Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồn cỏ, ngày mới

C

ồn Cỏ xa mà gần

“Con đường nào mà thay đổi liên tục và lần nào đi cũng mới?”. Câu hỏi thú vị mà Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, anh Lê Quang Lanh đưa ra, khi con tàu gỗ của ngư dân Cửa Việt đưa đoàn chúng tôi ra thăm huyện đảo đang chồm trên sóng trắng của ngày biển “rêm” trước những cơn gió chuyển mùa. Cả thuyền sôi động hẳn lên. Anh Thế, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị bảo: Đó là muôn mặt con đường miền núi những ngày mưa trắng trời, trắng đất Quảng Trị ở Hướng Hoá, Vĩnh Ô, Vĩnh Hà... Nhà báo Hữu Thành khéo tưởng tượng bay bổng khi nghĩ đó là con đường trời của mây trôi và những túi khí dằn xóc đổi thay qua mỗi chuyến bay. Vẫn cái cười rất trẻ của một bí thư đoàn ngày nào, anh Lanh chỉ vào những con sóng bạc đầu đang vỡ tung trước mũi tàu cười: “Đó! Chính là con đường đó đó!”. Tất cả cùng “À!” lên. Phải, chính con đường mà hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đưa người, đưa lương thực, thực phẩm, đưa vật liệu xây dựng, đưa dầu, đưa cả những lá thư đất liền ra đảo là con đường độc nhất vô nhị trên thế giới này thay đổi từng giờ, từng phút, nhưng lại nối gần hơn lòng người của đất liền và đảo nhỏ Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ, theo dư địa chí Quảng Trị còn có tên là Hòn Cỏ, Thảo Phù, Hòn Con Hổ. Có diện tích tự nhiên hai trăm hai mươi bảy ha, nằm vắt ngang qua Vĩ tuyến 17 lịch sử. Ở vào khoảng 17,2 độ vĩ Bắc, 107,7 độ kinh Đông, cách di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc huyện Vĩnh Linh hai mươi lăm km. Ra đảo mất khoảng hơn hai giờ tàu chạy ngày biển êm và hơn ba giờ tàu ngày biển “giận”. Đứng ở hiên nhà trưng bày địa đạo Vịnh Mốc nhìn ra biển vào những ngày trời trở gió âm u đảo nhô lên trên chân sóng một chấm nhỏ như một phao tiêu. Bác Diệu, cán bộ hưu trí ở phường 1, thị xã Đông Hà, nguyên là chính trị viên C22 đơn vị tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ kể lại: “Những ngày chiến tranh ác liệt, địch huy động hàng ngày máy bay, hàng trăm tàu chiến đánh phá ác liệt hòng chiếm đảo. Tàu chiến Mỹ-nguỵ đậu đen từ Cửa Việt ra đến tận chân đảo, hòng cắt đứt con đường tiếp tế cho đảo. Nhưng với khẩu hiệu “Tất cả vì đảo nhỏ thân yêu”, hằng đêm từng đoàn thuyền chèo tay của ngư dân, dân quân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái vẫn chất nặng rau, gạo, lợn, súng đạn và cả những lá thư hậu phương, là nguồn tiếp tế, tiếp sức của cả nước, của Vĩnh Linh cho đảo. Không thể để một ngày các chiến sỹ ở đảo thiếu ăn, thiếu súng đạn đánh giặc. Thuyền đêm trước vỡ, đêm sau lại vá víu căng buồm ra biển. Những người đêm trước vừa ngã xuống thì đêm sau những người thân đầu đang mang khăn trắng lại tiếp tục xuống thuyền làm nhiệm vụ. Nhiều người đã khóc vì không được xuống thuyền tiếp tế cho đảo...”. Trước sự hy sinh và đùm bọc của đất liền, các cán bộ, chiến sỹ đảo ngày đêm nắm chắc tay súng kiên cường đánh trả các cuộc tấn công điên cuồng của máy bay và tàu chiến giặc, bảo vệ vững chắc đảo tiền tiêu Cồn Cỏ anh hùng. Và ngày ấy ở địa đầu Vĩnh Linh chống Mỹ nơi nào cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất nơi ấy được đặt tên là Cồn Cỏ.

Vợ chồng anh Nguyễn Quang Thảnh một trong những cư dân Thanh niên xung phong đầu tiên của ba xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) ra đảo từ năm 2002, vừa về quê thăm con cùng ra đảo với chúng tôi lần này đã không dấu được xúc động nói: “Vợ chồng em đều có người nhà hy sinh trong những lần vượt biển, tiếp tế cho đảo ngày đánh Mỹ ác liệt mà bác Diệu kể. Chọn đảo là quê hương thứ hai để một lần nữa nối gần hơn đất liền và đảo”. Vợ Thảnh cười bẻn lẽn: “Chúng em là cặp cưới đầu tiên ở đảo và cư dân nhỏ tuổi đầu tiên của đảo giờ đã vào mẫu giáo”. Cùng lây niềm xúc động hạnh phúc của anh chị, tôi nghĩ: “Một phần đất làng, người làng của Vĩnh Linh, Quảng Trị đang ở đảo. Và trong ấy nơi tiếng gà gáy sớm, nơi khói lam chiều có mái nhà tuổi thơ, mẹ, cha, ông, bà ruột thịt của những người dân đảo. Và ở đây, những mái nhà nơi đảo nhỏ, với cảnh con lợn đang đòi ăn trong chuồng, đàn gà tục tục gọi con và mảnh vườn nhà đủ loại rau lang, ngót, dền, mồng tơi... tôi như thấy Cồn Cỏ là một phần làng vừa tách ra từ cái núm ruột đất liền”.

Ở văn phòng tổng đội Thanh niên xung phong khi đặt chân đến đảo tôi thật bất ngờ khi gặp ở đây ông Abelrdo Perez Ayllon chuyên gia cao cấp của viện quy hoạch Cu Ba sang giúp huyện đảo lập quy hoạch tổng thể đảo Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch. Anh Lanh giới thiệu: “Đây là anh Hùng!”. Ông Abelrdo Perez Ayllon tiếp lời: “Đây là tên Việt Nam mà anh Lanh đặt cho tôi đấy!. Tiếng Việt Nam Hùng có nghĩa là anh hùng”. Một người con của một hòn đảo anh hùng đi nửa vòng trái đất đến một đảo nhỏ anh hùng. Thật bất ngờ và thú vị. Tôi hỏi ông: “Điều gì hấp dẫn ông đến đây và ấn tượng của ông về đất người Cồn Cỏ”. Ông Abelrdo Perez Ayllon trả lời với giọng thật trầm: “Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến quê hương của các bạn, nhưng cái tên Việt Nam, Quảng Trị, Cồn Cỏ đã trở thành tên gọi thân thương đối với đất nước Cu Ba. Chắc bạn còn nhớ câu nói nổi tiếng của chủ tịch Phiđen Caxtoro của chúng tôi: “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Khi đến đây thắp một nén hương cho những người đã nằm xuống và phần lớn họ đều chỉ ở tuổi đôi mươi. Họ ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ. Điều đó cắt nghĩa cho tôi hiểu vì sao các bạn lại đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Tôi rất vinh dự là người được tham gia quy hoạch tổng thể đảo Cồn Cỏ anh hùng trở thành đảo du lịch. Theo tôi Cồn Cỏ là một đảo nhỏ có nhiều lợi thế về du lịch vì nó nằm không quá xa và không quá gần so với đất liền. Xung quanh và trên đảo có nhiều phong cảnh đẹp, hơn nữa đây là một hòn đảo anh hùng. Cái tên Cồn Cỏ đã gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của người dân Quảng Trị nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Tôi nghĩ rằng trong tương lai Cồn Cỏ sẽ trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn với khách du lịch. Cồn Cỏ đang đón chờ du khách...”. Chuông điện thoại reo, ông Abelrdo Perez Ayllon xin lỗi tôi vì ngắt cuộc chuyện để nghe điện thoại. Lại một bất ngờ khác. Người dân huyện đảo Cồn Cỏ đã gần hơn với đất liền...

Hòn đảo huyền thoại

Đặt chân lên đảo việc đầu tiên chúng tôi làm là lên đồi Si - Hải Phòng để thắp hương tưởng niệm cho gần một trăm liệt sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo ngày chống Mỹ. Bãng lãng trong khói hương nghi ngút, phóng tầm mắt ra màu xanh hồi sinh của Cồn Cỏ còn thấy đâu đây dấu tích chiến tranh tàn khốc trong những hố bom mà hơn bốn mươi năm hoà bình vẫn chưa kín miệng. Có thể nói trong chiến tranh, Cồn Cỏ là nơi túi bom, túi đạn. Và cũng ở nơi đây đã sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng huy động máy bay, tàu chiến bao vây, đánh phá đảo. Cường độ của cuộc chiến tranh đạn bom, sắt thép có lẽ ngang bằng với sự đánh phá khốc liệt của giặc Mỹ ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Để bao vây chiếm đảo, Mỹ-nguỵ đã dùng đạn bom ác liệt san bằng đảo. Ngày ấy như lời kể cuả bác Trần Đăng Khoa, nguyên là chính trị viên trưởng đảo Cồn Cỏ: “Đất trên đảo như thành bột đỏ, sục tay vào có thể lôi ra vài mảnh bom, mảnh đạn bỏng rát”. Xảo quyệt hơn, với hy vọng tiêu diệt lực lượng bé nhỏ trên đảo trong thời gian ngắn nhất, Mỹ- nguỵ đã dùng tàu chiến phong toả đảo và bắt năm mươi đồng bào đánh cá trên biển thả lên đảo làm cho nguồn thức ăn, nước uống cạn kiệt nhanh hơn. Nhưng thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo” trong hơn một nghìn năm trăm ngày đêm đối mặt với quân thù, những chiến sĩ giữ đảo đã đánh hơn một ngàn trận đánh lớn nhỏ, bắn rơi bốn mươi tám máy bay Mỹ, bắn chìm mười bảy tàu chiến, hải thuyền của địch. Tướng nguỵ Nguyễn Cao Kỳ trong đêm 14/3/1965 khi dẫn đầu tốp máy bay địch tấn công Cồn Cỏ đã suýt bị bỏ mạng vì pháo cao xạ của đảo. Nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã dựng nên tượng đài Cồn Cỏ anh hùng bất khuất: Anh hùng Thái Văn A chiến sĩ đài quan sát đã tự mình rút mảnh đạn, tự băng bó quyết không chịu rời trận địa. Chiến sĩ Nguyễn Hữu Quý giữa lúc bom đạn ngút trời đã bất chấp hiểm nguy cởi mũ sắt che cho kính ngắm SĐi cao xạ 14 ly 5 cùng đồng đội bắn rơi bốn máy bay Mỹ. Chiến sĩ Trần Văn Thúc kiên trì chịu đựng trên bàn mổ không một lời kêu rên khi phải nối chín khúc ruột không có thuốc tê. Đó là chiến sĩ Lê Ngọc Oanh bị vết thương nặng trước lúc lâm chung chỉ kịp nói với đồng đội: “Tôi không có gì phải tiếc nuối, ân hận, chỉ tiếc rằng không được cùng với các đồng chí tiếp tục chiến đấu bảo vệ đảo”. Với những chiến công đã trở thành huyền thoại, đảo Cồn Cỏ anh hùng đã hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng và ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Hai câu thơ của Bác “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận- Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ” đã trở thành tấm bảng vàng ghi công nhiều ý nghĩa của Cồn Cỏ.

Thả bộ cùng anh Lanh đi dọc con đường 5km trải nhựa phẳng lì đi một vòng quanh đảo, tôi nghĩ: “Đây có lẽ là con đường dài nhất trong những con đường huyện lỵ trong cả nước nếu tính tỷ lệ diện tích tự nhiên và chiều dài đường sá”. Cảnh sắc ở đây thật yên bình và nhiều màu sắc: Màu đỏ của nhà, của đất, màu xanh của cây lá và có một màu thật gợi, thật khó diễn tả... màu của sự hồi sinh, đổi mới. Không biết tôi có quá đa cảm không, nhưng ngắm những công trình mới của đảo: Âu tàu, đường sá, kè chắn sóng, đèn biển, đài phát thanh và làng thanh niên...tôi như đang nhìn thấy một dự cảm tốt lành của một Cồn Cỏ-thành phố biển tương lai. Anh Thế kể: “Những công trình là công sức của anh em binh đoàn 11,12 và tổng đội Thanh niên xung phong huyện đảo làm việc cật lực trong hơn ba năm. Những ngày đầu thật gian khổ: Nhà cửa chưa có, đường sá đi lại chỉ là đường mòn, cả đảo ngập trong cỏ dại và cây rừng... Bữa cơm hàng ngày của những cư dân đầu tiên đi xây dựng đảo chỉ toàn là rau canh tàu bay, rau tập tàng nấu với khuyếc khô và những con cá tranh thủ câu được ở biển. Một trăm năm mươi ngàn đồng tiền phụ cấp cùng với nhiệt tình có thừa của tuổi trẻ, những người dân trẻ của đảo đã đứng vững để chung tay xây dựng những công trình. Ngày ấy mỗi một viên gạch, một lạng ximăng, một cân sắt đưa được ra đảo là cả một kỳ công. Nếu một viên gạch ở Đông Hà có giá là bảy trăm đồng thì khi ra đến đảo có giá là một ngàn tám trăm đồng. Những ngày biển “trở mình” còn vất vả hơn nhiều, khi hơn một ngày trời tàu phải neo ngoài biển mới vào được đảo để dỡ hàng. Nhìn mười sáu ngôi nhà nhỏ mái đỏ, tường vàng của các hộ Thanh niên xung phong lưng dựa vào vách đảo mặt hướng ra đón gió bãi Tranh- bãi tắm đẹp nhất Cồn Cỏ, mới thấy hết sự hi sinh gian khổ và thật lớn lao của bốn trăm năm mươi cư dân Cồn Cỏ trong dựng xây. Những công dân trẻ của một Cồn Cỏ mới đang viết tiếp những huyền thoại mới của một Cồn Cỏ anh hùng. Một thành phố đảo du lịch đang thành hình và bảy công dân trẻ đã được hoài thai và sinh ra tại đây, như là nhịp sống mới đang hồi sinh mạnh mẽ ở Cồn Cỏ...

Thức dậy trước bình minh...

Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện đảo, đọc những con số báo cáo biết nói: Từ năm 2002 đến nay, huyện đảo đã đầu tư xây dựng: Âu tàu (ba mươi tỉ đồng), đường quanh đảo 5km, làng thành niên (năm tỉ đồng), kè chắn sóng (ba mươi tỉ đồng), đèn biển (sáu tỉ đồng), đài phát thanh (hai trăm triệu đồng), trung tâm bưu chính viễn thông (bốn tỉ đồng)... Âu tàu đã tiếp nhận và cung ứng dịch vụ nghề cá cho mười ngàn lượt tàu thuyền ghé đảo. Trồng mới và bảo vệ mười ha rừng phủ xanh đảo. Mà như vui lây với sự hào hứng của Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Lê Quang Lanh: “Chúng tôi phấn đấu đến 2010 đạt tỉ trọng cơ cấu kinh tế xây dựng và Tiểu thủ công nghiệp 50-55%, du lịch - dịch vụ 30-35%, thuỷ sản nông nghiệp 10-15%/năm. Hai mươi ngàn lượt ngư dân ghé đảo để được phục vụ dịch vụ nghề cá và đảo có khu trung chuyển sơ chế thuỷ sản. Có đội tàu 350-400CV đánh bắt cá xa bờ với sản lượng khai thác 250-300 tấn/năm. Có hệ thống phong điện hai triệu USD phục vụ dân sinh. Hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch... Phấn đấu xây dựng huyện đảo vững về chính trị - giàu về kinh tế - mạnh về quốc phòng an ninh- đẹp về văn hoá. Để một ngày không xa Cồn Cỏ anh hùng sớm trở thành huyện đảo văn hoá du lịch nơi cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc”. Khi được hỏi về dự án quy hoạch tổng thể Cồn Cỏ anh hùng trở thành đảo du lịch- một hướng mở tiềm năng của huyện đảo, ông Abelrdo Perez Ayllon cho biết: “theo quy hoạch diện tích đảo dành cho du lịch là 40ha, hạ tầng dịch vụ được thiết kế đồng bộ, hiện đại nhưng vẫn hài hoà với cảnh quan thiên nhiên trên đảo. Hệ thống khách sạn dự kiến sẽ có khoảng ba trăm phòng, sức chứa bảy trăm du khách, với tổng số kinh phí đầu tư hai mươi bốn triệu USD. Ý tưởng quy hoạch là các hoạt động du lịch biển đảo bơi lặn, câu cá, tắm biển sẽ kết hợp với du lịch, lịch sử. Tạo nên một nét đặc thù hấp dẫn du khách. Để du khách sau khi đặt chân đến đảo sẽ còn muốn quay trở lại lần nữa”. Ông nhấn mạnh: “Tôi tin rằng tiềm năng tự nhiên của Cồn Cỏ đang đón chờ du khách...”.

Buổi sáng chia tay với Cồn Cỏ. Sáng thức dậy đứng dưới cụm phong ba, bàng biển nơi rìa đông đảo, chờ ánh bình minh đang thức dậy hồng lên phía chân sóng, tôi bỗng thấy mình là người giàu suy tưởng khi nghĩ về những công dân trẻ của Cồn Cỏ, những đổi thay đang dần hiện trên đảo nhỏ anh hùng này như bình minh đang thức dậy ngoài kia. Và cả hình ảnh đẹp về một chuyên gia Cu Ba, “con cháu” của Phiden Caxtơrô- công dân của một hòn đảo anh hùng đi nửa vòng trái đất đến Cồn Cỏ cùng chung tay, góp sức xây dựng một đảo Cồn Cỏ anh hùng trong đấu tranh- thành một đảo Cồn Cỏ du lịch đẹp giàu trong xây dựng, là một bước đi của thời gian, của lịch sử. Nơi chân sóng bể Đông- một Cồn Cỏ đang thức dậy trước bình mình...

 

V.T.N

 

Võ Tiến Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 162 tháng 03/2008

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

7 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

12 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground