Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Còn chút phong hương

Mùa này đi dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua Hướng Phùng sẽ bắt gặp những khóm phong hương lá đang đổ vàng sang đỏ. Đó là hình ảnh làm người ta nghĩ đến mùa thu của châu Âu…

Rừng phong hương mùa thay lá ở Hướng Hóa - Ảnh: Nông Văn Dân

Rừng phong hương mùa thay lá ở Hướng Hóa - Ảnh: Nông Văn Dân

Cuối thu, cái lạnh bắt đầu chập chờn với sương giăng mờ là lúc một khoảng rừng vàng rộm. Đó là sắc lá phong hương đang ngậm vàng để chuẩn bị đỏ ối, kết thúc sứ mệnh làm lá để về với đất. Phong hương có mặt ở phía bắc Hướng Hóa như một đặc ân của đất trời đối với vùng đất này. Bởi khi lá nhuốm một màu vàng là lúc những tay máy, khách phượt kéo nhau đến thưởng ngoạn phong cảnh đặc sắc này.

Đi qua những bãi cỏ xanh rờn vừa mới nhú lên từ lòng hồ Rào Quán sau khi mực nước rút xuống là đến những ngọn đồi thấp. Những bờ bãi lộ ra như vũ điệu nude của núi đồi sau thời gian trầm mình dưới nước. Một rừng cây khô đã chết từ thủa nào, quanh năm nước ngập giờ hiện ra khẳng khiu, gầy guộc trơ cành giữa mùa đông. Trong tiết trời sương mù lãng đãng, nhìn những cành khô trong một gam màu âm bản thật thú vị. Đi xa hơn, những ngọn đồi xanh lỗ chỗ những đám phong hương mọc chen nhau, lá đã nhuốm vàng. Những cái trầm trồ khi nhìn thấy loài cây thoát lên vàng đỏ giữa khoảng màu xanh của rừng già.

Ở độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, lá phong hương còn e ấp với sắc đỏ khiêm tốn. Tuy nhiên, theo đồng bào Vân Kiều bản địa, càng lên cao, lá cây phong càng đỏ. Đỏ như những cánh rừng châu Âu mỗi mùa thu đến.

Người ở đây kể rằng, khi mùa lá thắm, những đôi tình nhân lên đây hẹn hò. Chuyện kể rằng, ngày xưa trên đỉnh núi cao có hai người yêu nhau. Họ lớn lên cùng nương rẫy, giữa bốn bề rừng xanh. Họ cùng nhau trỉa lúa, cùng nhau hái ngô, cùng uống nước một dòng suối. Mùa thu, dưới tán cây phong hương họ trải lá nằm rồi trao cho nhau nụ hôn đầu, cùng nhau ăn “trái cấm”. Nhưng chàng trai chí lớn, theo dấu chân bắt hổ trong rừng già để minh chứng về niềm kiêu hãnh và lòng dũng cảm. Ngày ngày tháng tháng, chàng trai mất hút tận rừng sâu. Cô gái ngày ngày lên rừng tựa gốc cây phong hương đợi chờ. Cho đến khi giọt máu trong mình thành hình hài và sinh nở một bé trai.

Cô gái nuôi con một mình và tiếp tục chờ đợi hình bóng người thương từ rừng sâu trở về. Mỗi mùa lá phong hương đỏ là một mùa chờ đợi. Cô gái trở thành thiếu phụ, cứ sống trong kỉ niệm thời trẻ với chàng trai cho đến khi cô không còn nhớ tên mình nữa. Ngày ngày cô cười nói dưới cội phong hương. Tiếng cười giữa rừng vắng nghe như là oán trách. Một ngày cô cầm lá phong hương đi ngược suối để tìm người thương… Từ ấy bản làng không còn thấy người đàn bà luỵ tình này nữa. Người ta đồn rằng cô đã chết hóa thành cây phong hương ở trên núi Pa Thiên. Vì ở đó, người ta thấy lá phong hương đỏ “như mối tình đượm lửa”.

Rừng phong hương thu hút du khách đến khám phá - Ảnh: Bôn Nguyễn

Rừng phong hương thu hút du khách đến khám phá - Ảnh: Bôn Nguyễn

Chuyện tình lá phong hương của người vùng cao nơi này nghe buồn man mác. Chợt nhớ tới hình ảnh nhìn người yêu lên ngựa rồi mất hút trong câu thơ của Nguyễn Du lúc tả Thuý Kiều chia tay Thúc Sinh: Người lên ngựa kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Một nỗi buồn hoang hoải, thi vị giữa núi đồi trùng điệp khiến ai cũng muốn đời mình một lần đi qua.

Trong khi câu chuyện tình phong hương của cô gái Vân Kiều còn nhiều thổn thức thì ở miền núi Tây Bắc, tình yêu dưới cây phong hương như muốn níu giữ những gì lỡ làng đã trôi vào quá khứ. Mỗi năm đến mùa thay lá, khi cây phong hương đỏ như đốm lửa cháy trên trời cao là lúc những đôi tình nhân không có cơ hội cưới nhau sẽ hẹn hò dưới gốc phong hương để tự tình. Mỗi năm một lần, họ gặp nhau dưới khung trời đỏ lửa phong hương để thắp lên những đốm lửa từ tuổi hoa niên đang cháy dở dang...

Ôi tình yêu, đẹp thay. Nó là những gì còn lại sau khi mọi thứ đã quên. Thi thoảng dáng hình ai đó hiện lên giữa một không gian quen thuộc. Khi khứu giác bị đánh thức bởi một mùi hương quen, đó là nắm lá phong hương đưa hồn về viễn xứ. Ở đó trên đôi cánh thiên thần, ta như được trẻ lại để sống cho mình một lần nữa. Để không lần lữa, không lỗi hẹn và cứ cháy hết mình như lá phong đỏ au trên cành nhẹ nhàng rơi xuống đất.

Đôi lúc dặn lòng hãy hít thật sâu vào lòng ngực thời khắc hiện tại để khi quay lưng không còn hối tiếc. Những hẹn thề sẽ không sống mãi bên mình, nó như chiếc lá phong xanh non lộc biếc, đến lúc xanh đậm, ngả vàng rồi đỏ thẫm như một đóa phù dung đổi màu.

Đi qua những cánh rừng phong ngả màu. Những chiếc lá làm một phận đời cứ thế xanh, vàng, đỏ. Trông qua như một bức tranh đa sắc mà màu đỏ thẫm làm chủ đạo. Một chút xao xuyến mơ hồ không thể nào chuyển tải thành ký tự, thành âm thanh. Như bắt gặp phận mình từ tiền kiếp, mơ hồ nhận ra và mơ hồ nhớ quên.

Mình đã đến đó và nghe lá kể chuyện tình xưa. Nhặt chiếc lá phong hương đặt vào lòng tay rồi áp lên ngực. Nghe tiếng rừng thở trong lòng ngực. Thi vị và thiêng liêng như người dân Canada in hình chiếc lá phong vào quốc kỳ và đồng tiền của họ. Rồi mùa xuân sẽ xóa đi những gam màu vàng võ và đỏ thẫm ấy. Những hồ nghi về tình yêu, phận người cũng không còn là thứ để ta phải ra sức kiếm tìm.

Để rồi xuống phố, khi nghĩ về một thứ không thể nhớ, ta ngửa bàn tay còn một chút hương phong.

 

Tản văn của YÊN MÃ SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 348

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

6 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground