Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồn Cỏ trong mắt họa sĩ Quảng Trị

V

ào những ngày tháng năm lịch sử của đất nước, chúng tôi có dịp trở lại huyện đảo với một trại sáng tác Mỹ thuật của các họa sĩ tỉnh nhà để chuẩn bị tham dự triển lãm khu vực Bắc miền Trung lần thứ XVI tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tháng 8 năm 2013.

Kế hoạch của Phân hội đã đặt ra từ đầu năm là hội viên phải có nhiều tác phẩm về biển đảo, về sinh hoạt của ngư dân và về các hoạt động gắn liền với miền sông nước trong năm nay, nên lúc chuẩn bị cho chuyến hành trình ra đảo, anh em trong phân hội rất náo nức, rất nóng lòng để sớm đến được với địa danh lịch sử này. Một địa danh đã từng hai lần được đón nhận danh hiệu anh hùng, được tặng thưởng hai huân chương Độc lập, hai huân chương Quân công, bốn huân chương Chiến công và nhiều cán bộ chiến sĩ được tặng danh hiệu anh hùng như Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật... trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và đặc biệt hơn nữa, địa danh này đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. 

*  *  *

Đúng hẹn như BCH Phân hội đã thông báo, 5 giờ rưỡi sáng, các họa sĩ đã tập kết ở một địa điểm tại thành phố Đông Hà, xe đã chờ sẵn để đưa đón đoàn về cảng Cửa Việt, cùng tháp tùng với đoàn, còn có Đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh ra phục vụ đảo nên chuyến đi khá vui, có nhiều hoạt động phong phú, bổ ích.

Chúng tôi chuyển đồ đạc, hành lý lên một con tàu khá lớn, sau khi đã ổn định được các vị trí trong khoang, đúng 7 giờ sáng tàu xuất phát, mũi tàu quay về hướng đông rồi rồ máy. Bến cảng xa dần và chúng tôi bắt đầu được lênh đênh trên biển cả. Một màu xanh bao la, trùng điệp trải ra trước mắt, những đàn cá thi thoảng bay lên hướng về phía trước như đùa giỡn, nghịch ngợm với con tàu, những lớp sóng nhấp nhô nối nhau tiến vào bờ, một vẻ đẹp không tài nào tả được, từng chấm nhỏ màu trắng ẩn hiện và lớn dần cho đến lúc lộ rõ ra những con tàu đánh cá ngoài khơi xa. Chúng tôi ôm cặp vẽ ra ngồi hai bên mạn tàu nhưng chẳng ghi chép được gì, bởi con tàu cứ chao đảo, lắc lư không theo một nhịp điệu định hình nào cả.

Hơn sáu mươi phút trôi qua, nắng sớm đã lên cao, xóa tan lớp màn sương biển, khoảng trời phía trước thấp thoáng hiện ra một hình thù lạ mắt, chúng tôi cứ tưởng tượng như một con cá sấu đang nằm theo chiều ngang bất động trên mặt nước, cứ thế rồi lớn dần, rõ dần ra một hòn đảo uy nghiêm, oai phong, lẫm liệt. Chúng tôi được chủ tàu cho biết: Theo huyền thoại và những dẫn cứ khoa học thì đảo Cồn Cỏ được hình thành từ quá trình vận động phun trào của núi lửa từ nhiều thế kỷ trước, nên cấu tạo khá đa dạng. Trên đảo, vừa có đất đỏ bazan, vừa có cát vàng mịn, có nhiều tảng đá nhấp nhô xếp theo triền đảo ven biển, những cánh rừng nhiệt đới xưa cổ hấp dẫn và dưới làn nước biển xanh là những rạn san hô nhiều màu sắc. Chính vì thế, nên vẻ đẹp của Cồn Cỏ như là một bức tranh được bố cục sẵn, và cũng là vẻ đẹp nguyên sơ đầy chất lãng mạn.

Khi được nghe khái quát về sự hình thành của đảo, các họa sĩ trẻ rất ao ước muốn được đặt chân lên ngay để biết được hình hài, lịch sử cũng như cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và cư dân ở nơi miền sóng gió, ở một vùng đất đầy khó khăn, gian khổ như thế nào, còn về phía các họa sĩ lớn tuổi, tuy đã có dịp ra đây nhiều lần, nhưng bây giờ cũng muốn xem lại tận mắt mọi sự thay da đổi thịt của huyện nhà ra sao để mừng cho một đơn vị hành chính non trẻ của tỉnh mới gần mười năm được khoác trên mình một cái tên mới: “Huyện đảo Cồn Cỏ ”.

*  *  *

Cái nắng giữa tháng năm trên đảo nóng ran người, cùng với gió lào khô rát từ đất liền thổi ra cộng với hơi nước biển mặn chát ngấm vào da thịt làm cho cơ thể khó chịu so với thói quen sống ở thành thị thường ngày, mới tắm rửa xong đã thấy rít rát trở lại như chưa hề tắm, thế mà cuộc sống trên đảo vẫn bình thản, vẫn lao động nhịp nhàng với bản năng chịu khó, chịu khổ của những CBCNVC, chiến sĩ và cả người dân tình nguyện ra đây xây dựng địa phương từ lúc tỉnh nhà mới phát động.

UBND huyện đã ưu ái dành riêng cho chúng tôi một hội trường ở tầng ba để làm lễ khai mạc trại, ông Lê Quang Lanh, Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo các ban ngành đã đến dự và thông tin cho các họa sĩ biết về truyền thống anh hùng, kiên cường bám trụ, ngày đêm canh giữ đảo của các chiến sĩ trong chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Bao nhiêu bom đạn, chất độc hoá học của máy bay, tàu chiến Mỹ đã ném xuống hòn đảo nhỏ bé này. Dấu tích những năm tháng gian nan và oai hùng của Cồn Cỏ vẫn còn đó, hệ thống hào giao thông dài hai mươi tám cây số, trận địa pháo, địa đạo Bến Nghè, giếng nước của bộ đội ta và hai trạm xá dã chiến ở trong lòng đất không thể nào phai nhạt. Sau ngày hòa bình, Cồn Cỏ vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, coi như một vị trí tiền tiêu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh được giao nhiệm vụ canh giữ. Từ năm 2001, đảo đã trở thành Đảo Thanh niên với chương trình của trung ương đoàn đưa thanh niên các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch thuộc huyện Vĩnh Linh ra lập làng thanh niên, nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển trên đảo cho tỉnh nhà. Năm 2004, theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh, đảo đã có quyết định thành lập một đơn vị hành chính mới với tên gọi: Huyện đảo Cồn Cỏ. Ông cũng cho biết gần mười năm nay, khi công tác tổ chức cán bộ cấp huyện được ổn định thì từ trung ương cho đến địa phương đều quyết tâm đầu tư, xây dựng một huyện đảo chiến lược về  kinh tế, chính trị vững vàng. Trong tương lai sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh và văn hoá lịch sử, mặc dù với diện tích không lớn, chỉ hơn 2 km2 nhưng lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Trung bộ, gần nhiều tuyến đường hàng hải trong nước và quốc tế, do đó nó có vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải và là một địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.

Sau khi được nghe những chiến công, những thành tích thời quá khứ anh dũng trong những năm chống Mỹ cứu nước cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng huyện đảo hôm nay, các họa sĩ đã hình dung được một thời oanh liệt, hào hùng và quyết tâm được đi thực tế ngay chiều hôm đó.

Chiếc xe bán tải đã đưa chúng tôi đi vòng quanh đảo để ký họa và làm ảnh tư liệu. Chúng tôi không ngờ rằng từ một vùng đất vốn chịu nhiều bom đạn dày xéo năm xưa, nay đã mọc lên quá nhiều công trình đồ sộ, hoành tráng. Từ văn phòng làm việc của huyện ủy, Ủy ban, Nhà khách huyện, trụ sở Công an huyện, Bệnh viện, Huyện đội, Chi Cục thuế đến Nhà Văn hóa, trường mẫu giáo … có những nơi đã hoàn chỉnh và cũng có nơi đang còn thi công dang dở đã trở thành một hệ thống “phố đảo” rất sang trọng và đẹp mắt. Chúng tôi đến thăm hồ chứa nước nhân tạo, vườn rau sạch, sân vận động của các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn quy hoạch rất gọn gàng, tươm tất. Chúng tôi không quên thăm những di tích lịch sử chiến tranh của một thời hào hùng như Bến Nghè, trận địa Hố pháo bắn máy bay Mỹ, tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong những năm ác liệt nhất và cũng không quên trèo lên chòi của ngọn hải đăng cao chót vót để ngắm toàn cảnh đảo cũng như biển cả bao la, hùng vĩ. Cuối cùng đến với âu thuyền, một vị trí quan trọng nhất của huyện đảo, nơi đây chính là cái rốn, là nơi tàu thuyền ra vào tấp nập, đưa vật liệu xây dựng, hàng hóa, nhu yếu phẩm và cả khách đến làm việc, tham quan du lịch từ đất liền ra đây, xung quanh âu thuyền là cả một công trường nhộn nhịp, nào xe, nào máy, nào xà lan vận chuyển cát sạn, đá tảng lớn… cung cấp cho các nhà thầu để tạo dựng nên diện mạo của những công trình mới trên đảo.

Một buổi chiều oi ả, nóng bức của ngày hè trên biển đảo, chúng tôi đã thâm nhập thực tế tổng quan, còn lại chương trình sẽ dành cho ngày hôm sau đến thăm từng đơn vị quân đội đóng quân trên huyện nhà.

Sau khi dùng cơm tối xong, một chương trình chiếu phim nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến được chiếu tại Nhà Văn hóa thanh niên của huyện do Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh thực hiện, đơn vị đã tháp tùng với chúng tôi trên suốt hành trình từ đất liền ra đây để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân của địa phương. Một đêm trăng đáng nhớ trên mảnh đất anh hùng, trên đảo nhỏ của quê hương…

*  *  *

Chiều hôm sau, chúng tôi phải chia tay với các đồng chí lãnh đạo huyện, với những tình cảm tha thiết, với những lời hứa đầy quyết tâm cho tác phẩm của mình, những đứa con tinh thần sắp được ra đời để đi tham dự triển lãm tại quê hương của Bác Hồ kính mến trong thời gian tới. Những cái bắt tay thân thiện, những ánh mắt chan chứa nghĩa tình như muốn gửi gắm cả cảm xúc của mình vào đất liền từ hải đảo, chúng tôi lên tàu và không quên luyến tiếc về một vùng đất xa xôi, đầy khó khăn, gian khổ, một địa danh đã đi vào lịch sử, đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng năm xưa.

 

H.T.T 

 

 

Hồ Thanh Thoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground