình lên quyết liệt  chống đại dịch Covid-19 như chống giặc, tuy nhiên vẫn được bạn đọc hồ hởi đón nhận. Và thật là mừng cho tác giả, cùng một lúc đoạt hai giải thưởng danh giá: Giải A Hội Nhà văn Việt Nam và giải A Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là tác giả dành khoảng năm sáu trang viết về “Em bé 9 tuổi cầm súng” trở thành dũng sĩ đánh Mỹ nhỏ tuổi nhất của Quảng Trị. Chuyện ấy sẽ nói sau.

Bây giờ xin được nói trước, em bé 9 tuổi ngày ấy (1967), sau này là thầy giáo Phạm Công Đức dạy Vật lý trường THPT Gio Linh hiện đã nghỉ hưu. Đây cũng là cơ duyên dẫn tới cuộc hội ngộ của tôi và nhà thơ Nguyễn Minh Châu tại nhà thầy Đức ở khu phố 1 thị trấn Gio Linh vào một ngày nắng gắt đầu hạ. Chả là chúng tôi đang đi gặp gỡ nhân chứng tìm hiểu tư liệu để viết bài về ngành giáo dục đào tạo Quảng Trị “50 năm vì sự nghiệp trồng người”. Bữa đó, vợ chồng thầy Đức tiếp chúng tôi chân tình, cởi mở và sự mô phạm đặc trưng của nhà giáo. Cho dù khách đến đột ngột nhưng trên bàn đủ cả trà, thuốc, bánh trái hoa quả đàng hoàng; chưa ai kịp thưởng thức thứ gì đã thấy mát, ngọt trong người bởi sự hiếu khách của chủ nhà.

Qua giọng kể nhẹ nhàng chúng tôi được biết thầy tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1979 được bổ nhiệm về trường Quốc học Huế - một trường danh giá vào loại tốp đầu ngành giáo dục nhưng rồi nóng lòng, sốt ruột, muốn đóng góp chút gì đó đền ơn đáp nghĩa nơi mảnh đất sinh thành nên xin bằng được về quê dạy Lý trường THPT vừa học vừa làm Cồn Tiên mới thành lập. Thời điểm này đất nước đang phải căng mình ra khắc phục hậu quả nặng nề cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hơn hai thập kỷ. Trong bối cảnh chung đó, thầy trò trường vừa học vừa làm Cồn Tiên cũng không chùn bước trước bất cứ khó khăn, thử thách nào. Ngoài giờ học, nhà trường phải làm nhiều việc: trồng sắn, khoai, thu gom phế liệu chiến tranh, lấy đót làm hàng xuất khẩu, bứt tranh, đẵn gỗ xây dựng trường, lớp… gian nan, cực nhọc trăm bề. Rồi trong một lần chặt củi, thầy Đức ham việc đỡ bó củi quá nặng cho em học sinh, lỡ chân trượt ngã chấn thương cột sống, thành tật, đến nay lúc trái gió trở trời còn đau âm ỉ. Đau thì ráng sức chịu đựng, nên sau khi ra viện, thầy Đức vẫn lên lớp đều đều, hầu như không nghỉ dạy một tiết nào. Các công việc của công đoàn, phụ đạo, ngoại khóa, lao động… thầy Đức vẫn hăng hái như xưa. Sau đó để phù hợp với công việc và sức khỏe, tổ chức chuyển thầy về dạy ở trường THPT huyện Gio Linh cho đến tuổi nghỉ hưu.

Chuyển đi trường khác nhưng tấm gương vượt qua bệnh tật, bám lớp, bám trường của thầy Đức vẫn lưu lại ký ức tốt đẹp cho thầy trò trường THPT vừa học vừa làm Cồn Tiên và tấm gương ấy có sự lan tỏa đến một số trường khác trong tỉnh Bình Trị Thiên. Nhớ lại cái thời gạo châu củi quế, thiếu thốn trăm bề ấy, tác động không nhỏ đến việc dạy và học, nhất là việc an tâm với nghề giáo, yêu nghề, cống hiến, phụng sự trọn đời cho “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói. Tôi biết ở huyện Vĩnh Linh có đến mấy thầy cô bỏ dạy không “đứng lớp” nữa ra “đứng chợ”; người thì ở quầy tạp hóa người sửa xe máy, trong đó có cô M bạn thân của tôi mở sạp bán vải tại chợ Hồ Xá, bán bán, mua mua được lắm. Lúc đó tôi đang phục vụ trong quân đội, vẫn còn nhớ bài vè tếu táo nói về đội ngũ của mình sau khi về hưu: Đầu đường đại tá vá xe / Giữa đường, trung tá bán chè đỗ đen / Thiếu tá lủng lẳng thùng kem / Đại úy yên phận thổi kèn đám ma / Trung úy thì đi buôn gà… Lương bổng của mấy vị sĩ quan hưu được nói tới trong bài vè có khá hơn đồng lương khiêm tốn của giáo viên mà vẫn phải bung ra làm thêm đủ thứ nghề linh tinh thì một số thầy cô buộc phải bỏ nghề tìm kiếm cuộc sống đỡ chật vật hơn, tôi nghĩ có thể thông cảm phần nào. Nói điều này ra vừa là chia sẻ với thầy cô trong những ngày khốn khó gần nửa thế kỷ trước vừa là khẳng định cái nghị lực ý chí của thầy Đức và hàng ngàn thầy cô khác ở Quảng Trị lúc đó dũng cảm vượt qua khó khăn, thiếu thốn bám chặt nghề, xây dựng và phát triển nghề, công hiến, thủy chung trọn đời với nghề trồng người mà ngành giáo dục đào tạo Quảng Trị bền bỉ thực hiện trong suốt nửa thế kỷ qua.

Về dạy ở trường THPT huyện Gio Linh, thầy Đức nhận thức rất rõ sức khỏe mình suy giảm, đâu còn năng nổ như xưa nên bù lại phải cố gắng rất nhiều trong chuyên môn cũng như sự mô phạm của người thầy. Luôn tâm niệm với mình sống sao cho xứng đáng với kỷ cương, truyền thống của một gia đình cách mạng, xứng đáng với sự tin yêu của đồng nghiệp, bạn bè, học trò.

Sinh ra và lớn lên ở làng An Nha, xã Gio An, thầy giáo tương lai đã được ông nội, đảng viên từ kháng chiến chống Pháp có được học ít nhiều chữ Hán chọn mãi mới tìm được chữ “Đức” đặt tên cho thằng cháu nội yêu quý; chỉ mong cuộc đời cháu mãi mãi lấy đức làm trọng, để đức cho đời, có đức mặc sức mà ăn. Lời dạy của ông nội là những triết lý sâu sắc ăn sâu vào tâm trí thầy Phạm Công Đức suốt cuộc đời.

Lên ba bé Đức mồ côi mẹ; bố cũng là đảng viên, đã tập kết ra Bắc từ năm 1955; Đức sống trong vòng tay ông bà nội được năm sáu năm thì ông, bà lần lượt qua đời. Các bác cán bộ cơ sở bí mật đưa Đức ra Vĩnh Linh, chuẩn bị cho ra Bắc học văn hóa. Khi đó bé Đức được 9 tuổi. Đó là năm 1967. Mốc thời gian này đánh dấu cơ duyên Đức được gặp gỡ, quen biết và sau nữa là cộng tác với vợ chồng nhà đạo diễn Joris Ivens, người Hà Lan gốc Pháp, bạn thân của Hồ Chủ tịch vào Vĩnh Linh làm bộ phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân biết đến lấy làm nhân chứng nên có cuộc phỏng vấn rất thú vị ở một trường đoạn phim. Bộ phim ấy được chiếu rộng rãi ở Pháp năm 1968 gây xôn xao dư luận. Người ta căm phẫn lên án cuộc chiến tranh cướp nước của đế quốc Mỹ; người ta ca ngợi, ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc, vì chân lý thời đại, lương tri loài người.

Tôi tìm trên YouTube, say sưa xem bộ phim tài liệu dài 60 phút này và thực sự ấn tượng. Bé Đức ngày ấy mới 9 tuổi nom chững chạc, trên đầu ngay ngắn chiếc mũ bộ đội; ngồi điềm nhiên tháo lắp súng AK47, vừa từ tốn kể chuyện đánh giặc vừa trả lời phỏng vấn của nhà báo đâu ra đấy.

“Em bé 9 tuổi cầm súng” Phạm Công Đức

“Em bé 9 tuổi cầm súng” Phạm Công Đức

Đoạn ghi chép dưới đây là thông tin kết hợp lời kể trực tiếp hôm tôi khai thác tư liệu tại nhà thầy Đức và lúc xem phim. Hồi còn học tiểu học, có lần thầy giáo trước sức ép của địch buộc phải đem về một xấp tranh vẽ 7 người đàn ông ốm tong teo đeo trên cành đu đủ, phát cho học trò mỗi em một tấm, bảo đó là “Việt Cộng” không được tiếp xúc, phải tránh xa. Mang tranh về nhà hỏi ông nội, Việt Cộng là ai mà họ vẽ chi lạ rứa. Ông chửi, nội mi, Việt Cộng là ai hả, là nội mi, cha mi, là bác mi, là o mi, là… đó. Té ra Việt Cộng đâu phải là hình ảnh 7 người đeo trên cành đu đủ không gãy như bọn địch bêu xấu mà toàn là những người thân yêu gần gũi, ruột thịt ở chung quanh mình. Thế là bé Đức có cảm tình ngay với Việt Cộng. Từ cảm tình đến yêu quý, từ yêu quý đến làm được việc gì, góp chút sức mọn cho công chuyện của họ là Đức sẵn sàng. Nhà Đức cách đồn Cồn Tiên khoảng nửa cây số. Đây là một đồn quan trọng của địch khu vực giới tuyến quân sự hai miền Nam Bắc. Tại đây địch xây dựng một sân bay dã chiến. Bốn, năm lần trực thăng về, đậu kín, đêm bộ đội ta bắn cối ùng oàng cả đêm nhưng không hiểu sao, không diệt được chiếc nào. Nhìn thấy cảnh tối tối các chú lỉnh kỉnh vác cối, đạn đi, hồi khuya lại hì hục vác cối về, đạn thì không còn quả nào, mặt mày ai cũng ỉu xìu; Đức buồn lắm. Ông nội nói, có cách chi đo được chiều dài, chiều rộng sân bay báo cho “đằng miềng” biết thì bắn chắc trúng.

Đức nghĩ, ông nội nói rất trúng nên nhận làm ngay. Mấy ngày sau lính gác sân bay thấy mấy đứa trẻ trong đó có Đức mang khăng, theo mấy o gánh quà vặt vào bán. Thấy gái tụi lính xúm vào mua quà, tán tỉnh, hơi sức đâu để ý đến tụi nhỏ chơi trò đánh khăng con nít. Nói là trò con nít nhưng hiệu quả của nó mang lại chưa hẳn người lớn ai cũng nghĩ ra và làm được. Bởi đó là cách hay nhất che mắt địch để Đức đàng hoàng ra vào sân bay làm một việc rất mạo hiểm. Đo chiều dài, chiều rộng sân bay, báo cho “đằng miềng” biết như lời ông nội nói mà địch thì không nghi ngờ gì. Thế này nhé. Con khăng lúc đánh ra khỏi lỗ, bay vùn vụt rất khó bắt. Ai bắt được là thắng, có thưởng; được người thua cõng trên lưng chạy một đoạn đường nào đó do người chơi quy định. Đoạn đường ấy được đo bằng chính cái đòn khăng trẻ đang chơi, thường là năm sáu chục khăng, có khi hơn. Khôn khéo hơn, Đức luôn thay đổi vị trí chơi; nay chỗ này, mai chỗ khác nhưng không tùy tiện, lung tung, chỗ nào cũng được mà luôn bám theo rìa sân bay. Việc làm này là tạo cớ để Đức cũng dịch chuyển theo; đo, tính các cú cõng thưởng, đồng nghĩa với việc đo, tính chiều dài, rộng sân bay. Phải chăng đây là sự phát tiết của trí tuệ ở một em bé sáu, bảy tuổi, mới học những lớp đầu tiên bậc tiểu học. Nhờ cái mẹo vặt đó mà Đức tiếp cận được suốt chiều ngang, dọc cái sân bay trực thăng dã chiến nọ rồi đo bằng cái thước tự chế, đó là cái đòn khăng to cỡ bằng cái cán rựa. Rồi cũng bằng cái “cán rựa” ấy, tính tiếp khoảng cách từ nhà em đến sân bay, đến đường quan, đặc biệt là đoạn từ đường cái quan (nơi quân ta thường đặt trận địa cối tập kích) đến sân bay là bao nhiêu khăng. Bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân tôi xem cách nay hơn một năm trời vẫn còn nhớ giọng nói chắc như đinh đóng cột của Đức trước các nhà làm phim từ gần sáu thập kỷ trước: “Khoảng cách từ đường cái quan đến sân bay, em tính được 240 khăng”. Một khăng Đức đo được 14 gang tay của mình. Các chú bộ đội tính được một mét. Thế là ổn. Phần tử bắn sẽ được xác lập chính xác.

Tháng 6 năm 1966 Mỹ mở trận càn lớn vào khu phi quân sự. Đêm hôm đó chúng tập kết về sân bay nhiều trực thăng và lính Mỹ chuẩn bị cho cuộc càn vào sáng hôm sau. Đã biết được cự ly chính xác nên trong đêm lực lượng ta đặt cối ở đường cái quan lấy tầm bắn được Đức ước đo từ trước, nã cấp tập vào sân bay, thắng lớn, bắn cháy 12 trực thăng, diệt hàng chục lính Mỹ và ngụy. Trận càn của Mỹ bị phá ngay từ trong trứng. Chiến công ấy là của bộ đội và du kích Gio Linh nhưng công đầu là của em bé 9 tuổi Phạm Công Đức. Em được Bộ Tư lệnh mặt trận B5 phong tặng “Dũng sĩ diệt Mỹ” là thiếu niên đầu tiên của chiến trường Trị Thiên được tặng danh hiệu cao quý ấy. Thực ra đây không phải là lần đầu Đức làm được một việc đòi hỏi kỹ năng và sự can đảm, mưu trí của một người lính trinh sát. Trước đó em đã được ông nội giao cho làm một số việc tương tự như canh gác cho cán bộ họp trong nhà, liên lạc đưa thư, truyền tin, bới cơm cho cán bộ nằm hầm bí mật vv... Vâng! Điều tôi vừa kể chính là “vật bảo đảm” cho sự trung thực “nói lời phải giữ lấy lời” của Đức trong bộ phim tài liệu của ông Ivens.

Nhà báo hỏi bé Đức:

- Lúc đó (lọt vào đồn địch điều tra, trinh sát - N.V) cháu có sợ Mỹ không?

- Cháu không sợ.

- Cháu có sợ cọp không?

- Dạ, có chớ. Coọc (cọp - N.V) thì cháu sợ. Mỹ thì cháu không sợ. (Trên màn hình kèm với lời là một cú lắc đầu nhẹ và nụ cười bẽn lẽn của Đức).

Lại hỏi tiếp:

- Nếu lỡ bị bắt, cháu có khai không?

(Lắc đầu vẻ dứt khoát) Cháu không khai vì trước sau gì cháu cũng bị bắt rồi. Cháu khai là mấy chú bị lộ, hắn bắt mấy chú thì lấy ai mà đánh Mỹ.

Có lẽ quá ấn tượng và không thể quên được nhân vật đặc biệt này, nên 40 năm sau bà Xuân Phượng khi làm theo gợi ý của ông Ivens, đã giải nghệ nghề bác sỹ, trở thành nhà đạo diễn phim tài liệu; nên năm 2007 vào Vĩnh Linh quay bộ phim tài liệu Trở lại Vĩnh Linh - 40 năm sau nhọc công bươn bả hỏi thăm khắp nơi tìm kiếm bé Đức. Tưởng là vô vọng nhưng thật là may mắn một ngày trước khi về Sài Gòn, như là thần linh mách bảo, nhà báo Phan Khiêm Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị người đi theo giúp việc quay phim bỗng nhớ ra, hồi còn học cấp 3, cháu học Lý với một thầy giáo có tên là Phạm Công Đức. Ôi! Đúng là “nhân bảo như thần bảo” không sai chút nào. Thế là cô cháu gặp lại nhau thỏa lòng mong đợi. Được biết vợ chồng nhà đạo diễn Joris Ivens ngày xưa hiện ở Pháp, thầy Đức mừng lắm; liền gửi biếu ông bà Jorit gói quà mọn:“…năm 2012 tôi sang Paris đến thăm Marceline và đưa một gói quà của Đức tặng ông bà: Một kilogam tiêu đen nổi tiếng của Gio Linh hái từ khu vườn của các cháu.

Marceline ôm gói tiêu vào lòng rưng rưng: “Cảm ơn cuộc đời. Mừng cho bé Đức”. Chúng tôi đem một gói nhỏ hạt tiêu và đặt trên mộ Ivens. Tôi thì thầm kể chuyện cháu Phạm Công Đức với ông.

Ánh nến lung linh trước mộ. Trời chiều Paris trong nghĩa trang MontParnasse trở gió, Joris đang ở cùng chúng tôi (hồi ký Gánh gánh… gồng gồng…). Nghĩa tình của cô cháu Xuân Phượng - Phạm Công Đức đối với ông bà Joris thật là sâu nặng ân tình! Theo đó nghĩa tình thầy Đức đối với học trò và đồng nghiệp cũng sâu đậm không kém!

Thầy Nguyễn Ngọc Ý, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Cửa Tùng tâm sự: Tôi với anh Đức học đại học sư phạm cùng khóa, ra trường về dạy cùng trường, tôi dạy Sử, anh dạy Lý được 2 niên khóa, thời gian ngắn nhưng để lại trong tôi nhiều ký ức đẹp. Có thể nói ở anh Đức là một thầy giáo hiền lành, chăm chỉ, sống ngay thẳng, giản dị. Anh không mất lòng ai bao giờ. Đối với nghề thì tận tâm, tận lực dạy bảo học sinh. Đối với đồng nghiệp thì chân tình, cởi mở. Anh cũng là một trong nhiều giáo viên được các thế hệ học trò kính yêu, đồng nghiệp quý mến.

Thi thoảng lướt Facebook, tôi thấy trên trang Phạm Công Đức đăng khá nhiều hình ảnh và thơ phú, lời thăm hỏi lời chúc mừng, lời chia sẻ của hội hè, họp lớp, họp khóa, giao lưu, thăm hỏi. Học sinh cũ của thầy từ mấy chục năm trước, làm việc ở nhiều miền đất nước, người là kỹ sư, bác sỹ, luật sư, nhà báo, giáo viên, doanh nghiệp… về thăm quê không một ai quên thầy Đức. Và thế là thầy trò có dịp tụ họp nhau, hát hò, thơ phú, chụp ảnh, quay video tưng bừng; bạn bè, đồng nghiệp, học sinh đâu đâu cũng được chia sẻ. Nhiều đồng nghiệp, học sinh, bạn bè, đặc biệt là cô Xuân Phượng rất tâm đắc, chia sẻ bài thơ vui thú điền viên của thầy Đức đăng trên trang Facebook cá nhân: Bù nhà được giống quả dài / Bà siêng chăm tưới nên dài dài thêm / Sớm hôm lủng lẳng bên thềm / Vô ra thích mắt có thêm nụ cười / Mít vườn giống Thái trồng chơi / Cây chưa kịp lớn quả thời rõ to / Sớm hôm vun xới bà lo / Vô ra chăm sóc công to phần bà / Cóc, ổi sản phẩm vườn nhà / Tôi quèo bà hái làm quà cháu con / Sớm chiều ăn khỏe, ngủ ngon / Siêng rèn sức khỏe chẳng còn lo chi.

Từ trái sang: Thầy giáo Phạm Công Đức, đạo diễn Xuân Phượng và nhà báo Nguyễn Hoàn trong buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” tại Quảng Trị năm 2022 - Ảnh: H.C.D

Từ trái sang: Thầy giáo Phạm Công Đức, đạo diễn Xuân Phượng và nhà báo Nguyễn Hoàn trong buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” tại Quảng Trị năm 2022 - Ảnh: H.C.D

Thật là mừng cho thầy Đức hưu trí nhưng không “hư trí” như thầy thường nói vui vừa là lời khuyên bạn bè vừa trước hết để răn mình, mà vẫn tạo lập được cuộc sống tinh thần phong phú, chất lượng thường xuyên rèn luyện trí lực. Gần đây cô Tịnh người bạn đời, bạn đồng nghiệp của thầy cũng được nghỉ hưu, mở quán cóc bán tạp hóa tại nhà vừa có thêm việc làm, thêm thu nhập lại vui cửa vui nhà, vui tuổi già với nửa trung đội con, cháu nội ngoại, dâu, rể.

Từ Em bé 9 tuổi cầm súng ngày xưa trở thành thầy giáo cầm phấn hôm nay, Phạm Công Đức đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công dân của mình. Với gần 40 năm đứng trên bục giảng, trái tim nhà giáo không khi nào nguội lửa để truyền lửa cho các thế hệ học trò thắp sáng hai chữ “lễ” và “văn” - hoài bão cháy bỏng của cha ông ta từ ngàn đời nay. Đó là trách nhiệm công dân nặng nề nhất, vinh quang nhất, cao thượng nhất thầy Đức đã hoàn thành như trăm ngàn nhà giáo khác đã cống hiến trọn đời mình cho ngành giáo dục Quảng Trị suốt nửa thế kỷ qua.

Thiết nghĩ, có được nhiều thầy giáo như thế thật hạnh phúc.

 

Bút ký của TRẦN BIÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 350

Mới nhất

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 09:32

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 09:34

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 09:23

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 09:29

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

19 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground